ƠN GỌI

Gợi ý tĩnh tâm tháng 3/2023: Tu là thánh hiến

Theo tiếng Latin, thánh hiến là consecratio. Từ này “có nghĩa là tách rời một người hay một vật nào đó ra khỏi phạm vi phàm tục, và dành vào việc thánh thiêng”.

 

 

Gợi ý tĩnh tâm tháng 3/2023

 

TU LÀ THÁNH HIẾN

 

M. Phaolô TG Bùi Văn Dư

 

Chúng ta đã bước sang Chúa Nhật II Mùa Chay, một thời gian ân sủng và thánh đức để cho mỗi người tìm lại chính mình, thức tỉnh về cuộc sống và ý nghĩa cuộc đời. Đối với người tu sĩ, không có gì đẹp hơn là tìm lại cảm nghiệm về ơn gọi dâng hiến của mình. Từ công đồng Vatican II, Giáo hội quan tâm nhiều hơn đến đời sống tu trì và cố gắng định vị chỗ đứng của đời tu trong lòng Giáo hội. Và đặc biệt hơn nữa, Giáo hội quan tâm đến ý nghĩa, giá trị cũng như mục đích của đời sống tu trì hệ tại ở yếu tố nào trong nền thần học hôm nay. Khi đi tìm hiểu các văn kiện của Giáo hội, chúng ta thấy tất cả đời tu hệ tại ở một từ thôi, đó là Thánh Hiến. Vì thế, trong bầu không khí thánh thiêng của Mùa Chay, cùng với tâm trạng cởi mở của ngày tĩnh tâm đầu tháng, xin mời Cộng đoàn cùng suy tư về hai từ Thánh Hiến trong ơn gọi tu trì hôm nay.

 

Nhiều người nghĩ rằng, hai từ thánh hiến thường dành riêng cho những người bước theo Chúa Giêsu trong ơn gọi làm linh mục và tu sĩ. Bởi người ta nghe nhiều đến các cụm từ mang đầy tính chuyên biệt như: Ơn gọi thánh hiến, đời sống thánh hiến, hồng ân thánh hiến, thánh hiến đan tu. Nhưng thật ra giáo dân cũng được thánh hiến chứ không chỉ riêng gì giới tu trì. Ngay từ Cựu ước, Thiên Chúa đã thánh hiến dân Israel để dành riêng cho Ngài: “Anh em sẽ là một dân thánh hiến cho Đức Chúa” (Đnl 26,19).

 

Trong Tân ước, Tin mừng Ga 17,11-19 diễn tả mối tương quan mang tính dây truyền: Chúa Cha đã sai Chúa Con đến thế gian để tỏ lộ tình yêu của Thiên Chúa cho nhân loại. Chúa Con cầu xin Chúa Cha lấy sự thật mà thánh hiến những con người đang sống nơi trần gian này: “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ” (Ga 17,17). Sự thật chính là Chúa Giêsu Kitô, bởi có lần Ngài phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Còn đại từ Họ ở đây ám chỉ tất cả các Kitô hữu, những người đã chịu phép rửa và tin vào Đức Giêsu Kitô.

 

Theo giáo huấn của Giáo hội, nhờ phép rửa, tất cả Kitô hữu đã được thánh hiến cho Thiên Chúa và trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, như Tông Huấn Vita Consecrata - Đời Sống Thánh Hiến, số 31 khẳng định: “Trong Giáo hội, mọi người đều được thánh hiến nhờ bí tích rửa tội và thêm sức, còn thừa tác vụ do truyền chức và đời tận hiến giả thiết là một ơn gọi riêng và một hình thái thánh hiến đặc biệt, nhằm chu toàn một sứ mạng riêng…các giáo sĩ được thánh hiến bằng bí tích Truyền chức thánh để nối tiếp sứ vụ tông đồ qua dòng thời gian”.

