ƠN GỌI

ĐỨC KHIÊM NHƯỜNG THEO THÁNH PHỤ BIỂN ĐỨC (2)

Qua bậc khiêm nhường thứ hai, thánh Biển Đức nhấn mạnh tới sự vâng phục, bước đầu tiên dẫn tới khiêm nhường, được xây dựng trên việc bắt chước Chúa Kitô, Ngài không đến để làm theo ý mình, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai mình. Tuy nhiên, để có thể vâng phục suốt cả cuộc đời, để không chỉ vâng phục theo hình thức, sự vâng phục phải được thấm nhuần bằng tình yêu.

 

 

Bậc khiêm nhường thứ hai

 

 

 

TỪ BỎ Ý RIÊNG – MỘT CUỘC VƯỢT QUA MỚI

 

 

M. Pascal Trần Trì

 

 

Khi nói đến “ý riêng”, tức là nói đến ‘cái tôi’ của mỗi người hiện hữu trên cõi đời này. Thật vậy xét theo lẽ thường, ai ai trong chúng ta cũng phải yêu bản thân mình, nhưng đôi lúc lại yêu mình và nhiều khi tự tôn mình một cách thái quá. Nên khi có những mệnh lệnh buộc ta phải tuân theo thì chúng ta thường tỏ ra tự ái vì không được như ý riêng. Về điều này, theo tâm lý học hay triết học thì nó là một đòi hỏi vô lý và một lựa chọn tiêu cực. Nhưng với người môn đệ bước theo Đức Giêsu và sống và giữ tinh thần tu luật Biển Đức thì từ bỏ ý riêng không có nghĩa là đánh mất mình, nhưng còn được tất cả. Hay nói khác đi, từ bỏ ý riêng là để được kết hợp hay tháp nhập vào với Chúa và trở về với chính mình cách trọn vẹn nhất. Biết được sự quan trọng của nó cho nên thánh Biển Đức đã xếp “từ bỏ ý riêng” vào một trong mười hai bậc khiêm nhường. Tuy nhiên, sống trong một thế giới “thượng tôn” bản ngã, người đan sĩ cũng ít nhiều “nhiễm” những “cách sống” của thế gian. Vậy phải làm sao để được từng bước tiến lên trong đời sống nhân đức khi từng ngày biết từ bỏ những ý riêng? Và phương thế nào giúp chúng ta vượt qua được cám dỗ xem ra vô cùng khó khăn này?

 

Phải nói rằng, ai trong chúng ta cũng muốn làm theo ý riêng mình. Điều này tỏ rõ nhất khi chúng ta cầu nguyện. Ta xin Chúa hay xin người khác phải làm điều này, điều nọ cho ta. Rất ít khi ta xin cho được theo ý Chúa. Dù rằng ta có đọc bao nhiêu lần kinh Lạy Cha đi nữa, ta cũng chẳng muốn để ý đến câu: “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Thật là khó khi từ bỏ là quy luật của cuộc sống và sự phát triển? Vì cuộc sống đặt con người trước những sự lựa chọn. Chọn lựa là tự giới hạn. Chọn điều này là phải bỏ điều kia. Sống là chấp nhận từ bỏ. Chọn những điều tốt và loại bỏ những điều xấu. Cũng có những điều tốt phải từ bỏ để chọn điều tốt hơn, Sự từ bỏ ý riêng là cách diễn tả một tình yêu. Khi yêu người ta vui lòng từ bỏ tất cả. Khi yêu người ta cảm thấy nhẹ nhàng. Sự từ bỏ vì tình yêu là một niềm hạnh phúc. Sự từ bỏ ý riêng như thế thật đáng trân trọng. Đã là con người ai cũng ngại từ bỏ, nhất là từ bỏ những gì gắn liền với mình nhất, cam go hơn cả là chính con người mình. Ai trong chúng ta có lẽ đã ít nhiều cảm thấy sự khó khăn trong việc từ bỏ ý muốn của riêng mình để chấp nhận điều trái ý. Nhưng “từ bỏ ý riêng” lại là điều bắt buộc ta phải thực hiện hằng ngày để có mối tương giao tốt đẹp với tha nhân và nhất là với Thiên Chúa. Từ bỏ ý riêng mình mà chấp nhận thánh ý Chúa. Cũng thế, muốn từ bỏ chính mình là phải làm tan rã ý riêng của ta cho hòa vào ý Chúa, lúc đó chúng ta mới thực sự là từ bỏ chính mình. Đức thánh Cha Phaolô VI trong buổi triều yết chung cho giáo dân ngày 11.03.1970 đã nói: “Đối với chúng ta những người thời nay, một trong những khía cạnh ít được hiểu biết nhất và cũng có thể nói ít được thiện cảm nhất trong đời sống Công giáo”: đó là sự từ bỏ.

