ƠN GỌI

ĐAN SĨ XITÔ THÁNH GIA SỐNG SỰ BÌNH AN THEO LỜI GIÁO HUẤN CỦA CHA BIỂN ĐỨC THUẬN (1880-1933)

Đan sĩ là con người theo chân Chúa Kitô, và trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài. Vì vậy đan sĩ cũng phải là con người của niềm vui, cảm nhận được niềm vui trong cuộc đời đan sĩ, để đem niềm vui cho người khác, là đang xây dựng bình an trên tình huynh đệ. Chúng ta cảm thấy hạnh phúc khi vào dòng và trở thành “một thầy dòng thật” như lời Cha Tổ Phụ.

 

 

ĐAN SĨ XITÔ THÁNH GIA SỐNG SỰ BÌNH AN

THEO LỜI GIÁO HUẤN CỦA CHA BIỂN ĐỨC THUẬN

(1880-1933)

 

 

 M. Oscar Vũ Ngọc Anh Tú

 

DẪN NHẬP

 

Mỗi người chúng ta đã mang thân phận con người, ai cũng muốn có cuộc sống bình an hạnh phúc. Đã vào đời, ai cũng ước một đời không đau khổ bất hạnh. Trong ngôn ngữ thường ngày, bình an hạnh phúc luôn được đề cao, được trình bày như một đích tới, một ước mơ, một thao thức, một kỳ vọng. Bình an và âu lo lúc nào cũng bám lấy và ám ảnh đời sống con người từ lúc sinh ra cho đến khi nhắm mắt. Con người luôn mơ ước cuộc sống của mình được bình an, bản thân bình an, gia đình bình an, xóm làng bình an, đất nước bình an, tuổi thơ bình an, tuổi trẻ bình an, tuổi già bình an, nghèo nhưng bình an…Tính từ bình an không ngừng vang vọng và thúc đẩy con người lên đường và hăng say tìm kiếm sự bình an. Lời chúc bình an rất quen thuộc với chúng ta. Khi đi xa chúng ta mong được thượng lộ bình an; khi gặp đau khổ, ta ước có được tâm hồn bình an; khi người thân sắp lìa cõi thế, chúng ta cầu nguyện cho họ được ra đi bình an; khi đối diện với hiểm họa chiến tranh, chúng ta luôn mong ước thế giới được bình an. Sự bình an đã trở nên yếu tố quan trọng và cần thiết cho đời sống con người. Sự bình an đã làm cho con người thêm niềm hy vọng trước tất cả những điều con người trông chờ. Lời cầu chúc bình an không còn là kiểu nói chỉ mang tính xã giao, mà nó là điều ước của mỗi người. Thật tuyệt vời khi chúng ta hiểu được ý nghĩa sự bình an. Chính những điều ấy đã làm cho chúng ta cảm nhận được sự bình an, không phải là sự bình anh chóng qua, mà đó là sự bình an đích thực mà chính Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch sự bình an mang lại. Trong sự suy tư đó, xin được đưa ra một vài khái niệm về sự “bình an” theo cách hiểu thông thường của con người, bình an theo Kinh Thánh, bình an theo lời giáo huấn của vị Tôn Sư là cha Biển Đức Thuận, Đấng sáng lập Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam.

 

I. KHÁI NIỆM

 

Ai cũng muốn bình an và có thể nghĩ xa xôi, nhưng đôi khi bình an lại là điều rất đơn giản.

Bình an là sự quan tâm của mỗi người, cho dù họ sống ở phương Tây, phương Đông, miền Nam hay miền Bắc. Dù giàu hay nghèo, mọi người đều có sự quan tâm thật sự, đó là làm sao có được sự an lạc và đời sống hạnh phúc.

1. Theo Từ Điển Tiếng Việt: Bình an là một tính từ, mang ý nghĩa là: Yên ổn, an khang[1]. Ví dụ: Chúc thượng lộ bình an.

2. Theo Từ Điển Công Giáo, Bình: yên ổn; an: êm đềm. Bình an: yên ổn, vô sự.

Bình an có gốc Do Thái là שָׁלוֹם (shalom) có nghĩa là sự an lạc, hạnh phúc, ơn cứu độ, còn tiếng là tiếng người Do Thái thường chào chúc nhau. Bình an là sự an lạc con người được hưởng khi sống tốt tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân, với chính mình, và với thiên nhiên. Như thế bình an không chỉ là không có chiến tranh xung đột, bình an còn bao gồm sức khỏe, thịnh vượng, hạnh phúc, an ninh (Lv 26,3-7).

