Suy niệm

CHIA SẺ CHÚA NHẬT XXIII, THƯỜNG NIÊN, NĂM B: "BỆNH CÂM ĐIẾC TÂM HỒN" (Minh An)

Chúng ta cũng thực sự bị điếc lác, khi không chịu nghe tiếng kêu ai oán đầy đau khổ của tha nhân, nhất là những người bị áp bức bóc lột, những người nghèo khổ, bị đẩy ra bên lề xã hội. Và chúng ta cũng thực sự bị “câm” khi không dám mở miệng tuyên xưng Thiên Chúa, ca khen danh Người và rao giảng Tin Mừng tình yêu của Chúa cho tha nhân. Đó mới là thứ câm- điếc nguy hiểm thật sự!

 

Mc 7, 31-37

"BỆNH CÂM ĐIẾC TÂM HỒN"

Minh An

Thiên Chúa là Thiên Chúa của lòng xót thương, Người luôn thi ân, giáng phúc cho loài người. Ơn phúc của Người ban sẽ làm cho con người bừng sáng lên và được biến chuyển từ khổ đau sang hạnh phúc tuôn trào. Ngôn sứ Isaia như đã cảm nghiệm  được ơn phúc từ Chúa ban, nên loan báo cho mọi người biết để đón nhận ơn phúc đó.

Quả thế, ở bài đọc thứ nhất, trích sách ngôn sứ Isaia, là nguồn suối ân sủng của Thiên Chúa trào tràn xuống cho loài người làm cho những kẻ đui mù được sáng mắt; người què được lành lặn để nhảy múa; người câm được mở miệng ra để ca hát reo hò... vì nguồn ơn phúc được trào tràn thành suối mát trong sa mạc để tắm gội loài người và đưa loài người ta đạt đến hạnh phúc trong ý định của Thiên Chúa (x.Is 35, 4-7).

Nguồn ơn phúc đó còn tiếp tục trào tràn và diễn tiến sau khi Đức Giêsu, Con Thiên Chúa xuống thế làm người, để tiếp tục ban ân sủng cho chúng ta. Nhờ Ân Ban đó, con người được sáng mắt, sáng lòng, sáng trí… để mở miệng ca khen Thiên Chúa và loan giảng Tin Mừng tình yêu của Người.

Thật vậy, bài Tin Mừng Chúa Nhật XXIII hôm nay, thánh sử Marcô tiếp tục ghi lại cho ta biết câu chuyện đầy cảm xúc, vì Thiên Chúa tiếp tục thi ân giáng phúc cho loài người, qua công việc rất tốt đẹp mà dân chúng cất lời ca khen khi Người cứu chữa cho một người vừa bị điếc vừa bị ngọng được khỏi hẳn. Nhưng lần cứu chữa này cũng rất khác thường, Chúa kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai, và nhổ nước miếng và bôi vào lưỡi của anh, rồi ngước mắt lên trời kêu một tiếng “Ep-pha-tha”, lập tức anh được khỏi bệnh điếc và ngọng.

Nhìn theo hướng mở phàm nhân, có thể nói, Chúa Giêsu là một bác sĩ, hay một lương y rất khác thường; khác thường, vì chữa bệnh theo ý muốn của mình, không cần thuốc men hay dụng cụ y khoa tân tiến nhất. Chúa Giêsu chỉ cần kéo người bệnh riêng ra một bên tách khỏi đám đông. Và phải chăng Chúa Giêsu làm hành động này để “dấu nghề” hay để khỏi đám đông hiểu sai về Người? Có lẽ bí mật Đấng thiên sai đang được giữ kín? Hành động tiếp theo, Chúa đặt ngón tay vào tai, lấy nước miếng bôi vào lưỡi của bệnh nhân; một hành động kỳ quặc, nếu không nói là phản y khoa, mất vệ sinh, có lẽ một bác sĩ giỏi của thời hiện đại này chẳng ai dám làm như thế! Nhưng Chúa lại làm được và có kết quả.

