Suy niệm

CÁC BÀI CHIA SẺ TIN MỪNG T. XXXIII TN, 2018 (Lm. Hiền Lâm)

Tỉnh thức là thể hiện niềm tin Chúa sẽ đến, là biểu lộ lòng yêu mến chờ đợi Chúa, là trung tín với những gì Chúa giao phó và khôn ngoan làm sinh lợi cho sự nghiệp của Chúa.

CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN Hình ảnh có liên quan

Kính trọng thể CÁC THÁNH TĐVN

 

THỨ HAI TUẦN XXXIII THƯỜNG NIÊN

THỨ BA TUẦN XXXIII THƯỜNG NIÊN

 

THỨ TƯ TUẦN XXXIII THƯỜNG NIÊN

Ngày 21/11: Đức Me dâng mình vào đền thờ

 

THỨ NĂM TUẦN XXXIII THƯỜNG NIÊN

THỨ SÁU TUẦN XXXIII THƯỜNG NIÊN

 

THỨ BẢY TUẦN XXXIII THƯỜNG NIÊN

Ngày 24/11: CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VN

 

Các bài chia sẻ: Lm. Hiền Lâm

 

Kết quả hình ảnh cho hình ảnh xuân, gif

 

 

A. CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN, năm B

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 13,24-33

Trong những ngày đó, sau cơn gian nan ấy, thì mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống, và các quyền lực trên trời bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Lúc đó, Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời.

"Anh em cứ lấy thí dụ cây vả mà học hỏi. Khi cành nó xanh tươi và đâm chồi nảy lộc, thì anh em biết là mùa hè đã đến gần. Cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, anh em hãy biết là Con Người đã đến gần, ở ngay ngoài cửa rồi. Thầy bảo thật anh em: thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra. Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu. "Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi.

"Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến.

 

II. SUY NIỆM

“LỜI CHÚA MỚI TỒN TẠI MUÔN ĐỜI”

Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su tiên báo sẽ có một ngày chung kết lịch sử, ngày Chúa Giê-su sẽ trở lại phán xét. Ngày đó đến bất thình lình, mời gọi mọi người biết sống tỉnh thức và sẵn sàng nghênh đón Chúa để đi vào đời sống vĩnh cửu. Nhưng trong khi chờ đợi, Chúa muốn mỗi người sống trung tín và trách nhiệm đối với tha nhân. Bởi tỉnh thức là thể hiện niềm tin Chúa sẽ đến, là biểu lộ lòng yêu mến chờ đợi Chúa, là trung tín với những gì Chúa giao phó và khôn ngoan làm sinh lợi cho sự nghiệp của Chúa.

Hình ảnh cây vả và những hiện tượng thiên nhiên, Chúa Giê-su cho thấy, qua những dấu chỉ của thời đại có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa và điềm báo cho cuộc quang lâm của Người.

 

1. Mọi sự thế gian sẽ qua đi, chỉ lời Chúa tồn tại

Ở Việt Nam, cây đâm chồi nảy lộc khi mùa xuân đến, hoặc lá vàng rơi cho biết mùa thu đã về. Cũng thế, dân Do-thái có kinh nghiệm khi cây vả đơm chồi thì mùa nóng bắt đầu. Chúa Giêsu dùng hình ảnh kinh nghiệm về chu kỳ thời gian của cây vả để liên tưởng đến thời gian của vũ trụ. Đồng thời, Người cũng so sánh sự mong manh của các thế hệ, so với lời Chúa tồn tại muôn đời.

“Trời đất này sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ không qua đâu”. Câu nói này của Chúa Giêsu mang nhiều ý nghĩa biểu tượng, nói lên sự mong manh của yếu tố vật chất (trời đất) và sự bền vững của yếu tố tinh thần (Lời Chúa), khẳng định lời Chúa Giêsu nói phải được ứng nghiệm, dù thời gian có biến đổi qua bao thế hệ. Và thật đúng như vậy, trải qua hơn hai ngàn năm rồi, bao thế hệ đã đã qua đi, bao công trình đã sụp đổ và biến đổi, bao nền văn minh đã biến mất, nhưng Lời Chúa thì vẫn trước sau như một, được loan báo và tồn tại. Mỗi ngày Lời Chúa vẫn vang lên trên khắp các giáo đường, nơi mọi gia đình và mọi nẻo đường của các nhà truyền giáo. Thánh Kinh - bản văn Lời Chúa - vẫn có nhiều ấn bản nhất, nhiều người biết nhất và có thời gian phát hành lâu nhất so với tất cả mọi thứ sách vở khác.

Vì thế, cần biết:

• Nhận ra dấu chỉ của thời đại chúng ta đang sống để luôn sẵn sàng chờ đợi Chúa, dù chúng ta đang ở giai đoạn nào của đời người và đời sống, thì vẫn luôn đặt Thiên Chúa là chủ vận mệnh của cuộc đời và cuộc sống chúng ta.

• Tin vào lời Chúa và yêu mến Lời Chúa, vì rồi tất cả sẽ qua đi, nhưng lời Chúa hứa với chúng ta sẽ không bao giờ mai một. Bởi Lời Chúa là sự thật, Thiên Chúa không thể dối trá vì người là Đấng Chân Thật. Hơn nữa, mọi lời Thánh Kinh đều được Chúa Thánh Thần là Thần Chân Lý linh hứng, nên sống theo Lời Chúa sẽ giúp chúng ta không bị sai lầm trong mọi lựa chọn của cuộc sống.

 

2. Vấn đề ngày giờ Chúa đến.

Chuyện Chúa đến không phải kiểu “sứ điệp này thị nhân nọ” tiên đoán, để rồi nhiều người mê muội cả tin lo đi chuẩn bị đồ ăn dự trữ, rốt cuộc chẳg xảy ra. Chúa đến bất kỳ lúc nào, bất ngờ như vậy để con người bày tỏ lòng trung tín qua việc tỉnh thức đợi chờ thời khắc vô cùng quan trọng để được hưởng hạnh phúc hay bị luận phạt đời đời. Vì nếu biết, thì con người sẽ phóng túng, “cứ để mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời…” (Lc 21,34), chờ sắp đến ngày chết mới lo liệu, và như vậy thì không còn gì là yêu mến và trung thành.

