Suy niệm

Đọc và suy niệm Tin Mừng TUẦN VII PHỤC SINH (Hiền Lâm)

Rao giảng Tin Mừng cho ai là giúp người ấy đào sâu những kinh nghiệm bản thân đã trải qua trong quá khứ, cho đến ngày người ấy nhận ra nơi Chúa Kitô, trong cái chết và sự sống lại của Người, là chân lý làm cho cuộc đời họ rực sáng

 

CHÚA NHẬT VII PHỤC SINH, NĂM B Kết quả hình ảnh cho hình ảnh Chúa Giêsu lên trời

Lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên

 

THỨ HAI TUẦN VII PHỤC SINH

THỨ BA TUẦN VII PHỤC SINH

THỨ TƯ TUẦN VII PHỤC SINH

THỨ NĂM TUẦN VII PHỤC SINH

THỨ SÁU TUẦN VII PHỤC SINH

THỨ BẢY TUẦN VII PHỤC SINH

 

 

 Các bài chia sẻ: Hiền Lâm.

 

CHÚA NHẬT CHÚA THĂNG THIÊN, Năm B 

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Mc 16,15-20

Người nói với các ông: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ."

Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.

 

+ SUY NIỆM

 

“HÃY ĐI

VÀ LÀM CHO MUÔN DÂN TRỞ THÀNH MÔN ĐỆ”

Truyền thống và Phụng Vụ Giáo Hội Công Giáo mừng lễ Chúa Giêsu thăng thiên sau 40 ngày kể từ ngày Người phục sinh (vì nhu cầu mục vụ, tại Việt Nam, các Giáo phận phía Nam đã mừng lễ Chúa Thăng Thiên vào Chúa Nhật VII Phục Sinh, khác với chính ngày là thứ năm tuần VI Phục Sinh).

Con số 40 là con số quan trọng trong Thánh Kinh, gợi nhớ con số 40 năm trong sa mạc của dân Israel trước khi vào Đất Hứa (biểu trưng cuộc lữ hành của Dân Mới của Thiên Chúa bước vào Nước Trời).

Đặc biệt, con số 40 có tính biểu trưng này, khởi hứng từ thực tại 40 tuần lễ đứa trẻ nằm trong bụng mẹ, gợi nhớ thời gian thai sinh, thời gian thử thách, cũng như thời gian tăng trưởng và chín muồi; đó là thời gian đợi chờ của một cuộc sinh nở mới.

40 ngày trong hoang địa, Chúa Giêsu dọn mình chuẩn bị sứ mạng cứu thế. Cũng 40 ngày sau khi Chúa phục sinh, các Tông Đồ và môn đệ cũng dọn mình sẵn sàng ra đi làm chứng cho Thầy Giêsu.

 

* Lệnh truyền rao giảng Tin Mừng.

Rao giảng Tin Mừng cho ai là giúp người ấy đào sâu những kinh nghiệm bản thân đã trải qua trong quá khứ, cho đến ngày người ấy nhận ra nơi Chúa Kitô, trong cái chết và sự sống lại của Người, là chân lý làm cho cuộc đời họ rực sáng (x.GKPV).

Trước khi về trời, lời trối cuối cùng của Chúa Giêsu là: “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà rao giảng Tin Mừng cho mọi lời thọ tạo”.

  • Hãy đi: Đây là một mệnh lệnh mang tính trách nhiệm, chứ không phải một lời khuyên. Vì thế, đã là môn đệ Chúa, thì mọi người đều mang trong mình trách nhiệm truyền giáo. 
  • Đi: Nghĩa là lên đường, đến với nơi mình làm việc, nơi mình sinh sống, nơi mình tham gia các sinh hoạt… Truyền giáo là một hành động cụ thể qua lời nói và đời sống chứng nhân, chứ không phải “đạo tại tâm”. 
  • Khắp tứ phương thiên hạ: Nghĩa là, việc rao giảng và làm chứng cho Chúa không hệ tại ở một không gian nhất định, nhưng bất kỳ nơi nào mình đến và trong hoàn cảnh nào.
  • Rao giảng Tin Mừng: Rao giảng Tin Mừng là rao giảng “Lời Chúa”, việc Chúa, và làm chứng cho Chúa, chứ không phải rao giảng “lời hay ý đẹp của mình bịa ra”, làm công việc của mình hoặc ngầm ý vinh danh mình.
  • Cho mọi loài thọ tạo: Lệnh truyền không giới hạn mình phải làm chứng cho Chúa trước một tôn giáo nào hay một tầng lớp xã hội nào, mà là cho bất cứ ai mình gặp gỡ.

 

* Điều kiện để được cứu độ.

Tiếp theo lệnh truyền là lời khằng định của Chúa Giêsu: “Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ; còn ai không tin thì sẽ bị kết án”.

