Suy niệm

Bài chia sẻ Lời Chúa CN II PS: «CỘNG ĐOÀN ĐỨC TIN»

Tường thuật của sách Công vụ cho chúng ta thấy Giáo hội tại Gierusalem là mô thức của mọi cộng đoàn Kitô giáo, là biểu tượng của tình huynh đệ hấp dẫn, điều không được thần thoại hóa nhưng cũng không được giảm thiểu. Đó là không gian của “koinonia - κοινωνία” của căn nhà nơi các Kitô hữu đầu tiên tụ họp như một gia đình của Thiên Chúa, nghĩa là không gian tuyệt vời của sự hiệp thông tình yêu giữa anh chị em trong Chúa Kitô.

 

 

«CỘNG ĐOÀN ĐỨC TIN»

(Cv 2,42-47; 1 Pr 1,3-9; Ga 20,19-31)

 

Quốc Vũ

 

1. Bài đọc I: Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung

 

Tường thuật của sách Công vụ cho chúng ta thấy Giáo hội tại Jerusalem là mô thức của mọi cộng đoàn Kitô giáo, là biểu tượng của tình huynh đệ hấp dẫn, điều không được thần thoại hóa nhưng cũng không được giảm thiểu. Đó là không gian của “koinonia - κοινωνία” của căn nhà nơi các Kitô hữu đầu tiên tụ họp như một gia đình của Thiên Chúa, nghĩa là không gian tuyệt vời của sự hiệp thông tình yêu giữa anh chị em trong Chúa Kitô. Chúng ta có thể thấy rằng họ sống cách rất cụ thể: «Họ chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện» (Cv 2,42).

 

Ở đây cho thấy có 4 yếu tố làm nên cộng đoàn Kitô hữu Tiên Khởi, và với mỗi cộng đoàn Kitô ngày nay là gia đình, cộng đoàn tu trì, thậm chí là toàn thể Giáo hội, cũng phải được xây dựng trên nền tảng này:

 

1. Cộng đoàn chứng tá: Chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy.

2. Cộng đoàn đức ái: Luôn luôn hiệp thông với nhau.

3. Cộng đoàn Thánh Thể: Tham dự lễ bẻ bánh.

4. Cộng đoàn đức tin: Đối thoại với Chúa trong cầu nguyện.

 

Không giống như xã hội loài người, trong mỗi cộng đoàn Kitô, không có chỗ cho sự ích kỷ, bởi ân sủng của bí tích rửa tội cho thấy mối liên kết mật thiết giữa các anh em trong Chúa Kitô, những người được mời gọi chia sẻ, đồng hóa mình với người khác và chia «theo nhu cầu của mỗi người» (Cv 2,45).

 

Như vậy, với đoạn sách hôm nay, cho thấy đời sống của cộng đoàn đầu tiên này là một mẫu gương về sự hiệp thông, hòa thuận và đồng tâm nhất trí, «họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến» (Cv 2,46-47).

 

Ngày nay, thế giới cũng khao khát và mong đợi nơi các Kitô hữu những dấu chỉ của sự đồng tâm nhất trí diễn tả sự hiệp thông trong các cộng đoàn giáo xứ.

 

2. Bài đọc II:Thiên Chúa cho chúng ta được tái sinh để lãnh nhận niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Kitô từ cõi chết sống lại

 

Tác giả thư thứ nhất Phêrô cất lời ca tụng Thiên Chúa vì nhờ tình thương vô bờ của Ngài, Đấng đã cho Đức Kitô sống lại từ cõi chết, mà các tín hữu được ơn tái sinh, được lãnh nhận niềm hy vọng sống động.  

 

+ “Sống động”, vì sự tái sinh chính là sự sống được trao ban cho các tín hữu do lòng thương xót của Thiên Chúa.

 

+ “Sống động”, vì nhờ ơn tái sinh trong Đức Kitô Phục Sinh, mà các tín hữu «được hưởng gia tài cao quý, không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai» (1 Pr 1,4).

