Suy niệm

ĐỌC và SUY NIỆM TIN MỪNG tuần XIII THƯỜNG NIÊN, 2018 (Hiền Lâm)

... đức tin đôi khi cần một sự can đảm và liều lĩnh, vượt trên mọi mặc cảm và cả sự nguy hiểm để được chạm vào Chúa Giêsu. 

 

Kết quả hình ảnh cho hình ảnh ông trưởng hội đường xin Đức Giêsu chữa con gái được sốngCHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN, NĂM B

 

THỨ HAI TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN

THỨ BA TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN

Ngày 03-07: Thánh Tô-ma Tông Đồ, Lễ kính

 

THỨ TƯ TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN

THỨ NĂM TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN

THỨ SÁU TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN

THỨ BẢY TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN

 

 

Các bài chia sẻ: Lm. Hiền Lâm

 

 

----------------ooo000O+O000ooo---------------

 

 

CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN, NĂM B 

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Mc 5,21-43

Đức Giê-su xuống thuyền, lại trở sang bờ bên kia. Một đám rất đông tụ lại quanh Người. Lúc đó, Người đang ở trên bờ Biển Hồ. Có một ông trưởng hội đường tên là Gia-ia đi tới. Vừa thấy Đức Giê-su, ông ta sụp xuống dưới chân Người, và khẩn khoản nài xin: "Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống." Người liền ra đi với ông. Một đám rất đông đi theo và chen lấn Người.

Có một bà kia bị băng huyết đã mười hai năm, bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều đến tán gia bại sản, mà vẫn tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác. Được nghe đồn về Đức Giê-su, bà lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người, và sờ vào áo của Người. Vì bà tự nhủ: "Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu." Tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. Ngay lúc đó, Đức Giê-su thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra, Người liền quay lại giữa đám đông mà hỏi: "Ai đã sờ vào áo tôi? " Các môn đệ thưa: "Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi: Ai đã sờ vào tôi? " Đức Giê-su ngó quanh để nhìn người phụ nữ đã làm điều đó. Bà này sợ phát run lên, vì biết cái gì đã xảy đến cho mình. Bà đến phủ phục trước mặt Người, và nói hết sự thật với Người. Người nói với bà ta: "Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh."

Đức Giê-su còn đang nói, thì có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo: "Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa? " Nhưng Đức Giê-su nghe được câu nói đó, liền bảo ông trưởng hội đường: "Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi." Rồi Người không cho ai đi theo mình, trừ ông Phê-rô, ông Gia-cô-bê và em ông này là ông Gio-an. Các ngài đến nhà ông trưởng hội đường. Đức Giê-su thấy người ta khóc lóc, kêu la ầm ĩ. Người bước vào nhà và bảo họ: "Sao lại náo động và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy! " Họ chế nhạo Người. Nhưng Người bắt họ ra ngoài hết, rồi dẫn cha mẹ đứa trẻ và những kẻ cùng đi với Người, vào nơi nó đang nằm. Người cầm lấy tay nó và nói: "Ta-li-tha kum", nghĩa là: "Này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi! " Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai tuổi. Và lập tức, người ta kinh ngạc sững sờ. Đức Giê-su nghiêm cấm họ không được để một ai biết việc ấy, và bảo họ cho con bé ăn.

 

+ SUY NIỆM

“NIỀM TIN – KIÊN NHẪN VÀ CAN ĐẢM”

Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật việc Chúa Giêsu đến nhà ông Giairô là trưởng hội đường để chữa cho con gái của ông được sống lại. Câu chuyện bị gián đoạn bởi trên đường đi xảy ra việc xuất hiện một phụ nữ bị bệnh loạn huyết lẻn vào đám đông vây quanh Chúa Giêsu để chạm và Người. Xuyên suốt tường thuật nổi bật lên chứng từ niềm tin của hai nhân vật và Chúa Giêsu đã ra tay thực hiện điều họ ao ước bởi niềm tin của họ.

 

* Niềm tin và sự can đảm.

“Lòng tin của con đã cứu con”.

- Hầu như mọi lần chữa lành bệnh tật cho ai, Chúa Giêsu đều nói đến lòng tin đã cứu họ. Đức Tin là điều kiện đầu tiên để được chữa lành và phép lạ chỉ xảy ra khi thụ nhân tin vào Đấng chữa lành. 

Người phụ nữ bị loạn huyết mang trên mình vừa căn bệnh thân xác cả nỗi đau tinh thần. Thân xác bị đau đớn và ra dơ dáy, tinh thần đau khổ vì bị mọi người xa lánh vì sợ bị nhiễm uế theo luật. Bởi sách Lêvi quy định ai bị loạn huyết sẽ phải bị coi là ô uế, ai chạm đến họ thì cũng bị ra ô uế, họ đụng đến thứ gì thì thứ đó ra ô uế, và ai đụng đến những thứ người ô uế đã ngồi hay nằm lên thì cũng bị ô uế (x. Lv 15,18-30) . Như vậy, người bị rong huyết nếm trải tận cùng của nỗi đau và tuyệt vọng: tuyệt vọng vì đã 12 năm tán gia bại sản, tuyệt vọng vì bệnh vô phương cứu chữa., tuyệt vọng vì bị loại trừ khỏi cộng đồng. Thế nhưng, người phụ nữ bị loạn huyết trong Tin Mừng hôm nay đã liều lĩnh vượt lên trên mọi mặc cảm và sự cấm kỵ để được chạm vào Chúa Giêsu.

Thật vậy, hôm nay Chúa Giêsu đang trên đường đi, đám đông chen lấn vây quanh Chúa Giêsu, vì ai cũng sợ bị nhiễm uế theo luật, nên nếu xuất hiện một kẻ ô uế trà trộn chen vào đụng hết người này qua người khác, thì chắc chắn sẽ phải mang tội chết. Nhưng không, chính niềm tin vào Đấng duy nhất có thể chữa căn bệnh quái ác của mình, người phụ nữ đã liều lĩnh lẻn vào đám đông để được gặp Chúa Giêsu. Niềm tin đó còn mãnh liệt hơn khi bà nghĩ rằng, chỉ cần được chạm vào gấu áo Chúa thôi là được khỏi rồi, và niềm tin của bà đã được đền đáp khi Chúa Giêsu phát hiện ra và nói với bà với lời đầy cảm thông yêu thương: “Này con, đức tin của con đã chữa con”.

Như vậy, đức tin đôi khi cần một sự can đảm và liều lĩnh, vượt trên mọi mặc cảm và cả sự nguy hiểm để được chạm vào Chúa Giêsu. 

