Suy niệm

Đọc và suy niệm Tin Mừng LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG và TUẦN VII THƯỜNG NIÊN (Hiền Lâm)

Sự đóng hay mở phụ thuộc vào việc bác ái hay khép kín của lòng người. Ơn tha tội chỉ thực sự có được khi sự tha thứ luôn ngự trị trên mọi thành phần trong Giáo Hội.

 

Kết quả hình ảnh cho hình ảnh Chúa Thánh Thần   CHÚA NHẬT LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG 

   THỨ HAI: ĐỨC MARIA – MẸ GIÁO HỘI. Lễ nhớ

   THỨ BA TUẦN TUẦN VII THƯỜNG NIÊN

   THỨ TƯ TUẦN TUẦN VII THƯỜNG NIÊN

   THỨ NĂM TUẦN TUẦN VII THƯỜNG NIÊN

   THỨ SÁU TUẦN TUẦN VII THƯỜNG NIÊN

   THỨ BẢY TUẦN TUẦN VII THƯỜNG NIÊN

 

Các bài chia sẻ: Lm. Hiền Lâm

 

 

 Kết quả hình ảnh cho hình ảnh xuân, gif

 

 

CHÚA NHẬT LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Ga 20,19-23

Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em! " Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: "Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em." Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ."

 

+ SUY NIỆM

ANH EM HÃY NHẬN LẤY THÁNH THẦN

Truyền thống Giáo Hội mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 50 ngày sau lễ Phục Sinh, điều này trùng hợp với Lễ Ngũ Tuần của người Do-thái 50 ngày sau lễ Vượt Qua. Lễ Ngũ Tuần của người Do-thái là kỷ niệm biến cố 50 ngày sau khi vượt qua Biển Đỏ và đón nhận Thập Điều trên núi Sinai, mở ra một ký kết Thiên Chúa chọn dân Israel làm sản nghiệp của Người, và từ biến cố Thần Hiện trên núi Sinai, dân Israel trở thành một tôn giáo và là một dân riêng của Thiên Chúa. 

Hôm nay, ngày Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần cũng hiện xuống, bắt đầu một dân mới của Thiên Chúa là Hội Thánh. Hình ảnh Thiên Chúa “thần hiện” trong núi lửa nghi ngút khói và trong cơn gió mạnh đến với Môi-sê để thiết lập dân riêng Israel tại núi Sinai, được tái hiện khi Chúa Thánh Thần dùng hình lưỡi lửa và tiếng gió thổi xuống trên các Tông Đồ để bắt đầu một dân Israel mới là hết những ai tin vào Chúa Giê-su Ki-tô.

Sau tường thuật chi tiết về cuộc hiện xuống của thánh Luca trong sách Tông Đồ Công Vụ, bài Tin Mừng theo thánh Gioan hôm nay cũng kể về việc Chúa Giê-su hiện đến ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ. 

Có nhiều biểu tượng về Chúa Thánh Thần như gió, lửa, khí, hình bồ câu… cùng với những ơn của Chúa Thánh Thần như thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa (Is 11,2) quen gọi là 7 ơn cả của Chúa Thánh Thần; nhưng ở đây, chúng ta chỉ dừng lại suy niệm hai vai trò của Chúa Thánh Thần được nói tới trong Tin Mừng hôm nay là: Thần Khí Bình An và Thần Khí Tha Tội.

 

* Thánh Thần bình an

“Chúa Giê-su hiện đến, đứng giữa các môn đệ và nói: "Bình an cho anh em! " (Ga 20,19).

Tương truyền rằng, ngày xưa, họa sĩ Michael Cardo đến dâng tặng vua Napoleon một bức họa Icon vẽ hình con chim bồ câu mỏ màu cam, cánh xanh lam, ngực vàng, đuôi xám. Nhà vua lấy làm lạ và hỏi họa sĩ sao hình chim bồ câu giống chư con đồi mồi vậy. Họa sĩ Michael trả lời rằng: Đó là biểu tượng Chúa Thánh Thần, trong đó màu đỏ cam là lửa thiên đốt, màu xanh lam là hòa bình, màu vàng là ánh sáng và màu xám là màu bông lau làm chổi quét…

Ngụ ý là, Chúa Thánh Thần thánh hóa miệng lưỡi tín hữu để nói Lời Thiên Chúa, là ánh sáng xuất phát từ (lồng ngực) trái tim để chiếu tỏa tình yêu Chúa đến với tha nhân, quét sạch mọi hận thù chia rẽ chiến tranh, đặc biệt, là đôi cánh hòa bình đem bình an đến cho thế giới.

