ƠN GỌI

ĐỨC KHIÊM NHƯỜNG THEO THÁNH PHỤ BIỂN ĐỨC (1)

«Luôn đặt trước mắt lòng kính sợ Chúa » là nấc thang đầu tiên trên tiến trình của những bậc thang khiêm nhường mà thánh Biển Đức mời gọi các đan sinh bước theo trên hành trình vươn tới Thiên Chúa. Bậc thang này được xem là cánh cửa dẫn vào đời sống khiêm nhường, một bậc thang khó nhằn nhất đối với các đan sinh, bởi bậc khiêm nhường này không gắn mặc định cho một trường hợp, hay một công việc cụ thể nào đó, nhưng bậc khiêm nhường này đòi hỏi phải được thực hiện luôn luôn, bất cứ lúc nào, nơi nào.

 

 

 

ĐỨC KHIÊM NHƯỜNG THEO THÁNH PHỤ BIỂN ĐỨC

 

 

Trong Tu Luật của thánh phụ Biển Đức, ngài dành trọn chương 7 để nói về đức khiêm nhường và ngài phân chia thành 12 bậc. Thánh nhân dạy rằng: Nếu các đan sĩ muốn đạt đỉnh cao của đức khiêm nhường trọn hảo và mau mắn tới cõi trời cao bằng cuộc sống khiêm nhường ở đời này, các đan sĩ hãy lấy việc làm dựng thành một cái thang mà leo lên, như chiếc thang đã hiện ra cho Jacob trong giấc mộng. Chiếc thang đã được dựng lên đó chính là đời tạm này. Nhờ lòng khiêm nhường, nó sẽ được Chúa nâng lên tận trời cao. Theo thánh nhân, hai dọc thang chính là xác và hồn chúng ta. Trên đó tiếng gọi thần linh đã sắp sẵn nhiều bậc khiêm nhường và kỷ luật để các đan sĩ leo lên (x. TL 7,5.6.8.9).

 

 

Bậc khiêm nhường thứ nhất:

 

 

 

SỐNG TRƯỚC SỰ HIỆN DIỆN CỦA THIÊN CHÚA

 

 

M. Gioan Berchmans Nguyễn Chí Mỹ

 

Một lối suy tư thường thấy nơi con người ngày nay «không thấy tận mắt thì không bắt được», tức là bất cứ việc gì cũng phải thấy tận mắt, bắt tận tay, mắt thấy tai nghe luôn được ưu tiên hàng đầu cho việc kiểm chứng một vụ việc nào đó. Lối suy nghĩ trên giúp gợi nhớ lại câu chuyện Đức Kitô Phục Sinh hiện ra với các môn đệ, lần đầu, khi Ngài hiện ra thì ông Thomas vắng mặt, sau đó, ông đã được các môn đệ khác kể lại việc Đức Kitô hiện ra nhưng ông không tin, lại còn khăng khăng là chỉ khi nào thấy tận mắt, tay sờ vào dấu đinh của Chúa rồi ông mới tin, và chỉ tám ngày sau đó, chính Đức Kitô đã hiện ra cho ông được thấy và đụng chạm vào Người, tới lúc này thì Thomas mới thể hiện niềm tin của mình.

 

Ngày nay, nhờ sự phát triển của các ngành khoa học kĩ thuật, hầu như mọi sự việc đều được con người đưa ra để kiểm chứng và xác thực, và phần nào họ đã đạt được những thành quả đáng kể, điều đó thúc đẩy họ tiếp tục đào sâu vào các lãnh vực khác, ngay cả trong lãnh vực về niềm tin, nhiều người cũng đòi phải có sự xác thực, một sự rõ ràng và minh bạch. Tuy nhiên, nếu niềm tin bắt buộc phải được kiểm chứng bằng «mắt thấy, tai nghe» hay bằng một thứ dụng cụ khoa học, thì lúc ấy niềm tin đã dần biến thành một ngành của khoa học rồi. Trái lại, con người không thể kiểm chứng được niềm tin, bởi bản chất của niềm tin vốn mang chiều kích tâm linh, mang tính chiều sâu, nên thật khó để con người có thể khám phá hết được mọi chiều kích mà nó mang lại.

