LỜI CHÚA

Tháng cầu hồn: VIẾNG NGHĨA TRANG (Đan viện TMKT Phước Lý - 2015)

Các bài suy niệm tại nghĩa trang

 

TUẦN LỄ CẦU HỒN TRONG THÁNG 11

Từ 02 đến 07/11/2015

 

 01. Bài suy niệm của thầy M. Alberto Vũ Bá Đạt

Kính thưa Cộng Đoàn

Bước vào tháng 11, Mẹ Giáo Hội mời gọi tín hữu khắp nơi tưởng nhớ và cầu nguyện cách đặc biệt cho các tín hữu đã qua đời, trong đó có tổ tiên-ông bà-cha mẹ-thân bằng quyến thuộc-các cha anh và các ân nhân thuộc cộng đoàn chúng ta. Bởi lẽ, trong mầu nhiệm Các Thánh Hiệp Thông, Hội Thánh lữ hành vừa hiệp thông với cộng đoàn chư thánh hiển vinh trên trời, lại vừa hiệp thông với các tín hữu còn đang chịu thanh tẩy trong chốn luyện ngục, vì tất cả đều hợp thành nhiệm thể Chúa Kitô và cầu nguyện cho người chết để họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một ý tưởng lành thánh (GLGH số 958)

Đã mang thân phận làm người, thì dù ở địa vị nào, hoàn cảnh nào, thời đại nào, mỗi người cũng phải trải qua cái chết. Vịnh gia 89 từng thốt lên: “sống làm người, ai không phải chết? ai cứu nổi mình thoát quyền lực âm ty” (Tv 89, 49). Do bởi sự xui khiến của ma quỷ và tội bất phục tùng của nguyên tổ, cái chết đã đi vào trần gian và hủy hoại sự sống con người. Từ đó, cái chết đã làm cho bao người phải hoang mang khiếp sợ. Có lúc người ta đã tự hỏi phải chăng con người sinh ra để mà chết? Trước cái chết, bí ẩn về thân phận con người lên cao đến tột độ. Con người không những bị đau khổ và suy nhược của thân xác hành hạ, mà còn bị dày vò bởi nỗi lo sợ bị tiêu diệt đời đời…mọi cố gắng kỹ thuật, dù rất hữu ích, cũng không thể làm nguôi được nỗi lô âu của con người: bởi vì đời sống sinh vật, dù có kéo dài thêm đi nữa, cũng không thể thỏa mãn được khát vọng một cuộc sống mai hậu đã được in sâu trong lòng con người (x. Gaudium et Spes số 18). Và cứ thế những giọt nước mắt ly biệt vẫn cứ tuôn rơi trên gò má con người, mỗi khi phải chứng kiến cảnh người thân của mình ra đi vĩnh viễn.

Tuy nhiên, “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong” (Kn 1,13). Do lượng hải hà, “Người đã vĩnh viễn tiêu diệt tử thần và đã lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người” (Is 25,8) khi làm cho Đức Kitô trỗi dậy từ cõi chết để diệt tan thần chết và mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu (1Cr 15,20). Thánh Phaolô dạy rằng: “Một khi Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết, thì không bao giờ Người chết nữa, cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người” (Rm 6,9); “Như mọi người vì liên đới với Adam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống” (1Cr 15,21). Do đó, “nếu ta cùng chết với Đức Kitô, chúng ta sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta” (Rm 6,8).

Như thế, với sự phục sinh của Chúa Kitô, cái chết từ nay không còn là dấu chấm hết, nhưng là cửa ngõ dẫn đưa vào lối trường sinh. Sự sống không mất nhưng chỉ đổi thay. Niềm hy vọng phục sinh giúp chúng ta thêm can đảm, bởi vì lúc bấy giờ chúng ta sẽ gặp lại những người thân yêu của chúng ta.

Lạy Chúa, xin vì giá máu cứu chuộc của Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, mà cho các linh hồn chúng con cầu nguyện hôm nay được an nghỉ bên Chúa muôn đời. Đồng thời xin giúp chúng con luôn tâm niệm lời thánh Phaolô nhắn nhủ: “Quê hương chúng ta ở trên trời” (Pl 3,20), để một ngày nào đó, chúng con cũng sẽ từ giã cõi đời này để về bên Chúa là nguồn sống vĩnh cửu của chúng con. Amen.

 

***************

 

 2. Bài suy niệm của thầy M. Andre Tường – Nguyễn Văn Sửu

Chúa nói: “Ai tin vào Ta thì được sống đời đời” (Ga 11, 26)

Kính thưa cộng đoàn!

Chúng ta cùngnhau quy tụ nơi đây, để hướng lòng về các linh hồn quý cha anh, cùng ông bà, cha mẹ, thân bằng quyến thuộc và các ân nhân, đồng thời là cơ hội để chúng ta suy gẫm vềý nghĩa đích thựccủa kiếp sống con người trước sự chết.

Theo dòng thời gian, cái chết là một thực tại vẫn xảy ra chung quanh ta, là định mệnh luôn gắn chặt với thân phận mỏng dòn của con người. Xưa và nay, nào có ai thoát khỏi được quy luật khắt khe của lưỡi hái tử thần.Đó là một biến cố đau buồn mà bất cứ ai sinh ra trên cõi đời này đều không thích nghĩ hoặc nói đến, ngoại trừ những người thất vọng, thất tình hay chán sống.

