ƠN GỌI

Học hỏi Thông điệp Fratelli Tutti: YÊU THƯƠNG LÀ ĐÓN TIẾP, BẢO VỆ, GIÚP THĂNG TIẾN VÀ HÒA NHẬP

Di dân không phải là một vấn đề mới, nhưng đối với mỗi người chúng ta đang hiện diện ở đây, cảm thấy rất xa lạ với nó. Vì chúng ta ít được nghe đến nó. Thật vậy, vấn đề di dân đã có từ thuở xa xưa. Lật lại những trang Kinh Thánh, ta thấy tổ phụ Abraham đã di cư từ thành Ur đến đất Canaan; tổ phụ Giacob đã di cư từ đất Canaan đến Ai Cập để tránh nạn đói; và gần nhất là gia đình Thánh gia phải di cư và sống tị nạn ở Ai Cập để trốn sự truy bắt của vua Herode…

 

 

YÊU THƯƠNG LÀ ĐÓN TIẾP, BẢO VỆ, GIÚP THĂNG TIẾN

VÀ HÒA NHẬP

 

Tùng Linh

 

Dẫn Nhập

Như chúng ta đã biết, hôm thứ Bảy 3/10/2020 tại Assisi, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ký một thông điệp mới “Fratelli tutti – Tất cả anh em” mà ngài gọi là một thông điệp xã hội. Trong đó, tình huynh đệ và tình bằng hữu là những phương thức được Đức Thánh Cha gợi ý để xây dựng một thế giới tươi đẹp, công bằng và hoà bình hơn, cùng với nỗ lực của tất cả các dân tộc cũng như các tổ chức. Cùng nhau nói không với chiến tranh và vấn nạn toàn cầu hoá của sự thờ ơ. Thông điệp ra đời trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Thông điệp không chỉ nhắm đến điều chỉnh cuộc sống cá nhân trong cộng đồng của chúng ta, mà còn là “một cuốn phúc âm sống” cho thời đại của chúng ta. Trong thông điệp này, Đức Thánh Cha muốn đề ra một tầm nhìn mới về tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội. Thông điệp này là một lời mời gọi tất cả chúng ta mở rộng lòng mình để nhìn về một thế giới không biên giới và nhìn nhận mọi người là anh chị em. Nó cung cấp cho chúng ta một cái nhìn mới về thế giới, một cái nhìn mới về cuộc sống của chúng ta.

 

Thông điệp mở đầu bằng một dẫn nhập ngắn và tiếp nối với tám chương, nội dung là những suy tư của Đức Thánh Cha về chủ đề tình huynh đệ và bằng hữu được đặt trong “một bối cảnh rộng hơn” và được kết nối với “rất nhiều văn kiện và tài liệu” mà Đức Phanxicô đã gởi đến các cá nhân và tổ chức khắp nơi trên thế giới. 

 

Chủ đề về người di dân được nói đến trong phần hai và chiếm trọn chương 4 với tựa đề Một con tim mở ra với toàn thế giới. Trong số 129 của thông điệp, Đức Thánh Cha viết: Những thách thức phức tạp nảy sinh khi người thân cận của chúng ta vô tình là một người di dân, và cũng trong số này ngài viết tiếp: “Những nỗ lực của chúng ta đối với những người di cư sắp đến có thể được tóm gọn trong bốn động từ: đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và hòa nhập”. Dựa theo hai gợi ý đó của Đức Thánh Cha, dựa trên sứ điệp về ngày thế giới di dân và những bài phát biểu của ngài, dựa trên bản dịch thông điệp của thầy Giuse Phan Văn Phi của dòng Xitô Phước Sơn, người viết xin trình bày đề tài “Yêu thương là đón tiếp, bảo vệ, giúp thăng tiến và hoà nhập”.