Chúa Giê-su khẳng định: “"Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi”.

Trải qua hơn 2000 năm, Giáo Hội bao phen đương đầu với biết bao bè phái tự xưng mình là tiên tri, thậm chí mạo danh là Đấng Cứu Thế, để mê hoặc một số người và gây hoang mang cho con cái Giáo Hội. Tuy nhiên, Giáo Hội là Tông Truyền vẫn đứng vững trên nền Đá vững chắc, và những sức mạnh Satan kia tự nó dần dần tan rã và diệt vong.

Chiến tranh, loạn lạc, thiên tai như là một sự tất yếu không thể không có trên trái đất này, và nhiều người đã lợi dụng vào những biến cố đó để lừa gạt những ai nhẹ dạ cả tin. Hãy nhớ lời Chúa Giêsu dặn, những biến cố đó phải xảy ra, nhưng chưa phải hết đời đâu.

Thế kỷ này xuất hiện nhan nhan nhản những kẻ tin vào nghĩa đen trong sách Khải Huyền về các con số theo thuyết Millenarianism để tiên báo thời gian.

Cần nhớ rằng, ngoài Thiên Chúa ra, từ thiên thần đến loài người không ai được biết thời gian ngày chung thẩm, nên chớ nghe nhóm này phái nọ tiên đoán lung tung, để rồi nhiều người đã ăn hết mì tôm, thắp hết nến và tán gia bại sản mà ‘biến cố” chưa xảy ra.

Là con cái Giáo Hội, chúng ta luôn sống tỉnh thức và sẵn sàng, lắng nghe lời các chủ chăn của Giáo Hội, chứ đừng dễ tin theo những trò bịp ấy của Satan.

 

Lạy Chúa Giêsu, giữa một thế giới nhiễu nhương tốt xấu lẫn lộn, xin cho chúng con biết cầu xin ơn Thánh Thần soi sáng, biết biện phân và vâng phục những Đấng bản quyền mà Chúa đã đặt lên để hướng dẫn chúng con. Xin cũng cho chúng con ý thức sự mong manh chóng qua của thế giới vật chất, để chúng con biết xác định và chọn lựa Chúa mới là vĩnh cửu và cùng đích của thế giới và của kiếp người. Amen

 

 

B. KÍNH TRỌNG THỂ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

(Xem thứ bảy, ngày 24.11)

 

 

THỨ HAI TUẦN XXXIII THƯỜNG NIÊN 

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 18,35-43

Khi Đức Giê-su gần đến Giê-ri-khô, có một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường. Nghe thấy đám đông đi qua, anh ta hỏi xem có chuyện gì. Họ báo cho anh biết là Đức Giê-su Na-da-rét đang đi qua đó. Anh liền kêu lên rằng: "Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! " Những người đi đầu quát nạt, bảo anh ta im đi; nhưng anh càng kêu lớn tiếng: "Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! " Đức Giê-su dừng lại, truyền dẫn anh ta đến. Khi anh đã đến gần, Người hỏi: "Anh muốn tôi làm gì cho anh? " Anh ta đáp: "Lạy Ngài, xin cho tôi nhìn thấy được." Đức Giê-su nói: "Anh nhìn thấy đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh." Lập tức, anh ta nhìn thấy được và theo Người, vừa đi vừa tôn vinh Thiên Chúa. Thấy vậy, toàn dân cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa.

 

II. SUY NIỆM

Bài Tin Mừng nay kể chuyện một anh mù được Chúa Giêsu thương chữa lành, nhờ lời kêu xin khẩn thiết và lòng tin của anh ta. 

 

1. Sự khao khát của người mù.

- Đám đông ban đầu là những người giúp anh mù biết được có Chúa Giêsu đi qua, nhưng cũng chính đám đông đó quát mắng bắt anh im lặng và ngăn cản anh gặp Chúa.

- Tuy nhiên, lời kêu xin của anh mù vượt qua mọi rào cản, và càng bị ngăn cấm anh càng kêu xin lớn tiếng hơn, cho thấy lòng khao khát được gặp Chúa và được chữa lành.

- Điều đáng nói là ở đây, toàn đám đông là những người sáng mắt, nhưng không ai trong họ nhận ra Đức Giêsu là Chúa, mà chỉ thấy một Đức Giêsu thành Nazareth, nghĩa là một Đức Giêsu trong bản tính nhân loại. Còn anh mù không thấy gì nhưng lại nhận ra một Đức Giêsu “Con Vua Đavid”, nghĩa là một vị Chúa, một Đức Giêsu trong bản tính thần linh.

Như vậy:

• Trong cuộc sống, đôi khi có những người bảo cho ta biết có Chúa, nhưng cũng chính họ cản bước chúng ta đến với Người, qua lời nói và hành động của họ.

• Nhưng dù thuận tiện hay không thuận tiện, để được gặp Chúa và được Chúa chữa lành bệnh tật thể xác hay tâm hồn, chúng ta cần phải có một sự khao khát mãnh liệt, dám vượt qua mọi chướng ngại, mọi khó khăn để đến với Chúa và hết lòng kêu xin Người.

• Có thể chúng ta cũng như đám đông kia, tuy chúng ta sáng mắt, nhưng con mắt tâm linh chúng ta mù tối. Không thấy Chúa hiện diện trong Thánh Thể, trong các Bí Tích, trong tha nhân và trong mọi biến cố của cuộc sống. Đến với anh em, chúng ta chỉ nhìn thấy toàn những sự thấp hèn nhân loại mà không thấy Chúa hoạt động trong họ. Đôi mắt tâm hồn chúng ta vẫn mù nên không thấy được những lần Chúa đi qua đời ta trong những biến cố của cuộc đời.