Vì thế, khi nói về sự đau khổ của con người, triết gia Heidegger khẳng định: “Con người sinh ra để mà chết và chết là định mệnh chờ con người”. Quả thật, con người bị ném vào thế giới, nên sống một cách bấp bênh, sợ hãi, treo lơ lửng như một nguy cơkhi hướng về phía trước với những âu lo, nên con người khổđau.Vì vậy, khi đối diện với cái chết bi ai, sầu khổ xảy đến với người thân, người ta muốn đánh đổi tất cả vinh hoa phú quý, để dành lại sự sống cho những người thân yêu. Thế nhưng, dù muốn hay không thì cái chết là một khả năng tồn tại mà con người không thể khước từ.

Cho nên, vớisự mong manh của phận người trongcõi nhân sinh, tư tưởng suy tư của con người như cảm thấy một sự kết thúc tàn nhẫn và phủ phàng, theo bản năng, con người có lý để ghê sợ.Nhưng sau khi chết con người sẽ đi về đâu? Đó lànỗi khắc khoải muôn đời của con người,là câu hỏi mà các triết gia đi tìm câu trả lời có khi cả cuộc đời, mà không sao có được đáp án. Vậy đâu là ý nghĩa cùng đích của sự chết.

Chính niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh, Đấng đã đem lại cho chúng ta lời giải đáp tuyệt hảo.Vì Người đã chết, song không dừng lại nơi cái chết, mà đã sống lại hiển vinh. Thánh Phaolô tông đồ quả quyết: “Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu”(1Cr 15,20). Thật thế, để giải thoát ta khỏi quyền lực Thần chết, Đức Kitô đã đến để nhận lấy cho mình số phận tử vong của chúng ta. Ngài thực hiện thánh ý của Chúa Cha là muốn cứu độ tất cả mọi người. Ngài đã chết “vì chúng ta” (1 Tx 5, 10), “cho tội chúng ta” (1Cr 15, 3) để làm hy tế xá tội (x. Dt 9). Nhờ cái chết của Ngài, chúng ta được hòa giải với Thiên Chúa (x. Rm 5, 10), hầu có thể lãnh nhận gia nghiệp muôn đời (x. Dt 9, 15). Ngài đã chiến thắng tử thần bằng sự phục sinh vinh hiển.

Thật vậy, đứng trước những nấm mộ của cha anh, chúng ta tin rằngchết không phải là hết, mà là gưỡng cửa để bước vào cuộc sống mai hậu. Nơi chính quê hương vĩnh cửu, nơi chúng ta tham dự vào cuộc sống bất diệt của Thiên Chúa. Do đó, trong cuộc lữ hành về cõi phúc ấy, chúng ta có thể nếm được hạnh phúc đích thực ngay trong cuộc sống này, mỗi khi ta quên mình để yêu thương, giúp đỡ và phục vụ người khác, đó là những thái độ chia sẻcao quý nhất, là bảo chứng cho chúng ta mai sau. Bởi vì trước cái chết thì những gì ta có, nay thuộc về người khác; những gì ta mua sắm, nay kẻ khác hưởng dùng, còn những gì ta cho đi nay thuộc về ta.Là Kitô hữu, những người có đức tin vào Đấng Phục Sinh, chúng ta không sợ hãi vì bên cạnh luôn có Ngài che chở, nên có tinh thần lạc quan, chấp nhận hơn khi sự chết gọi mời.

Thiên Chúa là người Cha đã ban cho chúng ta tình yêu của Ngài. Chính tình yêu làm cho những người chết được sống, và cũng chính tình yêu liên kết chúng ta với người chết. Chỉ có tình yêu mới mặc cho những nghĩa cử của con người sự bất diệt.

Trong tinh thần bác ái hiệp thông, chúng con cùng tưởng nhớ và nguyện xin Chúa thương tha thứ những lỗi lầmcho quý cha anh cùng ông bà, cha mẹ, thân bằng quyến thuộc và các ân nhân,để được Người đón nhận vào hưởng vinh quang Nước Trời. Amen.

 

***************

 

3. Bài suy niệm của thầy M. Mattheu Lê Văn Viết

Kính thưa cộng đoàn

Thời gian là dòng chảy bất tận, chẳng ai biết điểm khởi đầu cũng như điểm kết thúc ngoại trừ Đấng dựng nên nó. Một năm so với thời gian có đáng chi, một kiếp nhân sinh so với dòng chảy cuộc sống chẳng nghĩa gì. Vạn vật trong vũ trụ được hiện hữu một thời gian rồi hóa thân làm kiếp khác. Một khúc gỗ hóa thành bộ bàn ghế nhờ tay bác thợ mộc, một miếng vải trở nên áo quần nhờ tay chị công nhân. Thứ này biến đi để nhường chỗ cho thứ khác, lớp này nối tiếp lớp kia tạo thành những mắt xích nối dài trong cuộc sống.