 

Quả thật, nếu như đối với Israel, sau khi vượt qua Biển Đỏ, gia tài của họ chính là Đất Hứa, thì đối với Israel mới, những người sau khi đã được dìm vào nước Thánh Tẩy, cùng được chết và được sống lại với Đức Kitô, thì gia tài chính là Nước Trời, là «ơn cứu độ Người đã dành sẵn, và sẽ bày tỏ trong ngày sau hết» (1 Pr 1,5).

 

Tuy nhiên, niềm tin này không miễn cho Giáo hội khỏi những gian nan thử thách trong cuộc sống hiện tại. Trái lại, Giáo hội cần phải bày tỏ sự trung tín với Đức Kitô ngay trong những thách đố của cuộc sống đức tin. Bởi chính những gian nan thử thách sẽ tinh luyện và chỉ như thế thì đến «khi Đức Giêsu Kitô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự, … được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang, bởi đã nhận được thành quả của đức tin, là ơn cứu độ con người» (1 Pr 1,8-9).

 

3. Bài Tin Mừng:Tám ngày sau, Đức Giêsu đến

 

Đoạn Tin Mừng Gioan mặc khải một vài điểm thần học quan trọng về Đức Kitô Phục Sinh: Người là Đấng đem lại bình an và là Đấng sai các môn đệ ra đi; Người cũng là đối tượng của niềm tin, một niềm tin dẫn tới sự sống đời đời.

 

3.1. Vào Chiều ngày thứ nhất trong tuần (c. 19)

 

Cụm từ ngày thứ nhất ở đây tương ứng vào ngày thứ nhất của tuần lễ Do Thái, là ngày thứ nhất trong công trình Thiên Chúa sáng tạo, cách cụ thể là ngày Thiên Chúa dựng nên ánh sáng (x. St 1,3). Như thế, ngày thứ nhất, là ngày ánh sáng chiến thắng bóng tối, là ngày đầu tiên của tuần lễ Kitô giáo, là ngày ánh sáng của Chúa Kitô đã chiến thắng bóng tối, là ngày Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết để khai mào sự sống mới, một cuộc sáng tạo mới.

 

Thánh Giáo phụ Justino là tác giả đầu tiên đưa ra sự tương ứng giữa ngày thứ nhất trong công cuộc sáng tạo và ngày Đức Kitô Phục Sinh: «Chúng tôi tổ chức cộng đoàn của chúng tôi vào ngày mặt trời, vì đó là ngày thứ nhất trong đó Thiên Chúa, sau khi đã phá hủy bóng tối và vật chất, Người đã tạo ra thế giới, và vì Chúa Giêsu Kitô Đấng Cứu Độ của chúng tôi, trong chính ngày đó đã sống lại từ cõi chết» (Apologia I, 67,7)

 

3.2. Tám ngày sau (c. 26)

 

Ngày thứ nhất trong tuần cũng là ngày trở lại sau ngày thứ bảy, vì thế cũng được coi là ngày thứ tám. Dường như tên gọi này là tên riêng của Kitô giáo. Nền tảng của tên gọi này có thể tìm thấy trong Tân Ước, bắt nguồn từ Tin mừng của thánh Gioan hôm nay khi ghi lại những lần hiện ra của Đấng Phục Sinh: «Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Chúc anh em được bình an» (c. 26).

 

Cụm từ ngày thứ tám ở đây, mang tính biểu tượng cánh chung. Ngày thứ tám ám chỉ một thực tại mới mẻ, tức là nó loan báo hạnh phúc vĩnh cửu, cuộc gặp gỡ cuối cùng của Đấng Phục Sinh, bởi ngày thứ tám chỉ ra rằng không còn bất cứ sự tiếp nối nào về ngày tháng.

