ƠN GỌI

Đức khiêm nhường theo thánh phụ Biển Đức (9)

Nếu Đan viện là trường học phụng sự Thiên Chúa, thì sự thinh lặng chính là môn học mà các đan sĩ cần phải học tập và trau dồi. Thinh lặng tạo điều kiện thuận lợi cho việc cầu nguyện và kết hợp với Thiên Chúa, nhưng đồng thời nó cũng là một thách đố cho người đan sĩ trong thời đại ngày hôm nay.

 

 

Bậc khiêm nhường thứ 9

 

 

SỰ THINH LẶNG CẦN THIẾT CHO ĐỜI SỐNG ĐAN TU

 

M. Ga. Kim Khẩu Nguyễn Thế Tiến

 

Trong cuộc sống, ngôn ngữ hay lời nói chiếm một vị trí vô cùng quan trọng. Nó là phương tiện hữu hiệu để con người trao đổi, chia sẻ và biểu lộ tình cảm cho nhau. Thế nhưng nếu ta không cẩn trọng trong lời nói thì nó cũng trở thành con dao hai lưỡi. Lời nói đem đến sự hiệp nhất yêu thương nhưng cũng có thể tạo ra sự bất hoà, đổ vỡ. Lời nói tạo nên ơn phúc nhưng cũng có thể trở thành án phạt cho con người, hoạ hay phúc đều do lời nói. Vì vậy, sách châm ngôn dạy rằng: “Lời nói bừa bãi khác nào mũi gươm đâm, miệng lưỡi khôn ngoan lại chữa trị cho lành” (Cn 12,18). Nhận thức được sự hiểm nguy trong lời nói, thánh phụ Biển Đức khuyên dạy các môn sinh của mình: “Đan sĩ giữ miệng không nói, giữ thói thầm lặng, có hỏi mới thưa” (TL7,56). Bởi lẽ, thinh lặng luôn có ý nghĩa và giá trị to lớn cho mỗi người và nhất là trong đời sống đan tu.

 

Đan sĩ là những con người cầu nguyện, tìm kiếm Thiên Chúa trong sự cô tịch. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong Tông huấn Ðời Sống Thánh Hiến (Vita Consecrata) nói rằng: “Các dòng hoàn toàn sống đời chiêm niệm là một lý do hãnh diện cho Giáo Hội, và là nguồn mạch đưa lại những ân sủng thiên quốc. Nhờ nếp sống và sứ mạng của họ là bắt chước Đức Kitô cầu nguyện trên núi, họ sống đơn sơ trong cô tịch và thinh lặng, bằng việc lắng nghe Lời Thiên Chúa, cử hành phụng vụ, khổ chế cá nhân, kinh nguyện, hãm mình và hiệp thông vào tình yêu huynh đệ, họ hướng đời sống và toàn bộ sinh hoạt vào việc chiêm ngưỡng Thiên Chúa. Họ cống hiến một chứng tá độc đáo về tình yêu của Giáo Hội dành cho Chúa” (VC 8). Còn Giáo huấn của Giáo Hội, qua Sắc lệnh Perfecte Caritatis cũng nhắc nhở chúng ta: “Trong các hội dòng hoàn toàn chuyên lo chiêm niệm, các đan sĩ chỉ nhất tâm phụng sự một mình Thiên Chúa trong cô tịch và thinh lặng, trong việc chuyên lo cầu nguyện, đến nỗi dù nhu cầu hoạt động tông đồ có khẩn thiết đi nữa, thì những hội dòng ấy vẫn luôn phải giữ một địa vị cao quí trong Nhiệm Thể Chúa Kitô…. Thực vậy, họ dâng lên Thiên Chúa hy lễ chúc tụng tuyệt hảo, làm vẻ vang dân Thiên Chúa bằng những hoa trái thánh thiện dồi dào…, họ là vinh dự của Giáo Hội và là mạch tuôn trào các ơn thiêng” (PC 7). Sau nhiều năm sống trong nơi hoang vắng với những kinh nghiệm về sự thinh lặng, thánh Biển Đức đã soạn ra bản Tu Luật dành cho những ai muốn dấn thân phụng sự Thiên Chúa, theo ý hướng của ngài. Trong bản Tu Luật này, nhiều lần thánh phụ nhắc đi nhắc lại về vai trò của sự thinh lặng (x. TL 6; TL 42; TL 7,56). Chính vì tầm quan trọng của thinh lặng, cho nên ngay cả những môn đệ đã hoàn thiện và có những lời nói xây dựng đi nữa cũng ít khi được phép nói (x. TL 6,3). Trong chương 42, thánh Biển Đức còn ra hình phạt nếu đan sĩ nào không giữ thinh lặng sau giờ kinh tối (x. TL 42, 9). Có thể nói rằng, sự thinh lặng chính là yêu sách của đời sống đan tu. Hơn nữa, nó luôn mang lại những giá trị cần thiết cho đời sống chung cộng đoàn và cho mỗi cá nhân người đan sĩ.

