Suy niệm

Bài giảng Thánh Lễ An Táng Thầy M. Phêrô - Phaolô Trần Văn Long (M. Hiếu Liêm)

Nếu như có những loài hoa mọc trong kẽ đá và có những bông hoa nở trong sa mạc, thì thầy Bảo Lộc một loài hoa thầm lặng ẩn mình trong sa mạc của Đan Viện Xitô Phước Lý. Thầy đã chọn Chúa là gia nghiệp, lấy Cộng đoàn là nhà và Đan Viện là quê hương của mình. Tại sao vậy? Tại vì Thầy đã nhận biết đâu là giá trị thật của kiếp người, đâu là mục đích tối hậu của nhân sinh và thế nào là hạnh phúc viên mãn của cuộc đời. Do đó, Thầy sống an vui hạnh phúc ở trong nhà Chúa, và nếm hưởng trước hạnh phúc vĩnh hằng cõi trời cao trong cảnh an bình của Đan Viện.

 

 

L An Táng Thầy M. Phêrô – Phaolô Trần Văn Long (Bảo Lộc)

Ngày 18/01/2021

 

 

VỀ NƠI NGUỒN THẬT

(G 19,1.23-27; Rm 6,3-9: Mt 5,1-12)

 

M. Hiếu Liêm

 

Trong giây phút tiễn biệt ngậm ngùi này, xin phác họa lại chân dung của thầy M. Phêrô - Phaolô (Bảo Lộc) thân yêu qua ba cảm nhận:

 

 

Một thiên tài ẩn mình trong sa mạc Đan Viện.

Một người công chính, vô sản.

Một môn đệ sống triệt để mầu nhiệm tự hủy của thầy Giêsu.

 

1. Một thiên tài ẩn mình trong sa mạc của Đan Viện Khiết Tâm Phước Lý

 

Khi mới đọc qua những dòng ai tín, ta tưởng chừng như cuộc đời thầy Phêrô - Phaolô rất bình dị, tầm thường. Nhưng thật ra Thầy là người “tài đức vẹn toàn”. Chào đời trong một gia đình đạo hạnh tại Trung Quán, Quảng Bình, năm 1929. Mới 11 tuổi (1941) đã vào tu tại Chủng viện An Ninh, Quảng Trị, sau 8 năm lấy bằng tú tài tại đây (1949).

 

Từ năm 1949-1953 là chủng sinh tại chủng viện Kim Long, Huế. Là học trò ưu tú của cha Nguyễn Văn Thích, bút hiệu Sảng Đình. Từ năm 1954-1961 Thầy dạy Việt văn, Pháp văn, và La ngữ tại Kim Long, Huế. Năm 1961-1964: vừa làm ký giả vừa dưỡng bệnh tại Gò Vấp, Sàigòn.

 

Từ ngày 16/6/1964 đến nay (16/01/2021), ẩn mình tại Đan Viện Thánh Mẫu Khiết Tâm Phước Lý như một hiến sinh. Dù là một hiến sinh âm thầm không có lời khấn dòng, nhưng thầy đã trải qua 57 năm, sống triệt để đời tu như một đan sĩ. Tại Đan Viện, thầy Phêrô - Phaolô phục vụ cộng đoàn trong vai trò giáo sư Việt văn, Pháp văn, Hán văn và La văn cho nhiều thế hệ. Hôm nay hiện diện trong thánh lễ tiễn biệt Thầy, có sự hiện diện của nhiều bề trên, linh mục, đan sĩ và bản thân tôi cũng là học trò của thầy.

