Suy niệm

Đọc và suy niệm Tin Mừng TUẦN XI THƯỜNG NIÊN (Hiền Lâm)

Chức năng của Nước Trời, của Hội Thánh, của Dân Thiên Chúa là phải lớn lên và trở thành bóng mát cho đời, cho mọi người nương ẩn giữa bão táp mưa sa của cuộc đời. Chân lý Nước Trời – tức là bản chất Hội Thánh phải thấm nhập vào nhân loại và thế giới trong mọi hoàn cảnh và môi trườ

 

 

 

CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN, NĂM B  Hình ảnh có liên quan

THỨ HAI TUẦN XI THƯỜNG NIÊN

THỨ BA TUẦN XI THƯỜNG NIÊN

THỨ TƯ TUẦN XI THƯỜNG NIÊN

THỨ NĂM TUẦN XI THƯỜNG NIÊN

THỨ SÁU TUẦN XI THƯỜNG NIÊN

THỨ BẢY TUẦN XI THƯỜNG NIÊN

 

 Các bài chia sẻ: Lm. Hiền Lâm

 

------------oooOOOooo------------- 

 

CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN, Năm B

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Mc 4,26-34

"Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa."

Rồi Người lại nói: "Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được? Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng."

Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà rao giảng lời cho họ, tuỳ theo mức họ có thể nghe. Người không bao giờ rao giảng cho họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết.

 

+ SUY NIỆM

 

“HẠT GIỐNG LỚN LÊN”

 

Chức năng của Nước Trời, của Hội Thánh, của Dân Thiên Chúa là phải lớn lên và trở thành bóng mát cho đời, cho mọi người nương ẩn giữa bão táp mưa sa của cuộc đời. Chân lý Nước Trời – tức là bản chất Hội Thánh phải thấm nhập vào nhân loại và thế giới trong mọi hoàn cảnh và môi trường. Đó là nội dung của dụ ngôn hạt giống âm thầm lớn lên mà Chúa Giêsu nói trong bài Tin Mừng hôm nay:

 

Hình ảnh cây cải ở xứ Palestin chắc chắn khác cây rau cải ở Việt Nam, hạt cải thuộc lớp hạt rất nhỏ khi gieo xuống, nhưng khi mọc lên cây cải cao lớn, mà chim trời có thể đến nương náu dưới tán lá nó được.

Nước Trời ban đầu thật bé nhỏ trên dưới vài chục người với Chúa Giêsu và các môn đệ quanh quẩn trong xứ Palestin nhỏ bé, nhưng trải qua lịch sử thăng trầm, đến bây giờ Hội Thánh có trên một tỷ người có mặt khắp nơi trên thế giới.

 

Chức năng của Nước Trời, của Hội Thánh, của Dân Thiên Chúa là phải lớn lên và trở thành bóng mát cho đời, cho mọi người nương ẩn giữa bão táp mưa sa của cuộc đời:

-  Lớn lên:  Mọi thành viên trong “Nước Trời” là chúng ta đều có nghĩa vụ truyền giáo và sống chứng nhân để làm cho Nước Trời lớn mạnh. Xét về phương diện cá nhân, chính mỗi người chúng ta cũng phải lớn lên trong Đức Tin, trong Thánh Thần và trong đời sống đạo, từ đó làm cho Hội Thánh từ địa phương đến hoàn vũ cũng được lớn lên.

-  Bóng mát che chở: Nước Trời, Hội Thánh, Kitô hữu chúng ta phải là bóng mát cho đời, là nơi đáng tin tưởng cho mọi người tìm lại được an bình nội tâm. Chúng ta có bổn phận làm cho thế giới thêm bình an và xoa dịu mọi đau thương của nhân loại.

 

-  Thấm nhập: Chân lý Nước Trời, bản chất Hội Thánh là phải thấm nhập vào nhân loại và thế giới trong mọi hoàn cảnh và môi trường. Ngay nơi bản thân Kitô hữu phải chấp nhận được trộn lẫn vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, để nhờ đời sống chứng nhân, chúng ta sẽ giúp mọi thứ biến đổi theo Tin Mừng. Chứ không phải như cục men nằm yên sẽ chỉ là vô dụng.

-  Biến đổi: Chân lý Nước Trời là Lời Chúa, có sức biến đổi tâm hồn mọi người, từ đó biến đổi thế giới theo nền văn minh tình thương. Mỗi Kitô hữu được mời gọi sống chứng nhân, nghĩa là bằng đời sống đạo tốt lành của mình làm lay độn và biến đổi những tâm hồn nguội lạnh, cũng như có sức thu hút lương dân trở về với Chúa, để cả thế giới cũng được “dậy men” Tin Mừng.