Theo Cựu Ước, bình an là quà tặng của Thiên Chúa ban cho những ai đặt niềm tin vào Ngài (Is 66,12; Tv 35,27; 89,9). Bình an là đặc điểm và cũng là dấu chỉ của thời đại Đấng Messiah (Is 9,5-6; 11,1-9).

Theo Tân Ước, Chúa Giêsu là Đấng ban bình an (Ga 14,27). Bằng cái chết trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự hận thù, hòa giải loài người với Thiên Chúa và với nhau (Ep 2,14-17; Cl 1,20). Người công bố những ai xây dựng bình an là con của Thiên Chúa, (Mt 5,9).

Bình an còn là hồng ân Thiên Chúa ban và là hoa trái của Thánh Thần (Ga 13,33; Gl 5,22), nhưng cũng là trách nhiệm của con người (Rm 12,18). Sự bình an nội tâm của mỗi người là nền tảng của sự bình an trong gia đình, trong xã hội và trên thế giới. Trên bình diện tập thể, bình an chỉ thực sự thể hiện trên sự thật, được xây dựng trên công lý, được linh hoạt bởi tình yêu và được hoàn thiện trong tự do[2].

 

II. SỰ BÌNH AN THEO KINH THÁNH

 

Với ngày đầu tiên của năm dương lịch (01/01), Giáo hội dành để cầu nguyện cho hòa bình thế giới (bình an). Trong nền văn hóa Do Thái, từ bình an cũng đồng nghĩa với hòa bình và được sử dụng rất nhiều. Họ chào chúc sự bình an mỗi khi gặp nhau hoặc chia tay nhau. Ngoài nghĩa thông thường, bình an còn mang một số nghĩa khác nữa: hoàn thành, toàn thể, hòa hợp, viên mãn. Đối với văn hóa Việt Nam, bình an cũng có nghĩa là hòa bình. Tuy nhiên, cách thông thường, bình an được sử dụng để diễn tả tình trạng nội tâm cá nhân, còn hòa bình thì diễn tả tương quan giữa người với người, cũng như các hình thức tập thể khác nhau.

Con người vốn khao khát hòa bình. Nhưng nhiều khi họ không hiểu biết bản tính của điều thiện hảo, mà họ hết lòng mong ước, những con đường họ theo, để tìm kiếm hòa bình, an lạc. Không phải lúc nào cũng là những đường lối của Thiên Chúa. Vì vậy, chúng ta phải học hỏi qua dòng lịch sử cứu độ, để biết đâu là con đường trong việc tìm kiếm bình an đích thực, để lắng nghe Thiên Chúa công bố bình an ấy trong Đức Giêsu.

1. Hòa bình hay bình an theo Thánh Kinh, không phải chỉ là hiệp ước tạo nên sự yên ổn, cũng không phải thời bình, đối nghịch với thời chiến.

2. Bình an hạnh phúc: Ngày đầu xuân, người ta thường trao chúc nhau sự bình an, đã làm người dù thuộc tầng lớp nào trong xã hội, cũng luôn khao khát bình an. Chính vì thế thánh Augustine xác quyết: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con và lòng con khắc khoải cho tới khi được an nghỉ trong Chúa”. Không chỉ người sống mới cần sự bình an, người chết cũng cần bình an. Vì vậy, trong những lời nguyện, cầu cho tín hữu đã qua đời, chúng ta luôn thấy cụm từ: “Xin cho tín hữu này được nghỉ ngơi bình an muôn đời.” Trong nhãn quan Kitô giáo, tâm hồn bình an là trạng thái của con người dồi dào ân sủng Thiên Chúa và bình an đáng mong đợi nhất là ơn cứu độ vĩnh cửu của Ngài. Abraham chết trong tuổi già hạnh phúc và trường thọ (St 25,8), ông ra đi trong sự bình an (St 15,15; Lc 2,29). Sau cùng hòa bình là sống hòa hợp trong tình huynh đệ (Tv 41,10).

3. Bình an và lời chào hỏi: Khi trao chúc bình an cho nhau, họ trao nhau tất cả điều lành vật chất lẫn tinh thần trong lời chúc bình an. Người ta dâng hy lễ giao hòa, biểu thị sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và loài người (Lv 3,1).

