Suy niệm

Chúa Nhật V Phục Sinh, C: ĐIỀU RĂN MỚI (M. Thadeo Thọ)

Điều răn mới không gì ngoài giáo lý của Thầy là yêu như Thầy đã yêu, làm như Thầy đã làm: yêu người lành yêu cả người dữ; yêu bằng cả tấm lòng thành kính, tôn trọng họ như là các chi thể quí giá của Chúa Kitô, là con yêu dấu của Chúa Cha, là anh em cùng một Cha đã được gột rửa trong Máu Thánh của Chúa Giêsu Kitô, là công dân Jerusalem Thiên quốc.

 

ĐIỀU RĂN MỚI

(Ga 13,31-33a.34-35)

 

“Đã là môn đệ của Chúa Giêsu, thì phải yêu thương nhau”, đó là dấu chỉ để người ta nhận ra mình là ai!

 

Khi người ta hỏi: Đạo Công giáo là Đạo gì? Ta có thể trả lời ngay cho họ, đó là Đạo “yêu thương”. Đạo yêu thương được Chúa Giêsu truyền dạy cho chúng ta qua các thánh Tông đồ. Trước ngày chịu tử nạn, Chúa Giêsu đã ban điều răn mới, trên những cơ sở mới. Giáo lý của Đạo yêu thương không như giáo lý của các đạo khác, vì trong đó có “sự hy sinh bất tận trong tình yêu”!

 

Hôm nay Giáo hội cho chúng ta suy gẫm bài học yêu thương bởi Tin Mừng Gioan, Tin mừng của tình yêu! Tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân.

 

- Tình yêu Thiên Chúa thể hiện nơi Chúa Giêsu

 

Cuộc tử nạn và Phục sinh của Chúa Giêsu là một lời minh chứng tình yêu hùng hồn và vĩ đại nhất của Thiên Chúa đối với con người: „Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng cho bạn hữu của mình“ (Ga 15,13). Tình yêu mà Chúa Giêsu trao tặng cho con người là một tình yêu quảng đại, vô vị lợi, không cần tính toán, không mong đáp đền; yêu trong khiêm nhường, phục vụ, hy sinh, dâng hiến. Người yêu cả tất cả mọi người, kể cả những người đóng đinh mình, phản bội mình như ông Giuđa trong Tin Mừng hôm nay.

 

Mọi lầm lỗi của con người đã được Chúa Giêsu gánh lấy. Lầm lỗi của Giuđa quá lớn, nhưng tình yêu Thiên Chúa còn lớn hơn bội phần, đã che khuất được hết lỗi lầm của ông. Khi Giuđa nộp Người cho Thượng hội đồng Do thái, thì chính là lúc mà Chúa Giêsu gọi đây là “giờ”: “Giờ” ở đây đáng ra là giờ của thế lực thù địch, thế lực ma quỉ hoành hành, nhưng nhờ tình yêu quảng đại của Thiên Chúa đã biến đổi “giờ” này thành “giờ của tình yêu Thiên Chúa” được thể hiện nơi chính Chúa Giêsu, “giờ” của công trình cứu độ (x. Ga 7,30; 8,20); chính vì “giờ” này mà Con Người đã đến trong thế gian (x. Ga 12,20-23), chính “giờ” này mà Con Người được tôn vinh (x.Ga 13, 31-33), chính “giờ” này mà chúng ta được ơn cứu rỗi.

 

Còn tình yêu nào lớn hơn tình yêu của Chúa Giêsu đã một lần vai mang thập hình, nhận lấy đắng cay khổ đau, oan khiên, bất công trong xã hội Do thái. Mọi lỗi lầm sai trái của con người, Chúa Giêsu đã gánh lấy mà đưa lên cây thập tự. Cây thập tự của Chúa Giêsu giờ đây không còn là cây nhục hình, nhưng là cây mang quả trường sinh, vì nó mang bao nhiêu hy sinh dâng hiến trong tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Điều mà Chúa Giêsu đáng được tôn vinh trong Tin Mừng hôm nay đó là: Hạ mình xuống cho thù địch hoành hành, vâng phục hoàn toàn vào Thánh ý Cha trong công trình cứu chuộc loài người. Và vì thế, Người đã được siêu tôn. Khi Chúa Giêsu được tôn vinh, thì chính Thiên Chúa cũng được tôn nơi Chúa Giêsu: “Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm” (Ga 17,4).