  • Điều kiện bắt buộc để được cứu độ là tin và chịu phép rửa. Nên dù mặc nhiên hay minh nhiên, không qua Đức Giêsu Kitô thì không thể vào Nước Thiên Chúa. Sẽ khó trả lời khi nói điều này với người ngoài Kitô Giáo, nhưng hết những ai qua tôn giáo của họ hoặc qua tiếng lương tâm mà ăn ở tốt lành thánh thiện thì mặc nhiên ở trong Đức Kitô (được rửa tội “bằng lửa”). Cũng thế, những ai dám hy sinh tính mạng vì niềm tin hoặc vì Đức Ái, thì dù chưa được lãnh nhận bí tích rửa tội, thì cũng mặc nhiên ở trong Đức Kitô toàn thể (rửa tội “bằng máu”). 
  • Cần phân biệt giữa việc được rao giảng mà không tin và chịu phép rửa, khác hẳn với việc không được nghe rao giảng. Ơn cứu độ trước việc người ta cứng lòng không tin khác với việc người ta lầm lạc không được nghe biết Tin Mừng. Vì thế, việc truyền giáo luôn là một trách nhiệm khẩn thiết của mỗi chúng ta.

 

Cũng cần lưu ý, những phép lạ chỉ là “kèm theo”, chỉ đóng vai trò phụ trong việc minh hoạ cho Lời Rao Giảng, nâng đỡ niềm tin người đón nhận và xoa dịu bớt phần nào nỗi đau khổ của kiếp nhân sinh; Lời Rao Giảng mới đóng vai trò chính trong niềm tin và ơn cứu độ.

Chính vì thế, mà chính Chúa Giêsu cũng nhiều lần từ chối làm phép lạ, vì người ta đòi hỏi Người. Niềm tin mà chỉ dựa trên phép lạ thì không còn là niềm tin nữa.

 

Sự kiện Chúa Giêsu lên trời là một sự hiện diện theo cách thế mới. Nếu khi ở trong thân xác phàm nhân, Chúa Giêsu như bị giới hạn về sự hiện diện; thì nay, trong thân xác Phục Sinh, người hiện diện mọi nơi mọi lúc với các môn đệ, mà không còn bị lệ thuộc không gian hay thời gian vật lý nữa. Sự hiện diện của Chúa Giêsu với chúng ta sau khi Người lên trời, biểu trưng nơi cõi trời cao xa có thể quan sát thấy mọi đường đi nước bước của các chứng nhân, để đồng hành, hướng dẫn, an ủi, khích lệ và ban ơn phúc.

 

Tóm lại, mừng lễ Chúa Giêsu lên trời, Kitô hữu được mời gọi hướng lòng lên với Chúa, hướng vọng về cõi trời là cùng đích của đời sống đạo, tin tưởng và hy vọng mai ngày được trở về quê trời là quê hương đích thực và vĩnh cửu bên Đấng họ yêu mến, là Đức Giêsu Kitô. Nhưng ai muốn đạt tới quê trời vinh phúc phải ghi nhớ và sống lệnh truyền của Chúa qua bài Tin Mừng hôm nay là: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em”

 

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã lên trời vinh hiển sau khi đã vượt qua khổ ải trần gian. Chúa đã lên trời để dọn chỗ cho chúng con mai ngày. Xin cho chúng con luôn biết hướng lòng lên những thực tại trên trời, để can đảm vượt qua những khổ ải dương gian, trung thành với lề luật Chúa trong đời sống đức tin và bác ái, hầu mai ngày chúng còn cũng được về quê trời vinh hiển với Chúa. Amen.

 

 

THỨ HAI TUẦN VII PHỤC SINH

Ngày 14 tháng 5: THÁNH MATTHIA TÔNG ĐỒ, lễ kính

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Ga 15,9-17

Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.

Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.

Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.

 

+ SUY NIỆM

Hôm nay, mừng lễ kính thánh Matthia tông đồ, chúng ta được nghe bài Tin Mừng về “điều răn mới” của Chúa Giêsu là hãy yêu thương nhau. Tình yêu đối với người môn đệ được mời gọi ở lại trong tình yêu của Thầy Giêsu, môn đệ phải biết yêu như Thầy đã yêu và sẵn sàng trao ban tất cả. Đó là tình yêu cao quý nhất:

 

* Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy.

Ở lại trong tình yêu của Chúa là muốn được gần gũi với Chúa, muốn đặt niềm tin cậy phó thác vào Chúa, muốn Chúa làm chủ đời sống và làm lẽ sống cho cuộc đời.

Ở lại trong tình yêu của Chúa là ở lại trong tình bạn hữu với Chúa. Cảm nghiệm ta có về tình bạn với Chúa giống như cảm nghiệm của hai người yêu nhau.