4. Bình an và công chính: chắc chắn bình an là điều thiện thì đối nghịch với điều thiện là sự ác (Cn 12,20; Tv 28,3; Tv 34,15). Tâm hồn người ác thì chắc hẳn không bình an. Còn nơi người sống công chính, người an bình thường có một hậu duệ nối dõi (Tv 37,37). Người sống cuộc đời công chính thì vui hưởng sự bình an: ngủ yên giấc, sống bình an, đông con, nhiều cháu, họ được tất cả những thứ đó vì có Thiên Chúa phù trợ họ (Lv 26,1-13).

5. Bình an được viên mãn nơi Đức Giêsu: Nơi Đức Giêsu, vì trong Ngài và qua Ngài, tội lỗi đã bị thất bại. Nhưng bao lâu tội lỗi chưa chết hẳn trong lòng mọi người, bao lâu Chúa chưa giáng lâm trong ngày sau hết, sống bình an tại thế vẫn luôn là một ân phúc (Is 32,17). Đó là sứ điệp mà thời Tân ước loan báo.

a. Trong Tin mừng Luca, tác giả đã vẽ lại vị Vua Hòa Bình. Khi sinh ra, các thiên thần loan báo bình an cho người Chúa thương (Lc 2,14). Nơi Đức Giêsu, lời chúc bình an trần thế trở thành lời loan báo ơn cứu độ (x. 8,48; 7,50). Ngài đánh dấu quyền năng của Ngài trên bệnh tật và tội lỗi.

b. Qua lời chào hỏi trong các thư thánh Phaolô: thánh nhân thường nối kết “ân sủng với bình an”. Như vậy thánh nhân xác nhận nguồn gốc và tinh chất của bình an đến từ Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu và hòa bình (2 Cr 13,11).

c. Trong Tin mừng Gioan: Bình an là kết quả của hy tế Đức Giêsu (Ga 16,33). Khi lòng các môn đệ xao xuyến vì sắp lìa xa Thầy mình, Đức Giêsu trấn an các ông: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con” (Ga 14,27). Khi phục sinh, Đức Giêsu sẽ ban Thánh Thần và quyền năng trên tội lỗi cùng với bình an của Ngài (Ga 20,19-23)[3].

 

III. SỰ BÌNH AN THEO LỜI GIÁO HUẤN CỦA CHA BIỂN ĐỨC THUẬN

 

1. Đôi nét tiểu sử Cha Biển Đức Thuận

 

Cha Biển Đức Thuận - Henri Denis Benoît, sinh ngày 17/8/1880 trong một gia đình bình dân, cha mẹ làm nghề làm bánh mì, tại Pháp quốc.

Ngài thụ phong Linh mục ngày: 07/3/1903, thuộc Hội Thừa Sai Paris.

Ngày 29/4/1903 cha Henri Denis, cùng với 13 thừa sai khác cử hành nghi thức lên đường truyền giáo. Cha nhận bài sai đến Địa phận Huế.

Ngày 31/5/1903 đã đến Đà Nẵng, vị Đại diện Tông Tòa Địa phận Huế, lúc bấy giờ là Caspar Lộc, đặt tên Việt cho cha là Cố Thuận, được gửi đến Giáo xứ Kim Long để học Tiếng Việt.

Ngài khởi sự đời đan tu năm 1918.

Ngày 15 tháng tư 1918, Đức Cha Lý đã gửi đến Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ Truyền giáo “Thư thỉnh nguyện xin thành lập một cộng đoàn cho nam giới”. Ngày 14 tháng tám năm ấy, cha Denis Thuận cùng với một người bạn đồng hành duy nhất đi đến Phước Sơn và hôm sau, lễ Đức Mẹ lên trời, ngài dâng thánh lễ đầu tiên và bắt đầu đời sống đan tu tại đó. Đan viện mang tên “Nhà Dòng Đức Bà Việt Nam.

Cha Biển Đức Thuận qua đời ngày 25/7/1933 tại Phước Sơn, Quảng Trị. Ngài về với Chúa nhưng đã để lại một gia sản thiêng liêng to lớn cho con cái của ngài. Gia sản thiêng liêng đó được ngài truyền cho các môn sinh qua gương sống, sự thánh thiện và lời dạy. Một trong những gia sản thiêng liêng ấy chính là phương thế sống bình an trong đời đan tu chiêm niệm. Sự bình an mà ngài muốn các môn sinh của ngài có được đó chính là bình an của Đức Giêsu, hay nói đúng hơn sự bình an đó là chính Đức Giêsu. Để có sự bình an là chính Đức Giêsu, Cha Biển Đức Thuận dạy các môn sinh thực hiện những phương thế sau.

