Suy niệm

Chia sẻ ĐẠI LỄ ĐỨC MẸ KHIẾT TÂM, Bổn mạng Đan viện.

Trái Tim Chúa Giê-su và Trái Tim của Mẹ Maria cùng nhịp đập tình yêu dành cho con người.

 

 

 + ĐỌC TIN MỪNG: Lc 2,41-51

Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết. Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm.
Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu. Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: "Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con! " Người đáp: "Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao? " Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.
Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.

 

+ SUY NIỆM

Liền sau Lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su, Giáo Hội tiếp tục cho chúng ta mừng kính Trái Tim vẹn sạch của Thân Mẫu Con Thiên Chúa, là Mẹ Maria.

Nếu Trái Tim Chúa Giê-su được gọi là nguồn mạch của Tình Yêu, thì Trái Tim Mẹ Maria là “máng thông ơn” trung chuyển Tình Yêu từ Chúa Giê-su đến cho nhân loại cách sung mãn nhất. Nếu Trái Tim Chúa là Lòng Thương Xót và sự che chở, thì Trái Tim Mẹ Maria là Tình Mẫu Tử và cảm thông với nhân loại đau khổ. Nếu Trái Tim Chúa đã chịu lưỡi đòng đâm thâu cách hữu hình để khơi Nguồn Suối Cứu Độ, thì Trái Tim Mẹ cũng chịu gươm đâm thâu cách vô hình để hiệp thông cứu chuộc loài người. Tắt một lời, Trái Tim Chúa Giê-su và Trái Tim của Mẹ Maria cùng nhịp đập tình yêu dành cho con người.

Bài Tin Mừng lễ Mẹ Khiết Tâm hôm nay như là một bức họa chân dung ba vị đại thánh là Thánh Giuse, Mẹ Maria và Chúa Giê-su, nhưng vì là ngày lễ kính Trái Tin Mẹ, chúng ta được mời gọi chiêm ngưỡng một đặc tính đặc biệt của Mẹ đó là Chiêm Niệm, qua câu: “Riêng Mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2,51b).

 

Mẹ Maria sống với đôi mắt luôn nhìn vào Chúa Kitô và luôn đón nhận lời Người như kho tàng của mình. Những kỷ niệm về Chúa Giêsu ghi khắc trong lòng Mẹ, đồng hành với Mẹ trong mọi hoàn cảnh, Mẹ luôn nhìn lại những thời điểm cuộc đời mình được sống bên Chúa Giêsu . Từ đó Mẹ sống một cách âm thầm trong sự chiêm ngắm mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa, Mẹ không vênh vang về đặc ân của mình, nhưng hầu như rút vào thinh lặng, và có lẽ như vậy mà sau những trình thuật thời thơ âu của Chúa Giêsu, hầu như các Tin Mừng rất ít nói về Mẹ.

Có thể nói, Mẹ Maria sống âm thầm bằng cách không xuất hiện giữa công chúng, ít nhất khi không cần thiết. Và khi cần, Mẹ Maria tức khắc có mặt, nhưng chỉ hiện diện như người phục vụ, chứ không phải như kẻ có quyền để sai khiến. Điều này thật rõ ràng trong tiệc cưới Cana, nơi cho thấy một hình ảnh trung thực về vai trò của Mẹ. Nơi đó, tác giả Tin Mừng thứ tư cũng ghi nhận sự can thiệp kín đáo của Mẹ qua những lời lẽ tế nhị, gọn gàng chính xác (x. Ga 2).

Maria là mầu nhiệm của Thiên Chúa. Nếu theo sự thường, mặc khải là vén mở những điều ẩn giấu bằng lời nói và hành động, thì nơi Mẹ Maria, Thiên Chúa mặc khải bằng sự che giấu. Không phải bằng lời nói hay hành động nhưng bằng thinh lặng và chiêm ngưỡng. Có thể nói, mặc khải bằng lời nói và thinh lặng là phương thế dành cho đại chúng. Nhưng mặc khải bằng sự âm thầm và thinh lặng là phương thế ưu việt dành cho những linh hồn đặc tuyển.

 

Mẹ Maria chiêm ngắm chính thần tính (Chúa Giêsu) mà Mẹ mang trong mình, thần tính đó được kết hợp với xương thịt mình trong ngôi vị là Con Thiên Chúa. Trong Đức Kitô nguồn mọi sự khôn ngoan thông hiểu (x. Cl 2, 3); thế mà Người ở trong Mẹ Maria, nên trong Mẹ đã được che dấu mọi kho tàng khôn ngoan và thông hiểu.

Cũng có thể nói Mẹ Maria là một nhà chiêm niệm, Mẹ chiêm ngắm vinh hiển của Chúa Ba Ngôi trong Con Một Thiên Chúa mà Mẹ sinh ra từ xác thịt Mẹ. Chúa Kitô tỏ cho biết làm sao sự vinh hiển của Chúa Ba Ngôi được biểu lộ trong lúc chiêm niệm khi Người nói: “Không ai biết Con trừ ra Cha, cũng như không ai biết Cha trừ ra Con và kẻ mà Con mặc khải cho” (Mt 11, 27). Thế mà Chúa Giêsu đã từng mặc khải Chúa Cha và chính mình với tư cách là Con cùng Chúa Thánh Thần cho nhiều người, phương chi cho chính Mẹ mình, vì lòng trong sạch của Mẹ vượt hẳn mọi người, xứng đáng chiêm ngắm Thiên Chúa. “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14, 9). Không ai thấy Chúa Giêsu bằng Mẹ Người đã sinh ra Người do chính xác thịt mình. Cũng thế, khi Chúa Giêsu nói với các Tông Đồ: “Tất cả những gì Thầy đã nghe được nơi Cha của Thầy, thì Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15, 15). Thiết nghĩ, nếu Chúa Giêsu đã mặc khải mọi sự cho các Tông đồ, thì lẽ nào Người lại giấu không mặc khải cho Mẹ Người là “Nữ Vương các Tông Đồ”?

 

Tóm lại, nơi Trái Tim tinh tuyền của Mẹ Maria có mọi ơn lành của Thiên Chúa để thông truyền cho những ai chạy đến với Mẹ. Và cũng nơi Mẹ, vì Chúa Giê-su đã cho mẹ được hiểu biết tròn đầy về Thiên Chúa nhờ sự chiêm niệm – chiêm ngắm Người, thì giờ đây Mẹ cũng tỏ ra hết cho những ai học với Mẹ để hằng ngày suy niệm Lời Chúa – suy đi nghĩ lại trong lòng.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con khi kính nhớ trái tim vẹn sạch của Thân Mẫu Ngài, thì cũng biết noi gương Mẹ mà gìn giữ trái tim mình cho trong sạch hầu dành riêng cho Chúa và để hiệp thông cứu độ các linh hồn. Amen.

 

Hiền Lâm.

Thiết kế Web : Châu Á