LỜI CHÚA

SUY NIỆM TIN MỪNG TUẦN V MÙA CHAY – năm B (Hiền Lâm)

Các bài suy niệm từ Chúa Nhật V Mùa Chay (năm B) đến hết Thứ Bảy tuần V Mùa Chay.

 

  

THỨ BẢY TUẦN V MÙA CHAY 

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 11,45-57 

Trong số những người Do-thái đến thăm cô Ma-ri-a và được chứng kiến việc Đức Giê-su làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người. Nhưng lại có những người đi gặp nhóm Pha-ri-sêu và kể cho họ những gì Đức Giê-su đã làm. Vậy các thượng tế và các người Pha-ri-sêu triệu tập Thượng Hội Đồng và nói: "Chúng ta phải làm gì đây? Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rô-ma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta." Một người trong Thượng Hội Đồng tên là Cai-pha, làm thượng tế năm ấy, nói rằng: "Các ông không hiểu gì cả, các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt." Điều đó, ông không tự mình nói ra, nhưng vì ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Đức Giê-su sắp phải chết thay cho dân, và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối. Từ ngày đó, họ quyết định giết Đức Giê-su. Vậy Đức Giê-su không đi lại công khai giữa người Do-thái nữa; nhưng từ nơi ấy, Người đến một vùng gần hoang địa, tới một thành gọi là Ép-ra-im. Người ở lại đó với các môn đệ.
Khi ấy sắp đến lễ Vượt Qua của người Do-thái. Từ miền quê, nhiều người lên Giê-ru-sa-lem để cử hành các nghi thức thanh tẩy dọn mình mừng lễ. Họ tìm Đức Giê-su và đứng trong Đền Thờ bàn tán với nhau: "Có thể ông ấy sẽ không lên dự lễ, các ông có nghĩ thế không? " Còn các thượng tế và người Pha-ri-sêu thì ra lệnh: ai biết được ông ấy ở đâu thì phải báo cho họ đến bắt.

  

II. GỢI Ý SUY NIỆM 

Bài Tin Mừng hôm nay nêu ra lý do mà Chúa Giêsu sẽ phải chịu tử nạn theo tính toán của giới cầm quyền Do-thái. Cái chết của Người làm tỏ lộ ý định nham hiểm của các thượng tế và người Pharisiêu, nhưng cũng qua cái chết của Chúa Giêsu mà ý định yêu thương của Thiên Chúa được tỏ bày: Chúa Giêsu không chỉ chết cho muôn dân mà còn để quy tụ muôn người về một mối.

Cuộc họp của giới cầm quyền Do-thái đưa ra những lo ngại rằng, nếu cứ để Chúa Giêsu làm phép lạ thì dân theo Người hết và quân Rôma sẽ đến phá hủy nơi thánh. Thời này, tuy bị đô hộ Rô-ma, nhưng do sự thỏa hiệp của phái Sa-đốc, nên giới cầm quyền được giữ lại những quyền lợi thuộc phạm vi tôn giáo, chỉ có dân đen là phải nai lưng đóng đủ loại thuế, vừa đóng theo luật tôn giáo vừa đóng cống nạp Rôma. Thế nên, cái lo ngại thực của giới cầm quyền tôn giáo không phải vì sợ mất nơi thánh, mà là mất chính cái ghế bù nhìn mà họ đang được hưởng.

Thượng tế Caipha đã nói toạc ra là: “Điều lợi cho các ông là dùng một người chết thay”. Phải, giết Chúa Giêsu thì sẽ không còn ai làm họ lao tâm khổ tứ vì lối sống tội lỗi của họ, cũng như có điểm mà báo cáo với Rôma. Như vậy, hai lý do quan trọng mà họ quyết giết Chúa Giêsu là một mũi tên nhắm hai đích: do sự ghen ghét và để lấy lòng Rôma nhằm được hưởng lợi.

Thế nhưng, theo cách viết của Tin Mừng thứ IV, Thiên Chúa lại làm phát sinh cứu độ qua sự tàn độc của con người: Con người giết Đức Giêsu nhưng đó lại là con đường cứu độ của Thiên Chúa, lưỡi đòng gian ác đâm thấu trái tim Chúa lại khơi nguồn tình yêu tha thứ… Đến nỗi trong đêm Phục Sinh Giáo Hội đã thốt lên: “Ôi, tội hồng phúc!”.

 

Theo cách chú giải này, Tin Mừng hôm nay đã coi lời nói vạch kế sách giết người của Caipha thành một lời tiên tri, và xa hơn nữa, không chỉ dừng lại trong phạm vi Do-thái mà là muôn dân được quy tụ trong ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô.

- Chúa Giêsu chết thay cho dân:

Xét về chính trị, Rôma sẽ xử những ai dám quy tụ dân chống lại họ và sẽ tàn phá đất nước dám khởi nghĩa. Chính vì thế, khi khép Chúa Giêsu vào tội nổi loạn, họ sẽ giết chết Người, và cứu được dân khỏi bị Rôma tàn sát. Tuy nhiên, trong ý định của Thiên Chúa, lại là ý định cứu độ: Chúa Giêsu chết để đập tan thần chết và để cứu dân khỏi tội lỗi.

- Cái chết của Chúa Giêsu quy tụ con cái Thiên Chúa tản mác khắp nơi về một mối:

Trong bài giảng về “mục tử nhân lành”, Chúa Giêsu từng nói: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử’ (Ga 10,16). Như vậy, sau cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá, một dân mới của Thiên Chúa được khai mở, không còn bị giới hạn trong dân tộc Israel nữa; con cháu của tổ phụ Abraham không chỉ thuộc huyết thống nữa mà là những ai tin vào Con Thiên Chúa; một cuộc tân sáng tạo bắt đầu, mọi Kitô hữu khắp nơi trên thế giới được sinh ra dưới chân thập giá và xuất phát từ cạnh sườn Chúa Giêsu. Sự sáng tạo ban đầu đã nhiệm lạ, thì ơn cứu độ còn lạ lùng biết bao.