 

2. Phương thế xây dựng sự bình an theo Cha Biển Đức Thuận

 

a. Sống kết hiệp với Chúa

Chúng ta càng kết hợp với Chúa, chúng ta càng trở nên giống Ngài. Kết hợp với Chúa là trở nên một với Ngài trong tâm trí, trái tim và ý chí trong mọi lúc. Không bao giờ muốn bị tách rời khỏi Thiên Chúa, hay làm bất cứ điều gì trái với ý muốn của Ngài. Điều này chính Cha Biển Đức Thuận từng khuyên bảo con cái: “Chúng ta phải lo sống kết hợp với Chúa. Mọi việc chúng ta làm vì Chúa, làm cho Chúa, chi cũng làm cho Chúa hết. Như vậy, chúng ta mới nếm được sự bình an của Chúa” (DN 107). Cha Biển Đức Thuận đã cảm nghiệm sâu sắc và sống lời Tu Luật thánh phụ Biển Đức dạy: “Không lấy gì làm hơn Chúa Kitô” (TL 72,4). Sự kết hiệp này còn liên quan đến các khía cạnh khác nhau. Khía cạnh đầu tiên là hồi tâm, yên lặng để hiện diện với Chúa, Đấng luôn hiện diện với ta. Căng thẳng, lo ra, chia trí là những trở ngại cho sự hiệp thông với Chúa. Ngày nay, chúng ta sống trong một xã hội văn minh đầy tiếng ồn, với đủ loại thông tin gây phiền toái. Những điều này làm ta khó có thể thật sự hiện diện với Thiên Chúa. Nhịp sống hiện nay chúng ta chạy theo những thành quả của công việc, làm sao để có năng suất cao. Vì vậy chúng ta, hay phải hoàn thành một số công việc, nếu không chúng ta cảm thấy như không sinh lợi ích gì hoặc lãng phí thời gian. Điều này nhắm đến “làm việc” hơn là “hiện hữu”, làm cho chúng ta khó thảnh thơi, tâm hồn thiếu bình an, để hồi tâm nguyện gẫm với Chúa được.

Ước muốn được kết hợp với Chúa phải được thể hiện qua lời cầu nguyện, trong cầu nguyện chúng ta nâng tâm hồn lên cùng Chúa, dành thời gian cho Chúa, ở với Chúa, lắng nghe Chúa nói trong tâm hồn chúng ta. Sự kết hợp này bao gồm việc tìm kiếm và làm theo ý Chúa, là làm đẹp lòng Chúa. Khi kết hợp với Chúa là ta chấp nhận thánh ý Chúa. Làm vui lòng Chúa trong tất cả việc mình làm. Khi chúng ta kết hợp mật thiết với Chúa, Ngài sẽ thêm ân sủng giúp chúng ta chu toàn bổn phận hàng ngày.

 

b. Yêu thương anh em

“Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau” (Tv 133,1). Khi xây dựng đời sống cộng tu cho người Việt Nam, cha Biển Đức Thuận muốn con cái ngài phải thương yêu nhau, dù biết rằng đã là con người thì đôi khi cũng có những xích mích trong đời sống cộng đoàn. Nhưng yêu thương nhau còn là lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Anh em hãy yêu thương nhau”. Ngài đến thế gian để nhóm lửa yêu thương trên mặt đất và Ngài mong mỏi ngày đêm cho lửa ấy cháy lên. Ngài đã truyền cho các môn đệ điều răn mới là hãy yêu thương nhau như Ngài đã hết lòng yêu mến họ. Điều cốt yếu trong giới răn của Chúa đã được chính Chúa Giêsu xác định rõ ràng như sau: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau” (Ga 12,34). Ngài còn xác định luôn cả mức độ yêu: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Như vậy câu nói của Chúa Giêsu: “Nếu anh em yêu mến Thầy anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy” có nghĩa là: “Nếu anh em yêu mến Thầy thì anh em phải thương yêu nhau”. Nói khác đi, ai yêu thương những người thân cận hay những người chung quanh mình mới là người thật sự yêu mến Thiên Chúa. Cha Biển Đức Thuận, một con người giàu lòng yêu mến Chúa, thể hiện qua việc yêu mến anh em khi ngài giáo huấn con cái ngài: “Vậy, chúng ta hãy yêu thương nhau, hãy giúp nhau, hãy gánh đỡ gánh nặng cho nhau, hãy nhịn nhục nhau khi lầm lỗi, lấy đức yêu thương mà che đậy nết xấu nhau, đừng xét nét anh em khi không phải việc mình, vì sự ấy đã có bề trên và các người coi sóc…” (DN 122).