 

Trong đời sống cộng đoàn, thinh lặng tạo bầu khí tôn trọng và lắng nghe. Về điều này, Đức Hồng Y Robert Sarah, Nicolas Diat nhận định: “Nếu không có khả năng thinh lặng, thì con người không có khả năng lắng nghe những người thân cận của mình, cũng như không có khả năng yêu thương và hiểu biết họ”[1], ngài còn nói thêm: “Đức ái được sinh ra từ thinh lặng. Nó đến từ một trái tim thinh lặng có khả năng nghe, hiểu và tiếp đón”[2]. Sự thinh lặng còn làm cho mọi sinh hoạt của Đan viện được diễn ra trong một bầu khí trầm mặc, để bảo đảm cho mỗi đan sĩ có một môi trường an tĩnh thích hợp cho việc cầu nguyện. Vì thế, các đan sĩ phải giữ thinh lặng không những trong các nơi sinh hoạt chung mà ngay cả trong tư phòng hay nơi làm việc cũng vậy. Còn xét theo phương diện cá nhân, thinh lặng cũng giúp chúng ta tránh được nhiều lỗi lầm, như sách Châm Ngôn dạy rằng: “Người năng nói năng lỗi, ai dè giữ lời nói mới là người khôn” (Cn 10,19), và nơi khác nói rằng: “Sống hay chết đều do cái lưỡi” (Cn 18,21). Mặt khác, thinh lặng là một điều kiện thiết yếu để gặp gỡ với Thiên Chúa và tâm sự với Ngài. Chính tiên tri Elia đã học biết ẩn mình trong thinh lặng để nghe tiếng Chúa, Thiên Chúa không ở nơi cơn cuồng phong cũng không ở trong cơn động đất, nhưng Ngài hiện diện trong tiếng gió hiu hiu. “Đó là lý do sâu xa nhất đối với thinh lặng của đan sĩ, dù là thinh lặng như tờ của ban đêm, bao bọc giấc ngủ và sự canh thức của đan sĩ hoặc ban ngày, họ giữ thinh lặng trong thời gian và nơi chốn”[3]. Thinh lặng có giá trị và cần thiết dường nào, nhưng để thực hành được thì là một vấn đề không hề dễ.

 

Người ta thường nói học nói chỉ cần vài ba năm, nhưng học thinh lặng cần cả một cuộc đời. Thinh lặng là một nghệ thuật mà chúng ta phải mất nhiều thời gian mới có thể học được. Trong sách Luận ngữ, Khổng Tử nói rằng: “Nhất ngôn cửu đỉnh, tứ mã nan truy”, tạm dịch là: một lời nói ra bốn con ngựa cũng không theo kịp. Đúng vậy, lời nói phát ra chẳng bao giờ lấy lại được nữa. Vì thế mà Đan phụ Arsenius thường tự răn mình: “Ta thường ân hận vì đã nói, chứ chưa bao giờ ân hận vì đã giữ thinh lặng”[4]. Lời nói giúp con người hiểu nhau, lại gần nhau hơn nhưng đôi khi một lời nói cũng có thể huỷ hoại một mối quan hệ tốt đẹp. Lời nói có thể khiến người ta vui sướng, hạnh phúc nhưng một lời nói vô tình hay chủ ý cũng khiến con người tổn thương sâu sắc. Vì vậy làm chủ miệng lưỡi rất cần thiết, như thánh Giacôbê khuyên dạy: “Ai không vấp ngã về lời nói, ấy là người hoàn hảo, có khả năng kiềm chế bản thân” (Gc 3,2). Làm chủ lời nói của mình không phải là một việc dễ dàng, thánh Giacôbê còn nói: “Mọi loài thú vật và chim chóc, loài bò sát và cá biển, thì loài người đều có thể chế ngự và đã chế ngự được. Nhưng cái lưỡi thì không ai chế ngự được” (Gc 3,7-8). Muốn cho việc tập luyện thinh lặng có kết quả, Đan viện chính là môi trường lý tưởng mà các đan sĩ luôn cảm nghiệm được.