Hiện hữu của con người trong trần gian cũng vậy. Có ngày sinh ra ắt có ngày phải chết. Sinh, lão, bệnh, tử đã trở thành một quy luật tất yếu nơi con người mà không một ai tránh khỏi. Cái chết chẳng trừ một ai, từ sang đến hèn, từ quyền cao đến thấp bé, từ tri thức đến dại khờ, từ phú quý đến bần cùng. Cái chết cứ đeo bám và quấn chặt lấy con người. Càng muốn nó biến đi sao cứ hiện hữu, càng muốn nó đi xa sao cứ đến thật gần.

Như thế, phải chăng cái chết là nỗi bất hạnh lớn nhất của con người; bước qua thế giới bên kia là nỗi ám ảnh mà ai cũng sợ? chẳng thế mà thi sĩ Hàm Mặc Tử trong bài thơ Những Giọt Lệ đã thốt lên: “Trời hỡi, bao giờ tôi chết đi? Bao giờ tôi hết được yêu vì? Bao giờ mặt nhật tan thành máu. Và khối lòng tôi cứng tựa si? Họ đã xa rồi khôn níu lại. Lòng thương chưa đã mến chưa bưa. Người đi một nữa hồn tôi mất. Một nữa hồn kia bỗng dại khở”. Chính sự bất hạnh và ám ảnh đó, mà ông diện tả cái chết là: “Run như run thần tử thấy long nhan”.

Vâng! Suy tư như thế thấy cuộc đời sao buồn và bi quan đến lạ! Là người Kitô hữu có niềm tin vào Thiên Chúa thì chết không phải là hết, nhưng là một sự khởi đầu mới, là cửa ngõ dẫn vào sự sống vĩnh cửu, như cha ông ta vẫn thường nói: “Sinh kí tử qui; sống gửi thác về”. Chẳng thế mà lời Vĩnh Gia viết: “Ba tất đất mới thật là nhà, nơi họ ở muôn đời muôn kiếp”, cho nên “sự sống này chỉ thay đổi chứ không mất đi, lúc con người nằm yên giấc ngủ, mắt nhắm lại rồi là thấy tương lai”. Hơn nữa, chính Chúa Giêsu cũng đã chết, Ngài đã không dừng lại ở cái chết nhưng đã sống lại để mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu, vì “ Một người đã phạm tội mà mọi người phải chết, thì cũng nhờ một Người đã chết mà nhân loại được sự sống đời đời”.

Quả thật! Đời sống con người chóng qua như cỏ, như bông hoa nở trong cánh đồng, như đám mây lơ lửng trên khoảng không, một cơn gió thoảng qua cũng đủ làm cho chúng biến đi, nơi nó hiện hữu không còn mang vết tích. Nhưng Giáo hội vẫn dạy chúng ta rằng: Chúa sẽ ban ơn cứu độ cho người công chính, vì lòng từ bi của Chúa tồn tại đến muôn đời, tình thương của Ngài trải rộng cùng tháng năm, Người không xét xử như ta đáng tội, không trả cho ta theo lỗi của ta.

Vì thế, khi ta dừng chân bên nấm mộ của ông bà tổ tiên, các bậc cha anh là những người đi trước, chúng ta tin chắc rằng, các ngài đang được hạnh phúc bên Chúa, vì các ngài đã bỏ cả cuộc đời để theo Chúa, dù trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, bao biến biến cố đổi thay của dòng đời nhưng các ngài vẫn luôn sắt son với lời giao ước và trung thành với Chúa đến trọn đời.

Do đó, mỗi lần suy nghĩ về cái chết và những ngang trái của kiếp nhân sinh, ta nhủ lòng mình hãy gột rửa và thanh lọc từ những suy nghĩ cũng như hành động trong mỗi ngày, đừng vì danh vọng mà bỏ quên tình Chúa, không vì tiền tài mà khước từ anh em. Tất cả những gì ta một đời bỏ công đi kiếm chỉ là tro bụi, sẽ lìa bỏ khi hơi thở ta chợt dứt, nhịp tim ngừng đập “kiếp vinh hoa chẳng theo xuống mộ phần” mà Vịnh Gia nhắc đến là vậy.

Hiểu được tận cùng ý nghĩa phù du trong cuộc đời, thì tháng 11 thật đẹp biết bao, ý nghĩa biết dường nào. Bởi thế, Giáo hội gọi tháng 11 là tháng “mùa xuân của các linh hồn”. Tháng mà những người con cái của Giáo hội tỏ lòng tri ân đến những người đã khuất, bằng những đóa hoa lòng, những việc lành, những hy sinh và đặc biệt là những lời cầu nguyện.

Mặt khác, đó cũng là lời nhắn nhủ chúng ta hãy phản tỉnh lương tâm, bỏ đường gian ác nhằm đổi mới thân xác và tâm hồn: “Xin rữa con sạch hết lỗi lầm, tội lỗi con xin Ngài thanh tẩy”(Tv 50). Bởi chúng con biết rằng: “Lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai, con đắc tội với Chúa với một mình Chúa, dám làm điều dữ trước mặt Ngài”.(Tv 50). Khi phản tỉnh lương tâm cũng là lúc tâm hồn ta thanh thản, khi đổi mới cõi lòng là trí tâm ta được bình yên, mà lặng nhìn thời gian trôi đi không luyến tiếc, tóc ngả màu trắng mà không phải bận tâm.

