ƠN GỌI

Học hỏi Thông điệp Fratelli Tutti: NHÂN PHẨM VÀ BÌNH ĐẲNG THEO THÔNG ĐIỆP FRATELLI TUTTI

Xuyên suốt Thông điệp, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến vị trí ưu tiên của tình yêu thương giữa con người với nhau, trong cả bối cảnh xã hội lẫn chính trị. Bằng cách khơi gợi lên tình yêu của Thiên Chúa đối với con người, Đức Thánh Cha đã mơ ước có một thế giới đại đồng, trong đó mọi người được yêu thương và tôn trọng xứng với nhân phẩm.

 

 

 

NHÂN PHẨM VÀ BÌNH ĐẲNG THEO THÔNG ĐIỆP FRATELLI TUTTI

 

M. Damasceno Hùng

 

 

Dẫn nhập

 

Ngày nay con người đang phải đối diện với nhiều vấn đề liên quan đến vận mạng của mình. Bạo lực, chiến tranh, nghèo đói, dịch bệnh... đang làm cho bức tranh của xã hội trở nên ảm đạm hơn bao giờ hết. Con người sống với nhau không còn bằng tình liên đới nhân vị và bình đẳng. Người ta chỉ biết đến sự được thua, kẻ chiến thắng và người chiến bại. Vậy nên có không ít người tỏ ra bi quan về tương lai của nhân loại. Người ta tự hỏi số phận của con người sẽ như thế nào, nếu xã hội cứ tiếp tục bất ổn và bạo lực như hiện nay?

 

Đứng trước thực trạng đó, Giáo hội vẫn không ngừng kêu gọi tình liên đới giữa con người với nhau. Lời kêu gọi tôn trọng phẩm giá và sự bình đẳng của con người luôn được vang lên trong các Giáo huấn của Giáo hội. Mới đây nhất, trong Thông điệp Fratelli tutti Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã một lần nữa cất lên tiếng chuông cảnh báo con người thời đại đã và đang lãng quên đi người anh em thân cận của mình. Xuyên suốt Thông điệp, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến vị trí ưu tiên của tình yêu thương giữa con người với nhau, trong cả bối cảnh xã hội lẫn chính trị. Bằng cách khơi gợi lên tình yêu của Thiên Chúa đối với con người, Đức Thánh Cha đã mơ ước có một thế giới đại đồng, trong đó mọi người được yêu thương và tôn trọng xứng với nhân phẩm. Tuy đây không phải là một giáo huấn mới mẻ của Giáo hội về nhân phẩm, nhưng Fratelli Tutti lại vẽ nên bức tranh xã hội với nhiều gam màu khác nhau, trong đó ẩn sau những hào nhoáng của một thế giới phát triển về khoa học kỹ thuật thì có nhiều lớp người đã bị thế giới lãng quên. Họ bị đối xử mất nhân phẩm và bình đẳng. Hơn bao giờ hết, đây là lúc con người phải tỉnh thức để có thể lưu ý đến anh chị em của mình. Phải ưu tiên cho những chọn lựa mang tính liên đới để tạo ra một thế giới sinh động và giàu tình thương. Fratelli Tutti cũng đưa ra những cách thức để xây dựng một xã hội đại đồng và bác ái. Trong đó mỗi người được nhìn nhận xứng với phẩm giá và có cơ hội để phát triển bản thân và đất nước. Mỗi người chúng ta phải có trách nhiệm với những người thân cận, không được lãng quên sự hiện diện của họ. Thông điệp này không trình bày về nhân học mang ý nghĩa thần học, nhưng đúng hơn là thực trạng và giải pháp cho một xã hội thiếu vắng tình người. Trong đó những người già cả, đau khổ, cô đơn và những người di dân… là những người cần được tôn trọng và quan tâm hơn cả. Thông điệp còn cho thấy trái tim đầy yêu thương của vị cha chung Giáo hội, luôn ôm ấp những cuộc đời bất hạnh và bị lãng quên trong xã hội, nâng họ lên vì họ cần được tôn trọng như chính họ là con người được Thiên Chúa tạo dựng. Và nội dung của bài viết này cũng sẽ đi theo trình tự đó: Thực trạng, giải pháp và bài học liên quan đến chủ đề. Dưới đây chúng ta cùng đi vào nội dung chính của đề tài.

 

1. Phẩm giá và bình đẳng dưới nhãn quan Kitô giáo

 

Phẩm giá là gì? “Phẩm”: là tư chất, “giá”: quý báu. Phẩm giá hay nhân phẩm được Từ Điển Công Giáo định nghĩa là giá trị của con người, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải được tôn trọng như nhau[1]. Còn Bình đẳng: “Bình”: tức là bằng nhau; “Đẳng”: là cấp bậc. Sự bình đẳng là mọi người đều ngang bằng nhau, vì có cùng một bản tính, cùng phẩm giá và nguồn gốc[2].