Lời chào bình an mà Chúa Giê-su dành cho các môn đệ hôm nay, gợi lại hình ảnh các tổ phụ xưa và phong tục người Do-thái dùng để chào nhau khi gặp gỡ. Bình an cũng là sứ điệp đầu tiên mà Chúa Giê-su đem xuống nhân loại qua lời hát của thiên thần: “…Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14). Và nay, khi trao ban Thánh Thần cho các môn đệ, Chúa Giê-su cũng dùng chính sứ điệp: “Bình an cho anh em” (Ga 20,19.21). Nói cách khác, Chúa Thánh Thần là sứ giả của hòa bình và chính là sự hòa bình đó.

 

* Thánh Thần tha tội

“Chúa Giê-su thổi hơi vào các môn đệ và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,22-23).

Công thức xá giải trong bí tích Giao Hòa được vị linh mục đọc như sau: “Thiên Chúa là Cha hay thương xót, đã dùng sự chết và sống lại của Con Chúa mà giao hòa thế gian với Chúa và BAN THÁNH THẦN ĐỂ THA TỘI…” Như thế, một trong những vai trò của Chúa Thánh Thần dành cho nhân loại chính là tha tội.

Năng quyền tha tội này Chúa Giê-su đã ban cho các tông đồ - môn đệ và các đấng kế vị các ngài khi Người thổi hơi vào các môn đệ và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,22-23). Điều này cũng như khi Chúa trao quyền cho Phê-rô – tông đồ trưởng: “Thầy sẽ trao cho con chìa khóa nước Trời; sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở" (Mt 16,19…). Đây là một quyền hành thật cả thể. Vì bản chất của quyền hành ở đây theo từ ngữ chuyên biệt trong tiếng Do-thái có thể chỉ đến việc cầm buộc ma quỉ trong khi trừ quỉ, trong việc hành luật liên quan đến vạ tuyệt thông và trong những vấn đề phán quyết đức tin và luân lý. 

Quyền này chỉ có nơi Chúa Giêsu, nhờ Thánh Thần, nhưng Người đã ban lại cho Giáo Hội qua quyền bính của các vị đại diện Người. Ơn Cứu Độ từ Đức Kitô qua Giáo Hội của Người, bởi chỉ có Giáo Hội mới được mặc khải tròn đầy của Chúa Cha về Chúa Kitô (x.Mt 16,17).

Theo nghĩa rộng, việc cầm giữ cũng là hạt giống đức tin từ ngày lãnh nhận làn nước Bí Tích Rửa Tội giúp mọi Kitô hữu mở cửa bước vào kho tàng ân sủng của Chúa nơi các bí tích. Sự đóng hay mở phụ thuộc vào việc bác ái hay khép kín của lòng người. Ơn tha tội chỉ thực sự có được khi sự tha thứ luôn ngự trị trên mọi thành phần trong Giáo Hội.

Tóm lại, với bài Tin Mừng Gioan được đọc trong lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống hôm nay, Ki-tô hữu được mời gọi cầu nguyện và xây dựng sự hòa bình cho quê hương đất nước và thế giới. Và để có hòa bình mọi người cần đến sự tha thứ của Thiên Chúa nhờ Thánh Thần của Người, từ đó mọi người cũng tha thứ cho nhau.

 

Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến! Amen.

 

 

THỨ HAI: ĐỨC MARIA – MẸ GIÁO HỘI

+ ĐỌC TIN MỪNG: Ga 19,25-27

Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: "Thưa Bà, đây là con của Bà." Rồi Người nói với môn đệ: "Đây là mẹ của anh." Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.

 

+ SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay xác nhận vai trò làm mẹ trong bình diện cứu độ của ân sủng đạt tới đỉnh cao, đó là lúc hy tế thập giá của Đức Kitô, cũng là mầu nhiệm vượt qua của Người, được hoàn tất.

Đọc kỹ đoạn tường thuật, thoạt đầu chỉ thấy đó là một sự lo lắng của Đức Giêsu dành cho mẹ mình, người mẹ mà Người để lại trong một nỗi đau khổ tận cùng. Thế nhưng, ý nghĩa bản tường thuật này có thể đi xa hơn vì hai lý do: Thứ nhất “môn đệ thương mến” ở đây còn là một ẩn số, không chắc chắn là Gioan, theo các nhà Thánh Mẫu Học thì có thể là một biểu trưng (symbol): người được Chúa Giêsu yêu là nghe và tuân giữ Lời (x. Ga 14, 21)[2]. Mặt khác, nếu trên thập giá, Đức Giêsu chỉ coi Gioan là một cá nhân, thì Đức Giêsu không phải lo, vì Gioan vẫn còn đầy đủ cha mẹ là ông bà Dê-bê-đê. Chính vì vậy, có thể hiểu hình ảnh “người môn đệ được Chúa yêu” là đại diện cho loài người nhận Đức Maria làm mẹ. Thứ hai, trong thứ tự của lời trối, rõ ràng mang ý nghĩa Đức Giêsu chính thức đặt Đức Maria làm mẹ nhân loại hơn là một sự nhờ cậy “người môn đệ thương mến” nhận chăm sóc Đức Maria. Đức Giêsu nói với Đức Maria trước rồi nói với môn đệ sau. Theo lẽ thường nếu muốn gởi gắm Đức Maria cho “môn đệ thương mến” thì Đức Giêsu phải nói với “môn đệ thương mến” trước xem môn đệ có đồng ý không. Như vậy, nghĩa là Đức Giêsu trao cho Đức Maria một sứ mệnh là làm mẹ “môn đệ thương mến” đại diện cho các tín hữu, nghĩa là Đức Maria sẽ là Mẹ của chúng ta.

