Suy niệm

CHIA SẺ LỄ CHÚA CHỊU PHÉP RỬA (M. Duy Khang)

Chúa chịu phép Rửa để nối kết giữa Thiên Chúa và con người, sẽ là hạnh phúc khi con người biết sống liên đới, biết sống yêu thương, bác ái, đùm bọc lẫn nhau trong cuộc sống.

 

Lc 3,15-16.21-22 

 

Ngày nay, khi chúng ta muốn đi vào một quốc gia nào đó thì điều kiện đầu tiên là phải có một thứ người ta gọi là passport. Hôm nay, Đức Kitô cũng muốn nói cho mọi người biết, muốn trở thành công dân nước trời thì điều kiện đầu tiên là phải chịu PHÉP RỬA. Đó cũng là ý nghĩa là Giáo hội cho chúng ta mừng kính hôm nay

Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu xuất hiện như là vị cứu tinh của thời đại mới. Bao nhiêu câu hỏi của dân chúng đã được đặt ra và thắc mắc về ông Gioan: Ông có phải vị cứu tinh của dân tộc, là Đấng Messia từng được mong đợi hay không? Ông Gioan trả lời thắc mắc của dân chúng qua việc giới thiệu Chúa Giêsu trong chính sứ vụ của Người. Vì Ông Gioan chỉ là người làm phép rửa trong nước, và làm phép rửa thống hối; còn Chúa Giêsu lại là người làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần và trong lửa. Nghĩa là thời đại cũ, thời chuẩn bị chấm dứt và thời đại mới bắt đầu và đang đến. Đức Giêsu chịu phép thanh tẩy không có nghĩa phải là để thú nhận tội lỗi, nhưng Người đến để tham dự vào tất cả lễ nghi theo luật dạy.

Hành trình ơn gọi của Chúa Giêsu từ khi Người sinh ra cho đến khi chịu phép rửa như sau: Sinh ra được 8 ngày, Người đã chịu phép cắt bì, rồi được dâng tiến cho Thiên Chúa tại đền thờ. Năm 12 tuổi, đã theo cha mẹ đi Giêrusalem dự lễ Vượt Qua. Hôm nay xuất hiện bên bờ sông Giođan, Người xin ông Gioan làm phép rửa. Chúa Giêsu thánh hóa dòng sông Giođan vì Người vừa là thần khí, vừa là xác phàm, nên Người muốn nhờ thần khí và nước để đưa chúng ta vào đạo. Phép rửa từ tay Gioan, Chúa Cha đã làm chứng và giới thiệu Chúa Giêsu cho nhân loại: “Con là Con của Cha; ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con”. Chúa Cha tấn phong Chúa Giêsu là Mêsia, nhưng theo kiểu một người Tôi Tớ đau khổ, đến gánh tội trần gian.“Đêm Giáng Sinh, Chúa Giêsu được sinh ra làm Người bởi một trinh nữ, thì hôm nay, Người được sinh ra trong bí tích của mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa” (St.Gm. Maximo).

Quả vậy, Chúa Giêsu đã không chỉ được giới thiệu bởi Gioan, Bây giờ Chúa Thánh Thần chứng nhân thần tính của Chúa Giêsu đến và ngự trên Người, vì Chúa Thánh Thần là Đấng cùng thần tính với Chúa Giêsu, khi ấy có tiếng từ trời vọng xuống để là chứng cho Đấng từ trời mà xuống: “Này là con Ta yêu dấu”. Cung cách này nói lên sự tấn phong Đức Giêsu là con Thiên Chúa và là Đấng cứu thế muôn dân mong đợi, khởi đầu cho sự nghiệp và công trình của Người. Qua cuộc thanh tẩy của Đức Giêsu gợi lại cho chúng ta thấy: Người xuống dưới nước như xác Người bị chôn trong mồ. Trời mở ra như bức màn của đền thờ bị xé. Thánh Thần đáp xuống với tiếng từ trời phán ra gợi lại việc Chúa phục sinh, ngự bên hữu Đức Chúa Cha và sai Chúa Thánh Thần xuống. "Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống và ngự trên Người." Chúa Giêsu đã được thụ thai nhờ Thánh Thần, nay Người lại nhận được Thánh Thần để bắt đầu sứ vụ. Thần Khí là bạn đường, hướng dẫn Người vào hoang địa, đưa Người đi giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh tật.