 

Trong con người chúng ta có rất nhiều cái “mình”. Nên để trở thành một môn đệ đích thực của Chúa và trước lời dạy của thánh Biển Đức, xin được liệt kê những “cái mình” cần phải bỏ.

 

Trước tiên và trên hết là “cái mình” thứ nhất, đó là ý riêng. Chính Chúa Giêsu không bao giờ tìm cách làm theo ý riêng của mình: “Tôi không thể tự ý mình làm gì. Tôi xét xử theo như tôi được nghe, và phán quyết của tôi thật công minh, vì tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 5,30). Đây cũng là câu Kinh thánh mà Tu luật có đề cập. Đức Giêsu nói Ngài tự trời xuống, không phải để làm theo ý riêng của mình, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai Ngài: “Tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 6,36).

 

Tiếp đến“cái mình” thứ hai phải từ bỏ, đó sự tự phụ, tự cao, tự đại: chúng ta cho mình là đan sĩ loại một, đẳng cấp thượng lưu, cho mình là người giỏi hơn kẻ khác; chúng ta nổi đóa và bất mãn khi có ai nói chạm đến; chúng ta ghét cay ghét đắng những ai khắc khẩu, khắc tính, khắc tình; chúng ta cứ để trong lòng, cứ cất trong bụng, không chịu bỏ qua, không chịu tha thứ, không chịu đi làm hoà trước với người anh chị em mình. Rọi soi gương Chúa Giêsu thì chúng ta thấy: Ngài tự coi mình là đầy tớ, là kẻ hầu hạ: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ” (Mt 20,28). Ngài dạy mọi người hãy bắt chước gương khiêm nhường của Ngài: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29).

 

Cái “cái mình” thứ ba, đó là “cái mình” của dư luận mà chúng ta cũng phải từ bỏ: người ta khen hoặc chê chúng ta; người ta đưa chúng ta lên trời hoặc nhận chìm chúng ta xuống tận vực sâu, chúng ta vẫn bình thản, không cho là quan trọng, không mất ngủ quên ăn vì những điều đó. Điều này chính Cha tổ phụ cũng đã dạy trong Di Ngôn của ngài. Điều quan trọng của chúng ta là lo tìm thánh ý Chúa để thực hiện, luôn cố gắng làm mọi việc vì Chúa, luôn có ý ngay lành trong mọi lời nói, trong mọi việc làm. Có Chúa biết chúng ta là đủ rồi, không cần ai biết nữa.

 

Chúng ta phải từ bỏ “cái mình” thứ tư, đó là sự ham chuộng thế gian, chức quyền, tiền bạc, khoái lạc ở đời này. Chúng ta hãy thấm thía Lời Chúa trong sách Giảng Viên: “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân” (Gv 1,2). Chúng ta luôn nhớ lời quyết liệt của Chúa Giêsu: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6,24); “nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì?” (Mt 16,26). Đức Giêsu đã chọn xóa mình như ưu tiên số một, và đề nghị người môn đệ xóa mình như bước thứ nhất, khởi đầu  hành trình đi theo Ngài, thì với hầu hết chúng ta, xóa mình là điều kiện quá khó và thường được kín đáo ngụy trang, để tự giải toả mặc cảm “không chân thành muốn xóa mình như Chúa đòi hỏi”. Sở dĩ xóa mình quá khó, vì không ai muốn mất mình, muốn bỏ mình, muốn tên tuổi mình bị phai mờ, vinh quang mình bị hủy bỏ, uy tín mình bị vùi dập, công trạng mình bị lãng quên, danh phận mình bị mai một, hoài bão mình không được thực hiện, và tấm lòng cũng như cuộc đời mình không được hậu thế tiếc thương, tưởng nhớ.

