Suy niệm
Chúa Nhật IX TN, A - Lễ Chúa Ba Ngôi: Ba Ngôi Thiên Chúa
BA NGÔI THIÊN CHÚA
(Xh 34,4b-6.8-9; 2Cr 13,11-13; Ga 3,16-18)
Tùng Linh
Hôm nay Giáo Hội mừng lễ Chúa Ba Ngôi. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trung tâm của đức tin và đời sống Kitô hữu. Đây là mầu nhiệm của Thiên Chúa trong chính bản thể của Ngài. Vì vậy đây là nguồn mạch của các mầu nhiệm khác của đức tin và là ánh sáng chiếu soi các mầu nhiệm ấy. Đây là giáo lý căn bản nhất và chủ yếu nhất trong “phẩm trật các chân lý” đức tin[1].
Các bài đọc cho ta một cái nhìn về Ba Ngôi. Bài đọc I, trích từ sách Xuất Hành, trình bày cho chúng ta thấy diện mạo của Thiên Chúa là Cha toàn năng, từ bi và nhân hậu, thống trị cả địa cầu. Đấng là Ngôi Cha mà Môsê cúi đầu phủ phục bái thờ, đồng thời cầu xin tha thiết để Ngài thương nhận Israel là dân riêng mà tha thứ tội lỗi và thi ân giáng phúc cho họ.
Trong bài đọc II, thánh Phaolô chào chúc và nguyện cầu cho giáo đoàn Côrintô tràn đầy ân sủng và tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa: “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần” (2Cr 13,13).
Tin Mừng Gioan khẳng định “Thiên Chúa yêu thế gian” (Ga 3,16), vì trong lễ Chúa Ba Ngôi, Thiên Chúa được yêu mến, tôn thờ và phụng sự, bởi Thiên Chúa là Tình Yêu.
Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là điều mà con người qua mọi thời đại không thể hiểu và suy cho thấu được. Như thánh Augustino, vị thánh Tiến Sĩ của Giáo Hội đã kết luận sau khi nghe em bé trả lời: Cháu nghĩ cháu có thể làm được việc này là tát cạn được nước biển cách dễ dàng hơn điều ngài đang suy luận trong lòng về Thiên Chúa Ba Ngôi. Ngài viết: “Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm chỉ có thể hiểu đủ khi ta được về trời”[2].
“Thiên Chúa là một mầu nhiệm mà con người không thể nào thấu hiểu được”. Đúng, Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm vĩ đại, sâu thẳm, chúng ta không thể nào diễn tả được. Trí tuệ và miệng lưỡi con người không tài nào giải thích được những mối tương quan giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Một trong những mầu nhiệm người tín hữu phải tin cho được rỗi linh hồn là mầu nhiệm Một Thiên Chúa có Ba Ngôi. Nhưng làm sao chúng ta có thể diễn tả hay thấu hiểu về Thiên Chúa Ba Ngôi này. Ai có thể giúp ta thấy được khuôn mặt thực của Thiên Chúa? Ai sẽ chỉ cho ta con đường để gặp gỡ Ngài? Tự sức trí khôn con người là không thể. Phải nại đến Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể, qua Ngài mầu nhiệm Thiên Chúa được vén mở, nhờ Người mà chúng ta biết có Một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi Vị là Cha, Con và Thánh Thần[3].
Thật vậy, qua Đức Giêsu, nhân loại mới biết rõ ràng về một Thiên Chúa có Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần: “Cả Ba Ngôi khác biệt nhau nhưng luôn hiệp nhất với nhau nên chỉ có một Thiên Chúa. Cả Ba Ngôi ngang bằng nhau: không có ngôi nào có trước, ngôi nào có sau; không có ngôi nào hơn, ngôi nào kém vì cả Ba Ngôi có tự đời đời và có cùng một bản tính thần linh”[4].
Thiên Chúa là một ngôi vị, theo như tiếng Hipri, Thiên Chúa là Elohim, đây là danh từ số nhiều nhưng được sử dụng như danh từ số ít. Ngay lúc khởi đầu Thiên Chúa sáng tạo trời đất, Người không làm một mình. Thiên Chúa như bàn bạc với chính mình: “Chúng ta làm ra con người theo hình ảnh chúng ta” (St 1,26). Lời Thiên Chúa, Thần Khí Thiên Chúa đồng hiện diện trong công trình sáng tạo (x. St 1,2; 2,7; Ga 1,3). Thiên Chúa là Đức Chúa duy nhất nhưng Người không đơn độc, Người được gọi là Cha, Con, Thánh Thần[5].