Vậy, hãy như anh mù trong Tin Mừng, chúng ta cầu xin Chúa cho con mắt đức tin chúng ta được sáng, để chúng ta thấy Chúa hiện diện khắp mọi nơi.

 

2. Lòng tin của anh đã cứu anh.

- Hầu như mọi lần chữa lành bệnh tật cho ai, Chúa Giêsu đều nói đến lòng tin đã cứu họ. Đức Tin là điều kiện đầu tiên để được chữa lành và phép lạ chỉ xảy ra khi thụ nhân tin vào Đấng chữa lành. 

- Niềm tin của anh mù là tin nơi con người Đức Giêsu là một “Con Vua Đavid”, là Đấng có khả năng chữa lành. Niềm tin của anh là chỉ có Thiên Chúa mới chữa lành được cho anh sáng mắt mà thôi. 

Có lẽ trong đám đông đi với Chúa Giêsu hôm đó không thiếu những người mắc bệnh này bệnh kia, nhưng không có ai trong họ được chữa lành, vì như bài Tin Mừng ghi lại, họ nói là “có Đức Giêsu Nazareth đi qua”, nghĩa là trong mắt họ, chỉ là một con người Giêsu và như một lang y mà thôi.

Như vậy:

* Như thánh Augustino từng nói: “Chúa sáng tạo nên con không cần con, nhưng để cứu chuộc con thì cần có con cộng tác”. Chính đức tin là sự cộng tác với ơn Chúa và phép lạ chữa lành mới diễn ra, ơn cứu độ mới được thực hiện. Chúng ta được cứu độ nhờ tin vào Chúa Giêsu Kitô, chứ không phải nhờ ỷ thế vào sức mình tuân giữ lề luật.

* Nhờ đức tin mà chúng ta được chữa lành mọi vết thương thiêng liêng trong tâm hồn, và cũng nhờ đức tin mà chúng ta có thể vượt thắng những bệnh tật thể xác. 

* Nhờ đức tin thúc đẩy, chúng ta dám khởi công bắt ta vào việc xây dựng cuộc sống cho mình, cho anh chị em mình, rồi Chúa sẽ tiếp tay giúp sức chúng ta bằng quyền năng vô biên của Ngài, để hướng dẫn và biến đổi công việc nhỏ bé của chúng ta trở thành công trình to lớn, vĩ đại, phi thường. 

 

Lạy Chúa Giê-su, xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng con và xin mở con mắt tâm hồn đang mù lòa của chúng con, để chúng con nhận ra Chúa nơi mọi người, để sống tình tương thân tương ái với họ, hầu giúp nhau gặp được Chúa.  Amen.

 

 

THỨ BA TUẦN XXXIII THƯỜNG NIÊN

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 19,1-10

Sau khi vào Giê-ri-khô, Đức Giê-su đi ngang qua thành phố ấy. Ở đó có một người tên là Da-kêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó. Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: "Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông! " Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: "Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ! " Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng: "Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn." Đức Giê-su mới nói về ông ta rằng: "Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất."

 

II. SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay lại một lần nữa cho ta thấy, Chúa luôn sẵng sàng đón nhận bất kỳ ai trở về với Người. Điều quan trọng là phải tìm gặp Người, đón Người vào nhà, bỏ lại quá khứ và cải hoá đời sống. Câu chuyện Giakêu trong Tin Mừng cho ta thấy rõ điều đó.

 

1. Tìm gặp Chúa và biến đổi.

Một trong những tội bị ghét nhất từ cổ chí kim là “cõng rắn cắn gà nhà”, hay là “nối giáo cho giặc”, vì họ cộng tác với ngoại bang để làm khổ anh em đồng bào của mình. Là nhân viên thuế vụ, Giakêu làm việc cho Rôma đang cai trị dân tộc Dothái, sưu cao thuế nặng, ức hiếp dân lành và làm giàu trên mồ hôi, nước mắt của dân. Người Do Thái thời ấy coi kẻ thu thuế là vừa phản đạo vừa phản quốc và coi họ đứng hàng ngang với gái điếm, phải bị bị loại trừ bằng vạ tuyệt thông cách ly. Không ai thèm chơi với họ. Họ chỉ chơi với quân xâm lược La mã và những tín đồ cặn bã của các Hội đường. Giakêu biết tất cả những điều ấy nhưng ông vẫn bất chấp, vì đổi lại ông được chức vụ rất hấp dẫn, đem lại của cải giàu sang.

Thế rồi, một ngày kia, Giakêu bỗng tò mò muốn thấy Chúa Giêsu là người thế nào mà được nhiều người luôn vây kín để nghe Người nói chuyện. Kẹt cho ông là ông quá lùn, mà người vây quanh Chúa Giêsu lại đông, hơn nữa ông lại mặc cảm vì nghề nghiệp bị mọi người dị nghị , nên ông có sáng kiến là trèo lên nấp trên cây sung để nhìn lén Chúa.

Như thế, điều kiện đầu tiên để được Chúa đón nhận, trước hết là phải tìm gặp Người, điều kiện thứ hai là phải vượt qua sự mặc cảm của quá khứ, đặc biệt là vượt qua mọi thứ ngăn cản mình đến với Chúa.

Chúa nhận ra Giakêu và Người đã gọi ông, ông vui mừng, vượt qua mọi mặc cảm, ông đón người vào nhà mở tiệc khoản đãi. Rồi ông đã đứng lên hứa với Chúa sẽ dùng nửa gia tài để phân phát chia sẻ cho người nghèo, và đền trả những gì thiệt hại mà ông đã gây ra cho kẻ khác. Lạ thật, gặp được Chúa, có Chúa đến trong nhà mình, ông Giakêu từ một con người chỉ biết tham lam vơ vét của cải, bây giờ lại biến đổi 180 độ, trở lành con người bác ái yêu thương.
Như vậy, khi đã gặp được Chúa và đón rước Chúa vào tâm hồn, con người được biến đổi hoàn toàn.