 

Thực tế, nếu bắt một người có đức tin đi tìm đủ bằng chứng để chứng minh cho người khác thấy Thiên Chúa hiện hữu, thì chắc là họ không biết tìm đâu ra, bởi đức tin mà họ có vốn được ban nhưng không, là một ân ban từ Thiên Chúa, nên luôn đòi hỏi nơi người có niềm tin vào Chúa một sự đáp trả nhưng không, một sự đáp trả bằng chính con tim và tình yêu của mình, vì thế mà mỗi Kitô hữu nói chung và các đan sĩ nói riêng không phải suốt ngày cứ đi tìm những bằng chứng để chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa, nhưng điều mà họ luôn theo đuổi chính là nên thánh mỗi ngày, nhất là nên bạn hữu thân tình với Đấng đã tạo dựng nên mình và luôn sống khiêm nhường trong sự hiện diện đầy yêu thương của Thiên Chúa.

 

«Luôn đặt trước mắt lòng kính sợ Chúa » là nấc thang đầu tiên trên tiến trình của những bậc thang khiêm nhường mà thánh Biển Đức mời gọi các đan sinh bước theo trên hành trình vươn tới Thiên Chúa. Bậc thang này được xem là cánh cửa dẫn vào đời sống khiêm nhường, một bậc thang khó nhằn nhất đối với các đan sinh, bởi bậc khiêm nhường này không gắn mặc định cho một trường hợp, hay một công việc cụ thể nào đó, nhưng bậc khiêm nhường này đòi hỏi phải được thực hiện luôn luôn, bất cứ lúc nào, nơi nào. Một cảm giác mà một người đang buồn luôn thấy mình cô đơn, và khi cô đơn thì lại gắng tìm cho ra một người để có thể hàn huyên, tâm sự, hầu có thể vơi đi nỗi buồn, tránh được sự cô đơn, bởi chính sự cô đơn dễ làm cho nỗi buồn càng thêm thê thảm. Nếu đứng ở ngoài quan sát thì xem ra đời sống của một người đan sĩ trông có vẻ cô đơn lắm, một mình một phòng, tuy cộng đoàn có nhiều người đấy, nhưng suốt ngày giữ luật thinh lặng thì chẳng thấy có những cuộc trò chuyện tầm phào, đi làm việc thì ai nấy làm việc của mình, chỉ lủi thủi, cặm cũi một mình. Nếu tiến trình của một ngày sống cứ buồn tẻ như thế thì không biết mấy ông thầy dòng kín này biết lấy đâu ra niềm vui, biết lấy gì làm động lực để tiếp tục bước tiếp con đường tu trì của mình. Thánh phụ Biển Đức có thể đã biết trước tình trạng mà các đan sinh sẽ phải đối diện với cảnh sống đan tu, nên Ngài đã nhắn nhủ con cái mình luôn sống trước sự hiện diện của Chúa, luôn ý thức về một Đấng khác đang ở trong cuộc sống của mình, Ngài luôn nghĩ đến tôi, Ngài nhìn xem tôi mọi lúc, và Ngài không ngừng yêu thương tôi. Nếu luôn ý thức được lời mời gọi trên thì cuộc đời của người đan sĩ ắt sẽ chẳng bao giờ còn có khái niệm cô đơn nữa, bởi cuộc đời này không chỉ riêng ta, mà còn có cả Đấng khác ta nữa, Ngài không bao giờ vô tình, lãnh đạm với ta, nhưng «ta với mình tuy hai mà một». Có thể nhiều người cho đó là những ảo tưởng, những câu chuyện hư cấu, nhưng với thánh Biển Đức, người được mệnh danh là người của Thiên Chúa luôn cảm nghiệm Thiên Chúa hiện diện ngay trong cuộc sống hằng ngày của mỗi người, vì thế, Cha Thánh mời gọi mỗi đan sĩ luôn phải không ngừng khám phá ra Thiên Chúa đang hiện diện nơi mình, chính sự hiện diện này khiến người đan sĩ không còn chỉ biết sống cho bản thân mình, không sống theo những ý riêng nữa, nhưng trái lại, người đan sĩ luôn phải cố gắng sống sao cho ý mình hợp với ý Thiên Chúa, đây quả là một công việc không dễ dàng, là một cuộc đấu tranh thực sự, một cuộc chiến nội tâm. Như vậy, nấc thang khiêm nhường này không chỉ là những cảm nghiệm về sự hiện diện của Chúa nơi thẳm sâu nhất của lòng mình, nhưng còn là sự ý thức về một lựa chọn phải có, một sự lựa chọn triệt để và đầy khó khăn.

