Suy niệm

Bài chia sẻ Tin mừng CN IV TN, A: CHÚA VÀO ĐỀN THÁNH

Đức Giêsu đến trong đền thờ Người. Muôn dân ngóng chờ biến cố này. Nhưng khó có ai nhận biết được Người là Đấng Cứu Độ, vì Người đã mặc lấy vóc dáng con người như chúng ta.

 

 

CHÚA VÀO ĐỀN THÁNH

(Ml 3,1-4; Dt 2,14-18; Lc 2,22-40)

 

Quốc Vũ

 

1. Bài đọc I: Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm, đi vào thánh điện của Người

 

- Thiên Chúa đi vào Thánh Điện (c. 1): đây là chủ đề rất quen thuộc được ngôn sứ Malaki lấy lại từ các tác giả thánh khác như Êdekiel 43, 1-9 hay Giacaria 8, 3. Ở đây, ngôn sứ Malaki loan báo rằng chính Thiên Chúa mà các ngôn sứ đã loan báo, sắp đến trong thánh điện của Người, và chính Người là vị sứ giả mà muôn dân vẫn hằng mong đợi.

 

- Sự thanh tẩy và nền phụng vụ mới (cc. 2-4): Thiên Chúa sẽ thực hiện một cuộc thanh tẩy tận căn như một người thợ đồng cạo sạch những rỉ sét trên chiếc bình (Is 1, 25; 48, 10) và như một vị thẩm phán. Sự thanh tẩy này sẽ làm cho việc thờ phượng trở nên xứng đáng và đẹp lòng Thiên Chúa: đó sẽ là một sự thờ phượng hoàn hảo như đã từng có trong thời Môsê.

 

- Hoàn thiện trong Đức Giêsu. Đoạn sách này của ngôn sứ Malaki không trực tiếp đề cập đến sứ mạng của Đấng Mêsia, nhưng là một sự ám chỉ có tính nền tảng về hình dáng của Đấng Mêsia sẽ đến. Thật thế, phụng vụ hôm nay cho chúng ta thấy lời loan báo của các ngôn sứ sẽ được hoàn tất nơi Đức Giêsu. Được dâng trong đền thánh, Đức Giêsu đã đi vào nhà Cha của Người và được thánh hiến, - hành động đầu tiên của sự thanh tẩy và đổi mới dân Người.

 

2. Bài Tin Mừng: Chính mắt con được thấy ơn cứu độ

 

- Dâng trong Đền Thánh (cc. 22-24): Trẻ Giêsu, sau khi đã được cắt bì, thì được cha mẹ của Người đem vào Đền Thánh để dâng cho Thiên Chúa. Bà Maria, mẹ của trẻ Giêsu, sau những ngày thanh tẩy theo luật Môsê (x. Lêvi 12, 1-8), phải tiến dâng cho Thiên Chúa một lễ toàn thiêu: nếu gia cảnh khá giả thì dâng chiên cừu đầu lòng; còn nếu nghèo, như trường hợp bà Maria, thì chỉ cần dâng một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. Trong khi đó, người con đầu lòng được thanh tẩy là dâng cho Thiên Chúa để tưởng nhớ lại biến cố xuất Ai Cập (x. Xh 13,11).

 

Như vậy, việc Đức Giêsu được thánh hiến cho Thiên Chúa là sự công bố rằng Người thuộc về Thiên Chúa: được sinh bởi Đức Trinh Nữ do quyền năng của Chúa Thánh Thần, Người được gọi là Đấng Thánh của Thiên Chúa, mọi sự sẽ được hoàn tất nơi chính Người. Sự dâng trong Đền Thánh tuyên bố cách rõ ràng rằng sự thật này được dấu kín nơi Đức Kitô.

 

- Lời chứng của ông Simêon (cc. 25-32): Simêon, một nhân vật tiêu biểu của Cựu Ước mong chờ ơn cứu độ mà Thiên Chúa hứa sẽ thực hiện cho Israel. Thiên Chúa đã ban cho ông một ân huệ đặc biệt là được nhìn thấy Đấng được Xức Dầu.

