Suy niệm

Đọc và suy niệm Tin Mừng TUẦN VI PHỤC SINH (2018)

yêu như THẦY đã yêu

 

CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH, B Kết quả hình ảnh cho hình ảnh Chúa Gie6su nói: Anh em hãy yêu trhu7o7ng nhau như Thầy đã yêu thuong anh em

THỨ HAI TUẦN VI PHỤC SINH

THỨ BA TUẦN VI PHỤC SINH

THỨ TƯ TUẦN VI PHỤC SINH

THỨ NĂM TUẦN VI PHỤC SINH

THỨ SÁU TUẦN VI PHỤC SINH

THỨ BẢY TUẦN VI PHỤC SINH

 

 

Các bài chia sẻ: Hiền Lâm

 

 

 

CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH, B

+ ĐỌC TIN MỪNG: Ga 15,9-17

Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.

Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.

Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.

 

+ SUY NIỆM

“TÌNH YÊU CAO CẢ NHẤT”

Bài Tin Mừng hôm nay nói lên tương quan tình yêu, trào tràn từ tình yêu Ba Ngôi đến cho con người, qua lời khẳng định của Chúa Giêsu: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15,9). Chúa Giêsu trối lại cho các môn đệ một giới răn mới, là: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Nói là giới răn mới không phải vì Mười Giới Răn trong lề luật cũ chưa nói tới, nhưng mới ở đây là “Yêu Như Chúa Yêu”, là tình yêu lớn nhất khi sẵn sàng hi sinh tính mạng vì người mình yêu.

 

* Ở lại trong tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa.

Trong mầu nhiệm Ba Ngôi: Chúa Cha yêu Chúa Con đã nhiệm xuy ra Thánh Thần Tình Yêu, tình yêu giữa Ba Ngôi liên kết với nhau khi hướng về nhau đến nỗi trở nên một với nhau. Chúa Giêsu cũng yêu các môn đệ bằng cách luôn hướng các môn đệ, và muốn các môn đệ cũng đáp lại tình yêu đó là luôn hướng về Người, kết hiệp với Người và Ở LẠI trong Người, để cùng nên một với Người, như Người ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Người vậy.

Ao ước của Chúa Giêsu đối với các môn đệ là: “Hãy ở lại trong tình yêu của Người”. Thật vậy, tình yêu không phải gặp nhau hay biết nhau rồi để đó, mà là phải ở lại trong tình yêu dành cho nhau. Nghĩa là yêu Chúa thì luôn ở trong tình yêu của Chúa, chứ không phải chạy theo những thứ khác.

Ở lại trong tình yêu là luôn hướng về nhau: Nghĩa là dù phải “xa mặt nhưng không cách lòng”, không gian địa lý hay thời gian cách biệt cũng không thể tách rời hai con tim đang hướng về nhau. Cũng thế, khi Kitô hữu yêu mến Chúa Giêsu thì luôn nhớ và kết hiệp với Người mọi nơi mọi lúc trong mọi sinh hoạt của cuộc sống. Như thánh Phaolô từng nói:  “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta” (Rm 8,35.39).

Ở lại trong tình yêu là giữ lời nhau: Khi yêu nhau thật lòng, người ta không quản ngại thực hiện những gì đòi hỏi phải có dành cho nhau; cam kết những ràng buộc với nhau; ao ước và muốn làm những gì người yêu thích và làm hết sức để vui lòng người yêu. Kitô hữu không thể nói yêu Chúa mà không giữ giới răn của Chúa, Kitô hữu yêu Chúa là làm theo ý Chúa và giữ điều răn Chúa. Bởi vì như Chúa Giêsu đã nói rõ điều kiện: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người” (Ga 15,10).

Như thế, yêu nhau là ở lại trong tình yêu dành cho nhau, chứ không phải dành cho ai khác – yêu Chúa là dành tình yêu cho duy mình Chúa chứ không dành cho thụ tạo hay dành cho cái ghế hoặc thần tài danh lợi thú… Yêu nhau là luôn hướng về nhau chứ không phải hướng về những thứ khác – yêu Chúa là lòng trí luôn kết hiệp với Chúa mọi nơi mọi lúc chứ không phải thả mình cho những đam mê lo ra chia trí… Yêu nhau là luôn lo lắng và thực hiện nguyện vọng của nhau hơn là lo thực hiện ý mình – Yêu Chúa là lo thực hành ý Chúa qua giới răn Người ban chứ không phải lo làm theo ý mình.

 

* Tình yêu cao cả nhất.