 

Giáo hội Công Giáo luôn bênh vực phẩm giá con người trong mọi hoàn cảnh, vì nó liên quan đến giáo lý về con người của Giáo hội. Công Đồng Vaticano II trong Gaudium et Spes đã dành hẳn chương một nói về phẩm giá con người, Huấn thị về Phẩm Giá Con Người đã được ban hành ngày 8/9/2008, và nhiều bản văn khác nữa nói đến vấn đề này… Bởi vì niềm tin vào một Thiên Chúa sáng tạo là niềm tin căn bản: Lúc khởi đầu Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ và con người[3]. Công Đồng Vatican II đã đặt trọng tâm nơi bản chất con người, con người là hình ảnh Thiên Chúa vì con người có khả năng nhận biết và yêu mến Đấng Tạo Hoá, khả năng thiết lập tương quan với Thiên Chúa[4]. Điều quan trọng chúng ta cần nhấn mạnh là, mối tương quan với Thiên Chúa và khả năng của chúng ta trong việc nhận biết và yêu mến Người, tất cả những điều ấy được thực hiện qua trung gian Đức Giêsu. Giáo lý Công giáo viết: “Được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, con người là một hữu thể vừa mang thể xác, vừa mang tinh thần… thân xác con người cũng được dự phần vào phẩm giá của con người là hình ảnh của Thiên Chúa, bởi lẽ thân xác đã được linh hồn thiêng liêng làm cho sống động”[5]

 

Do đó, con người có một phẩm giá trổi vượt và một chỗ đứng đặc biệt trong lòng bàn tay Hóa Công nhân từ. Kitô giáo cho ta một cái nhìn toàn điện về con người cả về nguồn gốc và thân phận. Con người là một mầu nhiệm, vì nó là một thứ biên giới giữa hai thế giới, như một thứ chân trời và giới hạn các vật hữu hình và các vật vô hình. Nó chìm sâu trong xác thịt nhưng lại được tác thành bằng Thần khí, nghiêng về vật chất nhưng lại được thu hút về phía Thiên Chúa, lớn lên trong thời gian nhưng đã hít thở cái vĩnh cửu, nó là một hữu thể của thiên nhiên và của thế giới nhưng lại siêu việt trên vũ trụ bằng sự tự do và khả năng kết hợp với Thiên Chúa. Ánh sáng mạc khải Kitô giáo về con người làm ta cảm thấy hạnh phúc vì biết mình là con Thiên Chúa, được Ngài yêu thương cách đặc biệt: Đấng Hóa Công đã muốn một loài thụ tạo đến hưởng hạnh phúc bên mình.

 

Công Đồng Vaticano II đã nhiều lần nhắc nhở chúng ta phải tôn trọng phẩm giá con người. Hiến Chế Giáo Hội Trong Thế giới ngày nay viết: “Con người ngày càng ý thức hơn phẩm giá cao cả của nhân vị, vượt trên tất cả mọi vật. Do đó, quyền lợi và bổn phận của con người thì phổ quát và bất khả xâm phạm. Vì thế, cần phải giúp con người tiếp cận với nhu cầu thiết yếu để có một cuộc sống đích thực nhân bản, chẳng hạn như: lương thực, y phục, nhà ở, quyền tự do chọn lựa lối sống, quyền lập gia đình, quyền được giáo dục, có việc làm, được bảo vệ thanh danh, được kính trọng, được thông tin đầy đủ, được hành động theo luật ngay thẳng của lương tâm, quyền bảo vệ đời sống riêng tư và hưởng tự do chính đáng, kể cả trong lãnh vực tôn giáo”[6]. Ở một chỗ khác: “Cần phải vượt qua và loại trừ mọi hình thức kỳ thị về quyền lợi căn bản của con người, trong lãnh vực xã hội cũng như văn hóa, vì lý do phái tính, chủng tộc, màu da, điều kiện xã hội, ngôn ngữ hay tôn giáo, vì điều đó trái với ý định của Thiên Chúa”[7]. Như vậy quan điểm Kitô giáo luôn nhấn mạnh về việc đánh giá con người dựa theo bản chất của họ, chứ không phải dựa theo những gì họ có. Nếu Giáo Hội yêu mến những người nghèo và giúp đỡ những người đau khổ, thì trước hết Giáo Hội tìm mọi cách để tôn trọng và cứu chữa nhân phẩm của họ. Mục đích tình liên đới và sự phục vụ Kitô giáo là bênh vực và thăng tiến phẩm giá và các quyền căn bản của mỗi một con người. Giáo Hội thâm tín rằng phẩm giá con người không thể bị huỷ bỏ được, dầu cho con người có bị rơi vào bất cứ tình trạng khốn cùng nào, bị khinh khi, bị tẩy chay hay bị bất lực nào đi nữa. Giáo Hội liên kết chặt chẽ với những người bị coi là vô dụng trong xã hội, bị tẩy chay về mặt tinh thần và nhiều khi còn cả về mặt thể lý nữa. Chính vì thế, Giáo hội có bổn phận lên tiếng bảo vệ con người và các quyền căn bản của họ.

