ƠN GỌI

NHỮNG THÀNH KIẾN TRONG ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN VÀ CÁCH KHẮC PHỤC

Như một cốc nước đục, mỗi ngày chỉ nhỏ vào một giọt nước sạch thôi, theo thời gian cốc nước đó sẽ trở thành tinh sạch. Chúng ta hãy thử một lần như thế với những thành kiến đang có về người anh em.

 

 

 

NHỮNG THÀNH KIẾN TRONG ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN

VÀ CÁCH KHẮC PHỤC

 

 

M. Thomas Dụ Đinh Văn Tuyên

A. DẪN NHẬP

 

Trong huấn từ video ngắn của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Miền Bắc, Việt Nam, ngày 19-20.11.2019, trong lúc ngài đang có chuyến tông du tại Thái Lan, có đoạn ngài nói: “Nhà là chữ hàm chứa bao ý nghĩa, bao niềm hạnh phúc. Trong văn hóa Việt Nam cũng như trong các nền văn hóa có lẽ không có từ ngữ nào đẹp cho bằng chữ ‘Nhà’. Chữ ấy gói gém tất cả những gì là thân thương nhất, quý giá nhất trong trái tim của một con người; bao gồm không chỉ gia đình, họ hàng thân thuộc mà cả nơi chôn nhau cắt rốn, quê hương xứ sở! Từ chữ ‘Nhà’ đã sản sinh ra văn hóa của các con, truyền thống gia đình, hun đúc đời sống đạo đức, ơn gọi dâng hiến và tình thương yêu dành cho những người thân cận”.

Quả thật, chúng ta được cha mẹ sinh ra, nuôi dưỡng và yêu thương trong những ngôi “nhà” như vậy. Nhưng rồi lớn lên, Chúa lại mời gọi ta rời ngôi nhà nhỏ ấy, xa bố mẹ anh chị em để vào trong một gia đình lớn hơn, thiêng liêng hơn là ngôi nhà đan viện thương yêu này. Nơi đây chính là gia đình của chúng ta, để rồi tìm Chúa và chung sống với nhau. Nhưng mỗi người là một cá vị riêng biệt. Như ngôn sứ Isaia đã nói: “Sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ, bò tơ và sư tử con được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng” (Is 11,6-8). Người viết không có ý nói tính khí của ai như sói, beo, sư tử, gấu hoặc như chiên, dê, hay như trẻ thơ; nhưng có ý mỗi người mỗi tính mỗi cách sống khác nhau. Vì sao Isaia lại nói được như vậy?  Người viết hiểu được chúng ta phải bỏ mình đi, bỏ bản chất “cái tôi của mình” trở nên “cái chúng ta”, để sống giới luật yêu thương thuận hòa, cho nhau vì nhau (x. 1Ga 2,10). Nếu một tổ chức hay một tập thể nào mà các thành viên không bỏ mình đi, nói cách khác không dẹp bỏ thứ thành kiến về người anh em, thì đời sống chung đó luôn gây mệt mỏi, căng thẳng và xáo trộn biết bao. Vậy thành kiến là gì?

 

B. NỘI DUNG

I. KHÁI NIỆM VỀ THÀNH KIẾN

 

Thành kiến, theo Hồ Ngọc Đức, là ý nghĩ cố định về người hay vật, xuất phát từ cách nhìn sai lệch hoặc dựa trên cảm tính và thường xuyên có chiều hướng đánh giá thấp. Người viết xin nêu ra hai khía cạnh khác nhau của thành kiến.

 

1. Loại thành kiến thiên về sự vật, sự việc, hiện tượng

 Được hiểu như là những ý kiến, kiến thức, kinh nghiệm, quan điểm đã được hình thành trước khi nhận thức các thông tin, sự kiện có liên quan hoặc biết rõ của một sự kiện cụ thể từ đó đưa ra những quyết định phù hợp. Thành kiến này cho ta cái nhìn sơ khởi về các vấn đề mà ta gặp phải, nó mang lại cho ta sự hiểu biết một cách tổng quát, từ đó giúp ta có sự thích nghi tốt hơn với cuộc sống. Theo góc nhìn của xã hội thì nó mang đặc tính nền tảng và phổ quát trong tiến trình nhận thức xã hội của con người, là sự phản tỉnh dựa trên những quyết định mang tính chủ quan, hay là những động năng mang tính xã hội của cá nhân.

