LỜI CHÚA

THỜI ĐAI CHÚA THÁNH THẦN (Hiếu Liêm)

Ngày lễ Ngũ Tuần hôm nay là ngày khai sinh Hội thánh. Giáo hội lữ hành đang sống trong triều đại của Chúa Thánh Thần và chúng ta đang sống dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Sách Tông Đồ Công Vụ được gọi là Phúc Âm về Chúa Thánh Thần. Nhưng trong quá khứ, Chúa Thánh Thần lại bị lu mờ và bị lãng quên trong truyền thống Giáo hội và trong đời sống Kitô hữu.

 

Thời Đại Chúa Thánh Thần

(Cv 2, 1-11; 1Cr 12,3-13; Ga 20, 19,23)

Hiếu Liêm

Hôm nay Giáo hội long trọng mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống, nhưng Chúa Thánh Thần là ai? Vai trò của Ngài như thế nào? Họat động của Ngài ra sao? Nhờ mặc khải, chúng ta đều biết, Chúa Thánh Thánh là Ngôi Ba Thiên Chúa được phát sinh bởi tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con. Nhưng thực ra, Giáo hội rất ít khi nói tới Chúa Thánh Thần; sách thần học về Chúa Thánh Thần cũng rất khan hiếm; phụng vụ Giáo hội chỉ dành riêng duy nhất ngày lễ hôm này để mừng kính Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, còn các lễ khác về Chúa Thánh Thần chỉ là do nhu cầu phát sinh. Trong chương trình thần học, cũng không có môn học riêng về Thánh Thần học, trong khi đó lại dành nhiều thời gian cho Kitô học, Chúa Ba Ngôi, hay Giáo hội học và các môn khác…. Người kitô hữu cũng ít biết và ít khi cầu nguyện với Chúa Thánh Thần.

Ngày lễ Ngũ Tuần hôm nay là ngày khai sinh Hội thánh.  Giáo hội lữ hành đang sống trong triều đại của Chúa Thánh Thần và chúng ta đang sống dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Sách Tông Đồ Công Vụ được gọi là Phúc Âm về Chúa Thánh Thần. Nhưng trong quá khứ, Chúa Thánh Thần lại bị lu mờ và bị lãng quên trong truyền thống Giáo hội và trong đời sống Kitô hữu. Vì thế, mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống hôm nay, xin được gợi lại một vài hình ảnh biểu tượng về Chúa Thánh Thần, để nói lên vai trò và họat động của Ngài trong chương trình cứu độ và trong đời sống của Giáo hội.

Có thể nói chưa ai thấy hình dạng Chúa Thánh Thần ra sao cũng như không ngôn từ nào có thể đủ sức miêu tả và trình bày về Ngài. Vì Chúa Thánh Thần là Đấng vô hình nên chẳng có danh hiệu nào có thể diễn đạt cách chính xác về Ngài. Nhờ mặc khải Kinh Thánh và truyền thống Giáo Hội, chúng ta biết được một số biểu tượng khác nhau về Chúa Thánh Thần như sau:

Biểu tượng thư nhất là “nước”: Nước là một yếu tố thiết yếu không thể thiếu trong cuộc sống. Vì nước là nguồn phát sinh sự sống. Do đó, nước được thánh Gioan dùng làm biểu tượng để nói về Chúa Thánh Thần, vì Chúa  Thánh Thần là nguồn phát sinh sự sống đời đời: “Chúa Thánh Thần được ban cho chúng ta cùng với sự sống mới (Ga 7,39; Ga 4,14). Vì thế, trong cuộc trò chuyện với ông Nicôđêmô ban đêm, Chúa Giêsu cũng nói với ông phải tái sinh “bởi nước và Thần Khí” mới được vào nước Thiên Chúa (Ga 3,5). “Nước là biểu tượng thường xuyên của Thần Khí, cho nên có thể nói: ‘sinh bởi nước và Thần Khí’ chứ không phải sinh bởi nước và sinh bởi Thần Khí như bởi hai yếu tố khác nhau[1].