 

2. Chúa kêu gọi người tội lỗi.

Một nhà thương mà chỉ nhận săn sóc cho người mạnh khỏe thì quả thật là một nhà thương tồi tệ, bởi người khoẻ mạnh thì không cần đến bác sĩ… Cũng thế, Chúa Giêsu không còn là Ðấng Cứu Thế nữa, nếu Người chỉ muốn tiếp xúc với những con người tự phụ cho mình là công chính không cần đến Thiên Chúa.

Luật Do Thái coi ai tiếp xúc với kẻ thu thuế là đồng loã với tội lỗi và bị nhiễm uế, Chúa Giêsu vượt trên tất cả, Ngài đến đồng bàn trong bữa tiệc “tạ ơn”, “giải nghệ” và “chia tay đồng nghiệp” của Giakêu.

Người Do Thái coi người thu thuế, một hạng người được coi làm tay sai cho ngoại bang, làm tay sai cho Ðế Quốc La Mã thời đó, một hạng người mang tiếng ăn bẩn, tội lỗi và không tốt. Chúa lại nghĩ khác vì Chúa thấu suốt tâm can của con người. Biệt phái, Pharisiêu, tư tế, thông luật luôn nghĩ xấu cho người khác. Chúa nói với họ: "Ta đến không để gọi những người công chính mà là gọi những người tội lỗi” và "Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần ". 

Đến với người thu thuế không có nghĩa là đồng loã với họ. Đến với họ, để mở cho họ con đường trở về. 

Còn bạn, nếu lúc này, bạn đang sống trong tội, hãy mau “trèo lên cao” rũ bỏ quá khứ mà tìm gặp Chúa, đón Chúa vào căn nhà tâm hồn mình, để được Chúa ban ơn giúp bạn biến đổi nên con người mới.

Bạn cũng hãy học theo Chúa với cái nhìn bao dung và không thành kiến với mọi người. Để rồi bạn không ngần ngại đến với những người tội lỗi và đem họ về với Chúa…

 

Lạy Chúa Giê-su,Chúa luôn sẵng sàng đón nhận bất kỳ ai trở về với Chúa, xin cho chúng con luôn tìm gặp Ngài và đón Ngài vào tâm hồn, để rồi nhờ ơn Chúa, chúng con bỏ lại quá khứ và cải hoá đời sống hầu xứng đáng trở nên người môn đệ của Chúa. Amen.

 

 

THỨ TƯ TUẦN XXXIII THƯỜNG NIÊN

Lễ nhớ Đức Mẹ dâng mình vào đền thánh

 

I. BÀI TIN MỪNG: Mt 12,46-50

Người còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa Người rằng: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy." Người bảo kẻ ấy rằng: "Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? " Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: "Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi."

 

II. SUY NIỆM

Lễ Đức Mẹ dâng mình trong Đền thờ bắt nguồn từ bên Giáo Hội Đông Phương, tưởng niệm ngày thánh hiến thánh đường Đức Maria ngày 21 tháng 11 năm 543 tại Giêrusalem. Họ mừng lễ này dựa vào Ngụy thư Tiền Tin Mừng theo thánh Giacôbê được soạn vào giữa thế kỷ thứ II. Trong đó, tác giả kể lại câu chuyện Đức Trinh nữ lúc còn nhỏ đã được dâng hiến vào Đền thờ và ở lại đó cho đến 12 tuổi.

Còn bên Tây Phương từ thế kỷ thứ IX Lễ này được cử hành tại các đan viện bên Ý, rồi sau đó lan tràn tới bên Anh. Vào năm 1373, Đức Giáo Hoàng Grégoire XI sống tại thành Avignon (Pháp) bắt đầu cho cử hành lễ Đức Mẹ dâng mình trong Đền thờ. Đức Giáo Hoàng Sixte IV ghi vào lịch phụng vụ vào năm 1472.

Có người khi đọc đoạn Tin Mừng trong thánh lễ hôm nay ít nhiều sẽ nghĩ rằng, Chúa Giêsu xem nhẹ sự hiện diện của Mẹ Ngài chăng? Không phải thế, Ngài còn đề cao mẹ Maria nữa là khác, vì trong việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa thì có ai bằng Mẹ được, bởi : “Đức Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2, 19).

Chúa Giêsu coi việc những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành trở nên như ngang hàng với Mẹ và anh em Ngài, như thế thật phúc cho ai sống và thực hành Lời Chúa.
Thật vậy, chúng ta trở thành “mẹ” của Chúa - bởi vì đã gián tiếp sinh ra Đức Kitô nơi anh em. Như thánh Phaolô đã chia sẻ cảm nghiệm của mình: "Trong Đức Ki-tô Giê-su, nhờ Tin Mừng, chính tôi đã sinh ra anh em" (1Cr 4:15)

Tuy nhiên, muốnn làm mẹ Đức Kitô thì điều kiện đầu tiên là phải cưu mang Chúa trong tâm mình:

 

* Cưu mang Lời Chúa.

Muốn cưu mang Chúa trong tâm mình thì phải cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa sống động thực sự bẳng tâm của mình, chứ không phải bằng lý thuyết suông.
Năng suy niệm Lời Chúa cho đến khi cảm nhận như Chúa động đậy trong tâm mình, thì khi đó thực sự Chúa đã ở trong ta và đang lớn lên.

Khi có Chúa trong mình, thì chúng ta sẽ sống và hành động như Chúa Giêsu và luôn làm đẹp ý Cha trên trời.

 

* Đem Chúa đến cho tha nhân.

Chức năng làm mẹ nơi Mẹ Maria là, khi vừa được cưu mang Chúa, Mẹ đã lên đường đem Chúa đến cho Bà Elizabeth và Gioan Tiền Hô đã nhảy lên vui mừng trong lòng bà Êlizabeth vì được gặp Chúa nơi Mẹ. 

Chúng ta cũng vậy, sau khi nhận ra Chúa - cảm nghiệm Chúa – cưu mang Chúa trong lòng, chúng ta mang Chúa đến cho anh chị em khác bằng những chia sẻ đơn sơ, phát xuất từ cảm nghiệm trong tâm hồn. Nhờ đó, họ cũng có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời mình.