 

2. Loại thành kiến về con người

Loại thành kiến này thiên chiều về cách nhìn thiếu khách quan hay những nếp suy nghĩ, quan điểm, do không thích, thù ghét, đối xử cách bất công, thiên tư, bắt nguồn từ định kiến hay những ý kiến không có cơ sở mà không chịu tìm hiểu thấu đáo đối với một người hay một nhóm người dựa trên kinh nghiệm về lối sống, nghề nghiệp, quan điểm, màu da, sắc tộc, gia đình hoặc tôn giáo,... Thành kiến loại này thường xuyên xảy ra trong các tập thể và trong cả các cộng đoàn sống đời thánh hiến cũng không phải không có.

 

II. THỰC TRẠNG CỦA THÀNH KIẾN

1. Một số thành kiến xuất hiện trong Kinh Thánh

 

a. Ta đã quá quen thuộc với hình ảnh hoàng hậu Esther trong Sách Thánh mang tên bà. Truyện kể về dân tộc Do Thái sống trong cảnh tha hương lưu đày, luôn là nạn nhân của các thành kiến và khinh khi. Bị coi như khác người bởi lối văn hóa, tôn giáo, truyền thống riêng biệt. Họ tuân giữ một lề luật khác mọi dân bản xứ (x. Et 3,8). Vì thành kiến quá nặng nề nên quan Haman đã mưu tâm tru diệt dân Do Thái. Trước cơ sự đó, Esther - một nữ giới - xuất thân từ một dân bị khinh miệt là Israel, trong xã hội trọng nam, phụ nữ lại không có tiếng nói. Esther trở thành hoàng hậu và cùng với ông Mordecai, đẩy lui được mối họa và bắt cừu địch Haman cũng như mọi kẻ thù của dân tộc phải trả nợ máu.

b. Còn trường hợp bà Susanna trong sách Daniel thì sao? (x. Đn 13,1-64). Thành kiến về thứ đàn bà ngoại tình đã làm mờ mắt dân Israel, mà tin theo lời hai kỳ lão gian tà độc ác. Dân đã không biết rõ sự việc ra sao, cũng không chịu xét xử mà cứ đem đi kết án. Nếu không có Daniel phân xử thì ngày ấy máu vô tội đã đổ ra. Đây chẳng phải là tai hại lớn nhất của thành kiến gây ra đó sao?

c. Đến chính Chúa Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế mặc lấy thân phận phàm nhân (x. Pl 2,6-7), vì yêu thương dân Người mà chịu chết để cứu chuộc họ, nhưng thế hệ đồng thời và cho đến tận ngày nay phần lớn họ vẫn xét đoán về gia thế cũng như sứ mạng của Người. Họ không tin nhận Người. Đặc biệt là các kinh sư, kỳ mục, giới thông luật. Nhóm người này mang những óc thành kiến nặng nề đến nỗi luôn rình xem Chúa Giê-su về mọi hành động, lời nói, các mối tương quan của Ngài. Mọi việc Ngài làm dù tốt đẹp mấy đi nữa họ cũng cho là xấu. Họ chống đối, căm thù, cuối cùng giết cả Chúa.

 

2. Vậy còn trong thời đại chúng ta thì sao?

Ở số 247, Thông điệp Fratelli tutti, Đức Thánh Cha Phanxicô nhớ lại lịch sử đau buồn, ngài thổn thức: “Ai trong chúng ta cũng đã từng để tâm và suy nghĩ về nạn tàn sát người Do Thái của Đức Quốc Xã. Nó mãi còn là biểu tượng cho thấy sự dữ của con người có thể đạt đến mức độ nào”. Khi bị kích động bởi những ý thức hệ sai lầm, lệch lạc, bởi những tư tưởng thành kiến chính trị. Người đầu tiên là Hitler đã châm ngòi cho các thành kiến, người ta đã theo quan điểm của một số người mà không còn tìm hiểu sâu xa nữa. Không nhận ra phẩm giá nền tảng của mỗi con người là vô cùng cao quý, bất khả xâm phạm, phải được tôn trọng vô điều kiện bất kể nguồn gốc chủng tộc hay niềm tin tôn giáo.

Còn các nạn nhân của chế độ diệt chủng thì sao? Hai cuộc chiến tranh thế giới phi nghĩa thì sao? Nó đã làm biết bao người đau khổ chết chóc. Đức Phanxicô viết: “Có những người tìm giải pháp trong chiến tranh, thường được bồi thêm bởi một số sự đổ vỡ mối quan hệ, những tham vọng chính trị, những lạm dụng quyền lực, nỗi sợ những người khác và khuynh hướng nhìn sự đa dạng như một chướng ngại” (Thông điệp Fratelli tutti, số 256). Tất nhiên, thành kiến là một phần trong đó, dẫn đến phủ nhận phẩm giá và quyền sống của con người.

Vậy bởi đâu có những hậu quả khủng khiếp như trên, hay nói cách khác nguyên nhân sâu xa của thành kiến là gì?