 

Chúng ta ghi nhận rằng ông Simêon đã nhận biết Đấng Mêsia, và mạc khải cho cha mẹ của trẻ Giêsu biết về Người chính khi mà lề luật được thực hiện: đền thờ và lề luật, phụng tự và sự mạc khải của Cựu Ước được nhìn trong mối tương quan với Đấng Mêsia và hoàn tất nơi Người.

 

Ông Simêon đã bồng ẳm trẻ Giêsu trên tay và hát lên bài ca chúc tụng Thiên Chúa. Đó là một bài ca mang tính mạc khải một mầu nhiệm: trẻ thơ này được Thiên Chúa sai đến, là Đấng Cứu Thế, là ơn cứu độ và ánh sang cho muôn dân, và là vinh quang của Israel.

 

3. Bài đọc II: Đức Giêsu đã phải nên giống anh em mình, để trở thành vị Thượng Tế nhân từ

 

- Người trở nên giống như anh em mình (cc. 14-15): để đến với nhân loại, Chúa Kitô đã muốn mang lấy chính một dòng máu và một thân xác như con người. Đây là những yếu tố căn bản của sự hiện hữu của Người trên trần gian và là sự thống trị của sự chết. Sự chết được nói đến ở đây như là một sự kiện bất thường và là bằng chứng cho thấy thế giới nằm dưới sự thống trị của satan. Sự chết là nguyên nhân gây ra đau khổ và tước mất sự tự do đích thực của con người. Nhưng chính Đức Kitô đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực của sự chết, qua việc Người tự hiến tế chính mình để ban cho chúng ta sự vinh thắng trên sự chết.

 

- Vị Thượng Tế của chúng ta (cc. 16-18): Trong Con Thiên Chúa, chúng ta thực sự có một vị Thượng Tế, Đấng ban cho chúng ta lòng thương xót và sự trung tín. Người củng cố chúng ta trước những sự thống trị của tội lỗi và cái chết. Người đã chịu đau khổ qua việc chịu thử thách và cám dỗ (x. Dt 4,15; 5,7-8), nhưng Người đã chiến thắng và thống trị trên mọi sự khổ đau.

 

4. Suy niệm

4.1. Lịch sử và ý nghĩa ngày lễ

 

Như chúng ta biết, sau lễ Phục Sinh 40 ngày, Giáo hội cử hành thánh lễ Chúa Thăng Thiên, về trời ngự bên hữu Thiên Chúa Cha. Thì thánh lễ hôm nay là lễ 40 ngày sau lễ Chúa Giáng Sinh, thánh lễ này bắt đầu được cử hành vào đầu thế kỷ thứ V tại Giêrusalem và được mừng cách long trọng như lễ Phục Sinh vậy.

 

Giáo hội Đông Phương hiểu lễ này như là lễ gặp gỡ giữa Thiên Chúa và dân của Người, còn Giáo hội Tây Phương khi đưa lễ này vào phụng vụ Roma, đã thêm nghi thức rước nến. Vì thế, từ thế kỷ thứ VIII, lễ này còn được gọi là Lễ Nến.

 

Mừng ngày Lễ Nến, nghĩa là lễ Ánh Sáng, Giáo hội tin nhận Đức Giêsu là ánh sáng muôn dân, dẫn lối chúng ta vào Đền Thánh của Người. Nhưng điểm quan trọng Giáo hội muốn nhắm đến là muốn giới thiệu Đức Giêsu chính là ánh sáng dẫn đưa dân Người ra khỏi cảnh đời tăm tối, là nguồn ánh sáng ban ơn cứu độ, sẽ giải thoát con người khỏi sự kìm kẹp của satan và quyền lực của chúng.

 

Sự kiện dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh diễn ra một cách bình thường dưới mắt người đời, nhưng trong lịch sử cứu độ, đây là việc thực hiện lời tiên báo của ngôn sứ Malaki: “Này Ta sai sứ thần của Ta, kẻ vén đường bạt lối trước nhan Ta và thình lình sẽ đến nơi Đền Thờ của Người” (3,1).

 

Đức Giêsu đến trong đền thờ Người. Muôn dân ngóng chờ biến cố này. Nhưng khó có ai nhận biết được Người là Đấng Cứu Độ, vì Người đã mặc lấy vóc dáng con người như chúng ta.