 

Vấn đề di dân không phải là một vấn đề mới, nhưng đối với mỗi người chúng ta đang hiện diện ở đây, cảm thấy rất xa lạ với nó. Vì chúng ta ít được nghe đến nó. Thật vậy, vấn đề di dân đã có từ thuở xa xưa. Lật lại những trang Kinh Thánh, ta thấy tổ phụ Abraham đã di cư từ thành Ur đến đất Canaan; tổ phụ Giacob đã di cư từ đất Canaan đến Ai Cập để tránh nạn đói; và gần nhất là gia đình Thánh gia phải di cư và sống tị nạn ở Ai Cập để trốn sự truy bắt của vua Herode…

 

Theo thống kê của báo The Guardian, chỉ trong vòng 24 giờ có 200.000 người tị nạn.  Báo này cho biết, vào tháng 4-2011, mới chỉ có 252 người tị nạn Syria chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ. Thế nhưng, một năm sau đó, con số này đã lên đến 23.000 người và đến năm 2015 là 2 triệu người. Hiện tại có khoảng 3,6 triệu người tị nạn Syria tại Thổ Nhĩ Kỳ.[1]  

 

Vấn nạn nào khiến Đức Thánh Cha viết chương 4 này. Theo cha Antony Nguyễn Hữu Quảng[2], chương 1 gồm những xem xét, phê phán và đưa ra hành động. Chương này là một chẩn đoán y tế chính xác để sau đó dẫn đến việc điều trị. Dựa vào gợi ý đó, người viết bắt đầu đọc từ số 9, và dừng ở số 37-41.

 

Từ số 37-41, Đức Thánh Cha viết đại ý thế này: Người di dân, với những “mảnh đời vỡ vụn”, chạy trốn khỏi chiến tranh, khỏi những cuộc bách hại, khỏi thiên tai, khỏi những kẻ buôn người vô lương tâm, buộc họ phải rời khỏi quê hương xứ sở. Đức Thánh Cha nhắc đến việc tránh di cư không cần thiết bằng việc thiết lập nơi quốc gia sở tại những khả thể để họ sống đúng với nhân phẩm. Nhưng đồng thời cũng tôn trọng quyền được tìm một nơi ở xứng đáng hơn. Nơi ở mới, sự cân bằng chính đáng sẽ là giữa việc bảo vệ quyền lợi công dân và sự bảo đảm việc đón tiếp cũng như trợ giúp người di dân.   

 

Trước những vấn nạn vừa nêu, Đức Thánh Cha đã giúp mọi người đưa ra giải pháp. Mở đầu chương 4, trong Số 129, Đức Thánh Cha đặt vấn đề về người di dân, ngài viết. “Những thách thức phức tạp nảy sinh khi người thân cận của chúng ta vô tình là một người di dân”. Điều lý tưởng sẽ là tránh được những cuộc di dân không cần thiết; và để đạt được điều này, ở các quốc gia xuất xứ, cần phải tạo ra một khả năng hiệu quả để sống xứng đáng, lớn lên trong nhân phẩm, và một sự phát triển toàn diện. Nhưng khi thiếu sự tiến bộ đáng chú ý theo hướng này, chúng ta phải tôn trọng quyền của mỗi con người cần tìm được một nơi ở, không chỉ có thể đáp ứng các nhu cầu cơ bản của mình và của gia đình, mà còn hoàn thành đầy đủ tư cách là một con người. Những nỗ lực của chúng ta đối với những người di cư sắp đến có thể được tóm gọn trong bốn động từ: đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và hòa nhập. 

 

1. Yêu thương là Đón tiếp

 

Đón tiếp nghĩa là đón và tiếp đãi một cách trang trọng.

Vd: đón tiếp đoàn đại biểu, chuẩn bị đón tiếp khách quý.

Kinh Thánh viết: Anh em đừng quên tỏ lòng hiếu khách, vì nhờ vậy, có những người đã được tiếp đón các thiên thần mà không biết” (Dt 13,2).

 

Đón tiếp như thế nào? Đón tiếp như tổ phụ Abraham. Kinh Thánh ghi lại: Khi tổ phụ Abraham ngước mắt lên thì thấy có ba người đứng gần ông. Vừa thấy, ông liền từ cửa lều chạy ra đón khách, sụp xuống đất lạy và nói: “Thưa Ngài, nếu tôi được đẹp lòng Ngài, thì xin Ngài đừng đi qua mà không ghé thăm tôi tớ Ngài. Để tôi cho lấy chút nước, mời các ngài rửa chân rồi nằm nghỉ dưới gốc cây. Tôi xin đi lấy ít bánh, để các ngài dùng cho chắc dạ, trước khi tiếp tục đi, vì các ngài đã ghé thăm tôi tớ các ngài đây!” (St 18,2-5).

