ƠN GỌI

ĐỨC KHIÊM NHƯỜNG THEO THÁNH PHỤ BIỂN ĐỨC (3)

Nhiều người cho rằng những người ở trong đan viện thật là điên dại. Chưa kể họ phải từ bỏ một đời sống với đầy đủ tiện nghi, phương tiện để thoả mãn những ước muốn, nhu cầu của bản thân mà còn phải hạ mình vâng phục những người đi trước, nhiều khi đó là những người ít tuổi hay kém trí, kém học thức hơn mình. Họ khờ dại lao vào đan viện, để bị ràng buộc giữa vô số quy tắc, chịu đựng sự nhàm chán bởi một nếp sống buồn tẻ, lặp đi lặp lại.

 

 

Bậc khiêm nhường thứ ba: 

 

 

 

SUY NGẪM VỀ ĐỨC VÂNG PHỤC

 

M. Thomas More Nguyễn Văn Công

 

Nếu hỏi các tu sĩ nhân đức nào khó đạt được nhất? Có lẽ phần lớn sẽ nói đến đức vâng phục. Sẽ đáng ngạc nhiên nếu câu trả lời không liên hệ đến gì đến vâng phục. Tu luật Thánh Biển Đức viết: “Bậc khiêm nhường thứ ba là vì yêu mến Chúa, ta hết lòng tùng phục người trên theo gương Chúa, như lời thánh Tông đồ nói về Người: ‘Người đã vâng phục cho đến chết” (TLBĐ 7,34). Yêu mến hay “phục” trong sự tuân phục, đó chính là cái khó.

 

“Cái gì càng hiếm thì càng quý”, không biết ai đã nói câu này, nhưng dù ai nói đi nữa, xét về lượng, đối với Đức vâng phục vẫn luôn luôn đúng. Ađam và Evà, hai con người đầu tiên đã lỗi Đức vâng phục, hậu quả ai cũng đã biết. Ví dụ xa hơn nữa là sự bất tuân kiêu căng của một phần ba các thiên thần (Kh 12,4), khiến cho họ từ chỗ trời cao sa xuống hỏa ngục tối tăm. Có gì đáng ngạc nhiên khi vâng phục là nhân đức khó đạt tới nhất đối với đại đa số! Các thiên thần và hai con người đầu tiên ấy vốn dĩ trong sạch, chưa phải chịu các hậu quả nặng nề của Tội lỗi mà còn lỗi Vâng phục, huống chi là nhân loại sống trong bối cảnh sa đọa. “Vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết” (Pl 2,8), có được mấy ai!

 

Con người là hữu thể có giới hạn, chúng ta buộc phải tuân theo các quy luật vận động và phát triển của tự nhiên, và cũng phải bó buộc tuân theo những điều kiện khách quan của thực tại kinh tế xã hội. Các quy luật khách quan chi phối sự vận động và phát triển của thế giới là của Thiên Chúa; vậy thì mức độ tuân phục của nhân loại cũng cao lắm chứ? Không đâu, chúng ta vâng nhưng không phục. Nếu nói hiện hữu và tồn tại phải tuân theo quy luật khách quan là vâng phục, thì nhân đức của một hòn đá bên vệ đường còn cao hơn con người nhiều. Đức vâng phục giả định sự tham dự của ý chí tự do, một ơn ban của Thiên Chúa ban cho thiên thần và con người. Nếu không có ý chí tự do, thì cũng không còn con người gì nữa. Nhưng ý chí tự do, trong thế giới đầy giới hạn này, buộc ta phải lựa chọn. Vì giới hạn, ta buộc phải lựa chọn điều này và đồng thời bỏ qua những lựa chọn khác. Những thứ phải bỏ qua trong một quyền chọn lựa ấy, gọi là chi phí cơ hội; chính chi phí cơ hội đã làm cho con người đau khổ khi tuân thủ luật giới hạn như vậy. Chúng ta muốn đồng thời có hết tất những gì chúng ta muốn, đó là kiêu căng. Đối nghịch với kiêu căng là sự khiêm tốn, là “phục” đối với luật giới hạn. Tuân thủ quy luật giới hạn của tự nhiên, chúng ta đã kêu đau khổ, và nhiều người còn cho rằng Chúa bất công, Chúa không toàn năng vì để xảy ra “đau khổ” trong tự nhiên như vậy, huống chi là tuân phục người khác: “Bậc khiêm nhường thứ ba là…ta hết lòng tùng phục người trên theo gương Chúa…” (TL 7,34). Tuân phục người khác, một người giống như ta, chúng ta sẽ còn khổ đến đâu? Có lẽ sẽ tự nhiên hơn nếu chúng ta sẽ thốt lên rằng: có điên mới vâng phục người khác, một kẻ như ta, trong khi thế giới này đầy giới hạn; ta phải cạnh tranh, đàn áp mới đúng chứ!