Dẫu biết rằng cuộc đời quá khắc nghiệt: hạnh phúc – đau khổ; tội lỗi – xấu xa cứ hòa quyện, đan xen vào nhau tạo thành những mắt xích nối dài trong cuộc sống. Đôi lúc, chúng làm cho ta chông chênh trên đường đời, băn khoăn trong cuộc sống. Nhưng đừng vì thế mà ta thất vọng, vì chúng ta có một Thiên Chúa giàu lòng nhân hậu, Ngài là Cha luôn thương xót con cái mình. Chúa thương xót những kẻ kính sợ Người, vì Người biết chúng ta được dựng nên bằng gì, Người vẫn nhớ chúng ta chỉ là cát bụi. Nhỏ bé thôi..!!!!! Nhỏ bé thôi!!!!......

Lạy Chúa, khi thắp nén hương bên mộ tổ tiên, ông bà, cha mẹ, quý cha, quý thầy và bạn hữu là chúng con cũng muốn đốt lên ngọn tình yêu đang thôi thúc trong trái tim bé nhỏ của mỗi người. Để qua lời kinh, tiếng hát là những áng hương bay lên trước tôn nhan Chúa. Nguyện xin Thiên Chúa là Cha giàu lòng nhân hậu, xóa bỏ hết mọi lỗi lầm của tổ tiên, ông bà, cha mẹ, quý cha, quý thầy, bạn hữu và những người thân yêu chúng con đã qua đời, xin đừng vì tội lỗi của các ngài nhưng xin vì công nghiệp của các ngài lúc còn dương thế mà ban cho các ngài sớm được hưởng thánh nhan Chúa muôn đời. Amen!!!!

 

*****************

 

 4. Bài suy niệm của thầy M. Giuse Tuấn – Hồ Minh Thông.

Kính thưa cộng đoàn!

Đứng trước các cha anh và những người thân yêu đang an nghỉ, điều này đã làm gợi lên trong tâm trí mỗi chúng con về những hình ảnh đẹp nơi các ngài, khi các ngài còn sống cũng như lúc đã qua đời. Chính những giây phút này là dịp nhắc nhở cho mỗi chúng con cảm nghiệm về tình yêu của các ngài dành cho chúng con, để chúng con tỏ lòng biết ơn, sống tốt ở đời này và đặt niềm hy vọng vào sự sống đời sau.

 Nơi đây, các bậc cha anh, ông bà, cha mẹ, anh chị em, ân nhân, thân nhân đã sống và nay đang nằm an nghỉ trong lòng đất. Họ đã trở về tro bụi. Trong số đó, có những người đã sống một cuộc đời đầy ý nghĩa, sống tốt lành, thánh thiện trước mặt Thiên Chúa, trước mặt cộng đoàn và mọi người. Tuy nhiên, là con người với thân phận giới hạn của mình, phàm ai không tội lỗi, không thiếu sót trước mặt Thiên Chúa và tha nhân.

Giờ đây, đứng trước các phần mộ của cha anh đã an giấc, chúng con khiêm tốn nhìn nhận rằng, là con người ai ai cũng là phận người mỏng dòn, yếu đuối và lỗi lầm, chính những yếu đuối đó gợi lên trong lòng chúng con sự đồng cảm và lòng thương xót: Đồng cảm vì con người với thân phận yếu hèn, mong manh; thương xót vì những con người đã ra đi khi còn vương mắc bao tội tình và lầm lỗi. Tội xúc phạm với Thiên Chúa, lầm lỗi với cộng đoàn và tha nhân.

Và nơi nghĩa trang đâu đây, còn gợi lên trong chúng con lòng thương xót những con người ra đi còn vướng mắc bao tội như: tội chém giết nhau, tội của những người hút xách nghiện ngập, tội của những người dùng quyền lực áp bức bất công, tội của những con người dững dưng vô cảm trước những đau khổ của người khác….

Chính những yếu đuối đó, lầm lỗi đó, lòng thương xót của chúng con không chỉ là một cảm xúc thoáng qua nhưng là một cảm xúc để lưu lại trong tâm trí và có thể biến đổi cuộc sống chúng con thành những con người sống có tình thương, có trái tim biết yêu và lòng quảng đại, không hơn thua, ganh ghét, nhưng là để yêu thương chia sẻ cho nhau những gì có thể trong cuộc đời.

 Các bậc cha anh đang an nghỉ, là những nhân chứng linh thiêng cho tất cả những người còn sống trong cộng đoàn, là điểm tựa nối kết mọi tâm tư tình cảm, điểm tựa ấy  là mối giây liên kết thiêng liêng của mỗi thành viên trong cộng đoàn và cũng là điểm tựa để hóa giải những tổn thương trong cuộc sống của mỗi con người. Nếu người thân  là Cha Mẹ, Ông Bà, anh chị em thì ý nghĩa điểm tựa linh thiêng kia còn làm chúng con phải cố gắng sống tốt hơn và tỏ lòng biết ơn dành cho các bậc sinh thành, dưỡng dục.