 

Và mục đích của việc thánh hiến là làm cho con người trở nên thánh thiện. Điều này đã nằm trong lời kêu mời của Thiên Chúa từ ngàn xưa cho tất cả mọi nguòi được ghi lại trong Lv 19,2: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh”. Và sau này Chúa Giêsu cũng kêu mời: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Và Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo số 2013 đã tái khẳng định ý tưởng này: “Tất cả các Kitô hữu, bất cứ theo bậc sống hay địa vị nào, … đều được kêu gọi nên thánh”.

 

Gần đây nhất trong Tông huấn Gaudete et Exsutate – Vui mừng và hoan hỉ, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại một lần nữa: “Nên thánh không đòi phải là giám mục, linh mục hay tu sĩ. Ta thường bị cám dỗ nghĩ rằng, sự thánh thiện chỉ dành cho những ai có thể rút lui khỏi các sự việc bình thường để dành nhiều thời gian cho việc cầu nguyện. Nên thánh không phải thế. Tất cả chúng ta đều được kêu gọi nên thánh qua việc sống cuộc đời yêu thương và làm chứng trong mọi việc ta làm ở bất cứ nơi đâu”. Còn riêng với các tu sĩ, Đức Thánh Cha viết: “Bạn được gọi vào đời sống Thánh hiến ư? Hãy thánh bằng cách sống cam kết của mình với niềm hân hoan” (GE 14).

 

 

Như thế sự thánh hiến và thánh thiện không còn là độc quyền của giới tu trì mà nó thuộc bản chất chung của người Kitô hữu, được đặt nền tảng trên sự thánh hiến do bí tích Rửa tội và Thêm sức.

 

Vậy sự thánh hiến trong ơn gọi làm tu sĩ có gì khác biệt?

 

Giáo hội cho rằng đời sống thánh hiến là “một ơn gọi riêng và một hình thái thánh hiến đặc biệt”. Vậy, thế nào là “một ơn gọi riêng và thánh hiến đặc biệt”?

 

Lịch sử từ thánh hiến

 

Để hiểu được điều này, chúng ta đi về nguồn gốc lịch sử của từ Thánh hiến. Theo tiếng Latin, thánh hiến là consecratio. Từ này “có nghĩa là tách rời một người hay một vật nào đó ra khỏi phạm vi phàm tục, và dành vào việc thánh thiêng[1]. Trong lịch sử Giáo hội, ngay từ buổi sơ khai, từ consecratio chỉ được dùng cho việc thánh hiến các trinh nữ (Consecratio Virginum, Virgines Consecratae). Còn việc tận hiến của tu sĩ có 5 từ khác nhau để diễn tả như: professio, traditio sui, manicipatio, oblatio và votum religionis[2]. Trong công đồng Vatican II, từ consecratio được sử dụng vào lãnh vực bí tích như bí tích Truyền chức thánh (HT, 28) và bí tích Thánh tẩy (HT, 34). Nhưng mãi đến năm 1983 từ này mới chính thức được áp dụng trong bộ Giáo luật ám chỉ đến tu sĩ.

 

Nhưng trước đó, bộ Giáo luật không sử dụng từ consecratio, mà sử dụng từ religiosi để chỉ các tu sĩ, những người dâng mình cho Chúa. Từ này bắt nguồn bởi danh từ religio có nghĩa là ràng buộc (re-ligare), nghiền ngẫm (re-legere) và phụng thờ. Thánh Thomas Aquino giải thích từ religiosi là những người hiến trọn cuộc đời để phụng sự Thiên Chúa[3].

