Suy niệm

Chúa Nhật II Thường Niên, năm C: "TIỆC CƯỚI CANA" (M.Paulino)

Suy niệm (dựa trên bộ chú giải Tin Mừng Gioan của William Barclay, Kinh Thánh Trọn Bộ, Bài suy niệm trên trng Web Giáo phận Vĩnh Long)

 

Ga 2,1-11

"TIỆC CƯỚI CANA"

M.Paulino

Suốt 4000 năm, dân Do thái đợi trông Thiên Chúa viếng thăm và cứu chuộc dân Người. Tuy Chúa đã gửi nhiều sứ giả của Người đến hướng dẫn dân như Môsê và các tiên tri, nhưng những vị ấy không thể làm thỏa mãn lòng khát mong sâu xa của dân, dân chúng tin vào lời hứa Messia, Người là Đấng muôn dân mong đợi. Những điều Isaia nói trong Cựu Ước (Bài đọc I) hôm nay đã ứng nghiệm. Đức Giêsu, Đấng cứu chuộc Israel đã đến. Người đem niềm vui cứu độ cho dân Người. Việc Người làm dấu lạ hóa nước thành rượu trong tiệc cưới Cana cũng là một dấu chỉ Thiên Chúa ban cho nhân loại niềm vui hoan hỉ nhờ Đức Giêsu Kitô. Qua đó Người cũng thiết lập một giao ước mới cho dân.

          Tiệc cưới ở Cana của đôi tân lang là một niềm vui, nhưng niềm vui này chưa được trọn vẹn khi họ hết rượu giữa chừng. Bởi theo quan niệm của người Do thái nói riêng và nhân loại nói chung, trong đám cưới rất cần có rượu. Như các rabi vẫn thường nói: “không rượu thì không vui”. Không phải vì mọi người nghiện rượu nhưng cách riêng, ở bên phương Đông rượu thật sự quan trọng. Sự thật, đối với họ say rượu là một điều xấu hổ, nên họ thường uống rượu pha hai phần rượu và ba phần nước lã. Lúc nào thiếu thức ăn, thức uống thì có vấn đề, vì ở phương Đông, tiếp khách là nhiệm vụ thiêng liêng: thiếu thức ăn, nước uống trong một tiệc cưới là điều xấu hổ, nhục nhã cho cả cô dâu lẫn chú rể. Đây là xét theo khía cạnh tâm lý bình thường của người đương thời.

Còn xét trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa thì tại Cana, đây là dấu lạ đầu tiên (Ga 2,11) của Đức Giêsu thực hiện trong Tin Mừng theo thánh Gioan để loan báo sự thay thế giao ước cũ vốn được đặt nền trên Luật Môsê, bằng giao ước mới đặt nền trên tình yêu đích thực (Ga 1,14-17). Ở đây rượu mới do Đức Giêsu ban tặng chính là biểu tượng. Câu chuyện dấu lạ Cana có tính phác hoạ về chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Những gì câu chuyện này gợi lên sẽ chỉ được thực hiện trọn vẹn trong cảnh Đức Giêsu hoàn tất công trình của Người trên thập giá.

Đám cưới được coi là biểu tượng của giao ước cũ, trong đó Thiên Chúa là Hôn Phu của dân (x. Hs 2,16-25; Is 1,21-23; 49,14-26; Gr 2; Ed 16…). Ý tưởng về một giao ước mới thời đại Mêsia, xuất hiện trước hết từ sự thất bại của giao ước cũ (x. Gr 31,33-34; 33,14-22; Ed 36,22-32). Đám cưới tại Cana, chúng ta không thấy tác giả nói gì về cô dâu và chú rể, nhưng là hình ảnh của giao ước cũ không còn tình yêu nữa. Đức Giêsu, vị Hôn Phu mới, hiện diện trong đám cưới này và loan báo sự thay thế của một giao ước mới sẽ xảy đến vào “giờ” của Người (Ga 2,4).

Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana miền Galilê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giêsu. Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự” (Ga 2,1-2). Thân mẫu Đức Giêsu được tác giả giới thiệu trong câu chuyện không phải bằng tên riêng của Bà, mà là qua mối tương quan của Bà với Đức Giêsu. Thân mẫu thuộc về đám cưới, tức là thuộc về giao ước cũ. Còn Đức Giêsu và các môn đệ không thuộc về đám cưới, họ là những khách được mời. Vậy Đấng Mêsia đi vào trong đám cưới xưa cũ và đi vào trong dân đang sống với giao ước cũ, với tư cách một vị khách được mời.

Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giêsu nói với Người: "Họ hết rượu rồi” (Ga 2,3). Rượu là yếu tố không thể thiếu được trong đám cưới thời ấy. Nó là biểu trưng cho tình yêu giữa chú rể và cô dâu. Trong đám cưới vốn là biểu tượng của giao ước cũ này, mối tương quan tình yêu giữa Dân và Thiên Chúa không còn nữa. Chính ở hoàn cảnh bi đát đó, có sự can thiệp của thân mẫu Đức Giêsu khi nói cho Người biết tình hình đám cưới đã hết rượu.