- Mọi người chúng ta muốn đến được với Chúa rất cần một sự can đảm và liều lĩnh, nhất là khi chúng ta đang sống trong sự bi đát của tội lỗi, sống tách biệt với cộng đoàn đã lâu năm, bị mọi ngăn trở xã hội và cả tôn giáo tạo nên ngăn cản chúng ta đến với Chúa. Hãy can đảm đứng lên, mau chạy đến bí tích hoà giải để được Chúa chữa lành thương tích linh hồn, để hoà nhập với cộng đồng. Hãy chạy đến bí tích Thánh Thể để tâm hồn được chạm đến Chúa Giêsu và sinh lực từ Thánh Thể sẽ phát ra làm cho chúng ta nên mạnh mẽ. 


*  Niềm tin và lòng kiên nhẫn.

“Đừng sợ! Cứ vững tin”

Thông thường, việc chữa bệnh của Chúa Giêsu xảy ra tại nơi ngài đang giảng dạy hoặc đang trên hành trình, đôi khi Ngài chữa bệnh từ xa bằng cách nói: “Ông về đi, con ông sống…”. Nhưng hôm nay, khi Chúa Giêsu đang giảng dạy, có ông Giai-rô đến sụp lạy xin chữa lành cho con gái ở nhà, Chúa Giêsu lại lên đường đi với ông về nhà. Quãng đường không biết bao xa, nhưng vì đám đông đi theo chen lấn, và xuất hiện một bà bị loạn huyết chen vào ‘phá đám’ nên chưa đến nơi thì có người đến báo là con ông Giai-rô đã chết. Có lẽ lúc này đức tin của ông trưởng hội đường bị đặt trước một thử thách rất lớn bởi lẽ ra Chúa Giêsu đã có thể đến sớm hơn để “bệnh nhân không chết nếu bác sĩ Giêsu đến kịp”. Thế nhưng Chúa Giêsu đã vội trấn an: “Ông đừng sợ, cứ vững tin!”. Và vì vững tin mà con gái ông Giairô đã được Chúa cho hồi sinh.

- Cũng vậy, hành trình đức tin của mọi Kitô hữu chúng ta là một chặng đường dài, đôi khi còn bị gián đoạn với bao yếu tố ngoại cảnh mà chúng ta không lường trước được, thậm chí có lúc tưởng chừng như tuyệt vọng. Nhưng nếu chúng ta vững chí như ông Giairô thì sẽ được cứu độ.

 

Tóm lại, qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa dạy chúng ta luôn vững tin vào Chúa dù gặp phải bao khó khăn thử thách. Đức tin được rạng ngời nhờ sự thanh luyện gian nan và trường kỳ. Đức tin đòi hỏi một sự can đảm liểu lĩnh và một sự kiên nhẫn vững tâm, để nhờ đó chúng ta mới đạt đến chân lý cuối cùng là Ơn Cứu Độ.

 

Lạy Chúa, xin cho chúng con can đảm bước theo Chúa giữa những thử thách đau thương của cuộc đời. Xin cũng cho chúng con biết năng chạy đến với bí tích hoà giải để được Chúa chữa lành bệnh tật thiêng liêng trong tâm hồn chúng con. Amen.

 

THỨ HAI TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN 

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Mt 8,18-22

Thấy xung quanh có đám đông, Đức Giê-su ra lệnh sang bờ bên kia. Một kinh sư tiến đến thưa Người rằng: "Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo." Đức Giê-su trả lời: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu."

Một môn đệ khác thưa với Người: "Thưa Ngài, xin cho phép con về chôn cất cha con trước đã." Đức Giê-su bảo: "Anh hãy đi theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ."

 

+ SUY NIỆM

Khác với những chưởng môn hay đạo trưởng khi chiêu tập môn sinh thường đưa ra những hứa hẹn cho tương lai xán lạn, Chúa Giê-su trong Tin Mừng hôm nay lại đưa ra những đòi hỏi quyết liệt và dứt khoát cho những ai muốn bước theo Người.

Chúa Giê-su đã trả lời cho hai trường hợp đến xin theo Người cùng chung một điều kiện là “từ bỏ”, từ bỏ những tìm kiếm mang tính trần thế và từ bỏ cả những vương vấn tình cảm, thậm chí là liên hệ ruột thịt.

Thánh Mát-thêu kể ra hai trường hợp: một kẻ “xin nhập tu” và một “người đang tu thì xin về phép thăm gia đình” (khác với thánh Lu-ca kể thêm trường hợp thứ ba là “cầm cày còn ngoảy lại sau” – nghĩa là kẻ tu mà đứng núi này trông núi nọ, bắt cá hai tay và vẫn tơ tưởng hoa thơm cỏ lạ bên đường – x. Lc 9,57-62).

Với trường hợp “tìm hiểu” thì Chúa Giê-su xác định điều kiện theo Người là lo tìm Chúa chứ không tìm được tiện nghi và quyền lực; còn trường hợp “xin về phép” thì Chúa Giê-su dạy tu thì lo tu chứ đừng vương vấn lo lắng chuyện gia đình nữa.

 

* Từ bỏ quyền lực.

Một kinh sư tiến đến thưa Chúa Giê-su rằng: "Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo." Đức Giê-su trả lời: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu." (Mt 8,19-20).

Nhiều người khi nghe câu Tin Mừng này, thường giải thích theo nghĩa “khó nghèo” và cho rằng Chúa Giê-su nghèo đến mức thua cả con chồn con cáo, vô gia cư và ăn bờ ngủ bụi. Nhưng thực ra, Chúa tuy nghèo đấy nhưng Chúa có nhà cửa và khi Chúa chịu chết và Phục Sinh thì Mẹ Maria vẫn còn sống, vả lại các Tin Mừng vẫn kể chuyện Chúa đưa các môn đệ về ở nhà với Người (x. Ga 1,39).

Đúng hơn, Chúa Giê-su xác định cho ai muốn bước theo Người phải từ bỏ việc tìm kiếm quyền lực trần thế. Điều này được kể là tìm kiếm đầu tiên của các môn đệ và Chúa đã phải rất nhiều lần cảnh báo các ông hiểu lầm về sứ mạng của Người (các ông mong khi Chúa làm lớn thì các ông cũng được chức này quyền nọ, vinh thân phì gia), Gioan và Giacôbê thì đòi ngồi bên hữu bên tả, thậm chí đến khi Chúa sắp chịu Tử Nạn mà các ông vẫn còn lo cãi nhau ai sẽ làm làm lớn làm nhỏ; khi Chúa sống lại các ông còn hỏi là Thầy sắp lập vương quốc chưa?

