Suy niệm

Học hỏi Thông điệp Fratelli Tutti: TÌNH HUYNH ĐỆ GIỮA MỘT THẾ GIỚI KHÉP KÍN

Giữa một thế giới khép kín, chủ nghĩa cá nhân ẩn núp và phát triển đằng sau những công nghệ mới cũng được Ðức Thánh Cha quan tâm. Ngài bày tỏ sự lo ngại về nền văn hoá xây tường đang làm nảy sinh những hình thức tệ nạn gây ra lo sợ và cô lập.

 

 

TÌNH HUYNH ĐỆ GIỮA MỘT THẾ GIỚI KHÉP KÍN

 

 

Quang Tân

 

Dẫn Nhập

 

Ngày 3 tháng 10 năm 2020 tại Assisi, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã ký một thông điệp mới "Fratelli tutti - Tất cả anh em" về tình huynh đệ và tình thân hữu xã hội. Trong thông điệp này Ðức Thánh Cha gợi ý cho mọi người xây dựng một thế giới tươi đẹp, công bằng và hoà bình hơn; nói không với chiến tranh và vấn nạn toàn cầu hoá của sự thờ ơ. Thông điệp ra đời trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Ðức Thánh Cha bày tỏ: "Đây là điều khiến ngài đau buồn trong khi soạn thảo tài liệu này". Nhưng bối cảnh y tế toàn cầu chỉ ra rằng "không ai sống sót một mình" và đây thực sự là lúc Ðức Thánh Cha "mơ về một nhân loại duy nhất" nơi đó tất cả chúng ta là "anh em của nhau" [1], nơi đó chúng ta không nên đóng khung, không nên khép kín với nhau.

Tuy nhiên, trước khi triển khai đề tài, xin giới thiệu tổng quát về thông điệp Fratelli Tutti - Tất cả là anh em”.

Như vừa nói ở trên, Thông điệp Fratelli Tuttiđược Ðức Thánh Cha ký ngày 3/10/2020, tại Assisi, trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Thông điệp gồm phần dẫn và  8 chương, tất cả 287 số .

Dẫn - Không biên giới: (số 1-8)

Chương 1: Những đám mây đen trên một thế giới khép kín (số 9-55)

Chương 2: Một người lạ mặt trên đường (số 56-86)

Chương 3: Hình dung và tạo nên một thế giới cởi mở (số 87-127)

Chương 4: Một tâm hồn mở ra cho toàn thế giới (số 128-153)

Chương 5: Một thứ chính trị tốt hơn (số 154-197)

Chương 6: Đối thoại và tình bằng hữu xã hội (số 198-224)

Chương 7: Các con đường gặp gỡ được canh tân (số 225-270)

Chương 8: Các tôn giáo phục vụ tình huynh đệ trên trần gian (số 271-287)

Cuối cùng là Kinh cầu cùng Tạo Hoá và Lời cầu nguyện đại kết của các Kitô hữu.

 

Đề tài người viết đang tìm hiểu ở chương 1: Những Đám Mây Đen Trên Một Thế Giới Khép Kín (từ số 9-55). “Những Đám Mây Đen” ở đây hiểu là „Tình Huynh Đệ Giữa Một Thế Giới Khép Kín“ . Xin được triển khai đề tài qua bốn điểm chính:

 

1. Một thế giới chú trọng lợi ích cá nhân hơn chiều kích cộng đoàn

 

Giữa một thế giới khép kín, Ðức Thánh Cha đề cập tới nhiều những vấn đề lệch lạc như: việc thay đổi những khái niệm dân chủ, tự do, công lý; về chủ nghĩa ích kỷ và dửng dưng với công ích; về văn hoá phế thải:

- Trong số 12, Ðức Thánh Cha nói: "Khi xã hội ngày càng trở nên hoàn cầu hóa, nó khiến chúng ta trở thành láng giềng, nhưng không khiến chúng ta trở thành anh em". Chúng ta cô đơn hơn bao giờ hết trong một thế giới ngày càng đông đảo nhằm cổ vũ lợi ích cá nhân và làm suy yếu chiều kích cộng đồng.

- Trong số 14, Ðức Thánh Cha cho rằng những hạn từ như: dân chủ, tự do, công lý hay thống nhất thực sự đã bị bẻ cong và định hình để phục vụ như các công cụ thống trị, như những cụm từ vô nghĩa có thể được sử dụng để biện minh cho bất cứ hành động nào.

