Suy niệm

Chúa nhật VI Thường Niên, B: “SỰ ĐỒNG CẢM LÀM NÊN PHÉP LẠ TRONG CUỘC SỐNG” (Đa-mát)

Hạnh phúc tiềm tàng trong nước mắt của người mà ta đã lau khô, trong nụ cười của người mà ta đã làm tươi nở, trong những kẻ mà ta đã ủi an khích lệ...

 

Mc 1,40-45

 

“SỰ ĐỒNG CẢM LÀM NÊN PHÉP LẠ TRONG CUỘC SỐNG”

 

Có nhiều điều nghiệt ngã trong cuộc sống, và sự nghiệt ngã nhất là sự vô tâm vô tình. Đó là chứng đui điếc về phương diện tâm linh, sự chai cứng trong trái tim mà nhiều người mắc phải. Giữa cuộc sống rối rắm và phức tạp này, người ta vẫn thường có thái độ vô cảm và lạnh lùng với những gì xảy ra xung quanh. Là người kitô hữu, đã bao giờ bạn dừng lại giữa dòng đời hối hả từng ngày mà tự hỏi, liệu ta đã sống hay chỉ đang tồn tại? Dù bạn chưa từng hay đã từng như thế, thì cũng hãy dừng chân bên cuộc sống lắng nghe Lời Chúa nói trong Tin Mừng hôm nay. Qua hành động chữa người phong hủi, Đức Giêsu muốn gửi cho chúng ta một thông điệp: Tình yêu là phép màu kỳ diệu làm biến đổi con người. Đó cũng là bài học sâu sắc cho mỗi người chúng ta.

          Dưới ngòi bút tài tình của mình, thánh sử Mác-cô trong Tin Mừng hôm nay đã phác họa cho chúng ta một bức tranh sinh động về tình yêu thương. Đó là bức tranh vẽ một người bệnh đầy bất hạnh và khổ đau, gặp một người đầy quyền năng và giàu lòng thương xót. Người bất hạnh ấy xuất hiện khá đặc biệt. Anh bị bệnh phong, tự ý đến gặp Đức Giêsu và quỳ xuống trước mặt Ngài: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”. Một lời cầu xin vừa tự nhiên vừa thành thực. Nếu Ngài muốn”: anh mời gọi lòng thương xót của Đức Giêsu. Anh để cho Người tự do chữa hay không tùy ý. Dù rất muốn khỏi bệnh, nhưng anh lại phó thác số phận mình cho ý Người muốn. “Ngài có thể”: anh tin tưởng vào quyền năng của Đức Giêsu. Đối với anh, chắc chắn Người có thể chữa anh lành bệnh. Chỉ cần Người muốn là đủ rồi. Chính thái độ tin tưởng, đơn sơ, phó thác của anh đã đụng rất mạnh đến chỗ sâu nhất trong lòng Đức Giêsu. Không cưỡng lại được sự tin cậy đó, Đức Giêsu nói: “Tôi muốn”.  Phép lạ phát sinh từ lòng tin của người phong và từ ý muốn đầy quyền năng của Đức Giêsu. Ngài không chỉ “muốn”, mà còn “đụng vào anh. Ngài không kinh tởm, không sợ lây, không sợ bị ô uế. Bàn tay Ngài đụng vào da thịt anh với các vết thương. Người không bị ô uế, nhưng Người làm cho anh hết ô uế. Chính lòng thương đã khiến Người mạnh dạn đụng vào anh, như chính anh đã mạnh dạn đến với Người bằng lòng tin.

          Muốn hiểu hơn về câu chuyện, chúng ta phải trở về bối cảnh của xã hội vào lúc bấy giờ. Trong đó, người phung hủi là kẻ hoàn toàn bị khai trừ khỏi xã hội. Người ta đã đề ra những biện pháp phòng ngừa kỹ lưỡng nhất để tránh mọi sự đụng chạm thể xác giữa những người khỏe mạnh và loại người mắc bệnh đáng tởm này. Bức chân dung được luật Mô-sê vẽ ra về loại bệnh nhân này tố cáo sự khai trừ mãnh liệt của Lề Luật như sau: “Một khi mắc chứng bệnh này, kẻ phong hủi phải mặc quần áo tả tơi, tóc tai xõa xuống, râu mép để dài và phải la lớn: “Ô uế, ô uế!”. Bao lâu còn mắc bệnh thì kẻ ấy vẫn phải sống tách biệt, phải ra ngoài đồng vắng mà ở” (Lv 13,45-46). Thực thế, trong Kinh Thánh, bệnh hủi không những chỉ là thứ bệnh gây kinh hãi, gặm nhấm và làm biến dạng hình hài bệnh nhân, nó còn là thứ bệnh mang chiều kích tôn giáo. Kẻ mắc bệnh này bị xem như đã phạm một trọng tội nên bị Chúa trừng phạt. Thế mà người ta trông thấy Chúa Giêsu đã phản ứng như thế nào trước lời van xin của kẻ phung hủi bị khai trừ khỏi xã hội và cộng đoàn. Cử chỉ của Chúa Giêsu thật đơn sơ nhưng tràn đầy ý nghĩa: Ngài dám đưa tay chạm đến kẻ mà không ai dám sờ đến (x. Chú giải của Jacques Hervieux)

