Suy niệm

CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN, NĂM B: “MA LỰC ĐỒNG TIỀN” (M. Viết Huy - Phước Lý)

Mặc dù, chúng ta khao khát trở nên hoàn thiện và tìm về Nước Thiên Chúa, nhưng của cải, danh vọng, xa hoa trần thế... luôn là ma lực, là thú vui hấp dẫn chúng ta mỗi ngày.

 

Mc 10, 17-30

 

MA LỰC ĐỒNG TIỀN

 M. Viết Huy

Tiền(của cải) có một sức mạnh và ma lực lôi cuốn con người “có tiền mua tiên cũng được”. Chính vì vậy, đã biết bao người làm những điều phi pháp, vô lương tâm, sai đạo lý hay thậm chí không màng đến nguy hiểm bản thân để có thật nhiều tiền.

 

Lần nọ, trên đường tan học trở về nhà, lúc chúng tôi đi qua một con sông nhỏ vừa mới đóng băng, một thương nhân ác ý cố tình ném mấy đồng tiền xu vào giữa lòng sông. Cậu bạn tên A Tài của tôi ngay lập tức không màng đến nguy hiểm mà chạy tới giữa lòng sông để nhặt lấy.

Kết quả lớp băng mỏng không chịu nổi thể trọng của cậu ta mà nứt toác ra, thế là cậu chìm ngay xuống sông. A Tài không những không nhặt được đồng xu, trái lại còn vì rơi xuống nước lạnh buốt mà bị cảm mạo nặng, bệnh nằm liệt giường suốt hơn một tuần.

 

Tình tiết câu chuyện vừa kể, giúp ta nhận ra một điều, khi đứng trước danh lợi, tiền tài con người có thể đánh đổi tất cả để có được nó. Vậy mới có câu: “Người chết vì tiền, cá chết vì mồi”.

Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, thánh Marcô cũng kể về câu chuyện người thanh niên giàu có không thể thoát ra khỏi sự kiềm tỏa của ma lực đồng tiền, để chiếm lấy cho mình sự sống đời đời làm gia nghiệp.

Thánh Marcô tường thuật, khi Đức Giêsu vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp”(c. 17). Hành động “chạy đến và quỳ xuống” nói lên một tâm trạng khẩn thiết và thành tâm, thiện chí. Trước sự khao khát có được sự sống đời đời của người thanh niên, Đức Giêsu trả lời, anh hãy giữ các điều răn: “Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ”(c. 19). Anh ta liền thưa với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, tất cả những điều ấy tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ”(c.20). Cụm từ: “tuân giữ các giới răn từ thuở nhỏ”, cho ta thấy người thanh niên có một đời sống chuẩn mực trong việc thực thi luật Đạo, sống rất tốt phạm trù luân lý đòi hỏi: anh đã không làm hại ai, không làm điều bất chính, không phạm pháp, cũng không tham lam... giữ trọn đạo hiếu đối với đấng sinh thành, nhất là biết bận tâm đến đời sống mai sau. Nếu anh sống vào thời chúng ta, chắc hẳn chúng ta phải nể phục, kính trọng và xem anh như là tấm gương cho bao thanh niên trong cách ăn nết ở, trong việc thực thi pháp lý cũng như đạo hiếu...

Khi nghe anh thanh niên nói đã tuân giữ các điều răn từ thuở nhỏ, Đức Giêsu đưa mắt nhìn anh và đem lòng yêu mến. Lòng mến của Đức Giêsu không muốn anh chỉ dừng lại ở hạn định tuân giữ luật, nhưng Người muốn anh tiến xa hơn về đàng nhân đức, vươn tới bậc trọn lành, đức ái vẹn toàn và chiếm lấy kho tàng Nước Trời ngay ở đời này. Vì vậy, Người mời gọi anh: “Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi”(c. 21). Lúc được Đức Giêsu mời gọi theo Người, đáng lẽ anh phải nhận ra đó là hồng ân đến từ Thiên Chúa và sẵn sàng từ bỏ mọi sự hầu chiếm cho kỳ được sự sống đời đời. Nhưng, không, anh sa sầm nét mặt, buồn rầu và thất vọng bỏ đi. Tại sao vậy? Thưa, theo như Tin Mừng Marcô nói, là vì anh ta có nhiều của cải.

 

Xem ra con đường giữ đạo và con đường trở lên trọn hảo cách xa nhau rất nhiều, vì con đường trọn hảo là con đường từ bỏ, từ bỏ ngay cả chính mạng sống mình (từ bỏ không có giới hạn), chứ không phải chỉ dừng lại ở những gì tuân giữ luật. Chúng ta thấy, Đức Giêsu đã đảo lộn mọi niềm kiêu hãnh nơi anh thanh niên, tất cả những gì anh tự hào, tin tưởng và bảo đảm sẽ đưa anh đến bến bờ hạnh phúc là sự sống đời đời (theo quan niệm Do-thái ngày xưa, giàu sang, có nhiều của cải là dấu chỉ được Chúa chúc phúc, thương yêu. Có nhiều tài sản, người ta có nhiều điều kiện để giữ đúng luật. Nhờ đó, có thể được hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa), thì nay Chúa mời gọi anh từ bỏ. Vì thế, anh đã không làm được như Chúa muốn.