“Vai trò làm mẹ thật mới mẻ này” của Đức Maria, được thiết lập trong đức tin, là hoa trái của tình yêu “mới mẻ”, một tình yêu thấm sâu vào Mẹ dưới chân thập giá, qua việc Mẹ chia sẻ vào tình yêu cứu độ của Đức Kitô.

 

* Giờ hiến tế: đặc trưng của sự hy sinh.

Việc Đức Giêsu ngỏ lời với Đức Maria dưới chân thập giá, đặt trong một hoàn cảnh hết sức rất long trọng được lồng trong cái chết của Đức Giêsu vào giờ Người được tôn vinh. Hôm nay, giờ Đức Giêsu đã đến, đó là “giờ” Người được tôn vinh vì Người đã vâng ý Cha mà chịu hiến tế hy sinh. Đức Maria được liên kết với giờ hiến tế này và trái tim Mẹ cũng chịu hiến tế như lời tiên báo của Simêon là “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Mẹ” (x. Lc 2, 35). Điều này cũng cho thấy Đức Maria là “thiếu nữ Sion” nên cuộc đời của Mẹ sẽ mang dấu ấn của số phận dân Người. Vì là Mẹ Đấng Messia, Đức Maria nằm trong cuộc chiến, chia sẻ mọi đau khổ với con mình. “Lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà” gợi lên lưỡi gươm trong sách ngôn sứ Ezechiel 14, 17, cắt đứt Israel, chỉ còn để lại một “số sót”. Lưỡi gươm nói lên sự đau khổ nội tâm của người mẹ, đau khổ ở đây là đau khổ của người mẹ nhìn người ta ruồng bỏ con mình. Lưỡi gươm trong Ezechiel vừa cắt đứt Israel vừa sinh ra số sót; ngay dưới chân thập giá, Đức Maria là “Mater dolorosa” đau xót vì sự phủ nhận của nhân loại đối với Đức Giêsu, nhìn Con chết tức tưởi, sự cắt đứt này cũng làm cho Mẹ buốt xót, sinh ra “số sót” cho nhân loại, đó là những kẻ tin vào Đức Kitô. Lưỡi gươm đâm thấu lòng Mẹ để Mẹ luôn chia sẻ khổ đau với Con, vừa đứng về phía những kẻ tin vào Đức Giêsu, ôm lấy tất cả vì Đức Giêsu đã gửi gắm tất cả cho Mẹ: “Này là Con của Mẹ”. Giờ phút hiến tế dưới chân thập giá là đỉnh điểm của lời “xin vâng”, và cả cuộc đời xin vâng của Đức Maria hướng về giờ phút hy sinh này. Cùng với Chúa Giêsu, Đức Maria đã chịu sát tế tâm hồn và làm cho lời “xin vâng” viên mãn khi Đức Giêsu kêu lên: “mọi sự đã hoàn tất”.

 

* đặc trưng hiện diện và hiệp thông cứu chuộc.

Đức Maria rõ ràng đã đóng vai trò trổi vượt trên bất cứ phàm nhân nào trong sự hiệp thông với Đức Giêsu cứu chuộc. “Hiệp thông cứu chuộc” không phải “tự thân cứu chuộc” mà là cộng tác hoặc tháp nhập vào sự cứu chuộc đó. Chỉ có một mình Đức Giêsu là Đấng Cứu Chuộc duy nhất, nhưng khi sinh hạ Hội Thánh trên thập giá, Đức Giêsu không chỉ có một mình, mà Người còn có Đức Maria đứng dưới chân thập giá, để cùng chia sẻ sự đau khổ và giúp Người chấp nhận hiến dâng. Và sau hết là “hiệp thông cứu chuộc” vì Đức Maria đã tham gia vào công trình sinh hạ Hội Thánh.

Thánh Alberto Cả viết: “Đức Maria đã tham dự vào cuộc khổ nạn để cứu nhân loại. Khi mà những Tông Đồ và môn đệ bỏ trốn, thì Người ở lại đứng dưới chân thập giá và chịu trong lòng những vết thương Chúa Giêsu phải chịu ngoài thân; chẳng phải lúc đó lưỡi gươm đã đâm thấu qua tâm hồn Mẹ sao?”