 

2. Bức tranh của một thế giới thiếu tôn trọng nhân phẩm và bình đẳng

 

Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thông điệp Fratelli tutti đã phác họa lại bức tranh xã hội thời đại, với nhiều gam màu, trong đó việc thiếu tôn trọng nhâm phẩm và bình đẳng nơi nhiều quốc gia là một thực tế. Bởi nhiều lý do khác nhau mà con người ngày nay dường như đã quên đi người thân cận của mình, họ chỉ nhận thấy những khác biệt mà không thấy điểm chung lớn lao giữa con người với nhau. “Fratelli tutti” là từ được lấy lại trong tác phẩm của thánh Phanxicô, có nghĩa là “tất cả anh em”. Vì ngay ở những số đầu tiên Đức Thánh Cha đã cho biết chính cuộc đời thánh Phanxicô là một trong những cảm hứng mạnh mẽ cho Thông điệp này. Thánh nhân đã vượt qua thái độ thù nghịch và kêu gọi mọi người tôn trọng sự khác biệt. Đây là một vấn nạn cho xã hội hôm nay.

 

Trước hết, chúng ta đang sống trong một xã hội tiến triển vượt bậc về khoa học kỹ thuật và văn minh. Nhìn vẻ hào nhoáng bên ngoài xã hội hiện đại nhiều người bị choáng ngợp và liên tưởng đến một tương lai tươi sáng. Xã hội sẽ như một bức tranh đầy gam màu hy vọng và đẹp đẽ. Nhưng vẻ đẹp giả tạo ấy đã không làm cho người cha chung của Giáo hội quên đi các gam màu đen tối của bức tranh xã hội. Fratelli tutti đã lưu ý đến nhiều hạng người bị đối xử kỳ thị và bất công. Đầu tiên là tình cảnh của một xã hội ngày càng già đi vì giảm sút tỉ lệ sinh ở các nước phát triển. Thực trạng này đã và đang gia tăng áp lực cho người già, làm cho họ phải sống cô đơn và buồn tủi. Xã hội coi những người này như một gánh nặng. Họ bị coi như những con virus Corona của thời đại, phó mặc họ cho những người có chuyên môn chăm sóc. Điều này làm cho người già cảm thấy họ bị bỏ rơi cách nhẫn tâm vì không được gần gũi với gia đình. Làm như thế không những bóp méo gia đình mà còn làm cho người trẻ đánh mất ý thức về cội nguồn của mình (x. số 19).  Đây không phải là lần đầu tiên Đức Thánh Cha lên tiếng cho những người già cả, nhưng trong nhiều phát biểu, ngài đã lưu ý chúng ta về số phận của những người lớn tuổi. Ví dụ vào 31 tháng 1 năm 2020, khi ngài đọc diễn từ trong Điện Tông tòa, trước các tham dự viên của Hội nghị Quốc tế lần thứ Nhất về việc chăm sóc mục vụ cho người già với chủ đề “Sự phong phú của thời gian,” Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói:  “Hôm nay tôi muốn nói với anh chị em rằng người già cũng là hiện tại và tương lai của Giáo hội. Đúng, họ cũng là tương lai của Giáo hội, vì cùng với người trẻ, họ nói tiên tri và ước mơ! Đây là lý do tại sao việc người già và người trẻ trao đổi với nhau là điều rất quan trọng, nó vô cùng quan trọng.”[8]

 

Thêm vào đó, một số tệ nạn xã hội liên quan đến nhân phẩm ngày càng gia tăng. Nạn bóc lột sức lao động, cưỡng bức thể lý và tâm lý của phụ nữ và trẻ em trên thế giới ngày một gia tăng, có khi nó còn được các thế lực chính trị hậu thuẫn. Những người yếu đuối, không có khả năng tự vệ lẽ ra được xã hội bảo vệ thì lại trở thành những nạn nhân cho một xã hội bất bình đẳng và không tôn trọng nhân phẩm. Chưa hết, Đức Thánh Cha còn nhắc đến một tầng lớp bị coi như người nô lệ, mất hết quyền tự do, đó là những người yếu thế trong xã hội. Người ta đã quên đi họ cũng là những người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, cần phải được tôn trọng như bao con người khác. Họ bị đối xử như một công cụ, ở đây Đức Thánh Cha có nhắc đến hai tệ nạn mà ngài gọi là đồi bại là khuất phục phự nữ rồi ép họ phá thai và nạn bắt cóc để bán các bộ phận. (x. số 24). Tệ hơn nữa là nạn buôn người đang hoành hành tại một số nơi mà các nhà chức trách vẫn không kiên quyết ngăn chặn. Đức Thánh Cha cảnh báo với mọi người rằng những người yếu thế đang bị xã hội lãng quên. Điều này đang tạo ra một thế giới loại trừ, làm cho những người yếu thế sống trong thế giới riêng của họ mà ở đó họ không còn là chính mình. Chưa hết, thế giới còn phải chứng kiến nạn kỳ thị chủng tộc ở một số nước. Nó đã làm gia tăng nạn thất nghiệp và chiến tranh, có khi là chiến tranh tôn giáo (x. số 25). Còn có một hạng người bị đối xử như những người ngoại bang trong xã hội, đó là những người bệnh tật. Thế giới đang làm cho họ cảm thấy họ hiện hữu nhưng không “thuộc về” mà cũng không “tham gia”. Người ta vẫn khó có thể coi họ là những người có cùng một phẩm giá. (x. số 98). Điều này cũng tồn tại nơi những nước nghèo và nhất là những người di dân. Vì an sinh mà phải sống xa quê hương, tìm một tương lai mới. Họ là những người đáng được quan tâm và tôn trọng chứ không phải bị gạt ra ngoài như người ta vẫn làm. Trong sứ điệp nhân Ngày Thế giới người Di dân và Tị nạn lần thứ 106, được cử hành vào ngày 27/09/2021, Đức Thánh Cha suy tư về thảm kịch của người di dân nội địa và mời gọi các tín hữu nhận ra gương mặt Chúa Giêsu nơi những người di dân này. Đức Thánh Cha nói: “Thật không may, trong thời đại của chúng ta, hàng triệu gia đình có thể thấy mình rơi vào thực tế đáng buồn này. Hầu như mỗi ngày, truyền hình và báo chí đều loan tin tức về những người tị nạn chạy trốn đói khát, chiến tranh và những nguy hiểm nghiêm trọng khác, để tìm kiếm an ninh và một cuộc sống xứng đáng cho mình và cho gia đình”[9]. Ngài lưu lý rằng Thánh Gia là những người tị nạn như họ vậy. Người ta cứ tưởng trong một thế giới văn minh, con người sẽ được hạnh phúc hơn, nhưng bức tranh mà Fratelli tutti vẽ ra đã cho ta thấy phần chìm của một xã hội hào nhoáng, cần phải được cải biến lại.