 

Thực vậy, người ta có thể hy sinh rất nhiều, nhưng khó có thể hy sinh đánh mất mình; có thể hy sinh tất cả, nhưng trừ hy sinh chính mình; có thể hy sinh đến cùng, nhưng mình không chịu để mất. Đó là lý do có rất nhiều người hy sinh, nhưng đến lúc phải xóa mình, bỏ mình thì không thấy ai; có vô số những người hăng hái hy sinh, nhưng khi có biến, có chuyện, thì chung quanh hiu quạnh, vắng vẻ, bởi ai cũng phải lo bảo vệ mình, ai cũng sợ mất mình, ai cũng tìm đường để mình không bị mất; và đó đây vẫn trùng trùng điệp điệp những đám đông nối đuôi nhau hô hào hy sinh, xuống đường hy sinh, và họ có hy sinh thật, nhưng đụng chuyện phải xóa mình, thì chẳng còn lại mấy người, vì chẳng ai dại dột dấn thân hy sinh mà lại để mất mình, vì người khác. Vì khi“không chịu xóa mình”,  cám dỗ này sẽ dẫn đến một cám dỗ khác nguy hiểm hơn, đó là hy sinh tất cả miễn sao bảo vệ được mình, bảo vệ được ý kiến, sở thích, tham vọng của mình, giữ được nguyên vẹn bản thân mình. Kinh nghiệm đạo đức ít nhiều cho người môn đệ thấm thía cái khó khi phải bỏ mình, xóa mình trước ý của bề trên. Tuy cùng là điều kiện để trở thành người môn đệ, nhưng ưu tiên một nặng nề hơn, vì nặng ký hơn các ưu tiên khác, bởi “cái tôi, cái mình” của tôi bao giờ cũng vĩ đại nhất, quan trọng nhất, oai phong lẫm liệt nhất, không thể xê dịch, dời đổi, mà chỉ muốn phình ra to hơn, nặng hơn đến vô tận… Chính vì xóa mình không dễ, nên người môn đệ liên lỷ bị cám dỗ “thà hy sinh nhiều, chứ không xóa mình, hay để mình bị xóa”, và điều này đã tạo nên căng thẳng nội tâm ở người môn đệ.

 

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà căn tính Kitô giáo đang bị gạt ra bên lề bởi ảnh hưởng của chủ nghĩa thế tục. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải là những người có trách nhiệm phục hồi lại căn tính Kitô giáo trong thế giới ngày nay. Trách nhiệm trước tiên là những người sống đời thánh hiến, đặc biệt trong phạm trù giới hạn là các đan sĩ chúng ta. Quả thật, sự từ bỏ là một điều không dễ dàng chút nào, chính vì khó mới giá trị, chính vì thế rất cần đến sự luyện tập hằng ngày. Quả thật từ bỏ ý riêng, từ bỏ mình giống như cuộc leo núi. Leo núi là một cuộc mạo hiểm, đó không phải là một cuộc dạo chơi nhàn hạ; nó đòi hỏi sức khoẻ, sức chịu đựng dẻo dai, tài khéo léo, lòng can đảm. Càng lên cao, người leo núi càng hưởng nhiều niềm vui, càng tắm mình trong ánh sáng chan hoà và được chiêm ngưỡng cảnh trời đất bao la hùng vĩ. Muốn được thế, mỗi ngày chúng ta cần phải từ bỏ một chút, từ bỏ những cái nhỏ đến những cái lớn. Từ bỏ cho đến lúc phù hợp thánh ý của Thiên Chúa trong mọi sự, lúc đó chúng ta mới có thể trở nên chứng nhân cho Chúa giữa thế giới này. Đây cũng là lúc chúng ta đang thực hiện một cuộc “vượt qua mới”. Bởi vì chỉ khi xóa mình, người môn đệ mới đích thực thuộc về Đức Giêsu, và thực sự là khí cụ hữu hiệu của Ngài, vì được nên một với Ngài, Đấng đã hoàn toàn xóa mình vốn dĩ là Thiên Chúa, ngang hàng với Thiên Chúa khi “trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế…” (Pl 2,7).