Chúa Giêsu đã chọn yêu con người trong mức độ cao nhất là yêu cách nhưng không và chết đi cho người mình yêu. Người cũng mời gọi các môn đệ: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 15,12). Yêu như Thầy đã yêu, nghĩa là không so đo tính toán mà là tình yêu nhưng không và hi sinh cho nhau. Chúa Giêsu yêu chúng ta và hy sinh chính mình cho chúng ta, thì đến lượt chúng ta cũng biết hi sinh cho nhau.

 “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Khi hai người yêu nhau, những thứ thư từ, quà cáp, tiền bạc, lời nói… chỉ là những thứ phụ thuộc, điều họ cần chính là con người của nhau, cần hiến dâng hoàn toàn cho nhau, cần được kết hợp với nhau tuy hai mà một…, và đó cũng là chất thể của Bí Tích Hôn Nhân. Hơn ai hết, Chúa Giêsu là Vua Tình Yêu, Ngài quá thấu hiểu sự thiếu thốn của con người là đối tượng yêu của Ngài. Những lời nói, hành động của Ngài để lại thật quý, nhưng có gì quý hơn và con người cần hơn? Có gì minh chứng tình yêu hơn là sự trao ban chính thân mình Ngài cho con người?

Tương giao bạn hữu (Ga 15, 14-15). Khi đặt mình trong tương giao bạn hữu, Chúa Giêsu phải hạ mình từ một Thiên Chúa cao vời khôn ví xuống làm một con người bình thường để có thể làm bạn với con người. Khi thổ lộ cho ai về cảnh ngộ cá nhân hay gia đình, ngay cả những tâm tư và bí mật của đời mình là dấu chỉ mình tín nhiệm người đó kín đáo, muốn gần gũi với người đó và muốn mở lòng để người đó đi vào đời mình. Ðó là cách thế Ðức Giêsu đã làm để trở nên bạn hữu với ta: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết”.

 

* Chính Thầy đã chọn anh em (Ga 15,16).

Chúng ta nhớ lại lời Chúa Giêsu đã nói trước đó: “Không ai đến được với Tôi nếu Chúa Cha không lôi kéo người ấy”. Rõ ràng, ơn đức tin là một ơn ban chứ không phải dễ dàng mà có đức tin được. Ơn gọi không phải bắt đầu từ con người, mà là do tác động từ Thiên Chúa trước. Đây cũng là điều mà Chúa Giêsu nói với Phêrô khi ông tuyên xưng Người là Đấng Kitô: “…Không phải là xác thịt mà là do Chúa Cha đã mặc khải”. Thật vậy, nhận biết Chúa Giêsu Kitô là một ân ban yêu thương đến từ Thiên Chúa Cha. Mọi nỗ lực của con người không thể thay thế hồng ân Chúa ban khi tuyển chọn họ, kêu gọi họ nhận biết Người theo đúng chân lý.

Trình thuật các Tin Mừng đều cho thấy chính Chúa Giêsu đến kêu gọi các môn đệ, chứ không phải các môn đệ đến chạy theo Người. Chúa Giêsu không chọn rồi để đó mà là cắt cử các môn đệ đi để họ mang lại hoa trái. Thật vậy, chọn bước theo Chúa không phải là để được an nhàn thư thái mà là để trao ban và phục vụ, để sinh ích cho các linh hồn.

 

Tóm lại, tình yêu không thể diễn tả được hết bằng ngôn từ, nhưng là sự cảm nhận rất riêng của mỗi người trong sự rung cảm của trái tim mà không bị lệ thuộc của bất cứ ranh giới nào. Tuy nhiên, người môn đệ có một tiêu chuẩn để diễn tả tình yêu đích thực là tuân giữ điều răn yêu thương của Chúa dành cho tha nhân, yêu thương một cách vô vị lợi, không so đo tính toán thiệt hơn, mà là “yêu như Thầy đã yêu” khi sẵn sàng hi sinh cả tính mạng vì bạn hữu.

 

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dạy chúng con là “phải yêu thương nhau như Chúa đã yêu”, để chúng con được ở lại trong Chúa, như Chúa ở lại trong tình yêu Chúa Cha; Chúa đã yêu và yêu đến cùng khi trao ban đến giọt máu cuối cùng trên thập giá, xin cho chúng con cũng biết yêu thương, hi sinh và trao ban cho nhau một cách không so đo tính toán, để chúng con trở nên môn đệ đích thực của Chúa, là BIẾT YÊU THƯƠNG NHAU NHƯ CHÚA  ĐÃ YÊU THƯƠNG CHÚNG CON. Amen

 

 

THỨ HAI TUẦN VI PHỤC SINH

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Ga 15,26-16,4a

Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu.

Thầy đã nói với anh em các điều ấy, để anh em khỏi bị vấp ngã. Họ sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường. Hơn nữa, sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa. Họ sẽ làm như thế, bởi vì họ không biết Chúa Cha cũng chẳng biết Thầy.

