Suy niệm

Chúa nhật XIII Thường Niên, B: "LÒNG TIN CỦA CON ĐÃ CỨU CON" (M. Viết Huy)

Giáo hội mời gọi con cái mình sống đức tin một cách tích cực, cấp thiết hơn trong một thế giới mà các giá trị thánh thiêng dần bị đánh mất, các giá trị luân lý đang bị suy đồi, còn các chủ nghĩa cá nhân, hưởng thụ, duy lợi nhuận vật chất... đang được đề cao và tôn vinh.

 

Mc 5, 21-43

 

“Lòng Tin của con đã cứu chữa con”

 

Niềm tin luôn có giá trị to lớn đối với phận người. Nhờ niềm tin, con người có thể vượt qua mọi cản trở, thách đố để vươn mình về tương lai. Nhất là đối với người Kitô hữu, chính niềm tin giúp họ vững bước. Đặc biệt, nhờ niềm tin, con người được nên công chính “Người ta được nên công chính vì tin” (Rm 3, 28), và đón nhận ơn cứu độ “lòng tin của con đã cứu chữa con” (Mc 5, 34). Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Mác-cô thuật lại hai câu chuyện “Người phụ nữ bị bệnh băng huyết mười hai năm” và “Ông trưởng hội đường Gia-ia có cô con gái gần chết”. Hai nhân vật, tuy khác nhau về cấp bậc, giới tính, tuổi tác... nhưng có chung niềm tin mãnh liệt vào Đức Giêsu.

Chuyện thứ nhất: Một người phụ nữ bị mắc chứng bệnh băng huyết đã mười hai năm (theo quan niệm của người Do-thái lúc bấy giờ, chứng bệnh này làm cho người ta ô uế, nên người mắc bệnh không được động cham và phải tránh xa mọi người kẻo gây nhiễm uế). Tuy bà đã chạy thầy chạy thuốc đến tán gia bại sản mà bệnh vẫn không khỏi, trái lại ngày càng nặng hơn. Điều này khiến bà tuyệt vọng, đành chấp nhận sống chung với căn bệnh khốn khổ, nhục nhã suốt đời. Đối với các y sĩ, có vẻ như họ cũng bó tay trước căn bệnh mà theo cách diễn tả của Mác-cô thì là căn bệnh hiểm nghèo. Thế nhưng, trong sự bất lực của y sĩ và nỗi thất vọng tột cùng của nữ bệnh nhân, Đức Giêsu đã xuất hiện. Tin Mừng Mác-cô nói: “Được nghe đồn về Đức Giêsu, bà lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người  và sờ vào áo của Người. Vì bà tự nhủ: Tôi mà sờ được vào áo của Người thôi là sẽ được cứu” (c.27-28). Câu nói này đã thể hiện tất cả sự xác tín của người phụ nữ bất hạnh. Bà tin rằng Đức Giêsu có quyền năng cứu mình thoát khỏi nỗi khổ dai dẳng (khổ do bệnh tật gây ra, khổ do luật lệ và quan niệm của Do-thái giáo đương thời mang lại). Bà lách qua đám đông tiến về phía Đức Giêsu. Hành động “lách qua đám đông tiến về phía Đức Giêsu” chứng tỏ chính Đức Tin đã giúp bà can đảm phá vỡ lề luật cấm kỵ của người Do-thái. Giờ đây quy luật khắt khe đó cũng không thể ngăn cản hay giam giữ được bà đến với Đức Giêsu. Lòng tin của bà đã thúc đẩy bà tiến đến đụng vào áo Đức Giêsu. Bà tin chính Đức Giêsu là thầy nhân lành, có thừa quyền năng và lòng bao dung để giúp bà, nên bà nghĩ chỉ cần đụng tới áo của Người là bà sẽ được cứu. Ta thấy nơi bà, một niềm tin sâu xa, một tâm hồn phó thác, cậy trông vô bờ bến. Kết quả là bà đã được như ước nguyện. Đức Giêsu đã chữa lành căn bệnh nan y, trả lại sức khỏe, hồi phục niềm vui sống cho bà, khi Người nói: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh” (c. 34).

