Suy niệm

CÁC BÀI CHIA SẺ TM TUẦN VI THƯỜNG NIÊN, 2019 (Hiền Lâm)

PHÚC HỌA HỆ TẠI Ở VIỆC TRAO BAN

 

CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN, NĂM C

 

THỨ HAI TUẦN VI THƯỜNG NIÊN

THỨ BA TUẦN VI THƯỜNG NIÊN

THỨ TƯ TUẦN VI THƯỜNG NIÊN

THỨ NĂM TUẦN VI THƯỜNG NIÊN

 

THỨ SÁU TUẦN VI THƯỜNG NIÊN

Ngày 22/02: Lập tông tòa thánh Phêrô. Lễ kính

 

THỨ BẢY TUẦN VI THƯỜNG NIÊN

 



 

CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN 

NĂM C

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 6, 20-26

Đức Giê-su ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói:

"Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó,

vì Nước Thiên Chúa là của anh em.

"Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói,

vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng.

"Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc,

vì anh em sẽ được vui cười.

"Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế.

"Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi.

"Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói.

"Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than.

"Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế.

 

II. SUY NIỆM

PHÚC HỌA HỆ TẠI Ở VIỆC TRAO BAN

Bài giảng được kể là HIẾN CHƯƠNG NƯỚC TRỜI trong Tin Mừng Matthêu kể ra 8 cái phúc (Bát Phúc), hôm nay đến lượt Tin Mừng Luca thu lại chỉ còn 4 cái phúc và 4 cái khốn.

  • Theo Matthêu, đây là Bài giảng trên núi, bao gồm 8 mối phúc thật, nhấn mạnh đến sự “ nghèo khó tâm linh”, sự đói khát công lý, sự đau khổ nội tâm: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó…”  Còn Luca, đây là bài giảng ở chỗ đất bằng, trình bầy 4 lời chúc phúc kèm theo 4 cái khốn, như những phản đề đối chiếu dành cho người nghèo và kẻ giầu, người đói khát và kẻ no đầy. Đó là hai thành phần xã hội, hai giai cấp đối chọi nhau mà Tin mừng muốn mô tả và để cho người tín hữu lựa chọn.
  • Bốn mối phúc và bốn cái khốn trở thành 4 cặp song đối với nhau:

-Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó // Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có.

-Đói khát // no nê.

-Khóc lóc // vui cười.

-Bị bách hại // được trọng vọng ca tụng.

Nhưng tại sao nghèo khó, đói khát, khóc than và bị bách hại lại là phúc? Và tại sao giàu có, no nê, vui cười và được trọng vọng thì lại là hoạ?

 

1, Phúc cho anh em là những người nghèo khó…

Matthêu đã tâm linh hóa khi diễn tả: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó” ! Còn Luca thì nói về những người nghèo thực sự, đói khát thực sự, đau khổ thực sự trong thân xác, là người thiếu thốn của cải vật chất, người không có quyền lực cũng như ảnh hưởng, người bị bóc lột. Và vì không có của cải, sống bơ vơ, không được che chở nên họ chỉ còn biết đặt trọn niềm tín thác vào Chúa.

- Cần hiểu rằng Chúa Giêsu không chủ trương đói khát và cùng khốn, nhưng Chúa rất yêu thương những thân phận nghèo khó vì họ tin thác vào sự quan phòng của Người. Hơn nữa, trong kiếp sống nghèo, họ đã phải chịu thua thiệt nhiều hơn, nên Chúa sẽ bù đắp Nước Trời cho họ cũng là phải lẽ, dĩ nhiên cái nghèo này không do sự biếng nhác mà có thể vì thiếu may mắn, nhất là do bị áp bức vì dám sống thật và trung thực trong việc làm.

Đức Giêsu đang ám chỉ đến những người thiếu thốn, người thấp cổ bé miệng, những người không ai che chở vì thế họ chỉ còn biết tin cậy vào Chúa. Như thế, người nghèo khó được chúc phúc mà Đức Giêsu muốn nói, chính là những người nhận thức được rằng họ không thể tìm được hạnh phúc cậy dựa vào của cải vật chất đời này. Và từ đó họ sẽ tìm kiếm hạnh phúc chỉ ở nơi Chúa.

-Những người giầu thì có xu hướng dựa vào của cải họ có. Đối với họ, chính thế gian này mới quan trọng. Thiên Chúa không ít thì nhiều cũng thừa thãi, và đời sau thì xa vời và mơ hồ. Nhất là khi lo chạy theo lòng tham không đáy, họ càng dễ dấn sâu vào việc làm phi pháp vì lợi nhuận, tự nó không đẹp lòng chúa và gây phản chứng cho đời sống đạo.

Lại nữa, người giàu lại muốn giàu thêm nên ngày đêm chỉ lo tính toán không còn chỗ và còn thời gian dành cho Chúa, tệ hơn vì lòng tham họ càng ngày càng trở nên keo kiệt bủn xỉ và không còn biết yêu thương chia sẻ.