Đứng trước mộ phần, không chỉ với lòng ngưỡng mộ và biết ơn những công đức của Đấng sinh thành hay các bậc Cha anh; với lòng sám hối vì những vô ơn bội nghĩa của chúng con khi các ngài còn sống; hoặc với lòng Mến, cùng với lòng Cậy nhờ Đức tin nguyện xin Chúa ban cho các ngài ơn Cứu Rỗi… nhưng chúng con còn nguyện hứa với các ngài rằng sẽ cố gắng sống tình cộng đoàn, tình huynh đệ ngày càng tốt đẹp hơn.

 

Kính thưa cộng đoàn!

 Các tôn giáo như Phật Giáo, Ấn Độ Giáo và cả những người theo Khổng Giáo, Lão Giáo…. họ quan niệm rằng “cuộc đời là hư vô”, tư tưởng “sắc sắc, không không, có đó rồi lại không đó”, hay “mọi sự là hư vô” chính những tư tưởng ấy gần như mang một nỗi bi quan tuyệt vọng. Do những tư tưởng đó đã dẫn  người ta đến một ngõ cụt của cuộc đời không lối thoát. Không ai tránh được chỗ cùng tận là tro bụi, cũng không ai thoát được nỗi phủ phàng là hư vô. Vì thế, họ mong hoài một kiếp luân hồi để rồi được hóa thân, hóa kiếp. Nỗi hoài mong này, họ dựa trên cuộc sống thường ngày của họ, dựa trên chính công trạng của họ.

Còn sự sống đời này của mỗi người kitô hữu chúng ta thì sao? Sách Giảng Viên trả lời như sau:

“Ông Cô-he-lét nói : “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân”.[1]

Nhưng từ chỗ phù vân, Ông Cô-he-lét đã ngộ ra rằng:

“Tôi nhận ra rằng mọi sự Thiên Chúa làm sẽ tồn tại mãi mãi. Không có gì để thêm, chẳng có gì để bớt. Thiên Chúa đã hành động như thế để phàm nhân biết kính sợ Người”[2].

Giáo lý của Chúa thì dạy chúng ta rằng, mọi sự trên trần gian này phải qua đi, phải về chốn phù vân ấy, hư vô ấy là do hậu quả của tội nguyên tổ. Nhưng, tội nguyên tổ đã được xóa đi nhờ tình yêu thương vô biên của Thiên Chúa qua cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu Kitô.

Cho dù, biết cuộc đời là hư vô, những người kitô hữu vẫn không dừng lại ở chỗ bi quan tuyệt vọng, vì thân phận phải trở về tro bụi của mình, cũng không dám tự sức mình có thể cứu vớt cho mình khỏi tình trạng bi đát ấy, nhưng người kitô hữu có niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô, và chỉ nhờ vào công nghiệp của Ngài mà chúng con được cứu sống: thoát cảnh hư vô, và sống cuộc sống vĩnh hằng trong Thiên Chúa.

 Như vậy, khi tin vào Chúa Giêsu Kitô, thì dẫu biết “mọi sự là hư vô” nhưng vẫn có giá trị trước mặt Chúa: vì hư vô ở đời này là khởi điểm ngưỡng vọng một cuộc sống đời sau hằng hữu. Chính cái ý thức hư vô thôi thúc chúng con buông bỏ cuộc đời tạm bợ, và bằng lòng trao phó cuộc đời này cho Đức Giêsu, để Ngài biến đổi chúng con thành những con người mới, con người đồng hình đồng dạng với Đức Kitô.

 Lạy Chúa! Khi chúng con hiện diện bên phần mộ những người thân yêu, là lúc trái tim chúng con đang thổn thức về sự hư vô, về giá trị của tình người, về lòng biết ơn và niềm hy vọng vào sự sống đời sau. Bởi thế, chúng con cậy nhờ vào lòng thương xót, nhờ cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô, xin Chúa đoái thương đừng nhìn bao tội lỗi và xóa bỏ hết mọi lỗi lầm cho các linh hồn cha anh trong dòng, linh hồn ông bà, cha mẹ, anh chị em, ân nhân, thân nhân và hết thảy mọi người, để nhờ đó linh hồn những người thân yêu của chúng con được vào chung hưởng hạnh phúc muôn đời trong Nước Chúa. Amen.

     

***********************

 

 5. Bài suy niệm của thầy M. Maion Nguyễn Thành Hưng.

Hôm nay, chúng ta hiện diện nơi đây, bên phần mộ của quý thầy dòng Ba. Đứng bên cạnh những ngôi mộ im lìm, thoang thoảng khói hương và những ngọn nến lung linh ấm áp khiến chúng ta có cảm tưởng rằng các ngài đang hiện diện nơi đây, bên cạnh chúng ta để cùng dâng lời ngợi khen Thiên Chúa, Đấng Toàn Năng vĩnh cửu, chậm giận và giàu tình thương; để ngợi khen Đức Kitô, Con của Người, Đấng đã phục sinh từ cõi chết, Đấng đã hứa ban thưởng phúc thiên đàng cho những ai tin tưởng nơi Người.