 

Lạy Chúa Giê-su, chúng con là những người được phúc nghe Lời Chúa mỗi ngày, đặc biệt trong Thánh Lễ mà chúng con tham dự mỗi buổi sớm mai khi vừa thức dậy. Xin cho chúng con biết sốt sắng lắng nghe, làm cho Lời Chúa tiêu hóa và lớn lên trong tâm hồn, để nhờ đó chúng con trở nên chứng tá đem Lời Chúa đến với tha nhân. Amen.

 

 

THỨ NĂM TUẦN XXXIII THƯỜNG NIÊN 

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 19,41-44

 Khi đến gần Giê-ru-sa-lem và trông thấy thành, Đức Giê-su khóc thương mà nói: "Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được. Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp luỹ chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề. Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm."

 

II. SUY NIỆM

Toàn bộ các Tin Mừng, chỉ thấy nhắc tới hai lần Chúa Giêsu khóc, nhưng không phải khóc cho chính Người lúc giáng sinh hay khi chịu tử nạn, mà là khóc cho số kiếp của một người bạn (Lazarô) và khóc cho số phận của một dân thành đã không nhận ra giờ Chúa viếng thăm.

Hôm nay khi vừa nhìn thấy thành Giêrusalem, Chúa Giêsu đã khóc thương nó, vì thấy trước viễn cảnh sụp đổ bình địa của thành, vì dân thành đã không tin vào Người.

Chúa Giêsu đã khóc, vì dường như bất lực trước sự cứng lòng của dân Do Thái thành Giêrusalem, Người làm được mọi sự, nhưng đối với sự cứng lòng của người Do Thái, Người không thể làm gì trước tự do của họ. Có thể nói, Thiên Chúa dường như bất lực trước sự tự do mà Người đã ban cho con người.  Người Do Thái là dân Chúa chọn nên họ đáng hưởng nhiều đặc ân, nhưng thực tế họ không được gì. Bởi Chúa đã giáng sinh nơi quê hương họ để cứu chuộc họ, nhưng họ đã không đón nhận.

Lịch sử dân Do Thái được ghi lại trong toàn bộ Thánh Kinh là: Khi họ trung thành tin tưởng vào Chúa thì họ được an cư lạc nghiệp, và ngược lại, lúc họ bỏ Chúa thì tai ương ập đến và phải làm nô lệ cho ngoại bang. Những lần dân Do Thái biết nghe lời các ngôn sứ mà quay trở về với Chúa thì Chúa sẽ gửi một vị lãnh đạo đến giải thoát họ khỏi quân thù. Thế nhưng, giờ này họ đang bị áp bức bởi đế quốc Rôma, Chúa Giêsu đến kêu gọi họ ăn năn sám hối và tin vào sứ điệp Tin Mừng của Người, Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem lần cuối cùng này để thực hiện cuộc Vượt Qua đem lại ơn cứu rỗi, hòa giải giữa con người với Thiên Chúa, và giữa con người với nhau. Ðây là giờ Thiên Chúa viếng thăm, giờ mang đến ơn cứu rỗi. Tuy nhiên, những vị lãnh đạo Do thái tại Giêrusalem không những từ chối, mà còn xách động dân chúng chối bỏ Chúa, yêu cầu quan Philatô ra lệnh đóng đinh Chúa vào thập giá. Chính vì sự khước từ của họ, nên vào năm 70 thành thánh Giêrusalem đã bị Rôma phá hủy bình địa và dân Do Thái tản mác khắp địa cầu.

Ngày nay người Do Thái vẫn còn đến bên bức tường đổ nát của cổ thành Giêrusalem để than khóc cho số phận của đất nước và tiếp tục chờ mong Đấng Messia như họ muốn.  Nhưng trớ trêu thay lúc Đấng Messia thật đến viếng thăm họ thì họ đã chối từ và xử tử ! Tại vì họ đã không nhận biết giờ họ được Chúa viếng thăm.

Ðiều xảy ra cho thành Giêrusalem cũng có thể xẩy đến cho mỗi người ở mọi thời: mỗi người đều có những giây phút hồng phúc được Chúa viếng thăm đem đến ơn lành. Theo quan niệm Kinh Thánh, giây phút Thiên Chúa viếng thăm là giây phút Người thực hiện lòng nhân từ. Chỉ có một lý do cho cuộc viếng thăm của Thiên Chúa, đó là thể hiện lòng nhân nghĩa đối với những người được Người viếng thăm. Do đó, nếu không đón nhận giờ Chúa viếng thăm, con người sẽ mãi mãi mất đi cơ hội được hưởng lòng thương xót của Thiên Chúa.

Giờ Chúa viếng thăm bất kỳ lúc nào trong mọi biến cố xảy đến cho từng người, nên cần sự tỉnh thức để nhận ra ý Chúa. Đặc biệt, như lần cuối cùng Chúa Giêsu lên Giêrusalem xưa và dân Do Thái đã mất đi cơ hội cuối cùng, thì này  giờ Chúa viếng thăm cuối cùng trong cuộc đời dương thế của mỗi người, nếu không đón nhận Người thì sẽ vĩnh viễn đi vào cõi diệt vong.

 

“Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi”. Đó cũng là lời Thánh Vịnh đầu tiên chúng ta đọc mỗi sáng “Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người và đừng cứng lòng nữa” (Tv 94). Lời này mỗi ngày nhắc nhở chúng ta “nhận biết” tiếng Chúa nói với chúng ta suốt ngày, và chúng ta đừng cứng lòng như thành Giêrusalem xưa.

 

Lạy Chúa, Chúa đã khóc thương Giê-ru-sa-lem trước viễn tượng thành thánh bị hoang tàn đổ nát. Xin cho con cũng biết thương cảm thân phận tội lỗi, yếu hèn của chính mình mà đón nhận ân sủng của Chúa đã trao ban qua các Bí tích và Hội Thánh của Người; nhờ đó con biết thật lòng ăn năn sám hối và sống theo Tin Mừng của Chúa, để thời gian sống: ngày giờ năm tháng có ý nghĩa hơn trong cuộc viếng thăm của Người. Amen.

