Suy niệm

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "ĐỪNG SỐNG HAI MẶT, LÀM GƯƠNG XẤU"

Một khuyết điểm thông thường của những người có quyền bính, quyền bính dân sự cũng như quyền bính tôn giáo, là đòi hỏi nơi những người khác các điều cả khi đúng đắn, nhưng họ lại là những người đầu tiên không thực hành chúng. Thái độ này là một gương xấu trong việc thực thi quyền bính, đáng lý ra phải nêu gương tốt. Quyền bính là một trợ giúp, nhưng nếu được thực thi một cách xấu xa thì nó trở thành áp bức, không để cho con người lớn lên và tạo ra một bầu khí mất tin tưởng thù nghịch và cả thối nát nữa.


 

      ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật hôm qua.

Giải thích Phúc Âm Chúa Nhật 31 thường niên ghi lại lời Chúa Giêsu quở trách giới lãnh đạo Do thái ĐTC nói: Trình thuật được lồng khung trong các ngày cuối cùng cuộc đời của Chúa tại Giêrusalem; những ngày tràn đầy chờ mong và cũng căng thẳng. Một đàng Chúa Giêsu đưa ra lời phê bình các ký lục và biệt phái, đàng khác Ngài để lại các huấn thị cho các tín hữu kitô thuộc mọi thời đại, vì thế bao gồm cả chúng ta nữa.

Chúa Giêsu nói với đám đông dân chúng: “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ”. Điều này có nghĩa là họ có quyền giảng dậy điều phù hợp với Luật của Thiên Chúa. Nhưng ngay sau đó Chúa Giêsu nói thêm: “còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm” (cc.2-3). ĐTC giải thích sự kiện này như sau:

Anh chị em thân mến, đây là một khuyết điểm thông thường của những người có quyền bính, quyền bính dân sự cũng như quyền bính tôn giáo, là đòi hỏi nơi những người khác các điều,  cả các điều đúng đắn, nhưng họ lại là những người đầu tiên không thực hành chúng. Họ có cuộc sống hai mặt. Chúa Giêsu nói: “ Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. (c.4)”. Thái độ này là một việc thực thi xấu quyền bính, đáng lý ra phải có được sức mạnh đầu tiên của nó trong việc nêu gương tốt. Quyền bính nảy sinh từ gương tốt, để giúp các người khác thi hành điều đúng đắn và phải làm, bằng cách yểm trợ họ  trong các thử thách gặp phải trên con đường sự thiện. Quyền bính là một trợ giúp, nhưng nếu thực thi xấu, thì nó trở thành áp bức, không để cho con người lớn lên và tạo ra một bầu khí không tin tưởng và thù nghịch, và đưa tới cả sự thối nát nữa. Đó là thái độ chỉ sống bề ngoài.

ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ: Chúa Giêsu công khai tố cáo vài thái độ tiêu cực của các ký lục và của vài người pharisêu: “Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là “ráb-bi” (cc. 6-7). Đây là một cám dỗ tương xứng với sự kiêu ngạo và không luôn luôn dễ mà thắng vượt được nó.

Thế rồi Chúa Giêsu đưa ra các huấn thị cho các môn đệ Ngài: “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là “ráb-bi”, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô. Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em.” (cc.8-11). Áp dụng vào cuộc sống tín hữu ĐTC nói:

Là các môn đệ của Chúa Giêsu chúng ta không được tìm kiếm các tước hiệu danh dự, quyền bính hay sự tối cao. Tôi nói với anh em rằng riêng cá nhân tôi tôi rất đau lòng, khi thấy những người có tâm lý chạy theo các danh dự hư không. Chúng ta là các môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta không được làm điều này, bởi vì giữa chúng ta phải có một thái độ đơn sơ và huynh đê. Chúng ta tất cả là anh em và chúng ta không được chèn ép các người khác và nhìn họ từ trên cao xuống. Không, chúng ta tất cả là anh em với nhau. Nếu chúng ta đã nhận được các phẩm tính từ Cha trên trời, chúng ta phải dùng chúng để phục vụ các anh em khác, và không lợi dụng chúng cho sự thoả mãn của chúng ta và lợi lộc cá nhân. Chúng ta không được coi mình cao hơn người khác, lòng khiêm tốn là điều nòng cốt cho một cuộc sống muốn phù hợp với giáo huấn của Chúa Giêsu, là Đấng dịu hiền và khiêm nhường trong lòng, và đã đến không khải để được phục vụ, mà là để phục vụ.

Xin Đức Trinh Nữ Maria “là thụ tạo khiêm nhường và cao cả nhất” (Dante, Thiên Đàng, XXXIII,2) giúp chúng ta với sự bầu cử hiền mẫu của Mẹ, xa lánh sự kiêu ngạo và hư danh, biết khiêm nhường và ngoan ngoãn đối  với  tình yêu đến từ Thiên Chúa, để phục vụ các anh em của chúng ta và cho niềm vui của họ cũng sẽ là niềm vui của chúng ta.

Tiếp đến ĐTC đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành toà thánh cho mọi người.

Sau Kinh  Truyền Tin ĐTC đã nhắc tới lễ phong chân phước tại Indore bên Ấn Độ cho  chị Maria Vattalil nữ tu dòng Clarist Phan Sinh, bị giết vì đức tin kitô năm 1995. Nữ tu Vattalil đã làm chứng cho Chúa Kitô trong tình yêu và sự dịu hiền, và kết hiệp với đạo binh đông đúc các vị tử đạo của thời đại chúng ta. Ước chi hy lễ  của chị  là hạt giống đức tin và hoà bình đặc biệt trên đất Ấn Độ. Chị đã rất là tốt lành. Người ta đã gọi chị là “nữ tu của nụ cười”.

ĐTC đã chào các nhóm tín hữu và khách hành hương đến từ Gomel bên Bạch Nga, các thành viên Hiệp hội Trung tâm hàn lâm viện Roma Madrid, cũng như tín hữu các thành phố Valencia, Murcia và Torrente bên Tây Ban Nha, và các nữ tu chị em Chúa Quan Phòng mừng 175 năm thành lập. Ngài cũng chào ca đoàn trẻ Minipolifonici tỉnh Trento bắc Italia và mời họ hát một chút sau đó. ĐTC cũng chào các ca đoàn Candiana, Maser và Bagnoli di Sopra, cũng như các tham dự viên đại nhạc hội và nghệ thuật thánh đến từ nhiều nước khác nhau, và tín hữu đến từ Altamura, Guidonia và Lodi và giáo xứ thánh Luca ở Roma. Sau cùng ngài chúc tất cả ngày Chúa Nhật tươi vui và xin mọi người đừng quên cầu nguyện cho ngài.

Linh Tiến Khải

Nguồn: Vatican Radio

Thiết kế Web : Châu Á