Suy niệm

Bài chia sẻ Tin mừng CN IV MV, A: «SINH CON»

Bài Tin Mừng hôm nay nêu cho chúng ta hai mẫu gương về sự đón nhận thánh ý Thiên Chúa. Chúng ta hãy học với Mẹ Maria để biết sống “xin vâng”, học với thánh Giuse để biết dẹp bỏ mọi “toan tính” loài người, hầu quảng đại cộng tác với kế hoạch của Thiên Chúa.

 

 

«SINH CON»

(Is 7,10-14; Rm 1,1-7; Mt 1,18-24)

 

Quốc Vũ

 

«Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse, bạn của bà, là người công chính, không muốn tố cáo bà, định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo. Nhưng đang khi định tâm như vậy thì thiên thần Chúa hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo: "Hỡi Giuse, con vua Ðavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần: bà sẽ hạ sinh một con trai mà ông sẽ đặt tên là Giêsu: vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội"».

 

Kết quả biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình do Tổng cục Thống kê Việt Nam đưa ra trong hội thảo Hưởng ứng ngày tránh thai thế giới diễn ra sáng ngày 23/9 ở Hà Nội, cho thấy tại Việt Nam mỗi năm có đến 300.000-350.000 trường hợp phá thai. Từ cuối năm 2017, Việt Nam từng bị Tổ chức Y Tế Thế giới WHO xếp hạng là một trong 5 quốc gia có tỷ lệ phá thai cao nhất trên thế giới và đứng đầu Châu Á.

 

Bên cạnh đó, theo thống kê của của Bộ Y Tế về Sức khỏe Bà mẹ trẻ em, được đăng tải trên trang web Dân Sinh của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vào ngày 4/9/2019 vừa qua, cũng nêu rõ trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300.000-400.000 ca phá thai ở độ tuổi 15-19 được báo cáo chính thức, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên.

 

Có thể nói, phá thai bây giờ đã trở thành “chuyện thường ở huyện” xảy ra nhan nhản khắp nơi hàng ngày tại Việt Nam. Chỉ cần lướt qua một ít mẩu tin trên mạng, chúng ta cũng biết khá đầy đủ về tình trạng xuống cấp của một nền đạo đức phi nhân tính. Có những con phố mà bảng hiệu “phá thai chui” quảng cáo đầy dẫy, rồi những nghĩa trang cho các thai nhi mọc lên như nấm sau mưa, do các nhóm tình nguyện viên thu lượm về từ các bệnh viện trung tâm của thành phố.

 

Người ta phá thai với nhiều lý do và nhiều mục đích. Có người từ chối sinh con do bị cưỡng chế, có người vì lợi ích cá nhân hay vì thể diện gia đình,... nhưng chung quy lại cũng đều là do sự ích kỷ, hay do sự băng hoại đạo đức của một thể chế xã hội hưởng thụ và tục hóa, một xã hội chối bỏ và đẩy Thiên Chúa ra ngoài cuộc đời họ.

 

Tuy nhiên, nếu nhìn về khía cạnh trái ngược, có nhiều đôi vợ chồng thật sự đau khổ và bất hạnh khi không có khả năng sinh con. Có nhiều người phải chạy vạy khắp nơi, từ sự can thiệp của y học, cho đến những chốn tôn giáo thiêng thánh để cầu xin một phép mầu, thì vẫn phải ra về trong sự tủi phận không người nối dõi. Đó là một nỗi bất hạnh không sao khỏa lấp.

Riêng đối với người Do Thái ngày xưa, việc sinh con luôn mang một chiều kích tôn giáo thiêng liêng. Người phụ nữ có con là được sự chúc lành của Thiên Chúa, còn người son sẻ hiếm hoi là dấu chỉ của kẻ bị Thiên Chúa bỏ rơi. Hơn thế nữa, son sẻ còn là một tình trạng tương đương với sự chết chóc. Thực vậy, chết là hết sống. Son sẻ là hết dòng sự sống, hết người nối dõi, tên tuổi sẽ bị quên lãng và dứt khỏi trần gian.

 

1. Cô Maria

 

Truyền thống vẫn gọi Chúa nhật này là Chúa nhật của Ðức Maria. Bài sách tiên tri Isaia nói về một Trinh nữ sẽ sinh con trai. Và bài Tin Mừng kể chuyện về việc Ðức Maria được thụ thai bởi quyền năng Thánh Thần. Như vậy, Phụng vụ muốn ta suy nghĩ về việc Ðức Maria đón nhận và sinh hạ Chúa Cứu Thế cho chúng ta và chúng ta hãy đón nhận Người.