Hai người yêu luôn cảm thấy gần gũi nhau. Khi xa nhau, họ vẫn tưởng nhớ đến nhau, nhớ bóng dáng người yêu, ánh mắt của người yêu và cả tiếng thì thầm của người yêu. Nói cách khác, họ cách mặt mà không xa lòng.

Một anh lính ở sa trường, cách xa cô thôn nữ là người yêu của anh hàng vạn dặm, chiếc khăn mùi soa ngày anh lính lên đường trở thành một kỷ vật thiêng liêng như là hình ảnh của người yêu.

Cảm nghiệm của ta có được về tình yêu và tình bạn với Chúa cũng tương tự như vậy. Có được cảm nghiệm về tình yêu, tình bạn với Chúa, chúng ta sẽ cảm thấy sự hiện diện của Chúa trong chúng ta, bên chúng ta và xung quanh chúng ta. Khi ăn uống, làm việc, giải trí và cả khi ngủ nghỉ, chúng ta cũng cảm nghiệm sự diện diện của Chúa.

Từ đó, cũng như hai người yêu nhau, họ muốn làm cho nhau được vui và tránh mọi thứ có thể gây buồn cho nhau. Thì đây, khi ở lại trong tình yêu của Chúa, chúng ta cũng lo tránh tội lỗi để không làm buồn lòng Chúa và lo luyện tập nhân đức là tuân giữ các điều răn của Chúa.

 

* Yêu như thầy đã yêu.

Viết Tin Mừng cho người Hi-lạp, Tin Mừng thứ IV tường thuật định nghĩa về tình yêu của Chúa Giêsu ở một mức độ cao nhất mà các học giả Hi-lạp đương thời đưa ra ba cấp độ là eros, filia và agape. Eros là chiếm hữu, filia là còn có qua có lại, còn agape là yêu một cách vô vị lợi. Chúa Giêsu đã chọn yêu con người trong mức độ cao nhất là yêu cách nhưng không và chết đi cho người mình yêu. Người cũng mời gọi các môn đệ: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”

Như một chàng trai muốn tìm kiếm bạn đời, mà cứ ở một chỗ, không đến nhà cô gái, không tìm gặp nàng, không trao đổi tìm hiểu nàng, mà cứ ở nhà gọi điện thoại, gửi tin nhắn, thư điện tử… để tỏ tình, thì làm sao cô gái kia nhận lời được? Chúa Giêsu cũng thế, nếu Ngài cứ ở trên trời nói vọng xuống: “Ta yêu các con, Ta sẵn sàng chết vì các con…” thì làm sao con người kiểm chứng được tình yêu đó và đáp lại được? Vì thế, Chúa Giêsu phải xuống với con người, cùng chấp nhận kiếp sống, cùng đồng hành chia sẻ và sẵn sàng hy sinh để cứu con người là đối tượng mà Ngài yêu.

Như vậy, yêu như Thầy đã yêu, nghĩa là không so đo tính toán mà là tình yêu nhưng không và hi sinh cho nhau. Chúa Giêsu yêu chúng ta và hy sinh chính mình cho chúng ta, thì đến lượt chúng ta cũng biết hi sinh cho nhau.

 

* Tình yêu lớn nhất.

Khi hai người yêu nhau, những thứ thư từ, quà cáp, tiền bạc, lời nói… chỉ là những thứ phụ thuộc, điều họ cần chính là con người của nhau, cần hiến dâng hoàn toàn cho nhau, cần được kết hợp với nhau tuy hai mà một…, và đó cũng là chất thể của Bí Tích Hôn Nhân. Hơn ai hết, Chúa Giêsu là Vua Tình Yêu, Ngài quá thấu hiểu sự thiếu thốn của con người là đối tượng yêu của Ngài. Những lời nói, hành động của Ngài để lại thật quý, nhưng có gì quý hơn và con người cần hơn? Có gì minh chứng tình yêu hơn là sự trao ban chính thân mình Ngài cho con người?

Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình (Ga 15,13). Thổ lộ cho ai về cảnh ngộ cá nhân hay gia đình, ngay cả những tâm tư và bí mật của đời mình là dấu chỉ mình tín nhiệm người đó kín đáo, muốn gần gũi với người đó và muốn mở lòng để người đó đi vào đời mình. Ðó là cách thế Ðức Giêsu đã làm để trở nên bạn hữu với ta: Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết (Ga 15,15).

 

Tóm lại, tình yêu không thể diễn tả được hết bằng ngôn từ, nhưng là sự cảm nhận rất riêng của mỗi người trong sự rung cảm của trái tim mà không bị lệ thuộc của bất cứ ranh giới nào. Tuy nhiên, người môn đệ có một tiêu chuẩn để diễn tả tình yêu đích thực là tuân giữ điều răn yêu thương của Chúa dành cho tha nhân, yêu thương một cách vô vị lợi, không so đo tính toán thiệt hơn, mà là YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU khi sẵn sàng hi sinh cả tính mạng vì bạn hữu.