 

 

 

VÂNG PHỤC DẪN TỚI ĐỨC KHIÊM NHƯỜNG

 

 

M. Henrico Nguyễn Văn Hoàng

 

Tội kiêu ngạo có thể được xem là tội nặng nhất trong bảy mối tội đầu. Nó cũng là căn nguyên gây ra mọi tội lỗi khác. Và nếu chúng ta nói kiêu ngạo là mẹ của những tội khác thì ngược lại “khiêm nhường là nền móng của sự hoàn thiện…là đầu mối của tất cả đời sống thiêng liêng”. Khiêm nhường như là một nhân đức căn bản và không thể thiếu để trở thành một người đan sĩ thực thụ. Cha thánh Biển Đức đã quả quyết rằng: “Nếu chúng ta muốn đạt tới đỉnh cao của đức khiêm nhường trọn hảo và mau vươn tới cõi trời cao bằng cuộc sống khiêm nhường ở đời này, thì hãy lấy việc làm dựng thành cái thang mà leo lên… nhờ lòng khiêm nhường, nó sẽ được Chúa nâng lên cõi trời cao” (TL 7,5-8). Nói cách khác, khiêm nhường là luôn làm theo những chỉ dẫn và đòi hỏi của Tin Mừng như: luôn đặt mình trước mặt lòng kính sợ chúa, từ bỏ ý riêng, vâng phục, kiên tâm chịu đựng những trái ý nghịch lòng... Vì thế, thánh Biển Đức đã nói ở bậc khiêm nhường thứ hai là: “Không yêu thích ý riêng, không tìm thỏa mãn ước muốn của mình, trong mọi hành động hãy theo lời Chúa: tôi không đến để làm theo ý tôi mà là ý Đấng dã sai tôi” (TL 7,31-32). Vậy người viết xin được trình bày dưới cái nhìn của bản thân về bậc khiêm nhường thứ hai này.

 

Chúng ta đang sống trong thế giới với nền văn minh khoa học đạt đến những thành tựu cao nhất, khác xa hẳn thời Chúa Giêsu và các Thánh tổ phụ sa mạc, thánh Biển Đức. Với các thành tựu khoa học ấy, con người dễ có óc tự mãn, tự tin và ưa chuộng giá trị vật chất trần thế hơn những giá trị thiêng liêng. Chủ nghĩa cá nhân và hưởng thụ chiếm ưu thế hơn trong xã hội. Vì thế, khi nói đến khiêm nhường, vâng phục…đối với những người chập chững bước vào đời tu thật là một vấn nạn cam go, có cảm tưởng như một nốt nhạc trái khuấy trong bản hòa âm. Óc cầu tiến, cầu toàn, khiến chúng ta muốn tiến xa, vượt hơn người khác, khó mà chấp nhận vâng phục để người khác dẫn đi. Có khi chúng ta vì không hiểu được giá trị của khiêm nhường nên chúng ta cho vâng phục là hèn hạ, đáng khinh chê. Vì vậy chúng ta thấy, ngay trong cộng đoàn đan tu cũng không thiếu những tu sĩ trẻ, thiếu sự khiêm tốn, chưa tôn kính các bậc đàn anh cho đúng mức. Chúng ta cho rằng các bậc lão thành là lỗi thời lạc hậu. Cha Fabert nói: “Tội lớn nhất mà thế gian đang vấp phải đó là sự dửng dưng, sự lãng quên Thiên Chúa”[1]. Không biết Thiên Chúa, thì không thể biết được bài học khiêm nhường mà Đức Giêsu mang đến cho nhân loại: “Vô tri thì bất mộ”. Không biết thì làm sao yêu mến và đem ra thực hành được? Ngay cả chúng ta là những người trẻ mới bước vào đời tu, cũng gặp không ít những khó khăn trong việc tập luyện đức khiêm nhường. Chúng ta sẽ cảm thấy khó hạ mình và tự hủy để cho Thiên Chúa hướng dẫn đời mình, nếu ta không để tâm lắng nghe và mau mắn thực hành lời Chúa.