 

Thinh lặng cá nhân và thinh lặng cộng đoàn luôn đi đôi với nhau, hỗ trợ nhau. Vì thế mà các Đan viện luôn được xây dựng trong nơi thanh vắng, xa cách với đời sống nhộn nhịp của con người, để tạo được một không gian tĩnh mịch. Cách biệt với thế gian là điều kiện tối thiểu để Đan viện trở thành sa mạc lý tưởng của người đan sĩ. Dĩ nhiên sự thinh lặng bên ngoài không phải là mục đích mà người đan sĩ hướng tới, nhưng nó chính là phương tiện để đạt đến sự thinh lặng nội tâm và thinh lặng nội tâm giúp ta sống kết hiệp với Chúa. Cha Anthony de Mello có cảm nghiệm về điều này như sau: “Sự thinh lặng bên ngoài là một hỗ trợ rất lớn để đạt được sự tĩnh lặng bên trong. Nếu không giữ được im lặng bên ngoài, nói trắng ra là chúng ta không thể ngậm miệng được, thì làm sao chúng ta có thể kham nổi sự thinh lặng nội tâm? Làm sao chúng ta có thể nín lặng bên trong? Khả năng giữ im lặng là một biểu hiện trung thực về chiều sâu nội tâm của chúng ta”[5].

 

Nếu Đan viện là trường học phụng sự Thiên Chúa, thì sự thinh lặng chính là môn học mà các đan sĩ cần phải học tập và trau dồi. Thinh lặng tạo điều kiện thuận lợi cho việc cầu nguyện và kết hợp với Thiên Chúa, nhưng đồng thời nó cũng là một thách đố cho người đan sĩ trong thời đại ngày hôm nay. Đời sống con người ngày càng được nâng cao, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến “không gian sa mạc” của Đan viện. Người đan sĩ không cần bước chân ra khỏi tu phòng của mình nhưng cũng có thể tiếp xúc với thế giới qua các phương tiện truyền thông. Vì thế việc giữ thinh lặng đòi buộc người đan sĩ phải tự ý thức, phải tự tạo cho mình một “sa mạc nội tâm”. Chỉ có như vậy thì Đan viện và tâm hồn của mỗi đan sĩ mới tạo nên một sa mạc yên tĩnh bình an, đó là điều mà thánh phụ Biển Đức luôn muốn các đan sĩ phải gìn giữ và bảo tồn.

 

 

 

THINH LẶNG: TRIẾT LÝ CỦA SỰ KHÔN NGOAN

 

M. Alberico Nguyễn Văn Bình

 

Vua David, trong Tv 36,30-31, với nhan đề “Số phận người lành kẻ dữ”, đã diễn tả sự tinh tế và cảm nhận tuyệt vời của một tâm hồn người thi sĩ trước sự khôn ngoan của nhân loại trong việc giữ gìn miệng lưỡi như sau:

 

“Miệng người công chính niệm lẽ khôn ngoan

Và lưỡi họ nói lên điều chính trực

Luật Thiên Chúa, họ ghi tạc vào lòng,

Bước chân đi không hề lảo đảo”.

 

 

Những danh từ (ngữ) “miệng, lưỡi, luật Thiên Chúa” được tác giả đặt ở đầu câu như một lời khuyên dạy chúng ta về việc kiềm chế miệng lưỡi. Nhưng chỉ những ai thật sự nhạy bén và cố gắng thi hành mới có thể đi bằng “bước chân không hề lảo đảo”. Đây cũng là một trong những nguyên tắc ‘bất di bất dịch’ thánh Biển Đức đòi hỏi các đan sĩ trong bậc khiêm nhường thứ chín: Đan sĩ giữ miệng không nói, giữ thói quen thầm lặng, có hỏi mới thưa”.