 

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã yêu và yêu đến cùng khi trao ban đến giọt máu cuối cùng trên thập giá, xin cho chúng con cũng biết yêu thương, hi sinh và trao ban cho nhau một cách không so đo tính toán, để chúng con trở nên môn đệ đích thực của Chúa, là BIẾT YÊU THƯƠNG NHAU NHƯ CHÚA  ĐÃ YÊU THƯƠNG CHÚNG CON. Amen

 

 

THỨ BA TUẦN VII PHỤC SINH 

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Ga 17,1-11a

Đức Giê-su ngước mắt lên trời và cầu nguyện: "Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha. Thật vậy, Cha đã ban cho Người quyền trên mọi phàm nhân là để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người. Mà sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giê-su Ki-tô.

Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm. Vậy, lạy Cha, giờ đây, xin Cha tôn vinh con bên Cha: xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian. Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con, con đã cho họ biết danh Cha. Họ thuộc về Cha, Cha đã ban họ cho con, và họ đã tuân giữ lời Cha. Giờ đây, họ biết rằng tất cả những gì Cha ban cho con đều do bởi Cha, vì con đã ban cho họ lời mà Cha đã ban cho con; họ đã nhận những lời ấy, họ biết thật rằng con đã từ Cha mà đến, và họ đã tin là Cha đã sai con.

Con cầu nguyện cho họ. Con không cầu nguyện cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho con, bởi vì họ thuộc về Cha. Tất cả những gì của con đều là của Cha, tất cả những gì của Cha đều là của con; và con được tôn vinh nơi họ. Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian

 

+ SUY NIỆM

Chương 17 của Tin Mừng Gioan là “lời nguyện hiến tế” của Chúa Giêsu.

Được gọi là lời nguyện hiến tế vì là lời cầu xin của Chúa Giêsu trước khi bước vào cuộc khổ nạn, chịu sát tế, hiến mình làm của lễ dâng lên Chúa Cha để chuộc tội nhân loại.

 

Bài Tin Mừng hôm nay là phần đầu của lời nguyện hiến tế, Chúa Giêsu thưa với Chúa Cha là Người sẽ ban cho các môn đệ sự sống đời đời: đó là nhận biết Chúa Cha và tin vào người là Đấng được Chúa Cha sai đến.

 

Chúa Giêsu muốn hễ ai thuộc về Người thì nhận biết Thiên Chúa. Điều này đòi hỏi phải năng suy gẫm Lời Chúa, kiên trì cầu nguyện, tham dự phụng tự, để nhận được ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần, Đấng trao ban các ơn hiểu biết và khôn ngoan (x.Cl 1,9). Từ ơn hiểu biết sẽ phát sinh tình yêu và các việc lành: Đây là khởi điểm của sự sống đời đời, trước khi tín hữu được thấy tỏ tường dung nhan Thiên Chúa viên mãn mai sau.

 

Lời khẳng định của Chúa Giêsu thật rõ ràng: “Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người. Mà Sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Đức Giê-su Ki-tô” (Ga 17,2-3).

Được biết Thiên Chúa và nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai thật không dễ dàng, bởi vì việc nhận biết Thiên Chúa và tin vào Chúa Giêsu không phải do trí hiểu hay thực nghiệm khoa học, mà là một ân ban của Thiên Chúa, như Chúa Giêsu đã nói: Không ai thấy Thiên Chúa bao giờ nếu Chúa Con không mặc khải cho, và cũng không ai đến được với Chúa Con nếu Chúa Cha không lôi kéo họ”.

 

Mọi tín hữu khi nghe lời này của Chúa Giêsu, thật là hạnh phúc khi được biết Thiên Chúa là Cha và tin vào Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ và là Chúa của mình.

 

Lạy Chúa Giêsu, chúng con là những người đã tin Chúa là Đấng được Chúa Cha sai đến để cứu độ chúng con; chúng con cũng được Chúa mặc khải cho biết Thiên Chúa là Cha sáng tạo và yêu thương săn sóc chúng con. Xin cho chúng con cũng biết dâng hiến cuộc đời mình để tôn vinh Cha trên trời như Chúa đã tôn vinh Chúa Cha khi hoàn tất công trình mà Cha giao phó là cứu độ chúng con. Amen.

 

 

THỨ TƯ TUẦN VII PHỤC SINH 

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Ga 17,11b-19

… Họ ở trong thế gian; phần con, con đến cùng Cha.

Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh. Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con. Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.

