Suy niệm

CHÚA NHẬT XXX, THƯỜNG NIÊN, NĂM B: "THÀNH QUẢ CỦA NIỀM TIN" (Minh An)

Việc anh mù ở Giê-ri-khô được Đức Giêsu chữa cho sáng mắt không phải chỉ đơn giản là được nhìn thấy, nhưng đã phải trải qua một tiến trình đầy khó khăn, nhất là khó khăn về niềm tin.

 

Mc 10, 46-52

THÀNH QUẢ CỦA NIỀM TIN

Minh An

Hội Thánh dạy chúng ta về đức tin rằng: “Đức Tin là sự gắn bó cá nhân của tn thể con người mình với Thiên Chúa. Đấng tự mạc khải. Đức tin bao hàm sự gắn bó của lý trí và ý chí với mạc khải mà Thiên Chúa đã bảy tỏ về chính Người qua các việc làm và lời nói” (GLCG, số 176).

Như thế rõ ràng, con người ta được gắn bó với Thiên Chúa, và đón nhận những ân sủng của Người là nhờ niềm tin. Thiên Chúa đã tự mạc khải chính mình qua Lời và những công việc cụ thể. Đó là dấu chỉ hữu hình để con người ta tin và đón nhận Người.

Bài Tin Mừng Chúa Nhật XXX, năm B hôm nay, thánh sử Marcô kể cho chúng ta biết Chúa Giêsu đã chữa cho một người mù thành Giê-ri-khô được sáng mắt, do bởi niềm tin của anh ta: “lòng tin của anh đã cứu anh”(Mc 10,52).

Việc anh mù ở Giê-ri-khô được Đức Giêsu chữa cho sáng mắt không phải chỉ đơn giản là được nhìn thấy, nhưng đã phải trải qua một tiến trình đầy khó khăn, nhất là khó khăn về niềm tin.

Khó khăn thứ nhất, anh bị mù từ nhỏ, nên không thể thấy một cách bình thường như bao nhiêu người khác. Anh luôn sống trong “bóng tối”, nên không thể thấy trực tiếp những việc làm cụ thể của Giêsu Nagiarét. Anh chỉ nghe người ta nói về những phép lạ mà Giêsu đã làm và anh đã tin. Anh đã được đức tin soi sáng, nên anh đã nhận ra Giêsu Nagiarét chính là Messia, vì là con vua Đavit và anh đã khẩn khoản cầu xin Người: “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” (Mc 10,47).

Thứ đến, anh gặp khó khăn cản trở bởi những người đồng loại, nhưng “sáng mắt” hơn mình. Họ đã cản trở anh đến với Đức Giêsu, người mà anh đặt niềm tin, kêu xin Người dủ lòng thương xót đến anh: “Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: Lạy con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi”. Đúng là đám đông đã cản trở niềm tin của anh. Anh muốn kêu cầu thảm thiết lên Chúa, để được Người xót thương cứu chữa anh, nhưng đám đông lại bắt anh ta im đi. Một thách đố về niềm tin to lớn cho anh mù. Nếu anh ta không có niềm tin mạnh, nếu anh ta nhụt chí thì chắc chắn anh sẽ im lặng, không tiếp tục kêu xin nữa. Nhưng không, anh rất mạnh mẽ biểu lộ niềm tin của mình bằng cách kêu lớn tiếng hơn, át cả sự ngăn cản của đám đông, và kết quả thật mỹ mãn, Thiên Chúa đã đoái thương, chứng nhận niềm tin của anh, qua hành động, Đức Giêsu đứng lại và gọi anh: “Đức Giêsu đứng lại và nói: Gọi anh ta lại đây” (Mc 10,49a).