 

Giữ miệng không nói, giữ thói quen thầm lặng. Phải chăng đây là lối sống của đan sĩ?

 

Nhà văn La Mã sống vào thế kỷ thứ I trước Công Nguyên từng nói: “Tôi thường hối tiếc vì những điều mình nói chứ không bao giờ hối tiếc vì sự im lặng của mình”. Lời nói giúp con người hiểu và xích lại gần nhau hơn. Đôi khi, một lời nói ra cũng có thể phá đi mối quan hệ tốt đẹp nhất. Lời nói có thể khiến người khác vui sướng, an lòng nhưng một lời nói vô tình hay hữu ý cũng khiến người nghe bị tổn thương sâu sắc. Nếu chúng ta cứ giữ thói quen nói ra tất cả không suy nghĩ trước, chỉ cần mình được nói ra quan điểm cá nhân và bất chấp đến cùng thì sẽ có những lúc chúng ta nói ra những điều không hay, thậm chí gây tổn thương đến người đối diện, vì “nói nhiều không tránh khỏi tội” (Cn 10,19). Cho nên, đan sĩ cần học cách kiểm soát chính mình và giữ thói quen im lặng đúng lúc. Bởi đôi khi lời nói chẳng có ý gì nhưng nếu không nói thì tốt hơn.

 

Người ta vẫn thường nghĩ rằng: sự im lặng trong đan viện sẽ trở nên ngột ngạt, khó xử khi cuộc sống ‘có hình ảnh mà không có tiếng nói’ (luật buộc giữ thinh lặng), tất cả còn tùy thuộc vào việc chúng ta đang ở trong hoàn cảnh nào. Nếu người anh em của chúng ta đang gặp khó khăn và cần được sẻ chia thì hãy cho người ấy những khoảng lặng, để họ trút ra những gì sâu thẳm trong lòng. Chẳng ai biết được điều chúng ta muốn nói ra có giúp cho người anh em kia trở nên tốt hơn không, nhưng một lời đã nói ra thì không thể nào rút lại được, nên hãy cân nhắc trước khi nói. Đừng để lời nói trở thành vũ khí vô tình làm tổn thương người khác.

 

Đan sĩ có hỏi mới thưa, nghĩa là biết lên tiếng đúng lúc, đúng thời điểm.

 

Lắng nghe giúp người đan sĩ học được nhiều điều, nhưng không có nghĩa là chúng ta chỉ im lặng mà không nói gì. Nên chọn lọc thời điểm để nói và suy nghĩ trước khi nói cũng như tiếp nhận những quan điểm từ bề trên hay anh em trong cộng đoàn. Bởi lên tiếng là để khẳng định giá trị, bản lĩnh, thể hiện sự chủ động, sự tự tin trong việc bày tỏ quan điểm chính kiến của mình. Lên tiếng để đấu tranh chống lại cái xấu, điều chưa hợp lý và bênh vực cho cái tốt cái yếu bị chà đạp trong xã hội: Sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ” (Is 1,17). Lên tiếng để bày tỏ tình yêu thương, động viên chia sẻ giúp đỡ tha nhân.

 

Mỗi chúng ta cần nhận thức đúng hoàn cảnh vị trí của mình, có lý trí sáng suốt, có tấm lòng nhân ái, có trái tim nhiệt huyết và dũng cảm để biết khi nào cần lên tiếng và khi nào cần im lặng, nên nhớ rằng chúng ta phải trở nên một con người có tiếng nói và một người có sức mạnh. Không cần nói quá nhiều, nhưng mỗi câu nói ra phải đi vào lòng người, câu nói có chiều sâu và mang tính khích lệ người khác và quan trọng nhất là phải thành thật với chính bản thân mình. Thiên Chúa tạo dựng cho chúng ta một cái lưỡi, nhưng lại cho ta đến hai lỗ tai để nghe, nghĩa là chúng ta cần phải nghe gấp hai lần nói. Như lời thánh Giacôbê: “Ai không vấp ngã về lời nói, ấy là người hoàn hảo, có khả năng kiềm chế toàn thân” (Gc 3,2). Hãy để lời nói của đan sĩ trở nên giá trị hơn nhờ rao giảng Lời Chúa cho mọi người. Biết cách nói chuyện là kỹ năng cần thiết, nhưng quan trọng hơn chính là biết khi nào nên im lặng. Đôi khi im lặng còn mạnh mẽ hơn rất nhiều so với một lời nói hoa mỹ có cánh. Vì vậy, đan sĩ cần thinh lặng để lắng nghe tiếng Chúa nói nhiều hơn.

