ƠN GỌI

TƯƠNG QUAN GIỮA Ý NGHĨA CỦA BÁT PHÚC VÀ KINH LẠY CHA

Khi so sánh số lần đọc kinh Lạy Cha với Bát Phúc, người ta nhận thấy lời kinh Lạy Cha được nhắc đến và có cơ hội thẩm thấu vào cuộc sống nhiều hơn Bát Phúc. Nhưng không phải thế mà Bát Phúc trở thành xa lạ với đan sĩ, trái lại Bát Phúc đã trở nên gần gũi hơn bao giờ hết, bởi vì Bát Phúc được thánh Biển Đức chuyển hóa thành luật sống cho người đan sĩ.

 

 

TƯƠNG QUAN GIỮA Ý NGHĨA CỦA BÁT PHÚC VÀ KINH LẠY CHA

 

 

M. Phaolô TG Bùi Văn Dư

 

 

Qua dòng thời gian, đã có rất nhiều giáo phụ cũng như các nhà thần học không ngừng suy tư tìm hiểu về Bát Phúc và kinh Lạy Cha. Các giáo phụ như Tertulian (+220), Origenes (+254), Cyprian thành Carthage (+258) đều có những công trình nghiên cứu về kinh Lạy Cha và xác tín kinh Lạy Cha là “Lời cầu nguyện của Chúa – oratio domenica”[1]. Bởi vì: “một đàng quanh những lời kinh này, con Thiên Chúa quả thật ban cho chúng ta những lời mà Chúa Cha đã ban cho Người: Người là Thầy dạy chúng ta cầu nguyện. Đàng khác, là Ngôi Lời nhập thể, nên trong trái tim nhân loại của Người, Người hiểu rõ nhu cầu của những anh chị em loài người của Người, và Người bày tỏ những nhu cầu đó cho chúng ta: Người là mẫu mực của việc cầu nguyện của chúng ta”[2]. Tertulian nói: “Đó là bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng”. Còn thánh Augustinus diễn tả: “Hãy rảo khắp mọi lời trong Kinh Thánh, và tôi không nghĩ rằng bạn có thể tìm thấy bất cứ điều gì ở đó mà lại không chứa đựng và bao hàm trong kinh Lạy Cha”. Trong thời trung cổ, kinh Lạy Cha luôn được các nhà thần học quan tâm đào sâu và suy tư. Vào thế kỷ XVI, bộ sách giáo lý Roma – Catechismus Romanus (xuất bản năm 1566) đã thâu tóm kinh Lạy Cha với ba chức năng: là lời cầu nguyện nền tảng, là bản tóm lược của đức tin và là những điều luật cho cuộc sống[3]. Trong thế kỷ XX, nhiều tác giả bắt được nguồn cảm hứng từ kinh Lạy Cha để suy tư và thẩm thấu ý nghĩa kinh Lạy Cha trong những tình cảnh khó khăn nhất của cuộc đời như Bonhoeffer - mục sư và là nhà thần học người Đức, đã viết nên tác phẩm “Nachfolge” (Bước theo); hay như linh mục dòng Tên Alfred Delp đã viết những bài suy niệm về kinh Lạy Cha trong trại tập trung của Đức Quốc Xã trong khi tay ngài bị xiềng xích[4]. Romano Guardini, một nhà thần học nổi tiếng của thế kỷ XX, một chuyên viên về phụng vụ với tác phẩm nổi tiếng “Vom Geist der Liturgie” (1918) đã dành nguyên một cuốn sách về kinh Lạy Cha với nhan đề: “Gebet und Wahrheit”. Bên cạnh đó còn có những cuốn sách không thể không nhắc tới là cuốn “Glaubensbekenntnis und Vaterunser” (xuất bản năm 1993) của Eugen Biser và cuốn “Das Gebet im Neuen Testament” (xuất bản năm 1997) của Oscar Cullmann. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo dành nguyên phần thứ tư để bàn về Kinh nguyện Kitô giáo, trong đó có phần giải thích về kinh Lạy Cha từ số 2777 – 2854. Đặc biệt, gần đây nhất nhà thần học nổi tiếng của thời đại chúng ta là Josef Ratzinger, Đức Thánh Cha Benedicto XVI đã viết về kinh Lạy Cha trong tác phẩm “Jesus von Nazareth” (phần 1, 2006) rất hay và súc tích.