 

Lạy Chúa Giêsu, Chúa có thể biến tội thành phúc và làm cho toan tính của con người lại trở thành đường lối cứu độ. Xin đập tan những ý định xấu xa tội lỗi của chúng con vào trong trái tim yêu thương của Chúa, để chúng con không vì những lợi ích thấp hèn mà bàn kế hại đến tha nhân. Amen.

Hiền Lâm

 

 

THỨ SÁU TUẦN V MÙA CHAY

I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 10,32-42

Người Do-thái lại lấy đá để ném Đức Giê-su. Người bảo họ: "Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm; vì việc nào mà các ông ném đá tôi? " Người Do-thái đáp: "Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa." Đức Giê-su bảo họ: "Trong Lề Luật các ông, đã chẳng có chép lời này sao: "Ta đã phán: các ngươi là những bậc thần thánh"? Nếu Lề Luật gọi những kẻ được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh, mà lời Kinh Thánh không thể bị huỷ bỏ, thì tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian, làm sao các ông lại bảo tôi: "Ông nói phạm thượng! vì tôi đã nói: "Tôi là Con Thiên Chúa"? Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi. Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó. Như vậy, các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng: Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha."
Bấy giờ họ lại tìm cách bắt Người, nhưng Người đã thoát khỏi tay họ.

Đức Giê-su lại ra đi, sang bên kia sông Gio-đan, đến chỗ trước kia ông Gio-an đã làm phép rửa, và Người ở lại đó. Nhiều người đến gặp Đức Giê-su. Họ bảo nhau: "Ông Gio-an đã không làm một dấu lạ nào cả, nhưng mọi điều ông ấy nói về người này đều đúng." Ở đó, nhiều người đã tin vào Đức Giê-su.

 

II. GỢI Ý SUY NIỆM

Mở đầu Bài Tin Mừng hôm nay nhắc ngay đến việc người Do-thái lượm đá ném Chúa Giêsu, vì họ cho rằng Người phạm thượng khi dám coi mình ngang hàng với Thiên Chúa.

Luật Do-thái cho phép ném đá sau khi toà tuyên án tử hình cho phạm nhân. Còn đây, những người nghe Chúa Giêsu đã ném đá trực tiếp vào Người mà không cần xét xử, điều này cho thấy sự phẫn nộ của họ đã lên tới cực đỉnh. Họ coi việc phạm thượng đến Thiên Chúa như một tội tiền kết, đủ chứng cớ để tử hình mà không phải xét xử nữa.

Đối với Do-thái giáo, Thiên Chúa là Đấng duy nhất và không có thần nào khác ngoài Người. Giới răn thứ nhất và thứ hai trong thập điều dạy thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất và danh Thiên Chúa là chí thánh đến nỗi không được gọi danh Người. Cho nên ai dám xưng mình là ngang hàng Thiên Chúa thì là một trọng tội trên hết mọi tội trọng khác.

Có thể nói, người Do-thái không sai khi phản ứng lại mầu nhiệm đồng bản tính với Thiên Chúa mà Chúa Giêsu rao giảng, vì toàn văn Thánh Kinh Cựu Ước (Luật và các Ngôn Sứ) không có một mặc khải minh nhiên nào về Thiên Chúa duy nhất Ba Ngôi. Thật vậy, mầu nhiệm “Một Chúa Ba Ngôi” chỉ được Chúa Giêsu là Đấng đến từ trời mặc khải cho nhân loại. Chính vì vậy, mà ở đây chúng ta không nói gì để lên án người Do-thái là cứng lòng tin, nhưng điều cần suy niệm hôm nay là ý thức nguồn gốc “con Thiên Chúa” của mình để sống sao cho xứng đáng, đồng thời tin tưởng vào Thiên Chúa qua những kỳ công Người thực hiện trong vũ trụ, trong con người và trong mỗi cuộc đời chúng ta.

1. Nguồn gốc thần linh.

Chúa Giêsu nhắc lại lời Thánh Vịnh 82 rằng: “Hết thảy các ngươi đây, đều là bậc thần thánh, là con Đấng Tối Cao” (Tv 82,6). Nói lên nguồn gốc con người có nguồn gốc thần linh, là con của Thiên Chúa. Mà đã là con thì không phải mang kiếp nô lệ.

Ở đây, ta không nhất thiết phải hiểu làm con theo kiểu “con vua thì lại làm vua”, nhưng cũng không sai, vì Chúa Giêsu đã cứu chuộc và cho con người được đồng thừa kế và hiển trị với Người.

Lại nữa, theo cách chú giải của thánh Augustino: “Chúa đã làm người để con người làm chúa”. Thánh nhân sử dụng chữ Domini và domini vừa có nghĩa là Chúa (viết hoa) vừa có nghĩa là ông chủ (viết thường). Như thế, nhờ công ơn cứu chuộc mà con người lãnh nhận, họ trở thành “vương đế”, nghĩa là làm chủ được chính mình trước tội lỗi, thế gian và ma quỷ.

2. Tin vào công việc Chúa làm.

Chúa Giêsu nói: “dù các ông không tin Tôi, ít ra cũng hãy tin các việc Tôi làm”.

Có vẻ như chính Chúa Giêsu cũng thừa nhận rằng, người Do-thái không thể tin được Người là một ngôi vị đồng bản thể với Thiên Chúa Cha, vì trong niềm tin của người Do-thái là độc thần, nên Người đành phải nại đến cớ “xem quả để biết cây” - nhìn những công việc Người thực hiện mà nhận ra quyền năng thiên tính của Người, mà cụ thể là chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền và phục sinh kẻ chết. Đặc biệt cách thực hiện của người không như các lang y, mà là ra lệnh cho mọi quyền lực ma quỷ, sự chết và tội lỗi phải tuân lệnh. Ngài dùng Lời sáng tạo để phục hồi: “hãy chỗi dậy, hãy sáng mắt, hãy ra khỏi người này…” giống như ngay từ lúc sáng tạo, Thiên Chúa phán: “hãy có ánh sáng,hãy có tinh tú…” và tức khắc xảy ra như vậy.