Nhưng Thầy đã nói với anh em những điều ấy, để khi đến giờ họ hành động, anh em nhớ lại là Thầy đã nói với anh em rồi.

 

+ SUY NIỆM

Mở đầu bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tuyên bố: “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy” (Ga 15,26).

Đối chiếu lời tuyên bố này với cũng lời tuyên bố của Chúa Giêsu: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26) và “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy” (Ga 16,15). Tưởng chừng như mâu thuẫn, vì lúc thì Chúa Giêsu nói Thánh Thần do Cha sai đến, khi thì nói do chính Chúa Giêsu sai đến, lúc lại nói mọi sự của Cha là của Thầy… Thật ra, không phải mầu thuẫn, mà là Chúa Giêsu mặc khải rõ ràng hơn về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Trong Ba Ngôi, Chúa Thánh Thần không kém hơn Chúa Cha và Chúa Con, nhưng là Tình Yêu của Ngôi Cha và Ngôi Con, đồng thời Chúa Cha và Chúa Con yêu loài người bằng tình yêu của Chúa Thánh Thần.

Những năm đầu thế kỷ XI, xuất hiện hai hướng nghiên cứu thần học Constantinophe và Rôma, những nghiên cứu phía Constantinophe cho rằng Chúa Thánh Thần từ Chúa Cha mà ra, còn các nhà thần học phía Rôma lại cho rằng Chúa thánh Thần xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con mà ra. Cả hai phía cãi cọ nhau chỉ vì chữ “Filio que” (và Chúa Con) đều dựa trên câu Thánh Kinh Ga 14,16 và 15,26. Đến nỗi sau khi ly khai nhau (1054), Kinh Tin Kính phía Công Giáo Rôma đọc: “…Người Bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra” , còn Kinh Tin Kính phía Chính Thống Constantinophe lại đọc: “…Người bởi Đức Chúa Cha mà ra”. 

Tuy nhiên, nếu nối kết cả ba câu như chúng ta vừa trích dẫn trên (Ga 14,26; 15,26; 16,15), thì rõ ràng Chúa Thánh Thần phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con, đến làm chứng cho Chúa Giêsu, và các môn đệ là mọi Kitô hữu chúng ta cũng làm chứng cho Chúa Giêsu nhờ Thánh Thần.

Cũng có thể nói, Ba Ngôi thi hành công việc trong từng giai đoạn lịch sử sáng tạo và quan phòng, lịch sử Thiên Chúa yêu thương nhân loại: Chúa Cha sáng tạo, Chúa Con cứu chuộc và Chúa Thánh Thần canh tân. Đó là một công trình liên tục của cả Ba Ngôi, chứ không phải từng ngôi vị chấm dứt công việc của mình theo thời gian. Nghĩa là trong thời gian vĩnh hằng mỗi ngôi vị đóng một vai trò riêng trong thời gian hữu hạn, để chỉ vì yêu thương sáng tạo, cứu độ và canh tân thế giới loài người.

Xét về thời gian vật lý, chúng ta có thể hiểu thời gian sau khi Chúa Giêsu thăng thiên là thời gian Chúa Thánh Thần đi vào thế giới nhân loại, để thánh hóa và canh tân. Đặc biệt để làm chứng về Chúa Giêsu và giúp các môn đệ Chúa Giêsu sống đời sống chứng nhân, như Chúa Giêsu đã nói trong Tin Mừng hôm nay: “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu” (Ga 15,26-27).

Chúa Thánh Thần làm chứng cho Chúa Giêsu bằng cách giúp các Tông Đồ nhớ lại Lời Chúa Giêsu mà giảng dạy, giúp các môn đệ Chúa Giêsu được minh mẫn khôn ngoan, ban cho các ngài sức mạnh và lòng can đảm, cho các ông quyền năng để tha tội và làm các phép lạ chữa lành… Các môn đệ và hết những ai tin nhận Chúa Giêsu cũng thực hiện vai trò làm chứng rằng: Chúa Giêsu đã Tử Nạn và Phục Sinh để cứu độ con người.
Làm chứng là một trong vai trò của một Kitô hữu từ khi họ chịu phép rửa tội: Ngôn sứ (làm chứng), tư tế (làm lễ) và vương đế (làm chủ). Kitô hữu làm chứng cho Chúa Giêsu bằng chính đời sống đạo tốt, bằng sự bác ái yêu thương và bằng việc lên đường rao giảng Tin Mừng. Trong tất cả mọi việc làm chứng của Kitô hữu cho Chúa Giêsu, luôn có Chúa Thánh Thần soi sáng, hướng dẫn và thông ban sức mạnh để các tín hữu chu toàn phận vụ chứng nhân.