 

Đến năm 1994 từ Thánh hiến mới được 245 nghị phụ thảo luận cách chi tiết trong Thượng Hội Đồng Giám Mục bàn về Đời Sống Thánh Hiến diễn ra từ ngày 2-29/10 cùng năm. Các nghị phụ nhận thấy từ religiosi mà Giáo hội sử dụng từ xưa đến nay không còn phù hợp với tình trạng các dòng tu cũng như các phong trào tu hội đời nữa. Bởi nó chỉ diễn tả được một phần các dòng truyền thống, mà không biểu đạt được đặc tính của các Tu hội đời đang nở rộ trong thời đại mới. Các nghị phụ đề nghị nhiều các từ khác như Đoàn sủng (Charisma), theo Chúa Kitô (Sequila Christi), Đời sống trọn lành (De institutis perfectionis). Nhưng sau cùng từ Thánh hiến được mọi người chấp nhận nhiều hơn cả. Kết quả của THĐ là tông huấn Đời Sống Thánh Hiến – Vita Consecrata được ra đời. Từ consecrata chính được trở thành tên gọi của đời tu.  Từ đây các tu sĩ được gọi là “người tận hiến”, đời tu trì được đặt tên là “đời sống thánh hiến” – Vita Consecrata.

 

Vấn đề dịch thuật

 

Trong bối cảnh của văn hoá Việt Nam, từ religiosi được dịch sang tiếng Việt là tu sĩ, đời tu, đi tu. Từ tu đã có trước khi Tin mừng được rao giảng vào nền văn hoá Việt Nam. Nó là một từ Hán việt, mang hàm ý là “sửa sang” như: tu sửa, tu bổ, tu trì, tu nhân tích đức. Và từ tu không chỉ nói đến giới xuất gia trong các tôn giáo Á đông, mà còn ám chỉ sự sửa sang nhân cách, nhân đức của những người bình dân: “Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ cũng là đi tu”; hay “thứ nhất tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa”. Như thế từ tu không bao hàm một nghĩa thuần khiết dành riêng cho giới xuất gia mà cho cả những người bình thường. Bởi từ tu mang nhiều ý nghĩa luân lý: sửa tính cách, sửa nếp sống, sửa cử chỉ thái độ… mà không mang ý nghĩa tôn giáo. Thánh hiến mới bao hàm được mọi chiều kích của cả tôn giáo lẫn con người.

 

Vì thế, khi soi vào ý nghĩa của từ religiosi, nghĩa là ràng buộc, nghiền ngẫm và phụng thờ thì từ tu sĩ không ăn khớp, nó không diễn tả được quan niệm tu trì theo giáo lý Công giáo, mà nó phù hợp nhiều hơn với quan niệm tu trì của Phật giáo: tu là sửa. Trong khi mục đích của những người dâng mình cho Chúa trong Kitô giáo không phải chỉ có sửa mà là thánh hiến, tận hiến để trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. Vì thế trong giới dịch thuật của Giáo hội Việt Nam ngày nay đã có rất nhiều người đề nghị những danh từ khác nhau để chỉ những người dâng mình cho Chúa. Chẳng hạn như giáo sư Nguyễn Khắc Dương, một trong nhưng cây đại thụ trong làng học thuật Việt Nam cho rằng, chúng ta không nên dùng từ tu sĩ nữa, bởi nó không phù hợp với quan niệm tu trì của Giáo hội Công giáo hiện thời, mà thay vào đó là từ Hiến sĩ, bởi nó phù hợp với khái niệm từ consecratio – thánh hiến mà Giáo hội đã đặt cho đời tu.

 

Người sống đời đan tu như chúng ta ngoài danh từ chung là người tận hiến, Giáo hội còn sử dụng một danh từ riêng để chỉ chung những người sống đời chiêm niệm đó là Monachi – đan sĩ. Monachi bắt nguồn từ tiếng Hy lạp là Monachos có nghĩa là một, đơn, nhất. Từ này được giải thích là người sống một mình xa lánh trần đời, người chuyên lo việc Chúa, người duy trì sự thống nhất nội tâm[4], người tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa. Như thế từ thánh hiến rất phù hợp với ơn gọi làm đan sĩ. Bởi người đan sĩ được Giáo hội định nghĩa trong số 7 của Sắc lệnh Perfectae Caritatis – Đức Ái Hoàn Hảo của Công đồng Vatican II: Đan sĩ là người “nhất tâm phụng sự một mình Thiên Chúa trong cô tịch và lặng lẽ, trong việc chuyên lo cầu nguyện và hân hoan hãm mình”. Như thế, ý nghĩa của cuộc đời đan sĩ luôn gắn liền với ý nghĩa thánh hiến hơn bao giờ hết.  