 

Maria, một thiếu nữ đang tuổi trăng tròn, mới được hứa hôn cùng ông Giuse, thuộc dòng tộc Đavít. Đứng trước lời truyền tin của Sứ thần Gabriel, cô thật sự lo sợ và bối rối giữa hai sự chọn lựa: sinh con hoặc không sinh con, nói theo ngôn ngữ ngày nay là giữ thai hoặc phá thai. Trong truyền thống kinh thánh và nhãn quan thần học, thì đây là một phép lạ do quyền năng Thánh Thần để thực hiện ý định của Thiên Chúa là cứu chuộc nhân loại. Nhưng trong cái nhìn bình dân, thì Maria có thể sẽ bị kết án mang tội ngoại tình, vì cô đã mang thai trong thời kỳ hứa hôn, trước khi về chung sống với chồng. Thế nhưng, giữa hai sự lựa chọn ấy, Maria đã chọn phần rủi ro có thể liên quan đến thanh danh gia tộc và tính mạng cá nhân, mà thưa tiếng ‘xin vâng’ theo ý định của Thiên Chúa. Maria đã chọn ‘sinh con’ cho Thiên Chúa và cho nhân loại.

 

2. Ông Giuse

 

Bên cạnh hình ảnh thiếu nữ Maria, tác giả Matthêu còn phác họa hình ảnh ông Giuse không kém phần đặc biệt. Matthêu khéo léo đề cao vai trò và nhân đức của ông Giuse.  Cũng như cô Maria, ông đã quảng đại và khiêm nhượng cộng tác với Thiên Chúa trong nhiệm cục cứu độ. Sứ mệnh của Giuse tuy âm thầm, nhưng lại hết sức quan trọng, vì Ngài chính là người giúp Thiên Chúa “hợp thức hóa” việc Nhập Thể của Ngôi Lời trên phương diện pháp lý là “con vua Đavít” như ông vốn thuộc dòng dõi Đavít.  Ông Giuse là “người công chính” để Đấng Công Chính được cư ngụ giữa chúng ta.  Cô Maria sinh con trai, nhưng chính ông Giuse mới là người “phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu”,... Điều đó cho thấy ông cũng là người cộng tác với Thiên Chúa để định hướng sứ mệnh của Chúa Giêsu, là Đấng đến để “cứu dân Người”.

 

Người ta hay đặt câu hỏi: giả như cô Maria không ưng thuận lời báo tin của sứ thần Gabriel thì sao?  Nhưng ít khi nào người ta đặt câu hỏi ấy cho ông Giuse!  Nhận một người đàn bà đã có thai về làm vợ là một việc không thể đối với “người công chính” như ông Giuse.  Nhưng vì sứ mệnh Thiên Chúa trao ban, ông Giuse đã sống đúng theo nghĩa người công chính là “thuận theo ý Thiên Chúa”. Ông đã dẹp bỏ mọi “toan tính” và “ngại ngùng” để khiêm nhường làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà. 

 

Nhìn chung, cả hai cuộc truyền tin của ông Giuse và cô Maria đều có nét tương đồng. Cả hai đều run sợ trước lời mời gọi cộng tác trực tiếp vào việc nhập thể của Con Thiên Chúa. Tuy không nói, Giuse đã làm như mẹ Maria là thi hành ý muốn của Thiên Chúa để can đảm “đem vợ về nhà mình”.

 

3. Chúng ta

 

Thiên Chúa đã ban cho chúng ta chính Con Một mình (x. Gl 3,16). Nhưng, nhiều người đã không đón nhận, vì sợ phải bỏ nếp sống cũ. Lễ Giáng sinh sắp đến nhắc lại ân ban của Chúa. Chúng ta sẽ đón nhận thế nào?

 

Bài Tin Mừng hôm nay nêu cho chúng ta hai mẫu gương về sự đón nhận thánh ý Thiên Chúa. Chúng ta hãy học với Mẹ Maria để biết sống “xin vâng”, học với thánh Giuse để biết dẹp bỏ mọi “toan tính” loài người, hầu quảng đại cộng tác với kế hoạch của Thiên Chúa.

 

Hãy để cho Chúa đến và ở lại trong con người của chúng ta. Hãy để Chúa đến giúp chúng ta xua đuổi mọi tâm tư, cảm nghĩ, khuynh hướng xác thịt và thế gian. Hãy mở lòng đón nhận Chúa, đồng thời chiếu tỏa ánh sáng của Chúa cho xã hội, cho mọi người nhận biết rằng Chúa luôn hiện đến với mọi người và ta cũng sẽ như Mẹ Maria và thánh Giuse đưa Chúa vào lịch sử loài người.

 

Chúng ta không cần đợi đến lễ Giáng sinh để đón nhận Chúa và sống cho Chúa như vậy. Thánh lễ cử hành bây giờ cũng ban cho chúng ta một Hài Nhi. Nếu ta đón nhận như Ðức Maria và thánh Giuse, ra khỏi nhà thờ hôm nay, chúng ta có thể “sinh” Chúa Kitô cho mọi người. Ngài là Lời Hứa từ ngàn xưa, đã nhập thế và đến cho mọi người, để trao ban bình an và ơn cứu độ của Thiên Chúa.

 

Thiên Chúa luôn tôn trọng quyền tự do lựa chọn của con người. Chúng ta chọn lựa điều gì: “sinh con” hay “không sinh con”?

 

 

Thiết kế Web : Châu Á