Thiên Chúa chưa ai thấy bao giờ, chính Chúa Giêsu đã khẳng định, con người chỉ biết có Thiên Chúa hiện hữu qua công trình sáng tạo, qua muôn kỳ công của Người, sự quan phòng của Người, và đặc biệt Người được mặc khải tròn đầy qua Chúa Giêsu Kitô. Người ta cũng nhận biết có Thiên Chúa qua Hội Thánh và qua các chứng nhân: vũ trụ sẽ ra sao nếu không có sự an bài của một quyền năng thượng trí sắp đặt, sự khôn ngoan ở đâu khi những con người ít học như các Tông Đồ mà lại trở nên lợi khẩu và làm những việc phi thường…

Với người vô thần thì tất cả chỉ là ngẫu nhiên và là những sự trùng hợp nào đó, đến nỗi những phép lạ hiển nhiên nơi Phatima, Lộ Đức… cũng chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên. Họ không tin có Thiên Chúa đã đành, họ cũng tìm cách chống chế những gì tốt đẹp mà Giáo Hội và mỗi người Công Giáo đã thực hiện.

Còn không ít người Công Giáo thì lại thích tin theo những cái “được coi là mạc khải tư” nào đó hơn là tin vào Chúa Giêsu là mặc khải tròn đầy về Thiên Chúa được ghi lại trong Thánh Kinh và kho tàng đức tin nơi Giáo Hội.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mọi người chúng con hôm nay biết ý thức vai trò làm con Thiên Chúa để sống cho xứng đáng là con thảo của Cha trên trời. Đồng thời luôn nhận ra Chúa hiện diện trong mọi kỳ công của vũ trụ, trong thế giới, trong con người và trong mọi biến cố cuộc đời. Amen.

Hiền Lâm

 

THỨ NĂM TUẦN V MÙA CHAY

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 8,51-59
Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông: ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết."
Người Do-thái liền nói: "Bây giờ, chúng tôi biết chắc là ông bị quỷ ám. Ông Áp-ra-ham đã chết, các ngôn sứ cũng vậy; thế mà ông lại nói: "Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.
Chẳng lẽ ông lại cao trọng hơn cha chúng tôi là ông Áp-ra-ham sao? Người đã chết, các ngôn sứ cũng đã chết. Ông tự coi mình là ai? " Đức Giê-su đáp: "Nếu tôi tôn vinh chính mình, vinh quang của tôi chẳng là gì cả. Đấng tôn vinh tôi chính là Cha tôi, Đấng mà các ông gọi là Thiên Chúa của các ông. Các ông không biết Người; còn tôi, tôi biết Người. Nếu tôi nói là tôi không biết Người, thì tôi cũng là kẻ nói dối như các ông. Nhưng tôi biết Người và giữ lời Người. Ông Áp-ra-ham là cha các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ."
Người Do-thái nói: "Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã thấy ông Áp-ra-ham! " Đức Giê-su đáp: "Thật, tôi bảo thật các ông: trước khi có ông Áp-ra-ham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu! "
Họ liền lượm đá để ném Người. Nhưng Đức Giê-su lánh đi và ra khỏi Đền Thờ.

 

II. GỢI Ý SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục diễn từ của Chúa Giêsu về chiều kích cứu độ. Những ngày qua, chúng ta đã suy niệm về chiều kích tự TỰ DO KHỎI LỀ LUẬT và TỰ DO KHỎI TỘI, hôm nay chúng ta suy niệm về chiều kích thứ ba là TỰ DO KHỎI CHẾT.
Để được tự do khỏi lề luật cần phải lấy luật yêu thương làm trọng (vượt qua cả sabát), để được tự do khỏi tội thì cần phải sống theo Sự Thật, và hôm nay để được tự do khỏi chết thì cần tuân giữ Lời của Chúa Giêsu.

 

Như thế nào là tự do khỏi chết?
Có lẽ trong chúng ta cũng không ít người có chung thắc mắc như người Do-thái xưa rằng: “Ông Áp-ra-ham đã chết, các ngôn sứ cũng vậy; thế mà ông lại nói: "Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết?”. 
Có lẽ để giải thích vấn đề này, mọi người chúng ta sẽ nghĩ ngay rằng đó là Chúa Giêsu nói đến cái chết linh hồn, nghĩa là không được vào cõi vĩnh hằng. 
Điều đó đúng, nhưng cách mà Chúa Giêsu nói hôm nay, mang một ý nghĩa biểu tượng gần hơn với tương lai xa mà chúng ta suy nghĩ. Khi giải thích: để được tự do khỏi tội thì cần sống trong sự thật vì sự thật sẽ giải phóng anh em, Chúa Giêsu cũng tuyên bố Người chính là Sự Thật. Thì nay khi giải thích để được tự do khỏi chết thì cần giữ Lời, mà Lời đó chính là Chúa Giêsu, là Logos, là Ngôi Lời và Lời chính là Sự Sống.
Với cách viết ảnh hưởng của triết học Hi-lạp về Logos, Tin Mừng thứ IV dùng chữ Logos (Lời) để chỉ Chúa Giêsu, nhưng Logos ở đây là một ngôi vị đồng bản tính với Thiên Chúa. Như vậy, nhiệm ý của câu nói: “Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết?”, nghĩa là ai có Lời thì không chết, hoặc ai có Chúa Giêsu thì được sống vì chính Người là Sự sống.
Đến đây ta có thể hiểu được hạn từ “chết” và “sống” mà Chúa Giêsu dạy trong Tin Mừng hôm nay: Khi con người không có Lời trong mình, thì con người không có Sự Sống và không có Tình Yêu, mà không có sự sống thì cũng có nghĩa là chết. Sống đối lập với chết. Con người bị cái chết trói buộc khi nằm yên trong tội, khi không có lòng yêu thương, khi không phát triển đạo đức, không rao giảng Lời… Một cái xác chết thì nằm một chỗ bất động, thì người nằm yên một chỗ và không có sự tiến tới trong nhân đức, không dấn thân, khư khư giữ lấy mặt chữ của luật đã lỗi thời, ngủ yên trong tội thì có khác gì đã chết. Trái lại, người có Lời là Lời Sự Sống và Tình Yêu thì sống động, tiến tới và dấn thân theo luật Tin Mừng để đến với tha nhân.