 

Ý nghĩa từ thánh hiến

 

Vậy tại sao giữa rất nhiều những khái niệm khác nhau để chỉ đời sống tu trì nhưng Giáo hội lại chọn khái niệm Thánh hiến? Giáo quyền đã trả lời câu hỏi này trong số 5 của văn kiện mang tên Những Yếu Tố Cốt Yếu trong Giáo Huấn Của Hội Thánh về Đời Tu. Văn kiện này được ban hành bốn tháng sau khi ứng dụng Bộ Giáo Luật năm 1983, nhằm giải thích ý nghĩa của từ Thánh hiến. Văn kiện viết: “Sự thánh hiến là tác động của Thiên Chúa. Thiên Chúa kêu gọi một người, đặt riêng người ấy ra để người ấy tận hiến cho Ngài một cách đặc biệt. Đồng thời Ngài cũng ban ơn đáp trả, thành thử sự tận hiến diễn tả, về phía con người, sự đáp trả bằng một sự phó thác toàn thân sâu xa và tự nguyện”. Có lẽ xuất phát từ ý tưởng này mà trong khoá họp của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới bàn về Đời Sống Thánh Hiến, 1994, Đức hồng y George Basil Hume đã trình bày danh từ Thánh hiến với bốn khía cạnh: Thiên Chúa kêu gọi và thánh hiến, sau khi nhận ra ơn gọi, con người tận hiến cho Thiên Chúa, lời khấn là hành động của sự tận hiến, đi theo sự tận hiến là một sứ vụ[5].

 

Thứ nhất, Thiên Chúa thánh hiến con người. Ngài là tác nhân đầu tiên trong ơn gọi. Ngài yêu thương, tuyển chọn và kêu gọi một ai đó bước vào con đường dâng hiến như Ngài đã kêu gọi các tông đồ năm xưa: “Hãy theo thầy”. Lời kêu gọi ấy không phát thành âm thanh, nhưng nó là ngọn lửa cháy âm ỷ trong tâm lòng mỗi người tín hữu được kêu gọi. Lời kêu gọi ấy thôi thúc người tín hữu lòng khao khát sống đời tu trì, tận hiến cho Thiên Chúa.

 

Mỗi người có một lịch sử ơn gọi riêng. Lịch sử ấy ghi lại tất cả những biến cố, những cơ hội khác nhau để rồi cuối cùng người được gọi tự tổng hợp và khám phá ra ơn gọi của riêng mình. Trong ơn gọi sống đời thánh hiến, lúc đầu có thể là vì cảm thấy bị thu hút bởi tấm áo dòng đẹp, có thể là vì giọng hát hay, có thể vì đời sống cầu nguyện của các tu sĩ lôi cuốn, có thể là một việc làm bác ái làm đánh động lòng người, có thể vì muốn thoát nghèo, có thể là vì thích đá banh như Đức tổng Phaolô Nguyễn Văn Bình chia sẻ. Ngài đi tu chỉ vì bạn bè của ngài vào chủng viện hết, mà trong đó có đá banh nên ngài cũng xin đi tu theo vào chủng viện để được đá banh với chúng bạn. Thiên Chúa có những ngôn ngữ riêng, phương cách riêng để kêu gọi mỗi người bước theo Ngài. Với dòng thời gian, những yêu thích ban đầu ấy sẽ bạc màu và tan biến, cái còn lại là tiếng gọi của Thiên Chúa được định hình rõ ràng trong thời gian, như Đức tổng Bình không còn vào chủng viện để đá banh nữa mà là vào để thực hiện dự án trọn đời dâng mình cho Thiên Chúa trong ơn gọi làm linh mục và sau này làm tổng giám mục chăm sóc đoàn chiên lớn hơn của Chúa.