 

III. NGUYÊN NHÂN CỦA NHỮNG THÀNH KIẾN

 

Như đã nói ở trên, thành kiến phụ thuộc vào góc nhìn cuộc sống của chúng ta là chính yếu. Bỏ qua vấn đề về tâm lý, có ba quan điểm về con người tác động trực tiếp lên những thành kiến. Thứ nhất, chúng ta có suy nghĩ và tình cảm. Đây là điều rất cao quý và đặc biệt. Khi có suy nghĩ và tình cảm, chúng ta sẽ biết hành xử và phản tỉnh về đời sống của chính mình và của người khác. Chúng ta sẽ biết đánh giá, chọn lựa làm hoặc không làm việc nọ việc kia một cách có chủ đích. Thứ hai, chúng ta là những cá vị hoàn toàn biệt lập nhau. Mỗi người có một hình dáng riêng, một suy nghĩ, lỗi sống, tính tình, quan điểm, cách nhìn khác nhau. Thứ ba, chúng ta cũng có những thay đổi về tâm sinh lý, tình cảm, trình độ, cách nhìn sự vật, sự việc để thích nghi với lứa tuổi cũng như môi trường sống cụ thể. Chẳng hạn, suy nghĩ cũng như cách ứng xử của ta lúc 5 tuổi và 18 tuổi là hoàn toàn khác nhau, khi 18 tuổi ta hoàn toàn chịu trách nhiệm về mọi quyết định của mình.

Tóm lại, con người là một sự tổng hòa, vừa có căn tính vững chắc vừa có sự thay đổi và thích nghi với hoàn cảnh sống cụ thể. Chắc chắn cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp khi chúng ta ý thức được những suy nghĩ, cách nhìn thiển cận hay bao quát về mọi thông tin ta nắm bắt. Đồng thời, cần phải có sự uyển chuyển linh hoạt để thính nghi với từng hoàn cảnh sống, quan trọng chúng ta có vận dụng nó để biến cái tiêu cực thành tích cực lạc quan. Tất cả những điều này liên quan mật thiết với các thành kiến, bởi vì một khi những khía cạnh này bị tổn thương sẽ ngăn cản sự phát triển hài hòa của ta, từ đó làm cho thành kiến trở nên lệch lạc.

Đó là nguyên nhân chính yếu gây nên những thành kiến. Vậy nó chi phối cuộc sống ta như thế nào? Đâu những tác hại trực tiếp của nó?

 

IV. TÁC HẠI CỦA THÀNH KIẾN

 

Chắc chắn ai trong chúng ta ít nhiều cũng có thành kiến về người khác...và có bao giờ chúg ta tự chất vấn những thành kiến ta có với người anh em, những gì ta nghĩ về anh em có đúng không? Trong đời sống chung, khi va chạm nhiều, đặc biệt khi trở thành nạn nhân của các thành kiến, anh em có cảm nhận được rằng: giữ thành kiến chẳng khác gì “nuôi” một loại virus không? Nó không chỉ gặm nhấm tâm hồn, tình cảm của ta mà còn gây tổn thương sâu đậm đến những người mà ta có thành kiến. Sách Huấn Ca nói rằng: “Không ai tệ hơn kẻ làm khổ chính mình” (Hc 14,6), mà ở đây còn hơn thế.

1. Vì sao lại như vậy? Thứ nhất, bởi vì thành kiến là bức tường khổng lồ ngăn cách ta tiếp cận những kiến thức mới, những kinh nghiệm, cách nhìn mới.

Để biết thêm những điều mới lạ, những kinh nghiệm quý báu hoặc kỹ năng làm việc, viết bài, học tập, thuyết trình, hay giao tiếp, chắc chắn ta phải gạt bỏ những lớp suy nghĩ cũ kỹ tiêu cực và cởi mở với tư tưởng rằng: “Mình đang còn kém vấn đề này, còn anh ta đang làm rất tốt”. Thật vậy, chú ý đến người khác, học hỏi từ họ những điều thiện hảo rất cần thiết và hữu ích cho ta. Thậm chí những năm tháng học trò, những kiến thức từ sách vở chẳng giúp ích cho ta là mấy, đôi khi không thể bằng kinh nghiệm thực tế đời sống từ người khác. Nếu cứ giữ mãi các thành kiến, ta đã vô tình cắt đứt sợi dây nối ta với những điều xem ra phải trân trọng. Những kinh nghiệm đó có thể có được nơi một em Thỉnh sinh chăng? Có thể lắm chứ! Có thể nơi một thầy Tập II hay một thầy ít tài năng nhưng sống nội tâm hơn, hoặc nơi một thầy yếu sức nhưng chu toàn tốt bổn phận của mình. Anh em đó không chỉ là những người giống ta mà còn là những người khác ta rất nhiều. Đôi khi chính sự khác biệt ấy lại cho ta ý thức hơn vấn đề trong tương quan với cộng đoàn và tình yêu với Chúa cũng như với tha nhân. Người viết thích nghe những quan điểm mới, tiếp xúc với những thầy nhìn đời tu ở một góc khác và lắng nghe các ngài giải thích vì sao lại có suy nghĩ, quan điểm cởi mở như vậy không gò bó, cách sống bình thản, khiêm nhường, buông bỏ, sống tình huynh đệ chân thành rất tự nhiên như vậy.