 

Về Bát Phúc, các giáo phụ như Ambrosius (+397) Augustinus (+430) cũng không ngừng suy tư và tìm hiểu, đặc biệt những bài giảng của giáo phụ Gregor von Nyssan đã được Salvatore R. C. Lilia khảo cứu viết thành cuốn sách mang tựa đề “Neuplatonitische Gedankengut in der Homilie ueber Seligpreisungen’ Gregor von Nyssan”. Klaus Berger, một giáo sư thần học Kinh Thánh Tân Ước của đại học Heidelberg ra sức chú giải kinh Lạy Cha và Bát Phúc trong tác phẩm “Kommentar zum Neuen Testament” (tái xuất bản năm 2012). Linh mục Giuse Nguyễn Thế Thuấn chú giải chi tiết mọi khía cạnh của cả kinh Lạy Cha và Bát Phúc trong cuốn “Hiến Chương Nước Trời”, đây là một khảo cứu Kinh Thánh rất giá trị. Bên cạnh đó tác giả Raniero Cantalamessa cho xuất bản cuốn Huit Étapes Vers Bonheur, Les Béatitudes évangéliques vào năm 2009 và đã được Linh mục Micae Trần Đình Quảng chuyển ngữ thành “Tám Chặng Đường Đi Tới Hạnh Phúc”. 

 

Nhìn sơ lược về những tác phẩm đã được ra đời từ hai bản văn này cho chúng ta thấy rằng, đã có rất nhiều tác giả soi chiếu bản văn Kinh Thánh với cái nhìn của các Giáo Phụ và những thần học gia nghiên cứu chuyên biệt về mọi khía cạnh của hai bản văn. Mục đích của bài viết không có tham vọng “phân câu chiết tự” mà chỉ cố gắng đi tìm mối liên hệ về ý nghĩa của chúng dưới cái nhìn của Đức Thánh Cha Phanxicô. Bởi không phải vô tình khi Ngài đã dành nguyên một chương dài của Tông Huấn “Hãy Vui Sướng và Hân Hoan” (Gaudete et Exsultate) để diễn dịch lại Bát Phúc như là điều kiện để nên thánh trong khung cảnh mới của xã hội ngày nay. Và trong buổi triều yết thứ tư hàng tuần kể từ ngày 20.01.2019 đến ngày 24.4.2019, Ngài đã triển khai một loạt bài giáo lý về Kinh Lạy Cha. Trong chiều kích hiện thời này, chúng ta cùng tìm hiểu đề tài dưới ba khía cạnh sau: Trở nên con của Cha trên Trời, Lập trình sống và cầu nguyện, cuối cùng là Đan sĩ đọc kinh Lạy Cha và thực hành Bát Phúc.

 

1. Trở nên con của Cha trên trời

 

Khi nói đến mối tương quan, người ta liên tưởng ngay đến sự liên hệ tương tác qua lại giữa hai hoặc nhiều đối tượng với nhau hơn là sự dị biệt hay tương đồng. Kinh Lạy Cha và Bát Phúc là hai thể văn khác nhau. Ngay từ bản chất, kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện; trái lại, Tám mối phúc lại là một bài giáo lý hơn là một lời kinh. Lời kinh ấy và bài giáo lý ấy được phát ra trực tiếp từ môi miệng của Đức Giêsu Kitô - Đấng Cứu Thế. Và cả hai bản văn đều nằm trong chuỗi Bài Giảng Trên Núi của Chúa Giêsu được thánh sử Matthêu ghi lại từ chương 5 đến chương 7; nhưng Luca lại sắp xếp hai bản văn này trong loạt bài giảng tại đồng bằng (Lc 6,20-49). Theo Raniero Cantalamessa, mỗi thánh sử đều có dụng ý riêng của mình; ông cho rằng thánh Matthêu muốn nhấn mạnh đến ý nghĩa tôn giáo, trái lại thánh Luca đề cao ý nghĩa xã hội của bản văn.[5]  