 

Lạy Chúa Giêsu, Lời Chúa thì sống động, có Chúa trong tâm hồn thì chúng con nên sáng láng, sống động và vui tươi, còn không có Chúa thì chúng con chỉ là cái xác chết tối tăm và bất động. Xin cho chúng con biết mở rộng lòng để Chúa đến ở trong và ở với chúng con, để chúng con thật sự sống và sống động trong tình yêu dành cho Chúa và tha nhân. Amen

Hiền Lâm

 

 

SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ TƯ TUẦN V MÙA CHAY

LỄ TRUYỀN TIN

 

I. BÀI TIN MỪNG: Lc 1, 26-38
Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.
Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà." Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.
Sứ thần liền nói: "Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận."
Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng! "
Sứ thần đáp: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được."
Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói." Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

 

II. GỢI Ý SUY NIỆM

XIN VÂNG

Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật về một cuộc đối thoại quan trọng nhất cho vận mạng loài người - cuộc đối thoại giữa Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel với cô thôn nữ làng Nazareth là Đức Maria.
Cuộc truyền tin này mang một ý nghĩa sống còn khi tạo vật nín thở chờ tiếng “xin vâng” của Đức Maria để Con Thiên Chúa nhập thể đi vào trần gian.
Nơi biến cố này, chúng ta có nhiều điểm đặc biệt để suy tư, như: “Nữ Tỳ Khiêm Hạ, Đấng Đầy Ơn Phúc, Đấng đầy Thánh Thần và đặc biệt là lời “Xin Vâng” của Mẹ.

 

1. Đầy ân sủng.
Ân sủng (kharis) - Kêkharitomênê: là tính từ thụ động trở thành danh từ: Đấng lấp đầy ân sủng. Từ sau lời chào: “Mừng vui lên, hỡi Bà đầy ân sủng”, Đức Maria được mang tên là Đấng Đầy Ân Sủng.
Lời chào của thiên sứ Gabriel đã dứt khoát đưa Đức Maria vào mầu nhiệm Chúa Kitô, vào khởi nguyên mới của thời kỳ cứu độ đã đến. Sau lời công bố “Bà đầy ơn phúc”, thiên sứ còn cúi chào “con người được chúc phúc giữa các phụ nữ” (x. Lc 1, 42), điều này làm nổi bật lời chúc lành của Thiên Chúa Cha mà thánh Phaolô viết cho chúng ta trong thư Êphêsô: “Trong Đức Kitô, từ cõi trời Người đã thi ân giáng phúc, cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần” (Ep 1, 3). Đó là “lời chúc lành linh thiêng mang tính chất đầy tràn và phổ quát xuất phát từ tình yêu nối kết Chúa Con đồng bản thể với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần. Đồng thời đó cũng là lời chúc lành được tuôn đổ qua Đức Kitô Giêsu đến cho mọi người trong lịch sử nhân loại.
Đặc ân “đầy ơn phúc” cũng hướng đến toàn bộ hồng ân siêu nhiên mà Đức Maria đã lãnh nhận, chỉ vì Mẹ được tuyển chọn và được xác định làm Thân Mẫu Chúa Kitô, và sự tuyển chọn này có thể nói là độc nhất và phi thường, đưa đến đặc tính duy nhất của vị trí Đức Maria trong mầu nhiệm Chúa Kitô cứu độ. Nhờ ân sủng sung mãn của Người Con chí ái, dựa vào công nghiệp cứu độ của Đấng trở thành con của mình, Đức Maria đã được gìn giữ khỏi mọi tỳ ố của nguyên tội. Như thế, ngay từ giây phút đầu tiên thành thai, ngay lúc khởi đầu hiện hữu, Đức Maria thuộc về Đức Kitô, được thông phần vào ân sủng cứu độ và thánh hoá, và vào tình yêu xuất phát từ Người Con yêu dấu của Chúa Cha, Đấng qua mầu nhiệm Nhập Thể đã trở thành Con của Mẹ.
Đức Maria được “đầy ân sủng” vì việc nhập thể của Ngôi Lời: sự liên kết của Con Thiên Chúa với nhân tính trong một bản vị được thực hiện và hoàn tất nơi Mẹ. Như công đồng Vaticano II khẳng định: “Đức Maria là Mẹ Con Thiên Chúa, do đó là Nữ Tử yêu dấu của Chúa Cha và là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Nhờ lãnh nhận ân sủng vô cùng cao quí, Mẹ đã trổi vượt mọi tạo vật khác trên trời dưới đất”.

 

2. Khiêm hạ.
“Này tôi là nữ tỳ của Chúa” (Lc 1, 38a). Đức Maria muốn sống đúng ơn gọi của mình trước Thiên Chúa. Đó là ơn gọi của người nữ tỳ như Mẹ đã đáp lại lời thiên sứ tuyền tin. Chính sự khiêm hạ trước Thiên Chúa và loài người mà Đức Maria đã lôi cuốn tình yêu Thiên Chúa. Mẹ biết mình được Thiên Chúa yêu thương, nhưng không phải do công phúc của mình mà do lòng từ bi của Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã đoái thương nhìn đến phận thấp hèn nữ tỳ của Người” (kinh Magnificat).
Đức Giêsu nhận mình là Đấng thiên sai khiêm tốn, và sự khiêm tốn là châm ngôn sống của Người. Người đã dạy về vẻ đẹp của sự khiêm tốn chân thật. Người mời gọi các môn đệ “Hãy học cùng Ta” không phải là các phép lạ, hay những chuyện phi thường tạo dựng thế giới, mà là học “hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11, 29). Đức Maria đã học được bài học đó từ trời, linh hồn của Mẹ đã hít thở sự khiêm tốn đó bởi Thánh Thần của Thiên Chúa. Thánh Bernard nói: “Mẹ Maria đã làm hài lòng Thiên Chúa bởi đức trinh khiết của Mẹ, nhưng bởi sự khiêm nhường Mẹ đã thụ thai Người”. Sự khiêm tốn của Đức Maria đã kéo Ngôi Lời Thiên Chúa từ bên hữu của Chúa Cha xuống với vực sâu hư vô của nhân loại mà cứu vớt nhân loại.
Có thể nói, dù vô tội, nhưng Đức Maria là người khiêm tốn nhất trong các thụ tạo của Thiên Chúa. Trong giây phút hệ trọng nhất của sự truyền tin, Đức Maria đã làm hài lòng Thiên Chúa ngay khi Người được tán tụng, Người liền tuyên xưng mình chỉ là tôi tớ của Thiên Chúa: “Này tôi là tôi tớ Chúa” (Lc 1, 38).