Chính sự liên kết những đau khổ và ý chí Mẹ với những đau khổ và ý chí của Đức Giêsu, và cũng chính nhờ sự từ bỏ những quyền lợi của một người mẹ mà Đức Maria đã cùng với Đức Giêsu cứu chuộc nhân loại: Sự liên kết những đau khổ của Đức Maria với những đau khổ của Đức Giêsu đã làm cho người nên Mẹ đau thương cũng như Đức Giêsu đau khổ. Có thể nói, Đức Giêsu phải chịu những đau khổ nào trrong thân xác và linh hồn thì Đức Maria cũng phải chịu những đau đớn ấy trong lòng người. Và cũng như Đức Giêsu đã muốn gánh chịu những đau khổ thể xác và tinh thần tới tột độ khả năng chịu đựng của Ngài, thì cũng như Ngài, Mẹ Ngài cũng phải chịu trong lòng tất cả những đau khổ mà trái tim vô nhiễm người có thể chịu được. Mặt khác, ý chí của Đức Maria vốn kết hiệp với ý chí của Con, tức là ý chí của người luôn kết hiệp với ý chí Thiên Chúa. Đức Giêsu nhập thể là để hồi phục vinh quang Thiên Chúa và cứu chuộc thế gian bằng cuộc khổ nạn – chết – phục sinh của Ngài. Và Đức Maria cũng muốn cho vinh quang Thiên Chúa và phần rỗi của nhân loại nhờ cùng cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Giêsu. Đó là một sự tuân phục tuyệt đối… Ngoài ra, khi dâng hiến người Con thì cũng đồng nghĩa với việc “từ bỏ” quyền lợi của một người mẹ của người, vì con là lẽ sống của mẹ, lấy mạng sống của con thì chẳng khác nào huỷ lẽ sống của mẹ. Đó là sự dâng hiến cao cả trong việc hiệp thông cứu độ.

 

Sau cùng, trên thập giá, lúc Đức Giêsu tưởng chừng như đã bị bỏ rơi hoàn toàn, thậm chí Chúa Cha dường như vắng bóng, thì còn đó Mẹ Ngài đứng dưới chân thập giá như là một động lực cuối cùng nâng đỡ Ngài – Thiên Chúa Cha giờ này đang ở trong sự hiện diện của Đức Maria và Thánh Thần vẫn phủ bóng trên Đức Maria để trợ lực Ngài trong giờ hiến tế…

 

Lạy Mẹ Maria là Mẹ chúng con, xin cho chúng con biết “xin vâng” như Mẹ trong mọi biến cố của cuộc đời, để cộng tác với Chúa trong việc sinh thêm nhiều con cái cho Giáo Hội bằng đời sống chứng nhân truyền giáo của mình. Amen.

 

 

THỨ BA TUẦN VII THƯỜNG NIÊN


+ ĐỌC TIN MỪNG: Mc 9,30-37

Đức Giê-su và các môn đệ ra khỏi đó, đi băng qua miền Ga-li-lê. Nhưng Đức Giê-su không muốn cho ai biết, vì Người đang dạy các môn đệ rằng: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại." Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người.

Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Ca-phác-na-um. Khi về tới nhà, Đức Giê-su hỏi các ông: "Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy? " Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. Rồi Đức Giê-su ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người." Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: "Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy."

 

+ SUY NIỆM

Từ ngày theo Chúa Giêsu, các môn đệ luôn mang trong mình tư tưởng quyền lực, mong đến ngày Thầy Giêsu lên ngôi để các ông được chia sẻ tước này chức nọ. Vì thế các ông tranh luận ai sẽ được Thầy Giêsu cho làm quan to nhất trong Nước Ngài. Các môn đệ thực sự chưa hiểu được mầu nhiệm Nước Trời mà Chúa Giêsu sẽ thiết lập không phải chuyện chức này tước nọ như nước trần thế, mà là Vương Quốc của những tâm hồn đơn sơ, khiêm tốn và hi sinh phục vụ:

 

  • Nước Trời dành cho những tâm hồn bé mọn.

"Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”.

- Hình ảnh nên như trẻ nhỏ, nghĩa là phải biết sống tự hạ khiêm tốn, vì ai biết hạ mình xuống sẽ được tôn lên, còn ai kiêu ngạo thì tự đánh mất chính mình trong mắt mọi người.

- Hình ảnh trẻ nhỏ nói lên tính đơn sơ chân thực, trẻ nhỏ không tính toán ki bo hay những toan tính nham hiểm. Chúa cũng muốn mọi người chúng ta sống chân thành và ngay thẳng, không toan tính mưu lợi thấp hèn…

- Hình ảnh trẻ nhỏ còn nói lên tinh thần sống phó thác và tin tưởng nơi cha mẹ. Chúa mời gọi chúng ta biết sống đơn sơ phó thác nơi tay Chúa quan phòng.

- Hình ảnh trẻ nhỏ nói lên sự trong sạch. Trẻ nhỏ như tờ giấy trắng, không có những đam mê xấu. Chúa cũng muốn chúng ta sống trong sạch trước mặt Người.