Chuyện thứ hai mà Mác-cô nói tới trong Tin Mừng là chuyện con gái của ông Gia-ia, trưởng hội đường, đang trong tình trạng lâm nguy, cái chết cận kề. Sau khi làm đủ mọi cách cứu con mà không được, ông Gia-ia rất tuyệt vọng, tim ông tan nát khi phải sắp chứng kiến biến cố trái khoáy : “Lá vàng lng lng trên cây, lá xanh rụng xuống trời hay chăng trời” (Ca dao). Trong tâm trạng vô vọng, đau khổ bất lực, ông được gặp Đức Giêsu: “Vừa thấy Đức Giêsu, ông ta sụp xuống dưới chân Người, và khẩn khoản nài xin: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống” (c. 23). Đoạn Tin Mừng này phản ánh toàn bộ tâm trạng cũng như đức tin của ông Gia-ia vào Đức Giêsu. Cụm từ  “vừa thấy Đức Giêsu” diễn tả một hành động khẩn trương, cấp thiết, và nôn nóng. Có thể nói, tâm trạng của ông giờ đây không còn ở trong trạng thái đợi chờ được nữa, vì con ông sắp lìa xa ông vĩnh viễn. Vì vậy, ông liền “sụp xuống dưới chân Người, và khẩn khoản nài xin”. Trong cụm từ “sụp xuống dưới chân Người, và khẩn khoản nài xin”, hai động từ “sụp xuống” và “nài xin” đã nói lên được tất cả sự bất lực của ông trưởng hội đường trước cái chết sắp xảy đến với con mình. Giờ đây, ông chỉ còn biết cậy trông vào lòng nhân từ và quyền năng của Thiên Chúa. Vì thế, ông đã cầu xin Chúa Giêsu: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống”. Ông không dám thách đố Đức Giêsu tỏ bày quyền năng của Người như tên trộm bị treo trên cây thập giá hay như  bao người cứng tin khác, mà chỉ “xin Ngài đặt tay lên cháu”. Lời khẩn khoản của ông nói lên tất cả niềm tin của ông vào quyền năng của Đức Giêsu. Ông tin Đức Giêsu là con Thiên Chúa đã được sai đến thế gian, và để cứu độ thế gian.

Niềm tin của ông vào quyền năng của Đức Giêsu không âm thầm như người phụ nữ mắc bệnh băng huyết, nhưng ông đã công khai cho mọi người. Ông không ngại ngùng, không e dè, khúm núm, hay xấu hổ khi quỳ sụp dưới chân Chúa Giêsu trước đám đông dân chúng. Bên ảnh đó, Mác-cô nói, ông là một trưởng hội đường, mà những nhân vật trong nhóm hội đường luôn là những người không ưa, hiềm khích, tìm cách loài trừ Đức Giêsu (x. Lc 13, 14). Thế nhưng, vì tin rằng “Đức Giêsu là Con Thiên Chúa hằng sống” (x. Mt 16,16) và vì tình phụ tử, ông đã vượt qua những cản trở, để tuyên xưng niềm tin của mình vào Đức Giêsu. Sau hành động công khai tuyên xưng niềm tin, có thể ông phải hứng chịu những ánh mắt e dè, khinh bỉ, không chừng còn bị cách chức trưởng hội đường. Thế nhưng ông tin chắc một điều rằng từ đây tâm hồn ông có niềm vui, bình an, hạnh phúc, vì ông đã có Chúa. Càng hạnh phúc hơn khi nhận tin đứa con gái của mình đã chết mà nay được sống lại. Thế mới biết, khi con người tin tưởng phó thác vận mệnh của mình cho Thiên Chúa, chính là lúc Thiên Chúa chứng tỏ quyền năng của Người.

Qua hai câu chuyện trên, Giáo Hội chuyện tại cho con cái mình thông điệp về đời sống đức tin vào Thiên Chúa. Khi nghe và tìm hiểu bài Tin Mừng, Giáo hội muốn con cái mình, cần soi mình vào hai nhân vật mà Mác-cô đã nhấn mạnh, để phản tỉnh lại đời sống đức tin của mình. Là giám mục, linh mục, tu sĩ hay giáo hữu, chúng ta đã giám phó thác hoàn toàn vẫn mệnh của mình cho Thiên Chúa chưa? Không những vậy, qua hai chứng nhân trên, Giáo hội còn mời gọi con cái mình sống đức tin một cách tích cực, cấp thiết hơn trong một thế giới mà các giá trị thánh thiêng dần bị đánh mất, các giá trị luân lý đang bị suy đồi, còn các chủ nghĩa cá nhân, hưởng thụ, duy lợi nhuận vật chất... đang được đề cao và tôn vinh.

“Đừng sợ, chỉ cần tin thôi!” (c.36) lời của Đức Giêsu nói với ông Gia-ia cũng là thông điệp Người nhắn gửi mỗi người chúng ta. Do đó,chúng ta đừng ngần ngại, nhưng hãy kiên trì, đứng vững trong đức tin. Bởi vì trong cuộc sống chúng ta chỉ cần tin Chúa, kiên tâm bước theo Chúa, chúng ta sẽ không bao giờ phải thất vọng, vì Chúa sẽ thực hiện những điều lạ lùng, diệu kỳ trên cuộc đời của chúng ta.

 

M. Viết Huy (Nhiệm)

Thiết kế Web : Châu Á