 

c. Xây dựng tình huynh đệ

Một trong những khía cạnh khác của đời sống con người trong mối tương quan với người khác đó là tình huynh đệ. Chúng ta không ngừng nói về tình huynh đệ và nó cũng được định nghĩa theo nhãn quan riêng của từng người hay từng nhóm người. Tình huynh đệ có thể được xem là đời sống tình cảm trong lòng của một gia đình; tình huyng đệ cũng có thể được xem như một mối quan hệ của con người vượt qua ranh giới của mối quan hệ ruột thịt. Đó là tình huynh đệ cộng đoàn. Cha Biển Đức Thuận có kinh nghiệm rằng đời sống cộng đoàn đôi khi không tránh khỏi những va chạm, vì vậy ngài thường giáo huấn con cái của mình là trong mọi việc phải xét ý lành cho anh em: “Chúng ta xét về ý lành thì có ích luôn. Ai hay xét trái cho anh em, thì tự chứng tỏ mình là kẻ xấu: mình xấu nên cũng ngờ người ta xấu như mình…” (DN 124). Thật vậy, nền tảng của tình huynh đệ là những yếu tố làm nên đời sống huynh đệ đa dạng. Đời sống huynh đệ là những gì mà các cộng đoàn nhân loại tìm kiếm.

 

d. Sống khiêm nhường

Khiêm nhường là yêu sách hàng đầu của đời tu. Chính thánh phụ Biển Đức đã đặt khiêm nhường là nền tảng cho đời đan tu. Ngài đã dành một chương đặc biệt (chương 7) trong Tu luật để nói về Đức khiêm nhường. Còn cha Tổ Phụ cũng luôn xác tín: “Đức khiêm nhường là nền tảng đời sống Kitô hữu. Kẻ khiêm nhường thì được Chúa thương và ban muôn ơn lành. Vậy chúng ta nghe sự khiêm nhường là ưng muốn ở bậc Chúa muốn” (DN 124). Khiêm nhường là chấp nhận mình như ý Chúa muốn, mọi biến cố như Chúa muốn đã xảy ra trong quá khứ, trong hiện tại hoặc có thể diễn ra trong tương lai, nghĩa là không bận tâm về những gì đã, đang và sẽ xảy ra. Như lời thánh Teresa Avila nói: “Ai có giây phút hiện tại, là có Chúa. Vậy ai có giây phút hiện tại, là có tất cả. Giây phút hiện tại là đủ… đừng để sự gì làm xao xuyến tâm hồn”.

 

e. Giữ Luật Dòng

Đời sống xã hội của chúng ta bị chi phối bởi pháp luật. Thật vậy, bất cứ thời nào hay tôn giáo nào, xã hội nào cũng cần phải có luật lệ. Người ta sống cư xử với nhau thường dựa trên luật. Đối với Do Thái giáo từ thời Cựu ước, Lề luật đã được Thiên Chúa thiết định cho Israel qua ông Moses, được ghi lại trong các sách Luật, buộc con cái Israel phải tuân giữ. Nhưng điểm chủ yếu của Lề luật vẫn luôn là yêu mến Thiên Chúa (Đnl 6,1-13). Thế nên khi Chúa Giêsu đến, Ngài không bãi bỏ nhưng kiện toàn Lề luật và thực thi luật cách thiết thực hơn: “Thầy đến không phải để bãi bỏ nhưng là để kiện toàn”. Ngài làm cho luật được nên trọn hảo, đặt nền tảng trên yêu thương. Còn với Cha Biển Đức Thuận, luật yêu thương còn là giữ luật dòng: “Phải nên thầy dòng thật, bằng không chỉ là phỉnh dối người ta…Vậy chúng tôi hãy lo nên thầy dòng thật. Chớ để sự họ tin cậy chúng tôi ra vô ích. Viêc bổn phận của chúng tôi là cầu nguyện hãm mình. Muốn nên thầy dòng cầu nguyện hãm mình, thì hãy giữ luật dòng và ý bề trên cho kỹ và kết hợp cùng Chúa…” (DN 134). Giữ luật dòng còn là yêu thương anh em, là chu toàn bổn phận. Cha Biển Đức nhắn nhủ: “Cái đạo ăn chay, cái đạo đánh tội, cái đạo chầu Thánh Thể, các đạo ấy dễ mà không chắc chi; còn cái đạo yêu thương anh em, đạo ấy chắc là đạo thật” (DN 112). Ngài luôn thao thức việc nên thánh là giữ luật dòng: “Nên cha nói, chúng ta muốn nên thánh thì phải giữ luật dòng thì đủ, giữ cho trọn vẹn vì lòng mến Chúa. Không phải vì sợ mắt bề trên, hay con mắt anh em… Hãy giữ luật dòng vì lòng mến Chúa, vì muốn đẹp lòng Chúa…” (DN 137).