 

+ SUY NIỆM

Tiếp tục trong Lời Nguyện Hiến Tế, Chúa Giê-su cầu xin Chúa Cha giữ gìn và thánh hóa các môn đệ của Người. Gìn giữ và thánh hóa là công việc của Chúa Thánh Thần mà Chúa Cha cử đến làm Đấng Bảo Trợ cho Giáo Hội.

 

Có một điều rất quan trọng ở đây là, Chúa Giê-su chưa bao giờ cầu xin Chúa Cha đưa các môn đệ ra khỏi thế gian, vì chính Chúa Cha yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một là Chúa Giê-su đến để cứu thế gian; Chúa Giê-su cũng vì yêu thế gian mà Người đã nhập thể đi vào thế gian; và giờ đây Chúa cũng sai các môn đệ dấn thân vào thế gian để đem ơn cứu độ cho thế gian, như Người đã nói: “Như Cha đã sai Con thì Con cũng sai họ vào trong thế gian”.


Như vậy, Chúa Giê-su sai các môn đệ vào trong thế gian để tiếp bước hành trình cứu độ, chứ không phải tách các môn đệ ra khỏi thế gian. Và vì phải hòa nhập vào thế gian với bao hiểm nguy rình rập cùng những cảm bẫy làm sai lạc nên Chúa Giê-su đã cầu xin Chúa Cha giữ gìn và thánh hóa các môn đệ.

Là những môn đệ bước theo Chúa Giê-su, người Ki-tô hữu vẫn “đầu đội trời chân đạp đất”, nghĩa là Ki-tô hữu tuy đã được thánh hiến cho Thiên Chúa qua bí tích Rửa Tội thì vẫn đang sống trong thế giới này và phải đương đầu với mọi thách đố của thời đại.

Ki-tô hữu sống trong thế gian là để cùng với Chúa Giê-su cứu độ thế gian, mang trên mình vai trò và trách nhiệm thánh hóa thế gian, chứ không phải sống dửng dưng với thế gian và vô can với thế gian.


Tuy nhiên, như lời cầu của Chúa Giê-su xin Chúa Cha giữ gìn và thánh hóa các môn đệ, nghĩa là Người xin Cha cho các môn đệ sống giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian; môn đệ phải được thánh hóa trong sự thật và được gìn giữ khỏi ác thần.
Ki-tô hữu đồng hành với thế gian nhưng không bị đồng hóa, thánh hóa thế gian nhưng không để bị tiêm nhiễm những hành vi xấu của thế gian, rao giảng Sự Thật chứ không thỏa hiệp, bảo vệ những tiêu chuẩn luân lý chứ không nhân danh thời đại đễ hòa hoãn và giảm thiểu chuẩn mực sống theo ý Thiên Chúa.


Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con là những người đang sống giữa thế giới hôm nay, một thế giới như mất niềm tin vào Thiên Chúa và sẵn sàng thỏa hiệp với sự suy đồi luân lý Ki-tô giáo. Xin Chúa gìn giữ và thánh hóa chúng con là những môn đệ của Chúa, để chúng con không dửng dưng và thỏa hiệp với sự xuống cấp đạo đức của thế giới, nhưng can đảm dấn thân để làm cho Tin Mừng Chúa được loan báo khắp nơi. Amen.

 

 

THỨ NĂM TUẦN VII PHỤC SINH 

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Ga 17,20-26

Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con.

Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành. Lạy Cha là Đấng công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng con, con đã biết Cha, và những người này đã biết là chính Cha đã sai con. Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa."

 

+ SUY NIỆM

Phần cuối của Lời Nguyện Hiến Tế là lời cầu xin của Chúa Giêsu với Chúa Cha nhắm tới tất cả những ai nhờ lời rao giảng của các môn đệ mà tin vàoChúa Giêsu. Nội dung của lời cầu xin là cho các kitô hữu được hiệp nhất nên một với nhau.
Toàn văn của bài Tin Mừng, Chúa Giêsu lặp đi lặp lại hai chữ nên một: Nên một như tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa, nên một để thế gian nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ, nên một để được chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa và nên một để được nhận biết Cha…


+ Trước hết, mô hình tuyệt hảo của sự hiệp nhất chính là hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi: “Để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta”. 
Sự hiệp nhất của Chúa Ba Ngôi là tình yêu hướng về nhau: Chúa Cha yêu Chúa Con và Chúa Con yêu Chúa Cha bằng Thánh Thần; tình yêu hướng về nhau đến độ nên một Thiên Chúa duy nhất. Như thế, Kitô hữu nên một với nhau nhờ tình yêu bác ái dành cho nhau.