 

Thời đại càng văn minh, con người càng ưa thích cái đẹp, ưa chuộng những mặt nổi bên ngoài hơn, vì nó dễ gây nổi bật, dễ đập vào mắt người khác, vì thế mà không ít người thường trau chuốt cho vẻ đẹp bên ngoài của mình. Hay thay, con người một khi đã chú tâm vào vấn đề này thì thường hay quên những vấn đề khác, khi đã để tâm tới vẻ đẹp bên ngoài thì lại hay mặc kệ cái bên trong, là chiều sâu tâm hồn của mình, vì thế mà không ít lần con người có cảm giác trống rỗng, cô đơn nơi tâm hồn mình. Bậc khiêm nhường thứ nhất như là một lời mời gọi các đan sinh đánh thức lại chiều sâu tâm hồn của mình, đánh thức lại những lựa chọn, những ước muốn mà lâu giờ mỗi người thực hiện còn mang tính hời hợt.

 

Qủa thật, sống trước sự hiện diện của Chúa thì bất cứ quyết định nào của bản thân ta đều không được mang tính hời hợt bên ngoài được, nhưng bất cứ việc gì đều trở nên quan trọng, mỗi người luôn phải cẩn trọng khi đưa ra những quyết định, vì mọi quyết định đều phải hợp với ý Chúa, phải ưu tiên cho ý Chúa trước, ý ta chỉ là thứ yếu mà thôi. Nếu mỗi người luôn mang trong mình một nỗi khao khát như trên thì cuộc đời mỗi người sẽ thực sự trở thành «một lịch sử cứu độ », vì khi mỗi người thực thi thánh ý của Chúa hằng ngày thì khi ấy mỗi người đang họa lại hình ảnh của Đức Kitô, vì chính Đức Kitô cũng đã chu toàn thánh ý Cha Ngài một cách trọn hảo. Không chỉ vậy, cuộc đời của mỗi người còn là một lịch sử thánh, vì chính cuộc đời của Đức Kitô là một cuộc đời thánh thiện thì mỗi người chúng ta khi sống đẹp ý Thiên Chúa thì cuộc đời của mỗi người cũng sẽ trở nên thánh thiện, bởi mỗi người đã có được những chiến thắng đầy vang dội trong cuộc chiến nội tâm.

 

 

 

KHIÊM NHƯỜNG – BƯỚC KHỞI ĐẦU KÍNH SỢ THIÊN CHÚA

 

 

M. Thomas More Nguyễn Văn Công

 

Tu luật thánh Biển Đức (TL 7,10-11) dạy rằng: “Bậc khiêm nhường thứ nhất là luôn đặt trước mắt lòng kính sợ Chúa, chẳng bao giờ dám quên, và hằng nhớ mọi điều Chúa truyền, không ngừng tâm niệm rằng những kẻ khinh thị Chúa sẽ bị phạt vì tội trong hoả ngục làm sao, còn kẻ kính sợ Chúa sẽ được phúc trường sinh Chúa sắm cho thế nào”. Sách Châm Ngôn lại có câu: “Lòng kính sợ Thiên Chúa sẽ là nguyên tắc và thành tựu của Khôn ngoan” (Cn 9,10). Thế nhưng ở thế kỷ 21, thời kỳ của hậu đủ loại cách mạng trong các lĩnh vực mà loài người hô hào quật khởi thì lòng kính sợ Thiên Chúa có chỗ đứng nào, đức khiêm nhường có ý nghĩa gì?