 

Khi quan sát một xã hội như vậy, Đức Thánh Cha đã tự hỏi: “Không biết phẩm giá bình đẳng của mọi người, đã được công bố hơn bảy mươi năm qua có thực sự được công nhận, tôn trọng và bảo vệ...”? Khi thế giới vẫn còn những hình thức bất công được nuôi dưỡng bằng “cái nhìn nhân chủng” và “mô hình kinh tế bóc lột không khoan nhượng” (x. 22-23) thì đâu là phẩm giá và bình đẳng của con người?

 

3. Phương thế xây dựng một xã hội tôn trọng con người

 

Bức tranh xã hội như trên là một thách đố, đòi hỏi mỗi người phải cộng tác để chung tay vẽ lại cho đẹp hơn. Fratelli tutti đã đưa ra nhiều phương thế giúp tái tạo lại bức tranh xã hội cho tươi sáng hơn. Tuy nhiên, dưới đây chúng ta chỉ đề cập đến một vài phương thế chính yếu.

 

3.1 Xây dựng tình yêu phổ quát đề cao giá trị con người

 

Tình yêu là điều kỳ diệu nhất của cuộc sống con người. Bởi tất cả sự tồn tại đều được khởi sự bởi tình yêu. Mỗi ngày có nhiều sinh vật xuất hiện, có nhiều con người được sinh ra, các tế bào được sản sinh...tình yêu đứng sau tất cả. Mọi sự khởi đầu luôn là tình yêu soi dẫn và định hướng. Sự rạn nứt của thế giới chỉ có thể được chữa lành bởi tình yêu. Do đó, Fratelli tutti cũng khuyên chúng ta dùng tình yêu để tô thắm lại bức tranh xã hội hoen ố vì thiếu nhân phẩm và bình đẳng.

 

Trước hết, phải xây dựng một tình yêu phổ quát đề cao giá trị của con người. Đức Thánh Cha viết: “Mọi người đều có quyền sống đúng với phẩm giá và có quyền phát triển toàn diện, quyền căn bản này không quốc gia nào có thể phủ nhận” (số 107). Vì thế, “một người được sinh ra tại nơi có tài nguyên ít hơn hay kém phát triển hơn thì không được coi là sống với ít nhân phẩm hơn” (số 107). Do đó, nếu một xã hội chỉ tôn trọng tự do bình đẳng cách chung chung thì chưa phải là một xã hội nhân bản và văn minh. Vì nó còn vô cảm. Trái lại, phải đặc biệt lưu tâm đến những người có hoàn cảnh đặc biệt. Phải đầu tư vào cuộc sống của họ, cho họ có cơ hội phát triển cách toàn diện (x. số 109). Điều này đang thiếu nơi hầu hết các quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển. Ở đó, những người đau khổ bệnh tật bị bỏ quên và không được xã hội tôn trọng. Một xã hội như thế không những là lạnh lùng mà còn trở nên cằn cỗi.

 

Sau đó, để xây dựng một tình yêu phổ quát đề cao giá trị của con người, Thông điệp nhắc nhở mỗi người phải cùng nhau xây dựng một tình liên đới đại đồng vượt ra khỏi chủ nghĩa cá nhân và văn hóa vùng miền. Ngay từ trong những số đầu tiên của Thông điệp, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trích dẫn tấm gương của thánh Phanxicô, người đã vượt qua những khác biệt về nguồn gốc, quốc tịch, màu da và tôn giáo. Cũng vậy, khi quảng diễn về dụ ngôn người Samari nhân hậu, Đức Thánh Cha đã tỏ thái độ cảm phục người Samari, vì chính ông đã vượt ra khỏi biên giới cá nhân mà ân cần chăm sóc người bị nạn. (x. số 101-102). Do đó, liên đới trước hết phải ra khỏi chính mình để đến với tha nhân để chung chia số phận với họ. Tình liên đới như thế phải chấp nhận sự mỏng dòn của tha nhân để có thể phục vụ mọi người. Xây dựng tình liên đới còn có nghĩa là chọn suy nghĩ và hành động theo quan niệm cộng đoàn, có nghĩa là cuộc sống của mọi người phải ưu tiên trên cá nhân. Nó cũng có nghĩa là phải chống lại các nguyên nhân gây ra nghèo đói, bất bình đẳng, thiếu việc làm và chống lại sự phủ nhận của quyền xã hội (x. số 116). Đức Thánh Cha cũng ủng hộ việc loại bỏ án tử hình nơi các tù nhân. Một xã hội phát triển có đủ phương thức giáo dục hoặc chế ngự những người phạm tội. Mạng sống của con người là tặng ân của Thiên Chúa, chúng ta không có quyền trên mạng sống của người khác (x. số 263-270). Trái lại, mỗi người phải chung tay xây dựng một xã hội đầy tràn tình yêu và sự liên đới.