 

Tinh thần trong việc “giữ miệng không nói, giữ thói quen thầm lặng, có hỏi mới thưa” với mục đích lắng nghe được tiếng nói của Thiên Chúa. Nếu im lặng là vàng, thì lắng nghe là kim cương. Tại sao lại ví như vậy? Bởi khi nói, chúng ta chỉ nói ra những gì đã biết. Nhưng khi lắng nghe, chúng ta có thể học được rất nhiều điều. Nhưng trong thực tế thói quen thường thấy của chúng ta là những gì mình biết mình phải nói cho bằng được. Vì hiếu thắng, chúng ta nói bất chấp, luôn cho rằng mình là người đúng nhất, đôi lúc còn cảm thấy khó chịu khi mình không nói ra được hết quan điểm, suy nghĩ của mình. Bởi sợ rằng không nói ra, người khác sẽ nghĩ mình là kém hiểu biết. Song, đến khi trưởng thành hơn cũng là khi chúng ta trở nên trầm tư hơn, kiệm lời hơn, không phải vì bất mãn với cuộc sống hay lý do gì khác mà là vì chúng ta đủ sâu sắc để hiểu rằng, đã đến lúc cần im lặng để lắng nghe.

 

Im lặng không phải là không nói chuyện hay thờ ơ với lời người khác nói, mà là lắng nghe và cho người khác có cơ hội bày tỏ quan niệm của họ. Mỗi chúng ta đều có những thiếu sót nhất định, biết lắng nghe người khác cũng là cách tốt để trau dồi những kiến thức còn thiếu. Hơn nữa, có đôi khi người ta tìm đến chúng ta không phải chỉ để nói chuyện mà là họ cần được chia sẻ được lắng nghe. Sự chân thành của chúng ta không chỉ giúp họ vững tinh thần vượt qua khó khăn mà còn tăng thêm niềm tin của ta vào người khác.

 

Mẹ Têrêsa Calcutta từng nói: “Hoa trái của thinh lặng là cầu nguyện, hoa trái của cầu nguyện là niềm tin, hoa trái của niềm tin là tình yêu và phục vụ, hoa trái của phục vụ là bình an”. Như vậy, thinh lặng là khởi đầu cho những hiệu quả tốt lành: Cầu nguyện, đức tin, tình yêu, phục vụ, bình an. Thực ra, theo một nghĩa nào đó thì ‘bình an’ cũng có nghĩa là ‘thinh lặng’ hay nói cách khác, môi trường bình an cũng là thinh lặng và ngược lại. Như vậy ‘thinh lặng’ vừa là khởi đầu, vừa là kết thúc.

 

Thật vậy, sống trong một xã hội đầy náo động và ồn ào, con người ngày nay thường khao khát tìm về nơi thanh vắng và tĩnh mịch để nghỉ ngơi. Bởi chỉ trong tĩnh lặng con người mới thực sự được an dưỡng và ‘tái tạo’ năng lượng sống cho bản thân. Đối với Kitô hữu, và nhất là các đan sĩ, thinh lặng không chỉ để nghỉ ngơi mà còn để lắng nghe, để đi vào trong sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa. Mục đích của thinh lặng đó giúp đan sĩ có thể nghe tiếng lòng mình, để sống hài hòa với tha nhân, đi vào trong sự tương quan đích thực cũng như sống làm sao để có thể thinh lặng và lắng nghe giữa thế giới đầy tiếng ồn vẫn là một thách đố không nhỏ cho đan sĩ trong đời sống đan tu ngày nay.