 

Các cuộc cách mạng trong lĩnh vực chế tạo, cách mạng trong lĩnh vực tri thức khoa học, cho đến cách mạng văn hóa nhận thức, hết thảy đều đưa cuộc sống con người trở nên tầm cao mới với những tầm nhìn mới. Các quốc gia trở nên giàu có sung túc hơn, cuộc sống tiện nghi hơn, đáp ứng nhiều nhu cầu của con người về nhiều phương diện hơn...Mặc dù nhân loại đã nhiều phen phải trả giá đắt trong lịch sử phát triển của mình bằng cái chết của nhiều triệu người trong các cuộc chiến tranh sử dụng những loại vũ khí tân tiến; phải trả giá bằng việc tàn phá môi sinh; các lực lượng chính trị, quân sự, kinh tế gắt gao gia tăng việc kiểm soát cá nhân mỗi người...Chừng đó thôi vẫn chưa đủ để con người bớt tự hào về “sự phi phàm” của mình. Nhân loại vẫn say sưa tin tưởng vào trí năng của kẻ làm chủ vũ trụ, có thể nắm bắt vũ trụ vào trong tay với lý thuyết về mọi thứ (TOE); có thể tự quyết định giá trị bản thân mà không cần đến Thiên Chúa, được hỗ trợ bởi sự tin tưởng vào năng lực khám phá và sáng chế không ngừng tân tiến, trên mọi lĩnh vực của cuộc sống. Sự say sưa ấy làm con người không còn nhận ra thân phận thụ tạo của mình. Thậm chí có lắm kẻ còn muốn loại trừ Thiên Chúa khỏi cuộc sống con người, cho rằng khoa học mới là ánh sáng dẫn đường đích thực, khoa học mới là cứu cánh của nhân loại.

 

Không rõ loại khoa học nào có thể giúp họ trở thành "thiên chúa", để có thể hô hào “hãy giết chết Thiên Chúa để con người làm chúa”, và khiến “Thiên Chúa đã chết” (Nietzsche 1844-1900). “Giết Thiên Chúa”, ngay lập tức con người đối diện với hư vô tuyệt đối, biết thế họ vẫn tràn trề hi vọng vào khả năng “con người bị vượt qua, bị vượt lên” chính mình để trở thành “Siêu nhân”. Tựa như tư tưởng của con người có thể làm được mọi sự.

 

Dưới sự hướng dẫn của ý chí tự do, có thể nói tư tưởng con người chính là nguồn gốc của tội kiêu căng.

 

Ngược hẳn với não trạng ngạo mạn trên, Tu luật thánh phụ Biển Đức, ở bậc khiêm nhường đầu tiên, thánh phụ đã nghiêm khắc nhắc nhở chúng ta phải đặt để Thiên Chúa trên hết mọi sự, luôn đặt trước mắt lòng kính sợ Thiên Chúa; ngài nhấn mạnh “chẳng bao giờ dám quên”, “hằng ghi nhớ mọi điều” Thiên Chúa đã truyền; “hằng tâm niệm” về quyền phép của Thiên Chúa trên mỗi người chúng ta. Để nhờ đó ta được “dẫn tới sự sống” (TL, Lời mở, 19). Như vậy, “lòng kính sợ Thiên Chúa sẽ là nguyên tắc và thành tựu của Khôn ngoan” (Cn 9,10). Khôn ngoan đích thực dẫn tới sự sống đời đời, chứ không phải dựa vào trí năng tự thân của con người để nên Siêu Nhân như những kẻ vô thần lầm tưởng.

 

“Lạy Chúa, ai sẽ được ở trong cung điện Chúa và ai sẽ được nghỉ ngơi trên núi thánh Ngài?” (Tv 24), dĩ nhiên không phải là những kẻ kiêu ngạo vì “con người là chi mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm” (Tv 8,5). “Vậy, thắt lưng bằng đức tin và sự thực thi các việc lành, rồi dưới sự hướng dẫn của Phúc Âm, ta hãy tiến bước theo đường của Chúa, để đáng được xem thấy Đấng đã gọi ta vào vương quốc của Ngài. Nếu ta muốn cư ngụ trong vương quốc của Ngài mà không chạy mau trên đường hành thiện, thì không tài nào tới được” (TL, Lời mở, 21-22).

