LỜI CHÚA

Suy niệm TM Thứ 5, Tuần VI Phục Sinh, C: NỖI BUỒN CỦA ANH EM SẼ TRỞ THÀNH NIỀM VUI

Trong niềm tín thác vào tình yêu cứu độ của Chúa, chúng ta có thể nở nụ cười và hát vang những lời ca của niềm vui, của hy vọng ngay cả khi chúng ta gặp khốn khó, đau thương trên hành trình theo Chúa.

 

NỖI BUỒN CỦA ANH EM SẼ TRỞ THÀNH NIỀM VUI

(Ga 16,16-20)

 

Viết Huy

 

Trong cuộc đời luôn tồn tại hai chiều kích trái ngược nhau như: Bóng tối và ánh sáng, hội ngộ và chia ly, đau khổ và hạnh phúc. Chính vì lẽ đó mà thường có những câu đại loại như: Cuộc vui nào rồi cũng sẽ tàn, cuộc hội ngộ nào rồi cũng sẽ chia ly, sau cơn mưa trời lại sáng, qua đau khổ sẽ đến vinh quang. Những câu nói này nhằm an ủi và khích lệ con người lạc quan để vươn lên, dầu có phải đối diện với muôn vàn thách đố, khổ đau.

 

Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan đề cập đến cuộc chia ly giữa Đức Giêsu và các môn đệ. Đã đến giờ, Đức Giêsu phải lên Giêrusalem hoàn thành sứ vụ chịu chết để cứu chộc nhân loại. Trong giây phút Thầy trò sắp xa nhau, Đức Giêsu tâm tình với các môn đệ: “Ít lâu nữa các con lại không thấy Thầy, ít lâu nữa các con lại được thấy Thấy” (c.16). Đức Giêsu báo trước cho các môn đệ về cái chết của Người, nhưng Người cũng an ủi các ông, vì các ông sẽ lại được gặp Người sau khi Người phục sinh, mặc dầu những lời này các môn đệ chưa hiểu; rồi Người nói tiếp: “Anh em sẽ khóc lóc than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng lỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (c.20). Những nỗi buồn được báo trước, nhưng liền sau đó là lời hứa nỗi buồn sẽ thành niềm vui.

 

Nhìn tổng quát toàn bộ hai câu trên, chúng ta thấy có sự liên kết và song hành. Câu: “Không thấy Thầy” song hành với “Nỗi buồn, khóc lóc than van”, còn câu: “Lại được thấy Thầy” song hành với “Niềm vui, hân hoan, hạnh phúc”. Sự song hành này mạc khải cho chúng ta một chân lý, đó là: Khi “không thấy Thầy”, có nghĩa là: không có Chúa hiện diện, đồng hành, chia sẻ, các môn đệ sống trong đau khổ, than van, thất vọng, sợ hãi. Điều này được chứng thực qua những sự kiện: Nỗi thất vọng của hai môn đệ trên đường Emmaus (x. Lc 24,13-24); sự hoang mang, sợ hãi xuất hiện nơi các môn đệ trong căn phòng đóng kín (x. Ga 20,19a). Trái lại, khi các ông “lại được thấy Thầy”, có nghĩa là: được Chúa hiện ra sau khi Người phục sinh, được Người chúc bình an, trao ban niềm vui phục sinh và có Chúa ở cùng, lòng các ông vui mừng hân hoan. Niềm vui được thấy Chúa phục sinh đã biến đổi nỗi buồn của các tông đồ thành niềm vui (x. Lc 24,41).

 

Tóm lại, khi tảng đá đã khép kín ngôi mộ, chẳng còn thấy Thầy nữa, thì các môn đệ buồn sầu, đau khổ và than khóc, còn thế gian và thủ lãnh của nó vui mừng vì chiến thắng; nhưng khi thấy Thầy sống lại hiện ra và hiện diện giữa các ông, cùng ăn cùng uống với các ông, lòng các ông bừng sáng, hân hoan và tràn ngập niềm vui. Một niềm vui vĩnh cửu và sâu thẳm trong tâm hồn, niềm vui không ai có thể lấy đi được, cho dù phải chịu đau khổ, hay bị bắt bớ (x. Cv 5,41). Đúng như lời Đức Giêsu đã nói với các ông: “Nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (c.20b).

 

Nhìn lại chặng đường “đời sống đức tin” của chúng ta, chúng ta nhận ra đâu đó hình ảnh của các tông đồ năm xưa trong cuộc đời mình. Chúng ta còn đó những lo âu, hoang mang, sợ hãi khi chúng ta thiếu niềm tin và lòng phó thác vào Chúa; còn đau khổ, thất vọng, chán nản là vì không cảm nghiệm được Chúa đang đồng hành và ở kề bên sẻ chia với mình; còn thấy cô đơn, lạc lõng, bất an là vì chúng ta chưa mở lòng ra để niềm vui Chúa Phục Sinh biến đổi. Nhưng tất cả nỗi buồn đó sẽ trở thành niềm vui, khi chúng ta cảm nếm được sự ngọt ngào của tình yêu Thiên Chúa, tìm lại được sự bình an trong tâm hồn khi chúng ta có Chúa, được nên một trong Chúa Phục Sinh khi chúng ta rước Chúa Thánh Thể và để Người biến đổi chúng ta.

 

Qua Tin mừng hôm nay, Chúa cũng nhắn nhủ chúng ta rằng: “Anh em lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui”. Sở dĩ chúng ta có thể vui mừng và hy vọng trong những biến cố đau thương của cuộc đời, là vì từ nay những biến cố đó sẽ không trở nên vô ích, nếu chúng ta kết hiệp nó vào đau khổ của Chúa Giêsu trên thập giá. Từ khổ nạn thập giá, Chúa đã tiến vào vinh quang phục sinh, thì cũng vậy, nếu ta chấp nhận dâng đau khổ của chúng ta cho Chúa, thì đau khổ đó có giá trị đưa chúng ta tới niềm vui phục sinh với Người.

 

Trong niềm tín thác vào tình yêu cứu độ của Chúa, chúng ta có thể nở nụ cười và hát vang những lời ca của niềm vui, của hy vọng ngay cả khi chúng ta gặp khốn khó, đau thương trên hành trình theo Chúa. Chúa đã phục sinh, thì chắc chắn những người tín thác nơi Chúa trong mọi hoàn cảnh đau thương của cuộc sống, cũng sẽ được hưởng niềm vui phục sinh với Người: “Nếu ta cùng chết với Đức Giêsu, thì ta cũng sẽ cùng được phục sinh với Người, đó là niềm tin của chúng ta” (Rm 6,8). Amen.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á