Cuối cùng, khi đã giàu rồi thì lo hưởng thụ và tự đắc tự hào vênh vang về mình và dễ khinh dể kẻ khác. Họ nghĩ mình đã đầy đủ nên không cần đến Chúa…

Như vậy, lời chúc “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó”, không có nghĩa là ta tìm  sự thiếu thốn vật chất, nhưng có một giá trị nội tâm, nó giải thoát chúng ta khỏi mọi ràng buộc với của cải trần thế, và mở rộng lòng mình ra trước sự giàu có tinh thần. Chúa Giêsu đã sinh ra trong cảnh nghèo hèn, và đã chết trần trụi trên Thập Giá để mang lại ơn cứu độ, hạnh phúc đời đời cho chúng ta.

 

2, Phúc cho anh em bây giờ phải đói khát…

Về vấn đề này, thánh Luca cũng chép là một sự đói khát thực tế chứ không phải sự đói khát công chính như thánh Matthêu, nghĩa là không phải chuyện tâm linh mà là đói cái ăn cái mặc. Việc này như là mở rộng của lời chúc phúc thứ nhất, nhưng với một mức độ sâu hơn. Cái nghèo thì bao hàm những thiếu thốn chung, nhưng khi nói đến đói cái ăn thì chạm nay đến sự tồn tại, đến mạng sống. thật vậy, có thể sống nghèo, nhưng không ai sống được nếu phải nhịn đói.

Hình ảnh đối lập giữa những người ăn chơi tiền tỉ bên cạnh những người thoi thóp cần miếng bánh lót dạ cho qua ngày vẫn hằng ngày đập vào mắt chúng ta. Chúa ở bên người đói khát nhưng cũng nhìn thấy kẻ xa xỉ ăn chơi. Chúa nhận ra nỗi đau của kẻ đói để an ủi họ trong ngày phán xét, nhưng cũng khốn nạn cho kẻ no nê mà không biệt đồng loại mình đang chết đói. Đó cũng là ý nghĩa của lời phúc và khốn cho người đói - kẻ no nê.

 

3, Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc lóc…

Theo Chúa thì luôn có thập giá trên vai mà vác, nghĩa là thử thách không thể thiếu trong cuộc đời kitô hữu. Nhưng rồi chính Chúa sẽ lau khô dòng lệ cho những ai theo Người (x. Kh 21,3). Chính Chúa Giêsu cũng chảy nước mắt vì thành Giêrusalem sẽ sụp đổ, khóc thương Lazarô bạn Ngài chết và đổ mồ hôi máu khi nhìn thấy viễn cảnh thập giá dành cho Ngài. Cuộc đời Kitô hữu cũng sẽ phải khóc cho thế giới hư hoại, khóc cho nội đau của đồng loại và khóc vì thập giá nặng trên vai. Con Thiên Chúa đã khóc và chúng ta cũng khóc, nhưng sự khóc lóc đó sẽ biến thành niềm vui trong Chúa và Chúa Giêsu giúp chúng ta vượt qua đau khổ, biến nó thành nguồn mạch của niềm vui trong Nước Trời.

Ngược lại, con người ngày chạy theo những đam mê truỵ lạc, bày ra đủ trò tiêu khiển vui chơi… Họ đã được vui cười, nhưng sự vui cười này đã xô đổ mọi chuẩn mực luân lý và không còn ý thức về tội. sự vui cười đó đã đẩy họ xa dần Thiên Chúa và đi tới sự khóc lóc đời đời trong hoả ngục.

 

4,  “ Phúc thay cho anh em khi vì con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị khai trừ như đồ xấu xa…”.

Ngày xưa, các thánh Tử Đạo thường được vua chúa hứa nếu bỏ đạo sẽ được trọng thưởng cho hưởng chức tước vinh hoa bổng lộc (nghĩa là được trọng vọng và ca tụng), còn nếu không bỏ thì sẽ bị lăng nhục và giết chết. Dưới cái nhìn đức tin, chúng ta thấy các thánh đã chọn “cái phúc” là chịu bách hại và từ chối “cái khốn” là được ca tụng.

Ngày nay cũng thế, để được vinh thân phì gia và đương nhiên có chức có quyền có giàu sang thì được ca tụng, không ít người Công Giáo đã không ngại “chối Chúa” là từ bỏ lề luật, bỏ đạo để bán mình cho “tà thần”(…). Nhẹ hơn, không ít người giấu diếm để khỏi người khác biết mình là người Công Giáo vì sợ bị chê cười hoặc bị kỳ thị trong công việc… Còn những ai dám sống thật và dám làm chứng cho Chúa và cho sự thật thì cái giá họ phải trả là chịu bách hại đủ đường từ chính thể chế chúng ta đang sống cũng như mất đi những cơ hội tiến thân…

 

TÓM LẠI: Tin Mừng hôm nay cảnh giác chúng ta: Giàu có nhưng tham lam, ích kỷ là cái giàu vô phúc, no nê để nuông chiều xác thịt, mù quáng trước tiếng gọi thiêng liêng thì đó là sự no nê bất hạnh, vui cười mà xao lãng việc đạo đức,  những bổn phận của đời sống siêu nhiên, chuẩn bị cho đời sống vĩnh hằng, thì đó là vui cười bất hạnh, được mọi người ca tụng cũng không chắc là được hạnh phúc, vì lòng con người thay đổi, nay hoan hô mai đả đảo cách dễ dàng, hơn nữa, cứ mải miết cho người ta ca tụng là làm nô lệ cho danh vọng, và sẽ sao lãng việc làm vinh danh  Thiên Chúa, là bổn phận làm người và làm con Chúa. Khi chê trách sự giàu có, vui cười v.v. Chúa Giêsu có ý chê trách thái độ sống của họ theo kiểu thế gian, làm cản trở việc đi vào Nước Trời.