 

Tóm lại:

Nước Trời được ví như Hội Thánh do Chúa Kitô thiết lập, là một sự tăng trưởng không ngừng và trở thành bóng mát cho mọi tâm hồn đến trú ẩn. Hội Thánh đó hiện diện mọi nơi trên thế giới để biến đổi thế giới và làm dậy men Tin Mừng khắp thế giới.  

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con ý thức về sứ vụ của mình là làm cho Nước Chúa ngày càng được lớn lên và thấm nhập được vào mọi nơi trên dương gian này. Amen.

 

 

THỨ HAI TUẦN XI THƯỜNG NIÊN

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Mt 5, 38-42

"Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.

 

+ SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu đưa ra một sự so sánh song đối giữa luật Cựu Ước và luật Tân Ước, luật bó buộc và luật Tin Mừng, luật nguyên nghĩa và luật kiện toàn, luật Do Thái giáo và luật Kitô giáo, luật công bằng giao hoán và luật tha thứ, luật đền ơn trả oán và luật yêu thương…

Và Chúa Giêsu muốn xác định rõ ràng, chọn công chính theo luật hay chọn hoàn thiện theo Tin Mừng? Chọn theo luật dạy hay chọn theo Thầy dạy?

 

  • Luật dạy: Mắt đền mắt, răng đền răng.

Sách Đệ Nhị Luật dạy rằng: “Mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân” (Đnl 19,21 // Ds 35,9).

Có thể nói, luật này trong Cựu Ước hợp với bối cảnh mà người Do-thái phải đoàn kết bảo vệ dân tộc mình. Nó giữ cho việc trả thù vừa mức “đong đấu nào thì phải được đong lại bằng đấu ấy”, nhắc nhở cho các thẩm phán, và ngay cả cộng đồng xã hội thời bấy giờ bổn phận phải bảo vệ các thành viên khỏi tay những kẻ mạnh hay uy hiếp người yếu thế.

Khoản luật “mắt đền mắt, răng đền răng” là điều luật hình sự về sự công bằng không chỉ riêng người Do-thái mà còn cả trong thế giới người xưa. Luật báo thù dự kiến kẻ gây hấn sẽ bị đối xử tương xứng với điều thiệt hại đã gây ra cho nạn nhân, giúp trấn áp tội phạm, buộc con người vào trong một trách nhiệm và sợ hãi trước sự nghiêm minh của việc mạng thế mạng, nhằm hạn chế việc đổ máu do không kiềm chế nỗi sự hận thù và giữ sự quân bình giữa tội ác và hình phạt để giảm bớt sự giết hại đồng loại. Tiến triển theo thời gian, người ta có thể thay thế việc đền mạng bằng tiền của vật chất… và trong Do Thái Giáo cũng đã có những lời khuyên là không cần phải báo thù mà hãy dành sự báo thù cho Đức Chúa (x.Cn 20,22).

 

  • Thầy dạy: Ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra cho họ vả luôn…

Chúa Giê-su còn đi xa hơn các bậc hiền nhân Cựu Ước khi đòi hỏi rằng phải lấy yêu thương đáp lại hận thù, có như thế mới diệt được tận căn cái ác ở trong lòng con người. Người chủ trương một thái độ rất cá biệt, tương phản hoàn toàn với thái độ bình thường: “Đừng chống cự với người ác”. Người đòi hỏi các môn đệ phải bẻ gãy vòng xích bạo lực, dù hợp pháp và được báo thù. 

Nghĩa là, từ trả thù Chúa mời gọi tha thứ, từ cái lý Chúa muốn có cái tình, từ việc xin Thiên Chúa trả thù, thì Chúa Giê-su cầu nguyện cho kẻ thù: “Lạy Cha, xin tha cho chúng”…

“Dung mạo TC giàu lòng Thương Xót” là mọi người như con một cha, khi đứa em đến tố với cha mình và xin cha đánh thằng anh vì nó đã đánh em, người cha không đánh đứa anh mà trái lại chỉ làm cho hai đứa làm hòa và yêu thương nhau.

Nguyên tắc yêu thương của Chúa Giêsu làm đảo lộn các cách xử sự theo quy ước của loài người. Sứ điệp Tin Mừng vượt quá các giới hạn công bằng giao hoán kiểu xử sự dân ngoại. Đức ái Kitô giáo chấp nhận cả các giới hạn và khiếm khuyết của con người và lòng nhân ái của Kitô hữu là thông dự vào tình yêu của chính Thiên Chúa.