 

Ađam và Evà, hẳn cũng hiểu rõ thân phận của mình lắm, thế nhưng trong hai con người đầu tiên đó có cái gì đã làm cho họ sa ngã. Họ muốn được như Thiên Chúa, muốn biết hết mọi sự, muốn giống Thiên Chúa (x. St 3,1-13). Thế rồi “ngươi là cát bụi, ngươi sẽ trở về với cát bụi” (St 3,19), đó là điều mà trí năng của Ađam và Evà biết được sau khi phạm tội kiêu ngạo. Hậu quả thì ai cũng đã rõ, nhưng tính kiêu căng thì lại bất tri bất giác truyền kỳ theo dòng lịch sử nhân loại. Đến năm 1931, “định lý bất toàn” tựa như một cái tát trời giáng, chính diện đánh sập sự mê muội của con người vào trí năng của nhân loại. Định lý này, xét về tư duy, nói rằng hệ tư tưởng con người không thể vừa đầy đủ (tức mô tả hoàn toàn một cái gì) lại vừa nhất quán được (x. vi.wikipedia.org); trật tự của bất kỳ một hệ thống nào mà con người nhận thức luôn phụ thuộc vào một cái gì bên ngoài hệ. Đã rõ tư duy con người phụ thuộc vào tiên đề của hệ tư duy đó, mà tiên đề lại có bởi trực giác (Trực giác là năng lực cảm thụ thông tin trực tiếp từ thế giới khách quan thông qua các giác quan (x. vi.wikipedia.org). Trực giác lại là món quà của Tạo Hóa dành cho con người. Rốt cuộc cái mà con người bám vào để kiêu căng, tức trí năng, cũng chỉ định thân phận “không là gì” của nhân loại. Lúc này những lời dạy bảo về bậc khiêm nhường thứ nhất trong tu luật của thánh Biển Đức lại càng ý nghĩa hơn; những chỉ dẫn sau đây cũng chính đáng hơn: “Trong mọi giây phút lo giữ mình khỏi tội lỗi và các nết hư do tư tưởng, miệng lưỡi, tay chân và ý riêng, cả đến những thèm muốn xác thịt. Mỗi người hãy nhớ rằng từ trời cao Chúa luôn nhìn xem mình, và dù mình ở đâu, lúc nào và làm gì, Chúa đều nhìn thấy hết, lại có các thiên thần không ngừng tường trình lên Chúa” (TL 7,12-13). Thật đáng tiếc, vì nhiều lý do dù cố ý hay vì bất đắc dĩ, sự bất toàn nơi con người, xét như một định lý không thể chối cãi, lại quá ít được phổ biến. Thật khó để con người có thể tự nhiên nhận thức đúng mức về thân phận thụ tạo nghèo hèn nơi mình, “chân nhận rằng những gì tốt lành nơi mình không do tự sức mình nhưng do ơn Chúa” (TL, Lời mở, 29), để sửa trị bản thân mình cho đáng, để có thể trở nên thánh thiện như Chúa Giêsu đã truyền: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).

 

Có rất nhiều điều cần phải nói về Đức khiêm nhường. “Lòng kính sợ Thiên Chúa” nơi bậc khiêm nhường thứ nhất vẫn còn khá tổng quát đối với mỗi người chúng ta. Để có thể vận dụng cách cụ thể hơn, thực tiễn hơn, ta cần tâm niệm các bậc khiêm nhường khác nữa trong mười hai bậc khiêm nhường đã được nêu trong Tu luật thánh Biển Đức (x. TL, 7).

 

Hành động bên ngoài không nói cho ta biết rằng ta khiêm nhường. Trải nghiệm cuộc sống ít nhiều cũng giúp ta nhận biết giới hạn nơi bản thân mình, nhưng thường cũng chỉ dừng lại ở chỗ thích nghi với cuộc sống xã hội xô bồ chứ không phải là nhân đức. Thế nhưng, sự thông suốt trong nhận thức và việc hằng tâm niệm trong lòng về giới hạn của bản thân mỗi người, ít nhất sẽ giúp ta đặt bước chân đầu tiên vào Đức Khiêm Nhường thật. Ước chi nhờ đó ta cùng thánh phụ Biển Đức, luôn đặt trước mắt lòng kính sợ Thiên Chúa, khiêm nhường nhìn nhận tội lỗi nơi bản thân, để biết tri ân và chúc tụng Chúa trong mọi sự. Ước gì lời mời gọi nơi Tv 117 trở thành hiện thực trên toàn thế giới: “Muôn nước hỡi, nào ca ngợi Chúa, ngàn dân ơi, hãy chúc tụng Người!”