 

Có lý do chính đáng để ta gọi việc tuân thủ luật giới hạn mà không kêu ca là sự khiêm tốn, thay vì đức vâng phục hay đức khiêm nhường. Đức vâng phục cao hơn sự tuân thủ; và đức khiêm nhường cao hơn sự khiêm tốn. Tùng phục trong đức khiêm nhường là do bởi tình yêu, không phải chỉ vì tuân thủ quy luật: “Vì lòng Yêu mến Chúa, ta hết lòng tùng phục…” (TL 7,34). Lúc đầu, xét theo số lượng, ta nói đức khiêm nhường “càng hiếm nên càng quý”, nhưng bây giờ ta có thể nhận định cách chính đáng: Đức vâng phục “quý” bởi chất lượng của tình yêu. Thiết nghĩ, sẽ chẳng có ai nghi ngờ về công nghiệp lớn lao trong tình yêu của Chúa Giêsu và mẹ Maria; công nghiệp của các Ngài lớn lao hơn hết thảy vì mức độ tình yêu với Chúa Cha và tạo vật của Ngài, cao hơn hết thảy. Tình yêu, thứ là động lực để làm được, để vâng phục được các mức độ đòi hỏi của thánh ý Chúa.

 

Tuy vậy, làm thế nào ta có được tình yêu? Ta cảm thấy mơ hồ khi không biết cần có yêu mến để vâng phục, hay vâng phục để có được yêu mến? Tình yêu thuộc về Thiên Chúa; yêu mến chúng ta là việc của Chúa. Việc của chúng ta là cần phải đáp trả tình yêu đó qua việc tuân phục thánh ý Chúa, mà trong bậc khiêm nhường thứ ba chính là “tùng phục bề trên”. Tình yêu là yếu tính của ý chí tự do, vì muốn cách tự do cái gì tức là yêu cái đó. Vậy nên ta phải tuân phục thánh ý Chúa. Khi ta lựa chọn tuân phục thánh ý Chúa thì đồng thời, ta định nghĩa cho tình yêu của ta đối với Ngài. Tình yêu của Thiên Chúa sẽ kết hợp chúng ta lại với Ngài.


Yêu mến chính là tùng phục, và tùng phục chính là yêu mến. Thật chính đáng khi thánh Biển Đức thúc dục chúng ta hãy vì tình yêu, và hãy tùng phục người trên theo thánh ý Chúa như chính Chúa Giêsu đã vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết. Tại sao tùng phục bề trên lại là tùng phục Chúa? Vì bề trên chính là một mắt xích trong trật tự của thánh ý Chúa. Nếu ý bề trên trái ngược với ý Chúa, ta không thể tuân thủ; ở chỗ này ta phải quyết định theo sự mách bảo của lương tâm chân thật, vì lương tâm là tiếng nói của Chúa trong tâm hồn mỗi người. Trong cuộc sống không thiếu những lúc ta cần phải tự quyết định. Bởi vậy về vấn đề lương tâm, ta cần phải nhấn mạnh thêm vào đó tầm quan trọng của lời cầu nguyện. Cầu nguyện xin Chúa ban ơn trợ lực và ơn soi sáng, giúp ta có lương tâm nhạy bén và chân thật để vâng phục. Cầu nguyện liên lỉ là điều cần thiết, vì vâng phục “cho đến nỗi bằng lòng chịu chết” không lúc nào dễ dàng cả.

