Suy niệm

CN Lễ Chúa Kitô Vua (Ant. Quỳnh Hoàng Văn Liệu)

Đức Kitô thực sự là một vị Vua đầy uy quyền, nhưng Ngài không dùng quyền để thống trị, mà là để yêu thương, phục vụ chúng ta.

 

Lễ Chúa Kitô Vua

(Lc 18,33-37)

Ant. Quỳnh Hoàng Văn Liệu

Kết thúc Năm Phụng Vụ, Giáo hội long trọng mừng Đại Lễ Chúa Kitô Vua. Khi nói đến tước hiệu vua, có lẽ ai trong chúng ta cũng nghĩ đến một con người quyền lực, oai vệ trong bộ cẩm bào, vương miện dát vàng long lanh, nắm trong tay quyền lực để thống trị, dùng tước vị để chiếm hữu. Vậy, vị Vua mà Giáo hội mừng kính hôm nay thể hiện những đặc tính trên hay không? Ngài đã dùng tước hiệu và quyền bính của mình để lãnh đạo dân như thế nào?  Dựa vào trình thuật của các sách Tin Mừng xin được chia sẻ hai điểm sau: Vua tình yêu, Vua phục vụ.

 

* Vua Tình Yêu

Bài Tin Mừng hôm nay được thánh sử Gioan trình thuật lại câu chuyện Chúa Giêsu xưng mình là Vua trong một hoàn cảnh rất đặc biệt đó là khi bị  tổng Philatô truy nã về tước hiệu vua dân Do thái của Ngài. Sau nhiều lần tra tấn Chúa Giêsu khẳng định tước hiệu Vua của Ngài qua câu hỏi của tổng trấn Philatô “Ông là vua sao”? Chúa giêsu đáp: “Chính ông nói rằng Tôi là Vua. Tôi sinh và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật” (Ga 18,37). Thế nhưng, vương quốc của Tôi không thuộc thế gian này (Ga 18, 36). Qua câu chuyện này chúng ta có thể quả quyết rằng Chúa Giêsu là vua, vị Vua của chân lý, Ngài đến để phục vụ, đem tình yêu, đem bình an cho mọi người. Ngài chính là Thiên Chúa Nhập Thể làm người, mang lấy thân phận con người, trải qua tất cả những nỗi đau khổ của kiếp nhân sinh, kể cả cái chết nhục nhã trên thập giá để cứu chuộc con người.

Nói rõ hơn, Thiên Chúa yêu thương con người. Tình yêu ấy không phải là một lý thuyết trừu tượng nhưng đã trở nên hữu hình, được thể hiện cụ thể qua những việc như chữa lành các bệnh tật, đui mù, què quặt, phong cùi, người chết sống lại…những hành động này nói lên tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa. Đặc biệt, qua việc trừ quỷ cho ta biết quyền năng của Thiên Chúa trổi vượt trên quyền lực của ma quỷ, đồng thời cũng minh chứng rằng chính Ngài là sự hữu hiệu của Thiên Chúa nơi dân của Ngài. Ngoài việc chữa lành Vua Giêsu còn đi tìm và chờ đợi những gì đã mất qua hình dụ ngôn con chiên lạc, đồng tiền bị mất và dụ ngôn Người Cha nhân hậu (x, Lc 15). Không những Vua Giêsu chữa lành bệnh tật về thể xác mà còn chữa lành tinh thần, hành động đó được các sách Tin Mừng diễn tả một cách cụ thể khi Ngài lui tới với những người thu thuế, cũng như lúc Ngài cứu người phụ nữ ngoại tình. Quả thực, đây là một vị Vua giàu lòng thương xót không muốn cho kẻ tội lỗi phải hư mất. Ngoài bản tính Thiên Chúa Chúa Giêsu còn biểu lộ bản tính con nguoời qua việc khóc thương thành Giêrusalem khi bị phá đổ, khóc thương Ladarô khi anh đã chết tất cả những điều đó cho thấy được vị Vua Giêsu hết mực yêu thương đến nỗi thống khổ của loài người. Vị Vua không dùng quyền để thống trị mà là vị Vua nhân ái, công bình, hy sinh mạng sống mình cho tình yêu.

Thật vậy, Chúa Giêsu chính là vua tình yêu đã đến thế gian, Ngài là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình. Bởi vậy, như lời Ngài đã xác tín trước tổng trấn Philatô, vương quốc của Ngài không thuộc về thế gian, tước hiệu vua của Ngài không phải thống trị mà là yêu thương. Dân của Ngài phải là những người có con tim để yêu thương, tha thứ, có vòng tay để sẻ chia cơm áo. Lẽ đương nhiên, muốn vào Vương quốc của Ngài, phải là người biết sống yêu thương, phục vụ và yêu mến Thiên Chúa và yêu thương anh em thật sự. Yêu mến bằng hành cụ thể chứ không phải bằng lời nói. Tôn thờ chúa Kitô Vua là sống yêu thương, phục vụ Chúa Kitô Vua trong tha nhân, những người đang sống chung quanh chúng ta,  những người đang cần chúng ta giúp đỡ, đặc biệt là những người nghèo khó, bệnh tật.

