LỜI CHÚA

Tin Mừng CN VIII PS - Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống: «GIÓ & LỬA»

Trong văn hóa của người Do thái thời Cựu Ước, gió được diễn tả bằng hạn từ giống cái “ruah”, ám chỉ sự êm dịu và sức mạnh của Đấng ban sự sống. Cũng như gió, lửa cũng là hình ảnh được sử dụng nhiều trong truyền thống Thánh kinh, điển hình như trong trình thuật về giao ước Sinai, khi Thiên Chúa xuất hiện trước mặt toàn dân trong đám lửa (Xh 19,18).

 

«GIÓ & LỬA»

(Cv 2,1-11; 1Cr 12,3b-7. 12-13; Ga 20,19-23)

 

Quốc Vũ

 

Cũng như ngày lễ Chúa Hiển Linh là cột mốc kết thúc chu kỳ phụng vụ mùa Giáng Sinh, thì Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống chính là cao điểm và kết thúc cho mầu nhiệm Phục Sinh, không chỉ gói gọn trong nghĩa suy niệm về mầu nhiệm Chết và Sống lại của Đức Kitô, mà mỗi tín hữu và toàn thể Giáo Hội được đưa vào trong kinh nghiệm của việc chết đi cho tội lỗi để được tái sinh trong đời sống mới. Đó là ân huệ của Thánh thần, tác động và làm cho việc cử hành Thánh Thể trở nên sống động và cụ thể nơi mỗi người chúng ta mầu nhiệm Phục Sinh. Bởi chính Chúa Thánh Thần liên kết mọi tín hữu trở thành một cộng đoàn phục sinh trong Đức Kitô.

 

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay soi sáng cho ta hiểu thêm về mầu nhiệm Hiện Xuống của Chúa Thánh Thần.

 

Bài đọc I, với đoạn sách Công vụ Tông đồ, thánh Luca thuật lại biến cố các ân huệ Thánh Thần tràn đổ xuống trên Giáo Hội trong ngày lễ Ngũ Tuần theo truyền thống Do thái: «Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đẩy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. rồi họ thấy xuất hiện những hình giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều đầy tràn ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho» (cc. 1-5).

 

Trong thời Đức Giêsu, lễ Ngũ Tuần có hai ý nghĩa. Đó là ngày người Do thái cử hành lễ tạ ơn vì Thiên Chúa đã ban cho mùa màng, hoa trái tốt tươi sau 50 ngày vun trồng với nắng sớm mưa chiều; đồng thời cũng là lễ tưởng niệm ngày Thiên Chúa thiết lập giao ước mới với dân Israel qua luật Môsê trên đỉnh núi Sinai. Với hai ý nghĩa này, đoạn sách Công vụ trên soi sáng cho ta hiểu rằng Lễ Ngũ Tuần là ngày khai sinh của Giáo Hội và chính Chúa Thánh Thần là hoa trái của mầu nhiệm Phục Sinh ban cho Giáo Hội, sau 50 ngày, nhằm nuôi dưỡng đức tin của người tín hữu, qua việc lắng nghe và đón nhân Lời Chúa và tham dự nghi lễ Bẻ Bánh Thánh Thể, như là dấu chỉ thiết thực của mối dây liên kết trong giao ước với Thiên Chúa nhờ Đức Kitô.

 

Nhằm cho ta hiểu thêm điều gì đã xảy ra trong biến cố Ngũ Tuần, thánh Luca dùng hai hình ảnh để diễn tả là: Gió và Lửa.

 

1. Gió: Trong văn hóa của người Do thái thời Cựu Ước, gió được diễn tả bằng hạn từ giống cái “ruah”, ám chỉ sự êm dịu và sức mạnh của Đấng ban sự sống. Gió như là Thánh Thần, là nguồn sự sống. Hình ảnh này ta đã thấy trong trình thuật Sáng Thế, khi: «Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi Sinh Khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật» (St 2,7) mạc khải cho ta biết Gió ở trong và đang hoạt động nơi con người chính là ân huệ của Thiên Chúa, và là sự liên kết với đời sống thần linh.