2. Thứ đến, thành kiến khiến ta đưa ra những quyết định sai lầm.

Hằng ngày ta phải đưa ra rất nhiều quyết định, có khi nhanh chóng vì thời gian eo hẹp và mức độ phức tạp của sự việc khiến ta dễ dàng bám víu vào cảm tính hay các thành kiến có sẵn một cách vô thức. Khi đó, trong một số trường hợp, thành kiến có thể để lại hậu quả nặng nề hơn ta nghĩ nếu cứ dựa vào đó mà không cân nhắc kỹ càng lúc đưa ra quyết định. Riêng thành kiến đối với một người nào đó, nó còn chi phối cảm xúc và ngay cả hành động của ta nữa. Chúng ta dễ nghiêng chiều về việc không quan tâm, dửng dưng, không nhìn đến anh em. Thậm chí, đôi khi anh em gặp phải chuyện khó khăn trắc trở, ta vui mừng dễ chịu hoặc không cảm thông, giúp đỡ. Đôi khi thành kiến có thể khiến ta quyết định mà không lắng nghe, không thấu hiểu, không nghĩ tốt nói tốt, suy nghĩ bất công và không trao cơ hội cho người anh em mà lẽ ra anh em đó đáng được hưởng. Trong thông điệp Fratelli tutti, số 218, Đức Thánh Cha Phanxicô còn nói: “Sự khinh rẻ là một hình thức bạo lực, bạo lực tinh tế” nữa. Xin hãy nhớ chúng ta là một gia đình có chung một người Cha yêu thương.

3. Tiếp đến, thành kiến còn khiến ta vô tình gây ra vết thương lòng cho người khác.

Trong một tập thể, một tổ chức xã hội phần đa luôn có sự chê bai, kinh thường ghen ghét hay nặng hơn là hạ bệ, hạ thấp danh dự của nhau. Điều này khiến cho một người hay một nhóm người trở thành nạn nhân của những thành kiến, phải chịu đựng sự tự ti, mất mát và xấu hổ. Tư tưởng độc hại này dường như đã len lỏi cả vào trong đời tu. Đâu đó người tu trì vẫn bàn tán, chê bai, nói xấu anh em mình chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt. Người có thành kiến với anh em đôi khi không ngần ngại thêu dệt những chuyện không đúng, xây tường đắp lũy, không giao thiệp. Ngay cả để ý mọi việc anh em làm cho dù tốt đến đâu cũng có thể bắt lỗi, chê trách, không thích, không ưa. Thậm chí buông những lời cay miệt gây tổn thương khiến anh em chao đảo mất ơn gọi, chỉ vì anh em có cách nghĩ khác mình, lối sống hay quan điểm khác mình.

Đó là ba tác hại của thành kiến mà người viết đưa ra. Vậy trước vấn nạn này liệu có giải pháp nào để khắc phục hay chế ngự không? Người viết xin đưa ra các giải pháp như sau.

 

V. GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC NHỮNG THÀNH KIẾN

 

1. Trước hết, hãy nhìn sự việc từ quan điểm của người khác.

Ta bao giờ cũng có xu hướng đánh giá người khác dựa trên tiêu chuẩn và thang đo của bản thân. Tuy nhiên, ta vô tình quên mất rằng, những viên gạch để xây lên tiêu chuẩn và thang đo ấy của ta và người khác là hoàn toàn khác nhau. Đó có thể là sự khác nhau bắt nguồn từ môi trường sống trước kia, văn hóa vùng miền, gia đình, thậm chí các thông tin được tiếp cận. Vì vậy, trước khi đánh giá người anh em, hãy nhìn sự việc từ góc độ của họ, biết đâu ta sẽ thông cảm và bớt thành kiến. Mọi người đã từng nghĩ rằng, chúng ta sẽ không bao giờ thực sự hiểu một người nào cho đến khi ta xem xét mọi việc từ quan điểm, lối sống và tình trạng của họ, và đi lại mọi cử chỉ y như người đó. Suy nghĩ như vậy, biết đâu ta sẽ không còn thành kiến nữa.