 

Không có lòng yêu mến thánh ý Chúa cả trong phương diện tự nhiên, lẫn siêu nhiên thì ta sẽ sống trong đau khổ; không thấy được sự hài hòa của thế giới bao gồm cả ta; không đóng góp ý muốn của ta vào sự hòa hợp ấy. Mà sự hòa hợp này cũng chính là tình yêu phổ quát. Có ai thấy Hitler hay Stalin hạnh phúc vì đã nắm trong tay quyền thống chế, hay đã đàn áp được người khác trong lúc họ có thể! Tuân theo lời dạy của thánh Biển Đức trong Tu luật của ngài về đức vâng phục, để yêu như Chúa đã yêu, vâng phục như Chúa đã vâng phục. Ta có lý do để tin rằng, chúng ta sẽ có được bình an, vì chính Chúa Giêsu đã làm như vậy, và bởi vì Ngài là đường, là sự thật và là sự sống (Ga 14,6).

 

 

 

 

KHIÊM NHƯỜNG LẮNG NGHE LÀ KHỞI ĐẦU CỦA ĐỨC VÂNG PHỤC

 

M. Henrico Nguyễn Văn Hoàng

 

Nhìn lại dòng chảy lịch sử Kitô giáo, chúng ta thấy đời sống đan tu đã có từ rất lâu, mang nhiều sắc thái độc đáo và phong phú. Người sống đời đan tu luôn chấp nhận từ bỏ cái tôi từng ngày để khuôn đúc mình giống Thầy chí thánh bằng việc lắng nghe, tuân phục tự nguyện quyền bính hay qui chế. Vì thế, thánh Biển Đức đã viết rằng: “Này con ơi, hãy ghé tai lòng đón nhận lời cha hiền dạy bảo, ghé tai lòng con mà thuận tình đón nhận lời nhủ khuyên và thực hiện cho bằng được, để nhờ gắng công vâng phục, con trở về với Đấng con lìa xa vì ươn lười, bất tuân” (TL, Lời mở 1-2). Quả thật, thánh nhân đã nhìn nhận vâng phục có một chỗ đứng quan trọng, nhất là được đồng hóa và kết hợp với ý muốn cứu độ của Chúa Giêsu.

 

Tuy nhiên, vâng phục ngày nay đang đặt ra cho người đan sĩ rất nhiều khó khăn. Thế giới đã bước vào thiên niên kỷ thứ III, con người thời nay đề cao hết sức chủ nghĩa tự do, tự do phóng khoáng quá mức. Họ cho rằng vâng phục là cổ hủ, áp đặt, bóp nghẹt óc sáng tạo và thăng tiến của con người. Với tư cách là các đan sĩ trẻ, chúng ta nghĩ sao? Chúng ta sẽ làm gì để cho thế giới hôm nay nhận ra rằng khi đề cao quá đáng chủ nghĩa tự do hay không nhìn nhận đức vâng phục? Đứng trước những vấn nạn ấy, thánh Biển Đức đưa ra cho chúng ta bậc khiêm nhường thứ ba là: “Vì yêu mến Chúa, ta hết lòng tùng phục người trên theo gương Chúa, như lời thánh Tông Đồ nói về Người: “Người đã vâng phục cho đến chết”[1]. Vậy người viết xin được trình bày dưới cái nhìn của bản thân về bậc khiêm nhường thứ ba này.