 

Lạy Chúa Giêsu, các mối phúc theo Tin Mừng hướng chúng con đến với Chúa và tha nhân, chứ không phải chỉ sống ích kỷ cho riêng mình. Xin cho chúng con nhờ sống vì Chúa và sống cho người khác mà chúng con cảm nhận được hạnh phúc thiêng liêng và đích thực, để chúng con biết vượt lên những khó khăn mà sống một cuộc đời thanh tao giữa vũng lầy tội lỗi. Amen.

 

 

THỨ HAI TUẦN VI THƯỜNG NIÊN 

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 8,11-13

Những người Pha-ri-sêu kéo ra và bắt đầu tranh luận với Đức Giê-su, họ đòi Người một dấu lạ từ trời để thử Người. Người thở dài não nuột và nói: "Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ? Tôi bảo thật cho các ông biết: thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả." Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền qua bờ bên kia.

 

II. SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện nhóm biệt phái đòi dấu lạ để thử Chúa Giêsu, nhưng Người đã không chiều theo sở thích của họ, vì như vậy sẽ làm cho dân chúng hiểu sai về sứ vụ Thiên Sai của Người:

 

- Vấn đề phép lạ - dấu lạ.

Đành rằng trong công cuộc truyền giáo, Chúa ban cho một số chứng nhân của Người có khả năng làm một số phép lạ hay dấu lạ để minh chứng lời rao giảng và nâng đỡ niềm tin cho người nghe, nhưng phép lạ hay dấu lạ không là điểm chính yếu và đóng vai trò quyết định cho việc đón nhận Lời Thiên Chúa. Vì như thế sẽ tầm thường hoá niềm tin và hậu quả là sự hời hợt không có chiều sâu cũng như không có sự yêu mến đích thực. Thánh Phaolô từng dạy rằng, đã trông thấy rồi mới tin thì không còn là đức tin nữa, nói cách khác chỉ là sự bất đắc dĩ phải chấp nhận khi chuyện đã tỏ tường mà thôi. Thiên Chúa ban phép lạ hay dấu lạ là do lòng nhân hậu của Người và có giá trị trong chương trình cứu độ, chứ không chiều theo sở thích của con người đòi hỏi Người phải ban dấu lạ điềm thiêng.

Thật vậy, một đức tin trưởng thành không hệ tại ở dấu lạ, mà là kiên trì trong thử thách và sự trung tín bền vững vào Chúa. Đó mới là điều hữu ích cho linh hồn tín hữu.

 

- Sự cứng lòng và thử thách Thiên Chúa.

Xuyên suốt Tin Mừng, chúng ta thấy dân chúng luôn lũ lượt theo Chúa Giêsu để nghe rao giảng và được chữa lành. Dân trầm trồ thán phục và ca tụng kỳ công của Thiên Chúa. Nhưng cứ hễ có sự xuất hiện của nhóm biệt phái là xảy ra những tranh luận, vì ý đồ của họ không phải là tìm kiếm Chân Lý mà là ganh ghét tìm cách bắt bẻ lời rao giảng và công việc của Chúa Giêsu làm. Mặc dù Chúa Giêsu đã làm biết bao phép lạ chữa lành bệnh tật và xua trừ ma quỷ vượt quá mọi khả năng tự nhiên và khoa học, nhưng họ vẫn cứng lòng không tin, lại còn đòi một dấu lạ từ trời. Hành động của họ đã làm Chúa Giêsu ngao ngán thở dài vì thế hệ gian tà chai đá của họ.

Thực ra, từ thời Cựu Ước, dân Do-thái vẫn luôn có thái độ thách thức Thiên Chúa, dù họ đã chứng kiến bao dấu lạ điềm thiêng Thiên Chúa làm từ khi Xuất Ai Cập cũng như hành trình 40 năm trong sa mạc, đến cả Môisê cũng phải thốt lên trước mặt Chúa rằng, ông đang phải lãnh đạo một dân cứng đầu cứng cổ, và Chúa cũng đã phán rằng: “Tổ phụ các ngươi đã từng thách thức và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm. Suốt bốn mươi năm, dòng giống này làm Ta chán ngán, Ta đã nói: Đây là dân tâm hồn lầm lạc” (Tv 95,9-10).
Đó cũng là thực trạng của nhiều người trong chúng ta ngày hôm nay, trước lời mời gọi của Chúa hằng ngày trong Thánh Lễ, chứng kiến bao kỳ công Chúa làm qua vũ trụ thiên nhiên và qua những dấu chỉ của thời đại… vẫn cứng lòng thờ ơ không hối cải ăn năn.