 

Không có khiêm nhường thì không thể đến gần Thiên Chúa được. Vì thế, sách Thánh hiền có dạy: “Khôn mà kiêu ngạo là khôn dại. Dại mà khiêm nhường là dại khôn”. Người mà đã thủ đắc khiêm nhường thì tỏ lộ ra bên ngoài sự trong sáng, khôn ngoan biết người, biết mình, hơn nữa sự khiêm nhường là tình yêu, là giới răn của Thiên Chúa. Đó là hành trình của mọi người, cách riêng là những người đan sĩ. Khi ý thức điều nền tảng này, chúng ta sẽ bước vào con đường khiêm tốn đích thực, con đường của thái độ quỳ xuống trước Thiên Chúa là Đấng Tối Cao. Mẹ Têrêsa Calcutta nói rằng: “Nhận biết mình sẽ làm cho chúng ta quỳ gối xuống, một tư thế cần thiết cho tình yêu. Vì nhận biết Thiên Chúa nảy sinh ra tình yêu, và nhận biết mình nảy sinh ra lòng khiêm tốn”. Như thế, nhận biết mình và sự thật về mình sẽ giúp chúng ta vượt qua sự ảo tưởng cho mình là lớn, là vĩ đại, để đi tới bản chất đích thực của mình, con người thật của mình. Thánh Anphongsô đã từng nói: “Người yêu mến Thiên Chúa thì luôn khiêm nhường thật sự. Họ không bao giờ tự mãn tự kiêu vì những điều tốt lành và giá trị nơi mình. Người yêu mến Thiên Chúa, bởi luôn ý thức mình là hư không tội lỗi, nên luôn nhận thấy rất rõ ràng mọi điều tốt lành nơi mình đều từ Thiên Chúa”[2]. Khi ý thức về mình và sự thật về mình, thì sẽ tránh được kiểu “tự lừa gạt chính mình”, như thánh Phaolô nói: “Ai tưởng mình là gì, mà kỳ thực không là gì hết, thì là lừa gạt chính mình” (Gl 6,3).

 

Qua bậc khiêm nhường thứ hai, thánh Biển Đức nhấn mạnh tới sự vâng phục, bước đầu tiên dẫn tới khiêm nhường, được xây dựng trên việc bắt chước Chúa Kitô, Ngài không đến để làm theo ý mình, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai mình. Tuy nhiên, để có thể vâng phục suốt cả cuộc đời, để không chỉ vâng phục theo hình thức, sự vâng phục phải được thấm nhuần bằng tình yêu. Như vậy, ta có thể kết luận rằng, đối với thánh Biển Đức, không thể có khiêm nhường đích thực nếu không có tình yêu. Vì thế, khiêm nhường cũng như vâng phục không hề là tự hạ giá mình, tự hủy diệt bản thân. Nhưng khiêm nhường là để Chúa lớn lên nơi mình, để Ngài dần dần hiện diện tràn đầy trong cuộc sống của mình. Có thể nói rằng, đối với thánh Biển Đức, khiêm nhường không đè bẹp chúng ta, nhưng làm cho chúng ta lớn lên. Tuy chẳng theo cách của con người. Vì điều làm cho chúng ta ta lớn lên, điều giúp chúng ta tiến tới mức sung mãn, đến mức hoàn thiện, đó là sự kiện Thiên Chúa đến cư ngụ nơi chúng ta.

 

 

 

 

TỪ BỎ Ý RIÊNG BẰNG VIỆC THEO GƯƠNG ĐỨC KITÔ

 

 

M. Gioan Berchmans Nguyễn Chí Mỹ

 

 

Ngày nay, không gian sống riêng tư luôn được nhiều người ưa chuộng, thế giới đang ngày một mở ra, và vấn đề tôn trọng quyền cá nhân cũng được đặt lên hàng đầu, nhờ đó, các chế độ dân chủ dần được hình thành, và những tình trạng nô lệ đang ngày một giảm đi. Có những thứ của cải, vật chất, tự bản chất nó đã được cho là của chung cho hết mọi người, không ai được quyền sở hữu riêng, nhưng tất cả đều có quyền sử dụng và bảo vệ. Tuy nhiên, vẫn có những thứ hoàn toàn thuộc sở hữu riêng của từng cá nhân, tập thể, họ có quyền sử dụng độc lập hoàn toàn.