 

Tóm lại: “Mọi người sẽ nhận ra chúng ta là môn đồ Chúa khi ta yêu thương nhau, nghĩa là “đồng phục” của chúng ta chính là yêu thương và tha thứ.. Nếu chúng ta không biết yêu thương tha thứ, thì chúng ta phản chứng, chúng ta đang xé nát cái áo ki-tô, để rồi thay vì làm cho Giáo hội Chúa Ki-tô xinh đẹp mỹ miều không vết nhăn, thì lại làm cho Giáo hội nên trần trụi và đáng xấu hổ với nhân loại này.

 

Lạy Chúa Giê-su, giới luậy yêu thương của Chúa muốn chúng con phải vượt lên cả những quy tắc công bằng vay trả của nhân loại, bởi vì nếu chúng con theo Chúa mà cũng xử sự “mạng đền mạng” thì chúng con cũng chẳng hơn gì người đời. Xin cho chúng con biết noi gương Chúa mà tha thứ cho những người đã hại đến chúng con, như Chúa đã cầu xin Chúa Cha tha cho những kẻ đã đóng đinh Chúa. Amen.

 

 

THỨ BA TUẦN XI THƯỜNG NIÊN

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Mt 5, 43-48

"Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.

 

+ SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay là phần cuối về bài giảng “kiện toàn lề luật” của Chúa Giê-su, xoay quanh chủ đề: “Hãy yêu thương kẻ thù và hãy cầu nguyện cho họ”.

 

  • Luật xưa dạy: “Hãy yêu thương đồng loại và ghét kẻ thù”.

Đây là điểm tương khắc cuối cùng giữa luật cũ và luật Tin Mừng. Cựu Ước nói về lòng nhân ái, nhưng là sự liên đới đồng đạo (trong Do-thái với nhau) mà thôi.

Về vấn đề “ghét kẻ thù”, thật ra trong Cựu Ước không nói rõ vấn đề này, nhưng có những chỗ có tư tưởng tương đương (x. Đnl 7,2). Đúng hơn, luật Cựu Ước nói về kẻ thù dân tộc hơn là kẻ thù cá nhân. Tư tưởng này khuyên người ta dè dặt với kẻ thù xâm lược, không nên giúp đỡ chúng và thậm chí thà giết sạch còn hơn thông đồng với chúng trong lầm lỗi.

Tắt một lời, dù cách nào đó luật Cựu Ước về đức ái đã ở một mức cao hơn các tôn giáo và các dân tộc sơ khai, nhưng bao lâu còn có tư tưởng trả thù thì bấy lâu hận thù còn truyền kiếp. Vì thế, cần đến luật Tin Mừng như Chúa Giê-su dạy hôm nay.

 

  • Thầy Giê-su dạy: “Hãy yêu thương kẻ thù và hãy cầu nguyện cho họ”.

Đây quả là một lời dạy khó thực hiện nhất, nhưng là những môn đệ Chúa lại phải cố gắng thực hiện vì những lý do sau:

  • Nếu chúng ta chỉ yêu những người yêu mình thì cũng có hơn gì dân ngoại và những người tội lỗi, họ cũng làm được và làm tốt hơn nữa là khác. Chúa Giêsu trên thập giá đã KÊU XIN CHÚA CHA tha thứ cho người đóng đinh mình, thánh Têphanô khi bị ném đá cũng CẦU XIN CHÚA tha thứ cho những kẻ bách hại… Đến lượt chúng ta là những Kitô hữu, chúng ta giống Chúa và khác với người ngoại chính là việc yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho họ.
  • Cá tính của con người thật khó để yêu kẻ thù, ngay việc tha thứ và không trả thù đã là cao thượng lắm rồi, đàng này Chúa còn đòi hỏi chúng ta bước thêm một bước cao hơn nữa lên đỉnh hoàn thiện là YÊU KẺ THÙ và CẦU NGUYỆN CHO HỌ. Thật ra, dù khó, nhưng lại là một phương thế tuyệt hảo nhất có thể hoá giải được những mâu thuẫn giữa người với người. Vì khi, cứ tìm cách trả thù nhau thì thù hận càng ngày càng chồng chất từ đời cha sang con đời cháu và cả những dòng tộc trả thù đến trường kỳ. Nếu tôi trả thù được anh thì con anh tìm cách trả thù tôi và cứ như thế mãi mãi. Còn khi lấy ân để trả thù thì không những thù được hoá giải mà còn dễ nên bạn hữu của nhau và làm gương cho hậu thế.
  • Bởi khi tha thứ là lúc được thứ tha. Mang trong mình sự hận thù, thì chính ta khổ trước, ăn không ngon ngủ không yên vì tức giận ấm ức, trằn trọc nghĩ kế trả đũa… Nhưng khi ta tha thứ thì không phải lo nghĩ gì và tâm hồn thanh thản, nhất là khi ta tha thứ thì ta không còn kẻ thù mà lại được bạn hữu. Tha thứ lại là một cách trả thù ngọt ngào nhất mà đối phương không ngờ, và làm cho chính đối phương dằn vặt vì nhận ra chính họ sai khi xúc phạm đến một người tốt, cuối cùng làm cho đối phương cảm kích và thay đổi thái độ.
  • Lại nữa, khi sự tha thứ trong tương quan giữa người với người được thực hiện, lại chính là tiêu chuẩn Chúa xét công trạng cho chúng ta đáng được ân thưởng Nước Trời. Vì: “Anh em đừng xét đoán để khỏi bị đoán xét, đừng kết án để khỏi bị Thiên Chúa tuyên án…” Lỗi lầm giữa chúng ta với nhau chẳng là gì so với lỗi phạm giữa chúng ta với Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa đã ngàn lần tha thứ cho chúng ta thì đến lượt chúng ta cũng phải tha thứ cho nhau. Chúa cho mưa xuống trên người lành cũng như kẻ dữ, thì tại sao chúng ta phải phân biệt thương ai ghét ai?