 

Lạy Chúa Giêsu, này chúng con đây, xin hãy sai chúng con ra đi làm chứng cho Chúa trong Thánh Thần tình yêu. Amen.

 

 

THỨ BA TUẦN VI PHỤC SINH

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Ga 16,5-11

Bây giờ Thầy đến cùng Đấng đã sai Thầy, và không ai trong anh em hỏi: "Thầy đi đâu? Nhưng vì Thầy nói ra các điều ấy, nên lòng anh em tràn ngập ưu phiền. Song, Thầy nói thật với anh em: Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em. Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và việc xét xử: về tội lỗi: vì chúng không tin vào Thầy; về sự công chính: vì Thầy đến cùng Chúa Cha, và anh em không còn thấy Thầy nữa; về việc xét xử: vì Thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử rồi.

 

+ SUY NIỆM

Chúa Giêsu nói: “Thầy nói thật với anh em: Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em” (Ga 16,7).

Như thế, theo ngôn ngữ diễn tả đầy giới hạn của con người, chúng ta có thể hiểu thời gian sau khi Chúa Giêsu thăng thiên là thời gian Chúa Thánh Thần đi vào thế giới nhân loại. Hay nói đúng hơn, đây là thời đại của Chúa Thánh Thần hoạt động trên Hội Thánh. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là Chúa Cha và Chúa Con không còn hiện diện với thế giới, vì Ba Ngôi là một và hiện hữu khắp mọi nơi. Nhưng tiếp theo công trình cứu chuộc của Chúa Giêsu thì Chúa Thánh Thần đang thực hiện vai trò giúp cho ơn cứu độ được lan toả đến khắp cùng trái đất, để chứng minh cho thế gian thấy sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và về việc xét xử.

Đó là điều Chúa Giêsu đã nói trước: “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và việc xét xử: về tội lỗi: vì chúng không tin vào Thầy; về sự công chính: vì Thầy đến cùng Chúa Cha, và anh em không còn thấy Thầy nữa; về việc xét xử: vì Thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử rồi” (Ga 16,8-11).

 

* Thế gian sai lầm về tội lỗi (Ga 16,9).

Thế gian sai lầm về tội lỗi, đó là sự khước từ và chối bỏ niềm tin vào Chúa Giêsu. 

Điều này trước hết nhắm đến người đương thời là dân Do-thái, khi họ được Chúa Giêsu đến rao giảng Tin Mừng, mời gọi họ ăn năn sám hối để được Người cứu độ, nhưng họ đã khước từ, chối bỏ và giết chết Người. Tội lớn của họ không những không tin mà còn đóng đinh Con Thiên Chúa vào thập giá.

Sau dân tộc Do-thái là tất cả những kẻ từ chối không tin vào Chúa Giêsu , lại còn ra tay bắt bớ và tìm nhiều cách ngăn cản hay chống lại các chứng nhân của Chúa Giêsu đi rao giảng Tin Mừng.

Chúa Thánh Thần đến chứng minh cho thế gian thấy rõ sự sai lầm này. Người minh chứng cho thế gian thấy Đấng Cứu Thế chính là Chúa Giêsu mà họ đang cố tình khước từ. Chính sự khước từ là tội lớn nhất quen gọi là “tội xúc phạm đến Thánh Thần” là không thể tha thứ được.

 

* Thế gian sai lầm về sự công chính (Ga 16,10).

Chúa Giêsu là Đấng Công Chính, và khi kết thúc cuộc đời dương thế mà đến cùng Chúa Cha, Người chỉ cho môn đệ con đường công chính thánh thiện.

Công chính là khi đứng trước sự thánh thiện của Thiên Chúa, con người chứng minh được mình trong sạch. Điều này là không thể có được, nhưng thế gian đã mê lầm vì tưởng rằng họ đã có thể nên công chính bằng khả năng của họ, bằng lề luật hay bằng sự trợ giúp của một ai khác, mà không phải đi qua con đường Giêsu.

Chỉ có một con đường về với Thiên Chúa Cha là chính Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu là con người đầu tiên đi vào cõi trời bằng thân phận của con người đã chiến thắng tội lỗi, ma quỷ và sự chết.

Chúa Thánh Thần đến chỉ cho thế gian thấy rằng, thế gian đã sai lầm khi họ chống lại Đấng Công Chính, đồng thời chứng minh cho thế gian biết rằng, chỉ có Chúa Giêsu là sự thánh thiện tuyệt đối và chỉ có một con đường dẫn đến Chúa Cha là con đường Giêsu.

 

* Thế gian sai lầm về sự xét xử (Ga 16,11).