Thực ra, việc đặt tay, bôi nước miếng chỉ là biểu tượng, hay tượng trưng, gợi ý cho người tàn tật biết rằng, họ có thể được chữa lành. Nhưng hơn thế nữa, chính cử chỉ Chúa Giêsu đã làm, để nói lên phẩm giá của “Thân xác” con người, là dụng cụ tuyệt vời để liên lạc yêu thương, và cũng nói lên sự trìu mến yêu thương của Chúa Giêsu dành cho người tàn tật. Kế đến, Người ngước mắt lên trời than thở một tiếng: “ Ep-pha-tha” hãy mở ra! Là nhằm nói lên tính duy nhất, hiệp nhất với Chúa Cha trong mọi công việc Chúa Giêsu đã làm: “Cha Ta hằng làm việc,thì Ta cũng làm việc” (Ga 5, 17); Và cũng nhằm nói lên lòng thương cảm của Chúa Giêsu dành cho bệnh nhân. Như thế, có thể nói Chúa Giêsu là một “siêu bác sĩ” hay là một y sĩ “quái dị, khác thường”. Người chữa bệnh theo ý muốn của mình, theo lòng thương xót của Thiên Chúa, và biểu dương quyền năng trong sự hiệp nhất với Chúa Cha.

Chúa Giêsu đã thực hiện một phép lạ “khác thường” do lòng thương xót của Người. Người đã làm cho con người từ bất hạnh, đau khổ cả thể xác, cũng như tinh thần trở thành niềm vui và hạnh phúc. Người đã giúp cho con người được hiệp thông trọn vẹn với Người và với tha nhân, được nghe lời của anh em mình và đối đáp trong tình thân với nhau, được nghe tiếng Chúa và mở miệng ca tụng Danh Người:  Ông ấy làm gì cũng tốt đẹp cả” (Mc 7, 37).

Nói và nghe là hai khả năng rất quan trọng trong đời sống của mỗi người chúng ta. Nói, là truyền thông những tư tưởng, là tiếp xúc với thế giới bên ngòai… Nghe, là để đón nhận những thông tin. Nếu người ta không nói được, cũng chẳng nghe được gì cả thì cuộc đời của con người ta quả là “tăm tối” biết bao!

Có khi, chúng ta không bị điếc, cũng chẳng bị câm về thể lý nhưng lại bị câm và điếc về tâm linh, về tinh thần. Hay nói khác đi, chúng ta bị điếc có “chọn lọc”, bị câm theo ý muốn. Chúng ta cố điếc để không phải nghe tiếng Chúa, không phải nghe những lời giáo huấn dạy dỗ của Giáo Hội, của bề trên, ông bà, cha mẹ… không nghe những lời hay ý đẹp của vợ chồng, anh chi em, bạn hữu… đó là ta bị điếc có “chọn lọc”. Ta cũng bị câm theo ý muốn để không phải cất lời ca tụng Chúa, không phải lên án những sai trái bất công, không phải nói điều hay lẽ phải giúp ích cho tha nhân… nhưng luôn xuyên tạc sự thật, nịnh hót, nói xấu… làm cho tha nhân bất hạnh. Đó là bệnh CÂM và ĐIẾC đầy nguy hiểm!

Nhưng còn nguy hiểm hơn nữa trong đời sống đức tin, là khi chúng ta cố tình bịt tai lại trước sứ điệp Thiên Chúa muốn truyền đạt cho chúng ta qua trung gian là Giáo Hội và những người được tuyển chọn đại diện cho Hội Thánh. Chúng ta cũng thực sự bị điếc lác, khi không chịu nghe tiếng kêu ai oán đầy đau khổ của tha nhân, nhất là những người bị áp bức bóc lột, những người nghèo khổ, bị đẩy ra bên lề xã hội. Và chúng ta cũng thực sự bị “câm” khi không dám mở miệng tuyên xưng Thiên Chúa, ca khen danh Người và rao giảng Tin Mừng tình yêu của Chúa cho tha nhân. Đó mới là thứ câm- điếc nguy hiểm thật sự!

Vậy nên, chúng ta nài xin Chúa ban cho chúng ta có một tâm hồn thanh sạch, để đón nhận lòng thương xót của Chúa, biết “Nói Đúng” và “Nghe Đúng”. Nhất là, xin Chúa giúp chúng ta không bị rơi vào căn bệnh “ “CÂM” và “ĐIẾC” của tâm hồn, nhưng luôn lắng nghe và thi hành sứ điệp của Thiên Chúa, đồng thời ca khen danh Người và loan truyền Tin Mừng tình yêu cho nhân loại.

Minh An.

Thiết kế Web : Châu Á