Người ta thường quan niệm rằng: ngày xưa khi con người phạm tội trời và đất bị đóng kín lại và Thiên Chúa không còn gần gũi với con người nữa. Ngày nay, Chúa Giêsu đến thì trời mở ra không còn khép kín và dọn đường cho Thánh Thần ngự xuống. Đây là thời cứu chuộc và là thời Thiên Chúa xé trời mà xuống với dân Người. Thật vậy, Trời mở ra, tức là giờ khai mạc thời được loan báo xưa kia, bây giờ đã đến với một giao ước mới bắt đầu dưới quyền lực của Chúa Thánh Thần. Đây cũng là dấu hiệu Thiên Chúa Cha muốn ngỏ lời với Chúa Giêsu, con yêu dấu của Người và qua Con chí ái của Người, muốn nói với chúng ta. Trời đã mở ra và không bao giờ đóng kín nữa. Thời của những kỳ công cho dân Chúa lại xuất hiện, mở ra do ý muốn của Thiên Chúa, mà bí ẩn siêu việt của Người để thiết lập quan hệ Cha Con với dân của Người, điều mà dân Chúa mong đợi nay đã đến với Chúa Giêsu.

Vâng! khởi đi từ đó, Mầu Nhiệm Thiên Chúa được vén mở, Thiên Chúa hiện diện, hành động, là bạn đồng hành và sống ở giữa con người như một người tôi tớ, để cứu độ con người. Từ đó cũng vén mở mầu nhiệm, về khuôn mặt của Thiên Chúa Cha: “Đấng giàu tình thương”. Chúa Giêsu chịu phép rửa, lại một lần nữa làm thành đỉnh cao của toàn thể mầu nhiệm Hiển Linh: Người được tiếng từ trời xác nhận là Con chí ái và được Thánh Thần ngự xuống làm Đấng quy tụ tất cả nhân loại về với Chúa Cha qua công cuộc cứu độ của Chúa con. Đất trời giao duyên, Người Tôi Tớ đau khổ bỗng hóa nên Người Con chí ái, làm đẹp lòng Chúa Cha mọi đàng.

Chúa Giêsu xuống dòng sông Giođan chịu phép Rửa, Người tỏ mình ra không chỉ là Đấng đã đến sống giữa con người, mà còn là Đấng sống cho con người bằng cách đón nhận vào mình đời sống thực thụ của con người, để trọn vẹn liên đới với con người về mọi mặt, kể cả mặt yếu đuối, tăm tối, đớn hèn, nhất là thân phận tội nhân. Chúa Giêsu ở giữa dân của Người, để Người ở đâu thì có dân của Người ở đó. Chúa Giêsu vô tội nhưng lại ở giữa những kẻ xưng thú tội lỗi mình. Đây là hình ảnh rõ nét nhất của Đấng gánh tội trần gian qua hình ảnh Chúa Giêsu là tôi tớ của Thiên Chúa Cha.