Khi nói kẻ lớn nhất trong Nước Trời phải trở nên như trẻ nhỏ nơi nước trần thế, không có nghĩa là bây giờ làm Giáo Hoàng rồi sau này trở thành kẻ rốt hết, nhưng Chúa nhắm đến một tinh thần khiêm tốn và phục vụ, sự phục vụ đó tuỳ theo bậc sống của chúng ta nơi thế gian này.

 

  • Tinh thần tự hạ.

"Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người."

- Cám dỗ lớn nhất của con người, đó là đam mê quyền lực, ai cũng mong muốn được ăn trên ngồi trốc, được mọi người tung hô kính trọng… để rồi từ đó làm mọi cách (cho dù là đê tiện thấp hèn) để đạt được mục đích chức quyền… 

- Các môn đệ Chúa Giêsu trước Phục Sinh cũng thế, các ngài mang trong mình tư tưởng quyền lực, mong đến ngày Thầy Giêsu lên ngôi để được chia sẻ tước này chức nọ. Vì thế các ngài hỏi khéoThầy Giêsu xem ai được làm quan to nhất trong Nước Ngài. 

- Chúa Giêsu không trả lời ai to ai nhỏ trong Nước Trời, mà chỉ đưa ra một “mẫu người” sẽ trở thành lớn nhất trong Nước Trời đó là nên như trẻ nhỏ, và Ngài nhấn mạnh rằng: “Ai muốn làm lớn thì phải có tự hạ nên như trẻ nhỏ”.

Noi gương Chúa Giêsu đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng phục vụ và hi sinh vì con người, chúng ta cũng thế, hãy sống tinh thần khiêm tốn và phục vụ anh chị em trong phận vụ riêng Chúa ban cho từng người.

 

Lạy Chúa Chúa Giêsu, xin ban cho mọi người chúng con có tinh thần đơn sơ và tấm lòng trong trắng như trẻ thơ, để chúng con đến với mọi người bằng tinh thần khiêm nhu và hăng say phục vụ vô vị lợi. Để trong mọi sự Chúa được vinh danh nơi mọi người. Amen.

 

 

THỨ TƯ TUẦN VII THƯỜNG NIÊN 

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Mc 9,38-40

Ông Gio-an nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta." Đức Giê-su bảo: "Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.

 

+ SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay rất ngắn, kể chuyện môn đệ Gioan đến báo cáo với Chúa Giêsu là có người dám nhân danh Thầy mà trừ quỷ, chúng con đã can ngăn “vì họ làm như thế là mất quyền lợi tinh thần cũng như vật chất của chúng ta”. Nhưng Chúa Giêsu đã trả lời: “Ngăn làm gì, ai không chống lại ta là ủng hộ ta”.


Việc nhân danh Chúa để xua trừ ma quỷ và cứu giúp người luôn luôn là việc tốt. Nhân danh Chúa chứ có phải nhân danh tà thần nào đâu mà phải ngăn cản?

Thế nhưng, nếu dám nhìn thẳng vào sự thật, chúng ta sẽ thấy ngay một thực tế là:

- Không thiếu vị giữ cho mình cái đặc quyền nhân danh Chúa để loan giảng Tin Mừng, sợ “mất quyền lợi” hoặc “nhỏ đi miếng bánh” hay “ảnh hưởng đến thế giá” và ganh tỵ với những người khác, dù ai cũng có quyền làm chứng cho Chúa bằng nhiều cách thế mà không ngược với đức tin Kitô Giáo. 

- Đôi khi cộng đoàn này phản đối cộng đoàn kia, nhóm từ thiện này lên án nhóm từ thiện nọ, và ai cũng nhân danh Chúa để khiển trách các hoạt động của nhau.

- Đành rằng Giáo Hội là duy nhất và tông truyền rất cần đến cơ cấu phẩm trật, nhưng không vì thế mà làm hạn chế sứ vụ rao giảng Tin Mừng mà Chúa trao phó cho hết mọi người từ khi lãnh bí tích Rửa Tội. Mọi người đều có trách nhiệm làm cho Chúa được vinh danh nơi bậc sống của mình. 


Vườn hoa Giáo Hội Chúa thì muôn màu muôn vẻ, nhưng cùng góp chung tô điểm cho Nước Chúa thêm xinh đẹp rạng rỡ; cánh đồng truyền giáo bao la rất cần đến nhiều sáng kiến từ các cá nhân, hội đoàn và các linh đạo hoạt động mới.

Là người con Chúa trong lòng Giáo Hội, chúng ta không ganh tỵ với việc thiện của người khác, không tự cho mình có đặc quyền lo việc Chúa, nhưng tất cả đều được mời gọi có những sáng kiến làm chứng cho Chúa và giúp đỡ tha nhân. Đồng thời bằng sức mạnh của Lời Chúa và đời sống cầu nguyện, chúng ta cùng với Chúa Giêsu xua trừ những âm mưu ma quỷ ra khỏi bản thân, gia đình và giáo xứ chúng ta.


