Suy niệm

Chúa Nhật III PS, Năm A, Lc 24,13-35: Hành trình Emmaus - Hành trình đức tin

Trong hành trình đức tin, nếu chúng ta đón nhận Ngài như người bạn đồng hành, chuyện vãn và chia sẻ với chúng ta, thì đôi mắt đức tin của chúng ta sẽ mở ra. Đức tin là nguồn ánh sáng giúp ta nhìn ra ý nghĩa của các biến cố trong cuộc đời. Đức tin là đốm lửa thắp lên niềm hy vọng giữa đêm đen tuyệt vọng, trong ánh sáng đức tin chúng ta sẽ tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống.

 

 

 

HÀNH TRÌNH EMMAUS - HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN

(Lc 24,13-35)

 

Tùng Linh

 

Khi bước theo Chúa Giêsu, các môn đệ và đặc biệt hai môn đệ về làng Emmaus mang theo hoài bão và niềm tin lớn lao, sẽ được ngồi bên hữu hoặc bên tả Người, tệ hơn nữa, có thể được ngồi trên những chiếc ghế chức quyền dưới ngai vàng Giêsu. Giờ đây, khi Chúa Giêsu bị bắt, niềm tin của các ông trở nên hỗn loạn, các ông bỏ chạy tìm con đường sống cho mình để không còn liên lụy đến con người tên là Giêsu. Chẳng hạn như Phêrô đã thẳng thừng từ chối Chúa đến ba lần khi được nhắc đến mối quan hệ với Chúa. Khủng khiếp hơn nữa là khi Chúa Giêsu bị treo trên thánh giá, và cái chết đã đến với Người. Các môn đệ buông xuôi tất cả. Các ông coi như là mất trắng, bao nhiêu năm theo Thầy, giờ đây chẳng có được gì, chỉ còn lại nỗi buồn sầu đau thương mất mát. Các ông trở lại với công việc thường ngày của mình, người thì đi đánh cá, kẻ thì về quê tiếp tục cuộc sống trước đây của mình như hai môn đệ Emmaus. Nói tóm lại, niềm tin của các ông đã bị tan vỡ thật sự.

 

Thánh Luca thuật lại: “Cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Emmaus” (Lc 24,13). Hai môn đệ trên đường về Emmaus, trở về quê hương xứ sở của mình, lòng nặng trĩu, buồn sầu. Họ vừa bừng tỉnh sau một giấc mộng không thành. Hai ông vừa đi vừa đàm luận với nhau về thời gian đã qua, về chặng đường theo Chúa với những hoài bão tương lai sáng lạn. Và hai ông cũng nói lên nỗi buồn, nỗi thất vọng của mỗi người khi Chúa Giêsu - Đấng mà nơi Ngài họ đã một thời xây dựng cuộc sống của họ, giờ đây đã chết, đã bại trận, đã mang xuống âm phủ mọi khát vọng của họ[1].

 

Đang khi hai ông đang nói chuyện với nhau thì có một người khách bộ hành tiến đến, nhập vào cuộc hành trình của các ông và lắng nghe những lời các ông nói, người khách đó chính là Chúa Giêsu Phục Sinh. Chúa Giêsu Phục Sinh hiểu tâm trạng của họ và Ngài đã hiện ra với họ trong tư cách là một người đồng hành - không chỉ đồng hành trên quảng đường đi, mà đồng hành với họ trong từng suy tư, trong mỗi xúc cảm, và cả trong sự chao đảo của niềm tin ban đầu[2]. Người khách bộ hành hỏi các ông đang nói về chuyện gì vậy? Các ông trách móc người khách: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay” (Lc 24,18).

 

Chúa Giêsu giả vờ hỏi các ông: “Chuyện gì vậy?” (Lc 24,19). Lúc này, họ như được cởi bỏ lòng mình, họ lặp lại những lời họ đã nói với nhau trong cuộc hành trình, họ nói: “Chuyện ông Giêsu Nazareth, Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá” (Lc 24,19-20). Sau khi kể sự kiện, các ông lại nói lên những tâm tư, suy nghĩ của mình cho người khách bộ hành nghe: “Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Israel” (Lc 24,21). Họ lại tiếp tục kể lại sự kiện các phụ nữ và các tông đồ khác được thiên thần hiện ra và nói Đức Giêsu vẫn sống.

 

Khi nghe hết những sự kiện, những tâm tư nguyện vọng của hai ông, vị khách bộ hành lúc này tỏ ra như một vị tôn sư, một vị thầy, ông quở trách lại hai môn đệ: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ!” (Lc 24,25). Lòng trí các anh sao mà chậm tin lời các ngôn sứ vậy. Chúa Giêsu muốn kêu gọi đức tin trở về, Chúa Giêsu muốn khơi dậy đức tin đã lụi tàn bằng cặp mắt phàm trần khiến các ông không hiểu gì. Khi có đức tin, các ông sẽ hiểu tất cả[3].