 

 

THỨ SÁU TUẦN XXXIII THƯỜNG NIÊN 

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 19,45-48

Đức Giê-su vào Đền Thờ, Người bắt đầu đuổi những kẻ đang buôn bán và nói với họ: "Đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp! "

Hằng ngày, Người giảng dạy trong Đền Thờ. Các thượng tế và kinh sư tìm cách giết Người, cả các thân hào trong dân cũng vậy. Nhưng họ không biết phải làm sao, vì toàn dân say mê nghe Người.

 

II. SUY NIỆM

 Tin Mừng hôm nay kể về việc Chúa Giêsu lên Đền Thờ Giêrusalem, Người đã nổi giận xua đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi đền thờ. Qua sự kiện này, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta biết tôn trọng nơi thánh, đồng thời tôn trọng thân xác và tâm hồn chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa ngự.

 

1. Đừng biến Nhà Cha Ta thành hang ổ trộm cướp.

Đền thờ Giêrusalem được nói đến đây là đền thờ thứ ba được vua Hêrôđê Cả xây dựng (đền thờ đầu tiên do vua Salômon, đền thờ thứ hai thời Esdra-Nơkhemia đã bị tàn phá) có ba phần bao gồm Nơi Cực Thánh, Nơi Thánh và Sân Chư Dân. Hằng năm, các dịp lễ lớn, người Do-thái từ khắp nơi về dự lễ, có cả những kiều bào và dân các thành khác. 

Xung quanh đền thờ, người ta đã lập các kios đổi tiền, buôn bán chiên bò và bồ câu, nhằm đáp ứng nhu cầu những người từ xa về dự lễ khỏi phải mang theo những thứ cồng kềnh. Họ đổi ngoại tệ để nạp thuế đền thờ, đổi tiền lẻ để dâng cúng; người giàu thì mua chiên hay bò, người nghèo thì mua chim gáy hoặc bồ câu để dâng lễ.

Giới tư tế đã nhân cơ hội chiếm dụng cả khuôn viên Chư Dân để lập ra các dịch vụ cho dòng tộc buôn bán trục lợi, làm cho nơi trang nghiêm thành ra chợ búa, nháo nhác tiếng dê kêu bò rống, la lối tranh cãi và có cả quân móc túi…

Chúa Giêsu nhìn thấy cảnh lộn xộn của quân buôn và ô uế của súc vật, vì lòng nhiệt thành, Người đã xua đuổi chúng và nói: “Đừng biến nhà Cha Ta thành chợ búa”.

Sự kiện này là bài học cho chúng ta, chúng ta ý thức đền thờ là nơi thánh không? Chúng ta có những chiếm dụng trái phép của thánh không? Chúng ta đã thật sự giữ trang nghiêm khi bước vào nhà thờ? Chúng ta có dành riêng nơi thánh để chỉ làm việc thờ phượng Chúa, hay là dễ dàng dùng nhà thờ để tổ chức những sinh hoạt khác không thích hợp?

 

2. Thân xác chúng ta là đền thờ của Chúa ngự.

Đền thờ là nơi Thiên Chúa và con người gặp gỡ nhau cách đặc biệt qua các cử hành phụng vụ, và là không gian thích hợp nhất cho việc cầu nguyện và lắng nghe tiếng Chúa. 

Chúa Giêsu đã từng nói: “Cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ xây lại”. Nghĩa là Người muốn ám chỉ về thân xác của Người bị giết chết, nhưng sau ba ngày sẽ phục sinh. 

Và cũng từ những chứng từ này, thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrinthô đã nói: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Vậy ai phá huỷ Đền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt kẻ ấy. Vì Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em”

Như vậy, chính chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa Ba Ngôi ngự, và hằng ngày khi làm Dấu Thánh Giá, chúng ta vẫn tuyên xưng điều đó. 

Chúng ta hãy lo trang hoàng đền thờ chúng ta bằng các nhân đức việc lành để xứng đáng cho Thiên Chúa ngự. Chứ đừng để cho “thần tài” ngự hoặc “súc vật” làm ô uế như người Do-thái xưa đã làm cho Giêrusalem.

Lại nữa, như lời thánh Phaolô dạy, không ai có quyền phá huỷ thân xác mình hay thân xác kẻ khác. Tự huỷ hoại thân xác mình hay làm hại người khác đều là tội giết người.

Cuối cùng, vì lòng nhiệt thành với Chúa, chúng ta không sợ kẻ giết thân xác mình, vì xác tín rằng, đền thờ thân xác chúng ta sẽ được Chúa xây dựng lại trong ngày chung thẩm.

 

Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con ý thức trang nghiêm mỗi khi bước vào nhà thờ, ý thức sự hiện diện của Chúa để sốt sắng cử hành phụng vụ thánh. Xin cũng cho chúng con biết quý trọng thân xác và tâm hồn mình là đền thờ của Chúa Ba Ngôi hiển ngự, để chúng con luôn giữ mình trong sạch và biết trang hoàng đền thờ tâm hồn bằng những nhân đức thánh thiện. Amen.

 

 

THỨ BẢY TUẦN XXXIII THƯỜNG NIÊN 

24/11: CÁC THÁNH THỬ ĐẠO VIỆT NAM

 

I. BÀI TIN MỪNG: Lc 9,23-26

Đức Giê-su nói với mọi người: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.