 

3. Vâng phục (fiat).
Đức Maria nhận ra ý muốn của Đấng Toàn Năng trong lời thiên sứ và tùng phục quyền năng của Người, Mẹ đáp lại: “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38).
Như thế, Mẹ đã ưng thuận sự lựa chọn của Thiên Chúa, để nhờ Chúa Thánh Thần, trở thành Mẹ của Thiên Chúa, vì Mẹ được hướng dẫn bởi tình yêu hoàn toàn “tận hiến” cho Thiên Chúa một con người nhân bản, để cộng tác trọn vẹn mối hiệp thông vào chương trình cứu độ.
- Lời xin vâng – xác tín: Lời “xin vâng” không chỉ nói lên sự khiêm nhường và vâng phục cách đơn thuần, nhưng còn hơn thế nữa, Người xác tín và hoàn toàn đồng ý với chương trình của Thiên Chúa, nghĩa là “ngay bây giờ sẽ thụ thai”, mà Giuse không biết gì cả. Khi chấp nhận chương trình của Thiên Chúa, thụ thai để làm Mẹ Đấng Cứu Độ, Đức Maria biết rất rõ sự nguy hiểm đang chờ đón mình là có thể mất mạng vì luật Môsê sẽ ném đá thiếu nữ đã đính hôn mà có thai ngoài hôn nhân (x. Đnl 22, 22- 23).
- Lời xin vâng – phó thác: Tiếng “xin vâng” là một tiếng can đảm vâng phục, tin tưởng phó thác cả mạng sống vào tay Thiên Chúa và tiếng “xin vâng” đó sẽ theo suốt cuộc đời của Đức Maria cho đến cây thập giá. Âm thầm chấp nhận tất cả, vì chương trình của Thiên Chúa.
- Lời xin vâng - tự do: Tuy nhiên, cũng cần hiểu đúng trong sự “xin vâng” của Đức Maria chất chứa hoàn toàn với tất cả ý thức và tự do, Người được thiên sứ Gabriel giải thích ý nghĩa công trình của Thiên Chúa muốn được thực hiện nơi con người của Mẹ. Thật vậy, ý định của Thiên Chúa luôn được thi hành và chương trình của Thiên Chúa luôn được thực hiện, nhưng không phải bằng cách cưỡng bách hay ép buộc. Thiên Chúa không sử dụng con người như những “con tốt” trên bàn cờ hay như những vật vô tri trong vũ trụ, nhưng ban cho con người tự do -là điều quí giá nhất trong tình yêu- Cũng thế, Đức Maria, với cả “nhân vị” của mình, Người đã thưa tiếng “xin vâng” với sự cộng tác cao nhất, trong sự tự do và trách nhiệm, cùng với một tình yêu không mức độ.

Như vậy, qua lời “xin vâng”, Đức Maria để lại cho chúng ta một mẫu gương chói ngời về sự vâng phục và tín thác hoàn toàn trong tay Thiên Chúa, với cả ý thức tự do tận hiến cho Chúa. Mẹ trở thành một khí cụ tuyệt hảo trong tay Thiên Chúa để ban ơn cứu độ cho nhân loại. Mẹ đã qui về Thiên Chúa tất cả mọi đặc ân và vinh quang nhận được, khiêm tốn nhìn nhận mình là “nữ tỳ hèn mọn” và tất cả là do Thiên Chúa. Đặc biệt Mẹ đã can đảm thưa tiếng “xin vâng” để suốt cuộc đời âm thầm chấp nhận phó thác mình cho Thiên Chúa hầu cộng tác cứu độ loài người.

Lạy Mẹ Maria, xin mẹ cầu bầu cho chúng con luôn bước đi trong ân sủng, khiêm tốn qui hướng mọi sự về cho Thiên Chúa và không tự phụ về những thành công mình đạt được. Đặc biệt, luôn phó thác hoàn toàn cho Thiên Chuá trong sự vâng phục thánh ý Người, để nên hiến lễ hằng ngày dâng lên Thiên Chúa hầu mưu ích cho các linh hồn. Amen

Hiền Lâm

 

 

THỨ BA TUẦN V MÙA CHAY

I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 8,21-30
Đức Giê-su lại nói với người Do-thái: "Tôi ra đi, các ông sẽ tìm tôi, và các ông sẽ mang tội mình mà chết. Nơi tôi đi, các ông không thể đến được." Người Do-thái mới nói: "Ông ấy sẽ tự tử hay sao mà lại nói: "Nơi tôi đi, các ông không thể đến được"? " Người bảo họ: "Các ông bởi hạ giới; còn tôi, tôi bởi thượng giới. Các ông thuộc về thế gian này; còn tôi, tôi không thuộc về thế gian này. Tôi đã nói với các ông là các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết. Thật vậy, nếu các ông không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết."Họ liền hỏi Người: "Ông là ai? " Đức Giê-su đáp: "Hoàn toàn đúng như tôi vừa nói với các ông đó. Tôi còn có nhiều điều phải nói và xét đoán về các ông. Nhưng Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật; còn tôi, tôi nói lại cho thế gian những điều tôi đã nghe Người nói." Họ không hiểu là Đức Giê-su nói với họ về Chúa Cha. Người bảo họ: "Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu, và biết tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy. Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi; Người không để tôi cô độc, vì tôi hằng làm những điều đẹp ý Người." Khi Đức Giê-su nói thế, thì có nhiều kẻ tin vào Người.

