Suy niệm

CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN NĂM B: "Ý NGHĨA CỦA ĐAU KHỔ" (M. Bảo Hạnh)

Có những đau khổ làm cho người ta đi vào ngõ cụt nhưng cũng có những đau khổ mang tâm hưởng hạnh phúc khi ta vượt qua nó.

 

Mc 8, 27-35

 

"Ý NGHĨA CỦA ĐAU KHỔ" 

 

Đời người là một chuổi ngày của đau khổ và hạnh phúc. Có những đau khổ làm cho người ta đi vào ngõ cụt nhưng cũng có những đau khổ mang tâm hưởng hạnh phúc khi ta vượt qua nó. Chịu đau khổ để cho người khác hạnh phúc hay chịu thương đau để đạt hạnh phúc vĩnh cửu là Thiên Chúa, đau khổ đó có ý nghĩa.

Thật vậy, Thiên Chúa chịu đau khổ để cứu độ loài người, đau khổ đó mang tới hạnh phúc cho nhân loại. Chúng ta chịu đau thương vì người khác, đau thương đó cũng là đau khổ mang ý nghĩa hạnh phúc cho tha nhân. Chính Lời Chúa hôm nay thánh sử Marcô cho ta thấy ý nghĩa của đau khổ đó: Chúa Giêsu lên Giêrusalem để chịu đau khổ và đau khổ tột cùng là cái chết; “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại”, để cho nhân loại được sống.

Với con mắt phàm nhân, chúng ta thường có cảm tưởng; đau khổ là một bi kịch của đời người, là ngõ cụt không lối thoát nên ta thường tìm cách tránh né hay ngăn chặn nó. Nhưng, với tư tưởng của Thiên Chúa; đau khổ mang ý nghĩa cứu độ. Bởi vì, tư tưởng của chúng ta còn hạn hẹp “nhân vô thập toàn nên ta thường hiểu sai về sự đau khổ: “vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”, nên ta luôn thiếu cái nhìn thiển cận về đau khổ.  

Chúng ta biết rằng; Chúa Giêsu chấp nhận chịu đau khổ mà không phản kháng, không do dự, không lẩn tránh. Vì Người biết; chỉ có cái chết của Người, nhân loại mới được cứu độ, và chỉ có sự đau khổ của Người mới có thể xóa hết mọi tội lỗi của con người. Chính vì thế mà Người đã khiển trách Phêrô khi ông có ý ngăn cản thầy mình lên Giêrusalem để chịu đau khổ rằng:  “Xatan ! lui lại đàng sau Thầy !”.

Trong cuộc sống, đau khổ có khi mang ý nghĩa tích cực nhưng cũng có khi mang ý nghĩa tiêu cực.

Đau khổ mang nghĩa tiêu cực, đó là khi chúng ta xem đau khổ là thảm cảnh của cuộc đời: tai nạn, bệnh hoạn, chết chóc… nó gắn liền với đau khổ thể xác và đau khổ của tâm hồn. Hiển nhiên, đây là những đau khổ mà con người không mong muốn, vì ai cũng muốn có cuộc sống an nhiên - hạnh phúc. Do đó, một khi khổ đau xẩy đến với chúng ta, chúng ta dễ rơi vào tuyệt vọng và dễ buông xuôi hay phẫn nộ, kêu ca. Nhưng ta quên một điều rằng đau khổ luôn hiện diện trong cuộc sống của chúng ta. Đức Phật đã từng nói: “Đời là bể khổ”, cuộc sống không bao giờ là mặt nước phẳng lặng, nhưng nó luôn dậy sóng để chúng ta cố gắng vươn lên và vượt qua như danh hào Einstein đã thổn thức về cuộc đời con người : “Cuộc đời như chiếc xe đạp, phải tiến tới để khỏi mất thăng bằng”. Bởi vì, cuộc sống mà không có phong ba bão táp, dễ đưa chúng ta tới chỗ ù lì, yên phận và thiếu cố gắng. Cha Anthony de Mello, S.J cũng từng đề cập đến vấn đề này trong tác phẩm “Cái Tâm Của Kẻ sáng” rằng: “Cuộc sống sẽ vô vị biết bao nếu chẳng có gì làm cho chúng ta nổi đóa”. Vì thế, chính đau khổ sẽ thanh luyện chúng ta, làm cho chúng ta ngày một tấn tới, đổi mới chính mình và đổi mới tha nhân

Đau khổ mang nghĩa tích cực: khi chúng ta đón nhận đau thương vì người khác, vì mục đích cao cả, ta dễ chấp nhận nó như: ba mẹ hy sinh để cho con cái được sung túc, bạn bè hy sinh để bảo vệ nhau… Hay có những người chịu đau khổ để phục vụ người khác, phục vụ người nghèo, bệnh tật, người cô thế cô thân như Mẹ Têrêxa Calcutra. Và cũng có những người chịu đau khổ để làm chứng cho công lý và hòa bình như: Đức cố Hồng y Thuận, Cha Lý…hoặc có những người chịu đau khổ để làm chứng cho Chúa và đạo Chúa như: các Tông đồ hay các thánh tử đạo… Tất cả những đau khổ đó đều mang ý nghĩa cho đời và cho người.

 

Laỵ Chúa, Chúa là đường là sự thật và là sự sống, theo Chúa là vác thập giá Ngài mà theo. Xin cho mỗi người chúng con luôn biết kiên tâm đến cùng trong bước đường theo Chúa. Xin cho chúng con biết đón nhận mọi khổ đau trong cuộc sống với lòng hăng say biến đổi mà không oán thán kêu ca. Xin Chúa giúp chúng con biết vượt thắng mọi nghịch cảnh trong cuộc sống đồng thời biết chia sẻ và cảm thông với đau khổ của tha nhân.

 

M. Bảo Hạnh

Thiết kế Web : Châu Á