 

Chúng ta đang sống trong thế giới với nền văn minh khoa học không ngừng phát triển, khác xa hẳn thời Chúa Giêsu và các Thánh tổ phụ sa mạc, thánh Biển Đức. Với các thành tựu khoa học ấy, con người dễ có óc tự mãn, tự tin và ưa chuộng giá trị vật chất trần thế hơn những giá trị thiêng liêng. Chủ nghĩa cá nhân và hưởng thụ chiếm ưu thế hơn trong xã hội. Với một lối sống như vậy cho thấy rằng: họ coi trọng ý kiến, suy nghĩ, quan điểm, cách nhận định của mình là đúng, là quan trọng. Đó phải chăng là một thái độ rất tầm thường, không có gì là siêu nhiên cả, không mở ra cho mình một lối sống biết đón nhận, lắng nghe, một lối sống dễ dạy, dễ bảo,… hay có thể nói không nhận ra chính Thiên Chúa đang hiện diện nơi những người có trách nhiệm. Đó đích thực là một “đức tin đang chảy máu.” Vâng lời trong đời tu là một sự hy sinh liên lỉ, bỏ mình chứ không theo lối sống đụng tí là bực bội, bất mãn, bất chấp và bất cần. Đối với người đan sĩ, vâng phục là tham dự vào sự tuân phục của Đức Kitô đúng như Công đồng Vatican II khẳng định: “Các tu sĩ lấy đức tin tuân phục các vị bề trên, đại diện Thiên Chúa, và nhờ các Ngài hướng dẫn, họ phục vụ mọi anh em trong Đức Kitô” (PC 14). Vâng phục của người đan sĩ không phải là hoàn toàn mất đi tự do cá nhân nhưng là biết phó thác và vâng theo thánh ý Chúa qua những vị hữu trách. Đức tuân phục ấy thay vì làm giảm bớt phẩm giá con người, thì lại làm cho con người trưởng thành bằng cách làm lớn mạnh quyền tự do làm con Thiên Chúa (TH. Chứng tá Phúc Âm, số 27). Điều đó cho chúng ta thấy trong cộng đoàn đan tu, vâng phục xem ra thật đơn giản nhưng không dễ dàng. Cho nên, vâng phục là điều rất vất vả và khó khăn, bởi vì nó không chỉ là một thực hành tu đức, một kỷ luật để sống chung cùng nhau, nhưng là một sự cùng nhau tìm kiếm thánh ý Chúa, bằng cách đón nhận người anh em vốn có những khác biệt với ta, và cũng có khả năng nhận ra thánh ý Chúa và thực hiện thánh ý đó. Cần phải khẳng định lại cách quyết liệt điều này: “Vâng phục như thể đòi hỏi con người nhìn nhận chính mình như con cái và vui thích được như vậy, vì chỉ như người con mới có thể tư do đặt mình trong bày tay của Cha; giống hệt như Đức Giêsu, Người Con, Đấng đã phó mình cho Chúa Cha”.[2]

 

Chính vì lẽ đó mà vâng phục của đan sĩ đối với bề trên cũng giống như việc giữ luật, hiến pháp hoặc làm những gì trong một hoàn cảnh đặc biệt nào đó đòi hỏi chúng ta. Vâng phục là sự lắng nghe tiếng của Thiên Chúa, Đấng luôn luôn kêu gọi chúng ta, khi để mình nghe được tiếng của Ngài trong hoàn cảnh của ta như thánh Phanxicô quyết trở nên một đầy tớ vâng phục của mọi thụ tạo. Khi nói thế, ngài cho thấy cách ngài trông thấy Thiên Chúa trong mọi thụ tạo: các sinh vật, con người và cả vị bề trên tồi tệ nếu có, phục vụ vị Thiên Chúa ấy. Một khả năng đòi hỏi việc bỏ mình cách triệt để và một sự tập trung mạnh vào Đấng hiện diện trong mọi sự. Khi ấy, vâng phục không những ám chỉ đến bề dưới mà còn ám chỉ tới các bề trên, là những người buộc phải vâng phục nhất, lắng nghe Thiên Chúa Đấng cũng có thể tỏ mình trong cuộc sống, trong những ước vọng, khát vọng và tài năng của bề dưới. Thật vậy, vâng phục cũng là cách diễn tả tự do; không có tự do, sẽ không có vâng phục, cũng chẳng có tình yêu: Tôi không vâng phục chỉ vì luật đòi hỏi hay vì bạn muốn tôi vâng phục mà vì tự tôi, tôi chọn vâng phục: “Vì tôi chọn, nên tôi vâng phục mệnh lệnh của bạn”. Tôi quyết định vâng phục như thế vì tôi hiểu rằng không gì có thể tách tôi ra khỏi Thiên Chúa Đấng đang được thể hiện trong mọi sự.[3]