II. GỢI Ý SUY NIỆM
“Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ sẽ biết Tôi Hằng Hữu”
Sử dụng ngôn ngữ biểu tượng, bài Tin Mừng hôm nay là lời tiên báo của Chúa Giêsu về cuộc khổ nạn của Người sắp chịu. Khác với ba lần nơi các Tin Mừng Nhất Lãm tiên báo cái chết một cách rõ ràng là Chúa Giêsu sẽ lên Giêrusalem chịu khổ nạn, thì Tin Mừng Thứ IV cũng tiên báo ba lần với cách nói: “Con Người được “giương cao lên” (x.Ga 3,14; 8,28; 12,32).

Con Người được giương cao lên, nghĩa là Chúa Giêsu sẽ phải bị treo lên trên thập giá, để nhờ công ơn Cứu Chuộc qua khổ giá, mà Người nâng mọi người lên cao khỏi thế gian, nâng cao lên cõi Trời với Người.
Theo chiều ngang, với cách nói nơi Tin Mừng Nhất Lãm rằng ai muốn theo Chúa thì hãy bỏ mình, vác thập giá mà theo. Còn theo chiều dọc, Tin Mừng Thứ IV lại nói theo chiều đi lên, không chỉ vác mà còn phải được treo lên, nghĩa là phải cùng đóng đinh chính mình vào thập giá như Thầy.
Như vậy, dù “đi theo” hay “treo lên”, thì Kitô hữu cũng chung một phương thế duy nhất là phải qua thập giá mới đạt đến ơn Cứu Độ.

Điều lạ lùng mà Chúa Giêsu nói hôm nay là: "Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu”. Tại sao lại khi Người bị treo lên khổ giá thì lại là lúc Người “Có”? Có cái gì? Với cách dùng ngôn ngữ biểu tượng, văn chương Gioan khẳng định, Chúa Giêsu chỉ thật sự là hằng hữu khi Người chấp nhận “bị giương cao lên”, Thiên Chúa của người Kitô hữu phải là một Thiên Chúa chịu đóng đinh, “Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ". Thật vậy, sứ mạng thiên sai của Chúa Giêsu đến là để dùng thập giá mà cứu chuộc thế gian. Đó là niềm hy vọng lớn lao của nhân loại.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã được sai đến thế gian là để cứu độ thế gian chứ không phải lên án thế gian. Xin cũng sai chúng con đến với mọi người, cho họ sự cứu vớt, chứ không phải đến để lên án đồng loại. Amen.

Hiền Lâm

 

 

THỨ HAI TUẦN V MÙA CHAY

I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 8,1-11
Khi ấy, Đức Giê-su đến núi Ô-liu.
Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Người: "Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao? " Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi." Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì đứng ở giữa.Người ngẩng lên và nói: "Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao? " Người đàn bà đáp: "Thưa ông, không có ai cả." Đức Giê-su nói: "Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa! "

 

II. GỢI Ý SUY NIỆM

Hôm nay, các kinh sư và người Pharisêu sử dụng nguyên lý triệt tam để tung ra một đòn quyết định, đặt Chúa Giêsu vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan, mà nếu Người ngả theo phía nào thì họ cũng có cái cớ để tố cáo Người. Họ đưa đến trước mặt Chúa Giêsu một người phụ nữ phạm tội ngoại tình, rồi hỏi Người sẽ xử lý thế nào khi luật Môsê dạy phải ném đá chết. Cái bẫy của họ gài vào là nếu Chúa Giêsu nói không thì họ kết án Chúa lỗi luật Môsê, còn nếu Người nói có thì họ sẽ có cớ phản bác trái với luật yêu thương mà Người giảng dạy.
Mưu kế này cũng tương tự như họ gài bẫy Chúa Giêsu vào vấn đề nộp thuế cho Xêda. Tuy nhiên,cái trí nham hiểm của con người làm sao gây khó được cho Đấng là Thượng Trí vô song. Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp với họ, nhưng với một lời nói của Người đã đặt các kinh sư và người Pharisêu vào một sự chất vấn của lương tâm và phơi bày lòng dạ khi đối diện với Đấng thấu suốt mọi sự: “Ai trong các ngươi sạch tội thì hãy lấy đá mà ném trước đi”. Cuối cùng họ lặng lẽ rút êm, bắt đầu từ người lớn tuổi nhất. Như thế, với một lời chất vấn nhẹ nhàng của Chúa Giêsu, chính những người Pharisiêu hả hê tưởng rằng họ gài bẫy được Chúa Giêsu, thì chính họ lại rơi vào tình trạng bế tắc và lủi thủi rút đi bắt đầu từ những đầu sỏ bạc đầu.

 

Ảnh hưởng từ lối xử tử thời sơ khai, luật Do-thái áp dụng hình phạt tử hình thật tàn độc và man rợ. Họ tập trung ném đá một đồng loại cho tới chết mà không gớm tay. Ai cũng mang trong mình những tội lỗi nặng nề, nhưng lại xử thẳng tay một tội nhân khi họ bắt gặp. “Việc mình thì quáng nhưng việc người thì sáng, chân mình thì lấm lê mê, lại cầm bó đuốc đi rê chân người…”
Thiên Chúa thì yêu thương cứu vớt, nhưng con người thì lại loại trừ lẫn nhau. Khi Chúa Giêsu chấn vấn họ, họ đã bỏ đi vì Chúa đã đánh thẳng vào chính cái tâm địa giả hình của họ và vạch trần lòng dạ họ cũng đầy tội lỗi bê tha.

