Suy niệm

Bài chia sẻ Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Thăng Thiên, C: «THẦY LÊN CÙNG CHA»

Tin Mừng Gioan cho thấy Đức Giêsu nhiều lần nói đến việc ra đi của Người với các môn đệ: «Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng, vì Thầy đi về cùng Chúa Cha» (Ga 14,28). Vắng Thầy đó là thời kỳ đau khổ, nhưng thật sự cần thiết để thanh tẩy Giáo Hội. Tuy nhiên, Người ra đi là để gởi Thánh Thần đến, và chính Chúa Thánh Thần sẽ dạy dỗ và đồng hành với Giáo Hội trong đoạn cuối của cuộc hành trình dương thế.

 

«THẦY LÊN CÙNG CHA»

Cv 1,1-11; Tv Đc. 46 (47),2-3.6-7.8-9; Dt 9, 24-28; 10,19-23; Lc 24,46-53

 

Quốc Vũ

 

Thăng Thiên là biến cố cuối cùng soi sáng ý nghĩa và hoàn tất sứ mệnh cứu độ của Đức Giêsu tại trần gian. Thăng Thiên diễn tả chiều kích toàn cầu của mầu nhiệm Phục Sinh (Ep 1,2-3; Tv 47,3-9) đã được báo trước trong cuộc biến hình (Lc 9,31) như là cuộc xuất hành của Đức Giêsu trở về cùng Chúa Cha (Ga 13,1; 20,17) để đạt đến vinh quang (Ga 17,1.5), đồng thời thực hiện cách tròn đầy chức vụ thượng tế của Người (Dt 8,1; 9,11) và khởi đầu cho một lời hứa ban ơn Thánh Thần (Ga 15,26; 16,7) trong thời gian đợi chờ sự Quang Lâm của Người trong ngày Cánh Chung.

 

Đặc biệt Lời Chúa trong các bài đọc của phụng vụ hôm nay sẽ giúp ta hiểu sâu hơn bốn ý nghĩa của mầu nhiệm Chúa Thăng Thiên.

 

1. Trong bài đọc thứ I, sách Công vụ Tông đồ giúp ta hiểu nghĩa thứ I của mầu nhiệm Chúa Thăng Thiên: Đức Giêsu lên trời khi đã hoàn tất sứ mệnh trần thế của Người. Nhưng như trong kinh tin kính chúng ta tin rằng «Người sẽ trở lại để phán xét kẻ sống và kẻ chết, nước Người sẽ không bao giờ cùng».

 

Tuy nhiên, sau cuộc ra đi ấy, Người vẫn luôn hiện diện giữa các Tông đồ và Giáo Hội. Những lần hiện ra hậu Phục sinh, Đức Kitô đã củng cố thêm niềm xác tín rằng Người vẫn luôn đồng hành với Giáo Hội: «Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế» (Mt 28,20).

 

Nghĩa thứ nhất này của mầu nhiệm Chúa Thăng Thiên gắn liền với mầu nhiệm Nhập Thể của Người, vì nó giúp ta hiểu thêm ý nghĩa của sự vâng phục, khi Đức Giêsu vào trần gian đã thưa với Chúa Cha: «Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như sách đã chép về con» (Dt 10,7) và nói với Maria Madalena: «Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Cha Thầy» (Ga 20,17).

 

Nhập Thể và Thăng Thiên là hai mầu nhiệm tương ứng với khởi điểm và đích điểm trong hành trình vâng phục Chúa Cha của Đức Giêsu trên trần gian. Đời sống của Người được đánh dấu bởi ước muốn thi hành Thánh ý Chúa Cha. Tuy nhiên, sự vâng phục của Đức Giêsu chưa kết thúc mà nó còn tiếp tục khi Người về trời, như trong kinh Lạy Cha mà Người đã dạy các Tông đồ: «Xin cho Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời» (Mt 6, 10). Như vậy, Đức Giêsu về trời để vâng phục Cha, ơn gọi thứ nhất nơi trần gian đã kết thúc, nhưng đồng thời cũng là khởi điểm cho ơn gọi thứ hai của Người trên quê trời.

 

2. Thánh vịnh đáp ca, giúp ta hiểu nghĩa thứ II của mầu nhiệm Chúa Thăng Thiên: Người lên trời để được tôn vinh và nhận lãnh triều thiên vinh quang của «Vị Vua Cả thống trị khắp địa cầu» (c. 3).

