Suy niệm

Chúa nhật III MC, B: "LOẠI BỎ LỐI SỐNG HÌNH THỨC" (M. Bảo Hạnh)

Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta từ bỏ lối sống hình thức và chạy theo vật chất, nhưng hãy trở về với chính mình, xây dựng con người nội tâm mình để nơi đó trở thành nơi gặp gỡ chính Chúa và gặp gỡ tha nhân.

 

 Ga 2, 13 – 25

 

"LOẠI BỎ LỐI SỐNG HÌNH THỨC"

 

Lối sống hình thức và chạy theo vật chất là một trào lưu hay phong cách sống của đại đa số con người từ xưa đến nay. Đó cũng là lối sống của các tư tế và phường buôn bán mà Lời Chúa hôm nay đề cập đến. Thánh sử Gioan cho biết rằng việc Đức Giêsu đánh đuổi những người buôn bán trong đền thờ Giêrusalem là vì họ sống theo lối sống hình thức và vụ lợi, để rồi họ đánh mất phẩm tính nơi tâm hồn mình.

Thật vậy, chỉ vì ham muốn lợi lộc thấp hèn, các tư tế đã để cho các con buôn biến đền thờ thành nơi sào huyệt của trộm cướp, gian manh. Chính vì thế, khi vừa đến đền thờ Giêrusalem, với lòng nhiệt thành vốn có nơi mình, Chúa Giêsu đã ngăn chặn và lật tẩy cách sống mồ mả tô vôi của giới tư tế đền thờ.

Theo các Tin Mừng mô tả, Chúa Giêsu đã bảy lần lên đền thờ Giêrusalem. Những lần trước đó, Chúa Giêsu luôn biểu lộ cách nhã nhặn giống như bản tính vốn dĩ hiền lành và khiêm nhường của Người. Hôm nay là một trong những lần đó Người lên đền thờ có thể là để cầu nguyện và cũng có thể là để giảng dạy Lời Chúa cho dân chúng. Nhưng lần này Người lại biểu lộ một tâm trạng nóng nảy, bực bội. Người cư xử một cách mạnh mẽ và uy quyền trước dân thành Giêrusalem đang buôn bán đổi chác, ồn ào náo nhiệt. Trước cảnh tượng đền thờ là nhà Cha của Người bị xúc phạm, danh dự và vinh quang của Cha bị xem thường. Đền thờ, nơi linh thiêng, nơi cầu nguyện, nơi gặp gỡ Thiên Chúa bị thương mại hóa, trở thành nơi buôn gian bán lận, trở thành hang trộm cướp. Những xáo trộn này nảy sinh từ chính lòng tham và đầu óc tội lỗi của những kẻ buôn bán để rồi sinh ra cảnh chợ búa ở ngay trong sảnh đền thờ Giêrusalem. Với lòng nhiệt thành đối với nhà Cha đã nung nấu tâm can Người. Người cầm dây thừng đi vào đánh đuổi những kẻ buôn thần, bán thánh. Người thanh tẩy đền thờ và dạy cho họ bài học ý nghĩa và thâm thúy rằng: đừng biến nhà Cha Ta thành một cái chợ, thành hang trộm cướp. Người bắt trả lại cho đền thờ những gì giá trị vốn có của nó. Dù Người biết rằng hành động như vậy sẽ làm Người phải chịu thiệt thân, như Vịnh Gia từng nói: “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà tôi đây phải thiệt thân”. Nghĩa là Người sẽ bị người Do Thái phản bác, khiển trách, lên án thậm chí là bị giết chết.