Mầu nhiệm về Thiên Chúa duy nhất đồng một bản thể nhưng có Ba Ngôi riêng biệt và hành động khác nhau đã được các thánh Tông Đồ tuyên tín ngay trong thời xây dựng Giáo Hội qua kinh Tin Kính: “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng dựng nên trời đất muôn vật. Tôi tin kính Chúa Giêsu Kitô Con một Đức Chúa Cha, xuống thế làm người, chịu chết chuộc tội cho thiên hạ. Tôi tin kính Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa, là Đấng ban sự sống…”.
Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo cho ta một cái nhìn về Ba Ngôi Thiên Chúa. Tam Vị Nhất Thể. Chúng ta không tuyên xưng ba Thiên Chúa, nhưng một Thiên Chúa duy nhất có Ba Ngôi: “Ba Ngôi đồng bản thể”. Các Ngôi Vị Thiên Chúa không chia nhau một thần tính duy nhất, nhưng mỗi Ngôi Vị đều là Thiên Chúa trọn vẹn: “Chúa Cha là gì thì Chúa Con là thế ấy, Chúa Con là gì thì Chúa Cha là thế ấy, Chúa Cha và Chúa Con là gì thì Chúa Thánh Thần là thế ấy, nghĩa là một Thiên Chúa duy nhất theo bản tính”. “Ba Ngôi Vị đều là thực thể đó, nghĩa là bản thể, yếu tính hoặc bản tính thần linh”[6].
Thiên Chúa được gọi là Cha vì Người là Đấng Sáng Tạo vạn vật từ hư vô với trí thông minh khôn dò khôn thấu. Người là Đấng Tác Sinh muôn vật muôn loài. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo viết: Khi gọi Thiên Chúa là “Cha”, ngôn ngữ đức tin chủ yếu muốn nêu lên hai khía cạnh: Thiên Chúa là nguồn gốc thứ nhất và là Đấng uy quyền siêu việt trên hết mọi sự, đồng thời là Đấng nhân hậu và yêu thương chăm sóc mọi con cái của Ngài. Tình phụ tử này của Thiên Chúa cũng có thể được diễn tả qua hình ảnh tình mẫu tử. Hình ảnh tình mẫu tử nói lên rõ hơn sự gần gũi của Thiên Chúa và sự thân mật giữa Thiên Chúa với thụ tạo của Ngài[7].
Thiên Chúa được gọi là Con bởi vì được sinh ra bởi Chúa Cha. Chúa Con là Lời của Cha, Lời có khả năng hoàn tất những gì Cha trao phó. Con là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa Cha (x. Dt 1,3). Thánh Phêrô đã xác quyết: Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô” (Cv 2,36)[8].
Công Đồng chung thứ nhất họp tại Nicêa năm 325, đã tuyên xưng Chúa Con “đồng bản thể với Chúa Cha”, nghĩa là, Người là một Thiên Chúa duy nhất cùng với Chúa Cha. Công Đồng chung thứ hai họp tại Constantinôpôli năm 381, vẫn duy trì cách diễn tả trong công thức của tín biểu Nicêa và đã tuyên xưng: “Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời, Người là Ánh sáng bởi Ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha”[9].
Thiên Chúa là Thánh Thần. Sách Sáng Thế miêu tả Ngài là Nguyên lý của sự sống, là hơi thở của Thiên Chúa, là sinh khí làm cho con người được sống và cử động (x. St 1,2; 2,7; Kn 15,11). Thần Khí ban tất cả sự sống cho mọi loài, hồi sinh các vong linh, và tái sinh con người (x. Ga 6,63; Ed 37,9; Rm 8,11; 1Pr 3,18)[10]. Đối với các Tông đồ, Thần Khí luôn ở giữa các ông, Thần Khí nhắc nhở, dạy dỗ, hướng dẫn, thúc đẩy các môn đệ ra đi loan báo Tin Mừng và dẫn đưa họ đến sự thật toàn vẹn (x. Cv 5,27-32; 8,29; 13,2-7; Ga 16,13)[11].