 

Đón tiếp như bà Luciana Spigolon. Bà Luciana Spigolon 56 tuổi, là một nữ giáo dân tận hiến thuộc phong trào “Các nữ tông đồ nhỏ bác ái”. Từ năm 2015, bà Luciana đã bắt đầu sống một kinh nghiệm đặc biệt khi đón tiếp những người di dân xin tị nạn.

 

Trong 3 năm qua, bà đã cho hơn 35 người di cư có chỗ trú ngụ và trên hết là tạo cho họ cơ hội được cứu vớt. Hiện tại có 5 người di dân, đến từ các nước Mali, Nigeria và Pakistan, đang cư trú dưới mái nhà của bà. Rất nhiều những người trẻ, tuổi từ 18-30, gọi bà Luiana là mẹ. Bà nói: “Họ có thể là những đứa con của tôi, tôi yêu quý họ.”

 

Đón tiếp như thánh phụ Biển Đức viết trong chương 53 trong Tu Luật của ngài: “Mọi khách đến đan viện phải được tiếp đón như Chúa Kitô…Phải tỏ lòng tôn trọng xứng hợp với từng người…Ta hãy hết lòng khiêm tốn chào hỏi khách đến cũng như khách đi. Hãy cúi đầu hoặc phủ phục thờ lạy và đón tiếp Chúa Kitô trong quí khách. Viện phụ đưa nước cho khách rửa tay, viện phụ và cả cộng đoàn rửa chân cho khách…”

 

Đón tiếp như Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp kiến mới đây dành cho các đại biểu Diễn đàn quốc tế về chủ đề ”Hội nhập và phát triển: từ phản ứng đến hành động”, ngài đã phát biểu: Một sự tiếp đón trong tinh thần trách nhiệm và xứng đáng dành cho các anh chị em này bắt đầu trước hết bằng cách thu xếp cho họ những không gian thích hợp và xứng đáng”. Đón tiếp bằng cách nào, ngài nhấn mạnh: “Đối với những người trốn chạy chiến tranh và bách hại kinh khủng, nhiều khi bị rơi vào nanh vuốt của các tổ chức tội phạm vô lương tâm, cần mở những hành lang nhân đạo có thể đi qua và an toàn.”[3] 

 

 

Trong Sứ điệp Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn lần thứ 104 (năm 2018), Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm về sự đón tiếp, ngài viết: “Đón tiếp trước hết là cung cấp nhiều lựa chọn hơn cho người di dân và người tị nạn để họ đến được các quốc gia tiếp nhận một cách an toàn và hợp pháp. Ngài yêu cầu thêm, “hơn nữa, cũng nên cấp thị thực tạm thời đặc biệt cho những người trốn chạy các cuộc xung đột ở những nước láng giềng. Ngài khẳng định, trong việc đón tiếp phải lấy con người làm trung tâm.

 

Trong thông điệp Tất cả anh em, số 130 ngài nhấn mạnh hơn về việc đón tiếp, ngài viết: “Phải gia tăng và đơn giản hóa việc cấp thị thực, thông qua các chương trình bảo trợ tư nhân và cộng đồng, mở hành lang nhân đạo cho những người tị nạn dễ bị tổn thương nhất, cung cấp chỗ ở phù hợp và tươm tất, đảm bảo an toàn cá nhân và tiếp cận các dịch vụ thiết yếu, đảm bảo sự hỗ trợ phù hợp của lãnh sự quán, đảm bảo quyền của họ luôn có các giấy tờ tùy thân, tiếp cận công lý một cách công bằng, khả năng mở tài khoản ngân hàng và có những gì cần thiết cho sự sống quan trọng của họ”[4]. Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Đón tiếp một cách nhưng không, mới có thể có tương lai mà thôi”[5].

 

Cũng trong thông điệp Tất cả anh em, Đức Thánh Cha Phanxicô nói lên tầm quan trọng của việc đón tiếp, ngài viết: “Khi ta đón tiếp những người di dân, giống như ta nhận được một món quà, và những người di dân đó đem lại cho ta một cơ hội phong phú và phát triển”[6]. Mỗi cuộc đời mà chúng ta gặp là một hồng ân đáng được đón nhận, tôn trọng và yêu thương. Chúng ta mở cửa lòng mình cho người khác vì mỗi người là một hồng ân, dù đó là người láng giềng của chúng ta hay một người bần cùng vô danh[7]. Trong số 133, Đức Thánh Cha viết tiếp: “Sự xuất hiện của những người khác nhau, đến từ một bối cảnh khác của cuộc sống và văn hóa, trở thành một món quà, bởi vì “câu chuyện của những người di dân cũng là câu chuyện gặp gỡ giữa con người và nền văn hóa”[8]. Tôi có thể chào đón những người khác, những người khác biệt, và đánh giá cao việc đóng góp độc đáo mà họ sẽ thực hiện, chỉ khi nào tôi bén rễ vững chắc vào chính dân tộc và văn hóa của mình[9].