Vịnh gia đã nhận định rằng: “Sống làm người ai không phải chết, ai cứu được mình thoát quyền lực âm ty” (Tv 88, 49). Phận người như kiếp ở trọ trên dương thế này, mọi người đều phải từ bỏ nó để ra đi, bỏ lại quán trọ cho những người khách mới đến, bỏ lại cả cái rực rỡ của buổi ban mai, cái nắng hối hả của buổi trưa hè, cảnh an bình khi hoàng hôn buông xuống và đón nhận cái qui luật đã được định sẵn cho mọi người, đó là cái chết.

Đời sống con người cũng được ví như chiếc thuyền mong manh, đang vượt biển trần gian. Sóng cao, biển động như muốn nhấn chìm chiếc thuyền bé. Nếu không có một định hướng nào, không có một hy vọng nào, nhất định thuyền kia sẽ mất phương hướng, lạc lõng giữa trần gian, hay đã chìm mất, chìm vào đêm đen tội lỗi và tuyệt vọng. Bến bờ Bình Yên, nơi những con thuyền được nghỉ ngơi, người ta được chở về với mái nhà xưa, gặp lại những người thân yêu, ấm áp và hạnh phục, thật là điều đáng hy vọng cho kiếp sống trôi nổi của con người. Hôm nay, chúng ta tưởng nhớ quý thầy dòng Ba, các ngài cũng đã trải qua một cuộc đời đầy thăng trầm, nào là binh biến, nào là chia li, nào là đau khổ, chết chóc, tan thương....Nhưng các ngài vẫn tin vào Thiên Chúa, Đấng Hằng Sống, hy vọng vào lời hứa bản thưởng hạnh phục đời đời cho những ai sống trong ân nghĩa với Người.

 

Thuyền ta lướt sóng giữa biển đời

Bạc mái chèo rồi, nước vẫn trôi.

Ta nguyện một mai khi cập bến,

Gỡ thuyền làm đuốc kính Mặt Trời.

 

Niềm tin, niềm hy vọng vào lời hứa của Thiên Chúa bừng lên trong con tim của một thân xác đang ngày một yếu dần của các ngài và cái chết làm tiêu tan thân xác các ngài, ngăn cản các ngài với những quyến luyến trần gian để chỉ còn thuộc trọn về Chúa.

Thật vậy, giống như các ngài, chúng ta là những người Kitô hữu, chúng ta biết rằng chết không phải chỉ là một biến đổi tạm thời và chết cũng không phải là hết, cũng chẳng phải chỉ là trở về với cát bụi. Nhưng chết là cánh của mở ra với đời sống vĩnh cửu, trở về với Thiên Chúa tình thương. Vì thân phận con người nằm trong vòng tay yêu thương quan phòng của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã luôn tỏ ra cho con người biết Người là Đấng Sáng tạo, Đấng ban phát sự sống cho mọi loài, sự sống và cái chết nằm trong tay Người.

Chính Đức Kitô Con Thiên Chúa cũng đã kinh qua cái chết như tất cả chúng ta. Chỉ vì yêu thương chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã mang lấy tội lỗi của chúng ta vào thân thể người, treo lên cây thập giá mà giết chết đi. Rồi Người Phục Sinh, vĩnh viễn tiêu giệt thần chết, cái chết không còn quyền chi đối với Người, để từ đây, những ai tin vào Người thì không còn bị lên án nữa.Vì chính Người là Đấng bất diệt đã chấp nhận mang lấy thân phận hữu hạn để biến đối và thánh hóa cái hữu hạn nên bất diệt như chính Mình. Vì thế, chỉ trong Đức Kitô chúng ta mới có niềm hy vọng, chỉ trong Người chúng ta mới có tương lai, chỉ trong Người cuộc sống của chúng ta mới có ý nghĩa.

 Niềm tin vào sự phục Sinh của Chúa đã đốt lên ngọn lửa hy vọng vào cuộc sống. Đời sống con người không còn phải là những gì phi lý, tuổi già không còn là sự vô ích, sự chết không còn là điều đáng thất vọng, nhưng nhờ cái chết chúng ta được biến đổi để nên xứng đáng hơn với Thiên Chúa. Chết trở thành cửa ngõ để ta tiến vào trong sự kết hiệp trọn vẹn với Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin ban phúc trường sinh cho các linh hồn nơi luyện ngục. Xin thương xót và tha thứ các lỗi lầm cho các linh hồn, cách riêng cho các cha anh, quý Thầy dòng Ba, các ân nhân, thân nhân chúng con. Xin cho các ngài được sớm hưởng tôn nhan Chúa muôn đời, nhờ cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.

 

***********************

 

6. Bài suy niệm của thầy M. Thomas d’Aquin Nguyễn Văn Ân

Kính thưa cộng đoàn

Trong mầu nhiệm Hội Thánh thông công, sự liên đới giữa Hội Thánh lữ hành và Hội Thánh đang chịu đau khổ dưới luyện ngục là rất quan trọng và cần thiết. Để nói lên lòng hiếu thảo và sự biết ơn, Hội Thánh luôn nhắc nhở con cái mình, cách riêng là trong tháng 11 này, hãy cầu nguyện và dâng những sự hy sinh của mình lên Chúa để cầu xin cho các linh hồn ở luyện ngục sớm được hưởng tôn nhan Chúa trên thiên đàng.