Sự hiệp nhất của Chúa Ba Ngôi là ở trong nhau: “Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, Con ở trong chúng như Cha ở trong Con”. Kitô hữu được mời gọi luôn ở trong Chúa Giêsu và ở trong nhau. “Ở trong” được hiểu là cùng chia sẻ một niềm tin, một phép rửa, một tấm bánh, một Thánh Thần, và đặc biệt là trong cùng một chi thể của nhiệm thể Chúa Kitô.

Thế nhưng, trải qua thời gian, Giáo Hội Chúa Kitô đã bị chia tách nhau, cụ thể là Kitô Giáo hiện nay bao gồm Công Giáo, Chính Thống, Anh Giáo, Tin Lành và ngay trong các nhánh này lại tách thêm nhiều giáo phái khác. Tấm áo choàng của Chúa Giêsu trong cuộc thương khó đã bị cắt làm 4 phần, thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô đang bị chia cắt. Chính vì thế mà lời cầu xin của Chúa Giêsu với Chúa Cha cho các kitô hữu được nên một lúc này khẩn thiết hơn bao giờ hết. Mỗi Kitô hữu có nhiệm vụ cầu nguyện và nỗ lực đóng góp phần mình cho sự hiệp nhất Giáo Hội, khởi đi từ sự hiệp nhất trong gia đình, lối xóm, giáo xứ, giáo phận…


+ Chính sự hiệp nhất nên một là một lời chứng hùng hồn để thế giới nhận ra Chúa Giêsu: “Con ở trong họ và Cha ở trong Con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai Con và đã yêu thương họ như đã yêu thương Con”.

Thời nào cũng thế, đời sống chứng nhân luôn có tính thuyết phục hơn những bài giảng uyên thâm và hùng hồn: “lời nói lung lay, gương lành lôi kéo”. Mọi người dễ nhận ra Chúa Kitô hiện diện và tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa qua đời sống tốt lành của Kitô hữu, mà điều có sức thuyết phục hơn cả chính là các kitô hữu sống đoàn kết yêu thương nhau và hiệp một lòng một ý với nhau. Điều này luôn luôn đúng khi hầu hết những người trở lại đạo luôn làm chứng rằng họ bị thuyết phục vì đời sống chứng tá của Kitô hữu nơi học đường, xí nghiệp và đặc biệt nơi các xóm đạo.

Chính sự nối kết hiệp nhất với nhau tạo nên sức mạnh chống lại kẻ thù, mà kẻ thù lớn nhất của Kitô hữu chính là ma quỷ đang tìm mọi cách chia rẽ con cái Giáo Hội. Hiện nay, trên mọi ngõ ngách của cuộc sống và đặc biệt trong lãnh vực truyền thông xã hội, kẻ thù luôn tìm cách gieo rắc những thông tin trái chiều, cắt xén và bịa đặt để chia rẽ các thành phần trong Giáo Hội; nhiều kẻ lợi dụng các trang mạng, lập nhóm này trang nọ hay phòng chat kia để truyền bá những điều sai lạc với Giáo Lý Thánh Kinh, cào bằng và lên án các mục tử, lôi kéo nhiều người Công Giáo đặc biệt là các bạn trẻ theo chúng mà xa lìa chân lý của đạo Công Giáo. Chính vì thế, hơn lúc nào hết, sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi mọi người hãy cùng đoàn kết nên một trong một đức tin được thông truyền từ Chúa Giêsu qua các Tông Đồ đến cho Giáo Hội. Đức tin tông truyền là bất biến, đức tin đó đòi hỏi các Kitô hữu hiệp nhất với các Đấng đại diện Chúa để làm cho nước Chúa ngày một lan rộng trên thế giới này.


Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn hiệp nhất với nhau trong cùng một đức tin và một lòng mến, như Chúa luôn hiệp nhất trong Chúa Cha nhờ Thánh Thần Tình Yêu. Amen.

 

 

THỨ SÁU TUẦN VII PHỤC SINH 

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Ga 21,15-19

Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giê-su hỏi ông Si-môn Phê-rô: "Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không? " Ông đáp: "Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy." Đức Giê-su nói với ông: "Hãy chăm sóc chiên con của Thầy." Người lại hỏi: "Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy không? " Ông đáp: "Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy." Người nói: "Hãy chăn dắt chiên của Thầy." Người hỏi lần thứ ba: "Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không? " Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần: "Anh có yêu mến Thầy không? " Ông đáp: "Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy." Đức Giê-su bảo: "Hãy chăm sóc chiên của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn." Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: "Hãy theo Thầy."

 

+ SUY NIỆM

Chúng ta vẫn thường nói với nhau rằng, sở dĩ Chúa Giêsu hỏi thánh Phêrô “con có yêu mến Thầy không?” tới 3 lần là vì trước đó thánh nhân đã chối Chúa tới 3 lần. Điều này không sai, nhưng có lẽ không chỉnh lắm, vì việc chối Chúa là điều nghịch với đức tin, trong khi ở đây Chúa Giêsu đang hỏi thánh Phêrô về đức mến.