 

Lạy Chúa Giêsu, niềm tin đích thực không dựa trên những điềm thiêng dấu lạ, nhưng hệ tại ở lòng yêu mến. Xin cho chúng con luôn tin chắc chắn rằng Chúa hiện hữu và hiện diện mọi nơi trong các bí tích, trong Lời Chúa, trong thiên nhiên, trong các dấu chỉ của thời đại và trong đời sống hằng ngày, để chúng con thêm can trường và yêu mến Chúa hơn. Amen

 

 

THỨ BA TUẦN VI THƯỜNG NIÊN 

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 8,14-21

Các môn đệ quên đem bánh theo; trên thuyền, các ông chỉ có một chiếc bánh. Người răn bảo các ông: "Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pha-ri-sêu và men Hê-rô-đê! " Và các ông bàn tán với nhau về chuyện các ông không có bánh. Biết thế, Người nói với các ông: "Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh? Anh em chưa hiểu chưa thấu sao? Lòng anh em ngu muội thế! Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư? Anh em không nhớ sao: khi Thầy bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu thúng đầy mẩu bánh? " Các ông đáp: "Thưa được mười hai." "Và khi Thầy bẻ bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu giỏ đầy mẩu bánh? " Các ông nói: "Thưa được bảy." Người bảo các ông: "Anh em chưa hiểu ư? "

 

II. SUY NIỆM

Hôm nay, sau phép lạ hoá bánh ra nhiều, cùng với việc từ chối tranh luận với nhóm biệt phái về dấu lạ, Chúa Giêsu bảo các môn đệ mau chèo thuyền qua bên kia bờ biển hồ Galile hướng Betsaiđa. Người dùng những phút rảnh rỗi riêng tư để trắc nghiệm niềm tin đồ đệ về những phép lạ Người đã thực hiện, đặc biệt là phép lạ hóa bánh ra nhiều.

Tiếc là các môn đệ không hiểu cách nói bóng bẩy của người về “men”, lòng các ông nặng nề bận tâm lo chuyện bánh ăn vật chất, mà quên đi sự tín thác vào Thầy.

Đành rằng hai vấn đề cốt yếu cho sự sống thể xác con người vẫn là lo cái ăn và lo cho chỗ đứng của mình, nhưng Chúa Giêsu đòi hỏi những người theo Người cần có một thái độ xác tín vào phó thác vào Người hơn. Chính vì vậy mà Người không ngần ngại quở trách các môn đệ. Tin Mừng tường thuật hai lần Chúa Giêsu quở trách các môn đệ đều liên quan đến chuyện cái ăn và chỗ đứng. Chúa Giêsu từng quở trách khi các ông lo cãi nhau ai là người lớn nhất, Chúa càng quở trách các ông nặng nề hơn khi các ông cứ lo chuyện không mang bánh theo, dù trước đó đã được chứng kiến hai lần Chúa hoá bánh: 

"Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh? Anh em chưa hiểu chưa thấu sao? Lòng anh em ngu muội thế! Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư? (Mc 8,17-18).

Đó cũng chính là điều mà Chúa cảnh giác các môn đệ đừng để bị nhiễm theo thói giả hình của Biệt Phái và nhóm Hêrôđê. Khi cảnh giác các môn đệ phải tránh men của Biệt Phái và men của Hêrôđê, Chúa Giêsu còn có ý ám chỉ đến sự mù quáng và những thành kiến của họ, chúng như men – là chất xúc tác làm hư hoại những ai để cho mình lây nhiễm thói kiêu căng, ham hố trục lợi cho mình. Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ hãy ra khỏi những bận tâm vật chất ấy để hiểu được ý nghĩa các phép lạ, vượt lên những bận tâm vật chất để đi vào chiều sâu sứ điệp của Người. Ðiều đó cũng có nghĩa là tin vào quyền năng Chúa và hoàn toàn phó thác cho Người. 

Như vậy, qua những gì Chúa Giêsu dạy các môn đệ, sứ điệp căn bản mà Tin Mừng ngày hôm nay gửi đến cho chúng ta là phải vượt lên trên những lo toan vật chất cách thái quá mà lấn át hết cả đời sống tâm linh, như cây non bị bụi gai bóp nghẹt. Đồng thời tránh bị lây nhiễm thói đời giả dối và tranh dành ảnh hưởng như Biệt Phái mà hại đến tha nhân. 

 

Lạy Chúa, xin cho mọi người chúng con hôm naybiết dùng “men Tin Mừng” là đời sống yêu thương bác ái để làm cho “khối bột” gia đình - cộng đoàn và nhân loại được tràn dậy Tình Chúa tình người. Amen.

 

 

THỨ TƯ TUẦN VI THƯỜNG NIÊN 

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 8,22-26

Đức Giê-su và các môn đệ đến Bết-xai-đa. Người ta dẫn một người mù đến và nài xin Đức Giê-su sờ vào anh ta. Người cầm lấy tay anh mù, đưa ra khỏi làng, rồi nhổ nước miếng vào mắt anh, đặt tay trên anh và hỏi: "Anh có thấy gì không? " Anh ngước mắt lên và thưa: "Tôi thấy người ta, trông họ như cây cối, họ đi đi lại lại." Rồi Người lại đặt tay trên mắt anh, anh trông rõ và khỏi hẳn; anh thấy tỏ tường mọi sự. Người cho anh về nhà và dặn: "Anh đừng có vào làng."

 

II. SUY NIỆM

Bài Tin Mừng nay kể chuyện dân chúng dẫn đến cho Chúa Giêsu một anh mù và anh ta đã được Chúa Giêsu đặt tay chữa lành. Tuy nhiên, các thức chữa bệnh của Chúa Giêsu hôm nay hầu như khác với những lần trước đó, khi Người không đòi bệnh nhân có sự khao khát được chữa lành, phải xin hay phải tuyên xưng lòng tin, và cách chữa bệnh của Người cũng có vẻ khó khăn hơn.