2. Nhưng nhìn từ quan điểm của người khác thôi chưa đủ, hơn thế nữa, ta hãy tôn trọng sự khác biệt của nhau.

Chúng ta thường có xu hướng giao thiệp với những người giống mình, giống về quan điểm, sở thích, thói quen, lối sống. Và vì chỉ tiếp xúc với những người giống ta như vậy mà ta thường cho rằng quan điểm, lối sống, cách suy nghĩ của nhóm ta là đúng, chuẩn mực. Còn những người khác là sai. Từ đó, ta dần dần xây dựng những bức tường mang tên thành kiến, bức tường ấy cứ xây cao mãi khiến ta không thể nhìn đến người khác được nữa. Nhưng làm sao để chúng ta nhìn sự khác biệt một cách tích cực, thiện cảm hơn, để có thể cởi mở tinh tế hơn? Thiết nghĩ, không có cách nào khác ngoài tập sống kết nối với nhiều người khác hẳn mình, hãy tìm hiểu, để ý đến những điều mà từ trước giờ ta không muốn hiểu. Như một cốc nước đục, mỗi ngày chỉ nhỏ vào một giọt nước sạch thôi, theo thời gian cốc nước đó sẽ trở thành tinh sạch. Chúng ta hãy thử một lần như thế với những thành kiến đang có về người anh em.

Về điều này, Cha tổ phụ Biển Đức Thuận của chúng ta dạy rằng: “Chúng ta chớ bắt chước người Pharisêu hay xét sự trái cho kẻ khác. Chúng ta chớ bắt chước mà xét sự trái cho anh em. Hễ khi nào chúng ta xét lỗi kẻ khác, thường lầm luôn, mười lần chưa được một lần trúng; mà cho đi có trúng, có nhằm đi nữa cũng vô ích. Chúng ta xét về ý lành, thì có ích luôn. Ai hay xét trái cho anh em, thì tự chứng tỏ mình là kẻ xấu: mình xấu, nên cũng ngờ người ta xấu như mình. Cũng như một người đau bệnh sốt rét, hễ ăn chi vào miệng cũng kêu đắng, nhưng chẳng phải tại thức ăn đắng, song bởi tại có bệnh, vì tì vị xấu”[1].

3. Giải pháp thứ ba là chúng ta hãy nhìn mọi người như một cá nhân không phải một nhóm.

Chúng ta phải thừa nhận rằng, đôi khi ta đánh giá một tập thể dựa trên hành động hay cách suy nghĩ của một vài cá nhân. Rồi gắn kết đặc điểm của tập thể đó cho từng cá nhân. Chỉ vì có những cảm nhận tiêu cực với một hoặc hai người. Anh em tin có trường hợp nào như vậy không? Và anh em dám khẳng định cùng người viết rằng: không có một tập thể nào chỉ toàn người tốt hoặc toàn người xấu. Thậm chí không một cá nhân nào chỉ toàn ưu điểm hay chỉ toàn khuyết điểm. Chắc chắn anh em đã từng xem bộ phim “Cuộc Đời Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II”. Trong đó hiện thực lên cả một dân tộc đang bị tiêu diệt do chủ nghĩa Phát xít. Dân tộc Do Thái hay dân tộc Ba Lan hẳn ai cũng xấu, ai cũng đáng bị loại trừ sao? Chúng ta cũng cảm phục tấm lòng bao dung yêu thương vượt lên trên mọi thù oán của vị thánh nổi danh ở thời đại chúng ta nữa. Bởi vậy, chúng ta hãy cố gắng đánh giá ai đó cho chính xác để bớt thành kiến.

4. Vậy đánh giá chính xác về ai đó chỉ dựa trên những khiết điểm đã đủ chưa? Nhưng tốt hơn cả, hãy nhìn vào những ưu điểm, những điều tốt của họ nữa.

Chúng ta luôn nhìn về mình, nhìn những điều tốt đẹp của bản thân, luôn ảo tưởng về mình nhưng lại chỉ nhìn thấy những sai lỗi nơi người khác. ‘Bạn ơi! Bạn suốt ngày chỉ chăm chăm đi tìm điều xấu của người khác có phải không? Dường như bạn đã có thói quen đó đã từ lâu. Ôi! Điều đó thật không tốt chút nào và hậu quả đang ở trước mắt bạn. Thành kiến trong bạn ngày càng chồng chất, nhìn đâu bạn cũng chỉ thấy tiêu cực. Không những thế, tâm hồn bạn luôn biến động. Thay vì thế, bạn hãy tìm đến những ưu điểm dù người khác có khác bạn đến đâu’. Đằng sau bất cứ ai ta biết đến cũng là cả một câu chuyện dài, trong họ luôn có điều gì đó tốt đẹp đáng ta học hỏi. Mà gần như, trong chuyện gì cũng có thứ để khen, bởi chúng ta không bao giờ biết hết những nguyên nhân thực chất và chẳng mất gì khi ta giả định rằng: anh này là một người đúng mực, em kia đang thể hiện tình huynh đệ chân thành. Chỉ khi nào ta nhìn vào ưu điểm của người khác thì những thành kiến cố hữu mới ngoan ngoãn rời bỏ ta.