 

Nếu như có những loài hoa mọc trong kẽ đá và có những bông hoa nở trong sa mạc, thì thầy Bảo Lộc một loài hoa thầm lặng ẩn mình trong sa mạc của Đan Viện Phước Lý. Một thiên tài ẩn mình trong dòng kín. Cả đời, Thầy đã vui sống trong cảnh cô tịch thanh vắng thánh thiêng của Đan Viện. Hiếm khi thấy Thầy bước chân ra khỏi Nhà Dòng, ngoại trừ đôi lần phải đi khám chữa bệnh. Thầy đã chọn Chúa là gia nghiệp, lấy Cộng đoàn là nhà và Đan Viện là quê hương của mình. Đối với Thầy, ngoài Chúa và ngoài Đan viện ra không có nơi đâu là hạnh phúc, nên hầu như Thầy chẳng tiếp xúc với ai bên ngoài Đan Viện. Ngay cả khi gia đình, và thân hữu đến thăm, Thầy chỉ ra nhà khách gặp ít phút để chào hỏi và khuyên nhủ đôi lời cần thiết rồi lại lui vào sa mạc tĩnh lặng của Đan Viện.

 

Tại sao vậy? Tại vì Thầy đã nhận biết đâu là giá trị thật của kiếp người, đâu là mục đích tối hậu của nhân sinh và thế nào là hạnh phúc viên mãn của cuộc đời. Do đó, Thầy sống an vui hạnh phúc ở trong nhà Chúa, và nếm hưởng trước hạnh phúc vĩnh hằng cõi trời cao trong cảnh an bình của Đan Viện. Đúng như cảm nghiệm của thầy mình qua lời thơ:

 

          “Cởi lốt trần gian vào Dòng Kín,

Từ nay sự thế thế là xong,

Lìa nhà chi quản muôn hàng lụy,

Thờ Chúa xin dâng trọn tấc lòng.

Nhẹ gót bước vào nơi tịch mạc,

Vui tình chôn lấp cái hình dong,

Bây giờ ngoảnh lại xem trần thế,

Một bước mà xa mấy vạn trùng”.

 

Bên lầu rang rảng tiếng chuông vang,

Trên gối đêm xuân giấc lưới tan.

Bảng lảng mắt còn nhìn cõi tịnh,

Bơ vơ lòng những nghĩ thiên đường.

Quen mùi đạo đức quên mùi tục,

Thoát chữ công danh đặng chữ nhàn.

Mới biết một ngày trong phúc Kín,

Hơn trăm nghìn kiếp phúc trần gian" (Sảng Đình).

 

2. Một người công chính vô sản

 

Nếu ngày xưa Chúa Giêsu đã nói về Nathanael rằng: “ Đây đích thực là một người Israel, lòng dạ không có gì gian dối” (Ga 1,47), thì chúng ta cũng có thể nói về thầy Phêrô - Phaolô rằng: “Đây là người công chính vô sản, lòng dạ không có gì gian dối”. Nhìn vào cuộc sống của Thầy Phêrô - Phaolô, tôi khẳng định, Thầy là một người công chính. Công chính đến độ vô sản. Dù không tuyên khấn, nhưng Thầy đã tuân giữ ba lời khuyên phúc âm: khó nghèo, vâng phục và khiết tịnh một cách triệt để còn hơn là một đan sĩ. Đặc biệt là sống tinh thần khó nghèo. Thầy hoàn toàn vô sản. Trong phòng Thầy, hầu như không có gì đáng giá ngoài mấy bộ quần áo và ít sách vở. Hai năm cuối đời, căn phòng riêng Thầy cũng gởi lại Đan Viện, rồi sống ở phòng ý tá chung để được chăm sóc. Tinh thần vâng phục thì khiêm hạ thẳm sâu. Đời sống khiết tịnh cũng trong sáng tuyệt vời. Không ai có thể chê trách Thầy điều gì. Có thể nói Thầy là hóa thân của ông Gióp khi xưa: “Thân trần truồng sinh ra từ lòng mẹ, tôi trở về đó cũng trần truồng” (G 1,21). Một đời sống thanh thoát, nhẹ nhàng, công chính, vô sản. Thầy đã khước từ sản nghiệp mau qua ở dưới đất để mưu tìm sản nghiệp đời đời chốn trời cao. Thầy đã sống triệt để tinh thần bát phúc ở cõi tạm, để chờ ngày vui hưởng hạnh phúc bất diệt cõi thiên đường. Và hôm nay, Thầy đã đạt được khát vọng và lý tưởng Thầy theo đuổi suốt cả cuộc đời. Đó là mẫu gương sống động cho mỗi người chúng ta.