 

4.2. Ý nghĩa Lời Chúa

1. Gia cảnh của Đức Giêsu

Đức Giêsu là con trong một gia đình nghèo, nhưng giữ đạo rất chín chắn. Các thành viên trong gia đình sống hòa thuận với nhau: tất cả đều cùng nhau lên Đền Thờ, mặc dù luật không buộc như thế.

 

Thánh Giuse và Đức Maria là những người lao động chất phác, khi đó các ngài chưa hiểu gì mầu nhiệm về Đức Giêsu. Bởi vậy, khi nghe ông Simêon nói tiên tri, các ngài đã rất đỗi ngạc nhiên.

 

2. Dung mạo Đức Giêsu

Khi Đức Maria và thánh Giuse dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh, có rất nhiều tư tế và luật sĩ thông thái am tường Kinh Thánh, nhưng họ đã không nhận ra Người. Duy chỉ ông già Simêon và bà Anna đã nhận ra được dung mạo của Người.

 

Sở dĩ như thế bởi hai ông bà đã dâng hiến trọn vẹn con người mình, đã miệt mài sống cuộc đời đạo hạnh và khiêm tốn, đã tôn thờ Chúa trong tin yêu và phó thác. Vì thế, dung mạo của Đức Cứu Thế đã tỏ hiện sáng ngời trước mắt các ngài.

 

Đức Giêsu là ánh sáng, đó là ý nghĩa ngày lễ hôm nay. Để đón nhận được ánh sáng, mỗi người tín hữu phải biết mở rộng lòng, dẹp bỏ những vật cản, những khúc mắc trong lòng mình. Ánh sáng là biểu tượng cho sự sống, bởi ở đâu có ánh sáng thì ở đó có sự sống hiện hữu và hiện hữu một cách tràn đầy.

 

Để có được sự sống bất diệt, mỗi Kitô hữu cần phải đón nhận Đức Giêsu vào trong cuộc đời mình. Nhưng để đón nhận được Đức Giêsu thì chúng ta phải biết trở nên như trẻ thơ trong trắng và khó nghèo. Bên cạnh đó, khi đón nhận Đức Giêsu vào trong cuộc đời mình, mỗi Kitô hữu được mời gọi trở nên ánh sáng cho đời, đồng thời đem ánh sáng Tin mừng đến khắp mọi nơi, nhất là những nơi còn lầm lối lạc đường.

 

Tuy nhiên, ngày nay người ta đã lạm dụng ánh sáng để thực hiện những toan tính cá nhân, ánh sáng đã bị làm giảm độ chiếu sáng thành mờ mờ ảo ảo, và bao nhiêu tệ nạn cũng nảy sinh từ đó. Trong bối cảnh ấy, các Kitô hữu được mời gọi trở thành ánh sáng chói lọi phản chiếu Tin mừng để xua tan mọi hành vi ám muội. Đó là ơn gọi mà sứ điệp Tin mừng và ngày lễ hôm nay muốn nhắc nhở mỗi chúng ta.

 

4.3. Ngày cầu cho ơn gọi thánh hiến

 

Hôm nay cũng là ngày lễ cầu nguyện cho ơn gọi thánh hiến trên toàn thế giới. Chúng ta cùng cầu xin cho ngày càng có thêm nhiều tâm hồn quảng đại dấn thân phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân trong ơn gọi thánh hiến, theo gương Đức Giêsu, Đấng đã sống nghiêm túc sự hiến dâng suốt đời. Ngài thuộc về Thiên Chúa Cha một cách trọn vẹn. Từ khi vào đời làm người, Ngài đã nói: "Này tôi xin đến để thực thi ý Chúa" (Dt 10,9).

 

Đối với những người đang sống đời thánh hiến, Đức Thánh Cha Phanxicô, trong tông thư về Năm Đời Sống Thánh Hiến, ngài nhắc nhở con cái mình hãy biết sống cách tròn đầy ba chiều kích thời gian của ơn gọi: “Nhìn về quá khứ với niềm tri ân, sống hiện tại cách say mê, và nhắm đến tương lai với niềm hy vọng”.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á