 

Qua đây, thánh Biển Đức muốn dạy mỗi người đan sĩ hãy biết lắng nghe để nhận ra chân lý và lắng nghe để vâng phục chân lý. Có như thế, chúng ta mới đón nhận “lệnh truyền” như một sứ mạng để thi hành ý Chúa: “Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa” (Dt 10,9). Như vậy, ta có thể kết luận rằng sự hiện diện của vâng phục vừa là mời gọi thầm kín trong mỗi bản thể, vừa là chứng từ cho một cuộc sống có kỷ cương và nhân bản trong ý thức trách nhiệm, trong trật tự cộng đoàn, và trong sự triển nở trọn vẹn nhất của con người.

 

 

 

 

ĐAN SĨ - CON NGƯỜI CỦA VÂNG PHỤC

 

M. Louis Martin Nguyễn Trung Chất

 

Cùng với sự phát triển của kinh tế, chính trị và xã hội, đời sống của con người càng được cải thiện, con người không còn chú trọng nhiều tới cái ăn cái mặc như trước nữa, thay vào đó ngày nay người ta hướng tới việc nâng cao giá trị bản thân, và tìm kiếm cho mình một chỗ đứng trong xã hội. Mặt khác, quyền tự do cá nhân được phát triển như là một điều tất yếu đối với những người có quyền lực, địa vị. Ở vị thế đó, người ta quan điểm vâng lời là một món ăn thường ngày và phổ biến của những người nghèo, người sống dưới tầng đáy của xã hội, còn với những tầng lớp thượng lưu thì nó thật xa xỉ, hiếm khi phải dùng tới.

 

Những người có địa vị, họ có quyền nói, làm bất cứ điều gì, hay có thể lấp liếm cả những hành vi sai trái mà mình làm ra. Còn những người nghèo, những người bị vất ra khỏi bên lề xã hội thì đến những quyền cơ bản của con người cũng không dám mơ tới. Trong bối cảnh của một xã hội đang nháo nhác tìm kiếm tự do cá nhân, quyền lực, địa vị xã hội để thoả mãn những ước muốn của bản thân ấy lại có những con người dám lội ngược dòng đời để tìm kiếm lý tưởng cho riêng mình, đó là những người sống đời thánh hiến nói chung và cách riêng là các đan sĩ. Thay vì một nếp sống tự do phóng đãng, thích gì làm nấy, các đan sĩ lại vui lòng nép mình vào đan viện, sống một đời vâng phục như Đấng mình theo đuổi và vâng theo luật dòng để được trở nên hoàn thiện theo cách mà Chúa đã dạy.

 

Nhiều người cho rằng những người ở trong đan viện thật là điên dại. Chưa kể họ phải từ bỏ một đời sống với đầy đủ tiện nghi, phương tiện để thoả mãn những ước muốn, nhu cầu của bản thân mà còn phải hạ mình vâng phục những người đi trước, nhiều khi đó là những người ít tuổi hay kém trí, kém học thức hơn mình. Họ khờ dại lao vào đan viện, để bị ràng buộc giữa vô số quy tắc, chịu đựng sự nhàm chán bởi một nếp sống buồn tẻ, lặp đi lặp lại. Quả thật đó là một vấn đề khó chấp nhận. Nhưng “những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh; những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để hủy diệt những gì hiện có” (1Cr 1, 27-28). Thật thế, những môn đệ bước theo Chúa trong đời sống đan tu hiểu rõ cần phải đón nhận sự điên rồ của vâng phục, bởi  đó chính là một trong những đòi buộc cho những ai muốn bước theo Chúa, và chỉ có vâng phục mới làm cho họ được nên giống Đấng họ theo đuổi. Như thế, có thể nói đan sĩ là những người yêu thích sự vâng phục và là con người của vâng phục. Vậy đâu là lý do mà ta khẳng định đan sĩ là người yêu thích vâng phục và là con người của vâng phục?