 

KẾT LUẬN

 

Vậy sống bình an theo lời giáo huấn của cha Tổ phụ Biển Đức Thuận không gì khác hơn là:

Sống sự kết hợp với Chúa với một tâm hồn đầy Chúa, chính khi đó ta mới có lòng yêu thương anh em, chấp nhận anh em với những khác biệt, dị biệt để cùng nhau xây dựng tình huynh đệ. Để làm được điều đó ta phải luôn có một thái độ khiêm nhường, loại bỏ đi cái tôi ích kỷ, để đón nhận tất cả. Khi làm được như vậy chúng ta mới giữ luật dòng cho đúng nghĩa. Đan sĩ là con người theo chân Chúa Kitô, và trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài. Vì vậy đan sĩ cũng phải là con người của niềm vui, cảm nhận được niềm vui trong cuộc đời đan sĩ, để đem niềm vui cho người khác, là đang xây dựng bình an trên tình huynh đệ. Chúng ta cảm thấy hạnh phúc khi vào dòng và trở thành “một thầy dòng thật” như lời Cha Tổ Phụ. Cuộc đời thật có ý nghĩa khi anh em cùng theo đuổi một lý tưởng là Nước Trời mai hậu. Chúng ta cảm thấy hạnh phúc vì bên cạnh mình, vẫn còn có những anh em cùng đồng hành, chia sẻ lý tưởng với mình. Đó là niềm vui của tình huynh đệ, là bình an của những con cái cha Biển Đức Thuận.

Cuộc sống của mỗi người là hạnh phúc hay đau khổ tùy thuộc vào từng suy nghĩ, lời nói, việc làm của mình. Có những ngày thức giấc, chúng ta muốn cùng thọ tạo cất lời ca ngợi Đấng Tạo Hóa; và khi chiều về lòng ta hân hoan, cất lên lời tạ ơn. Nhưng cũng có không ít ngày chúng ta chán chường, bởi trong lòng mất niềm tin tưởng, bế tắc trước những khó khăn, áp lực, thử thách… Khi đó ta mất đi cảm giác bình an. Chỉ có đời sống cầu nguyện thực sự, kết hiệp với Chúa một các sâu xa và yêu thương anh em đậm đà, ta mới tìm thấy sự bình an, nơi đó chỉ mình ta với Chúa và có sự đồng hành của anh em. Đối diện với Đấng Tạo Hóa, ta thấy mình đầy khuyết điểm mong manh bất toàn, không làm được gì nếu không có ơn Chúa trợ giúp. Khi nào ta ý thức được thân phận mình bất toàn, yêu đuối, mong manh...ta hoàn toàn phó thác vào tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa là ta có bình an rồi. Vấn đề là ta có khiêm tốn nhìn nhận thân phận bất toàn của chúng ta hay không?

 

 

 

Tài liệu tham khảo:

1. Kinh Thánh, Bản dịch của Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Nxb Tp. HCM, 1999.

2. Tu luật Cha Thánh Biển Đức

3. HĐGMVN, Từ điển Công giáo, Nxb Tôn Giáo, 2016.

4. Vĩnh Tịnh, Từ điển Tiếng Việt, Nxb Lao Động, 2006.

5. LM. Lê văn Đoàn, Di ngôn cha Biển Đức Thuận, Lưu hành nội bộ, PS 2018.

6. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/duc-giesu-kito-duong-binh-an-41225s

 

 

 __________________________________________

 

[1] VĨNH TỊNH, Từ điển Tiếng Việt, Nxb Lao Động, 2006, tr 111.

[2] HĐGMVN, Từ điển Công giáo, Nxb Tôn Giáo, 2016, tr 84.

[3] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/duc-giesu-kito-duong-binh-an-41225s

 

 

Thiết kế Web : Châu Á