 

Mở đầu Bài Giảng Trên Núi là Tám mối phúc thật và đứng ở trung tâm của Bài Giảng là Kinh Lạy Cha. Mỗi bản văn đều có một vai trò và vị thế quan trọng riêng. Nếu Kinh Lạy Cha là khuôn mẫu cho các lời cầu nguyện và cũng là lời kinh duy nhất Chúa Giêsu truyền dạy cho nhân loại, thì Tám Mối Phúc Thật được mệnh danh là Hiến Chương Nước Trời. Đó chính là hiến pháp của một quốc gia mang tên Thiên Quốc. Ai muốn làm công dân của Thiên Quốc, người ấy phải sống theo hiến chương này. Nhiều tác giả còn gọi đây là „tuyên ngôn độc lập“ đầu tiên của nhân loại. Vì thế, Tám mối phúc thật là kim chỉ nam cho đời sống đạo đức của người Kitô hữu hay cũng là khuôn phép đời sống của công dân Nước Trời. Đó cũng là điều mà Đức Phanxicô đã viết ngay khi mở đầu giải thích Bát Phúc: “Bát Phúc giống như thẻ căn cước của Kitô hữu vậy. Nên nếu có ai hỏi: Họ phải làm gì để là một Kitô hữu tốt lành? Câu trả lời này rất rõ. Ta phải làm theo cách của ta, những gì Chúa đã bảo ta trong Bài giảng trên núi[6]. Vậy trong Bài giảng trên núi không bao hàm chỉ có Bát Phúc mà còn cả kinh Lạy Cha. Như thế, Bát Phúc và kinh Lạy Cha tạo nên những “Kitô hữu tốt lành” hay nói cách khác là tạo nên những vị thánh, những công dân của Nước Trời. Những công dân ấy được tôi luyện bởi Bát Phúc nên thẩm thấu được những đặc tính như hiền lành, nghèo khó, công chính, xót thương… Công dân Nước Trời ấy có chung một vị Cha là Thiên Chúa, vì thế khi cầu nguyện họ đều thân thưa: “Lạy Cha chúng con ở trên trời.” Đây là chính là mối tương quan đầu tiên giữa kinh Lạy Cha và Bát Phúc, điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô minh định rõ trong bài giáo lý vào thứ tư ngày 02.01.2019: “Mầu nhiệm lớn nhất làm nền tảng cho tất cả Bài Giảng Trên Núi là ở chỗ trở nên con cái của Cha trên Trời[7]

 

2. Lập trình sống và cầu nguyện

 

Vậy Bát Phúc không phải là một ý thức hệ cao xa, viễn vông và bóng bẩy để các học giả mổ xẻ, nghiên cứu và để cho người tín hữu ca tụng và nhai đi nhai lại; cũng không phải là ý thức hệ chính trị mà người ta nhồi nhét vào đầu người dân để dễ bề cai trị và người dân dễ thuần phục. Trái lại, nó là một chương trình sống, một giáo lý đến từ Thiên Chúa để hoạch định một chương trình nên thánh, kiến tạo hạnh phúc và phục vụ con người, đặt con người làm trung tâm, lấy con người làm đối tượng để phục vụ chứ không phải biến con người thành công cụ để lợi dụng và kiếm lời. Đây cũng chính là điều mà Đức Thánh Cha Benedicto XVI đã bày tỏ trong cuốn sách Chúa Giêsu thành Nazareth, ngài viết: “Bát Phúc không phải là một ý thức hệ mới, mà là một giáo lý phát xuất từ trời cao và nhắm đến con người, chính vì con người mà Thiên Chúa đã chấp nhận nhập thể và cứu độ[8]. Trong một bài huấn dụ tại quảng trường thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI nói: “Bát Phúc là một chương trình sống mới, để giải thoát con người khỏi những giá trị sai lạc của trần thế và mở cho sự thiện hảo chân thật trong hiện tại và tương lai[9].