Có thể nói, Anh thanh niên là một người tốt, vì đã giữ nhiều điều luật Đạo ngay từ lúc còn nhỏ. Tuy nhiên, cái giàu đã làm anh mù quáng, giam giữ anh luẩn quẩn trong quỹ đạo ích kỷ, không muốn san sẻ và cho đi. Lời mời gọi của Chúa Giêsu: bán của cải, phân chia cho người nghèo làm tan nát tim anh. Anh đã bị xâu xé, dày vò trong sự tiếc nuối. Cuối cùng anh không thắng được sức mạnh của giàu sang, phú quý và đã khước từ trở nên hoàn thiện theo cách Chúa mong muốn. Anh đã không làm được điều đó, vì tâm hồn anh đã bị ràng buộc, bị nô lệ cho tiền của, dù rằng anh vẫn khao khát sự sống vĩnh cửu, sự sống đời đời. Chính vì điều này mà Đức Giêsu thốt lên trong sự thất vọng “Những người có của thì khó váo Nước Thiên Chúa biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa”( c.23. 25). Phải chăng đây cũng là điều Thiên Chúa muốn gửi tới để cảnh tỉnh mỗi người chúng ta?

 

Hình ảnh chàng thanh niên giàu có, đã, đang và sẽ tái hiện trong cuộc đời chúng ta giữa thế giới hiện đại này. Mặc dù, chúng ta khao khát trở nên hoàn thiện và tìm về Nước Thiên Chúa, nhưng của cải, danh vọng, xa hoa trần thế... luôn là ma lực, là thú vui hấp dẫn chúng ta mỗi ngày. Trong cuộc đời, không ít lần vì đồng tiền chúng ta đã coi nhẹ lương tâm, phụ bạc tình nghĩa, thậm chí gạt Chúa ra khỏi cuộc đời, hoặc bị nó sai khiến, đưa đẩy vào con đường sai trái, phạm pháp... Thế mới hay: “Gần bùn nhưng không dính bùn, cũng không hôi tanh mùi bùn; đạo lý của kẻ trong sạch vẫn trong sạch”. Ai cũng hiểu, cũng mến mộ nhưng có mấy ai làm được chứ?

Chúng ta luôn bị xâu xé, giằng co; một đàng muốn chiếm giữ vật chất để có cuộc sống tiện nghi, hưởng thụ, vui chơi... ngay ở đời này, và một đàng phải sống tinh thần Tin Mừng là từ bỏ, khó nghèo, hy sinh... để có sự sống đời đời làm gia nghiệp. Đây là một thách đố không nhỏ đối với những người môn đệ theo Chúa trong thế giới phồn hoa, thực dụng hôm nay. Vậy, chúng ta phải làm gì để đứng vững và lướt thắng những cám dỗ của đồng tiền?

Trước hết, chúng ta cần phải biết đâu là giá trị đích thực của đồng tiền và đâu là giới hạn của nó, vì “vô tri bất mộ”. Có thể xác định tiền của tự nó không tốt cũng không xấu. Nó xấu là khi ta tôn vinh nó lên làm Mammon, làm ông chủ, làm cùng đích cuộc đời, từ đó ta đánh đổi tất cả để có nó. Trái lại, nó tốt khi ta xem nó là phương tiện, là đầy tớ phục vụ cho công ích, điều thiện, làm việc bác ái, giúp người nghèo...

Bên cạnh đó, chúng ta cần xác tín một điều, người môn đệ theo Chúa cần phải dứt khoát “Một là làm tôi Thiên Chúa hai là làm tôi tiền của”(x. Lc 16, 13) chứ không có sự nửa vời ở đây. Đã chọn Chúa thì người môn đệ cần phải thanh thoát, không còn vương vấn, lệ thuộc... với của cải. Nhất là luôn xác tín và tâm niệm một điều “Đức Kitô là cùng đích của đời tôi”, và từ nay “Sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi”(Pl 1, 21).

 

Lạy Chúa, xin đừng để con ham mê tiền của hay đắm chìm trong vinh hoa phú quý mà cho con luôn biết lấy Ngài làm cùng đích của đời con. Cũng như ban cho con tinh thần nghèo khó, để con luôn biết mở lòng chia sẻ, giúp đỡ nhưng ai túng thiếu, nghèo hèn.

Thiết kế Web : Châu Á