Có thể nói, trong việc chữa lành này mang thêm một ý nghĩa mới, khi nói lên việc Thiên Chúa luôn đi bước trước để cứu độ con người, nhưng con người cũng khó đón nhận ơn Chúa hơn khi thiếu đi sự tuyên xưng niềm tin.

 

1. Tình trạng của người mù

Khác với các bệnh nhân khác, họ ao ước được gặp Chúa Giêsu,vượt qua mọi rào cản để chạy đến với Chúa Giêsu, tha thiết cầu xin Người chữa lành… Còn anh mù trong bài Tin Mừng hôm nay, anh được người ta đưa đến, anh không khao khát tìm kiếm, không quỳ lạy cầu xin, không tuyên xưng niềm tin vào Đấng có thể chữa lành bệnh cho anh.

Nghĩa là anh như một người đã an phận trong kiếp mù tối, không còn tin vào ai có thể chữa lành cho mình được nữa: an phận, buông xuôi và dửng dưng dù mọi người xung quanh đem anh đến với Chúa và nói cho anh biết có Chúa Giêsu sẽ chữa lành. Hôm nay thật may mắn cho anh là qua lời cầu xin của người khác với Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu đã cảm thông đến nỗi khổ cực của anh mà đi bước trước để chữa bệnh cho anh.

Đó cũng là tình trạng của nhiều tâm hồn, đã lâu chìm đắm trong tội, an phận với kiếp sống của mình, không còn sự khao khát được đón nhận ánh sáng Tin Mừng để được biến đổi, không đủ can đảm để cầu nguyện với Chúa dù Chúa vẫn đi qua bên cuộc đời. 

Trong sự tương giao với tội nhân, những người này rất cần đến lời cầu nguyện của mọi Kitô hữu, đem họ đến với Chúa và Chúa mở mắt tâm hồn cho họ, đưa họ ra khỏi kiếp sống lầm than trong tội lỗi và bong tối tử thần.

 

2. Xin Chúa mở mắt tâm hồn

Chúa Giêsu kéo anh mù riêng ra, phun nước vào mắt và hỏi anh: “Anh thấy gì không?” Anh mù đáp: “tôi thấy người ta như những cây cối đi lại”. Rồi Người lại đặt tay trên mắt anh, anh trông rõ và khỏi hẳn; anh thấy tỏ tường mọi sự.

Nghe qua tường thật, chúng ta thấy có vẻ như Chúa Giêsu gặp khó khăn hơn khi chữa bệnh cho anh mù này, khi lần đầu phải phun nước miếng vào mắt anh ta mà anh vẫn còn lờ mờ, cho đến lần hai Người đặt tay lên mắt anh thì anh mới thấy rõ.

Thiết nghĩ, cách chữa bệnh mang tính biểu tượng, với dấu hiệu khả giác, người ta chỉ thấy mọi sự cách lờ mờ và khiếm diện, cho đến khi nhìn qua bàn tay của kỳ công Chúa, người ta mới thấy được sự thật toàn diện. Bởi khi thiếu đức tin thì người ta nhìn đời và nhìn người đầy giả dối và tiêu cực và nhìn đời người sẽ kết thúc như cỏ cây.

Cử chỉ đặt tay nói lên một sự “đụng chạm” của Thiên Chúa với con người và là hành động trao ban Thánh Thần là Thần Khí soi sáng con người.

 

Hình ảnh anh mù hôm nay cũng phản ảnh thực trạng của không ít người trong chúng ta, khi nhìn cò ra quạ, nhìn mọi sự dưới cái nhìn thành kiến và suy nghĩ cục bộ của mình, để rồi nhìn mọi sự đầy tiêu cực và giả dối. Vì thế, chúng ta cùng cầu xin Chúa cho con mắt tâm hồn chúng ta nên sáng, để luôn thấy được mọi kỳ công tốt đẹp Chúa thực hiện hằng ngày qua tha nhân và qua cuộc đời.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa đến và chữa lành đôi mắt tâm hồn còn mù tối nơi chúng con. Và xin cũng cho chúng con khi được ánh sáng Chúa soi dẫn, thì cũng biết cộng tác với Chúa mà hoán cải những tội nhân lầm lạc trở về. Amen.

 

 

THỨ NĂM TUẦN VI THƯỜNG NIÊN

I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 8,27-33

Đức Giê-su và các môn đệ của Người đi tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: "Người ta nói Thầy là ai? " Các ông đáp: "Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó." Người lại hỏi các ông: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? " Ông Phê-rô trả lời: "Thầy là Đấng Ki-tô." Đức Giê-su liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người.

Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại. Người nói rõ điều đó, không úp mở. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người. Nhưng khi Đức Giê-su quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phê-rô: "Xa-tan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người."


II. SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay là một chấn vấn cho niềm tin của mọi người, qua việc Chúa chất vấn các môn đệ gọi Người là ai? Câu trả lời cho thấy sự hiểu biết khiếm khuyết của người ngoài và xác định cách sống niềm tin của Kitô hữu chúng ta:

 

1. Khuôn mặt của Chúa Giêsu diễn tả mọi nét mặt của nhân loại.

Những ghi nhận của mọi người về Chúa Giêsu thật ra không phải là sai, nhưng chưa đủ, mà chỉ nói lên được một khía cạnh trong sự tròn đầy của khuôn mặt Đức Giêsu là Chúa:

- Là Êlia (một ngôn sứ quyền năng, làm phép lạ…)

- Là Giêrêmia (một ngôn sứ bị bắt bớ và đầy đau khổ)

- Là Gioan Tẩy Giả (rao giảng sự sám hối và sống khắc khổ)

- Là một ngôn sứ nào đó (đời sống chứng nhân và rao giảng).