 

Sau đó người khách bộ hành nhẹ nhàng, từ từ giải thích cho các ông nghe: “Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao!” (Lc 24,26) Rồi đưa ra các dẫn chứng cụ thể, bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh. Lời của Ngài đã làm cho tâm hồn hai môn cảm thấy “bừng cháy”, giải thoát các ông khỏi sự u mê sầu muộn và thức tỉnh hai ông để khẩn khoản nài xin Chúa ở lại với hai ông: “Lạy Thầy, xin ở lại với chúng con[4].

 

Sau khi năn nỉ, họ nài ép người khách bộ hành ở lại. Khi đồng bàn với họ, người khách bộ hành cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Tiến trình hai môn đệ trên đường Emmaus được sửa soạn bằng những dẫn giải của Chúa Phục Sinh để rồi nhận ra Ngài lúc Ngài bẻ bánh. Khi ấy, mắt họ liền mở ra và họ nhận ra đó là Chúa Giêsu phục sinh, nhưng Người lại biến mất. Kinh nghiệm của hai môn đệ Emmaus cũng là của chúng ta. Lúc ta tưởng Chúa vắng mặt, thì Người lại đang ở gần bên. Lúc ta nhận ra Chúa ở gần bên, thì Ngài lại biến mất rồi. Nhưng chính lúc Ngài biến mất, ta lại cảm nghiệm sâu hơn sự hiện diện của Ngài[5].

 

Ngay lúc đó, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem. Phục sinh nghĩa là trở về Giêrusalem. Cả hai người họ, cách can đảm, trở lại con đường về Giêrusalem, nơi mà lực lượng của sự chết, đã giết Chúa Giêsu và, đã giết hy vọng của họ, sẽ tiếp tục hoạt động. Nhưng giờ đây tất cả đã thay đổi. Đó là sự trở về chứ không phải sự trốn chạy! Tin tưởng chứ không phải kém tin![6]

 

Các ông về gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Hai ông thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. Lòng các tông đồ và môn đệ hân hoan vui sướng.

 

Cũng như hai môn đệ trên đường Emmaus, một số tín hữu hôm nay cũng đang rời bỏ Giêrusalem, nghĩa là rời bỏ đức tin, rời bỏ Giáo Hội.

 

Chúa Giêsu gặp hai người môn đệ trong tình trạng sợ hãi và kém đức tin. Sức mạnh của sự chết, thập giá, đã giết chết niềm hy vọng trong họ. Trong cuộc sống, chúng ta cũng đã từng gặp phải những giờ phút bão táp, khủng hoảng về đức tin. Nhưng chúng ta phải xác tín rằng, trong từng biến cố của cuộc sống chúng ta, Chúa Kitô Phục Sinh cũng đang đến và đồng hành với chúng ta trong từng sinh hoạt và gặp gỡ của chúng ta. Ngài có mặt trong từng niềm vui và nỗi khổ của chúng ta. Nếu chúng ta đón nhận Ngài như người bạn đồng hành, chuyện vãn và chia sẻ với chúng ta, thì đôi mắt đức tin của chúng ta sẽ mở ra. Đức tin là nguồn ánh sáng giúp ta nhìn ra ý nghĩa của các biến cố trong cuộc đời. Đức tin là đốm lửa thắp lên niềm hy vọng giữa đêm đen tuyệt vọng[7], trong ánh sáng đức tin chúng ta sẽ tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống.

 

Việc hai môn đệ gặp gỡ Chúa Giêsu Phục Sinh đã biến đổi cuộc đời của họ, bởi vì gặp gỡ Đấng phục Sinh sẽ biến đổi toàn bộ cuộc đời của họ, và làm cho sự khô cằn trở nên phì nhiêu, phong phú[8]. Chúng ta cũng phải gặp gỡ Chúa Giêsu trong Kinh Thánh. Chúng ta phải đọc Kinh Thánh dưới sự hiện diện của Thiên Chúa, phải thấy bóng dáng Thiên Chúa thấp thoáng suốt những trang sách. Trong các giờ cầu nguyện, trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta kết hiệp với Chúa Giêsu trong Thánh Thể. Thánh Thể sẽ là lương thực nuôi dưỡng niềm hy vọng của ta. Để từ đó chúng ta kín múc được ân sủng Người, nhờ đó chúng ta sẽ được biến đổi, cuộc sống nói chung và mầm sống đức tin chúng ta nói riêng sẽ phát triển phì nhiêu và phong phú.

 

 

__________________________

 

[1] ĐTC Phanxicô, Tin Mừng Chúa Nhật Năm A, tr. 163.

[2] gpcantho.com, Lm. Cao Huy Hoàng

[3] gpcantho.com, ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

[4] ĐTC Gioan Phaolô II, Tông Thư Mane nobiscum Domine, số 12.

[5] gpcantho.com, Trích trong ‘Manna’.

[6] gpcantho.com, Trên Đường Emmau.

[7] gpcantho.com, ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

[8] ĐTC Benedicto 16, Triều Yết Chung Thứ Tư 11-4-2007

 

 

Thiết kế Web : Châu Á