“Thủ lãnh thế gian” được Tin Mừng Gioan nhắc tới 3 lần (Ga 12,31; 14,30; 16,11), đều dùng để ám chỉ Satan. Qua đó, trong cuộc Tử Nạn của Chúa Giêsu, bề ngoài có vẻ như là chiến bại, nhưng cũng chính lúc đó Satan đã bị xét xử và bị đánh bại ngay trên lãnh địa của nó là sự chết. Satan là tên đạo diễn đầu sỏ của tấn bi kịch loài người, là Ác Thần đã bị truất bỏ, và ảnh hưởng của hắn đã bị hạn chế. 

Khi Chúa Thánh Thần đến sẽ định hướng cho lịch sử và hướng dẫn nhân loại đến chân lý toàn diện.

Tóm lại, thời đại sau công trình cứu chuộc là thời đại của Chúa Thánh Thần, Người không đến để thay thế nhưng để tiếp tục tình yêu sáng tạo, cứu độ và quan phòng của Thiên Chúa. Mặc khải tròn đầy đã có nơi Chúa Giêsu, nhưng Chúa Thánh Thần đến khai mở trí khôn tín hữu hiểu biết dần dần về các mầu nhiệm trải qua các thời đại. Nhờ sự khai sáng này, qua sự hiện hữu của Hội Thánh và qua đời sống chứng nhân của các tín hữu, thế gian nhận ra sự sai lầm của mình.

 

Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến hướng dẫn và canh tân lòng trí chúng con. Amen.

 

 

THỨ TƯ TUẦN VI PHỤC SINH 

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Ga 16,12-15

Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.

 

+ SUY NIỆM

Thánh Pachomio tổ phụ dòng đan tu ở Tây Phương nói rằng: “Anh em không thể bắt con bò chưa đến tuổi mang ách và cày bừa thành thạo theo ý anh em được. Cũng thế, anh em không thể bắt một người vừa mới tập nhân đức phải nên hoàn thiện ngay được”.

Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su nói với các môn đệ: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi”. 

Nghĩa là, dù tình thương của Chúa Giê-su muốn trao ban tất cả những gì Ngài có cho các môn đệ, nhưng với khả năng, sức lực, tâm hồn và trí khôn của các môn đệ còn giới hạn trước những thực tại thiêng liêng. Chính vì thế, Chúa Thánh Thần đến, tiếp tục huấn luyện và khai mở dần dần cho các môn đệ và những người kế tục các ngài.

Như vậy, mặc khải là bởi Thiên Chúa chứ không phải tự trí khôn con người có thể tri thức được, nhưng nhờ ơn Chúa Thánh Thần soi sáng cho trí khôn lãnh hội được dễ dàng hơn các mặc khải, cũng như Chúa Thánh Thần tác động để tâm hồn cảm nghiệm được các chiều kích của mầu nhiệm Thiên Chúa.

Tuy nhiên, không phải Chúa Thánh Thần đến đem thêm một mặc khải hay một chân lý mới – vì Chúa Giê-su đã là mặc khải tròn đầy về Thiên Chúa – nhưng như lời Chúa Giê-su nói: “Thánh Thần sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Cha có, đều là của Thầy. Vì thế Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em" (Ga 16,14-15).

Nghĩa là Chúa Thánh Thần làm cho tín hữu càng ngày càng hiểu biết Thiên Chúa hơn, và trải qua thời gian, ngày càng khám phá ra nhiều điều mới mẻ từ nơi Thiên Chúa, mà ngay từ buổi đầu các môn đệ chưa thấu hiểu hết được. Chân lý về Thiên Chúa chỉ là một, nhưng mọi chiều kích dài rộng cao sâu và khôn dò khôn thấu chỉ được hiểu biết trải qua từng thời đại, tùy ơn Chúa Thánh Thần ban cho. Đó là vai trò hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội.

 

Tóm lại, mầu nhiệm về Thiên Chúa được mặc khải cho con người tùy theo khả năng Chúa Thánh Thần ban cho, và mầu nhiệm đó được thấu tỏ qua thời gian để Giáo Hội càng thêm phong phú…

 

Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến ban cho chúng con trí khôn ngoan và sức mạnh, để chúng con đủ sức đón nhận và thông hiểu mầu nhiệm tình thương của Thiên Chúa, hầu chúng con thêm lòng mộ mến Chúa và rao giảng cho những ai chưa nhận biết Người. Amen

 

 

THỨ NĂM TUẦN VI PHỤC SINH 

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Ga 16,16-20

"Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy."

Bấy giờ vài người trong nhóm môn đệ của Đức Giê-su hỏi nhau: "Người muốn nói gì khi bảo chúng ta: "Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy" và "Thầy đến cùng Chúa Cha"? " Vậy các ông nói: ""Ít lâu nữa" nghĩa là gì? Chúng ta không hiểu Người nói gì! " Đức Giê-su biết là các ông muốn hỏi mình, nên bảo các ông: "Anh em bàn luận với nhau về lời Thầy nói: "Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy". Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.