Quả thế, việc Chúa Giêsu tẩy uế đền thờ không chỉ mang ý nghĩa như một hành vi đạo đức bình dân. Nếu chỉ có thế thôi thì hà cớ gì khiến cho những người biệt phái phải tức giận và phản bác lại Người. Nhưng khi Chúa Giêsu hành động như vậy, Người đã tuyên chiến với một thứ tôn giáo vụ hình thức và pháp luật đã trở thành thâm căn cũ kỹ nơi người Do Thái thời bấy giờ. Do đó, khi thấy Chúa Giêsu đánh đuổi con  buôn như vậy, người Do Thái ngạc nhiên và hỏi Chúa Giêsu dựa vào thẩm quyền nào mà hành động như thế. Phản ứng trước tiên của nhóm hàng tư tế là hạch sách Đức Giêsu rằng: ông lấy quyền ai mà làm việc này, nếu lấy quyền Chúa, ông hãy làm một dấu lạ chứng tỏ Chúa sai ông đến?  Người trả lời một câu mà có lẽ xưa đến nay chưa một tín hữu nào giám nói về đền thờ của tôn giáo mình như vậy: “Cứ phá hủy Đền thờ này đi, nội trong ba ngày tôi sẽ xây lại”. Câu trả lời này rõ ràng không nói tới Đền thờ xây bằng đá, trang hoàng bằng vàng, nhưng thánh sử Gioan cho biết Chúa đang nói về thân xác của Người. Với câu nói lạ lẫm và mang tính hoang tưởng đối với tư tưởng của người Do Thái thời bấy giờ, chắc chắn họ chẳng hiểu gì. Vì thế họ đồng thanh phản kháng: ông Giêsu này thật là một kẻ lộng ngôn, phạm thượng. Ông ta khinh bỉ và thù nghịch với ta đến thế là cùng! Căn cứ vào đó, họ ghi thêm tội vào bản cáo trạng và kiên quyết giết Đức Giêsu để bảo vệ điều mà họ cho là sự thánh thiện, thiêng liêng cao cả của đền thờ.  

Tuy nhiên, đây không phải là hàm ý của Chúa Giêsu muốn đề cập đến. Ý của Người là loại bỏ sự gian trá và lợi dụng của của hàng tư tế cũng như các con buôn trong đền thờ, đồng thời hé lộ về cuộc tử nạn và phục sinh của mình.  

Thật vậy, những người nắm giữ đền thờ không biết rằng, khi Chúa Giêsu nói như thế là Người cố ý ám chỉ đến cái chết và phục sinh của Người, vì thân thể Người là đền thờ của Thiên Chúa, là dấu chỉ sự hiện của Thiên Chúa giữa loài người; nơi mở cửa cho hết thảy mọi người, nơi gặp gỡ giữa Thiên Chúa với con người; là đền thờ của giao ước mới. Thân thể của Chúa Giêsu chính là đền thờ mới, nơi cử hành phụng tự mới. Người thay thế cho mọi của lễ  bằng việc sống lại của Người. Như chính Người đã nói với người phụ nữ ở giếng Gia-cóp: “Từ nay người ta sẽ thờ phượng Chúa trong thần khí và sự thật, và sự thờ phượng không chỉ giới hạn trong đền thờ gỗ đá mà trong tâm hồn mọi người”. Nhưng vì não trạng cổ hủ, thù ghét, cố chấp họ đã không hiểu được điều Người muốn nói. Họ cho rằng chỉ có đền thờ Giêrusalem nơi mà thứ tôn giáo duy luật lệ, vụ hình thức mới là vĩnh cửu mà thôi. Do đó, họ phẫn nộ khi nghe Chúa Giêsu nói về ngôi đền thờ bị phá, lại còn xây mới chỉ trong vòng ba ngày.

            Suy cho cùng, không riêng gì người Do Thái xưa kia, con người ngày nay cũng như mọi thời luôn bị cám dỗ bởi vật chất và danh vọng, dễ rơi vào trần tục hóa đền thờ, trần tục hóa niềm tin tôn giáo như những kẻ buôn bán chiên bò trong đền thờ Giêrusalem mà Lời Chúa hôm nay đề cập tới. Có rất nhiều người tin vào những ngôi đền uy nghi, lộng lẫy hay cổ kính mà họ cho là bất diệt. Những ngôi đền nguy nga được dựng nên không phải chỉ dành riêng để thờ phượng các thần linh hay Thiên Chúa nhưng là để tôn thờ chính mình, tôn thờ sự giầu có của mình. Trải qua các thời đại, con người có nhiều kiểu cách để xây đắp cho đền thờ của mình, nhưng nhìn chung vẫn thể hiện một phong cách kiến trúc bên ngoài duy nhất: chuộng tiền tài ưa quyền lực… Những phong cách kiến trúc này xem ra rất hợp thời, được nhiều người ưa thích và nhiều khi còn thờ nó như là thần linh. Và một khi vật chất lấn át tinh thần, con người sẽ bị lệ thuộc và tôn sùng nó như ngẫu tượng rồi cho nó như giá trị tuyệt đối. Chúng sẽ thay thế Thiên Chúa để điều khiển con người. Khi đó, không phải đền thờ được xây dựng bằng đá hay bê tông bị tục hóa, nhưng là chính con người chúng ta bị tục hóa, đồng nghĩa với đền thờ của Chúa Thánh Thần bị tục hóa, vì thân thể của chúng ta là đền thờ của Chúa Thánh Thần.