Câu trả lời do mặc khải của Chúa Cha cho Phêrô là Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, vâng, Con Thiên Chúa này bao gồm trọn vẹn mọi hình ảnh trên, có thể tóm kết một Đức Giêsu Kitô Tử Nạn và Phục Sinh.

 

2. Còn anh em gọi Thầy là ai?

“Thầy là Đấng Kitô”. Phải, chúng ta tuyên xưng một Đức Giêsu là Đấng được xức dầu (Christo) và là Chúa, nghĩa là Đức Giêsu quyền phép chữa lành bệnh tật và uy thế trước thế quyền (Êlia), một Chúa Giêsu đau khổ nơi người bất hạnh (Giêrêmia), một Đức Giêsu rao giảng ơn sám hối (Gioan TG), một Đức Giêsu chứng nhân và rao giảng (các ngôn sứ)…

Hôm nay Chúa chất vấn từng người: “Này anh, này em, này bạn, các anh chị gọi Tôi là ai”? Chúng ta ai cũng phải có câu trả lời thật cho chính mình. Chúng ta có còn tuyên xưng Chúa là Chúa trong cuộc đời chúng ta nữa không? hay là chỉ tuyên xưng ông thần tài…? Sự tuyên xưng đó được cụ thể bằng việc bước theo con đường thánh giá mà Chúa Giêsu đã đi, như Người đã báo trước cho các môn đệ.

 

3. Ngăn cản việc thực hiện ý Chúa là hành động của Satan.

Trong Tin Mừng, chúng ta ít gặp Chúa Giêsu mắng các môn đệ, nhưng trong đoạn tường thuật này, Chúa đã mắng Phêrô cách hết sức nặng nề, ngang với việc Người từng mắng Tên Cám Dỗ (Satan) trong sa mạc (x. Mt 4,8-9). Cũng giống như hành động của Tên Cám Dỗ, Chúa mắng Phêrô vì ông đã ngăn cản Ngài thực hiện ý Chúa Cha là chịu Tử Nạn để cứu độ.

Dù trước đó, Phêrô đáng được điểm 10, nhưng sau đó lại vị điểm 0. Phêrô đáng khen vì tuyên xưng đúng bản tính và sứ vụ của Chúa Giêsu, nhưng lại bị chê là thoái thác tìm cách trốn tránh sự khó khăn trong Ý Chúa định. Chúng ta cũng thế, đi đạo và giữ đạo chỉ khi vui, nhưng khi gặp thử thách thất bại thì dễ phàn nàn trách mình thoái lui.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết tuyên xưng Ngài là Chúa của cuộc đời mỗi người chúng con, được cụ thể bằng sự phó thác và chấp nhận hy sinh, sẵn sàng và vui lòng đón nhận thử thách vì Chúa, hầu cộng tác với Chúa cứu độ các linh hồn. Amen.

 

 

THỨ SÁU TUẦN VI THƯỜNG NIÊN 

Ngày 22/02: Lập Tông Toà Thánh Phêrô

Lễ kính

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 16,13-20

Khi Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: "Người ta nói Con Người là ai? " Các ông thưa: "Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ." Đức Giê-su lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? " Ông Si-môn Phê-rô thưa: "Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống." Đức Giê-su nói với ông: "Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy." Rồi Người cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Ki-tô.

 

II. SUY NIỆM.

Gần đâycó một số anh chị em Tin Lành (quá khích) lên án rằng, Giáo Hội Công Giáo lập ra một cái lễ để ăn mừng một cái ngai và để tôn thờ nó như ham thích quyền lực.

Không phải thế, Giáo Hội Công Giáo mừng lễ này như là một sự kiện nhớ về nguồn gốc việc thánh Phêrô được Chúa Giêsu chọn làm người đứng đầu săn sóc Giáo Hội chiến đấu và là nơi nối kết sự hiệp nhất bằng mối dây liên kết đức tin. Giáo Hội cũng mừng lễ này nhằm nói lên lòng tôn kính với quyền tối thượng của đấng kế vị thánh Phêrô, tính duy nhất và tông truyền của Giáo Hội, đồng thời mời gọi con cái Giáo Hội khắp nơi hiệp thông cầu nguyện cho Đức Thánh Cha đương nhiệm. Chung quy lại, ngai toà Phêrô nói lên sự kiên vững và quyền bính Chúa ban cho Giáo Hội của Người. Đó cũng là nội dung của bài Tin Mừng hôm nay.
Thánh Matthêu kể lại việc Chúa Giêsu trao quyền mục tử tối cao cho thánh Phêrô để chăn dắt đoàn chiên - lãnh đạo Giáo Hội hoàn vũ - sau khi nghe lời tuyên xưng thật đúng đắn của thánh nhân. Điều này cho thấy chỉ có ở nơi Giáo Hội mới có lời tuyên xưng đúng đắn nhất về thiên tính của Đức Giêsu Kitô, vì Giáo Hội đã sống với Người và được mặc khải từ Thiên Chúa.