 

Tình yêu là sự khởi phát tất cả sự vận hành hiện hữu này vì Thiên Chúa vốn là Tình yêu nên Ngài cũng là ngọn nguồn của tình yêu và là năng lực thúc đẩy, nuôi dưỡng tình yêu. Mọi con người đều thao thức và tìm kiếm nguồn bình an vô tận là tình yêu và chỉ có được nơi Thiên Chúa mà thôi. Tình yêu sẽ cạn và người ta chỉ quan tâm đến mình khi lãng quên Thiên Chúa, đó là thực trạng của thế giới ngày hôm nay.

 

3.2 Giáo dục

 

Để xây dựng một thế giới nhân bản và đầy tình yêu thương con người, vai trò của việc giáo dục là rất cần thiết. Việc giáo dục phải được thực hiện ngay trong gia đình của mỗi người. “Bắt đầu từ những cử chỉ đạo đức đơn sơ của việc người mẹ dạy cho con cái mình”, rồi mở rộng ra đến các nhà giáo dục ngoài trường lớp xã hội. Việc giáo dục này cũng cần được thực hiện trong các cộng đoàn (x. số 114). Do đó, vai trò của cha mẹ và các nhà giáo dục rất quan trọng. Nhờ họ mà thế giới được hâm nóng lại trong tình yêu và tôn trọng con người. Đức Thánh Cha còn nhắc đến một tầng lớp quan trọng có thể thay đổi bộ mặt xã hội đó là các chính chị gia và những người nắm giữ quyền bính. Họ phải là những người xác tín và tôn trọng sự thật về phẩm giá con người. Sự sống là thánh thiêng và bất khả xâm phạm. Tránh việc các quốc gia đồng lõa với nhau thao túng tự do làm mất sự bình đẳng nhân phẩm. Hậu quả tai hại này sẽ gây ra chủ nghĩa cá nhân hững hờ và vô tâm (x. số 208-209). Bởi đó, Thông điệp viết: “Phẩm giá của người khác phải được tôn trọng trong mọi hoàn cảnh, không phải phẩm giá là một cái gì đó ta đã phát minh ra, mà vì con người luôn có một giá trị nội tại cao cả hơn giá trị của các sự vật  và các hoàn cảnh tùy thuộc” (số 213).

 

Trong một xã hội bị thế tục hoá đến cao độ như ngày nay, những chương trình truyền thông đại chúng có tính cách vô luân, chống Kitô giáo, cùng cổ võ một nền văn hoá tiêu thụ và coi nhẹ giá trị của con người. Tất cả chúng ta cũng phải có bổn phận bảo vệ những người thuộc quyền tránh khỏi các xu hướng cổ động bạo lực và kỳ thị. Giáo dục là bổn phận chính yếu còn quan trọng hơn cả cơm ăn áo mặc. Những gì chúng ta làm hôm nay chỉ là những hạt giống nằm sâu trong tâm hồn. Thiên Chúa sẽ cho nó mọc lên vào thời điểm mà Ngài thấy thích hợp.

 

 

3.3 Vai trò của tôn giáo

 

Cuối cùng, Fratelli tuttti đã nhắc đến vai trò to lớn của các tôn giáo trong việc thúc đẩy hòa bình bằng con đường đối thoại. Các tôn giáo cũng là yếu tố tiên quyết trong việc xây dựng một cuộc sống văn minh tiến bộ. Các tôn giáo được xây dựng trên lòng tôn trọng con người với ý thức con người là một thụ tạo. Việc làm chứng cho Đấng Tạo Hóa phải luôn đem lại lợi ích cho xã hội, giúp các tín đồ nhận ra mọi người là anh em. (x. số 272-274). Trong phần kết của Thông điệp, Đức Thánh Cha đã có những lời mạnh mẽ kêu gọi các tôn giáo cùng chung tay xây dựng xã hội tốt đẹp và kiên quyết bài trừ tinh thần phi nhân nơi các tôn giáo: “Chúng tôi cương quyết rằng các tôn giáo không bao giờ được kích động chiến tranh, kích động thái độ ghen ghét, hận thù và chủ nghĩa cực đoan, cũng không được khuyết khích bạo lực hay đổ máu. Những thực tại bi thảm này là hậu quả của sự sai lệch đối với giáo huấn tôn giáo” (số 285). Thông điệp còn viết thêm: “Nhân danh Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng mọi người bình đẳng về quyền lợi, bổn phận và phẩm giá và cũng là Đấng kêu gọi con người sống chung với nhau như anh em... nhân danh những người nghèo, những người cùng cực, những người bị hất ra bên lề xã hội, những người mẹ góa con côi, những tỵ nạn và những người lưu đày biệt xứ....chúng tôi tuyên bố chấp nhận nền văn hóa đối thoại là con đường duy nhất, chọn việc hợp tác với nhau làm quy tắc xử sự, sự hiểu biết với nhau làm phương pháp và tiêu chuẩn” (số 285).