 

+ SUY NIỆM

Trình thuật Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đặt ra cho chúng ta một thách đố và là một thực tế phải đối diện. Cuộc sống trần thế này không thể không có thử thách và đời sống đạo không thể không có những đêm tối đức tin, và một cách nào đó không thiếu những lần chúng ta cảm thấy cô đơn thất bại vì như vắng bóng Chúa.

 

"Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy".20 Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (Ga 16,19-20).

 

Đây không chỉ là lời tiên báo mà còn là một lời khẳng định thực tế cho phận người theo Chúa Giêsu: Lời này của Chúa Giêsu vừa ám chỉ tương lai gần khi nói đến cuộc tử nạn của Người và Người sẽ sống lại, nhưng cũng vừa ám chỉ cuộc lữ hành đức tin của Kitô hữu chờ đợi gặp Chúa Giêsu trên cõi trời. Đồng thời cũng nói đến thực tế của mỗi một con người trong cảm nghiệm cuộc đời, khi thơ thới hân hoan, lúc buồn đau thất vọng.

 

Để đạt tới đức tin trưởng thành, mọi tín hữu cần nếm qua cái chua xót thiếu vắng Chúa trong thời gian có thể dài hoặc ngắn: "Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy". Các môn đệ Chúa Giêsu đã kinh nghiệm điều này lần đầu tiên vào giờ Tử nạn của Người; sau đó họ đã thấy Người từ cõi chết sống lại. Điều này ứng nghiệm tỏ tường vào ngày tận thế, khi các tín hữu khám phá ra Chúa Kitô vinh hiển mà họ đã từng chờ đợi trong đức tin.

 

Không nên quá tự tin khi Chúa cho chúng ta cảm nhận được sự hiện diện của Người, chẳng hạn khi mới theo đạo, hoặc khi chúng ta đón nhận được những ân huệ nào đó, hay khi đời sống đạo gặp lúc thịnh vượng êm xuôi… Khi mọi sự có vẻ dễ dàng, chúng ta đừng coi khinh những ai có vẻ không được Chúa chiều chuộng như chúng ta. Biết đâu “ít lâu nữa” Chúa sẽ để chúng ta sống trong tăm tối. Trong cuộc lữ hành trần thế có những lúc như phải bước đi trong đêm tối, nhưng đó lại là một sự tinh luyện con người, để đạt tới sự trưởng thành đức tin và lòng yêu mến Thiên Chúa. Chỉ có ai kiên trì trong đường lối Chúa mới hưởng được niềm vui trọn vẹn khi Chúa xuất hiện.

 

Lạy Chúa Giêsu, cuộc đời chúng con có những lúc hạnh phúc bình an, nhưng cũng không thiếu những lần chúng con cảm thấy cô đơn thất bại như vắng bóng Chúa. Xin cho chúng con luôn nhớ đến lời Chúa đã nói trong Tin Mừng hôm nay, mà vững niềm trông cậy vào Chúa, hầu mai ngày chúng con xứng đáng sẽ lại được gặp Chúa nhãn tiền trong nước Chúa, nơi có niềm vui trọn vẹn và vĩnh hằng. Amen

 

 

THỨ SÁU TUẦN VI PHỤC SINH

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Ga 16,20-23a

Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui. Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian. Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được. Ngày ấy, anh em không còn phải hỏi Thầy gì nữa.

 

+ SUY NIỆM

Lời của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay vừa là một lời cảnh báo, nhưng cũng vừa là một lời khích lệ: 

Chúa Giêsu cảnh báo những ai theo Chúa phải đối diện với những đau buồn giữa thế gian vô đạo:“Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (Ga 16,20). 

Chúa Giêsu cũng khích lệ vì niềm vui sẽ trọn vẹn và vĩnh cửu sau khi các môn đệ đã kinh qua những thử thách đời sống đức tin: “Bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được” (Ga 16,22).

 

* Anh em phải đau buồn, còn thế gian sẽ vui mừng.

“Anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (Ga 16,20). Nghĩa là người môn đệ Chúa sẽ phải gặp gian nan thử thách, nhưng họ đừng để mình gục ngã buông xuôi. 

Người môn đệ Chúa Giêsu như là một lời chứng cản trở sự sa đoạ của thế gian, nên thường bị thế gian ghét bỏ và loại trừ. Người môn đệ đau buồn vì tội lỗi của thế gian và lo lắng cho thế gian được tỉnh giấc.

