Suy niệm
Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Ga 20,19-23: Sức sống của Chúa Thánh Thần
SỨC SỐNG CỦA CHÚA THÁNH THẦN
(Cv 2,1-11; 1Cr 12,3b-7,12-13; Ga 20,19-23)
Minh Tước
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống hay còn gọi là Lễ Ngũ Tuần, theo truyền thống của Giáo hội, diễn ra sau khi Chúa Giêsu Phục sinh và sau sự kiện Chúa Giêsu thăng thiên.
Tin Mừng Gioan tường thuật ngày thứ nhất trong tuần Đức Giêsu hiện đến giữa các môn đệ và trao ban Chúa Thánh Thần, Ngài “thổi hơi” để ban Thánh Thần cho các ông trong bầu khí thân tình của Thầy trò gặp lại nhau. Niềm vui thì có, nhưng nỗi sợ vẫn còn (Ga 20,19-23). Còn theo bản văn Công Vụ Tông Đồ, ngày lễ Ngũ Tuần, khi “các môn đệ tề tựu một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2,1-4).
Các môn đệ đầu tiên đã nhận lãnh ơn Chúa Thánh Thần và các ông không giữ Thánh Thần cho riêng mình. Nhưng các môn đệ đã mở tung cánh cửa của cõi lòng mà loan Tin Mừng Chúa Phục Sinh cho cả nhân loại. Vì thế, Chúa Thánh Thần ban ơn cho các Tông đồ, giúp các ông vượt qua mọi ranh giới quốc gia, ngôn ngữ và văn hóa làm cho muôn dân đón nhận đức tin qua phép Rửa. Tông đồ Phêrô rao giảng ngày đầu tiên và đã có ba ngàn người theo đạo (Cv 2,41). Vì thế, Chúa Thánh Thần Hiện Xuống trên các môn đệ đã phá vỡ thảm kịch tháp Babel bằng cách làm cho mọi người hiểu nhau, và đem lại sự hiệp nhất trong một tiếng nói đức tin, để trở thành “một đàn chiên và một mục tử” (Ga 10,16).
Chúa Giêsu lãnh nhận sứ mạng từ Chúa Cha, thì nay Ngài cũng trao sứ vụ cho các Tông đồ và Hội thánh loan báo Tin mừng ơn cứu độ cho nhân loại: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Chúa Giêsu “thổi hơi” trên các môn đệ là hơi thở của sự sống thần linh, là Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu Phục sinh trao cho các Tông đồ sứ vụ mới, là năng quyền ơn tha tội cho mọi người được ơn tha thứ, để mọi người đón nhận ơn cứu độ qua lòng thương xót của Thiên Chúa: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (cc. 22-23). Đây cũng chính là sứ vụ Chúa Giêsu Phục sinh trao ban cho Hội Thánh, là những người lãnh nhận ơn thánh của Chúa Thánh Thần khi lãnh nhận bí tích Thêm sức, các riêng những người lãnh nhận Chức thánh, để đem Tin mừng ơn cứu độ của Chúa Phục sinh cho nhân loại được hưởng hạnh phúc và bình an. Theo Tông huấn Gaudete et Exsultate, số 23 nói rằng: “Anh chị em cần xem toàn bộ đời mình như một sứ vụ”.
Sức sống của Chúa Thánh Thần hiện diện trong Giáo Hội là sứ vụ làm cho các cánh cửa của Giáo hội được mở ra và lan tỏa khắp thế giới để chia sẻ những đau khổ, tha thứ những hận thù, nối kết những chia rẽ,… để mọi người hiệp thông và biết tha thứ cho nhau mà đón nhận ơn cứu độ của Chúa Phục Sinh. Vì thế, khi chúng ta lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần qua bí tích Rửa tội và bí tích Thêm sức, là chúng ta đón nhận ơn Chúa ban và được sai đi khắp trần gian làm cho ngọn lửa tình yêu của Chúa Thánh Thần bừng cháy lên, để đem ơn Chúa Thánh Thần cho những người chưa đón nhận đức tin trở nên nguồn sống sinh động nơi tâm hồn họ.
Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa đang hiện diện và hoạt động trong suốt chiều dài lịch sử cứu độ. Trong thời Tân Ước, Ngài chính là ân huệ của Đấng Phục Sinh và là nguồn sức mạnh nối kết muôn dân trên toàn thế giới trở nên một và hiệp nhất trong cùng một phép Rửa, để trở nên một thân thể Đức Giêsu Kitô. Bởi vì; “tất cả chúng ta, dầu là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể” (1Cr 12,13). Chúa Thánh Thần muốn qui tụ mọi người trên thế giới đón nhận các bí tích, để được ơn tha thứ tội lỗi và được trở nên đền thờ của Ngài.
Đời sống Kitô hữu là sức sống của ơn Chúa Thánh Thần ban, như Thánh Phaolô nói: “Những ai sống theo tính xác thịt, thì hướng về những gì thuộc tính xác thịt; còn những ai sống theo Thánh Thần, thì hướng về những gì thuộc Thần Khí” (Rm 8,5). Nghĩa là chúng ta hãy sống theo Thánh Thần, để lãnh nhận những hoa quả của Thánh Thần đó là “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tính, hiền hoà, tiết độ.{…}. Nếu chúng ta sống nhờ Thánh Thần, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước”. (Gl 5,22-25).
Như vậy, để thăng tiến trong đời sống đức tin mà Chúa Thánh Thần ban cho các Tông đồ và cho mỗi người để làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi là chúng ta hãy kiến tạo mối tương quan huynh đệ giữa người với người, giữa cộng đoàn với cộng đoàn và giữa Giáo hội với các Giáo hội khác để tạo nên sự hiệp thông trong ân sủng của Chúa Thánh Thần. Bởi vì, Chúa Thánh Thần luôn kiến tạo hiệp nhất mọi người trong Thân Thể Chúa Kitô, để duy trì sự hiệp thông và qui tụ mọi người hiệp nhất với Ngài.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, khi xưa Chúa xin Chúa Cha ban Thánh Thần cho các Tông đồ, thì hôm nay xin cho chúng con cũng biết đón nhận Chúa Thánh Thần qua các bí tích của Hội Thánh, để chúng con cũng được biến đổi và trở nên những tông đồ nhiệt thành làm chứng cho Chúa trong thời đại hôm nay. Amen.
-
Chúa Nhật XXVI TN, Năm A, Mt 21,28-32: Dụ ngôn hai người con (01/10)
-
Chúa Nhật XXVI TN, Năm A, Mt 21,28-32: Ai đã thi hành Lời Chúa? (30/09)
-
Chúa Nhật XXVI TN, Năm A, Mt 21,28-32: Sự tương phản giữa lời nói và việc làm (30/09)
-
Chúa Nhật XXV TN, Năm A, Mt 20,1-16a: Thiên Chúa đo lường bằng những tiêu chuẩn khác (23/09)
-
Chúa Nhật XXV TN, Năm A, Mt 20,1-16a: Lòng nhân hậu của Thiên Chúa (23/09)
-
Chúa Nhật XXIV TN, Năm A, Mt 18,21-35: Đâu là giới hạn của tha thứ? (16/09)
-
Chúa Nhật XXIV TN, Năm A, Mt 18,21-35: "Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha" (16/09)
-
Chúa Nhật XXIV TN, Năm A, Mt 18,21-35: Tha thứ không giới hạn (16/09)
-
Chúa Nhật XXIII TN, Năm A, Mt 18,15-20: Kiên trì trong việc sửa lỗi cho anh em (09/09)
-
Chúa Nhật XXIII TN, Năm A, Mt 18,15-20: Sửa lỗi cho nhau trong đức ái (09/09)