 

II. CÁC GỢI Ý SUY NIỆM

 

QUA THẬP GIÁ TỚI VINH QUANG

1. Suy niệm I

“Qua Thập Giá mới vào được Vinh Quang”. Đó là chân lý bất biến mà bài Tin Mừng hôm nay chỉ cho chúng ta cách thực hiện qua từng bước: Từ bỏ, vác thập giá và tuyên xưng danh Chúa:

• Từ bỏ

Bước theo Chúa mà với đầy dẫy những thứ cồng kềng vướng bận thì khó mà theo sát và theo kịp Ngài được. Cụ thể, việc chúng ta giữ đạo mà vẫn phải bon chen và ham mê công việc lấn át hết thời giờ cho Chúa, để không còn giờ để đọc kinh chung, để không đủ sức khoẻ đi tham dự lễ, để đến được nhà thờ thì chỉ còn ngủ… 

Thật ra, bỏ những thứ bên ngoài đã khó, nhưng bỏ mình, tức là bỏ đi cái tôi của mình còn khó biết bao. 

Bỏ được có thế là rất đau, nhưng đó là một đòi hỏi của Tin Mừng. Các thánh Tử Đạo đã thực hiện được điều này trong thời bách hại. Còn chúng ta hôm nay, một khi đã bước theo Chúa, đã trở thành một người con của Chúa trong Hội Thánh, chúng ta có để cho con người cũ chúng ta mục nát đi có cởi bỏ những gì không thích hợp với một Kitô hữu không, đặc biệt là hãy chết đi cho tội lỗi để được sống như Đức Kitô, nghĩa là hãy giết chết những gì thuộc về thế gian trong con người cũ của ta không? 

 

• Vác thập giá theo Chúa Giêsu

Con đường theo Chúa, đời sống đạo cần một sự dấn thân, phải vác lấy thập giá, Thập giá đó là những khó khăn, những trái ý nghịch lòng… Thập giá đó là việc tuân giữ lề luật Chúa… 

“Ai giữ mạng sống mình sẽ mất, ai liều mất mạng sống mình thì sẽ giữ được mạng sống”. Nghe có vẻ thật nghịch lý, nhưng đó lại là chân lý Kitô Giáo, bởi vì cái đích đạt tới cuối cùng của chúng ta là sự sống đời đời (mạng sống siêu nhiên) chứ không phải bằng mọi giá phải giữ sự sống thể lý, để rồi chối Chúa. 

Khi chúng ta chỉ tìm cái sung sướng cho thân xác đời này, thì sự sống tâm linh của chúng ta èo ọt, nhưng khi chúng ta chịu khó hy sinh, tuy làm cho đời sống thể lý có chút thua thiệt, nhưng sự sống vĩnh cửu của chúng ta đang triển nở.

 

• Tuyên xưng hoặc chối Chúa

Chúa Giêsu tuyên bố: "Hễ ai xưng nhận Thầy trước mặt người đời, thì Con Người cũng sẽ xưng nhận nó trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa; nhưng ai chối bỏ Thầy trước mặt người đời, thì sẽ bị chối bỏ trước mặt thiên thần của Thiên Chúa”. 

Ngày nay, không có chuyện bách hại nhãn tiền như thời các thánh tử đạo, nên chúng ta cũng không còn phải tuyên xưng đức tin cách trực tiếp như các chứng nhân xưa nữa. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn tuyên xưng hoặc chối Chúa qua những cách sống sau đây:
Những ai dám sống thật, dám làm chứng cho Chúa và cho sự thật thì cái giá họ phải trả là chịu bách hại đủ đường từ chính thể chế chúng ta đang sống cũng như mất đi những cơ hội tiến thân…

Sống đạo, rất cần sự thể hiện ra thực tế, nhưng không ít những người tự cho mình “giữ đạo tại tâm”, không còn tham gia các hoạt động sinh hoạt công giáo, không tham dự các bí tích, nhất là thánh lễ, bỏ xưng tội rước lễ lâu năm… Hành động ngược lại với giáo huấn của Chúa và Hội Thánh. Đặc biệt, vì lo bon chen cuộc sống hằng ngày, chúng ta quên mất sự hiện diện của Chúa, bỏ bê các việc đạo đức. Đó là chúng ta vừa không tuyên xưng Chúa, vừa gián tiếp chối đạo.

Hoặc để có được việc làm nơi công sở, giữ được “ghế” trong xã hội thế quyền, sợ bị phiền phức hoặc bạn bè chê cười… chúng ta đã giấu diếm nguồn gốc Công Giáo của mình.Chúng ta muốn an thân, sợ liên luỵ nguy hiểm mà không dám làm chứng cho sự thật. Vì cái nồi (miếng cơm manh áo) mà bán rẻ lương tâm, vì cái ghế (chức này chức nọ) mà làm tay sai cho sự giả dối…Ngay cả việc ‘làm dấu thánh giá trước bữa ăn’ khi ăn chung nơi công cộng chúng ta còn thẹn thùng che đậy… Đó là mặc nhiên chúng ta đang chối Chúa.

Hay khi chúng ta gặp thử thách thất bại, hoặc cầu nguyện chưa được nhận lời, đã thất vọng chê trách Chúa và nghi ngờ sự hiện hữu của Chúa. Đó cũng là một hình thức chối đạo…

 



2. Suy niệm II

Cứ mỗi lần đọc lên bài Tin Mừng hôm nay, tôi lại nhớ tới câu chuyện xảy ra giữa thánh Ignatio và thánh Phanxicô Xavier.

Hồi đó, Phanxicô là một thanh niên đa tài triển vọng và cả đa tình đào hoa. Tại thành phố chàng theo học, có đủ mọi thứ vui chơi, chàng lo chạy theo kiến thức khoa học và cũng không quên chinh phục các giai nhân.

Thế rồi, hàng ngày nơi chỗ trọ, có một người đàn ông tên là Ignatio cứ đi qua phòng và lặp đi lặp lại câu nói của Chúa giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay: “Được lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì?”. Ban đầu, Phanxicô lấy làm khó chịu, nhưng lời đó cứ được lặp lại văng vẳng bên tai, và đến một ngày kia Phanxicô đã tỉnh ngộ, bỏ hết tất cả để theo Chúa, gia nhập dòng Tên và đi truyền giáo. Để hôm nay, Giáo Hội chúng ta có hai vị thánh lớn là Ignatio tổ phụ dòng Tên và Phanxicô Xavier bổn mạng các xứ truyền giáo.