5. Những giải pháp trên sẽ không có kết quả tốt nếu không dẫn đến đối thoại trong sự lắng nghe và khiêm nhường. Trong Fratelli tutti, số 198, Đức Phanxicô viết: “Đối thoại là con đường đưa tới hiểu biết và yêu thương”. Hiểu biết ở đây là nhận ra những vui buồn, khó khăn, hạnh phúc của anh em. Yêu thương không phải là từ quá xa xỉ, hay nói cách khác là sự gặp gỡ, đồng thuận, hiệp thông. Từ hiểu biết đến yêu thương là cuộc hành trình ngắn nhất. Ai trong chúng ta khẳng định được mình rất hiểu người anh em nếu không từng gặp gỡ người ấy trong đối thoại. Càng đối thoại chân thành cởi mở và tôn trọng bao nhiêu ta càng nhận ra những vui buồn khó khăn của họ bấy nhiêu. Thậm chí những góc khuất mà họ chỉ tỏ lộ khi gặp được sự đồng thuận, một lòng một ý và tin cậy. Chúng ta từ khắp mọi miền quê đến chung sống với nhau, bước ra khỏi vùng an toàn để sống cho nhau vì nhau, không khép kín đơn điệu nhưng biết đối thoại vượt lên mọi sự khác biệt; không phải diệt trừ mọi khác biệt nhưng vượt lên trên, đó là lời Đức Thánh Cha kêu gọi ở số 215. Thông qua đối thoại, chúng ta tìm được những điểm chung, xây dựng những nhịp cầu và vạch một dự án bao gồm mọi người (số 216). Chính sự đoàn kết tạo lập được ấy sẽ giúp cho cuộc sống chúng ta được phong phú, tạo nên sức mạnh thắng các chước cám dỗ trong đời sống tu trì, mở ra những chân trời yêu thương cũng như tình bác ái huynh đệ.

6. Đặc biệt hơn nữa, chúng ta là người tín hữu nói chung và người sống đời thánh hiến nói riêng, chúng ta cần cầu nguyện cũng như học cách tha thứ cho nhau nữa. Anh em đã có những giờ phút mở lòng ra chạy đến với Chúa và tâm sự cùng Ngài về chuyện xảy ra trong đời sống chung hay người mà mình không ưa không thích. Tuy nhiên, đừng đến với Ngài như người Pharisêu kia nhưng như người thu thuế chẳng dám ngước mắt nhìn trời mà giãi bày nỗi lòng, vì cầu nguyện không thể cùng lúc tồn tại với những tình cảm thù nghịch. Theo Henri M. Nouwen[2], hoa quả của cầu nguyện bao giờ cũng và tình thương đưa tới sự hiệp nhất. Cầu nguyện phá vỡ mọi ngăn cách mọi rào cản mọi biên giới và không ai bị loại trừ. Cầu nguyện cho người khác trước hết là nhìn nhận trong sự hiện diện của Thiên Chúa chúng ta thuộc về nhau là con cùng một Cha, chúng ta là anh em là một phần của nhau chứ không phải là đối thủ của nhau. Trong cầu nguyện, chúng ta đánh mất chính mình cho người anh em và tất cả để Chúa hành động. Chúng ta không thể ôm lấy người anh em khó thương kia đâu nhưng Thiên Chúa có thể. Chúng ta không thể cầu nguyện cho họ nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho ta (x. Rm 8,26). Khi đó chúng ta nhận ra cầu nguyện giúp ta đi vào trung tâm của mọi cuộc sống và mọi tình yêu, có sức biến đổi thù thành bạn, ác cảm thành thiện cảm và như thế là khởi sự một mối tương giao mới, tâm hồn được canh tân đổi mới. Chúng ta không còn trốn tránh người anh em và những vấn đề của họ để núp mình trong chủ nghĩa cá nhân chỉ biết mình nhưng dẫn đưa chúng ta xích lại gần nhau hơn trong sự hiện diện chữa lành của Thiên Chúa, chính Ngài giúp ta đào sâu ý thức của ta về đau khổ chung. Kết quả là những bức tường ta tạo lên giữa “tôi và hắn”, giữa “chúng ta và chúng nó” sẽ biến mất. Tâm hồn chúng ta trở nên sâu, rộng hơn và ngày một mở ra cho hết mọi người.