 

Khi nghiên cứu kinh Lạy Cha, các nhà thần học nhận ra có sự tương thích giữa kinh Lạy Cha với kinh Oaddisch và kinh cầu 18 (Schemone Esre) hay còn gọi là kinh “cầu mười tám” của Do Thái giáo cổ xưa. Chẳng hạn Robert Aron, một văn hào người Pháp gốc Do Thái cho rằng: “Lời kinh nền tảng này của Kitô giáo, trong nhiều câu bắt nguồn trực tiếp từ những lời cầu nguyện nền tảng của người Do Thái, nên có thể Chúa Giêsu đã cầu nguyện, hay đã lắng nghe lời cầu nguyện này ở những hội đường trong những năm sống ở Nazareth[10]. Tuy có những nét tương đồng với lời kinh của Do Thái giáo[11] nhưng kinh Lạy Cha mang một màu sắc mới, linh hồn mới và hơi thở mới. Điều mới mẻ ấy được Chúa Giêsu thổi vào qua lời mặc khải: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ nhưng để kiện toàn” (Mt 5,17). Henri de Lubac cũng suy tư trong chiều hướng hành động nâng cấp và kiện toàn lề luật của Chúa Giêsu như thế, nên ông viết: “Giao ước mới khởi đi từ giao ước cũ, nhưng không phủ nhận giao ước cũ. Giao ước mới không phá huỷ giao ước cũ: Trong khi làm cho giao ước cũ được kiện toàn, thì giao ước mới biến đổi và làm sống động lại giao ước cũ… Tóm lại, giao ước mới đã biến đổi những từ ngữ của giao ước cũ vào trong tinh thần”[12]. Như thế, kinh Lạy Cha là một khuôn mẫu của sự kiện toàn và nâng cấp từ Cựu ước sang Tân ước. Sự kiện toàn ấy tiềm ẩn lời kêu gọi nên hoàn thiện.

 

Và thánh Matthêu có dụng ý đặt Bát phúc ngày ở đầu Bài giảng trên núi để cung cấp cho mọi người một cách sống mới, cách sống của người có tinh thần nghèo khó, có đức hiền lành, có khả năng ủi an, có lòng khao khát nên công chính, có lòng xót thương, có tâm hồn trong sạch, có ý chí xây dựng hoà bình… Cách sống này chỉ đạt đến trọn vẹn khi con người ấy biết cầu nguyện. Vì thế, thánh Matthêu đặt kinh Lạy Cha ở trung tâm của Bài giảng trên núi, sau Bát phúc và lời mời gọi nên hoàn thiện (Mt 5,20-48) với dụng ý rằng sau khi các môn đệ được dạy dỗ về cách sống mới, giáo huấn mới để trở nên hoàn thiện, thì bước tiếp theo chính là phải học biết cầu nguyện và đặc biệt học biết về thánh ý của Cha trên trời. “Như thế, con đường tập sống nên hoàn thiện được kết nối với con đường cầu nguyện. Và từ con đường cầu nguyện, con đường tập sống con đường của Chúa lại tiếp tục được mở ra và đào sâu hơn. Như thế hoạt động và cầu nguyện luôn có sự nối kết chặt chẽ.[13]

 

Vậy Bát Phúc là cách thực hành hay là chương trình sống, thì kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện. Cầu nguyện và thực hành không thể tách rời, chúng như đôi cánh của một con chim, thiếu một trong hai, con chim không thể nào bay được. Như thế, kinh Lạy Cha và Bát Phúc có mối liên hệ hỗ tương, khi cả hai đi vào hoạt động thì đời sống tâm linh mới thật sự được cất lên bay bổng trong khung trời tình yêu của Thiên Chúa. Do đó, khi thực hành Bát Phúc cũng là khi đòi buộc mọi người sống tinh thần kinh Lạy Cha.