 

Trước vấn nạn một số chế độ chính trị theo chủ nghĩa dân túy, cũng như một số phương thức kinh tế tự do, chủ trương rằng phải ngăn chặn dòng người di cư bằng mọi giá[10]. Đức Thánh Cha khuyến khích các bạn trẻ: Tôi đặc biệt mời gọi những người trẻ đừng nghe theo những kẻ đặt họ chống lại những người trẻ khác, mới đến đất nước của họ, và những kẻ khuyến khích người trẻ coi những nhập cư này như một mối đe dọa, chứ không có cùng một phẩm giá bất khả xâm phạm giống như mọi người khác”[11]. Đức Thánh Cha còn khẳng định với họ: “Sự đón tiếp một cách nhưng không, mới có thể có tương lai mà thôi”.[12]

 

Trong số 41, Đức Thánh Cha viết: “Tôi nhận ra rằng một số người còn do dự và sợ hãi đối với di dân. Tôi coi điều này như một phần trong bản năng tự vệ tự nhiên của chúng ta”. Tuy nhiên, tôi có thể chào đón những người khác, những người khác biệt, và đánh giá cao việc đóng góp độc đáo mà họ sẽ thực hiện, chỉ khi nào tôi bén rễ vững chắc vào chính dân tộc và văn hóa của mình[13]. Đón tiếp cần phải đi đôi với bảo vệ.

 

2. Yêu thương là Bảo vệ

 

Bảo vệ nghĩa là chống lại mọi sự hủy hoại, để giữ cho được nguyên vẹn.

 Vd: Bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Kinh Thánh nói rằng: “Chúa che chở khách ngụ cư, Người nâng đỡ cô nhi và quả phụ” (Tv 146,9).

 

Tại sao phải bảo vệ? Cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon trong Diễn đàn đối thoại toàn cầu lần thứ 2 về Di cư và Phát triển của Liên Hợp Quốc diễn ra ngày 3-4/10 tại trụ sở Liên Hợp Quốc đã kêu gọi bảo vệ quyền của tất cả người di cư. Ông phát biểu: “Người di cư thường xuyên phải sống trong sợ hãi. Họ không được luật pháp bảo vệ. Lương bổng và hộ chiếu của họ bị chủ lao động thu giữ. Chúng ta không thể tiếp tục yên lặng. Chúng ta cần loại bỏ sự đối xử phân biệt trong mọi hình thức đối với người di cư. Chúng ta cần tạo ra một kênh an toàn cho người di cư"[14].

 

Phản ứng của Giáo hội như thế nào? Cũng trong buổi tiếp kiến dành cho các đại biểu Diễn đàn quốc tế về chủ đề ”Hội nhập và phát triển: từ phản ứng đến hành động”, Đức Thánh Cha Phanxicô lên tiếng kêu gọi phải bảo vệ những người di dân, ngài nói: “Sự cần thiết phải bảo vệ những người di dân, tị nạn dễ bị tổn thương nhất chống lại sự khai thác, bóc lột, lạm dụng và bạo hành”

 

Bảo vệ như thế nào? Trong Sứ điệp Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn lần thứ 104 (năm 2018) Đức thánh Cha Phanxicô viết: Bảo vệ – có thể được hiểu là một loạt các bước nhằm bảo vệ quyền lợi và phẩm giá của người di dân và người tị nạn, bất kể tình trạng pháp lý của họ. Ngài viết thêm: Sự bảo vệ ấy bắt đầu tại quốc gia xuất phát và bao gồm việc cung cấp thông tin đáng tin cậy và được xác minh trước khi người ấy ra đi, cũng như lo liệu cho họ được an toàn, tránh các hoạt động tuyển dụng bất hợp pháp. Ngài viết tiếp: Tôi hy vọng rằng, tại các quốc gia đón tiếp, người di dân có thể được quyền tự do đi lại, cơ hội làm việc, và tiếp cận các phương tiện truyền thông, trong sự tôn trọng phẩm giá của họ. 

