Suy niệm

Góc Tản Mạn: Chúa Nhật Chúa Chiên Lành (Quốc Vũ)

Mục Tử và đàn chiên, là một trong những cụm từ đẹp mà Đức Giêsu đã dùng để diễn tả mối tương qua giữa Ngài và dân Chúa.

 

 Quốc Vũ

Mục Tử và đàn chiên, là một trong những cụm từ đẹp mà Đức Giêsu đã dùng để diễn tả mối tương qua giữa Ngài và dân Chúa. Ta thử nghĩ, giả xử ngày xưa Đức Giêsu đến Việt Nam rao giảng Tin Mừng thì có lẽ Ngài sẽ dùng hình ảnh mục đồng và con trâu, bởi lẽ ở đất nước hình chữ S mình, mối tương quan giữa người và trâu trước đây cũng là một hình ảnh đẹp trong cuộc sống cũng như tạo nhiều cảm hứng làm nên nhiều tác phẩm nghệ thuật tranh, ảnh, nhạc và thơ. 

«Ta là mục tử nhân lành, Ta biết chiên của ta và chiên Ta biết Ta. Ta biết chúng và chúng theo Ta. Ta hy sinh tính mạng vì đàn chiên», lời này diễn tả mối tương quan gắn bó thật đẹp giữa mục tử và đàn chiên. Tương tự như thế, ca dao Việt Nam cũng đã khắc họa nên một hình ảnh đẹp giữa người và trâu: 

«Trâu ơi!, ta bảo trâu này,

Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta

Cấy cày vốn nghiệp nông gia

Ta đây trâu đấy ai mà quản công

Bao giờ cây lúa còn bông,

Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn» 

Nếu như tương quan giữa mục tử và chiên gắn bó khắt khít qua việc nghe, biết và hiểu nhau, thì tương quan giữa người và trâu cũng như thế. Hai tiếng cảm thán «trâu ơi!» vang lên thiết tha ngọt ngào diễn tả mối tương quan giữa người và trâu là bạn bè, bình đẳng và cảm thông. Trâu là cánh tay đắc lực của nhà nông, đồng cam chịu khổ với nhau: «Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta». Ở đây ta thấy sự thân tình của «trâu cày với ta» chứ không phải «trâu cày cho ta», nói lên sự thân tình, trâu với người cùng chung gian truân lao nhọc để cho «cây lúa còn bông» và dĩ nhiên là cũng «còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn». Ở đây lại cho ta thấy một sự công bằng đến lạ, lúa còn thì cỏ còn, con người được ấm no thì trâu cũng được no ấm. 

Ngày nay, hình ảnh «con trâu đi trước, cái cày theo sau» có lẽ không còn được thấy nhiều trong đời thường như ngày xưa khi mà «con trâu là đầu cơ nghiệp» của phần lớn các gia đình người Việt chúng ta. Nhưng đâu đó ta cũng có thể thấy được hình ảnh những con trâu hiền lành đang gặm cỏ với những em bé vùng quê đang ngồi vất vưởng trên lưng trâu mà huýt sáo nghêu ngao: «Ai bảo chăn trâu là khổ. Chăn trâu sướng lắm chứ. Ngồi mình trâu, phất ngọn cờ lau. Và miệng hát nghêu ngao. Vui thú không quên học đâu. Nằm đồi non gió mát. Cất tiếng theo tiếng lúa đang reo. Em đánh vần thật mau».

 

Thiết kế Web : Châu Á