Suy niệm

Bài chia sẻ Tin Mừng CN XXII TN, C: KHIÊM NHƯỜNG VÀ BÁC ÁI

Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta mở tiệc và mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt…là để đem đến một lời giáo huấn đầy tình Chúa và hơn cả tình người. Đó là con cái của Chúa thì cần có một tấm lòng bác ái rộng rãi, một tình yêu vô vị lợi, chứ không phải chỉ nhắm đến cách ứng xử khôn ngoan có tính tóan của con người trong xã hội.

 

KHIÊM NHƯỜNG VÀ BÁC ÁI

(Lc 14,1.7-14)

 

Minh An

 

Chúa Nhật XXII Thường Niên, năm C hôm nay, sứ điệp Lời Chúa mời gọi mỗi Kitô hữu hãy sống khiêm nhường để được Thiên Chúa nâng lên, vì: “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (Lc 14,11). Đồng thời, Đức Giêsu cũng kêu gọi mọi người hãy sống bác ái, hiền hòa với hết mọi người, không phân biệt giàu nghèo, hèn kém, bệnh tật: “Khi đai tiệc, hãy mời nhưng người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ vànhư thế, ông mới thật có phúc” (Lc 14,13-14).

 

Thật thế, ở bài đọc thứ nhất, trích sách Huấn Ca, tác giả đã kêu mời con cái của mình hãy sống khiêm nhường, để được đẹp lòng Đức Chúa và được Đức Chúa tôn vinh: “Con ơi, càng làm lớn con càng phải tự hạ, như thế con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa. Vì quyền năng Đức Chúa thì lớn lao: Người được tôn vinh nơi các kẻ khiêm nhường. Kẻ kiêu ngạo lâm cảnh khốn cùng thì vô phương cứu chữa, vì sự xấu xa đã ăn sâu mọc rễ trong nó” (Hc 3,17-20.28).

 

Đến bài Tin Mừng, ở phần thứ nhất (cc 7-11) tác giả Luca ghi lại những lời giáo huấn của Chúa Giêsu có lẽ làm cho nhiều độc giả vui thú. Vui, vì những lời giáo huấn của Chúa Giêsu có thể đụng đến một thực tại trần thế mà nơi đó con người ai cũng muốn mình phải là người trên, người đầu, người đáng được chỗ “nhất”, chứ khong phải chỗ cuối. Thế mà Chúa Giêsu lại bảo những người khách đi dự tiệc nên chọn chỗ cuối để ngồi, vì biết đâu có người quan trọng hơn xuất hiện sẽ làm cho mình bị “một cục quê”, vì bị mời đi chỗ khác thấp hơn. Đúng là một sự đối lập hoàn toàn giữa ý muốn của con người với ý muốn của Chúa Giêsu.

 

Nhưng thực ra, đây là giáo huấn của Chúa Giêsu về sự khiêm nhường. Sự khiêm nhường này là dấu chỉ trong viễn tượng của bữa tiệc cánh chung, nơi con người được hưởng niềm vui, vì: “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”.

 

Đúng thế, “sự bị hạ xuống” hay “được nâng lên” dành cho nhưng người chọn chỗ nhất, hay người chỉ chọn chỗ cuối là thực tại đến từ chính Thiên Chúa và điều này xảy ra trong bữa tiệc vinh quang trong Nước Trời. Ở trong Nước Trời không có chỗ nhất cũng chẳng có chỗ cuối, nhưng nơi đó Thiên Chúa là Đấng công bằng sẽ ban cho con người được thông dự vào sự thánh thiêng nơi Ngài.

 

Chúng ta hãy học nơi Mẹ Maria về sự khiêm nhường, để Chúa thực thi mỗi công trình của Người. Chính Mẹ đã có kinh nghiệm về đời sống khiêm nhường, nên  đã nói lên được điều cao cả đó:“Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1,52).

 

Ở phần thứ hai (cc 12-14) của bài Tin Mừng, có lẽ nhiều người trong xã hội trần thế này không đồng ý lắm với cách dạy của Chúa Giêsu. Người dạy một cách ngược đời, khó có thể chấp nhận được: “Khi đãi tiệc anh đừng mời những người giàu có... nhưng hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt...vì họ không có gì đáp lễ...”. Đúng là Chúa Giêsu đã không hiểu biết gì lắm về mối tương giao của con người trong xã hội trần thế!

 

Lời giáo huấn của Chúa Giêsu đã dám đánh đổi một thực tại xã hội loài người là “có đi có lại mới toại lòng nhau” hay, “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại“, nghĩa là ở đời, con người muốn bỏ ra cái gì thì cũng cần lấy lại bằng, hoặc hơn cái mình đã bỏ ra, chứ chẳng ai lại muốn bỏ ra thật nhiều rồi thu về phần mình hao hụt cả.

 

Thật ra, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta mở tiệc và mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt…là để đem đến một lời giáo huấn đầy tình Chúa và hơn cả tình người. Đó là con cái của Chúa thì cần có một tấm lòng bác ái rộng rãi, một tình yêu vô vị lợi, chứ không phải chỉ nhắm đến cách ứng xử khôn ngoan có tính tóan của con người trong xã hội.

 

Thật ra, những người túng thiếu, nghèo khó, tàn tật, què, què quặt, đui mù chính là Thiên Chúa, mà Đức Giêsu đã mạc khải khi nói: “Mỗi lần các người không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất này là các người đã không làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,45). Khi mời những người này và đón tiếp họ cách tử tế là đón tiếp chính Chúa và Thiên Chúa sẽ đáp lễ trong ngày Người mở tiệc cánh chung. Đó mới là hạnh phúc thật trong bữa tiệc trong Nước Trời mà Thiên Chúa sẽ thiết đãi cho những ai trung thành với Người.

 

Thật vậy, khi sống khiêm nhường thì sẽ được Thiên Chúa nâng cao, và khi sống bác ái với hết mọi người là chúng ta đã biểu lộ được tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta đáng được hưởng niềm vui trong bàn tiệc cánh chung mà Thiên Chúa đáp lễ.

 

Thánh Phaolô trong bài đọc hai, đã rất vui mừng nói với tất cả những người đạt đến niềm vui tuyệt hảo đó rằng: “Anh em đã tới núi Xion, tới thành đô Thiên Chúa hằng sống, là Giêrusalem trên trời, với con số muôn vàn thiên sứ. Anh em đã tới dự hội vui, dự đại hội giữa các con đầu lòng của Thiên Chúa, là những kẻ đã được ghi tên trên trời. Anh em đã tới cùng Thiên Chúa…” (Dt 12,22-23).

 

Tắt một lời, thực tại Nước Thiên Chúa không có chỗ nhất, cũng chẳng có chỗ cuối, nên con người không cần phải tranh đấu để đạt tới chỗ nhất, và cũng không phải lo sợ khi bị xếp chỗ cuối. Nhưng, con người cần chiến đấu, theo Chúa Giêsu, qua cửa hẹp để vào Nước Trời. Nước Thiên Chúa cũng là Nước của tình yêu, nên cần lắm một tấm lòng biết yêu thương nơi con người để diễn tả thực tại của Nước Thiên Chúa.

 

Người có lòng khiêm nhường, có một tình yêu vô vị lợi... là người sẽ được hưởng niềm vui trong Nước Trời vinh quang. Amen.

 

Thiết kế Web : Châu Á