 

Ai trong chúng ta cũng được Thiên Chúa thánh hiến, ít là một lần như các em thỉnh sinh qua Bí tích Rửa tội, hai lần như các khấn sinh, ba lần như các đan sĩ linh mục. Dù được chọn gọi theo phương cách nào đi nữa, những điều chúng ta xác tín rằng: ơn gọi tu trì là do chính Thiên Chúa đã chọn và thánh hiến. Giữa muôn người, Thiên Chúa đã tuyển chọn và dành riêng người tu sĩ cho Ngài, để người tu sĩ tiếp tay với Ngài trong công trình cứu độ, bằng cuộc sống cầu nguyện, hy sinh, qua việc hoạ lại nếp sống của Chúa Giêsu nơi trần thế. Từ đây hạnh phúc của con là được ở gần bên Chúa, hân hoan ca tụng Ngài và thực thi thánh ý Thiên Chúa qua đức vâng phục bề trên như Chúa Giêsu vâng phục Chúa Cha.

 

Thứ hai, con người tận hiến cho Thiên Chúa. Khi khám phá ra tiếng Chúa kêu gọi, con người mau mắn đáp trả “dạ con đây” như Samuel khi nhận ra tiếng Chúa gọi mình. Sự êm dịu và hấp dẫn phát ra từ lời mời gọi của Thiên Chúa đã gieo vào tâm hồn người tín hữu sự ngọt ngào và dịu êm đến nỗi người tín hữu sẵn sàng từ bỏ hết tất cả hồng trần để bước vào cõi tịch liêu sống mối tình miên viễn với Thiên Chúa. Và đối tượng chính của đời tận hiến là “việc không ngừng tìm kiếm Thiên Chúa” như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI khẳng định trong số 3 của văn kiện Evangelica testificatio – Làm Chứng cho Tin Mừng. Điều này cũng phù hợp với truyền thống đan tu từ cổ xưa của đan sĩ. Khi bước vào nơi cô tịch, người đan sĩ chỉ nhất tâm tìm kiếm một mình Thiên Chúa mà thôi – Quarere Deum. Điều này được Giáo hội diễn tả thật đẹp trong thánh thi kinh đêm về lễ kính các thánh đan tu:

 

Tiếng Chúa kêu mời thanh thoát dịu êm,

cho con đi vào tịch liêu âm thầm,

từ bỏ hết vì Chúa lui bước xa đời,

tìm Thiên Chúa tình yêu thánh thiêng tuyệt vời”.

 

Khi cảm thấu được tình yêu của Thiên Chúa, người tu sĩ tận hiến tất cả, cho đi tất cả, để chỉ còn lấy Chúa làm gia nghiệp đời mình. Chỉ có Chúa mới làm lòng người say mến, chỉ có Chúa mới làm con người thoả mãn tâm tư, và chỉ có Chúa mới bất biến, vạn đại trường tồn. Thánh thi diễn tả tiếp:

 

Chính Chúa gia nghiệp duy nhất đời con,

Chính Chúa hoan lạc say mến tâm hồn,

Phai chăng Chúa lòng con thao thức đêm ngày,

Mặc trần thế phù hoa vẫn luôn đổi thay”.

 

Thứ basự tận hiến của người tu sĩ không phải chỉ trên môi miệng, mà được hiện thực hoá bằng việc tuyên giữ ba lời khuyên Phúc âm. Đó là lời đáp trả cách công khai lời kêu gọi của Thiên Chúa và “là một cách thức phát biểu việc dâng hiến bản thân cho Thiên Chúa, bày tỏ ước muốn thuộc trọn về Thiên Chúa, như là giao ước tình yêu. Việc dâng hiến này kèm theo sự hy sinh từ bỏ, được chấp nhận như góp phần vào hy lễ thập giá của Đức Kitô trong việc cứu độ thế giới[6].