 

Trong số 131 thông điệp Tất cả anh em, Đức Thánh Cha nhấn mạnh hơn: Điều quan trọng là phải áp dụng khái niệm “quyền công dân” cho những người di dân đã đến được một thời gian và người mới hòa nhập vào xã hội, “dựa trên sự bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ mà tất cả mọi người đều được hưởng công lý. Đây là lý do tại sao cần phải cam kết thiết lập trong các xã hội của chúng ta khái niệm về quyền công dân đầy đủ và từ bỏ việc sử dụng phân biệt đối xử của thuật ngữ nhóm thiểu số, vốn mang trong mình mầm mống của cảm giác bị cô lập và thấp kém. Đón tiếp, bảo vệ phải giúp họ thăng tiến. 

 

3. Yêu thương là giúp Thăng tiến

 

Thăng tiến nghĩa là tiến bộ về chuyên môn, về cấp bậc, địa vị,… trong nghề nghiệp, nói chung.

Vd: Có cơ hội thăng tiến, đường công danh đang thăng tiến.

Kinh Thánh viết: “Anh em phải yêu thương ngoại kiều, vì anh em đã từng là ngoại kiều ở đất Ai-cập” (Đnl 10,19).

 

Thăng tiến như thế nào? Có phải thăng tiến như trường hợp con gái của Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức (Đắk Nông) như Báo Dân Trí đưa tin: Con gái của Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức (Đắk Nông) được nhận vào làm việc trước khi có bằng tốt nghiệp. Sau 7 năm, bà này đã kinh qua rất nhiều chức vụ quan trọng, trong đó có thời gian làm Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tuy Đức mặc dù chưa một ngày đi dạy.[15]  

 

Trường hợp trên không phải là giúp thăng tiến đúng nghĩa. Giúp thăng tiến đúng nghĩa là giúp cho họ cần câu thay vì con cá. Như Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food phát biểu: “Giúp thăng tiến là mở các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghề, mở ra cánh cửa học tập cho người lao động, giúp họ viết tiếp giấc mơ học tập dang dở từ khi khoác trên mình chiếc áo công nhân. Ai học tốt và khẳng định được năng lực thì chắc chắn sẽ có cơ hội thăng tiến”.[16]

 

Đối với người di dân chúng ta giúp họ thăng tiến thế nào? Trong Sứ điệp Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn lần thứ 104 (năm 2018) Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết giúp thăng tiến là sự trợ giúp nhằm mang lại sự phát triển con người về mọi mặt. Ngài viết thêm: Tôi khuyến khích những nỗ lực quyết tâm nhằm thúc đẩy việc tiếp nhận người di cư và người tị nạn về mặt xã hội và nghề nghiệp, bảo đảm cho mọi người cả những người xin tị nạn được làm việc, được học ngôn ngữ và có quyền công dân, cũng như được cung cấp thông tin đầy đủ bằng tiếng mẹ đẻ của họ.   

 

Trong số 134 của thông điệp Tất cả anh em, Đức Thánh Cha còn khẳng định rõ ràng hơn, khi ta giúp họ thăng tiến thì cũng tôn trọng nhân vị của họ. Ngài viết: Khi chúng ta mở lòng ra với những người khác biệt, điều này cho phép họ phát triển một cách mới mẻ, trong khi vẫn là chính họ. Giúp thăng tiến, cần phải giúp hòa nhập.

 

4. Yêu thương là giúp Hòa nhập

 

Hòa nhập nghĩa là cùng tham gia, cùng hòa chung vào để không có sự tách biệt.

Vd: Hoà nhập với môi trường mới.

Kinh Thánh viết: “Anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa” (Ep 2,19).

 

Hòa nhập thế nào? Ngày 24/11/2020, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố Kế hoạch Hành động về Hòa nhập và Gắn kết nhằm cải thiện mức độ hội nhập của người di cư tại Liên minh châu Âu (EU). Trong thông báo, EC nêu rõ “Các hành động chính sẽ tập trung vào công tác giáo dục, đào tạo người di cư, cơ hội làm việc và được ghi nhận kỹ năng, việc tiếp cận dịch vụ y tế, cũng như nhà ở phù hợp và có giá phải chăng”[17].