 

Con số “tám” chỉ ra sự mới mẻ vượt qua biểu đồ hằng tuần, vì sự khởi đầu mới không phải là sự trở lại với ngày thứ nhất, nhưng là ngày đầu tiên sau những “bảy ngày”. Do đó, có thể nói rằng ngày Sabát vẫn là ngày cuối cùng, là ngày thứ bảy khép lại Cựu Ước; trong khi ngày phục sinh, là ngày thứ tám, tức là khởi đầu của một con đường mới hướng về cùng đích là vương quốc vĩnh cửu; ngày thứ tám hoàn thành tất cả thời gian lịch sử của quá khứ, trong viễn tượng của tương lai.

 

Tính biểu tượng của ngày thứ tám đạt đến tột đỉnh của nó vào thế kỷ thứ IV, khi các Giáo phụ làm nổi bật chủ đề về phép rửa, cùng với chủ đề về Kitô học. Số “tám” đạt được một ý nghĩa của sự hoàn hảo và toàn thể tính mang chiều kích cánh chung. Truyền thống các Giáo phụ lấy lại sự song đối giữa Lụt Hồng Thủy và bí tích Rửa Tội, là chúng ta hiểu ý nghĩa về con số “tám” người được cứu thoát trong con tàu của ông Nôe. Trong tính biểu tượng này, các Giáo phụ nhìn thấy tương lai của ơn cứu độ trong Đức Kitô, nhờ đó tám người này tượng trưng cho một cuộc sáng tạo mới được cứu thoát khỏi lụt và sự chết. Trong trang cuối cùng của tác phẩm “De civitate Dei” (Thành đô của Thiên Chúa), khởi đi từ khái niệm về lịch sử như tuần lễ những ngàn năm của sách Khải Huyền chương 20, thánh Augustino nói về mầu nhiệm của ngày thứ tám bằng những thuật ngữ sau:

 

«Ngày thứ bảy sẽ là ngày Sabát của chúng ta, cùng đích của nó sẽ không còn là buổi chiều nữa, nhưng Chúa nhật như ngày thứ tám muôn đời, ngày được thánh hiến bởi sự phục sinh của Đức Kitô; ngày tiên báo sự nghỉ ngơi không chỉ tinh thần nhưng cả thân xác nữa» (Thành đô Thiên Chúa, 22, 30).

 

Công đồng Vatican II đã lấy lại trong Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh, Sacrosanctum Concilium, luận đề này về ngày thứ tám. Thật vậy, ở số 106 nói rằng: «Theo Tông Truyền bắt nguồn từ chính ngày Chúa Kitô sống lại, Giáo Hội cử hành mầu nhiệm phục sinh vào mỗi ngày thứ tám. Ngày thật đáng gọi là ngày của Chúa hay Chúa nhật».

 

Thông điệp Dies Domini của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, ở số 26, nói về Chúa nhật như “ngày thứ tám, hình ảnh của sự vĩnh cửu”, khi phục hồi những bản văn khác nhau của các Giáo phụ: của thánh Justino, Basilio, Augustino và Origenes.

 

4. Từ ngày thứ nhất đến ngày thứ tám

 

Đó là thời gian của Giáo hội, thời gian mà Đấng Phục Sinh luôn đồng hành bởi Người đã đến với các môn đệ trong ngày thứ nhất để ban bình an cho các ông. Tuy nhiên, ở cuối hành trình dương thế, nghĩa là vào ngày thứ tám, Đấng Quang Lâm sẽ lại đến lần sau hết để hoàn tất lịch sử cứu độ. Trong suốt cuộc hành trình này, Giáo hội vẫn phải trải qua những thử thách, những bách hại từ bên ngoài và cả những chia rẽ từ bên trong. Sẽ vẫn có những sự bất trung như Giuđa, sự cứng tin của Tôma, hay cả sự chối bỏ Thầy của vị tông đồ trưởng,… Nhưng Thánh Thần của Đấng Phục Sinh sẽ thanh luyện làm cho Giáo hội được tinh tuyền và giữ vững đức tin cho đến ngày sau hết.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á