Vậy sự can thiệp đầu tiên của thân mẫu Đức Giêsu là việc trình bày hoàn cảnh đáng buồn của giao ước cũ: “Họ hết rượu rồi”. Mặc dù thuộc về đám cưới, nhưng thân mẫu Đức Giêsu vẫn giữ khoảng cách với giao ước cũ này khi nói “họ hết rượu” thay vì nói “chúng tôi hết rượu”. Mẹ biết rất rõ rằng Thiên Chúa của giao ước là Tình Yêu và Thành Tín (Xh 34,6), và rằng tình yêu của Người không bao giờ vơi cạn (x. Gr 31,3). Mẹ trình bày với Đức Giêsu về tình trạng bi thảm của hoàn cảnh với hy vọng Người sẽ thực hiện một điều gì đó. Điều đó là gì, Mẹ không biết, nhưng Mẹ biết rất rõ sự thiếu thốn của Israel.

“Đức Giêsu đáp: "Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến” (Ga 2,4). Câu trả lời của Đức Giêsu có ngầm ý cho thân mẫu biết về sự cần thiết phải cắt đứt với giao ước cũ. Đức Giêsu nói cho thân mẫu hay rằng giao ước cũ đã là quá khứ rồi, Người sẽ không khôi phục giao ước ấy, nhưng sẽ thiết lập một giao ước mới. Công trình của Người sẽ không đặt cơ sở trên những thiết chế cũ, mà sẽ là một thực tại hoàn toàn mới mẻ. Nói cách khác, Israel đích thực nhận thấy tính cách bi thảm của hoàn cảnh mình đang sống và trình bày hoàn cảnh đó với Đấng Mêsia. Đấng Mêsia sẽ khai mở một thời đại mới của tình yêu và hoan lạc, nhưng thời điểm và cách thức mà Đấng Mêsia sẽ thực hiện chưa được tỏ lộ. Đức Giêsu khẳng định rằng Người độc lập với tình trạng của giao ước cũ và rằng giao ước mới sẽ được thiết lập vào giờ của Người.

Dù Đức Maria không hiểu Chúa Giêsu sẽ làm gì, ngay cả khi Người khước từ lời yêu cầu của Mẹ, Mẹ vẫn hoàn toàn tin Người, nên dặn những người giúp việc rằng, Người bảo gì hãy làm theo hết. Mẹ có một đức tin hoàn toàn đến mức có thể tin cậy ngay cả lúc không hiểu. Mẹ không biết Chúa Giêsu sẽ làm gì, nhưng Mẹ chắc chắn Người sẽ làm điều nên làm. Thật bất ngờ khi Đức Giêsu bảo các gia nhân: "Các anh đổ đầy nước vào chum đi! " Và họ đổ đầy tới miệng” (Ga 2,7). Cũng chính từ những cái chum này Đức Giêsu đã sai các gia nhân “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc” (Ga 2,8) khi tất cả số nước đã hóa thành rượu. Cũng chính nhờ rượu này mà niềm vui của đôi tân lang được nên trọn vẹn.

Trong cuộc sống thường ngày có những giai đoạn đen tối của cuộc đời, khiến chúng ta không thấy lối thoát, có những việc chúng ta không biết tại sao xảy ra, cũng không thấy ý nghĩa của chúng. Và thật phúc thay cho người nào khi gặp những trường hợp như thế vẫn một lòng tin cậy Chúa, mặc dù không hiểu.

Tời đây chúng ta có thể thấy điều Gioan muốn truyền đạt. Mỗi câu chuyện không phải chỉ mô tả điều Chúa Giêsu làm một lần rồi chẳng bao giờ tái diễn, nhưng Người vẫn làm cho đến đời đời. Thánh sử cho chúng ta biết, không phải về những việc Chúa Giêsu một lần làm tại xứ Palestine, mà về những việc Người vẫn làm ngày nay. Điều Người muốn chúng ta thấy ở đây, không phải chỉ lần Chúa Giêsu hóa nước trong các chum nào đó thành rượu, nhưng muốn chúng ta nhận thấy rằng, bất cứ lúc nào Chúa bước vào một đời sống, thì đời sống ấy nhận được một phẩm chất mới, giống như nước lã đã biến thành rượu vậy. Không có Chúa Giêsu thì cuộc đời vốn ứ đọng, phẳng lì và chán ngán. Khi Chúa Giêsu bước vào đời sống, nó trở nên sống động, tươi sáng và lý thú. Không có Chúa, cuộc đời thật lạnh lẽo, vô vị, đáng chán, có Chúa Giêsu thì cuộc sống trở nên hấp dẫn, kỳ diệu và tươi vui.

Thiết kế Web : Châu Á