 

Giá trị của lời khấn thật tuyệt vời là như thế, bởi nó vừa mang giá trị hy tế để tham gia vào chương chình cứu độ của Thiên Chúa là cứu độ các linh hồn, vừa mang giá trị minh chứng cho sự hiện diện hữu hình của Thiên Chúa và tình yêu tuyệt diệu của Ngài. Chỉ có Thiên Chúa, người tu sĩ mới tuyên khấn, không có Thiên Chúa, lời khấn trở nên vô giá trị. Tông huấn Vita Consecrata số 16 diễn tả điểm này như sau: “Quả thế, qua việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm, người được thánh hiến không chỉ bằng lòng với việc đã chọn Đức Kitô làm ý nghĩa đời mình, nhưng còn tìm cách diễn lại nơi chính mình, trong mức độ có thể, sống “nếp sống Con Thiên Chúa đã sống khi Người xuống thế” (GH 44). Khi ôm ấp sự trinh khiết, họ nhận tình yêu khiết trinh của Đức Kitô làm của mình và tuyên xưng với thế giới rằng Người là Con Một, đồng nhất với Chúa Cha (x. Ga 10,30; 14,11); khi bắt chước sự nghèo khó của Người, họ tuyên xưng rằng Người Con đón nhận mọi sự từ Chúa Cha và dâng mọi sự lại cho Chúa Cha vì yêu thương (x. Ga 17,7.10); khi gắn bó với mầu nhiệm vâng phục hiếu thảo của Người bằng lễ hy sinh tự do của mình, họ tuyên xưng Người là Đấng được yêu thương và Đấng yêu thương vô biên, là Đấng chỉ vui thoả khi ở trong ý muốn của Chúa Cha (x. Ga 4,34), vì Người hoàn toàn kết hợp với Chúa Cha và tuỳ thuộc Chúa Cha trong mọi sự”.

 

Ngồi nơi đây, ai trong chúng ta cũng đã, đang và sẽ được thánh hiến nhiều lần. Lễ khấn chính là ngày chúng ta được Thiên Chúa thánh hiến công khai. Ai trong chúng ta cũng vui, cũng hạnh phúc, cũng dạt dào cảm xúc, cũng tâm niệm sẽ tiến bước đi mãi với ơn gọi thánh hiến trong an vui. Đặc biết trong lễ khấn của dòng Xitô, chúng ta có nghi thức thật cảm động. Khấn sinh quỳ phủ phục ba lần trước tôn nhan Thiên Chúa, có sự hiện diện của cộng đoàn cũng như của các thánh có hài cốt được tôn kính trong Nguyện đường, khấn sinh cất cao lời tiến dâng xác hồn cho Thiên Chúa bằng Tv 118,116 : “Lạy Chúa xin chấp nhận con theo lời Chúa, để con được sống và lòng con hoan hỷ vì đã trông cậy Ngài”.

 

Lời tiến dâng xác hồn này thật đẹp và vĩ đại. Nó thể hiện sự tự do tuyệt đối trao phó toàn vẹn cuộc đời vào tay Chúa để tận hiến cho Ngài. Từ giờ này, con đặt đời con vào tay Chúa, nơi mà Chúa đã từng nói: Cha đã khắc tên con trong lòng bàn tay Cha. Mặt khác, lời khấn xin này nói lên thân phận mỏng dòn, yếu đuối của kiếp nhân sinh, nên người đan sĩ chỉ biết cậy trông vào Chúa như các Tông đồ khi xưa: “Không có thầy các con không làm được gì”.

 

Lời tuyên khấn chỉ diễn ra một lần và nằm trong thời gian chớp nhoáng nhưng hệ lụy kéo theo cả cuộc đời và tận hiến một cách liên lỉ. Và một khi đã tận hiến, tu sĩ đang vượt từ cuộc sống xác thịt thuần tuý sang cuộc sống thiêng liêng như Hiến chế Lumen Gentium số 46 khi ám chỉ các đan sĩ sống trong đan viện: “Dù đôi khi không trực tiếp phụ giúp người đồng thời với mình nhưng tu sĩ lại hiện diện cùng họ cách sâu xa hơn trong lòng Chúa Kitô và cộng tác một cách thiêng liêng với họ”.