Chính vì thế, Chúa Giêsu đến trần gian là để phá hủy đền thờ mang tính hình thức đó và dựng nên ngôi đền thờ mới, một ngôi đền bền vững mà theo thánh Phaolô tông đồ, ngôi đền này phải được xây dựng bằng vật liệu: bác ái, vui mừng, bình an, nhẫn nại, nhân từ, hiền lành, khoan dung, trung thực, khiêm tốn và tiết độ... Một ngôi đền mang kiến trúc, chất lượng mới, để  “từ nay người ta sẽ thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật” (Ga 4, 23-24). Vì, sự thờ phượng đích thực không phải chỉ ở trong nhà thờ hay đền đài nào đó, mà còn trong cuộc sống của mỗi người chúng ta; vì Ngôi Lời đã thành xác phàm và ở giữa chúng ta. Hành trình đức tin của chúng ta luôn gắn liền với nhà thờ và cuộc sống thường nhật. Có nhà thờ để cầu nguyện nhưng cũng có chợ đời để gặp gỡ Chúa qua tha nhân. Người Kitô Hữu chúng ta dù hướng về trời cao nhưng vẫn còn bám lấy cõi đất, vì chúng ta đang hiện diện ở trần gian. Chúng ta đến nhà thờ, nhưng không phải để ở mãi trong nhà thờ, mà để quay trở lại cuộc sống. Vì cuộc sống sẽ vô nghĩa nếu đời sống đạo của chúng ta không thể thể hiện được bản chất đền thờ của Chúa Thánh Thần. Việc đi đến nhà thờ chỉ có ý nghĩa khi nơi đó ta gặp gỡ Chúa một cách thân mật nhất, và ở đó chúng ta phải thể hiện được mình là những viên gạch bác ái đang xây dựng trong cuộc sống thường ngày qua tha nhân. Chúng ta không thể tách biệt nhà thờ ra khỏi cuộc sống cũng như không thể sống dửng dưng trước đồng loại. Vì thế, bao lâu ngôi đền thờ còn hiện diện, bấy lâu người Kitô hữu vẫn còn được mời gọi để nối kết đức tin với cuộc sống hằng ngày.

Theo như lời Chúa Giêsu nới với người phụ nữ Samari bên giếng Gia-cóp, sự thờ phượng đích thực của người Kitô hữu chúng ta không chỉ chạy theo vật chất mà giới hạn trong những nhà thờ gỗ đá sang trọng, song sự thờ phượng đó còn cả trong tâm hồn và bằng cả cuộc sống của mỗi người. Khi đó, giáo đường mới thực sự là nơi gặp gỡ và trao đổi người với người và giữa con người với Thiên Chúa. Và chỉ có thờ phượng như thế, chúng ta mới trở thành con đường dẫn mọi người đến với Thiên Chúa.  

Muốn sống được như thế, chúng ta phải trở về với chính tâm hồn của mình, loại bỏ cách sống hình thức bên ngoài. Đặc biệt, chúng ta không được biến con người chúng ta thành sào huyệt tội lỗi như các quân buôn đã biến đền thờ thành nơi buôn bán. Nhưng phải sửa đổi bản thân, ăn năn hối cải trở về với Thiên Chúa, trở về với chính con người thực của mình

Như vậy, lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta từ bỏ lối sống hình thức và chạy theo vật chất, nhưng hãy trở về với chính mình, xây dựng con người nội tâm mình để nơi đó trở thành nơi gặp gỡ chính Chúa và gặp gỡ tha nhân. Nhờ đó, tâm hồn và thân xác chúng ta trở thành đền thờ của Chúa Thánh Thần, để khi đó không bị Chúa nói: “Hãy đem tất cả ra khỏi đây”.

Vì thế, ngay từ bây giờ, chúng ta phải tích cực bảo vệ thân xác và linh hồn mình là đền thờ Thiên Chúa, bằng cách ra sức chê ghét và xa lánh tội lỗi, chăm lo, gia tăng các việc lành phúc đức, sống bác ái, công bình để phát huy và tăng trưởng đức tin mỗi ngày.

 

M. Bảo Hạnh

Thiết kế Web : Châu Á