 

Hòa nhập, đối với Giáo hội, như thế nào? Cũng trong buổi tiếp kiến dành cho các đại biểu Diễn đàn quốc tế về chủ đề ”Hội nhập và phát triển: từ phản ứng đến hành động”, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã nhắc nhở: Cần giúp những người di dân và tị nạn hội nhập vào xã hội nơi họ được đón tiếp. Ngài hướng dẫn thêm: Hòa nhập không có nghĩa là đồng hóa hoặc bị sát nhập, nhưng là một tiến trình hai chiều, dựa trên sự nhìn nhận hỗ tương sự phong phú về văn hóa của tha nhân, đồng thời tránh nguy cơ sống co cụm như trong những ghetto khu ổ chuột, tội phạm.[18]

 

Hòa nhập ra sao? Trong Sứ điệp Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn lần thứ 104 (năm 2018) Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết: Hòa nhập liên quan đến các cơ hội phong phú hoá qua việc giao thoa văn hóa nhờ sự hiện diện của người di dân và người tị nạn. Hòa nhập không phải là “đồng hóa để đẩy người nhập cư đến chỗ xóa bỏ hay quên đi bản sắc văn hoá riêng của họ. Ngài nhắc nhở rằng cần phải gia tăng cơ hội trao đổi văn hoá, cung cấp tư liệu và phổ biến những thực hành tốt nhất về hội nhập, đồng thời xây dựng các chương trình để chuẩn bị cho các cộng đồng địa phương tham gia tiến trình hội nhập.  

 

Trong số 134 thông điệp Tất cả anh em, Đức Thánh Cha còn khẳng định mạnh mẽ hơn: Chúng ta cần giao tiếp, khám phá sự phong phú của mỗi người, đánh giá cao những gì gắn kết chúng ta và coi sự khác biệt như những khả năng phát triển với sự tôn trọng dành cho tất cả mọi người. 

 

Trong số 135 thông điệp Tất cả anh em, ngài còn nói thêm: Những người di dân, nếu được giúp đỡ để hòa nhập, sẽ là một phúc lành, một nguồn lực làm phong phú và là quà tặng mới, mời gọi xã hội phát triển.   

 

 Trong số 151 thông điệp Tất cả anh em, ngài còn hướng dẫn cụ thể hơn về hòa nhập, ngài viết: Hội nhập văn hóa, kinh tế và chính trị với các vùng lân cận cần được gắn liền với một tiến trình giáo dục giúp cổ võ giá trị của tình yêu đối với láng giềng, đó là bài tập cần thiết đầu tiên để đạt được sự hội nhập phổ quát lành mạnh.

 

Qua những trình bày về chương 4 với đề tài yêu thương là đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và hòa nhập, người viết xin có một số đóng góp về đời sống huynh đệ trong cộng đoàn. Những gì người viết trình bày sau đây là những kinh nghiệm của các bậc hiền nhân, hẳn mọi người chúng ta đều biết rất rõ, nhưng thời gian có thể đã làm chúng ta phần nào quên đi.

Hôm nay, người viết xin được nhắc lại để mỗi người chúng ta có dịp ôn lại. Đối với những anh em mới bước vào đời tu thì có dịp học hỏi thêm.

 

5. Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn

5.1. Đón nhận nhau

 

Mọi phần tử trong cộng đoàn cùng nhau làm thành một nơi đón tiếp mà mọi phần tử đều cảm thấy như ở nhà và cảm nghiệm được sự nồng ấm của tình người.[19]

Cộng đoàn bày tỏ sự tôn trọng người hèn kém, yếu đuối, tuổi tác, những người không thể tự lo cho mình.[20]

Cộng đoàn cần làm điều thiện cho nhau và tránh những lời nói hoặc hành động, những lời bóng gió hoặc những thông tin kém phần xây dựng có thể làm cho người khác tổn thương.[21]

 

5.2. Chấp nhận lẫn nhau

Trong cộng đoàn, các phần tử phải chấp nhận lẫn nhau như mỗi người là. Chúng ta muốn người khác phải là cái chúng ta là hay cái chúng ta tưởng chúng ta là. Đó là một đòi hỏi trái với tự nhiên.[22]

Chúng ta cần phải tôn trọng sự dị biệt về ý tưởng, ý kiến, khẩu vị, những cái thích và không thích của người khác.[23]

Một cộng đoàn không có tình huynh đệ là một cộng đoàn biểu lộ sự thống trị về phía kẻ mạnh, và chủ nghĩa tuân thủ về phía kẻ yếu.[24]

Khi ta yêu thương đích thực, ta sẽ khám phá và làm nổi bật sự độc đáo của người khác.

