Suy niệm

CN 31 TN, B: Tình yêu là quy tắc thứ nhất của mọi cuộc sống tôn giáo (M. Tadeo Thọ)

Yêu thương là cốt lõi của các lề luật khác...

 

Mc 12,28b-34

Tình yêu là quy tắc thứ nhất của mọi cuộc sống tôn giáo

 M. Tadeo Thọ

Chúng ta là những người đạo gốc, là những tu sĩ, đan sĩ, chúng ta đã thuộc làu giáo lý như các Luật sĩ biệt phái, nhưng chúng ta đã sống lề luật của Chúa như thế nào? Sự yêu thương của chúng ta có chân thật trong lòng và phát xuất ra nơi việc làm hay không? Tin Mừng Chúa Giê-su đoạn 12, 29-31 theo thánh sử Mác-cô nhắc nhớ điều gì? Quy tắc sống đạo nào là quy tắc chính yếu?

 

  • Quy tắc nào là quy tắc sống đạo chính yếu?

Khi ông Mô-sê đem bia đá Thập Giới từ trên núi Si Nai xuống, ông thấy dân chúng đã ra hư hỏng, họ đã bỏ Thiên Chúa mà theo các thần ngoại bang, cúng thờ các thần ấy; họ đã rời bỏ đường lối của Người mà đi theo các thần khác. Dân tộc Do-thái không còn đề cao lề luật Thiên Chúa ban, càng ngày họ càng đi xa đường lối của Thiên Chúa, không tuân giữ đúng chỉ thị và lề luật của Người nữa, thì Chúa Giê-su đã xuất hiện và ban thánh chỉ, những quy tắc chính yếu trong việc sống đạo cho họ.

 Đạo Do-thái đã sản sinh ra rất nhiều khoản luật, mà điều luật nào cũng đều quan trọng. Luật Do-thái có tất cả 613 điều luật khác nhau, trong đó có 365 điều luật cấm và 248 điều luật phải giữ. Các Luật sĩ biệt phái coi lề luật của họ như là chìa khóa của cuộc sống; đi đâu họ cũng đem theo sách luật. Họ luôn coi trọng lề luật, đặt nặng lề luật và thậm chí câu nệ lề luật để sát phạt nặng nề tới người khác. Văn chương Do-thái sẽ còn kể nhiều giới răn khác: cấm đổ máu, cấm xúc phạm danh Thiên Chúa, cấm lỗi ngày hưu lễ...; hình như việc thờ ngẫu tượng, loạn luân, giết người vẫn được coi là những lỗi nặng nề nhất. Do-thái giáo đã không thể thấy sự ưu đẳng của giới luật tình yêu, vì tất cả nền tu đức của nó cũng như cuộc sống của nó bị một quan niệm duy luật tỉ mỉ thái quá ám ảnh. Một nền văn minh của đất nước Do-thái đã đưa con người đi vào ngõ bí trong sự phụ thuộc lề luật, câu nệ luật lệ để đối nhân xử thế. Chúa Giê-su và các môn đệ của Người cũng đã bị chỉ trích không giữ luật, không rửa tay trước khi ăn, bứt lúa ăn trong ngày Sa-bát, chữa bệnh trong ngày không được phép làm… Và đây là những vấn nạn mà Chúa Giê-su hôm nay sẽ cho các Luật sĩ biệt phái và cả chúng ta biết những gì là chính yếu trong việc giữ luật của Chúa. Tình yêu mới làm cho con người sống và sống một cách viên mãn trong hạnh phúc.

 

  • Luật Yêu Thương là quy tắc sống đạo thiết yếu

Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn (Tv 19,18). Con người hãy đặt niềm tin tưởng vào lề luật Yêu thương của Thiên Chúa như là chìa khóa của cuộc sống đạo. Vì chỉ có luật Thiên Chúa mới làm cho con người yên tâm sống, sống theo sự thật, sống có hạnh phúc.  

Chính Lề luật của Thiên Chúa đã khắc ghi vào tâm khảm ta rồi. Như Lời Người phán qua miệng Ngôn sứ Giê-rê-mi-a rằng: Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng lề luật của Ta (Gr 31, 33). Bởi vậy, con người, dù lương hay giáo cũng sẽ bị đánh động khi ta làm sai hay làm đúng theo mệnh lệnh của Thiên Chúa. Kể cả Viên Luật sĩ biệt phái trong Tin Mừng hôm nay cũng đã được đánh động trong lương tâm khi Lời Chúa Giê-su phán ra.