Chúa Giê-su mặc cho lề luật sự yêu mến, giống như đứa con vâng lời bố mẹ không phải vì nó sợ bố mẹ phạt, mà là vì yêu mến bố mẹ nên không làm bố mẹ buồn. Chúng ta được mời gọi giữ luật vì mến Chúa chứ không phải vì sợ Chúa phạt. Chúa muốn chúng ta cầu nguyện cho kẻ thù là đặt dưới sự chứng giám của Chúa, ý thức mình cũng được Chúa tha thứ nên đến lượt mình phải tha thứ cho tha nhân. Cầu nguyện cho kẻ thù là tha thứ không chỉ vì tính nhân bản tương giao, mà còn là cần sự trợ giúp của ơn thánh, với cả tinh thần của Chúa và nên giống như Chúa Giê-su trên thập giá: Cùng “yêu như Thầy đã yêu”.

Vì thế, hãy nên hoàn thiện như Cha chúng ta trên trời là Đấng Hoàn Thiện.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con một trái tim  quảng đại như Chúa, vươn lên cao vượt mọi tình cảm tầm thường để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ; Thay vì toan tính phục thù, chúng con biết cầu nguyện cho những người làm hại chúng con; xin cũng cho vòng tay chúng con luôn rộng mở để có thể ôm cả những người thù ghét chúng con. Amen.

 

 

THỨ TƯ TUẦN XI THƯỜNG NIÊN

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Mt 6, 1-6, 16-18

"Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

"Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

"Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

 

+ SUY NIỆM

Lần kia, kênh truyền hình VTV phát chương trình "60 phút mở" với nội dung bàn về câu chuyện "nhóm tình nguyện Xây trường Vùng cao trong dịp giáp Tết Nguyên đán 2016 tổ chức hoạt động từ thiện ở Mường Lạn, Sốp Cộp, tỉnh Sơn La". Trong đó vấn đề được đặt ra là: "Làm từ thiện vì ai?".

Khán giả và dân mạng có nhiều ý kiến trái chiều, mà trong đó phần lớn đả kích cái kiểu hỏi của nhà báo Tạ Bích Loan và lên án lối lập luận của "tiến sĩ" Đặng Hoàng Giang.

Tuy nhiên, dù khen hay chê, chúng ta cũng cần nhìn nhận một cách thẳng thắn vấn đề: "Làm từ thiện vì ai?" "vì người sẽ được nhận sự hảo tâm đó hay là vì chính bản thân họ?

Thực tế thì có rất nhiều người làm từ thiện vì cái tâm dành cho người gặp khó khăn hay vì ích chung cộng đồng, nhưng cũng không ít những người làm từ thiện chỉ để pro bản thân hoặc để quảng cáo làm ăn.

Xã hội này đầy dẫy những màn khoa trương chụp hình đăng báo, lên sóng truyền hình, tổ chức hoành tráng "việc làm từ thiện" để cho bàn dân thiên hạ thấy công việc họ làm mà ca ngợi và nhiệt liệt chào mừng thành tích của họ. Làm từ thiện để được ghi công, để lưu danh, để tên mình được đặt cho "đường này phố nọ".