7. Còn tha thứ thì sao? Tất cả chúng ta đều là những người mang thương tích và rất cần được chữa lành. Chúng ta tìm đến con đường nào để chữa lành bây giờ? Chúng ta có khổ tâm khi đã bám quá chặt vào cái tôi bị thương tích của mình? Vì sao ta lại suy nghĩ quá nhiều về những người mà ta có thành kiến? Sao tôi không thể biết ơn vì những việc tốt họ làm được và không thể quên đi những thất bại, lầm lỗi của họ? Bước một bước trên đường mang tên ‘tha thứ’ là bước chân vĩ đại nhất mà con người có thể làm được. Tha thứ thật lòng và xin được tha thứ là điều rất khó. Tha thứ- tha thứ, ta phải thực hành hầu như mọi lúc và vô điều kiện. Tha thứ bảy mươi lần bảy. Nhưng sự thật là chúng ta đều ít yêu thương. Nếu có anh em nói với mình: “Em tha thứ cho anh về sự việc đó”. Ta có thể đáp lại ngay rằng: “Tôi có làm gì đâu. Tôi không cần tha thứ. Hãy ra khỏi đời tôi”. Mặt khác, anh em thường nói: “Em tha thứ cho anh”, khi miệng nói như thế nhưng lòng vẫn anh ách tức tối, giận hờn và giữ lỗi phạm đó mãi về sau, từ đó luôn tạo một khoảng cách nhất định với anh em. Khi đó chúng ta vẫn chưa từng tha thứ. Nơi xã hội và con người ngày nay, ước gì chúng ta làm sáng lên tinh thần tha thứ và cảm thông vô điều kiện như Chúa Giêsu. Lúc đó, chẳng còn thành kiến nữa, chúng ta sẽ thanh thản và được chữa lành bởi Tình Yêu Tuyệt Diệu.

 

VI. SUY TƯ PHẢN TỈNH

 

Bộ Tu Sĩ, ngày 02.02.1994, đã ban hành thông điệp “Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn”, số 22, có viết: “Đức Kitô ban cho con người hai điều chắc chắn căn bản: chắc chắn được yêu vô biên và chắc chắn có khả năng yêu không giới hạn”. Thật vậy, chúng ta đều có một kho báu là tình yêu vô biên và hiện diện bên nhau cùng xây dựng cộng đoàn. “Chúng ta không phải là ‘khách hàng’ của cộng đoàn, nhưng là một người có trách nhiệm đối với sự thăng tiến của anh em; những người cởi mở và có khả năng lãnh nhận hồng ân của người khác; những người có thể giúp đỡ và được giúp đỡ; những người có thể thay thế và có thể được thay thế”. Một điều cần nhấn mạnh là “sự thành toàn của chúng ta đạt được đều qua đời sống chung nơi đây, qua cộng đoàn. Ai thử cố sống một cuộc đời tự lập, tách biệt khỏi cộng đoàn, khỏi anh em, chắc chắn không gặp được con đường an toàn dẫn tới sự trọn lành của bậc mình”. Với thánh Anphongso, ngài còn viết: “Chúa thích nhìn thấy những kẻ trong nhà Người ăn ở với nhau như anh em, thương yêu, một lòng một ý. Nhưng thật vô phúc cho nhà dòng nào các kẻ ở đó chia năm bè bảy mối, bất hòa với nhau. Hãy tưởng tượng xem, một ngôi nhà mà vách tường nứt nẻ, mộng xà nghiêng ngả, mái nhà rời rạc lung lay chắc chắn không ai bước vào, huống chi là đến ở” (x. Nữ Tu Thánh Thiện, trang 350). Nêu lên một vài khía cạnh như trên, người viết mong muốn chúng ta hãy bỏ đi tất cả thành kiến về người anh em mà sống và dấn thân thực thi giới răn Chúa mời gọi (x. Ga 13,34), can đảm từ bỏ chính mình trong việc chấp nhận và đón nhận anh em với những giới hạn của họ.