Thật ra, đây là kiểu nói ẩn dụ mà Thánh Kinh thường sử dụng. Chồn cáo là loài rình rập trong bóng tối, ám chỉ Hê-rô-đê (x. Lc 13,32); trên cờ hiệu của lính Rô-ma (Phi-la-tô) có hình mỏ chim đại bàng. Hê-rô-đê và Phi-la-tô là đại diện cho hai thứ quyền lực bản địa và thực dân thời bấy giờ. Khi nói “chồn có hang, chim có tổ”, Chúa Giê-su muốn nói trước với kẻ xin theo Người rằng: Theo Hê-rô-đê tuy bù nhìn nhưng còn có quyền lực và danh vọng, theo Phi-la-tô còn có quyền công dân Rô-ma và thế giá mẫu quốc; còn theo Chúa Giê-su thì đừng mong gì quyền lợi thế trần, nhưng là hạ mình xuống phục vụ anh chị em mình.

Tin mừng kể rõ người đến xin theo Chúa ở đây là một kinh sư, chúng ta không biết là sau khi Chúa ra điều kiện từ bỏ, ông này có còn dám theo hay không, chỉ biết rằng trong Nhóm Mười Hai cũng có Bartolomeo là kinh sư.

Xét về giai cấp xã hội và tôn giáo Do-thái, tuy giới kinh sư không có thực quyền, nhưng họ có một chỗ đứng rất lớn về mặt tôn giáo trong việc giải thích Thánh Kinh và được mọi người kính trọng, một số thỏa hiệp với Rô-ma để có được những quyền lợi nhất định. Giới kinh sư không thiếu những người thích ăn mặc trịnh trọng, muốn được ăn trên ngồi trốc và muốn được mọi người chào hỏi… Và có lẽ chính vì vậy mà khi “vị kinh sư” này đến xin “đi tu” thì Chúa Giê-su xác định ngay từ đầu điều kiện “từ bỏ tư tưởng tìm kiếm quyền lực trần gian”.

Không riêng gì những người xin theo Chúa ngày xưa, ngày nay cũng không thiếu những người tìm theo Chúa, cách riêng trong ơn gọi tu trì, họ tìm gia nhập các dòng tu hay tu hội với mong muốn được đổi đời, được làm làm ông này bà nọ, để được kính trọng gọi là cha là soeur… phần vì ưa danh vọng phần vì áp lực gia đình dòng họ muốn đã đi tu thì phải làm cha hay làm chức gì đó có tiếng tăm, để rồi không thiếu những người đã tìm mọi cách, thậm chí dùng cả những thủ đọn thấp hèn để đạt mục đích.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta ý thức hơn chức vụ trong Hội Thánh là để phục vụ và hi sinh truyền giáo, chứ không phải để được kính nể trọng vọng. Nếu không, chúng ta cũng chẳng hơn gì những kinh sư giả hình xưa kia mà Chúa Giê-su từng lên án.

 

* Từ bỏ những liên hệ tình cảm.

Một môn đệ khác thưa với Người: "Thưa Ngài, xin cho phép con về chôn cất cha con trước đã." Đức Giê-su bảo: "Anh hãy đi theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ." (Mt 8, 21-22).

Trường hợp thứ hai này là một môn đệ, nghĩa là người đã đi theo Chúa rồi, chứ không phải mới đến xin “nhập tu” nữa.

Hôm nay môn đệ này đến xin Chúa Giê-su để “về phép”, có thể là muốn phụng dưỡng cha già mẹ yếu của mình cho đến khi cha mẹ chết rồi mới “vào tu tiếp”, mà không nhận ra được tính khẩn thiết của việc loan báo Tin Mừng nước Thiên Chúa, đi tu nhưng vẫn coi công việc gia đình cao hơn sứ vụ Chúa giao phó. Cũng có thể đó là một cái cớ người môn đệ này vịn để thoái thác; những bổn phận ấy của anh có lẽ chẳng qua là bổn phận thuộc về thế giới của “kẻ chết”.

Khi nghe lời quả quyết cách dứt khoát của Chúa Giê-su theo kiểu Người không thể mất thời giờ với những môn đệ không biết sẵn sàng hi sinh tất cả vì Tin Mừng, có lẽ không ít chúng ta cho rằng Chúa Giê-su đòi hỏi quá khắt khe chăng?

Thật ra, không phải Chúa Giê-su xem nhẹ đạo hiếu, nhưng Người muốn cho những ai đã chọn bước theo Chúa cần có sự siêu thoát, tự do lựa chọn chứ không ai ép buộc. Người muốn môn sinh phải ưu tiên cho việc Chúa hơn những tương quan khác. Đã chọn sứ vụ rao giảng Tin Mừng thì phải giảm thiểu tối đa những vương vấn gia đình.

“Kẻ chết chôn kẻ chết”. Với cách diễn đạt của Tin Mừng, khi chọn theo Chúa là đang bước vào cõi sống, được Chúa làm gia nghiệp là đạt đến sự sống đời đời; còn không theo Chúa là vẫn đang bị giam giữ dưới quyền lực sự chết phần linh hồn. Vì thế, cứ để thể gian lo chuyện sống chết thể lý, còn người theo Chúa lo rao giảng Tin Mừng về sự sống đời đời cho những ai còn đang ở trong bóng tối sự chết ấy.

 

Tóm lại, không ai làm tôi hai chủ được, nghĩa là đã chọn theo Chúa Giê-su cùng với sứ vụ rao giảng Tin Mừng đòi hỏi phải từ bỏ một cách dứt khoát những đam mê danh vọng quyền lực và những liên hệ vương vấn tình cảm – kể cả tình cảm gia đình ruột thịt, để toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp Nước Chúa.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con là những người đã chọn theo Chúa trong ơn gọi làm Ki-tô hữu, cách riêng những ai sống đời thánh hiến, luôn ý thức về quyền bính là để phục vụ; đồng thời luôn biết ưu tiên việc Chúa là trên hết mọi thứ liên hệ thế gian. Amen.