 

 

 

“LUÔN ĐẶT TRƯỚC MẮT LÒNG KÍNH SỢ THIÊN CHÚA

 

 

 

M. Clemens Nguyễn Quốc Ngư

 

Con người đang sống trong xã hội không ngừng phát triển với đầy đủ tiện nghi, từ đó có những cánh cửa khác nhau mở ra làm cho con người nói chung và đan sĩ nói riêng, nghĩ rằng tự mình có thể thành công trong tất cả mọi sự. Vì thế, con người trở nên kiêu ngạo, tự cho mình biết được mọi sự. Từ đó, đời sống thiêng liêng đi xuống. Bởi thế, thánh Biển Đức muốn cho con cái mình chống lại được sự kiêu ngạo đó là đức khiêm nhường. Đức khiêm nhường đầu tiên ngài nói trong chương số 7 là “luôn đặt trước mắt lòng kính sợ Thiên Chúa”. Đó là lời dạy của thánh nhân muốn nhắc nhở chúng ta luôn luôn nhớ kính sợ Thiên Chúa với lòng yêu mến Chúa bằng cả lý trí, ý chí và hành động của mình với lòng tin tưởng. Vậy lòng kính sợ là gì? Nó khác sự kiêu ngạo như thế nào?

 

Kính sợ là lòng tôn kính, ngưỡng mộ, kính trọng, biết ơn và sợ làm buồn lòng người mình tôn kính. Sự kính sợ mang đến cảm xúc và hành động tích cực khác với những cảm xúc tiêu cực của sự sợ hãi.

 

Còn kiêu ngạo là luôn cho bản thân mình tài giỏi hơn người khác trong mọi khía cạnh, từ đó có thái độ coi thường những người xung quanh.

 

Vì thế, ý nghĩa lời dạy của thánh Biển Đức muốn cho ta biết hãm dẹp sự kiêu ngạo của mình và kết hiệp với Chúa.

 

Theo Nietzsche, khiêm nhường là một sự dối trá táo tợn của những kẻ nhu nhược biến hóa một cách khéo léo hèn nhất của họ thành bộ dạng nhân đức. Còn đối với Freud, khiêm nhường là một thứ khoái cảm thích bị hành hạ vì tội lỗi. 

 

Khác với các triết gia vô thần, một nhà hiền triết Ba Tư khẳng định: “Khiêm nhường là bằng chứng về những phúc lộc ny sinh từ lòng kính sợ Chúa. Viện phụ Gioan Clobos dạy: “Khiêm nhường và kính sợ Chúa vượt trội hơn mọi nhân đức khác”. Sách Châm Ngôn có câu: Chúa chế giễu đứa vênh vang tự dắc, nhưng thi ân cho kẻ khiêm nhường (Cn 3,34). Vịnh gia cũng đã thốt lên: “Lòng con chẳng dám tự cao, mắt con chẳng dám tự hào Chúa ơi. Đường cao vọng chẳng đời nào bước, việc diệu kì vượt sức chẳng cầu” (Tv 131,2).

 

Kính sợ Thiên Chúa không phải là một ý niệm trừu tượng, hay một kiến thức đạo đức, nhưng là một kinh nghiệm sống động đang có tại đây và ngay bây giờ (x. Gl 2,20). Với sự kính sợ, ta luôn đặt cuộc sống của mình dưới cái nhìn của Chúa, giúp ta học biết được những gì xảy đến cho ta đều đi qua trước mắt Chúa và nằm trong chương trình cứu độ của Ngài. Ngài nói: “Chúa dò thấu lòng dạ ta”.  Lại rằng: “Chúa biết rõ tư tưởng con người”. Ngôn sứ lại nói: “Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa”.  Sống dưới cái nhìn của Chúa tức là chấp nhận sống theo một ý nghĩa vượt quá sự hiểu biết của ta, vượt xa ý nghĩa ta muốn có cho đời mình.

 

Từ việc luôn đặt mình dưới cái nhìn của Chúa, ta được giải phóng khỏi ách nô lệ: “Ta đã đưa ngươi ra khỏi Ai cập, khỏi cảnh nô lệ” (Đnl 5,6). Chính lời đầu tiên cũng chứa đựng giới răn thứ nhất của Lề luật: “Chính đức Chúa thiên Chúa của anh em là Đấng anh em phải kính sợ, chính Ngài là Đấng anh em phải phụng thờ.... Anh em không được theo những thần khác” (Đnl 6,13-14). Từ điều răn thứ nhất  giúp cho ta trung thành và sống xác tín hơn với ba nhân đức đối thần. Vậy, kính sợ Chúa làm cho ta trở nên nhút nhát, sợ hãi và trở nên con người thụ động chăng?