 

Tôn giáo mà thiếu đi tình yêu con người thì sớm muộn cũng dẫn tới xung đột và chiến tranh. Thảm trạng của thế giới hiện nay đã phản ảnh điều này. Nếu coi việc con người hiện hữu trên thế giới này là một điều kỳ diệu, thì điều kỳ diệu ấy có được là từ sự ấp ủ trong tình yêu của Đấng Vô Song, Đấng tạo nên con người và sẵn sàng chia sẻ sự sống với con người. Đó là một sáng kiến trong tình yêu và cho tình yêu. Do đó, con người được dựng nên cũng để được yêu và trao ban tình yêu. Đó là điều mà mọi tôn giáo cần phải bảo vệ.

 

4. Nhận định và nối kết

 

Từ khi Fratelli tutti được công bố đã có rất nhiều người trong và ngoài công giáo đón nhận với thái độ trân trọng. Thông điệp đã nhận được nhiều phản ánh tích cực. Tuy nhiên, cũng có không ít người cho rằng chiều kích siêu nhiên không được nhấn mạnh trong Thông điệp. Một số khác xem đây là một Thông điệp về chính trị. Tờ nhật báo La Croix ngày 5/10/2020 nhận xét: “Thông điệp này là rất chính trị. Đức Phanxicô đặt mình trên cương vị đứng đầu Nhà nước, vạch ra một “đường hướng chung” cho nhân loại”. Chính vì vậy mà giọng văn cứng cỏi hơn so với các vị tiền nhiệm. Chính cung giọng thẳng, có phần cứng rắn mà đôi khi các độc giả phật lòng và va chạm. Nó làm khó chịu những người nghĩ rằng Đức Giáo hoàng nên ở lại trong phạm vi thiêng liêng mà thôi. Tuy nhiên, tờ nhật báo cũng cho rằng việc ngài dám đương đầu với những lý lẽ khác nhau vốn loại trừ những người nghèo khổ nhất là một việc làm cần thiết và can đảm. Đưa ra ánh sáng những hệ thống dù là kinh tế, xã hội, văn hoa vốn sản sinh ra “nền văn hóa vứt bỏ”, không những cho thấy Đức Phanxicô dám đương đầu với các thế lực xấu mà còn cho thấy trái tim nhân hậu bao dung của người cha chung, luôn ưu tiên và quan tâm đến mọi người[10]. Ta thấy, ở đời, khi một vấn đề được đưa ra, tất sẽ có người đồng ý, người phản bác. Chúng ta đang ở trong trật tự thảo luận chứ không phải trong lãnh vực thần học về tính bất khả ngộ của Đức Giáo hoàng hay của việc chấp thuận một yếu tố đức tin. Vì thế, điều quan trọng là Thông điệp đã mang lại điều gì cho chúng ta. Nếu ai đã từng đọc Fratelli tutti chắc sẽ cảm nhận được dư âm của nó, cảm xúc còn vang lên trong lòng người đọc về ước mơ xây dựng một mái nhà chung, trong đó tất cả là anh em. Đây là một ước mơ tốt đẹp và cần thiết. Muốn vậy, phải bắt đầu từ chính chúng ta với cộng đoàn mình đang sống. Bởi vậy, khi áp dụng bài học cho hoàn cảnh, người viết xin được rút ra hai bài học cho chúng ta hôm nay.

 

4.1 Đồng cảm và chia sẻ

 