 

 

Ngày 03/07: LỄ KÍNH THÁNH TÔMA TÔNG ĐỒ 

 

* ĐỌC TIN MỪNG: Ga 20,24-29

Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. Các môn đệ khác nói với ông: "Chúng tôi đã được thấy Chúa!" Ông Tô-ma đáp: "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin." Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em." Rồi Người bảo ông Tô-ma: "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin." Ông Tô-ma thưa Người: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con! " Đức Giê-su bảo: "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin! "

 

+ SUY NIỆM

Bài Tin Mừng về lễ thánh Tôma hôm nay làm nổi bật lên niềm tin của một vị Tông Đồ trước và sau khi gặp gỡ Đấng Phục Sinh. Hình ảnh của thánh Tôma tông đồ phản ảnh mọi thái độ tin của chúng ta ngày hôm nay: Có người đòi thấy mới tin, có người tin vì không thể chối cãi, có người không thấy mà tin.

 

* Thấy mới tin.

Có thể nói, Tôma trước hết là mẫu người của khoa học thực nghiệm, cái gì cũng phải được thí nghiệm và kiểm chứng. Ông thuộc nhóm những kẻ cứng lòng, dù toàn bộ anh em trong nhóm môn đệ Chúa Giêsu chứng nhận, nhưng ông vẫn không tin. Đối với ông chân lý không phải cái mình chưa thấy, không phải theo số đông, nhưng là một sự mục kích bằng giác quan.

Tôma cứng lòng ở chỗ là cả một cộng đoàn đồng môn với mình, ai cũng chứng nhận là đã thấy Thầy sống lại, nhưng ông dứt khoát không tin. Như vậy, không những ông không tin Chúa mà còn không tin nhau, ông thuộc tuýp người tự kỷ và sống khép kín với cộng đoàn. Ông không tin ai cả và chỉ tin cái gì “bất đắc dĩ không cãi được nữa”. Một sự dè dặt và luôn sợ sệt người khác lừa mình.

Có lẽ vì những môn đệ khác đã được thấy Chúa; còn Tôma, ông cũng muốn được hân hạnh đó, nếu có thể được. Và hơn nữa, ông muốn có bằng chứng xác thực hơn kiểu cách anh em mô tả. Ông muốn được mắt thấy tay sờ. Tin Mừng mô tả thái độ của ông như vậy để khẳng định rằng: niềm tin của các Tông đồ vào việc Chúa sống lại căn cứ vào những cơ sở thật chắc chắn.

Cách nào đó, chúng ta cũng giống như thánh Tôma xưa, tinh thần khoa học ngày nay làm cho chúng ta đặt lại tất tất cả các vấn đề, phê bình, phân tích, thí nghiệm, kiểm chứng trước khi chấp nhận. Từ đó, trong lãnh vực đức tin chúng ta đòi hỏi phải có những lý lẽ hợp lý, xác thực như những sự kiện của khoa học… để rồi nghi ngờ và thậm chí chối bỏ những chân lý mặc khải đã được Giáo Hội minh định.

Phải thừa nhận, khoa học đem lại nhiều hiểu biết cho nhân loại về vũ trụ quan và nhân sinh quan, đưa ra hàng ngàn khám phá mới có ích cho cuộc sống hôm nay, mà người của năm thế kỷ trước không tưởng tượng ra được hoặc gán cho thần minh. Nhưng khoa học mãi mãi không thể lý giải được cái kết của đời người ở bên kia cái chết, không thể lý giải được những kỳ công trong vũ trụ… Chỉ có đức tin dựa trên mặc khải mới trả lời được những gì bí ẩn mà thôi.

Thật vậy, chân lý khoa học là những gì biết được bằng thí nghiệm kiểm chứng thuộc phạm vi vật chất. Còn chân lý đức tin là những gì thuộc siêu nhiên mà giác quan thể lý không thể mục kích được, mà chỉ biết bằng mặc khải và sự cảm nhận những chân lý khả dĩ đem lại cho con người sự giải thoát. Chân lý đức tin dựa trên uy quyền của Lời Đức Kitô, uy tín của các Tông Đồ và sự minh định của Giáo Hội. Khoa học chỉ có thể biến đổi cái thế giới vật chất bên ngoài, nhưng đức tin sẽ biến đổi cái thế giới tâm linh bên trong của mỗi người chúng ta.

 

* Thấy rồi tin.

Tin Mừng kể rằng, khi Chúa Giêsu hiện đến, lần này có Tôma, nhân vật đầu tiên mà Chúa cần nhắc nhở vì sự hoài nghi của ông. Tôma quỳ sụp xuống tuyên xưng đức tin: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi”. Tất cả mọi nghi ngờ đều tan biến, ông chấp nhận toàn bộ thực tế và nhìn nhận Đức Kitô, người đã chết mà nay lại đang sống. Sự sự hiện diện của Người, một sự hiện diện đầy yêu thương và uy quyền đã củng cố niềm tin và thay đổi hẳn con người Tôma.

Có thể chúng ta không đồng tình với thái độ nghi ngờ Chúa và nghi ngờ anh em của Tôma, nhưng chúng ta phải hoan nghênh lời tuyên xưng đức tin của ông.  Giờ đây, khi đã gặp Đấng Phục Sinh, Tôma không còn nhìn thấy một vị Thầy như trước đây sống lại nữa, mà bây giờ ông là người đầu tiên tin Thầy là Thiên Chúa và là Chúa của ông.

Nghĩa là khi đã gặp được Đấng Phục Sinh, Tôma nhận Thầy là Chúa và Thầy là một Thiên Chúa, chứ không đơn thuần là một vị Thầy bình thường nữa. Các môn đệ chỉ kể cho ông nghe đã gặp Thầy sống lại, còn nay Tôma gặp một vị Thiên Chúa và là Chúa của ông. Và nhờ đó mà Tôma hoàn toàn biến đổi, ông không còn là người khép kín tách mình khỏi cộng đoàn nữa, ông tin tưởng đồng môn và cùng với các anh em mình nhận lấy “hơi thở Thần Khí” và sứ vụ đi rao giảng Tin Mừng.

Trong phạm vi đức tin, chúng ta cần tìm tòi, cần đào sâu để có được một đức tin kiên vững. Đó mới chỉ là bước thứ nhất. Bởi vì có đức tin mà thôi chưa đủ, điều quan trọng hơn là phải sống đức tin. Hay nói một cách khác liệu đức tin có đủ mạnh để làm chuyển biến cuộc đời, cũng như đổi thay chính con người chúng ta hay không? Muốn được như thế, không gì hơn là hãy sống gắn bó và tiếp xúc thân mật với Đức Kitô. Sự tiếp xúc này, ngày xưa đã biến đổi các môn đệ từ những người u mê dốt nát, hèn nhát và sợ sệt trở thành những người thông suốt giáo lý Tin Mừng và nhất là can đảm loan truyền và làm chứng cho Tin Mừng đó.