                                              

 

 

MỤC ĐÍCH CUỘC ĐỜI

 

 M. Thomas Dụ Đinh Văn Tuyên

 

Triết gia Socrate đã khẳng định mọi hiện hữu trong thế giới đều có mục đích tính. Con người, hiển nhiên, có những mục đích cao cả hơn. Đức Phanxicô đã xác quyết rõ ràng: “Sứ mệnh của tôi giữa lòng dân không chỉ là một phần của đời tôi, nó còn là một cái gì tôi không thể dứt bỏ khỏi mình nếu không muốn tiêu diệt chính mình. Tôi là một sứ mệnh trên trái đất này”[6]. Mặt khác, câu nói nổi tiếng “không ai là một hòn đảo”[7] của John Done cho thấy xã hội tính của mỗi một người. Thật vậy, con người mang trong mình “sứ mệnh đem áng sáng, phúc lành, tạo sức sống, nuôi dưỡng, chữa lành và giải thoát[8] đến cho người khác. Tuy nhiên, để có thể làm được điều đó, thiết nghĩ mỗi người phải hoán cải, thay đổi chính mình trong những điểm căn bản nhưng rất quan trọng. Một trong số đó phải kể đến lời nói. Bên cạnh đó, trong những phương pháp thực hành tu đức, thánh phụ Biển Đức đã đề cập đến việc rèn luyện lời ăn tiếng nói như điều kiện tiên quyết để có được một đời sống thánh thiện. Qua lời dạy “đan sĩ giữ miệng không nói, giữ thói thầm lặng, có hỏi mới thưa” (TL 7,56), thánh nhân hướng con người thời đại, đặc biệt các đan sĩ tới Đấng Toàn Thiện bằng con đường khiêm nhường.

 

Trước hết, lời nói là phương thức giao tiếp bằng giọng nói qua việc sử dụng ngôn ngữ. Trong lời nói, ngoài giá trị về mặt ngữ nghĩa như những tư tưởng, suy nghĩ, lời nói còn thể hiện thái độ, bộc lộ cảm xúc hàm ý của người tạo ra nó. Có thể thấy rằng, lời nói là một trong những thứ dễ dàng cho đi và hiệu quả nhanh nhất. Với một lời nhẹ nhàng tế nhị, hay những lời chân thành đúng lúc chẳng khác gì phép màu làm tái sinh sự sống trong một tinh thần héo khô. Nhưng bên cạnh đó, lời nói không tử tế có thể gây ra những vết thương lớn, không thể nào hàn gắn nổi. Một lời nói bất cẩn có thể nhóm lên xung đột. Một lời nói tàn nhẫn có thể phá hỏng một cuộc đời. Một lời nói cay độc chẳng khác gì là bạo lực tinh thần. Tác hại chẳng khác gì những hành động xâm phạm thân thể người khác. Như vậy, có thể nói con người đánh mất đi giá trị và mục đích cuộc đời một phần chỉ vì những lời nói vô trách nghiệm ấy.

 

Trong đời sống đan tu chiêm niệm, đôi khi cũng có chuyện lẩm bẩm kêu ca, lời nói thô lỗ gièm pha, những chuyện bông đùa, lời khôi hài phù phiếm,…tất cả lời nói đó đã góp phần làm giảm giá trị và ý nghĩa của đời thánh hiến. Hay nói cách khác, làm mất đi căn tính đời đan tu luôn sống trầm mặc thinh lặng. Với kinh nghiệm trong việc hướng dẫn các linh hồn, thánh Biển Đức đã từng bước đưa các con cái ngài trở về với sự tĩnh mịch bề ngoài của nội vi đan viện, qua đó đưa đến sự thinh lặng nội tâm, một khi đã rèn luyện được việc giữ gìn miệng lưỡi. Đồng thời, giúp mỗi đan sĩ dễ dàng nghe được tiếng thì thầm yêu thương của Chúa nơi thâm sâu tâm hồn (x. Hs 2,16). Hơn nữa, thánh nhân còn luận về sự nín lặng quan trọng thế nào. Ngài đã mạnh mẽ lên án những điều ngược lại với sự thinh lặng. Hay nói cách khác, ngài không cho phép môn đệ để mình bị lôi cuốn theo nhu cầu nói bất kể cách nào (x. TL 6). Đặc biệt việc giữ miệng lưỡi của người đan sĩ lại được nồng ghép thật tinh tế trong đức khiêm nhường, như mặc cho cả hai một ý nghĩa cao trọng hơn. Thật vậy, khiêm nhường đòi đan sĩ phải thinh lặng và thinh lặng giúp đan sĩ sống khiêm nhường.