Đồng cảm là biết rung cảm trước những vui buồn của người khác, đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để hiểu và cảm thông với người khác. Còn chia sẻ tức là cùng người khác san sẻ vui buồn, những trạng thái tình cảm, tâm hồn với nhau; cả sự chia sẻ những khó khăn về vật chất, giúp nhau trong hoạn nạn. Fratelli tutti đã đụng chạm đến những người nghèo khổ nhất. Đức Phanxicô đặt nhân vị ở trung tâm của mọi ưu tiên và của mọi suy tư. Đặc biệt nhất trong dụ ngôn người Samari nhân hậu: ông đã dành cho nạn nhân một cái gì đó mà trong thế giới cuồng nhiệt hôm nay chúng ta luôn bám chặt: dành thời gian của mình cho nạn nhân! Chắc chắn là ông ta có những chương trình của mình cho ngày hôm ấy, những nhu cầu của ông, những bổn phận và những ước muốn. Nhưng ông đã có thể đặt tất cả qua một bên, khi đối diện với một người đang cần được giúp đỡ… (x. số 63).  Đây là điểm nhấn của thông điệp. Trong cộng đoàn, để có thể có một cuộc sống hòa hợp tất cả là anh em thì mỗi người phải có một trái tim biết thấu hiểu để đón nhận và hòa hợp, đồng cảm và sẻ chia. Đồng cảm và sẻ chia có mối liên hệ với nhau, có sự đồng cảm, hiểu được hoàn cảnh và con người của người khác, thì từ đó chúng ta mới có những sẻ chia và thông cảm cho những yếu đuối hay khác biệt của người anh em. Điều này nói thì dễ nhưng thực hành thì không dễ chút nào. Vì muốn đồng cảm thì phải hiểu được người. Nhưng con người khác nhau không những ở tính cách, vùng miền, giáo dục, quá khứ mà còn rất nhiều yếu tố khác nữa…Nhìn đâu cũng thấy khác biệt và khó chịu, sao có thể cảm thông? Mà không có sự cảm thông thì cũng khó chia sẻ, vì chia sẻ không phải là bố thí, mà là cho đi với cả con người và tình yêu. Vì thế, thiết nghĩ yếu tố thiết yếu ở đây là mỗi người cần tập cho mình tình thần biết lắng nghe để thấu hiểu. Thiết nghĩ người Samari trong dụ ngôn khi ra đi sẽ mang theo trong lòng mình một niềm vui lớn lao, không những vì ông đã làm được một việc tốt mà còn vì ông đã có câu trả lời cho bản thân mình về nhân phẩm của chính mình và của người khác. Tưởng cũng nên lưu ý rằng, trong những khẳng định sâu sắc nhất, chỉ có một khẳng định lập lại đến hai lần trong Thông điệp: “không ai được cứu một mình” số 32, số 54. Chân lý đó không chỉ sưởi ấm lòng người khác mà còn đem lại hạnh phúc cho chính mình, mở ra một hy vọng cho một tương lai tươi sáng cho cộng đoàn chúng ta.

 

4.2 Hòa giải

 

Để xây dựng một ngôi nhà chung, Fratelli tutti cũng mời gọi chúng ta thực hiện một cuộc hòa giải với anh em mình theo tinh thần của Tin Mừng. Tha thứ là một tiến trình chữa lành. Nếu chúng ta tin vào quyền năng của Chúa, Chúa sẽ chữa lành tâm hồn đổ vỡ vì đau khổ thù oán của chúng ta. Chúa có thể biến đổi tâm hồn chúng ta, từ tâm hồn chất chứa đầy cay đắng, giận dữ, ghen ghét thành tràn ngập tha thứ yêu thương. Vậy muốn tha thứ phải thực hiện ba không: không quên đi, không áp đặt, không trả thù (x. 248-259). Chỉ khi nào, tâm hồn được chữa lành, được bình an, thư thái, không còn cảm thấy chút tổn thương nào… thì lúc ấy mới là tha thứ trọn vẹn, tha thứ hết lòng. Quên đi không phải là giải pháp. Quên đi chỉ như thuốc giảm đau, chứ không chữa trị tận căn. Chân thành đối thoại là con đường duy nhất dẫn đến hòa giải. Đối thoại trong sự thật, hướng đến sự thật, tìm kiếm sự thật, tôn trọng sự thật mới mang lại sự hòa giải đích thực (x. số 266). Tha thứ cho người gây tổn thương mình là một trong những điều khó nhất mà mỗi người chúng ta có lẽ ai cũng đã từng kinh nghiệm. Cứ mỗi khi quyền lợi của ta bị xâm phạm, ta thường cảm thấy nổi giận. Có một người vừa nói xấu ta, ta ngay lập tức tìm cách nói xấu lại. Họ chơi ta, ta tìm cách chơi lại. Điều tự nhiên là vậy, nhưng nuôi dưỡng một mối hận thù và bực bội trong lòng không bao giờ là điều giúp ích cho bất kỳ ai. Fratelli tutti mời gọi chúng ta mở lòng mình ra để hòa giải với người khác. Vì thế, yếu tố thiết yếu ở đây là mở rộng khả năng đối thoại. Không phải theo kiểu phản pháo: anh đem một khẩu sung trường bắn tôi, tôi sẽ dùng một khẩu đại bác để bắn trả. Đối thoại mà không có tình yêu sẽ là ngõ cụt, vì không có tha thứ và hòa giải. Khi chúng ta học cách tha thứ chúng ta sẽ cảm nhận được niềm vui, sự bình yên và hy vọng. Chúng ta có quyền kiểm soát cuộc sống của chính mình, sự tha thứ đem lại cảm giác tự do. Điều này cũng phải bắt đầu từ chính mỗi người chúng ta. Đó là viên gạch đầu tiên để xây lên ngôi nhà mơ ước của cộng đoàn chúng ta. Sẽ vui biết bao khi tất cả là anh em, khi không còn sự phân biệt Do Thái hày Hy Lạp, nô lệ hay tự do, “tôi thuộc về Apolo, tôi thuộc về Phaolô”, nhưng tất cả chúng ta chỉ thuộc về Đức Kitô mà thôi, thuộc về đan viện chúng  ta mà thôi.