Lạy Chúa Giêsu, xin cho mọi người chúng con nhiệt thành làm cho nước Chúa được lan rộng và danh Chúa được mọi người biết đến. Xin cũng đừng để chúng con vì những ghanh ghét phân bì hay đố kỵ mà làm gián đoạn công cuộc truyền giáo mà Chúa đã giao phó cho mọi người chúng con trong đấng bậc mình. Amen.

 

 

THỨ NĂM TUẦN VII THƯỜNG NIÊN 

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Mc 9,41-50

"Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.

"Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn. Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. [ ] Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục. [ ] Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt. Quả thật, ai nấy sẽ được luyện bằng lửa như thể ướp bằng muối. Muối là cái gì tốt. Nhưng muối mà hết mặn, thì anh em sẽ lấy gì ướp cho mặn lại? Anh em hãy giữ muối trong lòng anh em, và sống hoà thuận với nhau."

 

+ SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu đưa ra lời khích lệ cho những ai biết làm phúc cho đồng loại, đồng thời lên án gay gắt những kẻ gây cớ vấp phạm cho tha nhân.

 

*  Hoa trái của lòng bác ái.

“Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mc 9,41).

 

Trên một bia mộ kia có khắc dòng chữ:

“Tôi đã mất những gì tôi xài phí

Chỉ còn lại những gì đã cho đi”.

Cái kết khủng khiếp của phận người là không thể mang được bất cứ một thứ của cải vật chất nào theo mình về thế giới bên kia, bởi tất cả sẽ ở lại sau cái chết. Thế nhưng con người cứ lo vun vén và giữ khư khư nó, giữ lại đến mức dư thừa mà không chia sẻ cho người đói khát bất hạnh, lo thu tích để rồi lúc chết đi phải để lại cho người khác tận hưởng. Họ không ý thức được rằng, chỉ có lòng bác ái và những gì chia sẻ cho tha nhân vì tình yêu thương thì sẽ theo họ về cõi vĩnh hằng.

Vấn đề được Thiên Chúa ân thưởng không hệ tại ở giàu hay nghèo, cũng không hệ tại ở việc cho hàng tỷ đồng hay chỉ là một bát nước lã, nhưng là biết sống tương quan đức ái với tha nhân, giúp đỡ nhau vì lòng mến Chúa và yêu đồng loại. Người cho nhau một ly nước vì Chúa thì có giá trị hơn gấp bội so với người cho cả gia tài chỉ vì được ca tụng đời này.

 

* Đừng làm cớ cho người khác vấp ngã.

"Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn” (Mc 9,42).

Sống trong thế giới, vàng thau lẫn lộn, gương tốt thì ít và gương xấu lại quá nhiều. Ngày nay, phương tiện truyền thông là con dao hai lưỡi khiến những gương mù gương xấu dễ tràn lan và đầu độc con người, đặc biệt là giới trẻ. Nhưng cái xấu xem ra hấp dẫn hơn, mạnh mẽ hơn và dễ bắt chước hơn. 

Chúa Giêsu tỏ ra thái độ dứt khoát và nghiêm khắc đối với những người gây cớ làm cho người khác phạm tội, đặc biệt là ngăn cản người khác đến với Thiên Chúa: ”Khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã, thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà quăng xuống biển thì hơn”. Chúa Giêsu răn đe cương quyết kẻ làm người khác sa ngã vì đó là tiếp tay với ma quỉ, làm gương xấu cho anh em, cho người khác.

Vì thế, mọi người con Chúa cần phải cẩn trọng giữ mình, biết biện phân trước mọi thông tin và hình ảnh tốt xấu, biết tránh nên cớ vấp phạm cho tha nhân, và đặc biệt làm cho gương sáng và cái tốt được nhân rộng để lấn át bớt sự dữ đang hoành hành.

Giống như đám cỏ gấu không thể diệt sạch được vì nó có rễ sâu, nhưng chúng sẽ bị lấn át khi chúng ta trồng khoai lang vào. Cũng thế, gương xấu tự nó không thể nhổ sạch, nhưng nhân đức sẽ lấn át nó dần dần làm cho sự xấu chết hẳn. Điều đáng ghi nhận là hiện nay nhiều người đã biết dùng những sinh hoạt và trò chơi lành mạnh để thay thế và giúp giới trẻ quên dần những tệ nạn. “Không ai làm tôi hai chủ” nếu chúng ta lo tìm kiếm những điều tốt, thì tự nó cái xấu sẽ lụi tàn.