Tuy nhiên, ở đây chúng ta không nhằm bàn chuyện 3 lần chối tương đương 3 lần yêu, mà điều quan trọng là Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta: điều kiện đứng đầu trong các điều kiện của vai trò mục tử là lòng yêu mến Chúa.

 

Khi thiết lập người đứng đầu Giáo Hội, Chúa Giêsu lại đặt một vị đã từng 3 lần chối Chúa. Nếu xét theo cách nhìn của chúng ta thì có lẽ Phêrô không xứng đáng và không đủ tiêu chuẩn làm mục tử. Nhưng dưới cái nhìn của Chúa Giêsu, Người không nhìn Phêrô của ngày hôm qua mà là bắt đầu từ lúc này và hướng về tương lai. Phêrô từng lầm lỡ và khiêm tốn ăn năn để đứng lên, nên cũng chính Phêrô cảm thông được với những con chiên mà Chúa Giêsu trao phó cho ngài. Thiên Chúa đi tìm con chiên lạc thay vì ở nhà với 99 con chiên không lạc. Thiên Chúa cũng chọn một vị mục tử đã từng lạc lối, nhưng điều quan trọng là: “này Phêrô, một khi anh đã trở lại, anh hãy làm cho anh em vững tin”.


Khi đặt Phêrô làm mục tử chăn dắt Giáo Hội hoàn vũ, Chúa Giêsu chắc chắn không dựa trên tiêu chuẩn: thông minh, tài giỏi, oai phong, lợi khẩu… mà là lòng yêu mến. Chúa Giêsu chọn Phêrô vì thánh nhân đã yêu mến nhiều. Phêrô yêu mến nhiều là vì “ngài đã được tha thứ nhiều” (x.La 7,47).

Và vì yêu mến là tiêu chuẩn Chúa chọn mục tử, thì đòi hỏi mục tử cũng phải biết chăn dắt chiên bằng lòng yêu mến, chứ không phải bằng sự độc tài, quyền thế và chiếm hữu.

Chúa Giêsu, vị mục tử nhân lành hy sinh mạng sống vì yêu mến đoàn chiên, thì đến lượt mục tử Phêrô cũng hy sinh tính mạng vì đoàn chiên như Thầy: “Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn." Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: "Hãy theo Thầy” (Ga 21,18-19).

 

Mục tử có thể thiếu thiếu những tiêu chuẩn khác như thông minh hay lợi khẩu, nhưng mục tử không thể thiếu lòng yêu mến; có làm được mọi sự phi thường, nhưng không có lòng mến thì vô ích. Cảm nghiệm được điều này, thánh Phaolô đã nói: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi (1Cr 13,1-3).

 

Người Do-thái không dùng thể so sánh tuyệt đối, nhưng dùng sự lặp lại 3 lần để chỉ điều tuyệt đối. Vì thế, khi lặp lại 3 lần sự tuyên xưng yêu mến thì có nghĩa là mức độ yêu mến của mục tử là trên hết và là điều kiện quan trọng nhất trong mọi điều kiện. Cuộc đối thoại hôm nay giữa Chúa Giêsu và thánh Phêrô nói rõ cho biết làm Kitô hữu có nghĩa là gì. Mỗi ngày, Chúa Giêsu cũng hỏi chúng ta có yêu mến Người một các đặc biệt và ‘trên hết mọi sự’ hay không: “Anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” Cũng như thánh Phêrô, chúng ta trả lời “có”, mặc dù chúng ta đầy những yếu đuối; và Chúa Giêsu lại mời gọi chúng ta bước theo Người vì tình yêu (x.Ga 19), và cùng với Người gánh vác Dân Thiên Chúa.

 

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chọn thánh Phêrô làm người chăn dắt Giáo Hội vì thánh nhân đã yêu mến Chúa. Xin cho chúng con luôn ý thức rằng, tất cả mọi quyền bính trong Giáo Hội đều khởi đi từ lòng yêu mến, và đức mến là đồng phục của mọi Kitô hữu, để chúng con giữ trọn điều răn Chúa là: “Trước yêu mến một Thiên Chúa trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy” Amen. 

 

 

THỨ BẢY TUẦN VII PHỤC SINH 

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Ga 21,20-25

Ông Phê-rô quay lại, thì thấy người môn đệ Đức Giê-su thương mến đi theo sau; ông này là người đã nghiêng mình vào ngực Đức Giê-su trong bữa ăn tối và hỏi: "Thưa Thầy, ai là kẻ nộp Thầy? " Vậy khi thấy người đó, ông Phê-rô nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, còn anh này thì sao? " Đức Giê-su đáp: "Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? Phần anh, hãy theo Thầy." Do đó, mới có tiếng đồn giữa anh em là môn đệ ấy sẽ không chết. Nhưng Đức Giê-su đã không nói với ông Phê-rô là: "Anh ấy sẽ không chết", mà chỉ nói: "Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? "

Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực.