Thế gian vui mừng vì sự thất bại của người môn đệ, cũng tựa như Satan và các thủ lãnh vui mừng vì đã đóng đinh được Chúa Giêsu vào thập giá và giết chết Người.

Người môn đệ trở thành trò vui cho thế gian cười nhạo vì cách sống trung thực và thánh thiện.Người môn đệ bị nhục mạ, đánh đập và giết chết như Thầy Giêsu.

Giống như người phụ nữ khi chuyển dạ thì đau đớn, nhưng khi sinh được một người con thì bà rất vui mừng. Qua thời gian của thử thách đức tin, mà nhờ đó, người môn đệ cũng phải quặn đau để sinh ra những đứa con cho Thiên Chúa.

 

* Niềm vui của anh em, không ai lấy mất được.

“Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được” (Ga 16,22).

Thánh Andre Dũng Lạc (Tử đạo Việt nam) nói lên một cách đầy xác tín rằng: 

“Đông qua tiết lại thì xuân tới

Khổ trảm mai sau hưởng phúc an

Làm kẻ anh hùng chi quản khó

Mai sau cùng gặp chốn thiên đàng”

 

Thật vậy, niềm vui lớn nhất của môn đệ là được hẹn gặp Thầy Chí Thánh khi Thầy sống lại và đặc biệt gặp nhau vĩnh viễn trên thiên đàng.

Niềm vui của người môn đệ Chúa Giêsu mang tính vĩnh cửu là vì đối tượng của niềm vui là chính Thầy Giêsu, Đấng đã phục sinh và không còn chết nữa. Đặc biệt, niềm vui đạt đến trọn vẹn khi Kitô hữu được Chúa Giêsu đem vào cõi vĩnh hằng.

Niềm vui của môn đệ không lệ thuộc vào niềm vui của thế gian, không lệ thuộc vào những thứ hời hợt ở bên ngoài như sợ biệt ly, sợ mất mát, sợ thất bại…, nhưng là sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời, là được sống với Ngài. Kinh nghiệm cho thấy ngay cả trong những lúc đau khổ, giống như hai người yêu nhau, họ cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc khi hi sinh cho nhau, dù khi đó chính mình đang chịu thiệt thòi cho người mình yêu được vui. Kitô hữu vẫn cảm nhận được niềm vui có Chúa hiện diện, tựa như các tông đồ lòng hoan hỷ vui mừng vì xứng đáng chịu xỉ nhục vì danh Chúa Giêsu Kitô.

Chân lý “qua thập giá tới vinh quang là bất biến”. Và niềm vui chỉ thật sâu sắc và trọn vẹn sau khi đã kinh qua những nỗi ưu phiền. Niềm vui cao quý nhất dành cho những ai theo Chúa Giêsu chính là sau khi trung tín vượt qua cuộc lữ hành trần thế, được gặp Chúa Giêsu và hưởng niềm vui Phục Sinh trong Nước Trời. Đó là niềm vui vĩnh hằng không ai có thể cướp mất được. Niềm vui mà thánh Phaolô từng nói: “những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta” (Rm 8,18).

 

Lạy Chúa Giêsu, chúng con đang sống giữa cuộc đời này, biết bao vui buồn đắp đổi. Xin cho chúng con luôn vững tin vào Chúa, để mai sau chúng con cũng được gặp Ngài trong vinh quang, khi đó niềm vui chúng con sẽ trọn vẹn và vĩnh hằng. Amen

 

 

 

THỨ BẢY TUẦN VI PHỤC SINH 

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Ga 16, 23b-28

Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy. Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy. Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn.

Thầy đã dùng dụ ngôn mà nói những điều ấy với anh em. Sẽ đến giờ Thầy không còn dùng dụ ngôn mà nói với anh em nữa, nhưng Thầy sẽ nói rõ cho anh em về Chúa Cha, không còn úp mở. Ngày ấy, anh em sẽ nhân danh Thầy mà xin, và Thầy không nói với anh em là Thầy sẽ cầu xin Chúa Cha cho anh em. Thật vậy, chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy, và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến. Thầy từ Chúa Cha mà đến và Thầy đã đến thế gian. Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha."

 

+ SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su xác định tương giao giữa con người với Thiên Chúa, một mối tương giao thâm tình giữa Cha và con, nhờ công ơn cứu độ của người Anh Cả là Chúa Giê-su Ki-tô. Để từ đây, loài người sẽ nhân danh Chúa Giê-su là Đấng Trung Gian duy nhất mà cầu xin với Cha trên trời.