 

Kết luận

 

Chúng ta đang sống trong một thế giới đa tạp và bị phân hóa sâu sắc. Cuộc sống ngày càng phát triển thì tỷ lệ chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng. Điều này làm cho không ít người nghĩ rằng có một hạng người thượng đẳng, đáng được tôn trọng hơn những người khác vì cuộc sống đủ đầy của họ. Cũng vậy, não trạng coi mình hơn người khác còn lan sang cả lĩnh vực tôn giáo và văn hóa. Giữa những biến động như thế, Fratelli tutti không những là tiếng chuông cảnh báo mà còn là lời kêu gọi con người xích lại gần nhau hơn. Lời kêu gọi chung tay xây dựng tình huynh đệ và bằng hữu xã hội trở nên ý nghĩa hơn khi cơn đại dịch Covid đang hoành hành khắp nơi. Hơn bao giờ hết, con người phải bỏ đi não loại trừ vì chúng ta có cùng phẩm giá và bình đẳng.

 

Đây là lúc chúng ta phải nghĩ đến cái chung, cái chúng ta hơn là cái tôi hay chúng tôi co cụm. Lời kêu gọi tôn trọng nhân phẩm và bình đẳng của Đức Thánh Cha Phanxicô  rất cấp thiết và đáng trân trọng. Nhờ đó, những người nghèo không bị bỏ quên, những người cô đơn già cả được tôn trọng, những người vô gia cư và những người di dân có cơ hội phát triển và sống đúng với phẩm giá của mình. Một xã hội mà con người dám bước qua những khác biệt  để xích lại gần nhau và đón nhận nhau chắc chắn là một xã hội hạnh phúc. Thông  điệp viết: “Ta cần phát huy ý thức rằng ngày nay hoặc tất cả chúng ta được cứu hoặc không ai được cứu cả. Nghèo khổ, điêu tàn và đau khổ tại một nơi nào đó trên trần gian này vẫn đang là mảnh đất âm thầm nuôi dưỡng những vấn đề rốt cuộc sẽ tác động trên khắp hành tinh này...” (số 137). Chúng ta nghĩ gì khi ta rước Chúa mỗi ngày, nhưng lại sống hạ thấp phẩm giá anh em mình trong Đức Kitô; cư xử với tha nhân thiếu lòng quảng đại, thiếu vị tha, thiếu yêu mến và thiếu tôn trọng? Phẩm giá cao cả của con người đòi buộc chúng ta cần phải nhận ra Chúa Giêsu hôm nay và mỗi ngày nơi khuôn mặt đau khổ của tất cả những người bị thử thách, nghiệt ngã, những người đói vì cơm ăn áo mặc hay thiếu an bình, sự thật, công bình và tình yêu thương. Ngoài xã hội, những người vô gia cư đang tìm kiếm một mái nhà, hay đang mong mỏi tìm kiếm một trái tim hiểu biết, yêu thương? Trong cộng đoàn, những người yếu đau già cả bệnh tật trong thân xác, có còn là những người thân thiết với ta hay không? Ta có thật sự tôn trọng những anh em ta, có đón nhận họ với tất cả những khiếm khuyết và bất toàn của họ hay không? Ta có tinh thần phân biệt vùng miền hay là chọn người ưu tú và có điều kiện, cùng sở thích để kết thân hay không? Tất cả những người anh em ta vẫn còn đây bên ta mỗi ngày trên đường đời, không phải chỉ có một số người. Ta hãy lắng nghe lời căn dặn của Đức Giêsu: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 41).    

 

Đức Phanxicô kết thúc Thông điệp bằng lời cầu trong đó có đoạn: “Lạy Chúa là Cha của gia đình nhân loại chúng con, Chúa đã tạo ra tất cả mọi người bình đẳng về phẩm giá: xin hãy tuôn đổ vào tâm hồn chúng con một tinh thần huynh đệ và soi dẫn nơi chúng con một giấc mơ về gặp gỡ, đối thoại, công lý và hòa bình được đổi mới". Thiết nghĩ bắt đầu từ cộng đoàn chúng ta, chúng ta phải là những người bước qua sự khác biệt để đến với anh em mình, từ những người nhỏ nhất đến những người lớn nhất. Việc mở rộng tương quan như vậy sẽ nuôi dưỡng sức mạnh cho cộng đoàn, và mỗi người sẽ cảm thấy hạnh phúc vì mình được tôn trọng.

 

 

 

______________________________

 

[1] Từ Điển Công Giáo, Nxb Tôn Giáo, Phẩm Giá, tr. 669

[2] Từ Điển Công Giáo, Nxb Tôn Giáo, Bình Đẳng, tr. 85

[3] x. St 1,1-26

[4] x. Công Đồng Vaticanô II, Gaudium et Spes, số 22.

[5] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 362-368. 

[6] Vaticano II, Gaudium et Spes, số 26.

[7] Vaticano II, Gaudium et Spes, số 29.

[8] https://canhdongtruyengiao.net/tin-tuc/duc-thanh-cha-phanxico-tuyen-bo-nguoi-gia-la-hien-tai-va-tuong-lai-cua-giao-hoi.html

[9] https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-cua-duc-thanh-cha-nhan-ngay-the-gioi-nguoi-di-dan-va-ti-nan-lan-thu-106-39913

[10] https://xuanbichvietnam.net/trangchu/co-phai-thong-diep-fratelli-tutti-qua-chinh-tri/

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á