 

Ở đây, người môn đệ thực hành bậc khiêm nhường thứ chín này, chắc chắn đã chế ngự được phần nào thói nhiều lời trống rỗng, thói bày chuyện khôi hài hời hợt. Nhưng vẫn còn đó bản tính tự nhiên, cái tôi kiêu ngạo, mà môn sinh tiếp tục phải ra công tập luyện và gắng sức vượt qua. Cứ theo xu hướng của nhiều người thì lòng đầy miệng phải nói ra. Bên cạnh đó, một điểm quan trọng là khi con người đang chất chứa trong lòng sự nóng giận tức tối, hay ghen tương thành kiến với người khác, thì luôn có điều để nói ra và vội vã cướp lời của người đối diện. Khi đó sẽ dễ dàng đi tới chỗ nói xấu, tạo ra những mối nghi ngờ, những tiếng đồn thổi, thậm chí tranh luận kịch liệt gây ra cảnh hỗn loạn đáng tiếc. Lúc này, con người ta bị cuốn theo lời mà không tìm thấy thời gian để ngưng lại và lắng nghe người khác. Chúng ta có nguy cơ tìm ra mọi lý do để đổ lỗi cho người khác và biện minh cho mình. Thậm chí trở nên không thể tiếp nhận mọi thứ và không dành chỗ cho những người cần được lắng nghe. Đúng như Đức Phanxicô nói trong Tông hiến “Vulum Dei Quaerere - Tìm kiếm tôn nhan Thiên Chúa”: “Trong tiếng ồn nội tâm, chúng ta không thể tiếp nhận bất cứ điều gì và bất cứ ai”. Thái độ bên ngoài rất tệ hại này cho thấy một tâm hồn kiêu căng, cũng như một lối sống buông thả không nhân bản. Thật vậy, thánh Giacôbê tông đồ khẳng định: “Cái lưỡi thì không ai chế ngự được: nó là một sự dữ không bao giờ ở yên, vì nó chứa đầy nọc độc giết người” (Gc 3,8).

 

Người đan sĩ giữ thói thầm lặng như một cách để lắng nghe, phân định, không nói lời nào trước khi đã suy xét thấu hiểu. Để khi bắt đầu đối thoại thì không bằng lời nói nữa mà bằng sự im lặng; không bằng khăng khăng quan điểm nhưng bằng cách kiên nhẫn khiêm nhường. Từ đó sâu xa hơn thánh Biển Đức mời gọi người đan sĩ tự chủ các dục vọng và chính cuộc sống của mình. Nhờ đức khiêm nhường như điều kiện để có thể dễ dàng thực hiện cuộc hoán cải này. Thật vậy, khiêm nhường luôn cần thiết để nhìn nhận chân thực về chính mình. Mặt khác, nó cũng soi sáng để ý thức được những yếu đuối và đầy khuyết điểm, từ đó người môn đệ hướng nhìn lên Chúa trông cậy tín thác nơi Người. Khiêm nhường chỉ cho đan sĩ cái xà trong mắt mình và giúp nhận thấy cọng rơm trong mắt của người anh em chẳng đáng chi. Đặc biệt như đã nói, khiêm nhường đưa đến thinh lặng đích thực. Như người thu thuế (x. Lc 18,9-14) nhận biết mình tội lỗi nên đã thinh lặng chẳng dám ngẩng đầu lên, vừa đấm ngực vừa thú tội với Chúa. Đối với người đan sĩ thực hành sự thinh lặng trong đức khiêm nhường thì cũng như vậy, không chỉ đơn thuần ở bề ngoài không nói nhưng là một thinh lặng sâu lắng trong tâm hồn, nơi cội rễ của hữu thể mình. Trong sự thinh lặng này, môn đệ không còn nhận mình ở vị trí trung tâm nhưng là người anh em. Khi đan sĩ biết giữ gìn thinh lặng tâm hồn thì sẽ mực thước được lời nói, không nói để đừng trở lên quá lời. Đồng thời không tìm lí lẽ trong lời nói để che giấu sự nóng giận, hay tệ hơn là giải tỏa nóng giận bằng những lời tiêu cực xúc phạm. Như sách Gương Phúc có viết: “Chỉ ai biết thinh lặng mới biết nói những lời khôn ngoan”. Lại nữa, chỉ nhờ thinh lặng mới có thể phân định được khi nào lên tiếng cho thích hợp. Trước mặt bề trên hay trước anh em, đan sĩ biết chờ đợi và suy xét trước khi nói. Như có lời: “Ăn nói thì phải cân nhắc đắn đo, miệng con phải như là cửa có khóa” (Hc 28, 25). Với thánh Grêgôriô Nysse, ngài nói: “Thinh lặng được nhắc đến đầu tiên, bởi chính vì sự thinh lặng mà người ta học được nghệ thuật nói[9]. Về phần mình, thánh Phanxicô Salêsiô lại dùng hình tượng: “Để tránh mắc lỗi khi nói, chúng ta phải có đôi môi có khuy cài để cho phép chúng ta nghĩ về những gì chúng ta sẽ nói khi chúng ta mở khuy[10].