 

Câu chuyện “người phụ nữ ngoại tình hôm nay” là minh hoạ quan trọng cho thần học về SỰ CÔNG CHÍNH HÓA. Công chính hóa xét theo nghĩa chặt, là khi đứng trước mặt Chúa, con người chứng minh được mình vô tội. Điều này không thể có được, cụ thể là như hôm nay, đối diện với sự thánh thiện tuyệt đối nơi Chúa Giêsu, những người kinh sư và Pharisêu được coi là ưu tuyển đối với người Do-thái đã phải rút lui vì nhận ra mình cũng đầy tội lỗi.
Vì vậy, sự công chính hóa của con người chỉ có được khi nhờ ơn cứu chuộc của Đức Kitô, chứ không thể do sức riêng của mình. Tác giả Tin Mừng hôm nay đã chơi chữ rất hay rằng: “Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì ĐỨNG Ở GIỮA” (Ga 8,9). Khi mọi người đi hết, tại sao người phụ nữ lại đứng ở giữa lúc chỉ còn lại một mình Chúa Giêsu? Nếu như trước đó, chị ta đứng ở giữa những người gian ác tội lỗi vây quanh, thì bây giờ, chỉ còn mình Chúa Giêsu, chị đang đứng ở giữa tình thương vô bờ bến của Thiên Chúa đang tha thứ cho chị, mời gọi chị trở về và đừng phạm tội nữa.
Đứng ở giữa vòng vây tội lỗi là cái chết, nhưng đứng ở giữa tình thương của Chúa Giêsu là được cứu sống.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết khiêm tốn nhận ra mình cũng đầy tội lỗi, để chúng con không kết án loại trừ những tội nhân. Xin cũng cho chúng con học lấy tấm lòng trắc ẩn của Chúa mà cứu vớt những ai lầm lỗi, đưa họ về cho Chúa. Amen.

 

Hiền Lâm.

 

 

 

CHÚA NHẬT V MÙA CHAY – năm B

I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 12, 20-33

Khi ấy, trong số những người lên dự lễ, có mấy người Hy-lạp. Họ đến gặp Philipphê quê ở Bêtania, xứ Galilêa, và nói với ông rằng: "Thưa ngài, chúng tôi muốn gặp Ðức Giêsu". Philip-phê đi nói với Anrê, rồi Anrê và Philipphê đến thưa Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đáp: "Ðã đến giờ Con Người được tôn vinh. Quả thật, quả thật, Ta nói với các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó. Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến, và biết nói gì? Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ này. Nhưng chính vì thế mà Con đã đến trong giờ này. Lạy Cha, xin hãy làm vinh danh Cha". Lúc đó có tiếng từ trời phán: "Ta đã làm vinh danh Ta và Ta còn làm vinh danh Ta nữa". Ðám đông đứng đó nghe thấy và nói đó là tiếng sấm. Kẻ khác lại rằng: "Một thiên thần nói với Ngài". Chúa Giêsu đáp: "Tiếng đó phán ra không phải vì Ta, nhưng vì các ngươi. Chính bây giờ là lúc thế gian bị xét xử, bây giờ là lúc thủ lãnh thế gian bị khai trừ và khi nào Ta chịu đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta". Người nói thế để chỉ Người phải chết cách nào.

 

II GỢI Ý SUY NIỆM

GIỜ ĐÃ TỚI...

Bài Tin Mừng hôm nay đặt trong bối cảnh gần dịp Lễ Vượt Qua, khi mà sự căm ghét của giới lãnh đạo Do-thái đối với Chúa Giê-su lúc bấy giờ đã lên tới cực đỉnh. Thế nhưng, Chúa Giê-su không nao núng hoặc thoái lui, trái lại Người nhắc lại chân lý “qua thập giá tới vinh quang” qua hình ảnh “hạt lúa rơi vào lòng đất phải mục nát đi mới sinh bông hạt”. Đồng Chúa Giê-su khẳng định “Giờ của Người” đã tới, giờ Người sẵn sang đối diện với cuộc tử nạn, giờ  “Người phải được treo lên” để cứu độ.

 

1. Như hạt lúa mục nát đi…

Theo định luật tự nhiên, mọi vật đều đi qua giai đoạn “đề, phản đề và hợp đề”; tựa như hạt giống gieo xuống nếu không mục nát để đâm chồi nảy lộc thì nó chỉ trơ trọi; con người cần phải nỗ lực làm việc mới mong phát triển…

Hạt giống phải mục nát đi mới sinh nhiều bông hạt. Điều này đúng đối với đời sống tự nhiên của con người. Mục nát ở đây có nghĩa là phải chịu vất vả khó nhọc. Người nông dân muốn có một mùa gặt bội thu, phải thức khuya dậy sớm, dầm mưa dãi nắng chăm chỉ cầy bừa. Người học sinh muốn đỗ đạt vinh quang, phải từ bỏ những giờ vui chơi với bạn bè, đêm đêm chong đèn miệt mài kinh sử.

Về đời sống tâm lý và đời sống thiêng liêng cũng thế, khi người ta chỉ sống cho mình, không cho đi, thì mối liên hệ với người khác sẽ bị cằn cỗi, và đời sống liêng liêng sẽ không được vươn lên, và ngược lại, chỉ khi trao ban mới được nhận lãnh.  Hạt giống phải mục nát đi mới sinh nhiều bông hạt, mục nát đi trong đời sống thiêng liêng có nghĩa là chết cho tội lỗi, từ bỏ bản thân, từ bỏ ý riêng mình.

Hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy cùng với Ngài chuyển hoá đời mình như thế.

“Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.”

Phải, nếu hạt lúa được giữ nguyên trong kho, được bảo quản kỹ càng, thì nó chỉ là hạt lúa trơ trọi, một hạt lúa cô đơn, một hạt lúa chết dần mòn. Còn hạt lúa nào chịu huỷ mình đi trong ruộng sình sẽ vươn lên phơi phới và sinh được gấp trăm.

Quy luật sinh tồn là thế: chỉ khi cho đi, mới là lúc được nhận lại dồi dào; chính khi hiến mình là lúc nhận lại bản thân. Vì thế, khi sắp chịu huỷ mình trên thập giá và chịu mai táng trong mộ, Chúa Giêsu gọi đó là giờ Người được tôn vinh: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh!” (Ga 12, 23).