 

Nói đến cái riêng tức là nói đến một cái gì đó riêng biệt, đặc thù, cái gì mà một cá nhân nào đó được sở hữu, thủ đắc, từ những gì riêng tư mà hình thành nên chủ nghĩa tự do, nếu ý riêng là những gì mà mỗi cá nhân có riêng cho mình, thì tự do giúp cho mỗi cá nhân thể hiện ra những gì mà mình có, những gì mình được làm. Tự do luôn được con người ngày nay đặt lên hàng ưu tiên, việc biểu đạt ý kiến, trình bày quan điểm và đòi quyền lợi cho mỗi cá nhân và từng nhóm hầu như luôn có nơi các nền văn minh hiện đại, nhất là ở xã hội phương Tây.

 

Tuy nhiên, truyền thống thiêng liêng lại đòi hỏi nơi mỗi Kitô hữu luôn phải chiến đấu chống lại ý riêng, điều đó được thấy rõ nơi bậc khiêm nhường thứ hai của Tu luật thánh phụ Biển Đức. Khi mỗi người từ bỏ những ý riêng và thuận theo ý Chúa, lúc ấy lòng khiêm tốn mới được phát huy, và tăng trưởng dần nhờ việc thuận theo ý Chúa trong từng công việc hằng ngày. Mà đặc thù của con đường khiêm tốn không gì khác ngoài những đau khổ, khinh chê, ruồng bỏ, những thử thách ấy sẽ đến trên những người có lòng khiêm nhường, lúc này, với việc sẵn sàng đón nhận những thử thách bằng một lòng khiêm tốn chân thành, con người mới có thể ý thức sâu sắc về sự mỏng dòn, yếu đuối của mình, đồng thời, họ sẽ không còn nương tựa vào bất cứ sự gì nơi trần gian, nhất là trên chính bản thân mình.

 

Không ít người cho quan niệm trên như một hình thức áp chế, một kiểu nô lệ hóa và tước đoạt quyền tự do của con người, bởi họ cho rằng một con người tự do thì luôn phải là người hoàn toàn chủ động, làm những gì mình thích, chẳng có ai cấm cản gì mình, theo họ, vì có như thế tự do mới mang lại cho chính bản thân mỗi người tính xác thực, mới có thể biểu lộ tính đặc thù của mình, được hưởng thụ những lợi ích và những tài sản riêng mà mình có. Nếu quan điểm của một số người trên đây được áp dụng vào thực tế, thì những luật lệ sẽ chẳng còn giúp ích gì nhiều cho cuộc sống con người, bởi khi ấy quyền riêng tư đã hoàn toàn lấn át những gì mà luật chung đưa ra. Dẫu rằng, cuộc sống luôn phải có quyền riêng tư, sự độc lập của từng cá nhân, nhưng vẫn phải có những luật lệ chung, bởi chính luật lệ mới hình thành nên một cơ cấu có trật tự của đời sống cộng đồng nơi con người. Nỗi niềm khao khát tự do, nhằm thỏa mãn những gì riêng tư nơi con người luôn rất mãnh liệt, tuy mải miết đi tìm một thứ tự do đích thực nhưng đến một lúc nào đó con người lại gặp thấy ngõ cụt, bởi nơi con người luôn mang xã hội tính, nên không thể nào con người cứ sống một mình và thỏa mãn những gì của riêng mình được.

 

Nhằm giúp con người tìm lại được tự do nguyên thủy, một sự tự do giúp con người thoát khỏi dục vọng tội lỗi, khỏi những ước muốn xấu xa và sự mù quáng, Đức Kitô đã mở ra cho mỗi người một con đường, chính là con đường vâng phục, Ngài đã không làm theo ý riêng của Ngài, nhưng hoàn toàn theo ý Cha Ngài, như chính Ngài đã tuyên bố: “Tôi không đến để làm theo ý tôi, nhưng làm theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 6,38). Nhiều người cho việc Con Thiên Chúa đang thực hiện ở đây hoàn toàn mù quáng, hoàn toàn bị động, không một chút gì là chủ động, tự do. Tuy nhiên, nếu như việc Đức Kitô vâng phục không xuất phát tự một sự tự do đích thực, thì ngay từ đầu Thiên Chúa đã chẳng ban cho con người có tự do, sự tự do Thiên Chúa tặng ban cho con người lại phát xuất từ tình yêu thương mà Người dành cho họ, và cũng chính tình yêu ấy mới có thể cứu chuộc tội lỗi nhân loại. Vì thế, vâng phục ở đây không phải là một sự đánh mất căn tính của mình, nhưng trái lại, vâng phục giúp mỗi cá nhân gặp được căn tính đích thực của mình, tức là tránh xa tất cả những cái “tôi” sai lạc ngăn cản mỗi người trở nên chính mình, trở nên một con người tự do thực sự.