 

Tóm lại, với bậc khiêm nhường thứ chín này, người đan sĩ đang chủ động thực hiện cuộc trở về với căn tính mình đã chọn, trong một tình yêu và nhiệt huyết thủa ban đầu. Qua đó đem lại nguồn sinh khí cho Hội Thánh và ngay cả nho nhân loại. Với lối sống đặc thù chiêm niệm, đan sĩ dồn hết tình yêu vào việc tôn thờ Chúa và hiệp thông huynh đệ cùng anh em. Sự hiện hữu như là tiếng vang trong thầm lặng đó, cũng như chứng từ về chiều kích siêu việt của nhân vị, qua đó đánh động con người thời đại phải đặt lại vấn đề về ý nghĩa cuộc đời với chính mình và với tha nhân.

 

 

 ________________________ 

 

[1] Hồng Y Robert Sarah, Nicolas Diat, Sức Mạnh Của Sự Thinh Lặng Chống lại sự thống trị của tiếng ồn, chuyển ngữ: Lm M. Antonio Nguyễn Đình Giáo O.Cist, Nxb Pluriel 2017, tr. 45-46.

[2] Sđd, tr. 46.

[3] M. BASIL PENNINGTON, O.C.S.O, Một Chốn Riêng, Cầu nguyện và thực hành đan tu cho mọi người. Chuyển ngữ: Lm. GIOAN ĐẠT ĐÀO VĂN TIẾN, Đan Viện Khiết Tâm Phước Lý, tr. 49.

[4] BENEDICTA WARD, S.L.G, Giai Thoại và Danh Ngôn Các Đấng Tu Rừng, chuyển ngữ: MATHIAS M. NGỌC ĐÍNH, C.M.C, Nxb Tôn Giáo 2009, tr. 65.

[5] ATHONY DE MELLO, Tiếp Xúc Với Thiên Chúa, chuyển ngữ: MATHIAS M. NGỌC ĐÍNH, C.M.C 2004, tr. 82.

[6] Tông huấn Evangelii Gaudium, số 273.

[7] Thomas Merton, Không Ai Là Một Hòn Đảo, dịch giả Thanh Bằng (Sài Gòn: Văn Hóa, 1969), tr. 31

[8] Tông huấn Evangelii Gaudium, số 273.

[9]  Hồng Y Rbert Sarah - Nicolas Diat, Sức Mạnh Của Thinh Lặng, Chuyển ngữ M. Antonio, OCist, trang 334.

[10] Hồng Y Rbert Sarah - Nicolas Diat, Sức Mạnh Của Thinh Lặng, Chuyển ngữ M. Antonio, OCist, trang 335.

 

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á