 

 

Thứ tư, thánh hiến là yếu tố cố yếu làm nên đời tu chứ không phải là sửa theo định nghĩa từ xưa đến này mà chung ta thường nghe trong các lớp tu đức học: tu là sửa, nhưng hôm nay chúng ta có thể nói: tu là thánh hiến, thánh hiến là tu. Thiên Chúa thánh hiến, đáp lại, con người tận hiến cho Thiên Chúa, và trong sự thánh hiến đó luôn kèm theo một sứ mệnh. Các hiến sĩ được thánh hiến đều có chung một sứ mệnh là làm chứng cho Đức Kitô tùy theo đặc sủng của mỗi hội dòng. Sứ mệnh của người đan sĩ được Giáo hội chuẩn nhận ngay trong số 7 của Sắc lệnh Đức Ái Hoàn Hảo và trong số 8 Tông huấn Vita Consecrata như sau: “Các hội dòng hoàn toàn sống đời chiêm niệm là … một nguồn mạch đưa lại những ân sủng thiên quốc. Nhờ nếp sống và sứ mạng của họ, những phần tử thuộc các dòng ấy bắt chước Đức Kitô cầu nguyện trên núi, họ làm chứng về quyền chủ tể của Thiên Chúa trên lịch sử, họ tiên báo vinh quang mai ngày sẽ đến… họ hướng toàn thể đời sống và toàn thể sinh hoạt vào việc chiêm ngưỡng Thiên Chúa. như thế họ cống hiến cho cộng đồng Giáo Hội một chứng tá độc đáo về tình yêu của Giáo Hội dành cho Chúa”.

 

Ơn gọi thánh hiến đan tu thật đẹp và cao cả như thế, nhưng thử hỏi đan sĩ còn giữ được sự tinh tuyền của thánh hiến mà Thiên Chúa đã dành riêng cho chúng ta hay chúng ta đang bị sa đà vào con đường tục hoá, chìm ngập vào chủ nghĩa hưởng thụ, tan chảy vào chủ nghĩa thờ ơ, lãnh đạm với đời sống tâm linh? Người đan sĩ được thánh hiến vào làm trong vườn nho của Chúa, công việc trong vườn nho ấy là cầu nguyện, sống cô tịch, lắng nghe lời Chúa, tham dự đời sống cộng đoàn, cử hành các giờ kinh phụng vụ, thực hành khổ chế và sống hiệp thông huynh đệ. Chúng ta bước vào làm trong vườn nho của Chúa hay chỉ vào vườn để ăn nho, uống rượu nho, tận hưởng sản phẩm từ cây nho mà không ra tay làm việc trong vườn nho như Chúa đã kêu gọi?

 

Có hay không, ở trong tình trạng nào, mức độ như thế nào tuỳ mỗi người xét định trước mặt Chúa.

 

 

__________________________

 

 

[1] Phan Tấn Thánh, Đời Sống Tâm Linh VI, Những Hình Thức Tu Trì Kitô Giáo, Nxb Đông Phương, 364. 

[2] X. Phan Tấn Thánh, Đời Sống Tâm Linh VI, Những Hình Thức Tu Trì Kitô Giáo, Nxb Đông Phương, 369.

[3] X. Phan Tấn Thánh, Đời Sống Tâm Linh VI, Những Hình Thức Tu Trì Kitô Giáo, Nxb Đông Phương, 18.

[4] X. Phan Tấn Thánh, Đời Sống Tâm Linh VI, Những Hình Thức Tu Trì Kitô Giáo, Nxb Đông Phương, 18-19.

[5] X. Phan Tấn Thánh, Đời Sống Tâm Linh VI, Những Hình Thức Tu Trì Kitô Giáo, Nxb Đông Phương, 372.

[6] Phan Tấn Thánh, Đời Sống Tâm Linh VI, Những Hình Thức Tu Trì Kitô Giáo, Nxb Đông Phương, 375.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á