Trong tâm tình đó, hôm nay, cộng đoàn chúng ta tiếp tục tụ họp nơi đây, trước những nấm mồ của các cha anh chúng ta, để cầu xin cùng Chúa cho linh hồn các cha anh, ông bà, cha mẹ và những người thân yêu của chúng ta đã khuất sớm được hưởng tôn nhan Chúa. Mặt khác, đây cũng là dịp để chúng ta ý thức lại niềm tin của chúng ta vào sự phục sinh của Chúa Kitô.

 

Kính thưa cộng đoàn

Chết là một quy luật chung của tất cả mọi loài có sự sống trên trần gian. Dù muốn hay không, tất cả mọi loài đều phải chết. Con người, dù có giàu sang phú quý hay là nghèo hèn, dù có thông minh sáng suốt hay ngu muội, tất cả đều phải chết. Như vậy, sự chết là một điều tất định đối với mọi con người. Vì thế, chúng ta không nên quá lưu tâm đến sự chết, có chăng chúng ta nên suy nghĩ xem sau cái chết chúng ta sẽ đi về đâu?

Đối với những người vô thần, không tin có sự sống đời sau thì chết là hết, con người sinh ra để mà chết. Cái chết là một điều phi lý, khó hiểu, nằm ngoài tầm hiểu biết của con người, đối diện với thần chết là mất tất cả: những gì ta là, những gì ta có, những gì ta hoài mong, những gì ta yêu thương tất cả đều rời bỏ ta khi ta nhắm mắt xuôi tay.

Đối với những người tin vào đời sau, chết không phải là hết, nhưng là điều kiện đi vào cuộc sống mới.

Phật giáo cho rằng, đời sống con người là một bánh xe luân hồi, kết thúc kiếp này con người sẽ đầu thai vào kiếp khác và cứ như vậy cho đến khi đạt tới cõi niết bàn, tức là đạt tới sự giải thoát tuyết đối khỏi mọi đau khổ, ràng buộc, khỏi mọi giới hạn và ra khỏi vòng luân hồi sinh tử.

Đối với chúng ta, là những Kitô hữu, ai trong chúng ta cũng xác tín rằng: chết không phải là hết, nhưng là cánh cửa mở ra để ta bước vào một cuộc sống mới, cuộc sống vĩnh cửu. Quả vậy, niềm tin chúng ta không phải là hảo huyền, nhưng được đặt trên nền tảng là Đức Kitô, Đấng là Thiên Chúa đã đến thế gian, sống kiếp phàm nhân và chịu chết vì chúng ta. Nhưng nhờ quyền năng của Thiên Chúa, Ngài đã phục sinh, đánh bại tử thần, và mở ra một kỉ nguyên mới cho những ai tin vào Ngài.

Thật vậy, qua Đức Kitô sự chết không còn là vực thẳm tối tăm nữa, nhưng được mặc lấy một ý nghĩa tích cực “đối với tôi sống là đức Kitô và chết là một mối lợi”. Mối lợi đây chính là sự hoàn tất nơi mỗi người trong cuộc hành trình với Đức Kitô, Đấng mà chúng ta hằng mong ước.

Như vậy, trong niềm tin vào Đức Kitô, chúng ta không có quan niệm chết là hết như những người vô thần hay chết là bước qua một kiếp sống khác như những tín đồ phật giáo, nhưng chết là được dìm vào trong cái chết của Đức Kitô, được cùng mai táng với Người và cùng được phục sinh với Người nhờ quyền năng của Thiên Chúa và sống một đời sống mới.

Lạy Chúa là Đấng đầy lòng thương xót, cậy vì công nghiệp của Đức Kitô Con Chúa, xin ban cho các linh hồn cha anh, ông bà, cha mẹ và những người thân yêu của chúng con đã qua đời sớm được hưởng tôn nhan Chúa trên Thiên đàng. Và xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng con, những người đang còn lữ bước trên trần gian để chúng con luôn luôn vững tin vào Đức Kitô mà đón nhận cái chết với niềm hy vọng sẽ được cùng với con Chúa chung hưởng hạnh phúc muôn đời. A men.

 

*****************

 

 7. Bài suy niệm của thầy M. Kim Teagon Chu Văn Thường.

Trong giây phút suy tư về sự sống của con người, nhạc sĩ Phanxicô đã chiêm niệm và viết nên ca khúc “Sự sống không mất nhưng chỉ đổi thay”. Ca khúc diễn tả niềm xác tín vững chắc của nhạc sĩ vào sự sống vĩnh hằng rằng: “Sự sống này chỉ thay đổi mà không mất đi, lúc con người nằm yên giấc ngủ, mắt nhắm lại rồi là thấy tương lai”. Vâng, nhạc sĩ Phanxicô đã nhìn thấy tương lai tràn đầy hy vọng nơi mầu nhiệm sự sống trong Thiên Chúa. Sự sống mà chỉ Thiên Chúa mới có, như lời phán quyết của Đức Kitô còn vang vọng: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”.