Khi nhận bí tích rửa tội, những người Kitô hữu, trở nên con của Thiên Chúa, con của Giáo Hội. Vì phép rửa là cho người ta nên công chính và được đồng hóa với Chúa Kitô, được chia sẻ trách nhiệm cứu thế của Người. Chính khi được nhận chìm trong dòng nước, tượng trưng cho sự chết, và trồi lên khỏi mặt nước, dấu chỉ sống lại, chiến thắng, chúng ta được đời sống mới trong Chúa Kitô. Chúng ta được sinh ra trong thế giới và được trở thành con cái Chúa qua bí tích Rửa tội và bí tích Thêm Sức, chúng ta mới thực sự dấn thân để xây dựng một thời đại mới, một trật tự mới trong đời sống Kitô hữu qua mầu nhiệm cứu chuộc của Chúa Giêsu. Hơn nữa, khi chịu phép rửa, chúng ta thuộc trọn về Chúa Ki tô, hoàn toàn kết hợp với Người vì đã được biến đổi theo hình ảnh Người. Do đó, người Kitô hữu phải chu toàn nhiệm vụ đời sống trần thế là bổn phận làm con cái Thiên Chúa: Nghĩa là giữa cuộc sống đời và cuộc sống đạo, giữa phận làm con người và phận làm con Chúa, giữa sự sống nhân linh và sự sống thiên linh. Hành vi của Chúa Giêsu nhận lãnh phép rửa sám hối, làm đẹp lòng Thiên Chúa. Người khiêm tốn, liên đới với người nghèo và người tội lỗi, là cung cách hành xử của Thiên Chúa khi Người thực hiện đúng ý định của Thiên Chúa Cha. Vì vậy, Chúa Giêsu luôn tìm kiếm ý Thiên Chúa vì "Của ăn của Ta là làm theo ý Đấng đã sai Ta" (Ga 4,34). Chúa chịu phép Rửa để nối kết giữa Thiên Chúa và con người, sẽ là hạnh phúc khi con người biết sống liên đới, biết sống yêu thương, bác ái, đùm bọc lẫn nhau trong cuộc sống.

Hôm nay Phụng Vụ khép lại Mùa Giáng Sinh, đồng thời mở ra Mùa Thường Niên. Không còn nữa những tưng bừng bên ngoài, nhưng vẫn có đó một sâu lắng niềm vui. Hơn thế nữa, phụng vụ hôm nay cũng gợi cho ta nhớ lại ngày ta nhận lãnh ơn gọi cao quý qua bí tích rửa tội. Nơi Chúa Giêsu, một Con Chiên vô tội đã tự hạ, xếp mình ngang hàng với những tội nhân hèn mọn. Nơi Chúa Giêsu là điểm hẹn giữa thiên tính và nhân tính để mở ra mùa cứu độ, cũng thế đời Kitô hữu là sống ơn thánh Chúa trong kiếp người mỏng giòn để vươn tới hạnh phúc.  Qua bí tích thanh tẩy, người Kitô hữu được dìm vào sự chết và sống lại của Đức Kitô và trong Chúa Thánh Thần. Phép thanh tẩy này không chỉ là một nghi lễ tẩy sạch tội tổ tông, mà còn là một biến cố mở đầu cho một kỷ nguyên mới, một cuộc đấu tranh để chiến thắng tội lỗi. Bởi vậy, chúng ta được mời gọi hãy tỏa sang cùng với Chúa Kitô qua bí tích Rửa tội. Chúa Kitô được dìm xuống nước, chúng ta hãy cùng xuống để cùng lên với Người. Như lời Thánh Tông Đồ nói: “Bất cứ ai trong an hem được thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô, điều mặc lấy Đức Ki tô” (Gl 3,27).

Về phần chúng ta, chúng ta có đủ khiêm tốn nhận ra con người bất toàn của mình mà sống cố gắng, sống thật sung mãn trong ơn gọi qua bí tích Rửa tội hay không? Bí tích Rửa tội ghi ấn tích vĩnh viễn nơi tâm hồn chúng ta, một ấn tích không thể xóa nhòa. Chính vì thế, chúng ta phải có bổn phận phát huy và sống thật trọn vẹn trong ơn gọi này.  Như thế, con đường cứu rỗi là một sự lựa chọn dứt khoát: chọn Thiên Chúa thay vì ma quỷ, chọn điều thiện thay vì điều ác. Chính vì thế, bí tích Rửa tội không phải chỉ là một bí tích được chịu một lần rồi thôi, mà còn là chính cuộc sống người Kitô hữu nữa. Hôn nay, chúng ta hãy đem lòng tôn kính mà tưởng niệm ngày Chúa Giêsu chịu phép rửa và hãy mừng lễ này cách xứng đáng (x. Kinh Sách, bài đọc 2, Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa)

 

M. Duy Khang

Thiết kế Web : Châu Á