- Từ số 18-20, Ðức Thánh Cha nói về văn hoá phế thải - văn hoá vứt bỏ. Ngài nhận định rằng: Sự vứt bỏ ở đây không hẳn là sự thờ ơ với mọi lãng phí vứt bỏ đồ ăn thức uống và đồ vật mà đôi khi là chính con người; con người không còn được coi là có giá trị tối quan trọng cần được chăm sóc và tôn trọng nữa, đặc biệt là khi họ 'không còn cần thiết nữa' - như người già. Việc bỏ xó người già phải sống một cuộc sống buồn bã và cô đơn, là một cách tinh tế để nói rằng tất cả là vì chúng ta, rằng mối quan tâm của cá nhân chúng ta là điều duy nhất quan trọng. Việc cô lập người già và để họ cho người khác chăm sóc mà không có sự gần gũi và quan tâm của các thành viên gia đình đã làm biến dạng và nghèo nàn chính gia đình.

Đó là những điều Ðức Thánh Cha đề cập đến tình huynh đệ giữa một thế giới chú trọng lợi ích cá nhân hơn chiều kích cộng đoàn. Bên cạnh đó, ngài cũng lo sợ khi chủ nghĩa cá nhân ấy ẩn sau những công nghệ mới của thời đại hôm nay.

 

2. Chủ nghĩa cá nhân ẩn sau những kỹ nghệ công nghệ mới

 

Chủ nghĩa cá nhân ẩn sau những kỹ nghệ công nghệ mới được Đức Thánh Cha đề cập trong các số: 25-28, 30-33, 48-50. Tuy nhiên, xin tập chú vào những số chính.

Giữa một thế giới khép kín, chủ nghĩa cá nhân ẩn núp và phát triển đằng sau những công nghệ mới cũng được Ðức Thánh Cha quan tâm. Ngài bày tỏ sự lo ngại về nền "văn hoá xây tường" đang làm nảy sinh những hình thức tệ nạn gây ra lo sợ và cô lập.

- Trong số 27, Ðức Thánh Cha nói đến cơn cám dỗ muốn xây dựng một nền văn hóa của những bức tường, dựng lên những bức tường, những bức tường trong trái tim, những bức tường trong lãnh thổ, để ngăn cản cuộc gặp gỡ với các nền văn hóa khác, với những người khác. Và những người dựng các bức tường kết cục sẽ trở thành nô lệ trong chính các bức tường họ đã xây dựng. Họ bị bỏ rơi không còn chân trời nào, vì họ thiếu sự trao đổi qua lại kiểu này với những người khác.

- Trong số 30, Ðức Thánh Cha chia sẻ: Trong thế giới hôm nay, cảm thức thuộc về một gia đình nhân loại đơn nhất đang mờ dần, và ước mơ làm việc với nhau vì công lý và hòa bình dường như là một điều không tưởng lỗi thời. Thay vào đó, điều đang thống trị là sự thờ ơ lạnh lùng, thoải mái, và việc cô lập tự thu mình vào lợi ích của chính mình không bao giờ là cách để khôi phục hy vọng và mang lại sự đổi mới. Ðúng hơn, phải là sự gần gũi; phải là nền văn hóa của sự gặp gỡ. Cô lập, không; sự gần gũi, đúng. Xung đột văn hóa, không; văn hóa gặp gỡ, đúng.

- Và trong số 31, Ðức Thánh Cha chỉ cho thấy một thế giới chạy đua phía trước nhưng lại thiếu bản đồ chỉ đường chung, tuy nhiên, "sẽ tuyệt vời biết bao nếu sự phát triển của việc canh tân khoa học và kỹ thuật có thể xuất hiện cùng với việc có nhiều bình đẳng và hòa nhập xã hội hơn. Thật tuyệt vời biết bao, khi cùng với việc khám phá ra những hành tinh xa xôi, chúng ta tái khám phá nhu cầu của những người anh chị em đang bao quanh chúng ta".

Cũng trong một thế giới khép kín ấy, Ðức Thánh Cha cũng chỉ ra lỗi của truyền thông không tôn trọng người khác cũng như không đủ khiêm tốn, đang tạo ra những vòng luẩn quẩn ảo và quy kỷ, nơi đó tự do là hão huyền và đối thoại không đem lại lợi ích. Ngài nói:

- "Thế giới ngày nay phần lớn là một thế giới của người điếc... Ðôi khi, nhịp độ điên cuồng của thế giới hiện đại ngăn cản chúng ta chăm chú lắng nghe điều người khác đang nói. Giữa chừng, chúng ta ngắt lời họ và muốn nói ngược lại điều họ còn chưa nói hết. Chúng ta không được đánh mất khả năng lắng nghe của mình" (số 48).