 

Vì muốn cứu rỗi nhân loại và vinh quang Cha Người (Ga 3,15.17; 8,49-50), tâm hồn Chúa Giêsu cảm thấy hài lòng, Người coi thập giá như chiếc ngai vàng: chịu khổ hình thập giá ví như một sự “giương cao”, sự “nâng lên” và “tôn vinh”. Người bước lên thập giá như một kẻ chinh phục (x. Ga 3,14; 8,28; 12,32-34) đỉnh cao tình yêu cao cả của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã chấp nhận Giuđa, kẻ phản bội, hôm nay Người chấp nhận bước qua cái chết. Cái chết vì tình yêu!

 

- Dấu chỉ người môn đệ Chúa Giêsu

 

Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ của Thầy: “Nếu các con yêu thương nhau” (x. Ga 13, 4-35). Dấu chỉ người môn đệ của Chúa Giêsu không gì khác hơn là: yêu như Người đã yêu, làm như Người đã làm. Chúa Giêsu đã cúi xuống rửa chân cho đồ đệ của mình; Người đã đồng cảm với sự yếu đuối nơi con người, kẻ đã cùng mình chia cơm sẻ bánh mà nay lại giơ gót đạp mình!

 

Để hiểu rõ “giới luật mới” của Chúa Giêsu, chúng ta cùng tìm hiểu “luật lự nhiên”, cũng như quan điểm của người Do thái: Luật tự nhiên dạy đừng làm cho ai điều ta không muốn họ làm cho mình. Luật Môsê đã thừa nhận khoản luật tự nhiên đó, khi dạy phải yêu thương tha nhân như chính mình (Lv 19,18). Đối với người Do thái: tha nhân là anh em, là đồng bào, là bạn hữu mà họ phải sống an hòa với, không thì sẽ bất an khi đi cùng đường (x. Mt 5,43). Điều này cho thấy, người Do thái tuân giữ luật một cách tiêu cực. Giáo sỹ Hillel - nhà luân lý Do thái đã hiểu như thế: “Điều chi ngươi ghét, ngươi chớ làm cho tha nhân. Chính đó là tất cả lề luật, các điều khác chỉ là lời chú giải” (Shabbath, f.31). Để đem lại sự mới mẻ và tích cực trong lề luật, Chúa Giêsu đã bẻ gãy những giới hạn của luật tự nhiên: “Còn Thầy, Thầy bảo các con: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi các con” (Mt 5, 43-48).

 

Chúng ta yêu mến anh em của mình là sống chu toàn lề luật Chúa. Yêu mến người lành và thương yêu kẻ gian ác là điều răn mới mà Chúa Giêsu muốn nơi chúng ta. Chúng ta không những chỉ nói yêu suông, nhưng phải thực hiện được như Người: yêu ân cần, yêu vô vị lợi, yêu tận tâm (x. Ga 13,13-16; 15,16.19), hiến mình cho tha nhân đến cùng, nghĩa là cho đến chết (x. Ga 13,1; 15,12-14).

 

Lời trăn trối của Chúa Giêsu cho các Tông đồ năm xưa, thì cũng là lời trăn trối cho chúng ta hôm nay: “Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau” (Ga 13, 34-35). Điều răn mới không gì ngoài giáo lý của Thầy là yêu như Thầy đã yêu, làm như Thầy đã làm: yêu người lành yêu cả người dữ; yêu bằng cả tấm lòng thành kính, tôn trọng họ như là các chi thể quí giá của Chúa Kitô, là con yêu dấu của Chúa Cha, là anh em cùng một Cha đã được gột rửa trong Máu Thánh của Chúa Giêsu Kitô, là công dân Jerusalem Thiên quốc. Làm như Thầy đã làm, tức là yêu thương trong khiêm nhường phục vụ, hoan hỷ hy sinh, cúi xuống rửa chân cho mọi người, dâng hiến cả chính mình cho tha nhân, dâng hiến đến nỗi bằng lòng chết trên thập giá. Nếu chúng ta yêu như Chúa Giêsu đã yêu, làm như Người đã làm, thì chúng ta cũng sẽ được Chúa Cha tôn vinh cùng với Người trong Nước của Người! Amen.

 

M. Thadeo Thọ

 

Thiết kế Web : Châu Á