 

Kính thưa cộng đoàn

Chết là một trong những vấn nạn nhức nhối nơi con người. Khi nói đến chết là con người luôn luôn sợ hại, lo âu, đau đớn và khổ cực. Con người không bao giờ muốn đối diện với sự chết, vì chết đối với họ là chấm dứt hết tất cả. Những gì đã và đang làm là những gì đang dang dở và dở dang. Các triết gia hiện sinh vô thần cho rằng: “cái chết cũng vô lý như sự sống vậy”. Tuy nhiên, đối với các triết gia hiện sinh hữu thần thì: “cái chết chỉ là một chướng ngại vật có thể kích thích ta thực hiện một bước nhảy vào một thế giới siêu hình”. Theo Mạnh tử: “chết là hợp nhất với vũ trụ”. Hegel thì bảo: “chết là tan trong tinh thần tuyệt đối”. Triết gia Platon thì cho rằng: “chết là linh hồn được giải thoát khỏi nhà tù thân xác”. Còn trong niềm tin tôn giáo, Phật giáo nhìn nhận: “chết chỉ là sự sinh diệt, thăng trầm trong các hiện tượng, các pháp”; niềm tin Kitô giáo chúng ta xác tín: “chết là một mầu nhiệm trong mầu nhiệm của Thiên Chúa”.

Do đó, người kitô hữu luôn sống trong ý thức rằng: mình sẽ chết. Họ không coi sự chết là một cái gì bình thường. Với họ sự chết vẫn như một rạn vỡ, một bất toàn và trở nên như một định mệnh con người phải lãnh lấy. Bởi vì, cái chết chính là hậu qủa của tội lỗi, như thánh Phaolô trong thư Rôma đã minh chứng: “Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội” (Rm 5,12).

Vì thế, chết không phải là ý định của Thiên Chúa, nhưng là hậu qủa của tội lỗi nhân loại. Một hậu qủa lớn lao, khiến con người không thể  tự cứu nổi mình. Do đó, Chết trở thành định luật chung cho tất cả mọi người, không loại trừ một ai. Trong khi con người trở nên bất lực và bế tắc trước thân phận phải chết của mình thì Thiên Chúa đã can thiệp vào. Ngài đã ban chính Con Một  cho nhân loại để ai tin vào Người thì sẽ được cứu độ.

Thật vậy, nhờ được mạc khải, người Kitô hữu tin rằng: Đức Kitô khi xuống thế đã đảo lộn tình trạng bi đát của con người. Ngài đã lãnh lấy sự chết của loài người và đã chiến thắng sự chết bằng sự phục sinh.  Ngài đã đem lại một hy vọng mới cho con người: ngang qua sự chết, nhờ Đức Kitô, họ cũng sẽ được phục sinh để vĩnh viễn gặp gỡ Thiên Chúa.

Như vậy, đối với đức tin Kitô giáo, sự chết là một thất bại nhưng cũng là một sự chiến thắng, một đổ vỡ nhưng cũng là một sự viên mãn; sự chết chấm dứt đời sống trần thế nhưng cũng là đường dẫn vào đời sống vĩnh cửu. Vì vậy, khi đứng trước cái chết, chúng ta có thể xác quyết rằng, chết là bước vào mầu nhiệm thánh, mầu nhiệm sự chết và phục sinh với Đức Kitô, Đấng đã chết và phục sinh để đem sự sống mới, sự sống nơi Thiên Chúa.

 

Kính thưa cộng đoàn

Trước mắt chúng ta đang đứng là những nấm mộ đơn sơ của các cha anh, những người đã kết thúc cuộc đời bằng định luật của cái chết. Các ngài cũng đã đứng trước những nấm mộ như chúng ta bây giờ, các ngài cũng đã suy tư và chiêm niệm về cái chết và các ngài cũng đã đón nhận cái chết như là một mầu nhiệm trong mầu nhiệm của Thiên Chúa. Do đó, khi chúng ta đứng trước những nấm mộ này để suy niệm về kiếp nhân sinh là dịp chúng ta mở lòng đón nhận cái chết, để chúng ta gột rữa tâm hồn, con tim và những tội lỗi chúng ta, để chúng ta biết sống với một tâm hồn đơn sơ, biết đón nhận hết tất cả những gì đang biến chuyển của cuộc đời, để chúng ta sẵn sàng hiện diện với Chúa trong ngày Chúa gọi chúng ta về với Ngài.

Lạy Chúa, khi chúng con thắp nén hương lên mộ những người thân yêu của chúng con là chúng con muốn thắp lên ngọn lửa tình yêu đang rực cháy trong con tim chúng con. Chúng con tin Chúa là Cha giàu lòng thương xót và yêu thương đã dùng cây Thánh Giá của Con Chúa mà cứu chuộc loài người. Chúng con cậy vì công nghiệp của Con Chúa, là Đức Giêsu Kitô, xin Chúa thương cho các linh hồn cha anh chúng con, các linh hồn ông bà, cha mẹ, anh chị em, ân nhân, thân nhân và các linh hồn xin chúng con cầu nguyện được sớm chung hưởng thánh nhan Chúa muôn đời. Amen.

 

[1] X. Gv1, 2-9

[2] X. Gv3, 14

 

Tổng hợp: Hiền Lâm

Thiết kế Web : Châu Á