Vì vậy, để chia sẻ sự sống mới với Đức Kitô, con người phải đi theo tiến trình của kiếp sống con người: sinh lão bệnh tử;  tín hữu phải sẵn sàng chết đi cho tội lỗi, chết đi cho tính mê nết xấu, chết đi cho tính tham lam ích kỷ, chết đi cho tính thù hằn giận ghét, chết đi cho tính kiêu căng tự phụ, chết đi cho thái độ sống chết mặc bay để có thể được tham dự vào đời sống mới với Đức Kitô.

Chết cho tội lỗi là dứt lìa những dục vọng đam mê trái luật Chúa. Chết cho tội lỗi là quyết tâm lánh xa những con người, những đồ vật, những nơi chốn lôi kéo mình phạm tội. Những con người ấy, những đồ vật ấy, những nơi chốn ấy như gắn chặt vào mình, như là một phần đời sống của mình. Dứt bỏ những con người ấy, những đồ vật ấy, những nơi chốn ấy khiến mình đau đớn như chết đi một phần đời mình. Đó là những mất mát to lớn. Nhưng nếu biết chấp nhận những “cái mất” hiện tại, thì sẽ có những “cái được” trong tương lại, dám chấp nhận những “cái mất” chóng qua sẽ có những “cái được” vĩnh cửu. mất bản thân mình để được chính Chúa, mất điều tầm thường để được điều cao cả, mất trần gian để được thiên đàng... Nói tóm lại chỉ khi nào người ta tham dự vào cuộc hi sinh khổ hình của Chúa, thì mới có thể chia sẻ cuộc phục sinh vinh hiển với Người (2 Tim 2,11).

 

2. Chính vì giờ này mà Con đã đến.

Một trong những nét riêng trong Tin Mừng Mừng Gioan là “thần học về Giờ”.  Chúa Giêsu nhiều lần nói về “Giờ của Người”. Người nói về giờ này  trong suốt sứ vụ công khai của Người. Nhưng Người luôn luôn nói như thể giờ đó chưa xảy đến. Tuy nhiên, trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Người lại nói rằng cuối cùng, giờ đó sắp diễn ra. Đó là giờ chết của Người. Đó là giờ mà Người tự trao ban chính bản thân Người, như một sự hy sinh trọn vẹn thân mình Người vì chúng ta. Giờ mà Chúa Giê-su đã tiên báo lần đầu tiên, khi xuất hiện trước quần chúng tại tiệc cưới Cana. Giờ mà Người vẫn mong chờ trong suốt ba năm giảng dạy. Chính vì thế, bây giờ là lúc Người hoàn thành sứ mạng cao cả và phổ quát để hoàn tất chương trình cứu độ.

Với Chúa Giêsu, giờ của Chúa là giờ của Cuộc Thương Khó, giây phút vinh quang là giây phút chịu khổ nạn trên thập giá. Giây phút Chúa Giêsu được treo trên thập giá là giây phút Người bước lên Ngôi Báu của Người. Giờ “Con Người được giương cao lên”, nghĩa là Chúa Giêsu sẽ phải bị treo lên trên thập giá, để nhờ công ơn Cứu Chuộc qua khổ giá, mà Người nâng mọi người lên cao khỏi thế gian, nâng cao lên cõi Trời với Người.

 

Tuy nhiên, theo quan điểm trần thế, thì đó là một giờ phút của thất bại. Tệ hại hơn, người ta còn coi như đó là giây phút của ô nhục và đáng khinh miệt. Nhưng bằng cách cho Người sống lại từ cõi chết, Thiên Chúa Cha đã biến chuyển thành giây phút của chiến thắng đối với Chúa Giêsu, và một giây phút của ân sủng đối với chúng ta. Đây là giây phút cao quí nhất của Đức Giêsu. Đây là giây phút mà tất cả những gì Người đã thực hiện trên trần thế đều được hoàn tất. Tất cả cuộc đời của Người đều đưa dẫn và chuẩn bị cho Người đến với giây phút này.

Thế nhưng, thập giá không phải là một cái gì thơ mộng, ngọt ngào, nhưng là một cái gì cay đắng ê chề. Nên Chúa Giêsu cũng đã từng hoang mang và run sợ, mà cất lên tiếng cầu nguyện: Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ này, nhưng cũng chính vì giờ này mà Con đã đến”. Tác giả thư gửi tín hữu Do-thái trong bài đọc hai cũng đã xác định điều này: “Khi còn sống ở đời này, Chúa Kitô đã lớn tiếng và rơi lệ dâng lời cầu xin khấn nguyện lên Đấng có thể cứu Người khỏi chết, và vì lòng thành tín, Người đã được nhậm lời. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người đã chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những ai vâng phục Người” (Dt 5:7-9).

Đó là một sự chấp nhận thật can đảm. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu vừa là một tiếng xin vâng, vừa là một tâm tình phó thác cho Chúa Cha, Đấng sẽ biến cái chết của Chúa Giê-su thành sự phục sinh vinh quang.

Trọn cuộc nhân sinh, mọi Ki-tô hữu đều phải đối diện với những “giờ” khắc quyết định, giờ hấp hối trước những đau khổ nghịch cảnh, và đặc biệt giờ cuối cùng đối diện với cái chết, thì Ki-tô hữu cần biết dâng lên Chúa Cha lời khẩn cầu của Chúa Giê-su, xin vâng theo ý Chúa, và ý thức đó là thời khắc của ơn cứu độ.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết chấp nhận được giương cao lên, là chấp nhận đóng con người tội lỗi của mình vào thập giá Chúa, để sau khi chết đi cho tội lỗi, chúng con được trở nên con người mới. Xin cho chúng con cũng biết “giương cao lên” là vượt lên trên mọi sự thấp hèn xấu xa của thế gian, để sống cho Chúa và cho mọi người. Amen.

 

Hiền Lâm

Thiết kế Web : Châu Á