 

1. Giáo Hội bền vững.

“Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18).
Theo truyền thống Cựu Ước, khi Thiên Chúa đặt tên cho ai là để chuẩn bị cho họ một sứ vụ, thì đây, Chúa Giêsu ngay từ đầu đã đổi tên Simon thành Phêrô, nghĩa là đá. Đá ở đây không phải vô tri vô giác, nhưng nói lên một kết cấu nguyên khối và bền vững. Để rồi, trên tảng đá Phêrô, Chúa Giêsu xây Giáo Hội của Người một cách duy nhất và kiên vững, hầu quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. 

Chúa Giêsu đã từng ví dụ về sự khôn ngoan hay khờ dại giống như người xây nhà mình trên đá hay trên cát. Nhà xây trên đá thì dù mưa sa nước chảy, gió thổi bão lay cũng không sao. Đó là hình ảnh Giáo Hội Chúa Kitô trải qua bao thế kỷ, gặp bao nhiêu thử thách, yếu đuối, bách hại và phải đương đầu với bao thể chế, lý thuyết, ý thức hệ, ly lạc giáo, sự tục hoá… thì trên nền đá Phêrô, Giáo Hội vẫn kiên cường bảo vệ đức tin và chuẩn mực đạo lý Kitô giáo cho mọi dân tộc.

 

2. Năng quyền Phêrô.

“Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời” (Mt 16,19).

Chìa khóa, theo Thánh Kinh, là biểu tượng của sự tin tưởng, uy quyền, và trách nhiệm. Chúa đã tin tưởng thánh Phêrô, trao cho người quyền hành và trách nhiệm để hướng dẫn Giáo Hội trên trần gian: "Thầy sẽ trao cho con chìa khóa nước Trời; sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở.". Đây là một quyền hành thật cả thể. Vì bản chất của quyền hành ở đây theo từ ngữ chuyên biệt trong tiếng Do-thái có thể chỉ đến việc cầm buộc ma quỉ trong khi trừ quỉ, trong việc hành luật liên quan đến vạ tuyệt thông và trong những vấn đề phán quyết đức tin và luân lý. 

Việc Chúa Giêsu trao chìa khoá Nước Trời cho thánh Phêrô cũng được hiểu như là biểu tượng Giáo Hội gìn giữ kho tàng ơn thánh và ơn cứu độ được đem đến qua Giáo Hội. Quyền này chỉ có nơi Chúa Giêsu, nhưng Người đã ban lại cho Giáo Hội qua quyền bính của vị đại diện Người. Ơn Cứu Độ từ Đức Kitô qua Giáo Hội của Người, bởi chỉ có Giáo Hội mới được mặc khải tròn đầy của Chúa Cha về Chúa Kitô (x.Mt 16,17), và chỉ có Giáo Hội mới nhận biết đúng đắn nhất về Chúa Kitô: “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). 
Theo nghĩa rộng, chìa khóa Nước Trời còn là hạt giống đức tin từ ngày lãnh nhận làn nước Bí Tích Rửa Tội giúp mọi Kitô hữu mở cửa bước vào kho tàng ân đức của Chúa nơi các bí tích. Sự đóng hay mở phụ thuộc vào việc bác ái hay khép kín của lòng người.

 

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã xây dựng Giáo Hội trên nền đá là thánh Phêrô, Chúa cũng trao cho các đấng kế vị thánh Phêrô quyền bảo vệ đức tin, mối dây hiệp nhất và hướng dẫn đoàn chiên Chúa. Xin cho mọi người chúng con luôn biết quy phục Đức Thánh Cha, nhiệt thành xây dựng và làm phát triển Giáo Hội bằng đời sống chứng nhân theo phận vụ của mình, để Nước Chúa ngày một lan rộng khắp nơi. Amen.

 

 

THỨ BẢY TUẦN VI THƯỜNG NIÊN

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 9,2-13

Khi ấy, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. Và ba môn đệ thấy ông Ê-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su. Bấy giờ, ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: "Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a." Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng. Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: "Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người." Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông mà thôi.  

Ở trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu "từ cõi chết sống lại" nghĩa là gì. Các ông hỏi Đức Giê-su: "Tại sao các kinh sư lại nói ông Ê-li-a phải đến trước? "Người đáp: "Đúng thế, ông Ê-li-a đến trước để chỉnh đốn mọi sự. Vậy sao có lời chép rằng Con Người phải chịu nhiều đau khổ và bị khinh chê? Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Ê-li-a đã đến, và họ đã xử với ông theo ý họ muốn, như Sách Thánh đã chép về ông."

 

II. SUY NIỆM

Biến cố Chúa Giêsu biến hình được Tin Mừng thánh Mác-cô tường thuật, đã biến đổi cách nhìn của các môn đệ về con người và cuộc đời. Từ nay các môn đệ sẽ không nhìn ở bề mặt mà biết nhìn vào bề sâu. Bên trong thân xác phàm nhân của Chúa Giêsu có ẩn chứa bản tính Thiên Chúa. Bên trong cuộc khổ nạn tủi nhục có gieo sẵn mầm mống Phục Sinh vinh quang. Cũng thế, bên trong mỗi thân xác có hiện diện của một linh hồn. Bên trong mỗi con người phàm trần có ẩn tàng mầm mống thần linh. 