 

Nếu chỉ thực hành Bát Phúc mà không sống kinh Lạy Cha thì con người sẽ rơi vào “hai sai lầm tai hại” mà Đức Thánh Cha Phanxicô nêu rõ: “Một mặt, có sự sai lầm của các Kitô hữu, những người tách những đòi hỏi của Tin mừng ra khỏi mối tương quan đích thân của họ với Chúa, khỏi sự hợp nhất nội tâm với Ngài khỏi việc mở ra cho ân sủng của Ngài. Vì thế, Kitô giáo trở thành một thứ NGO[14] (tổ chức phi chính phủ, giống như tổ chức thiện nguyện). “Một sai lầm khác thuộc về ý thức hệ ta tìm được trong những người nghi ngờ về sự dấn thân xã hội của những người khác, có đó là giả hình, thế tục, trần tục, theo chủ nghĩa duy vật, theo cộng sản hay theo chủ nghĩa dân túy[15].

 

Thật thế, khi một người thực thi những điều đi ngược với thế gian như lời dạy trong Bát Phúc, chẳng hạn: tâm hồn nghèo khó, hiền lành, sầu khổ, xót thương người, tâm hồn trong sạch, chịu sự bách hại vì sống công chính… mà không nhận biết Thiên Chúa là Cha của mình như sự mạc khải trong kinh Lạy Cha rằng con người có vị Cha chung ở trên trời là Thiên Chúa qua lời thân thưa cũng là tuyên tín: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”, thì những hy sinh đó cũng chỉ là hành động thiện nguyện bình thường khác.

 

3. Đan sĩ đọc kinh Lạy Cha và thực hành Bát Phúc

 

Là một đan sĩ chúng ta sống tương quan giữa kinh Lạy Cha và Bát Phúc như thế nào? Hay cụ thể hơn, chúng ta có phối hợp nhuần nhuyễn giữa cầu nguyện và thực hành trong đời sống hằng ngày? Ai cũng biết cầu nguyện là hơi thở và nhịp đập của con tim người đan sĩ. Vì thế mà đời sống cầu nguyện của người đan sĩ gắn liền với câu thánh vịnh: “Con ca tụng Chúa mỗi ngày bảy lượt” (Tv 119,164). Ít nhất mỗi ngày đan sĩ cầu nguyện ba lần bằng kinh Lạy Cha (Kinh sáng, thánh lễ và kinh chiều). Vậy hiệu ứng của kinh Lạy Cha hay nói tổng quát hơn là việc thờ phượng và cầu nguyện đối với đời thường như thế nào? Đức Phanxicô đã chỉ ra cho chúng ta quy tắc và cũng là những lời cảnh báo cho những trường phái duy cầu nguyện hay duy phụng tự theo các nghi lễ mà quên đi đời sống thực hành: “Ta có thể nghĩ rằng ta chỉ tôn vinh Thiên Chúa qua việc thờ phượng và cầu nguyện của ta hay cách đơn giản qua việc theo đuổi một số quy tắc đạo đức nào đó. Đúng là ưu tiên hàng đầu thuộc về mối tương quan của ta với Thiên Chúa, nhưng ta vẫn không thể quên rằng tiêu chuẩn cuối cùng qua đó ta sẽ bị xét xử là những gì ta đã làm cho người khác”[16]. Đó cũng chính là điều mà thánh sử Matthêu diễn tả trong chương 25,35-36: “Ta đói, các ngươi đã cho ăn, Ta khát các ngươi đã cho ta uống, ta là khách lạ, các ngươi đã đón tiếp, Ta mình trần các ngươi đã cho mặc, Ta đau yếu, các ngươi đã chăm nom, Ta bị tù các ngươi đã ghé thăm”. Trong số 105 của tông huấn Hãy Vui Sướng và Hân Hoan (Gaudete et Exsultate), Đức Thánh Cha nhấn mạnh tiếp: “Cách tốt nhất để phân định xem cầu nguyện có chân thành không là xem cuộc sống của ta có biến đổi tới mức nào dưới ánh sáng của lòng thương xót”. Lòng thương xót ở đây chẳng phải là “Phúc thay ai xót thương người vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7) hay sao!