          Điều gì đã xảy ra? Khi đụng chạm đến bệnh nhân, Đức Giêsu đã tự biến mình thành một người không tinh sạch. Chắc hẳn rằng bệnh phong hủi là một căn bệnh khủng khiếp, nhưng không khủng khiếp bằng cảm giác không được yêu thương, không ai mong muốn mình bị ruồng bỏ. Một trong những điều tệ hại nhất có thể xảy ra cho một con người, đó là bị xua đuổi. Sự xua đuổi gây tổn thương cho bất cứ cảm xúc hoặc tâm trạng nào khác. Điều này làm tổn hại đến giá trị bản thân, khiến cho người ta cảm thấy mình vô giá trị. Sự xua đuổi còn làm cho người ta muốn co rút lại hoặc công khai nổi loạn. Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương trước cảnh khốn khổ của người phong hủi. Thiên Chúa đã thực sự rung cảm trước nỗi đau của con người. Trong sự mầu nhiệm Nhập thể, Thiên Chúa đã truyền thông lòng từ bi vô biên của Người bằng sự rung cảm của một con tim thật sự nhân loại. Lòng từ bi đó trở thành một sự cảm xúc rất nhân loại. Chúa Giêsu đau khổ trước sự đau khổ của người phung cùi khi anh này đến với Người. Khi người ta yêu ai thực sự, nếu người này đau khổ, người ta muốn mang lấy sự đau khổ cho kẻ ấy để giải thoát cho người mình yêu. Chúa Giêsu không chữa cho người phung cùi bằng một hiệu quả của quyền lực toàn năng. Người cúi xuống sát bệnh nhân đang quỳ dưới chân. Người đáp ứng lời van xin của y bằng một cử chỉ từ bi nhân hậu đi xa đến độ vi phạm cả một giới răn Lề Luật. Người chạm đến bệnh nhân bằng tay Người. Chỉ một cử chỉ đó cũng đủ gây bối rối cho bệnh nhân mà một trong những đau khổ lớn lao nhất trong đời họ là cảm thấy bị loại ra khỏi xã hội loài người. Sự cảm thương ấy không chỉ là cảm thông, mà còn là cảm nếm nỗi đau khổ của người khác; là đau cái nỗi đau của họ, khổ cái nỗi khổ của họ. Cũng như nhà thần bí thời Trung Cổ đã nói: “Thiên Chúa đã đưa lưng để hứng trọn lấy những đòn roi đau buốt quất vào chúng ta”.  Do đó, lòng từ bi của Chúa không những đã chữa họ lành thể xác mà còn nâng bệnh nhân lên hàng cao, bằng cách phục hồi danh dự địa vị cho họ, bằng cách trả lại cho họ danh dự con người. Chúng ta ghi nhớ điểm Chúa Giêsu đụng đến người cùi trước khi anh ta lành, và cử chỉ ấy đã chữa y khỏi căn bệnh. Không có khoảng cách, không có giai cấp mà chỉ có tình thương. Thiên Chúa đã xích lại gần con người, đã đau nỗi đau của họ. Thiên Chúa quyền năng, vì yêu đã cảm nếm sự đau khổ của con người.

          Như vậy, câu truyện người cùi trên đây tuy ngắn gọn, nhưng diễn tả được đậm nét nguyên tắc sống liên đới của người Kitô hữu. Có thể người ta cho mà không thương, nhưng không thể thương mà không cho. Là những Kitô hữu, chúng ta phải thực sự “đụng chạm” đến nỗi đau của người đồng loại. Chúng ta không thể vô cảm, vô can, hay thờ ơ lãnh đạm đối với bao nỗi đau buồn thất vọng và những nỗ lực đấu tranh của bao con người xung quanh. Nhưng niềm vui và nỗi khổ của họ phải có một âm vang trong cõi lòng chúng ta. Chúng ta không giống với Đức Kitô ở chỗ mình không có quyền năng để chữa trị các anh chị em đau yếu, tật nguyền. Có thể chúng ta không xóa được nỗi thống khổ của người ta, nhưng chính sự hiện diện của chúng ta trong nỗi thống khổ của họ sẽ đem lại cho họ niềm hy vọng và sự chữa trị. Chúng ta không thể bù đắp cho họ hết những thiếu thốn và mất mát do những bất công xã hội gây ra, nhưng sự chia sẻ của chúng ta sẽ làm vơi đi những tủi nhục và cay đắng trong đời họ. Chúng ta không thể tạo cho họ một tâm hồn tươi mới, nhưng sự đồng hành gần gũi với họ trong cuộc sống sẽ làm cho họ phai nhạt dần những mặc cảm, u uất, có khi là những căm phẫn, hận thù. Con người là cái mình có, thêm cái mình trở nên, cộng với những gì mình sẽ làm. Hạnh phúc tiềm tàng trong nước mắt của người mà ta đã lau khô, trong nụ cười của người mà ta đã làm tươi nở, trong những kẻ mà ta đã ủi an khích lệ...

          Để nên giống với Đức Kitô, chúng ta cần phải làm triển nở sâu rộng tấm lòng nhân ái và trắc ẩn như Người, để biết cảm xúc với người ta, vì người ta, và trong người ta, nhất là những người đau khổ trong thân xác và trong tâm hồn. Muốn vậy, Giáo hội khuyên chúng ta phải biết cảm nhận, đón nhận và sẻ chia “những vui mừng và hy vọng, những ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là những người nghèo và những người đau khổ” (GS 1) với một tâm hồn đồng cảm như Đức Giêsu.

 

Đa-mát Dương Văn Hùng

Thiết kế Web : Châu Á