Suy niệm

Chúa Nhật V Thường Niên - B: “SỨ VỤ CỦA CHÚA GIÊ-SU VÀ CHÂN DUNG NGƯỜI MÔN ĐỆ” (Minh Triệu)

Ngày nay khi bàn về việc rao giảng Tin Mừng, chúng ta có khuynh hướng đề cao giá trị việc làm hơn là lời nói. Thiết tưởng ta nên dung hòa vì Chúa Giê-su đã thực hiện cả hai. Về phương diện con người lời nói cũng cần thiết và việc làm cũng không kém phần quan trọng. Lý thuyết và thực hành cả hai bổ túc cho nhau. Bởi vậy ta không nên xem nhẹ khía cạnh nào cả nhưng ra công học hỏi Lời Chúa và đem ra thực hành.

 

Mc 1,29-39

 

“SỨ VỤ CỦA CHÚA GIÊ-SU VÀ CHÂN DUNG NGƯỜI MÔN ĐỆ”

 

Bài Tin Mừng cho chúng ta thấy Sứ vụ của Chúa Giê-su và chân dung người môn đệ của Chúa.

 

* Sứ vụ của Chúa Giê-su

Sứ vụ của Chúa Giê-su là rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa.  Việc rao giảng có hai khía cạnh: Bằng Lời và bằng việc làm.

Đoạn Tin Mừng trước cho thấy khía cạnh thứ nhất, Chúa Giêsu rao giảng bằng lời: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy hối cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 15). Bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy khía cạnh thứ hai là rao giảng bằng việc làm. Chúa chữa cho cho bà mẹ vợ của ông Si-môn khỏi cơn sốt nặng. Người xua đuổi quỷ dữ ra khỏi nhiều người. Sứ vụ của Chúa Giê-su mang tính phổ quát và cấp bách. Vì thế, không thể nán lại một nơi nào lâu dài nhưng  mở rộng ra chung quanh:  “Chúng ta hãy đi nơi khác… Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ” (Mc 1, 38-39). Thánh Mác-cô cho chúng ta thấy rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa là sứ vụ chính của Chúa Giê-su, được chính Người khẳng định: “…Thầy ra đi cốt để làm việc đó.”

Ngày nay khi bàn về việc rao giảng Tin Mừng, chúng ta có khuynh hướng đề cao giá trị việc làm hơn là lời nói. Thiết tưởng ta nên dung hòa vì Chúa Giê-su đã thực hiện cả hai. Về phương diện con người lời nói cũng cần thiết và việc làm cũng không kém phần quan trọng. Lý thuyết và thực hành cả hai bổ túc cho nhau. Bởi vậy ta không nên xem nhẹ khía cạnh nào cả nhưng ra công học hỏi Lời Chúa và đem ra thực hành.

 

* Chân dung người môn đcủa Chúa

Khi viết Tin Mừng, thánh Mác-cô nhắm đến ba mục đích: thứ nhất ngài muốn dạy về Ki-tô học, thứ hai là động viên các ki-tô hữa đang trong tình trạng bị bách hại đạo dưới thời hoàng đế Nê-rôn, thứ ba là dạy về tư cách người môn đệ. Bài Tin Mừng hôm nay không chỉ cho chúng ta biết Đức Giê-su đến thế gian để làm gì mà còn cho chúng ta ý thức bổn phận khi theo Người. Ở đời, làm quan là cai trị dân, bắt dân phục vụ, còn người môn đệ Chúa thì ngược lại phải phục vụ mọi người. Thánh Mác-cô đã lấy chính mẫu gương Thầy Giê-su mà dạy chúng ta. Người đến nhà ông Si-môn để chữa lành bệnh cho mẹ vợ của ông; Người chữa lành nhiều bệnh tật khác nhau khi người ta mang đến; Người đi khắp nơi để chữa lành các bệnh và trừ quỷ... Chính Thầy Giê-su cũng đã khẳng định: Ta đến không phải để được phục vụ nhưng là để phục vụ (x. Mc 10, 45). Nhạc mẫu của Phê-rô là tiêu biểu cho tư cách người môn đệ của Chúa. Sau khi được Chúa Giê-su chữa lành, bà phục vụ các ngài.

Việc phục vụ không thuần tý là một việc làm bác ái, tình cảm cá nhân nhưng cao hơn đó là một hành vi cứu độ. Về phía Thiên Chúa là thế còn về phía nhân loại thì phục vụ là tham dự vào công trình cứu độ của Thiên Chúa.

Ngày nay không ít người cảm thấy nặng nề khi phải phục vụ người khác. Thái độ ấy có lẽ là do chưa ý thức được chiều kích cứu độ từ những việc họ làm. Bởi vậy, bài Tin Mừng hôm nay nhắc nhở cho chúng ta rằng lời rao giảng Tin Mừng của Chúa Giê-su có sức giải phóng con người khỏi bệnh tật thể xác và linh hồn. Người cần sự cộng tác, nên đã tuyển chọn các môn đệ và sai đi. Bởi vậy, những gì chúng ta làm không dừng lại trên giá trị đạo đức nhưng cao hơn có sức đem lại ơn cứu độ. Ý thức được như thế, chúng ta cảm tạ Chúa và cầu xin Chúa ban ơn trợ lực cho chúng ta để trong công cuộc truyền giáo ngày càng thu được nhiều kết quả tốt đẹp.

 

M. Emmanuel Triệu – Nguyễn Bá Thời

Thiết kế Web : Châu Á