 

Khi so sánh số lần đọc kinh Lạy Cha với Bát Phúc, người ta nhận thấy lời kinh Lạy Cha được nhắc đến và có cơ hội thẩm thấu vào cuộc sống nhiều hơn Bát Phúc. Nhưng không phải thế mà Bát Phúc trở thành xa lạ với đan sĩ, trái lại Bát Phúc đã trở nên gần gũi hơn bao giờ hết, bởi vì Bát Phúc được thánh Biển Đức chuyển hóa thành luật sống cho người đan sĩ. Nói cách khác, Bát Phúc được hoà tan vào dòng chảy cuộc đời của người đan sĩ đến nỗi người ta không thể nhận ra hình dạng của Bát Phúc và chỉ thấy đó là đời tu. Chẳng hạn như “Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó” lại chẳng tương xứng với lời khấn khó nghèo! “Phúc cho ai có lòng trong sạch” lại không ăn khớp với lời khấn khiết tịnh, điều mà người đan sĩ thường xếp lên trước tiên trong thứ tự các lời khấn đó sao!

 

Khi đón tiếp khách đến đan viện, thánh Biển Đức đã chẳng dạy con cái mình phải đón rước như Chúa Kitô[17] và tiếp rước người nghèo, người hành khất với cả sự quan tâm và lo lắng nhất[18]. Đây chính là khía cạnh được Đức Thánh Cha Phanxicô tái khám phá dưới lăng kính của Tám mối phúc thật trong Tông huấn Hãy Vui Sướng và Hân Hoan (Gaudete et Exsultate) khi Ngài viết: “…thái độ đúng đắn của người Kitô hữu là đặt mình trong địa vị của anh chị em mình, những người đang liều mạng để đem lại tương lai cho con em họ. Ta không thể nhận ra rằng đây chính là điều Chúa Giêsu đòi hỏi, khi Ngài bảo ta đón tiếp khách lạ là đón tiếp chính Ngài sao? (x. Mt 25,35). Thánh Biển Đức luôn sẵn sàng làm như thế và tuy làm như thế thường làm cho đời sống của các đan sĩ “phức tạp thêm”, ngài vẫn ra lệnh phải đón tiếp mọi người khách gõ cửa đan viện bằng thái độ tôn kính như đón tiếp Đức Kitô, phải gặp gỡ những người nghèo và hành khất với sự quan tâm và âu lo nhất[19]. Sự gặp gỡ thiết thực nhất của người đan sĩ đối với “người nghèo” và người “hành khất” không ai khác là chính những anh em đan sĩ sống trong cộng đoàn, những con người đôi khi không đói khát về của ăn nhưng đói khát về tình cảm và tinh thần, những con người cũng mang dòng máu đỏ và con tim bằng thịt nên cũng luôn cần đến sự chịu đựng, chia sẻ, cảm thông và tha thứ. Đó chính là khía cạnh thực hành Bát Phúc của người đan sĩ, và cũng là việc hiện thực hoá lời kinh Lạy Cha trong cuộc sống đời thường nơi nội vi đan viện. Có lẽ vì thế mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết: “Kinh Lạy Cha là kinh nguyện đi sâu vào thực tại cụ thể của con người… Cầu nguyện được bắt đầu bằng chính đời sống. Cầu nguyện – Chúa Giêsu dạy chúng ta – không bắt đầu với việc hiện hữu của con người sau khi no bụng, mà cầu nguyện ở ngay bất cứ chỗ nào có con người, có bất cứ ai đang đói khổ, đang khóc lóc, đang đối chọi, đang đau khổ và đang đặt vấn đề tại sao[20]. Như thế yếu tố của Bát Phúc lại hiện lên giữa lòng kinh Lạy Cha khi con người cầu nguyện. Chính khi bị bắt bớ, bị bách hại, phải nghèo đói trong tâm hồn cũng như thể xác thì lời kinh Lạy Cha, đại diện cho bầu khí cầu nguyện lại được vang lên để những khó khăn trong cuộc đời quyện với lời kinh tiến dâng lên Cha là Chúa cả trời đất.

