Suy niệm

CN 17 Thường Niên, B: “SỰ NHẠY CẢM TRƯỚC NHU CẦU RẤT CON NGƯỜI CỦA THẦY GIÊ-SU” (Minh Triệu)

Không viển vông, nhưng thực tế, bởi Đấng là nguồn mạch sự sống rất nhạy cảm trước nhu cầu căn bản của con người.

 

Ga 6, 1-15

 

“SỰ NHẠY CẢM TRƯỚC NHU CẦU RẤT CON NGƯỜI CỦA THẦY GIÊ-SU”

 

Ở đời, còn lắm kẻ duy ý chí. Họ chỉ tin vào nỗ lực bản thân. Việc trông ngóng vào trời đất chỉ dành cho kẻ kém trí, lỗi thời. Nhưng thật may mắn cho thế giới, bên cạnh những kẻ tự cho mình tinh tường vẫn không thiếu những tâm hồn khiêm tốn biết phó thác cuộc đời mình vào thực tại Tuyệt Đối. Không viển vông, nhưng thực tế, bởi Đấng là nguồn mạch sự sống rất nhạy cảm trước nhu cầu căn bản của con người. Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta xác tín điều đó.

Trong Ga 6,1-15 chúng ta thấy “Có đông đảo dân chúng đi theo Chúa Giê-su vì họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm” (Ga 6,2). Họ đến với Chúa Giê-su và được Người cho ăn thỏa thích (x.Ga 6,11). Ăn dư thừa (x.Ga 6,12). Điều đáng nói ở đây là Chúa tự ý cho họ ăn. Mạnh mẽ hơn ta có thể khẳng định là trong ý muốn của Chúa, Người muốn  cho đám đông dân chúng được ăn và ăn no nê. Bởi vậy, khi hỏi ông Phi-líp-phê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây” thì Kinh Thánh nói rõ là Chúa thử người môn đệ còn Chúa thì Người biết sắp làm gì rồi (x.Ga 6,6).

Như thế không chỉ chữa lành bệnh tật, Chúa còn nuôi dân. Đây là hai nhu cầu rất con người và cả hai đều được Chúa quan tâm. Nhưng con người không chỉ là một hữu thể vật lý mà còn có phần phi vật lý. Nó cũng cần được quan tâm có khi là đáng được quan tâm hơn. Bởi vậy, trong ý muốn của Chúa còn là giải thoát nhân loại ra khỏi ách nô lệ tội lỗi. Trong Mc 10,45 nói một cách minh nhiên về sứ vụ của Người. Đây cũng là lý do giải thích tại sao khi đám đông có ý định bắt Thầy Giê-su để tôn Người lên làm vua thì Chúa lại lánh mặt, đi lên núi một mình.

Cần biết rằng, dân Do Thái đang sống trong tình trạng bị đế quốc La-mã đô hộ. Về tương quan quân sự, họ không thể đủ sức chống trả nhưng về phương diện tôn giáo, họ chưa thôi niềm hy vọng vào Thiên Chúa. Bởi vậy, khi chứng kiến những dấu lạ Chúa Giê-su làm, họ kéo đến với Người. Khi được ăn no nê từ năm chiếc bánh và hai con cá, họ nghĩ ngay đến Đấng đang cho họ ăn là vị ngôn sứ: “Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian (Ga 6,14). Đấng ấy sẽ cầm đầu một phong trào giải phóng dân tộc và phục hồi sức mạnh của Israel.

Lòng khao khát tự do và ước muốn dân tộc mình được cường thịnh không có gì đáng trách. Chỉ tiếc là nếu Chúa làm theo ý của dân chúng, thì vô hình chung Người tự giới hạn tình thương vào một dân tộc. Điều này không đúng với thuộc tính căn bản của Người: Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,8) lại mâu thuẫn với sứ mệnh của Người được nói trong Mc 10,45: “Vì Con Người đến không phải để được phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”. Không phải một người nhưng là muôn người, không phải một dân nhưng là muôn dân.

Như vậy, tình thương của Chúa đối với con người vừa cụ thể vừa rộng mở. Người nhạy cảm trước nhu cầu của nhân loại và luôn luôn đi bước trước .

Xin Chúa cho chúng con luôn luôn phó thác đời mình trong tay Chúa và nhạy bén trước nhu cầu của những người xung quanh. Rộng hơn, xin đưa chúng con ra khỏi tinh thần cục bộ để đón nhận những con người khác biệt.

 

Minh Triệu

Thiết kế Web : Châu Á