 

Việc luôn đặt mình  kính sợ Chúa  không làm cho ta trở nên  sợ hãi, nhút nhát, cũng không làm cho ta trở nên yếu đuối. Sự kính sợ Chúa cho ta sức mạnh. Khi chúng ta kính sợ Chúa, thì không phải sợ bất kì điều gì khác: “Ai kính sợ Đức Chúa sẽ không gặp tai ương, có bị cũng thoát khỏi” (Hc 33,1). Sự kính sợ Chúa dẫn đến sự sống, cho người ta ăn no ngủ k, mọi tai ương không đến thăm” (Cn 19,23). Vì thế, kính sợ Chúa dẫn ta tới với Ngài với lòng khiêm nhường, ngoan ngoãn và vâng phục. Nhưng không phải với thái độ chịu trận và thụ động hay than vãn, mà với sự kinh ngạc và niềm vui, niềm vui của một người con nhận ra rằng mình được Thiên Chúa yêu thương. Như vậy, sự kính sợ Thiên Chúa không khiến cho chúng ta trở thành những đan sĩ nhút nhát, lụy phục, nhưng làm nảy sinh ra trong chúng ta lòng can đảm và sức mạnh. Nó là một ơn khiến cho chúng ta là các đan sĩ xác tín, hăng say, không vâng phục Chúa vì sợ hãi, nhưng bởi vì cảm động và bị chinh phục bởi tình yêu của Người. Đó là tâm trạng của con thơ vừa yêu, vừa sợ, vừa tin tưởng, vừa tôn kính cha mẹ (x. Kn 20,12; 1Pr 2,17). Thánh Gioan tông đồ trong thư thứ nhất nhấn mạnh rằng: “Tình yêu trọn hảo thì đẩy lui sự sợ hãi” (1Ga 4,18), bao lâu còn tình yêu bất toàn thì sự kính sợ vẫn còn cần thiết. Thánh Phaolô viết cho các tín hữu Philipphê như sau: “Anh em thân mến, anh em là những người luôn luôn vâng phục không những khi tôi có mặt, mà nhất là bây giờ, khi tôi vắng mặt, anh em hãy biết run sợ mà gắng sức lo sao cho mình được cứu độ” (Pl 2,12).

 

Chúa chúc phúc cho  những ai có lòng kính sợ Ngài. Vịnh gia ca lên: “Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Ngài. Công khó tay bạn làm bạn hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may” ( Tv 128,1-2). Theo thánh Thomas Aquino, ơn kính sợ tương ứng với chân phúc thứ nhất: “Phúc cho người nghèo trong tinh thần, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3). Những người luôn đặt mình trước sự kính sợ Chúa thì được ban cho sức mạnh và được sống trong sự nâng đỡ, chở che. Tuy nhiên vẫn còn những người không có lòng tin vì kiêu ngạo và cho rằng “làm chi có Chúa trời? Vì thế, họ đã bị Chúa chúc dữ. Tại sao thế? Bởi vì, “đầu mối của kiêu ngạo là tội lỗi, vì nó mà Chúa gửi gian truân và tiêu diệt chúng hoàn toàn” (Hc 10,13). Chúa Giêsu đã dùng lời  “khốn cho các ngươi” để nói đến những người có tai mà không mở ra để lắng nghe lời của Ngài rao giảng mà sám hối.

 

Tóm lại, đức khiêm nhường với sự kính sợ Chúa có liên quan một cách tự nhiên. Chúng thực sự không thể tách rời, vì cái này tạo ra cái kia. Tinh thần khiêm nhường là một đặc tính không thể thiếu của một cuộc sống tin kính Chúa. Chính trong sự ăn năn, người có tội được gặp gỡ Thiên Chúa đầu tiên, và bước vào sự hòa giải với Ngài. Niềm kiêu hãnh không thể ở chung với tấm lòng kính sợ Chúa là điều mang đến cho chúng ta sự giàu có, tôn trọng và cuộc sống sung túc. Thánh Phaolô nhắc nhở cho chúng ta khi tự hào về bất cứ thành công gì mình đạt được: “Ai tự hào thì tự hào trong Chúa”.

 

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á