 

Trước hết, theo Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, số 44 nói: Tu sĩ là những người theo sát Đức Kitô và họa lại nếp sống của Ngài trên trần gian. Thật vậy, “bậc tu trì noi theo cách chính xác và thực hiện liên tục trong Giáo Hội nếp sống mà Con Thiên Chúa đã đón nhận khi Người xuống thế để thi hành thánh ý Chúa Cha, và cũng là nếp sống Người đã đề ra cho các môn đệ đi theo Người”. Vậy nếp sống mà người đan sĩ phải theo sát đó là gì? Há chẳng phải là sống vâng phục như Đức Kitô đã vâng phục hay sao?

 

Phải biết rằng, cuộc đời của Đức Giêsu là chuỗi dài của sự vâng phục khi dõng dạc tuyên bố: “Ngài không đến để làm theo ý Ngài nhưng đến để thực thi ý Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài” (Ga 6,38 ). Ngài chấp nhận được sinh ra nơi một hang bò lừa, trong một gia đình nghèo, trong khi Ngài có thể chọn một gia đình giàu có, một chiếc nôi ấm áp trong những ngày đông giá lạnh. Ngài âm thầm vâng phục cha mẹ trần gian suốt ba mươi năm ròng dù biết đích thị mình là Chúa của họ (x. Lc 2,51). Dù thiên tính siêu việt và là vị lập pháp tối cao, Ngài cũng tôn trọng và vâng phục lề luật đã ban bố, đến một chấm một phẩy cũng không thay đổi (x. Mt 5,18). Đặc biệt trong lúc đau khổ, sự vâng phục của Đức Giêsu càng được sáng chói:  “Lạy Cha, nếu có thể, xin cho Con khỏi uống chén này, nhưng không phải theo ý Con, mà theo ý muốn của Cha” (Lc 22, 42). Ngài còn vâng phục cả Philato dù là người ngoại giáo nhưng chính ông ta cũng là người đại diện cho uy quyền từ trời ban xuống (x. Mt 14,49) và Ngài chỉ tắt thở trước khi hoàn thành sự vâng phục khi nói: “Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19,30). Đó thật là một lời quý giá biểu thị cho một cuộc đời được kết thúc cách hoàn hảo theo như ý Thiên Chúa. Vậy người đan sĩ cũng được mời gọi hãy sống như Đức Giêsu và vâng phục như Ngài đã vâng phục dù trong mọi hoàn cảnh; lúc được bình an cũng như lúc bị cay đắng thất vọng. Chỉ như thế đan sĩ mới phần nào vẽ đúng những nét như khuôn mẫu là Đức Giêsu mà Hội Thánh mong muốn nơi người đan sĩ.

 

Thứ đến, trong đời đan tu, việc chấp nhận ở lại dòng sau những lần được nghe Tu luật và biết được những khó khăn khi dấn thân vào đời sống này, tức là người đan đan sĩ đã chấp nhận vâng phục luật dòng. Mà với thánh Biển Đức, vâng phục là một trong những yếu tố rất quan trọng trong Tu luật của ngài. Thật vậy, ngay từ những trang đầu của Tu luật, thánh phụ đã đòi buộc các đan sinh của mình phải biết sống vâng phục và nhờ vâng phục mà được trở về với Chúa: “Con ơi, lắng nghe lời thầy dạy…và thực hiện cho bằng được, để nhờ cố gắng vâng phục, con trở về với Đấng con đã xa lìa vì ươn lười bất tuân” (TL, Lời mở, 1-2). Sự vâng phục ấy còn được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong toàn bộ Tu luật của ngài. Hơn nữa, thánh phụ còn dùng ngay một chương để bàn về sự vâng phục. Trong đó vâng phục không những chỉ là hoạ theo đời sống của Đức Kitô như Hội Thánh dạy mà nó còn là bước đầu của sự khiêm nhường (x. TL 5,1), là nhân đức của những con người không lấy gì làm hơn Chúa Kitô (x. TL 5,2). Sự vâng phục nơi đan sĩ phải mau lẹ, không miễn cưỡng, phàn nàn thì đó mới là vâng phục thật và đầy công đức. Khi vâng phục như thế là đan sĩ đã vâng lời Chúa: “Ai nghe anh em là nghe Thầy” (Lc 10,16).