- Khi sự im lặng và thận trọng lắng nghe khuất dạng, thay thế bằng sự điên cuồng nhắn tin, thì cấu trúc căn bản của việc truyền thông khôn ngoan nhân bản sẽ gặp nguy hiểm. Một lối sống mới đang xuất hiện, trong đó, chúng ta chỉ tạo ra những gì chúng ta muốn và loại bỏ tất cả những gì chúng ta không thể kiểm soát hoặc biết được ngay lập tức và hời hợt (x. số 49).

- Việc tràn ngập thông tin trong tầm tay của chúng ta không tạo ra sự khôn ngoan nhiều hơn. Sự khôn ngoan không phát sinh từ những tìm kiếm nhanh chóng trên internet và cũng không phải là một khối dữ liệu chưa được kiểm chứng. Nó không chín mùi đủ để trở thành cuộc gặp gỡ với sự thật. Các cuộc trò chuyện chỉ xoay quanh các dữ kiện mới nhất, chỉ có tính ngang tầm và chồng đống đơn thuần. Chúng ta không dành sự tập trung chú ý vào đó, không đi sâu vào trọng tâm của vấn đề và nhận ra điều gì thiết yếu đem lại ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta. Do đó, tự do trở thành ảo tưởng người ta rao bán cho chúng ta, một ảo tưởng dễ bị nhầm lẫn với khả năng lục lọi trên màn ảnh. Diễn trình xây dựng tình huynh đệ, dù là địa phương hay phổ quát, chỉ có thể được thực hiện bởi những tinh thần tự do và cởi mở chào đón những cuộc gặp gỡ đích thực (số 50).

Đó là những hình thức tệ nạn, những vòng luẩn quẩn ảo gây ra bao phiến toái ẩn sau những công nghệ mới khiến Ðức Thánh Cha buồn lòng. Tuy nhiên, không vì thế mà thất vọng, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta hướng về phía trước với niềm hy vọng đổi mới.

 

3. Niềm hy vọng đổi mới

 

Đúng thế, bất chấp những phiền toái trên, Ðức Thánh Cha mời gọi mỗi người chúng ta bước vào niềm hy vọng đổi mới, vì hy vọng "nói với chúng ta về một điều gì bén rễ sâu trong trái tim mỗi con người, không phụ thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện lịch sử của chúng ta. Hy vọng nói với chúng ta về một cơn khát, một khát vọng, một mong mỏi có được một cuộc sống viên mãn, một khát vọng đạt được những điều to lớn, những điều lấp đầy trái tim và nâng cao tinh thần của chúng ta lên những thực tại cao cả như chân, thiện và mỹ, công bằng và yêu thương... Hy vọng luôn có tính mạnh bạo; nó có thể nhìn xa hơn thuận tiện bản thân, những an toàn và tưởng thưởng nhỏ mọn chuyên giới hạn chân trời của chúng ta, và nó có thể mở lòng chúng ta ra đón nhận các lý tưởng vĩ đại vốn làm cho cuộc sống trở nên tươi đẹp và đáng giá hơn". Vậy chúng ta hãy tiếp tục tiến bước trên các nẻo đường hy vọng (số 54-55).

 

4. Áp dụng vao đời sống cộng đoàn

 

Sau khi nghiên cứu và tìm hiểu, thiết nghĩ, có những điểm cần áp dụng với cộng đoàn như: dửng dưng với công ích, văn hoá phế thải và văn hoá xây tường.

 

a. Dửng dưng với công ích

 

Câu nói “cha chung không ai khóc” tưởng như chỉ có ở những môi trường xã hội đời; nhưng nó vẫn thời sự trong nhiều cộng đoàn tu trì. Bởi vẫn còn đó những suy nghĩ: việc đó không phải việc của tôi, hay lúc này không phải là lúc tôi làm việc này… trong khi công việc cấp bách cần phải làm, cần phải xử lý gấp trong khả năng, trong chuyên môn hay trong bổn phận mà mình lại không làm. Một cộng đoàn tu trì mà ai ai cũng sống thiếu trách nhiệm như thế; ai ai cũng dửng dưng với công ích như vậy, thử hỏi cộng đoàn đó sẽ như thế nào? Tinh thần tương trợ với nhau của mọi thành phần trong cộng đoàn ở đâu? Như thế, chúng ta sống chung với nhau nhưng vẫn là láng giềng của nhau và không là anh em của nhau (x. số 12).