Mong tìm vinh danh mình, mong được mọi người ca ngợi tán dương thật ra chẳng có gì lạ hay mới mẻ, vì từ xưa trong lịch sử "Thánh Kinh" đã cho thấy: Người ta đã lưu danh bằng cách đặt tên cho những "thành phố mang tên bác" như thành Alexandria, thành Constantinophe, đồn Antonio... và nghe đâu "một đất nước kia" cũng được "các đồng chí" học theo khá tốt.

Ừ, thì cứ cho là chuyện của "thế gian", vì họ không có gì để hi vọng đời sau, nên họ tìm vinh quang đời này mau qua thì cũng phải lẽ thôi. Điều đáng tiếc là ngay những người "có đạo" mang danh là con cái Chúa cũng không thiếu những kẻ làm từ thiện chỉ vì cái danh và vì tiếng khen, nghĩa là thay vì tìm vinh quang Chúa lại "ngầm ý' tìm vinh quang cho mình.

Một câu chuyện có thật, là ở một xứ đạo kia, nhà thờ đang xây dở thì hết tiền và không còn ai dâng cúng, thế rồi cha sở liền kêu gọi rằng: "Ai dâng cúng số tiền (...) sẽ được khắc tên lên chân cột trong nhà thờ". Kết quả là sau đó nhà thờ dư tiền hoàn thành, và chân của mười hai cây cột trong nhà thờ hết cả chỗ để khắc tên. Tiếc là sau khi đổi nhiệm sở, cha sở khác về đã tuyên bố: "đục bỏ hết tên những kẻ đạo đức giả kia ở chân cột, thà sập nhà thờ còn hơn để những kẻ làm từ thiện chỉ để vinh danh mình". Thật là vinh quang chóng tàn như lời Thánh vịnh: 

"Tuy họ lấy tên mình mà đặt cho miền này xứ nọ,

nhưng ba tấc đất mới thật là nhà, nơi họ ở muôn đời muôn kiếp" (Tv 49,12).

Lời Chúa trong bài Tin Mừng chúng ta nghe hôm nay, Chúa Giê-su lên án cái lối "làm phúc từ thiện", hay cả những chuyện cầu nguyện hay ăn chay, chỉ để cho người ta khen là "lối sống đạo đức giả" và đã được phần thưởng đời này là thiên hạ ca tụng "mộ mến" rồi, nên đời sau chỉ là con số 0 tròn trĩnh trước mặt Thiên Chúa.

Là những người con cái Chúa, chúng ta cầu nguyện, ăn chay và làm phúc với thái độ nào, tìm kiếm vinh quang cho Chúa hay cho mình? Ngay lúc này, chúng ta ý thức và tự vấn xem ?

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con một khi đã bước theo ơn gọi làm Kitô hữu, thì cũng biết sống tinh thần khiêm hạ mà không tìm phô trương công đức để được người đời khen tặng, nhưng chỉ mình chúng con với Chúa và Chúa sẽ thấu suốt mà ban cho chúng con ơn cứu độ đời đời. Amen.

 

THỨ NĂM TUẦN XI THƯỜNG NIÊN 

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Mt 6,7-15

"Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.

"Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này:

"Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời,

xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,

triều đại Cha mau đến,

ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày;

xin tha tội cho chúng con

như chúng con cũng tha

cho những người có lỗi với chúng con;

xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ,

nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.

"Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.

 

+ SUY NIỆM

Cầu nguyện được ví như hơi thở, là hoạt động căn bản của đời sống tâm linh. Cầu nguyện đối với người Công Giáo là tâm tình con thảo với Cha trên trời, là thể hiện niềm tin và phó thác cho sự an bài quan phòng của Thiên Chúa.

Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu dạy các môn đệ một phương thế tuyệt hảo khi cầu nguyện, đó là Kinh Lạy Cha. Lời kinh tuyệt hảo này bao gồm hai điều kiện chính yếu:

 

* Thao thức cho Nước Chúa hiển trị

Chúa Giêsu dạy trước khi cầu xin bất cứ điều gì cho chính mình, chúng ta phải đặt Thiên Chúa, sự vinh hiển và tôn trọng của Ngài lên hàng đầu, đặc biệt vâng theo Thánh Ý Người và thao thức cho nhiều người nhận biết Chúa. Chỉ sau khi dành cho Chúa chỗ của Ngài, bấy giờ các điều khác mới có chỗ xứng hợp.

Lời cầu nguyện bắt đầu bằng xưng nhận Thiên Chúa là Cha. Đó là đặc tính của mọi lời Kitô hữu thưa với Chúa.