Biểu tượng thứ hai là “chim bồ câu”: Chim bồ câu là hình ảnh rất phổ biến để chỉ Chúa Thánh Thần. Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan, Thánh Thần ngự xuống trên Ngài dưới hình chim bồ câu (Mt 3,16). Từ đó hình ảnh chim bồ câu thường dùng để chỉ về Chúa Thánh Thần trong các ảnh tượng Kitô giáo. Nhưng tại sao lại dùng chim câu mà không dùng hình ảnh khác làm biểu tượng cho Chúa Thánh Thần? Trong sách Sáng Thế có nói đến hình ảnh chim bồ câu báo hiệu cho ông Noê biết nước đại hồng thủy đã rút hay chưa. Vì thế, chim bồ câu được xem như là biểu tượng của hòa bình, của binh an, của tình yêu và sự sống mới (St 8,8-12).

Biểu tượng thứ ba là “áng mây và ánh sáng”: Hai hình ảnh này luôn đi đôi với nhau. Hai hình ảnh này trong sách Xuất hành khi cột lửa soi sáng cho dân chúng ban đêm và cột mây che nắng ban ngày để họ có thể đi cả ngày lẫn đêm trong sa mạc (Xh 14,19-20). Trong biến cố truyền tin thánh Luca cũng nói tới hình áng mây, đó là quyền năng Đấng Tối Cao sẽ tỏa bóng trên bà (Lc 1,35 ). Trong biến cố biến hình trên núi Ta Bo hình ảnh đám mây một lần nữa lại xuất hiện, “và kìa có đám mây bao phủ các ngài” (Mt 17,5). Lúc Chúa Giêsu lên trời hình ảnh đám mây cũng được thánh Luca nhắc đến “ và có đám mây bao phủ Ngài (Cv 1,9).  Như thế, “Biểu tượng đó cũng giúp nhận biết rằng Thần Khí vừa là Đấng hiện diện che chở, là ánh sáng, là giọng nói ủi an, thêm sức, vừa là tiếng sấm gầm vang, ánh chớp chói lòa, hay ngọn lửa hừng hừng thiêu đốt[2].

Đặc biệt, trong bài đọc một, sách Công vụ Tông đồ chúng ta vừa nghe, thánh Luca gợi lên hai hình ảnh về Chúa Thánh thần đó là gió và lửa.

Hình ảnh thứ nhất là “tiếng gió mạnh”: Trong Tin Mừng Gioan cũng dùng biểu tượng cơn gió để nói về Chúa Thánh Thần. Qua đó nói lên sức hoạt động của Chúa Thánh Thần rất tự do, tự tại, và không bị giới hạn. Cũng như cơn gió mạnh muốn thổi đâu thì thổi và gió có thể cuốn đi tất cả bụi bặm rác rưởi thế nào, thì Chúa Thánh Thần cũng hoạt động một cách linh động và mạnh mẽ như vậy. Chúa Giêsu đã nói với ông Nicôđêmô rằng: “Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy." (Ga 3,8). Cũng vậy, thánh Luca cho chúng ta biết, sức mạnh của Chúa Thánh Thần như cơn gió mạnh ùa vào đầy trong nhà, nghĩa là sức mạnh của Thần Khí Chúa đổ vào đầy tâm hồn các môn đệ, khiến các ông được biến đổi và trở nên mạnh mẽ, đến nỗi các ông có thể làm được những phép lạ phi thường.