 

b. Văn hoá phế thải

 

Như đã nói ở trên, khi nói về văn hoá phế thải, Đức Thánh Cha không chỉ nói đến vấn đề vất bỏ đồ ăn thức uống, nhưng ngài còn nhắm đến việc bỏ xó người già, cô lập người già, thiếu sự kính trọng, thiếu sự quan tâm chăm sóc, thiếu sự gần gũi với họ… Như thế là làm biến dạng và nghèo nàn chính gia đình (x. số 18-20). Trong tông huấn Amoris Laetitia, số 193, Đức Thánh Cha cũng đã nói: Một gia đình mà thiếu kính trọng và chăm sóc ông bà, vốn là kí ức sống động của mình, sẽ là một gia đình rệu rã; ngược lại, một gia đình mà còn nhắc đến quá khứ là gia đình có tương lai. Bởi thế, trong một nền văn minh mà không có chỗ cho người cao niên hoặc người cao niên bị loại bỏ vì tạo ra vấn đề, thì xã hội đó đã nhiễm vi khuẩn sự chết”.

Với các vị cao niên trong các cộng đoàn Biển Đức, Xitô được Thánh Biển Đức đặc biệt quan tâm. Ngài giao trọng trách này cho viện phụ, khuyên viện phụ phải dùng thẩm quyền mà đối xử đặc biệt với các ngài; phải luôn quan tâm tới sự yếu đuối của các ngài, không khắt khe với các ngài trong việc ăn uống (x. TL 37,1-2). Khi các ngài già yếu, cũng như khi có anh em bệnh tật, thánh Biển Đức cũng khuyên viện phụ phải rất mực săn sóc, đồng thời cử anh em có lòng kính sợ Chúa và siêng năng cần mẫn để săn sóc các ngài. Tuy nhiên, đừng vì thế mà viện phụ thiếu quan tâm đến các ngài. Viện phụ vẫn là người chịu trọng trách trên hết nếu quản lý hay những anh em phụ trách chểnh mảng (x. TL 36,6-7.10).

Về phần chúng ta, thiết tưởng, chúng ta nên giành thời gian đến viếng thăm các vị cao niên, dưỡng bệnh... Các ngài rất cần những lời động viên, chia sẻ, khích lệ của chúng ta. Được như thế quả là hạnh phúc biết bao: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay. Anh em được sống vui vày bên nhau” (Tv 133,1).

 

c. Văn hoá xây tường

 

Văn hoá xây tường mà Đức Thánh Cha muốn nói ở đây không chỉ là những bức tường ngăn cách lãnh thổ, mà còn là bức tường ngăn cách trong trái tim, để ngăn cản cuộc gặp gỡ với các nền văn hóa khác, với những người khác.

Sau năm 1975, tại Việt Nam, có thể nói có rất nhiều lý do mà văn hoá vùng miền biểu lộ. Nó biểu lộ từ ngoài xã hội cho đến các cộng đoàn tu trì. Nhiều cộng đoàn tu trì có thời người miền bắc, người miền trung không nhận. Hôm nay, trong cộng đoàn chúng ta có rất nhiều anh em từ các vùng miền khác nhau. Chúng ta sống tình huynh đệ này như thế nào? Trong những cuộc vui chơi giải trí, chúng ta có não trạng khoanh vùng không? Nghĩa là chúng ta chỉ chơi với những người hợp sở thích; chỉ chuyền banh, chỉ nêu banh cho những người mình thương, những người biết chơi mà quên đi người anh em bên cạnh ta.

Để đạt được những điều Đức Thánh Cha mong ước, chúng ta luôn ý thức và nói không với văn hoá xây tường và nói có với nền văn hoá của sự gặp gỡ, của gần gũi (x. số 27-28.30).

 

Kết luận

 

Để đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha, vấn đề thiết yếu và cấp bách không chỉ là từ phía cộng đoàn mà là chính từng thành viên cần cố gắng, cần nỗ lực và sống thật tròn đầy ơn gọi của mình, chỉ như thế mới mong không phụ lòng ký thác của vị cha chung của Giáo hội.

Trên đây là những gì người viết đã tìm hiểu từ chương một của thông điệp “Fratelli Tutti – Tất cả là anh em” để trình bày với mọi người. Chắc hẳn còn nhiều thiếu xót, kính mong quý độc giả lượng thứ.

 

Tham Khảo:

 

Tông huấn Amoris Laetitia, số 193.

Tu Luật Thanh Cha Thánh Biển Đức.

 

[1]. https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-10/tom-tat-thong-diep-fratelli-tutti.html

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á