 

5.3. Biết nhau

Chúng ta chỉ có thể hiểu biết sâu xa một khi chúng ta yêu thương. Người nào yêu thương sẽ tập hợp thực tại sâu xa của người khác và dựa vào đó mà giải thích lời nói và hành động của họ.[25]

Tránh tình trạng trong cộng đoàn có những trường hợp cá nhân phải đau khổ vì bị phán xét, bị phân loại và bị gán nhãn hiệu mà người ta chẳng biết gì về thực tế bên trong cũng như bên ngoài của họ. [26] 

 

5.4. Chia sẻ với nhau

Chia sẻ có nghĩa là để những gì mình là và những gì mình có làm của chung. Chia sẻ công việc cũng là điều quan trọng, vì công việc là một trong những yếu tố ràng buộc chúng ta với cộng đoàn.[27]

Khi trách nhiệm được chia sẻ, nó trở thành đồng trách nhiệm. Đồng trách nhiệm còn được biểu lộ trong việc tư vấn và bỏ phiếu chọn những người thích hợp nhất để điều hành cộng đoàn, và trong tiến trình quản trị một cách dân chủ.[28]

 

5.5. Giúp nhau thăng tiến

Cộng đoàn có bổn phận nâng đỡ các phần tử của mình. Cộng đoàn cần phải tạo ra và đem lại cho mỗi phần tử một bầu khí thoải mái để sống tin mừng của Chúa Giêsu, thực hành yêu thương lẫn nhau.[29]

Các ơn gọi sẽ tìm thấy môi trường thuận lợi khi đặc điểm của đời sống cộng đoàn là bầu khí trưởng thành riêng biệt, làm cho mỗi phần tử trở thành một con người có cá tính.

Khi ấy các phần tử sẽ tăng trưởng và có được sự quân bình để nghĩ, muốn, và hành động như những người trưởng thành. Bị kiểm soát bởi cảm xúc và tùy thuộc thái quá là kiểu cách trẻ con, và gây trở ngại cho ơn gọi của người tu sĩ.[30]

Tránh tình trạng quá coi trọng người tài giỏi, sẽ khiến họ trở nên tự tôn. Tránh tình trạng quá coi thường người bất tài, sẽ khiến họ trở nên mặc cảm, tự ti. Cả hai đều ảnh hưởng đến việc thăng tiến của mỗi phần tử.

 

Kết Luận

 

Thông điệp Tất cả anh em là một thông điệp sâu sắc, nó có thể làm thay đổi tâm trí và trái tim của chúng ta, trong chương 4 phần nào đã cho chúng ta thấy được điều đó.

 

Yêu tương là đón tiếp, là bảo vệ, là giúp thăng tiến, giúp hòa nhập. Đó là một tiến trình khép kín và liên tục cần phải có dối với những người di dân. Trong đời sống thánh hiến, đặc biệt là thánh hiến đan tu, tiến trình này cần thể hiện rõ nét hơn, chân thực hơn và sống động hơn nữa. Người di dân được đón tiếp bằng cách gia tăng và đơn giản hóa việc cấp thị thực, thông qua các chương trình bảo trợ tư nhân và cộng đồng, mở hành lang nhân đạo cho những người tị nạn dễ bị tổn thương nhất, cung cấp chỗ ở phù hợp và tươm tất, đảm bảo an toàn cá nhân và tiếp cận các dịch vụ thiết yếu. Người tu sĩ cũng được đón nhận, đó chính là sự sẵn sàng của tinh thần huynh đệ nhờ đó mọi phần tử cùng nhau làm thành một nơi đón tiếp mà mọi phần tử đều cảm thấy như ở nhà và cảm nghiệm được sự nồng ấm của tình người. Người di dân được bảo vệ bao gồm việc cung cấp thông tin đáng tin cậy và được xác minh trước khi người ấy ra đi, cũng như lo liệu cho họ được an toàn, tránh các hoạt động tuyển dụng bất hợp pháp. Người tu sĩ cũng cần được bảo vệ, bảo vệ họ khỏi những thế lực xấu, cũng như bảo vệ ơn gọi của họ với lòng trắc ẩn và lòng thương xót của Thiên Chúa, và cũng cần có sự kiên trì như người làm vườn trong Tin mừng.