Chúng ta không đọc Lạy Cha của con, mà đọc Lạy Cha chúng con. Như thế lời kinh này không phải chỉ nói lên mối liên hệ giữa chúng ta đối với Thiên Chúa, mà còn nói lên mối liên hệ giữa chúng ta đối với nhau. Thiên Chúa là Cha, cho nên tất cả chúng ta đều là anh em với nhau. Kinh Lạy Cha không chỉ tỏ lộ cho chúng ta tình phụ tử, mà còn tỏ lộ cho chúng ta tình huynh đệ.

Nước Cha được hình dung là vương quyền tối cao của Thiên Chúa, nên ý Cha phải được thể hiện khắp mọi nơi, vì ý Cha là khôn ngoan và yêu thương. Nơi nào ý Cha hiển trị thì tràn ngập tình yêu Ngài. Đó là một vương quốc hoà bình và đầy tình thương.

 

* Xin cho những nhu cầu vật chất và tinh thần

- Nhu cầu vật chất: Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu xin lương thực mỗi ngày dùng đủ. Người không bảo chúng ta xin cho có dư thừa. Lời cầu nguyện Người dạy cũng không thu hẹp lại theo kiểu ích kỷ, Người dạy xin cho “chúng con”, tức là tất cả những ai đang cầu nguyện.

- Nhu cầu tha thứ: Khi cầu nguyện chúng ta không thể làm gì hơn là xin ơn tha thứ, vì dù con người tốt nhất trong chúng ta cũng chỉ là một tội nhân trước sự thánh thiện của Thiên Chúa. Và điều kiện được Chúa tha thứ cho mình là chính mình cũng phải tha thứ cho anh em. Khi gọi Chúa là Cha chúng con, thì cũng đồng nghĩa mọi người là anh em với nhau con cùng một Cha trên trời. Đã là anh em thì chúng ta có bổn phận phải yêu thương, phải tha thứ, phải hoà giải cùng nhau.

- Nhu cầu ơn thánh: Thiên Chúa không đẩy chúng ta vào cám dỗ với mục đích làm cho chúng ta rơi vào tội lỗi. Nhưng Ngài có thể thử thách chúng ta, có thể thử sự bền vững và chắc chắn của chúng ta. Cám dỗ khọng hẳn là quyến rũ phạm tội mà còn bao gồm mọi hoàn cảnh khiến con người bị thử thách về đức độ, thanh liêm, lòng tín trung. Chúng ta không thể trốn tránh những hoàn cảnh đó, nhưng chúng ta có thể thắng nó nhờ ơn Chúa ban. 

 

Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.

 

 

THỨ SÁU TUẦN XI THƯỜNG NIÊN

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Mt 6, 19-23

"Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi. Vì kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó.

"Đèn của thân thể là con mắt. Vậy nếu mắt anh sáng, thì toàn thân anh sẽ sáng. Còn nếu mắt anh xấu, thì toàn thân anh sẽ tối. Vậy nếu ánh sáng nơi anh lại thành bóng tối, thì tối biết chừng nào!

 

+ SUY NIỆM

Hôm nay Chúa Giê-su dạy chúng ta hãy lo tích trữ cho mình một kho tàng trên trời; Chúa cũng muốn chúng ta có một con mắt tâm hồn trong sáng là lương tâm ngay thẳng, để cả cuộc đời chúng ta nên sáng suốt lựa chọn đâu là sự sống thật và có giá trị vĩnh hằng.

 

* Kho tàng vĩnh cửu trên trời.

Kho tàng tượng trưng cho những giá trị mình coi trọng. Nơi cuộc sống trần gian, nhiều người biết lo cho mình một cuộc sống ổn định, lo làm ăn tích cóp của cải để dành cho tuổi già, lo đầu tư hết khả năng và công sức để thu góp được càng nhiều của cải càng tốt. Điều này rất chính đáng và hợp lý vì người ta biết nhìn xa trông rộng.

Tuy nhiên, điều quan trọng không phải lo tích cóp thật nhiều bằng mọi giá, mà là biết sử dụng của cải làm ra thế nào cho hợp lý, đồng thời ý thức rằng, của cải có thể bảo đảm về thoải mải vật chất nhưng không bảo đảm cho một cuộc sống bình an và tốt lành. Đặc biệt, của cải không có giá trị bền vững, vì có thể bị mối mọt rỉ sét và bị trộm cướp, nhất là chủ nhân của nó không thể sống mãi để tận hưởng mà là phải bỏ lại tất cả để tay không khi xuống mồ.