Thánh Mác-cô, vì viết Tin Mừng cho lương dân trở lại, thánh nhân đã lấy ngay Viên Luật sĩ biệt phái thông luật làm nhân chứng. Vị Luật sĩ này đã ưu tư xác định đâu là giới răn thứ nhất trong mọi giới răn, và đã hỏi Chúa Giê-su: “Giới răn thứ nhất và trên hết là giới răn nào?” Chúa Giê-su đáp lại: “ Giới răn thứ nhất là: Hãy lắng tai nghe, hỡi Israel, Chúa Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa độc nhất, và ngươi phải yêu mến Chúa, Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn ngươi, hết trí khôn ngươi, và hết sức lực ngươi. Thứ đến là: ngươi phải yêu mến đồng loại ngươi như chính mình. Hẳn không có giới răn nào lớn hơn các điều ấy” (Mc 28-31). Viên Luật sĩ biệt phái đã thay thế tiêu chuẩn “lớn lao” bằng tiêu chuẩn “ưu đẳng” trong câu hỏi. Vì thế, giới luật tình yêu ở đây sẽ xuất hiện như một cái gì “trên hết”. Giới luật tình yêu trong Tin Mừng hôm nay như là quy tắc thứ nhất của mọi cuộc sống tôn giáo (x. Mc 29-31).

 Theo thánh Mar-cô: Viên Biệt phái giàu có này đến chất vấn Chúa Giêsu không phải vì óc cuồng tín của phe nhóm cho bằng vì lưu tâm đến giáo thuyết người rao giảng[1]. Thánh Mar-cô viết Lời Chúa Giê-su phán dạy cho các Luật sĩ Biệt phái và dân chúng qua một bản văn tuyên tín “độc thần” trong Đệ Nhị Luật đoạn 6 câu 8. Thánh nhân cố ý lấy bằng chứng việc tán thành của Viên Ký Lục này, đó là một quả quyết về “độc nhất tính của Thiên Chúa (x. Mc 12, 32). Đó là một công thức nỗi bật trong Cựu Ước, dùng để khắc ghi vào trí não lòng yêu mến Thiên Chúa (x. Mc 12, 29). Chính trong bối cảnh này mà Chúa Giê-su chuyển tải được một thông điệp cho các Luật sĩ Do-thái và mọi người rõ, đâu là điều luật chính yếu, đâu là sự cần thiết trong lề luật. Câu đáp của Người đầy quả quyết và mạnh dạn, nỗi bật nguyên tắc cơ bản trong giáo thuyết của Người, là “giới răn mới” (x.Ga 13,34; 1Ga 2,7). Chúa Giê-su biết những lời nói của Người sẽ có uy lực tới mọi người vì Người đang nhắm vào các Luật sĩ Do-thái, trước một Viên Ký Lục biệt phái nếu họ dựa vào Kinh Thánh là cái quen thuộc đối với họ. Vì thế, Người chỉ trích dẫn Đnl 6,4 và Lv 19,18 là những câu có kiểu nói hoàn toàn thích hợp với ý Người và có thể đánh động được các nhà thông luật Do-thái.

Chúng ta là những người đạo gốc như các người Do-thái xưa, chúng ta cũng có nhiều luật lệ trong việc giữ đạo, nhưng điều nào là điều chính yếu? qua bài Tin Mừng hôm nay chúng ta được nhắc nhớ: Yêu thương là cốt lõi của các lề luật khác. Điều quan trọng nhất là mến Chúa và yêu người. Chúa Giê-su liên kết hai điều này: mến Chúa thì phải yêu người, yêu người thì phải mến Chúa. Cả hai điều này có thể tóm lại thành một điều duy nhất là: yêu thương.

Suốt cuộc đời, Chúa Giê-su đã làm chứng về sự quan trong của hai điều luật đó, Người không chỉ làm chứng về lời giảng dạy, nhưng bằng chính cuộc sống và cái chết của Người.

Yêu Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn, có nghĩa là yêu toàn diện con người của mình với cả trái tim, linh hồn và cả khói óc của mình. Một tình yêu thúc đẩy từ bên trong trái tim, biểu lộ “trong chúng ta” (x. Ga 4,7.12.1-7). Chúa Giê-su đã yêu mến Cha, luôn sống đẹp lòng Cha, luôn giành thời giờ để cầu nguyện, tâm sự với Cha. Người chấp nhận cuộc khổ nạn và cái chết trên thập giá bởi lòng yêu mến Cha và yêu thương nhân loại.

Yêu người thân cận như chính mình: điều này cũng quan trọng ngang với điều răn thứ nhất về lòng mến Chúa. Vì lòng yêu người phát xuất từ lòng mến Chúa và cũng cần thiết như lòng mến Chúa. Trong Tin Mừng, Chúa Giê-su đã nêu gương cho chúng ta về lòng yêu thương với những người nghèo, với người tội lỗi, với những thù địch, với người phụ nữ Samari bên giếng Giacop…

Chúa Giê-su đã sống tình yêu Thiên Chúa một cách tuyệt hảo và Người nhắn nhủ chúng ta: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu yêu thương anh em”.  Yêu thương nhau như Thầy đã yêu.

 

Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con được noi gương bắt chước Ngài, yêu Chúa Cha như Ngài đã yêu, thương người như Ngài đã thương; để không hổ danh mình là đạo yêu thương; để cho danh Cha cả sáng, để cho Nước Cha trị đến! Amen.

 

[1] x. B. van Iersel, Dos lignes fondamentalos de no tre vie chrétiennc trong Assemblées du Seigneur loạt 1,71, tr. 29-31

Thiết kế Web : Châu Á