 

3. Một môn đệ sống triệt để mầu nhiệm tự hủy của thầy Giêsu

 

Với tài đức vẹn toàn Chúa ban, thầy Phêrô-Phaolô có dư mọi điều kiện để làm linh mục, nhưng thầy đã tự nguyện ở bậc hiến sinh hèn mọn. Ngày 01/05/1971 Thầy đã tự nguyện xin Bề trên ở bậc hiến sinh trọn đời để sống mầu nhiệm tự hủy của Thầy Giêsu. Khi chọn bậc sống hiến sinh, cũng có nghĩa là tự xóa mình đi, trút bỏ mọi vinh quang danh dự và lợi lộc trần gian.

 

Vì muốn xóa minh đi như Thầy Giêsu nên thầy đã chọn đường lối khiêm hạ, sống hiền lành. Với đôi mắt sáng và nụ cười hiền hậu, thầy luôn sống lạc quan và siêu thoát khỏi mọi ràng buộc của cõi hồng trần. Thầy đã coi mọi sự là thua lỗ so với mối lợi tuyệt vời là hạnh phúc nước trời. Vì thế, bài học Việt văn đầu tiên Thầy dạy tôi, đó là bình luận câu châm ngôn:

 

“Tiền tài như phấn thổ

Nhân nghĩa tựa thiên kim”.

 

 

Thầy đã coi tiên tài là rác rưởi, chỉ có nhân nghĩa với Chúa mới cao trọng và đáng giá ngàn vàng. Thầy đã sống như lời thánh Phaolô xác quyết: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác rưởi, để được Đức Kitô” (Pl 3,6). Như Chúa Giêsu, Thầy đã sống tự hủy, và vâng phục cho đến hơi thở cuối cùng. Đối với người đời Thầy chẳng có danh phận, hay chức phận gì, nhưng trước mặt Chúa, Thầy là hiền nhân, là thánh nhân.

 

Đi tu từ năm 11 tuổi, trước khi theo Chúa, chỉ để lại cho chị gái một bức thứ dài 12 trang A4, và kết thúc nội dung bức thư với lời xác quyết: “em không về nữa”. Và quả thật, từ lúc Thầy vào dòng kín Xitô cho đến ngày hoàn tất cuộc đời, ở tuổi 92, không một lần về thăm lại quê hương. Thầy đã tra tay cầm cày và không quay lại sau lưng (x. Lc 9,62). Như thánh Phaolô, Thầy đã “quên đi chặng đường phía sau, lao mình về phía trước (x. Pl 3,13) để tìm đến nơi Nguồn Thật, nguồn sống vô biên, vô tận. Đó chính là khát vọng và cũng là xác tín của Thầy, được diễn tả qua bài hát “Nguồn thật”, Thầy dạy thuộc lòng cho tôi và các học trò trong lớp Việt văn:

 

"Anh em chúng ta chung một đường lên

Chung một đường lên đến nơi nguồn thật

Nguồn thật là đây sức sống vô biên

Sống vô biên là sống cùng tạo vật” (Sảng Đình).

 

Hôm nay, "Thầy đã lên đến nơi Nguồn Thật, trở về với Nguồn Thật và ở trong Nguồn Thật”. Nguồn Thật đó là chính Chúa, Đấng cội nguồn hạnh phúc mà Thầy tin yêu và thờ lạy suốt đời. Tạ ơn Chúa đã gởi Thầy đến cộng đoàn Phước lý chúng con làm nhân chứng đức tin sống động về mầu nhiệm tình yêu khiêm hạ và tự hủy của Chúa Kitô. Giờ đây ở trên cõi phúc vĩnh hằng, xin Thầy thương phù hộ cho cộng đoàn Phước lý, cháu chắt của Thầy và những người thân yêu đang bước đi trên cuộc lữ hành tiến về Nguồn Thật, để mai sau, chúng ta lại được sum họp nơi cõi phúc vĩnh hằng trong cung lòng Ba Ngôi Thiên Chúa. Amen.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á