Sứ điệp này cũng liên hệ đến cuộc đời chúng ta là giống như Đức Kitô, mỗi người chúng ta cũng có hai chiều kích, một thuộc về nhân tính, một thuộc về thiên tính. Mỗi người chúng ta đều mang trong mình một nét giống Ađam và một nét giống Thiên Chúa.

Chúa Giêsu trong trong kiếp phàm nhân đã cảm nhận những phút vinh quang biến hình thì cũng đồng thời sau đó cảm nhận sự thê thảm của sự tủi nhục, thì cuộc đời Kitô hữu chúng ta cũng thế. Những lúc đó, hãy nhìn lên Chúa để cùng hiệp thông với Người, như thánh Phaolô nói: Nếu chúng ta cùng cam chịu như người, thì cũng sẽ chia sẻ vinh quang với Người.

 

1. Một biến cố của đức tin và niềm hy vọng.

Việc Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabo hé lộ thần tính của Người để các môn đệ thêm niềm tin tưởng. Người cho các ngài nếm thấy trước vinh quang để chấp nhận con đường đau khổ của Người sắp trải qua.

Các môn đệ cần được nâng đỡ qua biến cố hiển dung này, vì sẽ đến một ngày và ở trên một ngọn đồi khác, lúc đó bầu trời sẽ trở nên tối tăm, khuôn mặt Đức Giêsu, sẽ đầm đìa mồ hôi và máu, quần áo của Người sẽ không còn chói sáng nữa, mà sẽ bị lột khỏi thân mình Người. Đức Giêsu sẽ có hai tên trộm cướp làm bạn đồng hành. Sẽ không có tiếng nói phát xuất từ trời nữa, nhưng chỉ có những giọng nói chế giễu và nhạo báng mà thôi. Các môn đệ sẽ bị tản mác, và không muốn tham dự vào những sự việc đang diễn ra.

Biến cố biến hình còn cho các môn đệ niềm hy vọng, là: con đường đau khổ sẽ dẫn đến hạnh phúc, cái chết tủi nhục sẽ dẫn đến ngày Phục Sinh hân hoan. Tựa như học sinh kiên nhẫn và miệt mài đèn sách vì hy vọng vào kết quả mùa thi tốt đẹp, như nông phu thức khuya dậy sớm, dãi nắng dầm mưa cấy cầy vì hy vọng vào mùa gặt bội thu… 

Niềm hy vọng vào vinh quang Phục Sinh sẽ giúp các môn đệ can đảm chấp nhận cuộc khổ nạn thương đau và cái chết tủi nhục của Thầy chí thánh.

 

2. Phải xuống núi.

Phêrô cứ muốn được ở lại trên núi. Ông muốn xây dựng một sự an toàn tại đó, cách xa khỏi tất cả những rắc rối và nguy hiểm. Nhưng mục đích của cuộc biến hình này không phải để khuyến khích họ trốn thoát thực tại, mà để khích lệ và củng cố Đức Giêsu và các Tông đồ nữa, để họ có khả năng quay trở lại, hầu đương đầu với những rắc rối và nguy hiểm mà họ đã để lại phía sau.

Phêrô muốn được ở lại trên đỉnh núi, muốn được khư khư giữ lấy ân sủng của cảm nghiệm này. Ông không muốn quay trở lại với cuộc sống hằng ngày và những thứ thông thường nữa, nhưng cứ muốn được mãi mãi ở lại trên vùng đất đầy niềm say mê phấn khích đó. Nhưng Đức Giêsu đã kêu gọi ông xuống núi, và đối diện với tương lai. Cảm nghiệm này không có ý tạo ra một sự trốn thoát khỏi cuộc đấu tranh đang nằm ở phía trước, nhưng là để giúp Người sẵn sàng đương đầu với cuộc đấu tranh đó. Giây phút đầy ánh sáng, là để giúp Người đương đầu với giây phút đầy bóng tối.

Cũng như Phêrô và các môn đệ trong biến cố biến hình hôm nay, mỗi người chúng ta ai cũng muốn được ở trên đỉnh vinh quang, nhưng lại không muốn đối diện với thực tế của cuộc đời, và muốn trốn tránh kiếp lữ hành trần thế, muốn trốn tránh thập giá là con đường duy nhất đưa đến sự phục sinh. Chúa Giêsu hôm nay vừa tỏ cho chúng ta thấy viễn cảnh Phục Sinh để nâng đỡ niềm tin cho chúng ta và cho chúng ta một niềm hy vọng chắc chắn về đời sống vĩnh hằng, nhưng Người mời gọi chúng ta phải xuống núi: xuống núi vừa để giúp những người khác thêm niềm tin và hy vọng, xuống núi để tiếp tục cuộc lữ hành trần thế tiến về quê Trời.

 

Lạy Chúa Giêsu, Chúa mời gọi chúng con nâng tâm hồn lên để được nên một với Chúa trong ánh sáng thần linh, đồng thời Chúa cũng mời gọi chúng con dấn thân vào cuộc sống để sống trọn kiếp lữ hành trần thế trong ý Chúa. Xin cho chúng con luôn biết lắng nghe và thực thi ý Chúa trong mọi biến cố của cuộc đời, với niềm hy vọng cuộc hiển dung cuối cùng trong vương quốc hằng sống của Chúa. Amen.

 

Hiền Lâm

Thiết kế Web : Châu Á