Chính vì thế mà Chúa Giê-su mời gọi chúng ta cần đầu tư vào một kho tàng mang tính vĩnh viễn hơn là những thứ vật chất mau qua. Đó là kho tàng trên trời, nơi không thể bị mối mọt hay bị kẻ trộm chiếm đoạt. Kho tàng trên trời không phải là những gì chúng ta tích cóp cho riêng mình, nhưng là những gì chúng ta biết trao ban cho Chúa và tha nhân. Những gì chúng ta mua sắm sẽ để lại cho người khác, và những gì chúng ta cho đi sẽ theo chúng ta đến trước tòa phán xét để biện hộ cho chúng ta. Kho tàng trên trời là các việc lành chúng ta làm khi còn ở trần gian, như săn sóc người nghèo, an ủi người đau khổ, cho kẻ đói ăn...

Chúa Giê-su nói: “Kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó”. Theo quan niệm Á Đông, “cái tâm” hay “lòng mình” là nơi xuất phát những phán đoán và quyết định. Để lòng mình theo kho tàng nghĩa là không phải mình sở hữu kho tàng nữa, mà là kho tàng sỡ hữu tâm trí mình và dần dần áp đặt mình theo một nếp sống. Kho tàng đặt ở vật chất thì lòng trí và cuộc đời để ở sự toan tính mau qua vật chất, còn kho tàng để ở trên trời thì lòng trí luôn hướng về những thực tại vĩnh hằng mai sau.

 

* Đèn của thân thể là con mắt.

Chúa Giê-su nói: "Đèn của thân thể là con mắt. Vậy nếu mắt anh sáng, thì toàn thân anh sẽ sáng. Còn nếu mắt anh xấu, thì toàn thân anh sẽ tối” (Mt 6, 22-23).

Mắt trước hết được ví như cửa sổ tâm hồn, nhưng chính cái “cửa sổ” ấy cũng có thể nguy hiểm, vì không khéo thì nó sẽ khiến chúng ta “trắng tay” (cả nghĩa đen và bóng), dẫn tới chốn diệt vong. Có biết bao nhiêu người, vì lầm lẫn, họ nhìn các tạo vật và sự vật để chiếm hữu chúng bởi cái nhìn đầy ích kỷ, ghen tị hoặc tội lỗi. Hoặc nữa, họ nhìn vào trong lòng mình để chiếm lấy mình, để chiếm hữu tâm hồn mình, và cái nhìn của họ đã tắt lụi vì nó bực bội hoặc rối loạn. Vì thế, Ki-tô hữu chúng ta cần có cái nhìn và khám phá ra thế giới muôn màu ở chung quanh với con mắt đầy tình thương, với con mắt của đức tin, của tâm hồn.

Mắt còn tượng trưng cho lương tâm con người. Con mắt sáng, tượng trưng cho lương tâm lành mạnh. Người có con mắt lương tâm sáng là người hào hiệp và kẻ có con mắt lương tâm tối tức là kẻ sống hẹp hòi. Ai có lương tâm lành mạnh thì toàn thể cuộc sống người đó sáng ngời. Ngược lại ai mà lương tâm hắc ám thì cả cuộc sống đời người đó tối đen, lương tâm lệch lạc sẽ làm cho con người lạc lối và thu mình lại chì còn biết có mình.

 

Tóm lại, qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su mời gọi mỗi Ki-tô hữu chúng ta sống theo “sự nghèo khó theo Tin Mừng”, là siêu thoát đối với mọi sự để nhắm tới hành động yêu thương. Chúa Giê-su kêu mời mọi người hãy sống vô vị lợi và cảnh giác không để tình cảm trói buộc mình, không để lòng ham muốn vật chất hoặc ý thức hệ nào làm cho mình vướng víu. Đồng thời luôn giữ cho mình một lương tâm trong sáng giữa thế giới con người đầy toan tính hôm nay.

 

Lạy Chúa Giêsu, giữa một thế giới bon chen chạy theo vật chất mau qua, xin cho chúng con biết sống siêu thoát để hướng tới những thực tại vĩnh cửu trên trời; giữa những toan tính giả dối lọc lừa sẵn sàng bán rẻ lương tâm vì lợi nhuận, xin cho chúng con một lương tâm trong sáng để trung thành vâng theo thánh ý của Chúa trên cuộc đời chúng con. Amen.

 

 

THỨ BẢY TUẦN XI THƯỜNG NIÊN

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Mt 6,24-34

Khi ấy, Chúa Giê-su nói với các môn đệ rằng: "Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được.

"Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin! Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.

 

+ SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay làm rõ lên ý nghĩa về sự quan phòng của Thiên Chúa, Đấng làm chủ thời gian và không gian, làm chủ vận mệnh của vũ trụ và thế giới, làm chủ cuộc đời của mọi người chúng ta. Bởi thế, tin vào Chúa quan phòng là nhận Thiên Chúa làm chủ đời mình chứ không phải nô lệ cho tiền bạc; tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa là lo tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người.

 

* Không làm tôi hai chủ.

Dù trong địa vị nào, con người vẫn muốn “bắt cá hai tay”, Chúa cũng muốn mà xa hoa cũng muốn. Thật ra, tiền của không có gì là xấu mà là rất cần thiết cho cuộc sống, nhưng nó sẽ xấu khi ta trở thành nô lệ chúng, để rồi vì tiền mà ta không ngại bất cứ thủ đoạn nào phạm đến Chúa và tha nhân. Nhất là vì lo chạy theo tiền bạc mà quên hết việc đạo đức rồi dần dần tiền của lấn át dần Thiên Chúa, tiền và những lo toan vật chất ngự trị trong tâm hồn ta thay cho Thiên Chúa.

« Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ» Chỉ có một chủ chứ không có hai chủ. Ai làm đầy tớ cho tiền bạc, người ấy đương nhiên không có quyền làm ông chủ; người ấy mang trên mình cái ách nô lệ này. Quả thật, đồng tiền đúng ra không có quyền, nó là tên nô lệ bất chính… Sự giầu có không sinh ra với chúng ta, không theo chúng ta đến cùng đích của cuộc đời. Trái lại, Đức Kitô, ở với chúng ta vì Ngài là sự sống...

Con người không được bình an là quá lo lắng về của cải vật chất, để rồi trằn trọc nghĩ suy tính toán, lấn chiếm hết cả thời giờ nghỉ ngơi và cầu nguyện, dẫn đến mất cả niềm tin vào sự an bài của Thiên Chúa.

 

* Tin vào Chúa quan phòng.

Chúa Giêsu không chủ trương cho chúng ta lười biếng hay ỷ lại, mà là muốn chúng ta đừng quá tin cậy vào sức mình, nhưng cần đến sự tin tưởng phó thác với sự quan phòng của Thiên Chúa.

Sự tin tưởng vào Chúa Quan Phòng không có tính cách thụ động, khoanh tay ngồi chờ “trời sinh voi, trời sinh cỏ”, không phải thái độ vô vi, yếm thế, buông trôi.

Tín nhiệm hoàn toàn vào Thiên Chúa không có nghĩa là sống trong thụ động, mà là cộng tác với công việc của Thiên Chúa tùy ơn gọi của mỗi người: tự giúp mình thì trời sẽ giúp cho.

“Đức tin chân chính phải thể hiện bằng việc làm”, càng tin, càng phải đem “hết sức mình, hết lòng, hết trí khôn, hết linh hồn” cộng tác vào công trình sáng tạo và cứu thế của Thiên Chúa; biết xây dựng trần thế tốt đẹp như khi Người dựng nên mọi sự tốt đẹp; biết xây dựng Nước Trời cho tình thương của Thiên Chúa trải rộng khắp mọi nơi.

Chúa Giêsu đưa ra một bằng chứng cụ thể để nâng đỡ đức tin của chúng ta vào sự quan phòng của Thiên Chúa đối với thụ tạo thượng đẳng của Người: “Chim trên trời, bông huệ ngoài đồng, chúng có đáng gì đâu, thế mà Thiên Chúa vẫn hằng nuôi nấng, để ý đến”, huống chi con người, vì con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa và được Chúa Giêsu Kitô cứu chuộc bằng chính giá máu của Người.

 

"Trước hết hãy lo tìm Nước Chúa và sự công chính của Người", nghĩa là: Thiên Chúa phải chiếm chỗ ưu tiên trong con người và công việc của chúng ta, rồi đến việc cứu rỗi bản thân và đưa người khác về với Chúa. Nếu đảo lộn trật tự này tức là đi ngược thánh ý Thiên Chúa và chương trình của Người.

 

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết phân định giữa việc chọn Chúa hay chọn tiền bạc, quá lo lắng đến vật chất hay luôn tín nhiệm vào sự quan phòng của Chúa. Xin cho chúng con biết ưu tiên tìm kiếm Nước Chúa và sự thánh thiện, để mọi thứ khác Chúa sẽ ban cho chúng con. Amen.

 

Hiền Lâm.

Thiết kế Web : Châu Á