 

Kết luận 

 

Lời của Chúa đào mãi không sâu, múc mãi không cạn, như tiên tri Isaia đã nói rằng: “Như trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối Ta vượt trên đường lối các ngươi, và tư tưởng Ta cũng vượt trên tư tưởng các ngươi thế ấy” (Is 55,9). Bát Phúc và kinh Lạy Cha là hai kho tàng lớn của đức tin Kitô giáo, và là lời dạy trực tiếp của Chúa Giêsu. Cả hai đã hun đúc nên hình ảnh con cái Thiên Chúa và cùng tác động hỗ tương với nhau để nâng đời sống tâm linh của người Kitô hữu đến mức thiện toàn. Còn gì đẹp hơn khi chúng ta nghe lời dạy trực tiếp của Giáo Hội về Bát Phúc và kinh Lạy Cha trong Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo rằng: “Bài giảng trên núi (Bát Phúc) là giáo huấn để sống, kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện, nhưng trong cả hai, Thần Khí của Chúa đem lại thể thức mới cho những ao ước của chúng ta, cho những biến chuyển nội tâm làm sinh động cuộc đời chúng ta. Chúa Giêsu dùng lời Người dạy chúng ta về cuộc đời mới và dạy chúng ta nài xin cuộc đời mới này bằng cầu nguyện. Sự trung thực của cuộc đời chúng ta trong Người sẽ tuỳ thuộc và sự trung thực của lời cầu nguyện của chúng ta[21].

 

 

 

SÁCH THAM KHẢO

 

Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, Bản tiếng Việt của Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội 2009.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Gaudete et Exultate, Hãy Vui Mừng Và Hân Hoan, Lm Đaminh Nguyễn Đức Thông, CSsR. chuyển ngữ, Nxb. Tôn Giáo 2018.

Tu Luật Thánh Biển Đức

Gottfried B./ Hunze G., trong “Lexion fuer Theologie und Kirche”, Tập 10, Nxb Freiburg-Basel-Rom-Wien 2001,

Raniero Cantalamessa, Tám Chặng Đường Đi Tới Hạnh Phúc; Các mối phúc Tin Mừng, Micae Trần Đình Quảng chuyển ngữ, Nxb Đồng Nai 2018.

Josef Ratziger, Chúa Giêsu thánh Nazaret, Hồng Lam chuyển ngữ, Nxb Tôn Giáo 2011.

Bonnard P., Dupont J., Refoule F., Notre père qui est aus cieux, La priere Oecumenique, Le Cerf-les Bergers les Mages 1968.