 

Lễ các thánh Tử Đạo Việt Nam hôm nay, Giáo Hội cho đọc bài Tin Mừng theo thánh Luca, nhắc lại cho chúng ta lời của Chúa Giêsu: “Người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có ích lợi gì” (Lc 9,25). Bởi, dù đời này có lên đến đỉnh quyền lực hay tỉ phú sang giàu, thì cũng chỉ là số 0 tròn trĩnh khi về với nấm mộ và linh hồn ra trước toà Thiên Chúa.

 

Xưa kia, các thánh Tử Đạo thường được vua chúa hứa nếu bỏ đạo sẽ được trọng thưởng cho hưởng chức tước vinh hoa bổng lộc (nghĩa là được trọng vọng và ca tụng), còn nếu không bỏ thì sẽ bị lăng nhục và giết chết. Dưới cái nhìn đức tin, chúng ta thấy các thánh đã chọn “cái phúc” là chịu bách hại và từ chối “cái khốn” là được ca tụng.

Ngày nay cũng thế, để được vinh thân phì gia và đương nhiên có chức có quyền có giàu sang thì được ca tụng, không ít người Công Giáo đã không ngại “chối Chúa” là từ bỏ lề luật, bỏ đạo để bán mình cho “tà thần”(…). Nhẹ hơn, không ít người giấu diếm để khỏi người khác biết mình là người Công Giáo vì sợ bị chê cười hoặc bị kỳ thị trong công việc… Còn những ai dám sống thật và dám làm chứng cho Chúa và cho sự thật thì cái giá họ phải trả là chịu bách hại đủ đường từ chính thể chế chúng ta đang sống cũng như mất đi những cơ hội tiến thân…

 


3. Suy niệm III

“Qua thập giá tới vinh quang”. Đó là chân lý bất biến. 

Nhưng tại sao vậy?

Thưa là vì: tội nguyên tổ như một quả bom nguyên tử được làm bằng thuốc nổ kiêu ngạo và bất tuân đã rơi xuống cắt đứt con đường nối con người với Thiên Chúa, con đường nối dương gian với quê trời, sức công phá của nó đã tạo nên một hố sâu lớn khiến cho không ai từ bên nhân loại có thể qua với Thiên Chúa được nữa. Bây giờ, Chúa Giêsu đến, Người bắc cây cầu qua cái hố sâu tội lỗi đó là thập giá, được làm bằng chất liệu gỗ khiêm nhường và vâng phục. Để từ đây, con người muốn qua gặp gỡ Thiên Chúa, muốn vào nước trời thì phải đi trên cây cầu thập giá này, bởi: “Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy”

Chúa Giêsu không những đã nói mà còn đi bước trước trong con đường thập giá đó. Tin mừng hôm nay đưa ra cho chúng ta từng bước trên con đường thập giá mà đạt đến ơn cứu độ bằng việc: Từ bỏ và vác thập giá theo chân Chúa Giêsu.

 

* Từ bỏ

Ở đây, Chúa Giêsu nói rõ là “bỏ mình”. Bỏ mình tức là bỏ chính cái tôi của mình, đó là sự từ bỏ khó khăn nhất. Alexande từng nói: “Thắng được vạn quân còn dễ hơn là thắng được chính mình”. Cái tôi chính là cá tính của mỗi người, vốn dễ kiêu ngạo muốn trên mọi người, muốn thể hiện chính mình, muốn người khác theo ý mình; chứ không dễ gì khiêm tốn và phục vụ tha nhân. Nhưng đó lại là điều kiện của “thập giá”, bởi thập giá được làm bằng chất liệu khiêm tốn và phục vụ.

 

* Vác thập giá mình mà theo Chúa

Chúa bảo chúng ta vác thập giá mình chứ không buộc vác giùm ai. Vác thập giá của mình, chính là việc chu toàn bổn phận công dân, bổn phận đối với Chúa và Giáo Hội trong đấng bậc mình. Vui nhận những trái ý nghịch lòng làm của lễ dâng Chúa. Đường thập giá thực ra không có gì xa thực tế, nhưng đúng với cả nghĩa tôn giáo lẫn xã hội. Thật vậy, có ai đạt được vinh quang mà không khổ luyện, muốn thi đậu phải miệt mài đèn sách, muốn chiến thắng trong các cuộc thi phải đòi hỏi khổ luyện… và đặc biệt, muốn hưởng phúc Nước Trời phải biết hy sinh và chịu thử thách.

 

Các thánh Tử Đạo ngày xưa chấp nhận hy sinh, thay vì nghe lệnh vua quan mà chà đạp lên thập giá, các ngài đã chấp nhận ôm lấy thánh giá và vác đi, là hy sinh, chịu thử thách và chấp nhận bỏ mình tuyệt đối kể cả mạng sống để theo Chúa đến cùng. Xin cho chúng ta ngày hôm nay, dù không phải đổ máu và chết đi cách trực tiếp vì sự bách hại công khai không còn nữa. Nhưng vẫn còn đó những cách bách hại rất tinh vi và thâm hiểm của chế độ, của chính thể, của những thứ văn hoá thời đại… Vì thế, đòi hỏi chúng ta phải chết đi mỗi ngày vì những thứ bách hại đó, nghĩa là hi sinh vâng phục theo sự hướng dẫn của Giáo Hội mà giữ lễ luật Chúa, để mai ngày chúng ta cũng được hợp với chư thánh Tử Đạo là cha ông của chúng ta trên trời.

 

Lạy Chúa Giê-su, cuộc đời theo Chúa là một cuộc tử đạo trường kỳ với bao thử thách gian nan và bách hại, xin cho chúng con dám từ bỏ những gì không thích hợp với tinh thần Kitô Giáo, can đảm sống niềm tin trước mọi trái ý nghịch lòng và tự hào là người con Chúa trước mặt mọi người không ngại khó ngại khổ vì danh Chúa. Amen. 

 

Lm. Hiền Lâm.

 

Thiết kế Web : Châu Á