 

Người di dân được trợ giúp để thăng tiến. Sự trợ giúp nhằm mang lại sự phát triển con người về mọi mặt. Người tu sĩ cộng đoàn có bổn phận nâng đỡ các phần tử của mình. Cộng đoàn cần phải tạo ra và đem lại cho mỗi phần tử một bầu khí thoải mái để sống tin mừng của Chúa Giêsu, thực hành yêu thương lẫn nhau. Người di dân đươc trợ giúp để hội nhập vào xã hội nơi họ được đón tiếp, thì người tu sĩ cũng cần được hòa nhập vào đời sống cộng đoàn nơi họ đang sống. Các tu sĩ sẽ tìm thấy môi trường thuận lợi khi đặc điểm của đời sống cộng đoàn là bầu khí trưởng thành riêng biệt, làm cho mỗi tu sĩ trở thành một con người có cá tính. Những hành động đón tiếp, bảo vệ, giúp hăng tiến, giúp hòa nhập là những hành động phản ảnh tình bác ái cao độ, là những hành động biểu hiện tình huynh đệ chân thành. Tình huynh đệ giúp ta “thoát khỏi hố sâu trong xã hội, và xây dựng một thế giới mới, một thế giới tốt hơn.”[31]

 

 

 

 _____________________________

 

[1] Báo quân đội nhân dân       

[2] Vietcatholic News

[3] www.http://ubdkcgvn.org.vn/

[4] ĐTC Phanxico, Thông Điệp Fratelli Tutti, số 130

[5] ĐTC Phanxico, Thông Điệp Fratelli Tutti, số 140

[6] ĐTC Phanxico, Thông Điệp Fratelli Tutti, số 133

[7] Sứ điệp Mùa Chay 2017 của Đức giáo hoàng Phanxicô

[8] ĐTC Phanxico, Thông Điệp Fratelli Tutti, số 133

[9] ĐTC Phanxico, Thông Điệp Fratelli Tutti, số 143

[10] ĐTC Phanxico, Thông Điệp Fratelli Tutti, số 37

[11] ĐTC Phanxico, Thông Điệp Fratelli Tutti, số 133

[12] ĐTC Phanxico, Thông Điệp Fratelli Tutti, số 141

[13] ĐTC Phanxico, Thông Điệp Fratelli Tutti, số 143

[14] Báo vov.vn 

[15] Báo Dân trí, 05/07/2017.

[16] Báo Dân trí, 08/06/2020.  

[17] Baonga.com

[18] www. http://ubdkcgvn.org.vn/, Cập nhật lúc 15:57, 21/03/2017.

[19] Dr George Kaitholil, ssp, Chuyển ngữ Nguyễn Văn Chữ, op, p 232

[20] Dr George Kaitholil, ssp, Chuyển ngữ Nguyễn Văn Chữ, op, p 233

[21] Dr George Kaitholil, ssp, Chuyển ngữ Nguyễn Văn Chữ, op, p 233

[22] Dr George Kaitholil, ssp, Chuyển ngữ Nguyễn Văn Chữ, op, p 234

[23] Dr George Kaitholil, ssp, Chuyển ngữ Nguyễn Văn Chữ, op, p 235

[24] Dr George Kaitholil, ssp, Chuyển ngữ Nguyễn Văn Chữ, op, p 236

[25] Dr George Kaitholil, ssp, Chuyển ngữ Nguyễn Văn Chữ, op, p 237

[26] Dr George Kaitholil, ssp, Chuyển ngữ Nguyễn Văn Chữ, op, p 237

[27] Dr George Kaitholil, ssp, Chuyển ngữ Nguyễn Văn Chữ, op, p 239

[28] Dr George Kaitholil, ssp, Chuyển ngữ Nguyễn Văn Chữ, op, p 239

[29] Dr George Kaitholil, ssp, Chuyển ngữ Nguyễn Văn Chữ, op, p 243

[30] Dr George Kaitholil, ssp, Chuyển ngữ Nguyễn Văn Chữ, op, p 244

[31] Hồng y Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh

 

 

Thiết kế Web : Châu Á