Chuyện lòng riêng của Tôma cũng là chuyện lòng chung của muôn lòng tín hữu. Từ sự cứng lòng của Tôma, ngày nay người ta hiểu hơn rằng niềm tin không phải là một yếu tố đơn thuần, mà là một tổng hợp giữa ơn thánh và nghị lực con người, trong đó có cộng đoàn và mỗi cá nhân. Chỉ dựa vào ơn thánh, người ta có nguy cơ rơi vào thái độ coi mọi sự là bởi Chúa nên không cần phải đào sâu tìm hiểu nữa. Nhưng nếu chỉ dựa vào lý trí, người ta lại có nguy cơ khác là thái độ muốn giới hạn tri thức về thực tại và tiêu chuẩn của kinh nghiệm khả giác hoặc khả năng suy luận: những gì không hiểu, không đo lường sờ chạm, đều bị chối từ. Nếu chỉ dựa vào cộng đoàn thôi, người ta còn có thêm một nguy cơ nữa là thái độ tiêu cực. Bên ngoài có vẻ ngoan, nhưng thực chất là dấu hiệu của một niềm tin hời hợt.

 

* Không thấy mà tin.

Chúa nói: "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!", không thể làm Tôma buồn, vì ông thuộc thế hệ các Tông đồ, những người đã thấy và đã tin. Ai dám bảo thế hệ ấy không có phúc? Chính Chúa đã có lần nói với họ: Phúc cho chúng con vì được xem thấy, nghe thấy bao điều mà các tiên tri vua chúa không được thấy và nghe. Họ có phúc vì đã thấy và đã tin, đang khi có bao kẻ cũng thấy mà không tin. Ðức tin không chỉ căn cứ vào những điều đã thấy. Nên Tôma đã thấy và đã tin, thì đã có phúc rồi. Câu nói kia không nhắm ông nữa, nhưng hướng về mọi người chúng ta. Chúng ta không thuộc thế hệ những người mắt thấy, mà chúng ta tin, thì chúng ta là những người có phúc. Có phúc vì đã được ơn Chúa ban, vì đức tin là ơn ban của Chúa.

Phúc thay những người không thấy mà tin là một mối phúc thật, mối phúc cuối cùng. Người ta không thể trông thấy những thực tại cao cả nhất của Thiên Chúa. Chỉ có đức tin mới đưa chúng ta tới đó. Đó chính là hạnh phúc đích thực.

Niềm tin chỉ có thể đạt được kết quả khi có yếu tố quyết định chính là hồng ân Thiên Chúa, như một bao trùm từ khởi sự cho đến hoàn thành. Nguyện vọng của Tôma xem ra ngược ngạo, nhưng đã được Đức Giêsu thanh luyện, để cuối cùng khi dâng lời tuyên tín, cũng là lúc ông được dẫn vào một nhận thức mới mẻ hoàn toàn. Thay vì phải thấy mới tin, ông nhận ra rằng phải tin mới thấy trọn vẹn: thấy Đấng Phục sinh và con người Giêsu cũng là một, thấy Đấng Phục sinh rốt cuộc là Chúa và là Thiên Chúa của mình, và thấy niềm tin vượt lên tất cả sẽ trở thành hạnh phúc.

“Phúc thay những người không thấy mà tin”. Lời này như được ngỏ với chúng ta, những người tín hữu Kitô hôm nay mà lòng tin dựa trên chứng từ của các Tông đồ, chứ không dựa vào kinh nghiệm giác quan: sống cách xa biến cố Chúa Phục Sinh hơn 2000 năm, chúng ta cần khiêm tốn lãnh nhận đức tin. Tin nơi Thánh Kinh, tin nơi Giáo Hội, những bảo chứng đáng tin nhất, không còn cách nào khác. Với ơn đức tin, chúng ta có thể gặp Chúa và tiếp cận với Ngài. Đó là một hạnh phúc thật sự.

Con đường của lòng tin chúng ta hôm nay là con đường của lòng mến. Càng yêu mến nhiều, càng tin vững chắc. Và những người có lòng mến Chúa thường không cần phải tin mà mình thấy, bởi:

Chính tình yêu hoạ hình Đấng Hằng Hữu,

Là thực tại, nhưng cũng rất cao sâu,

Là hiện sinh, nhưng cũng rất nhiệm mầu,

Không thể nói, nhưng biết bằng cảm nghiệm.

 

Lạy Chúa Giêsu, chúng con là thế hệ không thấy Chúa bằng mắt phàm, nhưng thấy Chúa bằng sự cảm nghiệm đức tin qua Thánh Kinh, qua các Bí tích và qua Giáo Hội. Chúng con có đức tin nhưng đức tin chúng con còn non kém lắm, nên xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng con. Amen.

 

 

THỨ TƯ TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN 

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Mt 8,28-32

Khi Đức Giê-su sang bờ bên kia, và đến miền Ga-đa-ra, thì có hai người bị quỷ ám từ trong đám mồ mả ra đón Người; chúng rất dữ tợn, đến nỗi không ai dám qua lại lối ấy. Chúng la lên rằng: "Hỡi Con Thiên Chúa, chuyện chúng tôi can gì đến ông? Chưa tới lúc mà ông đã đến đây làm khổ chúng tôi sao? " Khi ấy, ở đàng xa, có một bầy heo rất đông đang ăn. Bọn quỷ nài xin Người rằng: "Nếu ông đuổi chúng tôi, thì xin sai chúng tôi nhập vào bầy heo kia." Người bảo: "Đi đi! " Chúng liền ra khỏi hai người đó và nhập vào bầy heo. Thế là tất cả bầy heo từ trên sườn núi lao xuống biển và chết đuối hết.

 

+ SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay là câu chuyện về việc Chúa Giêsu đến miền đất dân ngoại, trừ quỷ cho hai người bị tà thần ô uế ám và cho phép quỷ xuất nhập vào bầy heo…

Chúng ta cùng tìm hiểu một vài điểm nổi bật sau đây:

 

* Chuyện của tôi can gì đến ông.

Một căn phòng tối sẽ trở thành sáng khi có một ngọn nến thắp lên. Bóng tối sẽ biến mất khi mặt trời xuất hiện. Ma quỷ tự nó không thể tồn tại được khi đối diện với Chúa Giêsu. Ma quỷ đã chiếm nhập con người và điều khiển họ đến nơi tối tăm và chết chóc, ma quỷ tự do hoành hành làm khổ con người vì thời gian đang dành cho nó, nhưng khi Đức Giêsu xuất hiện, thì cũng đồng nghĩa với thời gian dành cho quỷ chấm dứt.