 

2. Lửa: Cũng như gió, lửa cũng là hình ảnh được sử dụng nhiều trong truyền thống Thánh kinh, điển hình như trong trình thuật về giao ước Sinai, khi Thiên Chúa xuất hiện trước mặt toàn dân trong đám lửa (Xh 19,18). Lửa là hình ảnh Thiên Chúa dùng để tỏ cho dân biết sự hiện diện của Người. Chúa Thánh Thần xuất hiện như ngọn lửa và ngự xuống trên mỗi người, nhằm diễn tả cho ta biết Người hằng ở bên, ở giữa và ở trong ta, hầu soi sáng và hướng dẫn ta bước đi trong đời. Người trở thành vị thầy nội tâm trong ta, như lời thánh Gioan Kim Khẩu viết: «Chúa Thánh Thần là cuốn sách, là bản luật sống động trong tâm hồn ta, hầu làm phát sinh nguồn suối của sự khôn ngoan, đặc sủng và những điều thiện hảo».

 

Bài đọc II, trích từ lá thư thứ I của thánh Phaolô gởi tín hữu thành Côrintô, giúp ta hiểu đâu là sự sống mà Chúa Thánh Thần ban tặng và điều gì phát sinh nhờ ân huệ của Người.

 

Ở đây, thánh Phaolô dùng hình ảnh thân thể để so sánh về ơn gọi của mỗi tín hữu trong Giáo Hội. Quả vậy, Thánh Thần không muốn sự đơn điệu, Người ban cho mỗi người ơn gọi khác nhau, nhưng lại hiệp nhất trong một mục đích chung, ví như mỗi chi thể đều phục vụ cho sự sống của thân thể con người. Mỗi tín hữu được ban một đặc sủng khác nhau, không phải chỉ để phục vụ cho mình, nhưng là cần cho tha nhân, cần cho gia đình, cho xã hội và Giáo Hội. Được Thánh Thần thổi hơi và thúc đầy, mỗi người tín hữu đóng góp khả năng mình vào chương trình của Thiên Chúa.

 

Bài Tin Mừng, thánh Gioan thuật lại việc Đức Giêsu hiện ra với các Tông đồ trong phòng kín, và ban cho các ông Thánh Thần cùng với sứ mạng: «Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ» (cc. 22-23).

 

Đức Giêsu đã trao cho các môn đệ công việc tiếp tục sứ mạng của Người (x. Ga 13, 20). Người ban cho các ông Thánh Thần và quyền tha tội, nghĩa là tiếp tục sứ mạng của «con chiên gánh tội trần gian» (Ga 1,29). Đó cũng là việc Người thiết lập bí tích Hòa Giải, không phải để lên án mà là để ban ơn tha tội cho những người thành tâm trở về với Chúa, là dấu chỉ các tín hữu được tham dự vào cuộc vinh thắng của Người trên sự dữ và tội lỗi. Và nhất là qua sứ mạng của các tông đồ, Người vẫn luôn hiện diện giữa Giáo hội trong sự tác động của Thánh Thần.

 

Mừng lễ Chúa Thánh Thần. Ta tự hỏi Chúa Thánh Thần là Ai? Khi trả lời rằng Người là Ngôi Ba Thiên Chúa, thì cũng chỉ là một mầu nhiệm kín ẩn.

 

Bỏ qua mọi lý lẽ cao siêu, hay mọi phạm trù khó hiểu, điều đơn giản còn lại, qua sự soi sáng từ phụng vụ Lời Chúa hôm nay, dạy ta về 3 sự liên đới:

 

- Liên đới với Thiên Chúa – là rộng mở tâm hồn đón nhận Gió & Lửa. (Bài đọc I)

- Liên đới với tha nhân – như những chi thể trong cùng một thân thể. (Bài đọc II)

- Liên đới với Đức Kitô – Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em. (Bài Tin Mừng).

 

 

Thiết kế Web : Châu Á