Suy niệm

Chúa Nhật V Phục Sinh, C: "TÂN NƯƠNG DIỄM KIỀU" (Quốc Vũ)

Tân nương điểm trang lộng lẫy, một hình ảnh tuyệt đẹp trong thị kiến của thánh Gioan, khi đặt trong bối cảnh phụng vụ hậu phục sinh, nó diễn tả hình ảnh của một Giêrusalem mới, là Giáo Hội đang sống hành trình lữ thứ hướng về ngày cánh chung.

 

«TÂN NƯƠNG DIỄM KIỀU»

(Cv 14,21b-27; Kh 21,1-5a; Ga 13,31-33a.34-35)

 

Quốc Vũ 

Bình thường, rất nhiều người khi đọc bài Tin Mừng hôm nay đều có khuynh hướng suy niệm và chia sẻ về đề tài: giới luật yêu thương. Tuy nhiên, khi Giáo Hội đặt bài Tin Mừng này trong bối cảnh phụng vụ của mùa Phục Sinh, là muốn nhắm đến một chiều kích khác.

 

Vì thế, để tìm hiểu và suy niệm lời Chúa theo các bài đọc trong Chúa nhật V Phục sinh này, chúng ta khởi đi từ hình ảnh của một Tân Nương Diễm Kiều trong đoạn sách Khải Huyền của Thánh Gioan nơi Bài đọc II: «Tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ và đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn nữa. Và tôi thấy Thành Thánh là Giêrusalem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm lộng lẫy để đón tân lang» (Kh 21,1-2).

 

+ «Tân nương điểm trang lộng lẫy», một hình ảnh tuyệt đẹp trong thị kiến của thánh Gioan, khi đặt trong bối cảnh phụng vụ hậu phục sinh, nó diễn tả hình ảnh của một Giêrusalem mới, là Giáo Hội đang sống hành trình lữ thứ hướng về ngày cánh chung. Đó là thời gian Tân Nương đợi chờ ngày Đức Lang Quân ngự giá quang lâm trên mây trời trong ngày chung thẩm; và lúc bấy giờ, mọi sự sẽ biến đổi rạng ngời, là «trời mới, đất mới», và «biển cũng không còn», nghĩa là không còn chốn cư ngụ cho Satan và những thế lực thuộc quyền nó.

 

+ «Tân nương điểm trang lộng lẫy», không phải bằng xiêm y dệt gấm thêu vàng hay bằng mặt hoa da phấn, nhưng là điểm trang bằng vẻ diễm lệ của lòng tin trung trinh và lòng mến nồng nàn, như trong dụ ngôn nói về 5 cô trinh nữ khôn ngoan (x. Mt 25,1-13) luôn thắp đèn cháy sáng để mong chờ chàng rể đến: «Chàng Rể là Chúa, và thời gian chờ đợi Người tới là thời gian Chúa cho chúng ta, với sự thương xót và lòng kiên nhẫn, trước ngày Chúa đến lần sau hết; đó là thời gian tỉnh thức, trong đó chúng ta phải giữ cho đèn của đức tin, đức cậy và đức mến được cháy sáng, trong đó chúng ta phải giữ cho con tim rộng mở cho sự thiện, cho vẻ đẹp và cho tình bác ái; đó là thời gian sống theo Thiên Chúa, bởi vì chúng ta không biết ngày giờ cuộc trở lại của Chúa Kitô» (Trích từ Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung thứ tư 24/4/2013).

 

+ «Tân nương điểm trang lộng lẫy», bằng sự kiên trung trước những cuộc bách hại, như thánh Phaolô và thánh Barnaba đã từng khuyến khích và củng cố tinh thần cũng như đức tin của các tín hữu trong thời sơ khai của Giáo Hội: «Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa» (Cv 14, 22 - Bài đọc I).

 

Kiên trung trong niềm tin và nồng nàn trong đức mến, là ơn gọi và sứ mệnh của Giáo Hội thời hậu phục sinh, để loan truyền mầu nhiệm cứu độ và bước theo con đường mà Chính Chúa Giêsu đã đi: «Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít nữa thôi. Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em hãy yêu thương nhau» (Ga 13, 33-35 - Bài Tin Mừng).

«Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em hãy yêu thương nhau». Đó là lời trăn trối của Thầy trước lúc ra đi, là gia nghiệp thừa kế cho các tông đồ và Giáo Hội sau này. Bởi lẽ:

 

* Yêu thương nhau, là dấu chỉ và bảo chứng để nhận biết người môn đệ của Chúa Kitô, là phương thế để Giáo Hội tôn vinh Thiên Chúa giữa trần gian theo gương Đức Giêsu: «Giờ đây con người được tôn vinh, và Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người» (Ga 13,31). Vinh quang của Thiên Chúa được biểu tỏ trong đời sống và sứ vụ của Đức Giêsu; đặc biệt theo Tin Mừng Gioan, vinh quang đó được chiếu sáng rạng ngời qua mầu nhiệm Thương Khó và Phục Sinh: đó là “Giờ” của Con Người, khi mà Con Người tự hiến chính mình trong sự vâng phục Thánh ý Cha (Ga 14,31) và vì tình yêu nhân loại (Ga 10,11).

 

* Yêu thương nhau, còn là thuốc thơm, là đồ trang sức mà Giáo Hội và các Kitô hữu cần để điểm tô cho mình thêm kiều điễm và xinh đẹp trước mặt thiên hạ và trước ngai tòa chung thẩm của Đức Lang Quân, hầu được Người mở cửa rước vào chung phần tiệc cưới và trở nên hiền thê của Người, một hiền thê diễm lệ và hạnh phúc rạng ngời như hình ảnh được tìm thấy trong sách của Ngôn sứ Isaia:

 

«Rồi muôn dân sẽ được chiêm ngưỡng đức công chính của ngươi,

mọi đế vương sẽ được ngắm nhìn vinh quang ngươi tỏ rạng.

người ta sẽ gọi ngươi bằng tên mới,

chính là tên miệng Đức Chúa đặt cho.

Ngươi sẽ là ngọc miện huy hoàng trong lòng bàn tay Chúa,

sẽ là mũ triều thiên vương giả Chúa ngươi cầm ở tay.

Chẳng còn ai réo tên ngươi: “Đồ bị ruồng bỏ!”

Xứ sở ngươi hết bị tiếng là “Phận bạc duyên đơn.”

Nhưng ngươi được gọi: “Ái khanh lòng ta hỡi!”

Xứ sở ngươi nức tiếng là “duyên thắm chỉ hồng.”

Vì ngươi sẽ được Đức Chúa đem lòng sủng ái,

và Chúa lập hôn ước cùng xứ sở ngươi.

Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ,

Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về.

Như cô dâu là niềm vui cho chú rể,

ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ» (Is 62,2-5).

 

 

Thiết kế Web : Châu Á