X. O’Collin G., The Lord’s prayer, Darton, Longman and Todd Ltd., London 2006.

Yese Nguyễn Thế Thuấn, Hiến Chương Nước Trời, Bài giảng trên núi kinh Lạy Cha, (không rõ Nxb).

http://w2.vatican.va/content/francesco/de/audiences/2019/documents/papa-francesco_20190102_udienza-generale.html (02.05.2019).

http://w2.vatican.va/content/benedict-xvi/de/angelus/2011/documents/hf_ben-xvi_ang_20110130.html (01.05.2019).

https://sites.google.com/site/giaolychotoi/guong-duc-suy-niem/loi-kinh-cha-me-day/phan-mo-dhau#m1 (02.05.2019).

https://sites.google.com/site/giaolychotoi/dtc-phanxico/giao-ly-ve-kinh-lay-cha-cua-dtc-phanxico (03.05.2019).

 

 

____________________________

 

 

[1] X. O’Collin G., The Lord’s prayer, Darton, Longman and Todd Ltd., London 2006(t).xii.

[2] Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, Bản tiếng Việt của Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội 2009, số 2765.

[3] Gottfried B./ Hunze G., trong “Lexion fuer Theologie und Kirche”, Tập 10, Nxb. Freiburg-Basel-Rom-Wien 2001, cột (c.) 549.

[4] X. https://sites.google.com/site/giaolychotoi/guong-duc-suy-niem/loi-kinh-cha-me-day/phan-mo-dhau (29/4/2019). 

[5] X. Raniero Cantalamessa, Tám Chặng Đường Đi Tới Hạnh Phúc; Các mối phúc Tin Mừng, Micae Trần Đình Quảng chuyển ngữ Nxb Đồng Nai 2018, 9.

[6] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông Huấn Gaudete et Exsultate, Hãy Vui Sướng Và Hân Hoan, Lm Đaminh Nguyễn Đức Thông CSsR. chuyển ngữ, Nxb Tôn Giáo 2018, số 63.

[7] “Das ist das große Geheimnis, das die Grundlage der gesamten Bergpredigt ist: Werdet Kinder eures Vaters im Himmel”. http://w2.vatican.va/content/francesco/de/audiences/2019/documents/papa-francesco_20190102_udienza-generale.html (02.05.2019).

[8] Josef Ratziger, Chúa Giêsu thánh Nazareth, Hồng Lam chuyển ngữ, Nxb. Tôn Giáo 2011, 98.

[9] “Die Seligpreisungen sind ein neues Lebenspragramm, um sich von den falschen Werten der Welt zu befreien und fuer die wahren Gueter in Gegenwart und Zukunft zu oeffnen”. http://w2.vatican.va/content/benedict-xvi/de/angelus/2011/documents/hf_ben-xvi_ang_20110130.html (01.05.2019).

[10] Bonnard P., Dupont J., Refoule F., Notre père qui est aus cieux, La priere Oecumenique, Le Cerf-les Bergers les Mages 1968, 23.

[11] Cha Nguyễn Thế Thuấn chú giải và so sách rất rõ kinh Lạy Cha và kinh “Cầu mười tám” trong Yese Nguyễn Thế Thuấn, Hiến Chương Nước Trời, Bài giảng trên núi kinh Lạy Cha, (không rõ Nxb), 151-162.

[12] Bonnard P., Dupont J., Refoule F., Notre père qui est aus cieux, La priere Oecumenique, Le Cerf-les Bergers les Mages 1968, 26.

[13] https://sites.google.com/site/giaolychotoi/guong-duc-suy-niem/loi-kinh-cha-me-day/phan-mo-dhau#m1 (02.05.2019).

[14] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Sđd, số 100.

[15] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Sđd, số 101.

[16] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Sđd, số 104.

[17] X. Tu Luật Thánh Biển Đức 53,

[18] X. Tu Luật Thánh Biển Đức 53,

[19] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Sđd, số 102.

[20] https://sites.google.com/site/giaolychotoi/dtc-phanxico/giao-ly-ve-kinh-lay-cha-cua-dtc-phanxico (03.05.2019).

[21] Sách GLCG, số 2764.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á