 

Quả thật, vâng phục là một trong những bản chất cốt yếu của đời đan tu nhưng muốn sống cho trọn vẹn bản chất ấy thì không phải dễ. Bởi tính đặc thù của nếp sống chiêm niệm ít được tiếp xúc với thế giới và những con người trong đó, nên thánh phụ kêu gọi các đan sinh hãy vâng phục những người thân cận, tức là những anh em đồng tu. Sự vâng phục ấy không phải chỉ trong ngày một ngày hai, nhưng là suốt đời. Có thể khi mới chập chững bước vào đời tu, còn bỡ ngỡ trước sự thánh thiện của các thầy dòng, mọi sự còn mới mẻ, chưa thấy được những khuyết điểm của nhau thì sự kính trọng, vâng lời nhau sẽ có sự dễ dàng. Nhưng khi đã sống, đã biết rõ từng người thì sự kính trọng ban đầu bị phai dần đưa đến việc vâng nghe một điều gì sẽ khó khăn hơn. Đàng khác, khi đã có lời khấn, có những quyền lợi nhất định trong cộng đoàn, không còn bị ràng buộc trong thời gian đào tạo ở tập viện nữa thì người ta lại có xu hướng khó vâng phục hơn. Tâm lý tuổi trung niên thường cho rằng, bản thân đã trưởng thành, có sự chín chắn trong mọi việc khỏi cần phải nghe những lời chỉ bảo hay góp ý nữa nên người ta ít đón nhận sự chỉ dạy nhắc nhở của người khác. Đặc biệt với những bề trên mãn nhiệm, những người có chức quyền trước đó thì sự vâng lời lại càng là một cực hình, bởi họ hội đủ những yếu tố khả dĩ làm cho mình được người khác tôn trọng: tuổi tác, tri thức, quyền lực…, nên khi mãn nhiệm về lại với vị trí ban đầu của mình, họ thường khó chấp nhận những ý kiến, sai bảo của người khác. Chính vì thế, chỉ có khiêm nhường thật người ta mới có thể vâng phục, chỉ có khiêm nhường là phương thuốc đặc trị giúp người ta dám vất đi cái tôi của sự tự mãn, những hào nhoáng mau qua của mình, những gì là cao trọng của thế gian mà để đón lấy hào quang đích thực và trường tồn nơi Thiên Chúa.

 

Nói cho cùng, trong bậc khiêm nhường thứ ba: “Từ lòng kính mến Chúa, ta hết lòng tùng phục người trên theo gương Chúa”. Thánh phụ chẳng những dạy đan sĩ phải biết sống đúng nhân đức nhân bản của một con người là biết kính trên nhường dưới, vâng lời, lắng nghe người trên dạy dỗ chỉ bảo mà đó còn là cách thức để các môn sinh của mình sống đúng bản chất của người đan sĩ: “Theo đức Kitô và hoạ lại đời sống của Ngài”. Chính Đức Kitô đã đi bước trước để làm khuôn mẫu, chỉ cho những ai theo Ngài thấy con đường mà họ phải đi. Tuy con đường gian nan chứ không nhàn rỗi, gồ ghề chứ không bằng phẳng, nhưng tất cả những gian nan ấy đã có khiêm nhường là khiên che thuẫn đỡ để người đan sĩ vượt qua mà đến với Chúa.

 

 

____________________

 

[1] TL 7,34.

[2] X. Thánh Bộ Các Hội Dòng Tận Hiến và Các Tu Đoàn Tông Đồ, Huấn Thị Về Quyền Bính Và Vâng Phục, số 6.

[3] X, Leonardo Boff, Các Chứng Nhân Của Thiên Chúa Giữa Lòng Đời, Đaminh Nguyễn Đức Thông, CSsR chuyển ngữ, Nxb Tôn giáo, tr. 245.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á