Người viết thích dùng hình ảnh đan viện là một gia đình, một gia đình lớn, cứ mỗi năm có một thế hệ được sinh ra. Gia đình ấy cùng chung một cội nguồn, cùng gắn bó thân thương với nhau và là anh em ruột thịt trong Chúa. Nơi đây không ai bị loại trừ nhưng yêu thương nâng đỡ, sẻ chia với nhau niềm vui và cả những nỗi buồn. Chúng ta thường gặp thấy điều này: một người con gặp khó khăn hay cần nguồn vốn để lập nghiệp, dù người con đó đã tự xoay xở nhưng chắc chắn họ cần đến lúc này là chính bố mẹ, anh em, những người thân trong gia đình nâng đỡ, hỗ trợ, giúp sức. Thật là hạnh phúc khi mọi thành viên đồng tâm đồng lòng giúp người con ấy thăng tiến trong sự nghiệp, dẫn tới thành công. Mọi vấn đề của người ấy là của cả nhà. Họ loại bỏ mọi ngăn trở, thành kiến, bất hòa để đóng góp cho mục đích chung. Nhưng không phủ nhận cá vị mỗi người, còn khích lệ, nâng đỡ (Một cảm thức thuộc về). Đại gia đình đan viện lại chẳng thiêng liêng hơn gia đình trần thế sao? Chúng ta cùng con một Cha trên trời, cùng một niềm tin, cùng một tình yêu linh thánh. Một người anh em đang bị mặc cảm và lung lay ơn gọi bởi là nạn nhân của những thành kiến, những sự hiểu lầm, thì mọi thành viên đâu có bình an, vui vẻ gì! Chúng ta là con người bằng xương bằng thịt, đôi khi có thể giận ghét nhau, cãi nhau nhưng vẫn có một cái gì đó không thay đổi là mối ràng buộc trong Chúa Giêsu Kitô. Những sự không bình an đó luôn luôn sẽ được giải quyết bằng tình yêu, sự gặp gỡ, lời cầu nguyện và thời gian. Những niềm vui bình an đời thánh hiến của mỗi thành viên sẽ trở lại và được cảm nhận bởi cả ‘Nhà’. Đó là ý nghĩa đời sống chúng ta nơi gia đình này (x. Thông điệp Fratelli tutti, số 230).

Người viết thích ví hình ảnh đan viện như một một thân thể. Thân thể ấy không có chia rẽ, trái lại, các bộ phận đều lo lắng cho nhau (x. 1Cr 12,25), cùng làm nên một thân thể khỏe mạnh, cường tráng. Nhưng tại sao đôi lúc, thân thể ấy lại yếu nhược ốm bệnh hay thiếu sức sống? Nguyên nhân không phải do các bộ phận đâu, mà bởi có một số virus độc hại xâm nhập đó thôi. Đến đây chắc hẳn mỗi người sẽ tự hỏi: “Thân thể đan viện có trái tim không?” Có chứ! Người viết cảm nhận trái tim ấy chính là tình yêu mà mỗi người trao cho nhau. Thử hỏi, khi có người anh em đang bị những thành kiến bóp nghẹt và đôi lúc trái tim ấy muốn thôi không đập nữa. Trái tim ấy đang yếu dần và muốn chết đi. Không có trái tim thông chuyển máu cho thân thể đan viện là tình yêu thì hỏi thân thể ấy sẽ ra sao? Thánh Têrêsa Nhỏ nói: “Nơi trái tim Hội thánh con sẽ là Tình Yêu”. Vậy ai trong chúng ta là tình yêu tinh ròng của đan viện? Thiết nghĩ, chính là mỗi người trong chúng ta. Nếu ai có thành kiến với người anh em, người đó hãy biến đổi mình đi để trở nên tất cả cho mọi người. Vì “tình yêu mạnh hơn sự chết”, nó bao trùm mọi ơn gọi của chúng ta. Mỗi người hãy học biết tình yêu tinh ròng này. Như thánh Phaolô nói: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13, 4-7).

 

C. KẾT LUẬN

 

Nếu sự thánh thiện là con đường nhanh nhất dẫn người ta đến với Giáo Hội (Tông huấn Gaudete et exsultate, số 2) thì đời sống hiệp thông huynh đệ là dấu chỉ và sức mạnh thu hút người ta tin vào Đức Kitô (x. Tông huấn Đời Sống Thánh Hiến, số 46). Hơn nữa, chứng từ niềm vui lại là sự lôi cuốn mãnh liệt người tín hữu vào đời sống tu trì, là nguồn phát sinh mọi ơn gọi và khích lệ bền đỗ (x. Thông điệp Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn, số 28). Ba điều quan trọng này, chúng ta đã và đang thủ đắc cho mình để cùng bước đi với cộng đoàn mỗi ngày, nơi đây sẽ không ai bị tách rời. Chúng ta không thể nào loại bỏ mọi chướng ngại, đặc biệt là các thành kiến tiêu cực về người anh em, nhưng hãy nhìn lên Chúa, tin cậy và tín thác nơi Ngài. Ngài chính là hướng mở cho chúng ta.

 

 

_______________________

 

[1] Lời Giáo huấn của Cha tổ phụ, số 24.

[2] Henri M. Nouwen, Chỉ có một điều cần thôi, tr. 168-185.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á