Hình ảnh thứ hai là “hình lưỡi lửa”: Vào dịp lễ Ngũ Tuần Chúa Thánh Thần đã: “Xuất hiện giống như hình lưỡi lửa tản ra rồi đậu xuống trên từng người một và ai nấy đều được đầy tràn ơn Thánh Thần” (Cv 2,3-4). “Trong Kinh Thánh, lửa tượng trưng cho sự hiện diện của Thiên Chúa (Xh 3,1), sức mạnh của Thiên Chúa (1V 18,38-39), chức năng che chở và hướng dẫn của Thiên Chúa (Xh 13,21), và sự phán xét của Thiên Chúa (Dt 12,29). Các giáo phụ coi biểu tượng này như là một hình ảnh tượng trưng cho Chúa Thánh Thần. Lửa là một dấu hiệu đi kèm với cuộc thần hiện trên núi Sinai trong cuộc đàm đạo giữa Giavê và ông Môsê" (Xh 18,9)”[3]. Chúng ta cũng gặp thấy hình ảnh lửa trong Tin Mừng khi ông Gioan Tẩy Giả loan báo Đấng Mêsia sẽ đến và làm phép rửa cho dân chúng “trong Thánh Thần và lửa” (Mt 3,11). Chính ông cũng xuất hiện trong “thần khí và uy quyền của ông Elia” (Lc 1,17). Sách Huấn Ca cũng cho biết vị ngôn sứ đã “xuất hiện chẳng khác nào ngọn lửa với lời nói ra tựa đuốc cháy bừng bừng” (Hc 48,1). Vì thế, lửa là biểu tượng về sức mạnh thiêu đốt của Chúa Thánh Thần.

Qua những hình ảnh biểu tượng và ý nghĩa của các bài đọc hôm nay, chúng ta biết được được vai trò và họat động của Chúa Thánh Thần rất quan trọng như sau:

Bài đọc một và bài đọc hai cho chúng ta biết, Chúa Thánh Thần là Đấng hiệp nhất mọi người trong một thần mình mầu nhiệm. Ngài giúp cho con người được lien kết với nhau. Ngày lễ Ngữ Tuần là biểu tượng tháp Babel đảo ngược. Ngày xưa con người vì kiêu ngạo đã xây tháp Babel chọc trời, từ đó con người bị lộn xộn, phân tán, không hiểu nhau, giết hại lẫn nhau. Lễ Ngũ Tuần hôm nay, Chúa Thánh Thần làm cho mọi người tuy khác nhau về ngôn ngữ, văn hóa, sắc tộc, nhưng có thể hiểu nhau. Không những thế, Chúa Thánh Thần còn hiệp nhất mọi ngừơi nên một trong cũng một thân mình mầu nhiệm duy nhất. dù có nhiều đặc sủng, nhiều họat động khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí duy nhất. Thật thế, thánh Phaolô khẳng định trong bài đọc hai rằng “tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1Cr 13,13). Mọi người tuy khác nhau về ngôn ngữ, nhưng được hiệp nhất với nhau trong cùng một ngôn ngữ đức tin để cùng nhau ca tụng Thiên Chúa.

Riêng bài Tin Mừng cho biết Chúa Thánh Thần là Đấng tha tội và ban sự sống mới cho con người. Chúa Kitô đã ban Thánh Thần cho các môn đệ và sai các ông đi rao giảng Tin Mừng… Các ông tha tội cho ai thì người đó được tha, cầm buộc ai thì người đó bị cầm buộc. ơn tha tội là quyền năng của Chúa Thánh Thần. Ngài ban sức mạnh, thánh hóa và đổi mời con người. Nhờ phép rửa trong Thần Khí, con người được tái sinh trong đời sống mới.

Do đó, cần phải tái khám phá lại vài trò và họat động của Chúa Thánh Thần, vì chúng ta không thể sống nếu thiếu ơn Chúa Thánh Thần. Xin Chúa Thánh Thần ngự đến, đổi mới mới toàn thể địa cầu và dẫn đưa tất cả nhân loại vào trong chân lý toàn vẹn. Amen.

 

[1] Lm. HOÀNG MINH TUẤN, Đọc Tin Mừng theo Gioan, tập II, tái sinh bởi Thần Khí, nxb Tôn Giáo, 2000, tr. 47.

[2] Filipe Gomez NGÔ MINH, SJ, Chúa Thánh Thần một dạng tổng lược thần học về Chúa Thánh Thần, thần học tín lý 5, An Tôn & Đuốc Sáng, 2009, tr. 84.

[3] Filipe Gomez NGÔ MINH, SJ, Chúa Thánh. tr. 82-83.

 

Thiết kế Web : Châu Á