Ma quỷ đã kêu lên: “Này ông Giêsu, chuyện chúng tôi can gì đến ông…?” Đây là một thực trạng mà rất nhiều người mắc phải: những ai ưa thích sống trong tội, vui vẻ buông mình trong mọi đam mê, an thân trong cuộc sống vô đạo đức… Họ dửng dưng trước Lời Chúa, vô can trước lề luật, sống tách mình ra khỏi cộng đoàn và Giáo Hội, nguỵ biện chủ trương “đạo tại tâm”... Nếu ai đó nhắc nhở họ thì họ phản ứng là: “chuyện tôi can gì đến anh?” hoặc “hồn ai nấy giữ, tôi là thế đấy”.

 

* Vấn đề bút chiến.

Không thiếu những người khi nghe bài Tin Mừng này có suy nghĩ tiêu cực về việc Chúa Giêsu cho phép một điều làm tổn hại rất lớn đến kinh tế của người chăn nuôi. Thật ra, đây là một vấn đề mang tính “bút chiến” hơn là tính lịch sử.

Thánh Mátthêu kể rằng, đây là miền đất của dân ngoại (miền Giênasa) và vùng nghĩa trang; nơi mà dưới cái nhìn của người Do Thái là vùng đất ô uế và đáng chúc dữ.

Lại nữa, người Do Thái coi heo là loài ô uế nhất, cấm ăn thịt heo, ăn thịt heo là bị nhiễm uế, nghề chăn heo là nghề xấu xa tội lỗi. Người bị quỷ ám kia cũng được gọi là do “thần ô uế” ám. Dân ngoại và vùng đất của họ bị người Do Thái coi như là miền đất của sự chúc dữ, của chết chóc và của sự ô uế, chỉ xứng với loài heo.

Chính vì thế, ý nghĩa của việc chữa lành của Chúa Giêsu dưới ngòi bút của thánh sử Marcô là nói lên việc Chúa Giêsu không xa lánh mà dấn thân vào nơi được coi là xấu xa nhất để cứu con người, Người đến tận cùng của sự uế nhơ tội lỗi và sào huyệt của ma quỷ để kéo con người ra khỏi đó. Trong Chúa Giêsu thì không còn sự phân biệt Do Thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do…

Một ý nghĩa rất quan trọng nữa là một mình Chúa Giêsu đối diện với quỷ dữ để dành lấy con người. Chúa Giêsu không chỉ kéo con người ra khỏi tội lỗi và đời sống xấu xa, mà còn nhấn chìm tận căn cả bè lũ sa tan cùng với sự ô uế tội lỗi, mà chuyện cả gần hai ngàn con heo từ “trên núi” lao “xuống biển” chết sạch là một biểu tượng.

Cả đàn heo đã lao từ trên núi xuống biển chết đuối nói lên ý nghĩa: Núi trong quan niệm Thánh Kinh của Do Thái là nơi hiện diện của thần linh và sự thánh thiện; biển là nơi ẩn náu của ma quỷ xấu xa tội lỗi. Chúa Giêsu đã tống xuống biển cả và dìm chết ma quỷ và sự ô uế, đòi lại chủ quyền cho Thiên Chúa, lấy lại sự thánh thiện và đời sống thiêng liêng trong sạch cho con người. Đó là nội dung Tin Mừng cần chuyển tải, chứ không phải tính lịch sử của câu chuyện.

Như vậy, trước ánh sáng thần hoá của Thiên Chúa thì mọi thứ nhơ uế bị quét sạch; có Chúa Giêsu ngự trong con người thì quỷ ma không thể làm gì được. Chúng ta là những Kitô hữu, chúng ta đang được ở trên “núi thánh” của Chúa, chúng ta hãy năng đến với Chúa Giêsu Thánh Thể để Ngài xua đuổi “bầy heo ma quỷ” ra khỏi tâm hồn chúng ta. 

 

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến trên mỗi tâm hồn chúng con, để xua trừ tà thần ô uế là những đam mê thú tính ra khỏi chúng con. Và khi đã được Chúa chữa lành mọi thương tích tâm hồn, xin cho chúng con cũng biết bước theo Chúa, ca ngợi và rao truyền Lòng Thương Xót của Chúa cho tha nhân. Amen.

 

 

THỨ NĂM TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Mt 9,1-8

Đức Giê-su xuống thuyền, băng qua hồ, trở về thành của mình. Người ta liền khiêng đến cho Người một kẻ bại liệt nằm trên giường. Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt: "Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi! " Có mấy kinh sư nghĩ bụng rằng: "Ông này nói phạm thượng." Nhưng Đức Giê-su biết ý nghĩ của họ, liền nói: "Sao các ông lại nghĩ xấu trong bụng như vậy? Trong hai điều: một là bảo: "Con đã được tha tội rồi", hai là bảo: "Đứng dậy mà đi", điều nào dễ hơn? Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội - bấy giờ Đức Giê-su bảo người bại liệt: "Đứng dậy, vác giường đi về nhà! " Người bại liệt đứng dậy, đi về nhà. Thấy vậy, dân chúng sợ hãi và tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho loài người được quyền năng như thế.

 

+ SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật việc Chúa Giêsu chữa bệnh cho một người bất toại, chữa lành vì lòng tin của các thân nhân và không những chữa lành phần xác mà còn tha thứ tội lỗi cho bệnh nhân.

 

*  Vai trò trung gian

Hình ảnh những người thân nhân khiêng người bất toại đến với Chúa, mong được Chúa chú ý đến sự khốn khổ của họ, cho thấy niềm tin vào quyền năng của Chúa Giêsu và lòng yêu thương dành cho người anh em đang phải khốn khổ vì bệnh tật. Lòng tin của họ đã được Chúa Giêsu ghi nhận (x. Mc 2,5) và ra tay chữa lành.

Điều này cho thấy tính tương giao trong niềm tin và lời cầu nguyện. Thật vậy, không thiếu những người thân chúng ta, nhữnng người cần đến sự kêu cầu của chúng ta với Chúa. Họ bất lực vì nhiều lý do không thể đến với Chúa để được chữa lành, nhất là phần linh hồn. Chính vì thế, họ cần chúng ta là những Kitô hữu, là những người con của Chúa “khiêng” (nâng họ lên) đưa họ đến với Chúa, giúp họ vượt qua những bức tường ngăn cách của đám đông hay tường nhà (rào cản mặc cảm tội lỗi), để họ được chữa lành.