 

Việc Chúa Giêsu nói cái gì trở nên dịp tội thì hãy lo cắt đi, chấp nhận mất một bộ phận mà tránh được hoả ngục. Ở đây không hiểu theo nghĩa đen là phải chặt tay móc mắt, vì nếu thế thì không còn ai toàn vẹn vì bản năng yếu đuối của con người. Điều Chúa muốn nói ở đây là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, phải cất đi và xa lánh những nguy cơ có thể đẩy chúng ta đến phạm tội, dù phải chấp nhận phần thiệt về mình, như lánh xa những ấn phẩm đen, không đến những nơi chốn không thích hợp, tránh dùng những thúc uống làm mình mất kiểm soát…

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mọi người chúng con ý thức về tinh thần bác ái Kitô Giáo mà luôn sẵn lòng đóng góp phần mình trong khả năng có thể, để giúp đỡ những ai nghèo khổ và bất hạnh. Xin cũng cho chúng con biết xa lánh những dịp tội, cũng như không làm cớ cho ai vấp phạm mà xa lìa danh Chúa. Amen.

 

 

THỨ SÁU TUẦN VII THƯỜNG NIÊN 

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Mc 10,1-12

Đức Giê-su đi tới miền Giu-đê và vùng bên kia sông Gio-đan. Đông đảo dân chúng lại tuôn đến với Người. Và như thường lệ, Người lại dạy dỗ họ. Có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giê-su và hỏi rằng: "Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không? " Họ hỏi thế là để thử Người. Người đáp: " Thế ông Mô-sê đã truyền dạy các ông điều gì? " Họ trả lời: "Ông Mô-sê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ." Đức Giê-su nói với họ: "Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê mới viết điều răn đó cho các ông. Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly." Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điều ấy. Người nói: "Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình."

 

+ SUY NIỆM

Xã hội loài người thời đại nào và bất cứ nơi đâu, từ những tộc người sơ khai cho đến những xã hội văn minh, cũng đều có luật về hôn nhân gia đình. Đặc biệt nơi nhiều tôn giáo còn tâm linh hóa hôn nhân thành một định chế của niềm tin và nghi lễ.

Bộ luật Do-thái cũng đưa ra quy định về hôn nhân cách chi tiết, trong đó có cả việc cho phép ly dị (Đnl 24). Tuy nhiên, việc đặt ra quy định về ly dị của Do-thái Giáo đã để lại một sự bất công và hạ thấp nhân phẩm của người phụ nữ, và qua đó xem nhẹ tình yêu và sự trung tín trong hôn nhân.

Sách Đệ Nhị Luật chương 24,1-3 ghi:

“Nếu một người đàn ông đã lấy vợ và đã ăn ở với nàng rồi, mà sau đó nàng không đẹp lòng người ấy nữa, vì người ấy thấy nơi nàng có điều gì chướng, thì sẽ viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà. Ra khỏi nhà người ấy, nếu nàng đi lấy chồng khác, mà người chồng sau lại ghét bỏ nàng, viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà, hoặc nếu người chồng sau đã lấy nàng làm vợ mà chết, thì người chồng đầu tiên đã đuổi nàng đi không thể lấy nàng làm vợ một lần nữa, sau khi nàng đã ra ô uế”.

Thật ra, sách Đệ Nhị Luật chỉ biên tập lần cuối và đầy đủ như ngày nay là từ sau năm -587, nên không loại trừ chuyện người ta đã thêm vào những điều có lợi cho họ, nhưng đã gán cho Môisê đã mất trước đó rất lâu. Chế độ trọng nam khinh nữ và phân biệt đối xử không chỉ có nơi Do-thái, mà là cả vùng Trung Đông, đặc biệt nơi các nước Hồi Giáo vẫn tồn tại việc bất bình đẳng này cho đến hôm nay. Người Do-thái coi người nữ đứng hàng thứ sáu trong nhà, xếp sau cả vật nuôi của họ. Họ xem người nữ như một món đồ để thỏa mãn và lưu truyền nòi giống, thích thì giữ và chán thì bỏ. Không có hôn nhân đích thực vì không có được sự cao cả của tình yêu và lòng trung tín.


Hôm nay khi người Pha-ri-sêu đến hỏi Chúa Giêsu xem họ có được phép ly dị không? Thay vì trả lời “Có” hay “Không” - vì Chúa Giêsu biết họ có ý gài bẫy Người sẽ phạm một trong hai tội: vi phạm Lề Luật hoặc đối đầu với Hêrôđê - thì Chúa Giêsu lại nhắc cho họ điều căn bản là từ thuở ban đầu là Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ, chúc phúc cho họ để nên một với nhau “bất khả phân ly”.

“Thuở ban đầu” – có nghĩa là từ ngàn đời trong ý định của Thiên Chúa đã muốn người nam và nữ kết hợp với nhau trong việc cộng tác sáng tạo và bất khả phân ly. Thế nhưng, vì ích kỷ mà con người phản bội dối gian nhau, thiếu tình yêu thương và tha thứ cho nhau… dẫn đến đổ vỡ. Chính vì thế mà Môsê cho phép ly dị như một chọn lựa ngoài ý muốn để giải gỡ cho họ. Chúng ta cần dừng lại ở lời này của Chúa Giêsu: ông Môisê cho phép chứ không phải Thiên Chúa đã ban bố điều đó, và ông Môisê cho phép là vì lòng chai dạ đá của họ.