 

Trong thế giới hiện đại, không ít những bạn trẻ đang có riêng cho mình những thần tượng, và họ thường bắt chước những hành động, phong cách nơi thần tượng của mình, đương nhiên, việc bắt chước ấy đều hướng tới mục đích chính là trở nên giống như thần tượng mà mình yêu thích. Vấn đề là việc bắt chước này cũng dễ dẫn đến những hệ quả khác nhau, nếu biết bắt chước những điều tốt thì ắt sẽ sinh ra được nhiều lợi ích, còn nếu ngược lại thì chắc chắn hậu quả sẽ khó lường. Vì thế, việc bắt chước ai, bắt chước điều gì và có mang lại một lợi ích tốt đẹp hay không luôn là điều đáng được lưu tâm. Với đời sống thánh hiến, người tu sĩ chỉ tập trung vào chính hình ảnh của Đức Kitô để theo gương bắt chước, mỗi một người tu sĩ luôn mang trong mình một nhiệm vụ chính yếu, là họa lại hình ảnh của Đức Kitô trên chính đời sống của mình. Thông thường, khi muốn bắt chước một ai đó, luôn đòi hỏi phải có hai điều: thứ nhất là nhìn người làm mẫu và kế tiếp là làm theo như họ, nếu chỉ bắt chước những hành động và phong cách của một thần tượng nào đó trên truyền hình, thì cũng không đến nỗi quá khó khăn, bởi nó chỉ nằm ở vẻ bên ngoài, điều này nơi người trẻ thường thích thể hiện ra cho người ta thấy. Việc theo gương và bắt chước đời sống của Đức Kitô không hoàn toàn hệ tại ở việc bắt chước những hành động bên ngoài của Ngài, nhưng nó còn xuất phát từ chính con tim, từ lòng mến của những người đang dấn thân trong hành trình dâng hiến.

 

Thực vậy, nếu chỉ tập chú vào những hành động, phong cách bên ngoài thì mỗi cá nhân dễ rơi vào tình trạng co cụm nơi bản thân mình, chỉ hướng cặp mắt vào mình, và dần kéo theo việc không còn quan tâm đến những ý kiến, quan điểm của người khác, tình trạng này luôn xảy ra với những người không có sự khiêm nhường. Trái lại, đặc điểm nổi bật nơi đời sống của Đức Kitô là lắng nghe và đối thoại, không co cụm, không đóng khung, nhưng luôn mở ra, đón nhận hết tất cả mọi người, chính việc đón nhận này giúp ta nhận ra nơi Ngài có một đời sống khiêm nhường trọn hảo. Vì thế, khi mỗi một người Kitô hữu, đặc biệt là những người đan sĩ khi theo gương bắt chước Đức Kitô, điều kiện tiên quyết đòi hỏi nơi mỗi người chính là phải biết đối thoại với người khác, để việc đối thoại có được một kết quả thì không chi bằng việc lắng nghe, lắng nghe sẽ giúp mỗi người thấu hiểu và cảm thông với nhau hơn, không chỉ vậy, việc lắng nghe còn giúp mỗi cá nhân không còn quá đề cao ý riêng của mình nữa, đồng thời, lắng nghe như một bước khởi đầu cho một « tình yêu chớm nở » giữa mình với tha nhân, đó quả là điều rất hợp ý Chúa.

 

 

_______________________

 

 

[1] Canh Tân Đời Sống Thánh Hiến, Lm. Nguyễn Ngọc Kính, OFM, chuyển ngữ, 2014.

[2] 1001 Châm Ngôn Các Thánh, tr. 204.

 

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á