Như thế, rõ ràng, tiến trình đạt đến ân sủng Chúa ban thì con người ta phải trải qua những trở ngại đầy khó khăn: khó khăn từ nội tại và khó khăn do ngoại cảnh. Nhưng những khó khăn đó xảy ra cho con người để thấy được niềm tin của họ đạt đến đâu. Anh Ba-ti-mê ở Giê-ri-khô gặp thử thách to lớn về khiếm khuyết thân xác (mù mắt), bị đám đông cản đường, nhưng niềm tin của anh thì không ai trong đám đông đó sánh bằng. Đức tin của anh lớn mạnh hơn những khiếm khuyết của anh, anh đã tin vào Đấng Messia (con Vua Đavit), và anh đã được chữa lành: “lòng tin của anh đã cứu anh” (Mc 10,52). Anh đã được sáng mắt, sáng lòng vã chỗi dậy đi theo Đức Giêsu, để làm chứng cho Người.

Thực ra, thánh sử Marcô viết câu truyện này, nằm nuôi dưỡng lòng tin của các tín hữu thuộc cộng đoàn của ngài. Hơn thế nữa, tác giả Marcô dùng câu truyện người mù như là một biểu tượng quan trọng để đánh giá về niềm tin của những người đã đi theo Đức Giêsu, nhưng đã tin vào Người như thế nào?

Đúng vậy! các môn đệ và đám đông đã đi theo Đức Giêsu, đã chứng kiến nhiều việc Người làm: chữa bệnh, trừ quỷ, phục sinh kẻ chết… Thế nhưng, họ vẫn chưa tin vào Người là Thiên Chúa. Người đi lên Giêrusalem để hiến tặng mạng sống làm giá cứu chuộc, nhưng các bạn đồng hành đã không hiểu điều này, họ chỉ nghĩ rằng, Người đi thiết lập vương quốc trần gian. Thậm chí, có những người trong nhóm môn đệ tranh dành chỗ đứng cao cả trong vương quốc này (x. Mc 10,35-40). Đúng là họ đang bị “mù”, cần được ánh sáng đức tin soi dẫn để nhận ra kế hoạch của Thiên Chúa.

Người mù ở Giê-ri-khô, tượng trưng cho tất cả các môn đệ và đám đông (kể cả dân ngoại và chúng ta) đang đi theo Đức Giêsu. Nhưng họ chưa được thấy ánh sáng chân lý của Đức Kitô, chưa được mở mắt, mở lòng để đón nhận Tin Mừng tình yêu của Thiên Chúa. Họ giống như anh Ba-ti-mê, đều có thể được chữa lành bệnh mù lòa, nếu họ ý thức rằng họ cần được cứu chữa. Như vậy, họ sẽ được nhận thấy ánh sáng chân lý từ Đức Kitô và tiếp tục đi theo và làm chứng cho Người như anh Ba-ti-mê vậy.

Đời sống Kitô hữu của chúng ta có nhiều khi chẳng khác gì các môn đệ của Đức Giêsu và đám đông, đi theo Người đã lâu năm, nhưng cũng chỉ nhận ra Người một cách sơ sài chỉ là “ông Giêsu người Nagiarét”, chứ không phải là Giêsu Kitô, Thiên Chúa của chúng ta. Chúng ta cần được ánh sáng đức tin soi dẫn, để nhận ra Người là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Trong đời sống đức tin, có đôi ba khi, chúng ta cũng phải chấp nhận “ngược dòng”, tức là phải cố gắng vượt qua những trở ngại, những khó khăn cản lối để đến với Đức Kitô. Như anh mù Ba-ti-mê, dù bị người ta quát mắng, bắt im miệng, nhưng anh vẫn kêu lên Đức Giêsu một cách mạnh mẽ hơn, vì anh tin chắc rằng, chỉ có Người mới có thể cho anh ánh sáng, cho anh có cuộc sống tương lai. Chúng ta cũng được mời gọi, luôn gắn bó mật thiết với Đức Kitô, và tin tưởng rằng, chỉ có Người mới là Đấng duy nhất dẫn chúng ta đi đúng theo đường lối của Thiên Chúa, vì Người đã khẳng định: “chính Thầy là đường, là sự thật và là sự sống…” (Ga 14,6).

Lạy Chúa, xin mở mắt cho con nhìn thấy ơn cứu độ của Người. Amen.

Thiết kế Web : Châu Á