 

* Vua phục vụ

Đức Kitô thực sự là một vị Vua đầy uy quyền, nhưng Ngài không dùng quyền để thống trị, mà là để yêu thương, phục vụ chúng ta. Ngài đã tuyên bố: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28). Đức Giêsu đến là để phục vụ. Đúng vậy, trong ba năm thi hành sứ vụ Đức Giêsu phục vụ không ngơi nghỉ, dù đi đến bất cứ nơi đâu, Ngài không chỉ dùng lời nói giảng dạy, không chỉ đưa ra những lời tuyên bố, mà còn hành động qua việc phục vụ cụ thể rất là con người. Cụ thể, việc hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng, chữa lành bệnh tật, đặc biệt là cúi mình xuống để rửa chân cho các môn đệ trước khi đi chịu chết để nêu gương cho các môn đệ.

Cử chỉ phục vụ cao cả nhất và khiêm hạ nhất của Vua Giêsu là cái chết  đầy nhục nhã của Ngài trên thập giá. Nếu chúng ta ngước nhìn lên thập giá và suy gẫm mầu nhiệm này một cách sâu sắc, ắt hẳn sẽ cảm nhận được cung cách của Vua Giêsu rất lạ lùng.  Một vị vua, không ngai vàng, không vương miện, chỉ có vòng gai. Không cẩm bào, không quan quân đứng túc trực, hầu hạ, không có chút quyền lực, cũng chẳng áp bức ai. Một vị vua của vâng phục và yêu thương tha thứ “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Thập Giá vừa đưa Chúa Giêsu xuống vực thẳm, vừa nâng Người lên cao. Chúa Giêsu trở thành Vua vũ trụ nhờ đi vào con đường thập giá, con đường tử bỏ mình để khiêm tốn phục vụ, con đường hẹp nhưng không phải là con đường cùng, mà là con đường dẫn đến vinh quang. “Khi nào Ta được đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta” (Ga 12,3). Vua Giêsu hôm nay vẫn tiếp tục thu hút cả vũ trụ nhân loại với Ngài. Nước của Ngài đã được khai mạc và nước ấy vẫn lan rộng không ngừng nhờ có những người dám “đứng về phía sự thật” và “nghe được tiếng Ngài mời gọi” (Ga 18,37).

Mừng kính Chúa Kitô Vua hôm nay cho ta thấy được Vua Giêsu  khác hẳn với với chúa trần gian. Nếu như vua chúa trần gian được được người đời ca ngợi tán dương, kẻ hầu người hạ, thì Vua Giêsu lại là người bị người đời chế giễu, nhục mạ. Nếu như vua trần gian dùng quyền lực để thống trị, thì Vua Giêsu lại là người để yêu thương phục vụ, phục vụ một cách nhưng không. Nếu như vua trần gian dùng danh hiệu để chiếm hữu, bóc lột, áp bức dân, thì vua Giêsu lại là người trần trụi không nhà, không cửa, không có chổ tựa đầ. Nếu như vua trần gian dùng ngai vàng của mình để cai trị, lật đổ, thậm chí giết dân, thì Vua Giêsu lại người chịu chết để cho dân được sống và sống dồi dào. Chúa Kitô là vị vua của chân lý, yêu thương, phục vụ bằng cái chết bi thảm trên thập giá để kéo mọi người vào vương quốc của ngài. Bởi vậy, thập giá chính là ngai vàng, mão gai là triều thiên và mũi giáo đâm vào cạnh sườn trào tràn nguồn suối tình yêu mà Ngài hằng khao khát tình yêu và kêu lên khi treo trên cây thập giá “Ta khát”. Yêu là như thế đó, là hiến dâng, là trao ban và trao ban đến cùng. Tình yêu, đó là món quà quí nhất của Thiên Chúa đã trao tặng con người. Từ nay, để sống đích thực là người, con người cần phải dốc cạn con tim mình để yêu thương và trao ban cho đồng loại. Chúa Giêsu đã lấy tình yêu thương và phục vụ làm quyền bính cai trị. Ngài đã trở nên gương mẫu đích thực cho các nhà lãnh đạo, cho các người cầm quyền. Ai biết yêu thương và phục vụ như Ngài thì mới được tham dự vào vương quyền của Ngài trong Nước của Ngài, vì “Phục vụ là cai trị” vậy.

Thực vậy, hôm nay mừng đại lễ Chúa Giêsu là Vua, Giáo hội nhắc nhở chúng ta sống và bước đi trên con đường tình yêu mà Chúa giêsu đã đi. Bài Tin Mừng hôm nay cũng cho ta biết về chân lý về tước hiệu mà Chúa Giêsu đã nhận đó chính là công lý, sự thật, yêu thương và phục vụ. Do đó, khi chúng ta nhận lãnh bí Rữa Tội chúng ta được tham dự vào tước vị Vua của Ngài, tức là chúng ta cũng được mời gọi làm chứng bằng tình yêu và phục vụ đồng thời cũng làm vua cai trị bản thân để chế ngự những thói hư tật xấu.

 

Thiết kế Web : Châu Á