Còn có nhiều điều khác Đức Giê-su đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra.

 

+ SUY NIỆM

Tin Mừng Gioan kết thúc với lời tiên báo về hai số phận khác nhau của hai người môn đệ, Phê-rô, người sẽ dang tay chịu trói và tử đạo tại Rô-ma vào khoảng năm 67, còn Gioan thì mãi đến sau năm 90 vẫn còn sống…

 

Dựa theo câu trả lời của Chúa Giê-su: "Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? Phần anh, hãy theo Thầy” (Ga 21,22), đặt ra cho người đọc một giả thiết: phải chăng tông đồ Gioan sẽ không chết? Phần lớn câu trả lời đều khẳng định rằng: đã mang thân phận làm người ai cũng phải chết và Gioan cũng thế, nhưng lời tiên báo này nói đến việc Gioan sẽ được chiêm ngắm trước cảnh tượng cánh chung qua thị kiến mà ông đã viết lại trong sách Khải Huyền (phần nói về tận thế).

 

Thật ra, với cách viết của Tin Mừng thứ IV, sử dụng rất nhiều hình ảnh mang tính biểu tượng, ngay cả nhân vật “người môn đệ được Đức Giê-su thương mến” cũng mang tính biểu tượng hơn là một nhân vật có thật. Nhiều người đã cố hiểu “người môn đệ được Đức Giê-su thương mến” là thánh Gioan tông đồ. Nhưng không hẳn là như thế, bởi vì những tình huống mà Tin Mừng thứ IV nhắc đến, như: tựa đầu vào ngực Chúa, đứng với thân mẫu Chúa dưới chân thập giá, chạy nhanh hơn Phê-rô ra mộ Chúa, nói với Phê-rô rằng “Chúa đó” và Phê-rô hỏi Chúa về người môn đệ này… cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều không hề nhắc tới, thậm chí còn mâu thuẫn, như khi các Tin Mừng Nhất Lãm đều nói lúc Chúa Giê-su bị bắt thì các môn đệ bỏ trốn hết… Chính vì vậy mà chúng ta cứ để “người môn đệ được Đức Giê-su thương mến” hơn là dịch ra thành một người tên là Gioan.

 

Cụm từ “người môn đệ được Đức Giê-su thương mến” được nhắc tới và chỉ có Tin Mừng thứ IV nhắc tới đến 5 lần (Ga 13,23; 19,26; 20,2; 21,7 và 21,20), ngoài ra có một lần sử dụng chữ “người được Thầy thương mến” để áp dụng cho Lazaro (Ga 11,3). Cách gọi này như là một sự nhân cách hóa “lòng yêu mến” thành ngôi vị, đại diện cho hết những ai yêu mến Chúa Giê-su: Lòng yêu mến tựa đầu vào ngực Chúa, lòng yêu mến đứng dưới chân thập giá bên cạnh mẹ Maria, lòng yêu mến chạy ra mộ Chúa, lòng yêu mến chỉ cho Phê-rô thấy Chúa, và lòng yêu mến tồn tại mãi mãi.

 

Điều này rất thích hợp vì nằm trong mạch văn của bài Tin Mừng liền sau khi Chúa Giê-su trắc nghiệm lòng yêu mến của Phê-rô tới ba lần trước khi trao quyền cho Phê-rô cai quản Giáo Hội. Thì đây, trong phần kết, sự yêu mến đó tồn tại cách sống động được biểu trưng qua hình ảnh “người môn đệ được Đức Giê-su thương mến”. Người môn đệ được Chúa yêu sẽ không chết cho đến ngày Chúa trở lại, thì lòng yêu mến cũng sẽ theo ta cho đến quê trời, như lời thánh Phao-lô nói: “Đức mến không bao giờ mất được. Ơn nói tiên tri ư? Cũng chỉ nhất thời. Nói các tiếng lạ chăng? Có ngày sẽ hết. Ơn hiểu biết ư? Rồi cũng chẳng còn… Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1Cr 13,8.13).

 

Lạy Chúa Ciê-su, Chúa truyền cho chúng con giới răn mới là yêu mến, Chúa đặt các vị mục tử cũng dựa trên lòng yêu mến, và Chúa muốn cho lòng mến đó tồn tại mãi mãi. Xin cho chúng con thêm lòng yêu mến Chúa và mến thương nhau. Amen.

 

Lm. Hiền Lâm

Thiết kế Web : Châu Á