 

Cũng như truyền thống văn hóa Việt Nam trước đây quan niệm vua là «Thiên Tử», thì truyền thống cổ của dân Do thái cũng vậy, vua được xem là người Thiên Chúa sai đến, được xức dầu thánh bởi các ngôn sứ để lãnh đạo dân, rồi sau khi chết được phong tặng thiên hiệu và được vinh thăng trên trời.

 

Mầu nhiệm Thăng Thiên của Chúa Kitô đồng nghĩa với sự tôn vinh. Người lên trời giữa muôn tiếng hò reo tưng bừng và tiếng đàn ca vang rền của toàn cõi đất, bởi Người «là Vua thống trị chư dân, và ngự trên tòa uy linh cao cả» (c. 9) để xét xử đại cầu.

 

3. Bài đọc II, trích từ thư Do thái, giúp ta hiểu nghĩa thứ III của mầu nhiệm Chúa Thăng Thiên: Người lên trời để trở thành trạng sư cho chúng ta trước nhan Thiên Chúa: «Đức Kitô không vào một cung thánh do tay người phàm làm ra, nhưng Người đã vào chính cõi trời, để giờ đây đứng ra trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta» (9,24). Đồng thời Người lên trời là mở cho chúng ta con đường tiến về quê trời: «Người đã mở cho chúng ta một con đường mới và sống động qua bức màn, tức là chính thân xác của Người. Vì thế chúng ta hãy tiến lại gần Thiên Chúa với lòng chân thành và một đức tin trọn vẹn» (10, 20-22).

 

Như thế, mầu nhiệm Chúa Thăng Thiên là sự khai mở một con đường mới hướng về quê trời cho nhân loại.

 

4. Bài Tin Mừng, từ lời căn dặn của Đức Giêsu với các môn đệ: «Anh em hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống» (c. 49) đã mặc khải cho ta nghĩa thứ IV của mầu nhiệm Chúa Thăng Thiên, quan trọng hơn tất cả các nghĩa khác đối với Giáo Hội: Người về trời là để gởi Chúa Thánh Thần xuống trên Giáo Hội.

 

Chúa Thánh Thần, như trong kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng «Ngài bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra, Ngài được phụng thờ và tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con».

 

Tin Mừng Gioan cho thấy Đức Giêsu nhiều lần nói đến việc ra đi của Người với các môn đệ: «Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng, vì Thầy đi về cùng Chúa Cha» (Ga 14,28). Vắng Thầy đó là thời kỳ đau khổ, nhưng thật sự cần thiết để thanh tẩy Giáo Hội. Tuy nhiên, Người ra đi là để gởi Thánh Thần đến, và chính Chúa Thánh Thần sẽ dạy dỗ và đồng hành với Giáo Hội trong đoạn cuối của cuộc hành trình dương thế.

 

Như thế, nghĩa thứ IV này của mầu nhiệm Chúa Thăng Thiên dạy ta sống vững vàng trước những đau khổ, bởi nó thật sự cần thiết cho cuộc sống chúng ta. Sự đau khổ phải được nhìn trong nhãn quan hướng về tương lai tốt hơn sẽ đến.

 

Bốn nghĩa của mầu nhiệm Chúa Thăng Thiên trở thành bốn quan niệm sống cụ thể cho người Kitô hữu:

 

1. Khao khát làm mới lại ơn gọi của người Kitô hữu khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội là vâng phục và thi hành thánh ý Chúa;

 

2. Thúc giục ta dấn thân trong việc ca tụng vinh quang Chúa bằng đời sống cầu nguyện và tham dự phụng vụ sốt sắng;

 

3. Sống tâm tình đợi chờ ngày Chúa Quang Lâm bằng niềm tin sống động của người Kitô hữu chân chính giữa đời;

 

4. Thiết tha cầu nguyện Chúa Thánh Thần ngự xuống trên mỗi người và trên toàn Giáo Hội, bởi mầu nhiệm Chúa Thăng Thiên là khởi điềm cho thời kỳ và sứ mệnh của Giáo Hội giữa trần gian: «Hỡi người xứ Galilê, sao còn đứng mãi làm chi? Nghĩ ngợi gì, nhớ nhung gì? Người đã lên trời ngời sáng, mai Người lại đến đây» (x. Cv 1,11 – Bài đọc I).

 

 

Thiết kế Web : Châu Á