Đức tin tông truyền về Chúa Thánh Thần đã được Công đồng chung thứ hai họp tại Constantinopoli năm 381 tuyên xưng: Chúng tôi tin kính “Chúa Thánh Thần, là Chúa và là Đấng ban sự sống; Ngài bởi Chúa Cha mà ra”. Bằng lời tuyên xưng đó, Hội Thánh nhìn nhận Chúa Cha như “nguồn mạch và cội nguồn của tất cả thần tính”. Nhưng cội nguồn vĩnh cửu của Chúa Thánh Thần không phải không có liên hệ với cội nguồn của Chúa Con: “Chúng tôi tin rằng Chúa Thánh Thần, Ngôi Thứ Ba trong Ba Ngôi, là Thiên Chúa duy nhất và đồng hàng với Chúa Cha và Chúa Con, cùng một bản thể, cùng một bản tính;... Ngài được gọi là Thần Khí không phải chỉ của Chúa Cha cũng không phải chỉ của Chúa Con, nhưng một trật là của Chúa Cha và của Chúa Con”[12].
Thiên Chúa là tình yêu. Chúa Cha là tình yêu, Chúa Con là Tình yêu, Chúa Thánh Thần là tình yêu. Thiên Chúa là Cha, Con, Thánh Thần diễn tả tương quan tình yêu và hiệp thông, chứ không diễn tả sự hơn kém của các ngôi vị. Sẽ không có hiệp thông nếu như mỗi ngôi vị không riêng biệt là chính mình. Kinh Tin Kính các Tông đồ tuyên xưng Đức Chúa Trời là Cha, Đức Chúa Giêsu Kitô là Con, và Đức Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa. Ba Ngôi vị nhưng diễn tả một Thiên Chúa Duy Nhất.
Bí tích Thánh Thể là cuộc tưởng niệm tình yêu của Thiên Chúa[13]. Bí tích của tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa. Sống Bí tích Thánh Thể là sống trong tình yêu của Ba Ngôi, vì chúng ta đang cử hành một món quà tình yêu. Thánh Thể cho chúng ta tham dự vào tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa - tình yêu đã yêu thương chúng ta. Qua mầu nhiệm yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi, mỗi người chúng ta được mời gọi sống yêu thương, hiệp nhất như Thiên Chúa là tình yêu. Vì thế, đời sống của chúng ta cũng phải phản chiếu đời sống của Ba Ngôi Thiên Chúa. Vậy khi chúng ta yêu thương nhau là chúng ta đang làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi.
_____________________________
[1] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 234.
[2] gpcantho.com, Lm. Thu Băng, CRM
[3] gpcantho.com, Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
[4] simonhoadalat.com, Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi
[5] Tổng Giáo Phận Sài Gòn, Lm Hồ Văn Xuân
[6] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 253
[7] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 239.
[8] Tổng Giáo Phận Sài Gòn, Lm Hồ Văn Xuân
[9] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 242.
[10] Tổng Giáo Phận Sài Gòn, Lm Hồ Văn Xuân
[11] Tổng Giáo Phận Sài Gòn, Lm Hồ Văn Xuân
[12] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 245.
[13] ĐTC Phanxicô Tin Mừng Chúa Nhật Năm A, tr. 199.
-
Chúa Nhật XXVI TN, Năm A, Mt 21,28-32: Dụ ngôn hai người con (01/10)
-
Chúa Nhật XXVI TN, Năm A, Mt 21,28-32: Ai đã thi hành Lời Chúa? (30/09)
-
Chúa Nhật XXVI TN, Năm A, Mt 21,28-32: Sự tương phản giữa lời nói và việc làm (30/09)
-
Chúa Nhật XXV TN, Năm A, Mt 20,1-16a: Thiên Chúa đo lường bằng những tiêu chuẩn khác (23/09)
-
Chúa Nhật XXV TN, Năm A, Mt 20,1-16a: Lòng nhân hậu của Thiên Chúa (23/09)
-
Chúa Nhật XXIV TN, Năm A, Mt 18,21-35: Đâu là giới hạn của tha thứ? (16/09)
-
Chúa Nhật XXIV TN, Năm A, Mt 18,21-35: "Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha" (16/09)
-
Chúa Nhật XXIV TN, Năm A, Mt 18,21-35: Tha thứ không giới hạn (16/09)
-
Chúa Nhật XXIII TN, Năm A, Mt 18,15-20: Kiên trì trong việc sửa lỗi cho anh em (09/09)
-
Chúa Nhật XXIII TN, Năm A, Mt 18,15-20: Sửa lỗi cho nhau trong đức ái (09/09)