Như vậy, Chúa Giêsu xác định rõ ràng về ý định của Thiên Chúa và nâng hôn nhân lên hàng bí tích. Ngài khẳng định khi hôn nhân thành sự là cả hai đã nên một xương một thịt và do Thiên Chúa kết hợp nên loài người không ai có quyền phân ly. Và hôn nhân là sự bình đẳng, bổ trợ cho nhau để cùng hướng tới sự cộng tác sáng tạo của Thiên Chúa.

Ngày hôm nay, Giáo Hội Công Giáo vẫn trung thành với luật Chúa là duy trì sự bất khả phân ly, nghĩa là khi một cuộc hôn nhân đã thành sự thì Hội Thánh không thể chấp nhận cho ly dị, trừ những trường hợp chứng minh được tiêu hôn, hoặc một số trường hợp được ly thân mà thôi. 

 

Lạy Chúa, giữa xã hội hôm nay khi mọi giá trị luân lý, nhất là hôn nhân bị đảo lộn. Xin cho chúng con biết hy sinh và lvị tha, để xây dựng hôn nhân Kitô Giáo vững chắc, từ đó giúp nhau thắng vượt được mọi khó khăn có thể làm tan vỡ gia đình. Amen.

 

 

THỨ BẢY TUẦN VII THƯỜNG NIÊN

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Mc 10, 13-16

Người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su, để Người đặt tay trên chúng. Nhưng các môn đệ la rầy chúng. Thấy vậy, Người bực mình nói với các ông: "Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào." Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng.

 

+ SUY NIỆM

BàiTin Mừng hôm nay kể chuyện nhiều bà mẹ đem trẻ em đến để được Chúa Giêsu đặt tay chúc lành. Qua hình ảnh nhưng trẻ thơ, Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ bài học về tinh thần đón nhận Nước Thiên Chúa.

 

* Nước Thiên Chúa dành cho những tâm hồn bé mọn.

- Cám dỗ lớn nhất của con người là đam mê quyền lực, ai cũng mong muốn được ăn trên ngồi trốc, được mọi người tung hô kính trọng… để rồi từ đó làm mọi cách (cho dù là đê tiện thấp hèn) để đạt được mục đích chức quyền… Hình ảnh nên như trẻ nhỏ, nghĩa là phải biết sống tự hạ khiêm tốn, vì ai biết hạ mình xuống sẽ được tôn lên, còn ai kiêu ngạo thì tự đánh mất chính mình trong mắt mọi người.

- Hình ảnh trẻ nhỏ nói lên tính đơn sơ chân thực, trẻ nhỏ không tính toán ki bo hay những toan tính nham hiểm. Chúa cũng muốn mọi người chúng ta sống chân thành và ngay thẳng, không toan tính mưu lợi thấp hèn…

- Hình ảnh trẻ nhỏ còn nói lên tinh thần sống phó thác và tin tưởng nơi cha mẹ. Chúa mời gọi chúng ta biết sống đơn sơ phó thác nơi tay Chúa quan phòng.

- Hình ảnh trẻ nhỏ nói lên sự trong sạch. Trẻ nhỏ như tờ giấy trắng, không có những đam mê xấu. Chúa cũng muốn chúng ta sống trong sạch trước mặt Người.

 

* Hãy để trẻ nhỏ đến với Chúa.

Một cách nào đó, chúng ta vô tình hay hữu ý đã ngăn cản trẻ nhỏ đến với Chúa khi:

- Ngay những ngày đầu trẻ được sinh ra, chúng ta bê trễ việc lo cho trẻ lãnh Bí Tích Thánh Tẩy làm con cái Chúa.

- Không tập tành cho con trẻ làm quen tiếp xúc và yêu mến Lời Chúa,Kinh Nguyện hằng ngày cùng những việc đạo đức ngay tại nơi gia đình.

- Không ngăn ngừa hoặc tạo cơ hội cho trẻ tiếp xúc với những thứ văn hoá xấu (bạo lực, phim ảnh, sách báo, trò chơi thiếu lành mạnh), chính những thứ đó gián tiếp ngăn ngừa trẻ tiếp cận với Chúa.

- Không sống nêu gương đạo đức và thánh thiện cho trẻ.

- Đối với những người lớn, chúng ta không ngăn cản những sáng kiến riêng tư đơn sơ của họ trong việc gặp gỡ Thiên Chúa.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mọi người chúng con có tâm hồn đơn sơ trong trắng, để như những trẻ thơ vô tội, chúng con xứng đáng là những công dân Nước Trời, là nơi chỉ dành cho những ai đơn sơ bé mọn. Amen

 

Lm. Hiền Lâm.

Thiết kế Web : Châu Á