Khác với quan niệm của người Do-thái, cụ thể trong thời Cựu Ước, con người quan niệm Thiên Chúa như một vị thần nghiêm khắc và ở rất xa con người, để rồi sợ Thiên Chúa như một nô lệ sợ ông chủ và không dám thân thưa với Người. Chúa Giê-su đến xô đổ quan niệm đó, Người gọi Thiên Chúa là Cha và đưa con người vào mối thân tình Cha và con nhờ Chúa Giê-su và trong Chúa Thánh Thần, như trong thư Ga-lát đã xác quyết: “Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: "Áp-ba, Cha ơi!" (Gl 4,6).

 

* Mối thân tình Cha và con.

Chúa Giê-su được sinh ra từ lòng Chúa Cha từ thủa đời đời xét theo tử hệ đản sinh, còn con người được Chúa Cha tạo thành ngay trong thời gian đầu của vũ trụ, nhưng vì tội lỗi con người đã đánh mất đi mối tương giao với Đấng tạo thành. Chúa Giê-su đến, nhờ cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Người, không chỉ khôi phục lại mối tương giao như tình trạng nguyên thủy mà còn nâng lên một mức cao hơn là được làm con Thiên Chúa, được gọi Thiên Chúa là Cha, có Chúa Giê-su là anh và mọi người là anh em với nhau. 

Chính điều này trả lời cho vấn nạn rằng: Tại sao Chúa Giê-su Phục Sinh không trở lại sống như trước kia thì ai cũng biết và tin mà khỏi cần rao giảng? Nói như thế thì đã giảm thiểu Ơn Cứu Độ, vì nếu Phục Sinh mà trở lại thể trạng ban đầu thân xác đó rồi lại già đi và chết, vẫn lệ thuộc ăn uống ngủ nghỉ bệnh tật, vẫn hỉ nộ ái ố… thì nào có hơn gì; nhất là vẫn lệ thuộc không gian và thời gian vật lý (trong khi thân xác phục sinh của Chúa Giê-su thì cùng lúc hiện diện trên đường Emmau và trong nhà Tiệc Ly, vào với các môn đệ trong khi cửa vẫn đóng kín). Lại nữa, nếu thấy tỏ tường rồi thì không còn phải là đức tin và tự do, nhưng là chuyện đã rồi và bất đắc dĩ mà chấp nhận.

Chúng ta tạ ơn Chúa, nhờ Đức Giê-su đã phục sinh mà con người chúng ta không chỉ là được phục hồi về tình trạng nguyên thủy chưa phạm tội, mà còn được nâng cao như các thần minh và được làm con cái Cha trên trời, được thông phần vinh quang với Chúa Giê-su trong ngày sống lại.

 

* Lời cầu xin nhân danh Chúa Giê-su.

Mỗi ngày, trong các Lời Nguyện, chúng ta vẫn đọc lời kết: “Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con”. Nghĩa là mọi Kinh Nguyện Ki-tô Giáo đều dâng lên Chúa Cha qua Chúa Giê-su khi tin tưởng vào lời hứa của Chúa Giê-su trong Tin Mừng hôm nay: “Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy” (Ga 16,23). 

Hiệu lực của lời cầu nguyện tùy thuộc vào công nghiệp của vô giá của Chúa Giê-su, chứ không do công trạng của chúng ta đáng được Chúa Cha chấp nhận. Lại nữa, như một thần dân muốn xin với Đức Vua điều gì thì thật khó, nhưng nếu cậy nhờ đến hoàng tử can thiệp thì sẽ dễ được vua cha ban cho. Cũng thế, lời cầu nguyện của Ki-tô hữu đáng được Chúa Cha đón nhận, khi cậy nhờ đến công nghiệp của Con Một Yêu Dấu của người là Chúa Giê-su Ki-tô.

Hơn thế, Chúa Giê-su còn coi chúng ta như anh em với Người và đồng thừa kế vinh quang với Người, thì cũng vì thế mà chúng ta cũng được Chúa Cha yêu như tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Giê-su vậy: “Thật vậy, chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy, và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến” (Ga 16,27).

Tóm lại, Chúa Giê-su đến xô đổ quan niệm của Cựu Ước coi Thiên Chúa như một vị thần nghiêm khắc và ở rất xa con người, để rồi sợ Thiên Chúa như một nô lệ sợ ông chủ và không dám thân thưa với Người. Từ đây, con người được gọi Thiên Chúa là Cha và sống mối thân tình Cha và con. Và nhờ thế, nhờ công nghiệp của Chúa Giê-su, con người có thể xin với Cha trên trời bất cứ điều gì đẹp lòng Người và Người sẽ ban cho.

 

Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết sống tình con thảo với Cha trên trời và luôn biết dâng lên lời khẩn cầu đẹp lòng Người, để nhân danh Chúa, Cha trên trời sẽ ban cho chúng con. Amen

 

Hiền Lâm.

Thiết kế Web : Châu Á