Chúa Giêsu không chỉ thấy sự đau khổ của người bất toại, mà còn thấy lòng tin của những người khiêng anh ta đến. Tin Mừng nói rõ rằng, thấy lòng tin của ‘họ’ như vậy, Người đã chữa lành… Đó là một sự khích lệ lớn cho chúng ta khi chúng ta cầu xin cho một ai đó, khi chúng ta trở thành trung gian nối dài tính trung gian của Đức Kitô đem Chúa đến cho họ.

 

* Quyền tha tội

Khác với mọi người đến nghe giảng và được chữa lành, mấy bác kinh sư lại đến để bắt bẻ; mọi người chỉ thấy kính phục và ca ngợi quyền năng Thiên Chúa, còn mấy ông  “kinh” kia lại chỉ thấy đó là một sự phạm thượng. Theo quan niệm của họ, bệnh tật là do tội mà ra, có thể do chính đương sự phạm tội, cũng có thể do đời cha hay đời ông của đương sự phạm tội mà nay đương sự phải chịu phạt. Chúa Giêsu tuy không chấp nhận quan niệm này, nhưng có lẽ hôm nay, Người dùng chính cách nghĩ của họ để chữa bệnh, người tha tội cho người bất toại nghĩa là trị tận gốc căn cơ của bệnh.

Thật ra, theo như lời khẳng định: “…để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội”, Chúa Giêsu muốn mọi người chân nhận chủ quyền của Thiên Chúa, khẳng định Ngài là Đấng có quyền tha tội và hành động chữa lành cho người bất toại là một hành động của Thiên Chúa.

Quyền tha tội đó đã được Chúa Giêsu ban cho các Tông Đồ và lưu truyền từ đời này qua đời khác trong Giáo Hội; quyền được Chúa ban qua linh mục nơi toà giải tội khi linh mục đọc: “Vậy, cha tha tội cho con…”. Như vậy, nếu còn những ai nghi ngờ về năng quyền này, hãy đọc lại Lời Chúa (Ga 20,23).

 

Lạy Chúa Giê-su,cách này hay cách khác, chúng con cũng đang bị bệnh bại liệt tâm hồn, xin cho chúng con biết mau chạy đến toà cáo giải để được Chúa tha thứ tội lỗi và chữa lành bệnh tật thiêng liêng cho chúng con. Amen.

 

 

THỨ SÁU TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN 

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Mt 9, 9-13

Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi tại trạm. Người bảo ông: "Anh hãy theo tôi! " Ông đứng dậy đi theo Người.

Khi Đức Giê-su đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu nói với các môn đệ Người rằng: "Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy? " Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: "Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi."

 

+ SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay nhắc tới cách chọn gọi của Chúa Giêsu luôn xảy đến tại nơi người được gọi đang sinh sống và đồng bàn với những người tội lỗi để cứu độ họ. Chúa gọi các tông đồ nơi bờ biển, dưới cây vả… và hôm nay gọi Mátthêu khi ông còn ngồi nơi bàn giấy thu thuế, rồi sau đó về nhà tiệc tùg với “tân môn đệ”:

 

* Chúa gọi ta ngay nơi ta đang làm việc.

Một trong những tội bị ghét nhất từ cổ chí kim là “cõng rắn cắn gà nhà”, hay là “nối giáo cho giặc”, vì họ cộng tác với ngoại bang để làm khổ anh em đồng bào của mình. Là nhân viên thuế vụ, Mátthêu làm việc cho Rôma đang cai trị dân tộc Do-thái, sưu cao thuế nặng, ức hiếp dân lành và làm giàu trên mồ hôi, nước mắt của dân. Người Do-thái thời ấy coi kẻ thu thuế là vừa phản đạo vừa phản quốc và coi họ đứng hàng ngang với gái điếm, phải bị loại trừ bằng vạ tuyệt thông cách ly. Không ai thèm chơi với họ. Họ chỉ chơi với quân xâm lược La-mã và những tín đồ cặn bã của các hội đường. Mátthêu biết tất cả những điều ấy nhưng ông vẫn bất chấp, vì đổi lại ông được chức vụ rất hấp dẫn, đem lại của cải giàu sang.

 Thế rồi, một ngày đẹp trời hôm nay, Chúa Giêsu đi ngang qua, Ngài nhìn ông, ông đang lo đếm tiền, ngước mặt lên ông định nhắc Ngài là “vô gia cư và lang thang không nghề nghiệp thì miễn thuế”… Nhưng không, Chúa Giêsu nhìn thẳng vào ông và gọi cách dứt khoát: “Anh hãy theo tôi”. Bất ngờ quá, bỏ lại tất cả, không kịp bàn giao sổ sách, ông mời luôn cả nhóm về nhà “làm tiệc tạ ơn”.

Câu chuyện ơn gọi của Matthêu lại một lần nữa khẳng định, Chúa Giêsu gọi ai thì Ngài không quan trọng đến thời điểm nào, lý lịch ra sao mà trên hết tất cả là Ngài nhìn thấy nơi họ có dám sẵn sàng bỏ hết tất cả để theo Chúa không?

Ngày hôm nay, nếu bạn đang ngồi nơi bàn giấy quyền cao lương hậu, đang vui thích với công việc đầy lợi nhuận… nếu Chúa gọi bạn bước theo ơn gọi tu trì, bạn có dám bỏ lại để theo Ngài không?

Khi phải lựa chọn giữa một bên là đức tin và lề luật Công Giáo và một bên là danh lợi vật chất, bạn có dám chọn Chúa không? Hay là đành “bỏ đạo” để không mất chức…?

Ngày hôm nay, Chúa cũng đang mời gọi bạn làm tông đồ cho Chúa. Thế nhưng, bạn có đáp lại lời mời gọi của Chúa cách thành tâm, thiện chí hay không, dám từ bỏ không, hay còn đang vướng víu bởi những của cải vật chất làm cho tâm hồn tôi trở nên nặng trĩu trước lời kêu gọi? 

Một số người được Chúa mời gọi khi còn niên thiếu, số khác được Chúa tỏ cho biết ơn gọi khi đã lớn khôn. Chúa dùng những đồng nghiệp, những liên hệ gia đình, hoặc các liên lạc xã hội để tỏ ra mục đích của Người. Chúa gọi thì không phân biệt quá khứ bạn là ai, nhưng chỉ thấy bạn từ lúc bạn bắt đầu bước theo. Cùng với ơn soi sáng cho bạn nhìn thấy ơn gọi, điều quan trọng là bạn không mặc cảm với quá khứ, mau mắn đáp trả, bỏ lại mọi sự và bước theo Chúa.

 

* Kêu gọi người tội lỗi.

Một bệnh viện mà chỉ nhận săn sóc cho người mạnh khỏe thì quả thật là một nhà thương không thể nào chấp nhận được; người khoẻ mạnh thì không cần đến bác sĩ… Cũng thế, Chúa Giêsu không còn là Ðấng Cứu Thế nữa, nếu Ngài chỉ muốn tiếp xúc với những con người tự phụ cho mình là công chính không cần đến Thiên Chúa.

Luật Do Thái coi ai tiếp xúc với kẻ thu thuế là đồng loã với tội lỗi và bị nhiễm uế, Chúa Giêsu vượt trên tất cả, Ngài đến đồng bàn trong bữa tiệc “tạ ơn”, “giải nghệ” và “chia tay đồng nghiệp” của Mátthêu.

Người Do Thái coi người thu thuế, một hạng người được coi là làm tay sai cho ngoại bang, làm tay sai cho Ðế Quốc La Mã thời đó, một hạng người mang tiếng ăn bẩn, tội lỗi và không tốt. Chúa lại nghĩ khác vì Chúa thấu suốt tâm can của con người.

Biệt phái, Pharisiêu, tư tế, thông luật luôn nghĩ xấu cho người khác. Chúa nói với họ:" Ta đến không để gọi những người công chính mà là gọi những người tội lỗi và "Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần ". 

 

Đến với người thu thuế không có nghĩa là đồng loã với họ. Đến với họ, để mở cho họ con đường trở về. 

Còn bạn, bạn hãy học theo Chúa với cái nhìn bao dung và không thành kiến với mọi người. Để rồi bạn không ngần ngại đến với những người tội lỗi và đem họ về với Chúa…

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết nhìn người lầm lỡ bằng ánh mắt của Chúa. Để yêu thương và giúp nhau đến với Chúa và hòa nhập với cộng đồng. Amen.

 

 

THỨ BẢY TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Mt 9,14-17

Bấy giờ, các môn đệ ông Gio-an tiến lại hỏi Đức Giê-su rằng: "Tại sao chúng tôi và các người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay? " Đức Giê-su trả lời: "Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay. Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì miếng vá mới sẽ co lại, khiến áo rách lại càng rách thêm. Người ta cũng không đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, bầu sẽ bị nứt: rượu chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu mới: thế là giữ được cả hai."

 

+ SUY NIỆM

Người ta kể rằng, có một bộ lạc kia có ông tù trưởng rất tài trí, văn võ song toàn, được cả bộ tộc ngưỡng mộ và bắt chước mọi việc làm cử chỉ của ông. Ngày kia, ông đi săn chẳng may bị thương ở chân trái, trở về ông phải làm một cây nạng để chống và đi cà thọt. Thế rồi trong làng, đám trẻ thấy ông đi như vậy thì lấy làm thích thú và làm theo ông, ai nấy đều chống nạng đi cà thọt. Cuối cùng, ông chết và những thế hệ trước cũng già và qua đi, những thế hệ con cháu cứ chống nạng đi cà thọt đời này sang đời khác. Một ngày kia, có một thanh niên vào rừng bất ngờ thấy một đoàn thợ săn ở nơi khác, họ không chống nạng nhưng chạy bằng hai chân đuổi theo con vật rất nhanh. Về nhà, anh này ngồi ngẫm nghĩ, không lẽ mình có hai chân đều nhau mà lại không đi thẳng được sao? Anh thử vứt nạng và chạy một cách thoải mải. Anh liền đem điều này lên thưa với nhóm già làng. Họ mắng anh: "Ranh con thì biết gì, đồ trứng đòi khôn hơn rận, truyền thống cha ông từ xưa nay vẫn thế..." và họ đuổi anh ta ra khỏi làng vì vi phạm luật của bộ tộc.

 

Câu chuyện ngụ ngôn kia phản ảnh não trạng của các nhà lãnh đạo Do-thái xưa và cũng không ít chúng ta ngày này cũng thế. Chúng ta khư khư giữ lấy những gì là "truyền thống" dù không còn hợp với thời đại nữa. Tin Mừng hôm nay cho thấy Chúa Giêsu đã phải minh xác điều này:

"Các ông có thể bắt các bạn hữu đến dự tiệc cưới, ăn chay, đang khi tân lang còn ở với họ chăng?” Nghĩa là Chúa Giêsu có ý nói trong thời gian hiện tại khi Đấng Cứu Thế (là chính Người) đã xuất hiện là thời gian của sự vui mừng. Chúa Giêsu còn lấy ví dụ về “miếng vải mới không thể vá vào áo cũ”, nghĩa là Người lên án về việc người Do-thái muốn dùng cái đạo đức của mình để áp đặt cho người khác, họ muốn dùng cái bình luật cũ để đổ rượu giao ước mới vào.

Như vậy, qua việc chất vấn của người Do-thái, Chúa Giêsu đã nhân cơ hội này, dạy chúng ta những bài học sau:

- Đừng học đòi những người bắt bẻ môn đệ Chúa Giêsu về việc ăn chay bởi vì họ xét đoán người khác, bắt người khác làm theo ý của mình, bắt người khác phải giống như họ, tạo ra một khuôn mẫu để bắt người khác phải chiều theo ý mình.

- Trở thành môn đệ Chúa Giêsu, ta phải thay đổi cách sống cũ, từ suy nghĩ đến hành động, để mặc lấy cách suy nghĩ, cách hành động, cách sống mới cho phù hợp với Tin Mừng.

- Vải vá áo, rượu trong bình là hình ảnh diễn tả đời sống của tôi. Chúa muốn tôi buớc theo Chúa thì cần phải thay đổi cách sống cho phù hợp với Tin mừng. Thay đổi tư tưởng, lời nói và hành động Thay đổi để trở nên giống như Chúa Giêsu, hiền lành, khiêm nhượng, yêu thương phục vụ, khoan dung tha thứ…

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con ý thức rằng, ăn chay là một việc lành hữu ích khi biết dùng nó để chế ngự thân xác trong sự yêu mến Chúa, chứ không phải để phô trương lòng đạo đức hay để xét nét người khác hoăc câu nệ lề luật mà thiếu đi tình người. Amen.

 

Hiền Lâm.

Thiết kế Web : Châu Á